Bệnh Suy Dinh Dưỡng
Suy dinh dưỡng là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng toàn cầu, ảnh hưởng đến hàng triệu dân số trên thế giới. Tình trạng này xảy ra do chế độ ăn uống thiếu hụt hoặc dư thừa các chất dinh dưỡng thiết yếu. Điều trị suy dinh dưỡng cần được thực hiện càng sớm càng tốt để cải thiện triệu chứng, phục hồi dinh dưỡng và ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm.
Tổng quan
Suy dinh dưỡng (Malnutrition) là tình trạng cơ thể không nhận đủ hoặc nhận dư thừa lượng chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì các hoạt động của các mô, cơ quan trong cơ thể. Bao gồm sự thiếu hụt hoặc vắng mặt các chất như calo, carbohydrate, chất béo, protein, các loại vitamin & khoáng chất (A, B, C, D, sắt, kẽm, canxi, folate, iốt, selen...).
Một người được chẩn đoán mắc suy dinh dưỡng khi bị thiếu hoặc thừa dinh dưỡng quá mức.Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai. Trong đó, trẻ em là đối tượng có nguy cơ suy dinh dưỡng cao nhất. Tỷ lệ suy dinh dưỡng đặc biệt cao ở các quốc gia kém phát triển, thiếu lương thực, thực phẩm, thiếu kiến thức về dinh dưỡng hoặc kinh kế khó khăn.
Phân loại
Có 2 dạng suy dinh dưỡng chính gồm thừa dinh dưỡng và thiếu dinh dưỡng. Mỗi loại phát triển theo cơ chế và triệu chứng khác nhau, nhưng đều dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.
- Thiếu dinh dưỡng: Đây là dạng suy dinh dưỡng phổ biến, xảy ra khi cơ thể không có đủ các dưỡng cần thiết để hoạt động. Dạng này cũng được chia làm 2 nhóm chính gồm:
- Thiếu dinh dưỡng năng lượng (PEM): Là dạng suy dinh dưỡng protein - năng lượng cực kỳ phổ biến được chẩn đoán trong hầu hết các trường hợp, kể cả ở trẻ em lẫn người lớn. Biểu hiện thường thấy là sụt cân nghiêm trọng và nguy cơ phát triển bệnh tật. Dạng này được chia ra làm 2 thể riêng biệt là thể teo đét Marasmus và thể phù Kwashiorkor.
- Thiếu dinh dưỡng vi chất: Được định nghĩa là tình trạng thiếu một hoặc nhiều loại vitamin, khoáng chất thiết yếu do chế độ ăn uống không khoa học hoặc thiếu thực phẩm trầm trọng. Hoặc dạng thiếu vi chất này cũng có thể xảy ra do ảnh hưởng từ một số bệnh lý mãn tính như thiếu máu ác tính, Celiac, Crohn hoặc nhiễm trùng. Hậu quả làm giảm khả năng phân hủy các vi chất và khả năng hấp thu ở đường ruột.
- Thừa dinh dưỡng: Là tình trạng cơ thể hấp thụ lượng dưỡng chất dư thừa, vượt quá nhu cầu cần thiết của cơ thể. Thừa dinh dưỡng có 2 dạng nhỏ gồm:
- Thừa dinh dưỡng năng lượng: Dạng suy dinh dưỡng phổ biến ở các nước phát triển, đa số người dân đều tiêu thụ số lượng lớn thực phẩm có hàm lượng calo cao mỗi ngày, nhưng lại ít vận động. Tình trạng này khiến khi cơ thể dư năng lượng nhưng lại thiếu vi chất dinh dưỡng, là các vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
- Thừa vi chất dinh dưỡng: Xảy ra khi cơ thể hấp thụ dư thừa các vi chất dinh dưỡng, thường là được bổ sung thông qua các loại thực phẩm chức năng. Vì rất hiếm trường hợp dư thừa vi chất thông qua thực phẩm. Dạng này khá nguy hiểm, có thể gây ra ngộ độc cấp tính hoặc tiến triển mãn tính nếu xảy ra trong thời gian dài.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Bất kỳ ai trên thế giới đều có nguy cơ phát triển suy dinh dưỡng, từ trẻ em đến người trưởng thành, người cao tuổi. Tình trạng này có thể bị ảnh hưởng bởi rất nhiều nguyên nhân và yếu tố rủi ro xung quanh như điều kiện phát triển chung của quốc gia, điều kiện kinh tế, y tế, môi trường sống, thói quen ăn uống...
4 nguyên nhân cơ bản dưới đây được xác định có liên quan đến sự khởi phát suy dinh dưỡng:
Chế độ ăn uống không đáp ứng tiêu chuẩn
Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra suy dinh dưỡng. Tùy theo thể trạng và nhu cầu của cơ thể mà mỗi người có một chế độ ăn uống khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản vẫn phải đáp ứng đầy đủ các dưỡng chất cần thiết thông qua khẩu phần ăn uống cân bằng hàng ngày.
Một chế độ ăn uống không đảm bảo khi bị tác động bởi các yếu tố sau:
- Thiếu thốn thực phẩm;
- Thói quen ăn nhiều thực phẩm giàu calo, dầu mỡ, chất béo xấu, ít thực phẩm bổ dưỡng như rau xanh, trái cây, củ quả, ngũ cốc, protein nạc...;
- Kinh tế kém phát triển hoặc nguồn tài chính cá nhân bị hạn chế;
Trong đó, nguyên nhân về thiếu hụt thực phẩm do kinh tế kém là nguyên nhân phổ biến đối với đa số các trường hợp suy dinh dưỡng thiếu chất. Thường xảy ra ở nhóm dân số ở các quốc gia như châu Phi, châu Á... Đặc biệt là ở trẻ em với nhu cầu dinh dưỡng cao nhằm phát triển và tăng trưởng.
Ngoài ra, một số yếu tố khác gây ảnh hưởng đến chế độ ăn uống, làm tăng nguy cơ phát triển suy dinh dưỡng như:
- Các vấn đề sức khỏe như táo bón mãn tính, hóa trị liệu điều trị ung thư, trầm cảm, ốm nghén khi mang thai...;
- Các bệnh lý tổn thương thần kinh cơ gây ảnh hưởng đến khả năng nhai và nuốt cũng có thể cản trở việc bạn ăn uống. Chẳng hạn như tai biến mạch máu não hoặc bệnh xơ cứng teo cơ một bên;
- Hội chứng chán ăn tâm thần hoặc chứng cuồng ăn do ảnh hưởng bởi các vấn đề tâm lý như cân nặng hoặc áp lực trong cuộc sống;
Kém hấp thu gây suy dinh dưỡng
Các vấn đề về tiêu hóa gây ảnh hưởng đến khả năng hấp thu dinh dưỡng ở đường ruột. Nên dù cho bạn có ăn uống đủ chất và sử dụng đa dạng thực phẩm lành mạnh thì cơ thể cũng không thể hấp thu được chúng.
Một số bệnh lý liên quan đến suy dinh dưỡng gồm:
- Tiêu chảy cấp hoặc mãn tính;
- Hội chứng ruột kích thích (IBS);
- Bệnh Crohn;
- Bệnh Celiac;
- Lupus ban đỏ hệ thống;
- Suy gan, suy tụy, suy tim, suy thận;
- Bệnh tiểu đường;
- Nhiễm trùng;
- Bệnh cường giáp;
- Chấn thương hoặc bỏng trên diện rộng;
Nhu cầu dinh dưỡng tăng lên
Nhóm nguyên nhân này chủ yếu xảy ra ở phụ nữ mang thai và đang trong giai đoạn cho con bú. Mức độ dinh dưỡng thông thường không còn phù hợp ở giai đoạn này. Việc thiếu hụt các dưỡng chất cần thiết gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người mẹ và sự phát triển của thai nhi.
Ngoài ra, một số trường hợp khác cũng gây tiêu hao nhiều năng lượng, dễ gây thiếu hụt dưỡng chất như:
- Mắc bệnh như phổi tắc nghẽn mãn tính hoặc (COPD) hoặc ung thư có thể làm thay đổi quá trình trao đổi chất. Điều này khiến cơ thể cần nhiều năng lượng hơn để chống chọi lại bệnh tật;
- Chấn thương, nhiễm trùng nặng hoặc hậu phẫu thuật cũng đòi hỏi cơ thể phải có đủ nguồn dưỡng chất và năng lượng để phục hồi sức khỏe. Nếu không cơ thể sẽ sụt giảm cân nặng trầm trọng, kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng;
Tuổi tác
Càng lớn tuổi khả năng suy dinh dưỡng càng cao, do nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra. Chẳng hạn như:
- Khả năng hấp thu ở đường ruột kém;
- Thay đổi khẩu vị;
- Các bệnh lý mạn tính;
- Các bệnh về sức khỏe tâm thần như sa sút trí tuệ, trí nhớ kém, trầm cảm;
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Các triệu chứng suy dinh dưỡng có thể khác nhau ở từng loại cụ thể và nguyên nhân gây ra. Nhưng về cơ bản vẫn có thể xảy ra một số triệu chứng điển hình sau đây:
- Sụt cân trầm trọng và kéo dài do mất xương, cơ, mỡ;
- Không có cảm giác thèm ăn;
- Cơ thể sưng phù, nhất là ở vùng mặt và bụng;
- Luôn trong trạng thái mệt mỏi, suy nhược và dễ ngất xỉu;
- Khả năng chịu lạnh kém;
- Thường xuyên mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng do suy giảm miễn dịch;
- Khả năng tự chữa lành vết thương kém, nhất là các vết thương ngoài da;
- Da khô, sạm, nám, dễ phát ban, kém đàn hồi;
- Tóc khô xơ, gãy rụng và mất sắc tố tự nhiên;
- Rối loạn nhịp tim, huyết áp thấp;
Chẩn đoán
Suy dinh dưỡng không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng nhận biết. Quá trình này bao gồm nhiều bước khác nhau như kiểm tra sức khỏe toàn diện, đánh giá tình trạng thể chất, các triệu chứng lâm sàng, kết hợp thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết để xác nhận suy dinh dưỡng do thiếu hụt hay dư thừa.
Kiểm tra thể chất
Đa số trường hợp bị suy dinh dưỡng đều gây sụt giảm cân nặng. Chỉ số cân nặng giảm nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến chỉ số khối cơ thể (BMI) so với độ tuổi. Dựa vào yếu tố này, có thể phát hiện sự bất thường và nghi ngờ suy dinh dưỡng.
Ngoài ra, kiểm tra các dấu hiệu về ngoại hình và sức khỏe cũng có thể đánh giá mức độ suy dinh dưỡng. Bao gồm:
- Má hóp
- Người teo tóp, xương xẩu
- Mắt trũng sâu
- Thấp còi
- Thay đổi màu da
- Giảm trương lực cơ
- Yếu sức
Xét nghiệm cận lâm sàng
Để xác nhận chẩn đoán về thể suy dinh dưỡng, nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng cụ thể, cần thực hiện một loạt các xét nghiệm sau đây:
- Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC): Trong kết quả xét nghiệm máu ở những người suy dinh dưỡng, thường cho thấy thiếu hụt vitamin B12, thiếu sắt... Ngoài ra, CBC cũng giúp xác định hoặc loại trừ các bệnh ung thư máu như ung thư bạch cầu hoặc ung thư hạch;
- Xét nghiệm máu chuyên sâu: Giúp phát hiện các bất thường về các cơ quan nội tạng như gan, thận... Đồng thời, đo nồng độ độc tính trong cơ thể có liên quan đến suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ và người lớn.
- Xét nghiệm nước tiểu: Giúp phát hiện các bất thường về nhiễm trùng, mất nước hoặc các dấu hiệu tiểu đường, protein niệu... Trong đó, nồng độ dịch trong cơ thể giảm thấp có liên quan mật thiết đến suy dinh dưỡng.
- Xét nghiệm phân: Hầu hết các trường hợp suy dinh dưỡng đều xảy ra kèm theo lẫn máu hoặc mỡ trong phân. Nên việc xét nghiệm phân là cần thiết để đánh giá tình trạng này.
- Kiểm tra chức năng tim mạch: Trường hợp nghi ngờ suy dinh dưỡng có liên quan đến các bệnh lý tim mạch sẽ phải thực hiện các kiểm tra tim. Thường thông qua kỹ thuật siêu âm tim hoặc đo điện tâm đồ EKG. Đây là những xét nghiệm giúp phát hiện dấu hiệu bất thường về nhịp tim, suy tim...
- Kiểm tra nồng độ oxy: Giúp phát hiện bất thường về các bệnh lý gây suy giảm chức năng hô hấp hoặc khả năng hấp thụ oxy, có liên quan đến suy dinh dưỡng. Các kỹ thuật được áp dụng phổ biến là phương pháp đo độ bão hòa oxy trong mạch không xâm lấn hoặc xét nghiệm khí máu động mạch (ABG).
Kiểm tra hình ảnh
Một số kỹ thuật hình ảnh dưới đây cũng giúp ích trong việc tìm ra nguyên nhân và đánh giá mức độ suy dinh dưỡng.
- Chụp X quang hoặc CT ngực;
- Siêu âm bụng, chụp MRI;
- Chụp X quang xương hoặc quét xương;
Có rất nhiều xét nghiệm và chẩn đoán áp dụng cho những trường hợp bị suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, không nhất thiết phải áp dụng hết tất cả các phương pháp này nếu đã xác định được nguyên nhân nghi ngờ.
Biến chứng và tiên lượng
Suy dinh dưỡng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, tinh thần, trí tuệ, khả năng lao động và cả tính mạng. Khi cơ thể không có đủ dưỡng chất cần thiết để phát hiện, cơ thể sẽ tự kích hoạt cơ chế phá vỡ toàn bộ các mô và giảm khả năng hoạt động của cơ quan đó.
Một trong những cơ quan ngừng hoạt động đầu tiên là hệ thống miễn dịch. Đây cũng là lý do vì sao người bị suy dinh dưỡng thường dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, tốc độ phục hồi tổn thương chậm. Ngoài ra, hệ thống tim mạch, gan, thận, phổi, tiêu hóa, xương, máu huyết... cũng dần suy yếu và mất dần chức năng chính. Hậu quả gây ra hàng loạt các biến chứng nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia, suy dinh dưỡng có thể chữa khỏi được nhưng cần có một phác đồ điều trị chuyên sâu, cá nhân hóa với từng trường hợp và đặc biệt mất rất nhiều thời gian. Trong một số trường hợp, bệnh nhân tuy đã thoát khỏi suy dinh dưỡng nhưng vẫn phải chịu những ảnh hưởng kéo dài do thiếu hụt dưỡng chất quá lâu.
Chẳng hạn như suy giảm thị lực, loãng xương, xương mềm dễ gãy, trẻ em chậm phát triển trí tuệ, học tập kém, phát triển các bệnh lý mạn tính như kháng insulin, động mạch vành, béo phì,... Do đó, cần can thiệp điều trị càng sớm càng tốt để tăng mức tiên lượng của suy dinh dưỡng đối với từng trường hợp bệnh nhân.
Điều trị
Suy dinh dưỡng có thể được điều trị bằng cách bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết, không thừa không thiếu chất nào. Tùy từng trường hợp, việc bổ sung này sẽ được cá nhân hóa phù hợp với mức độ nghiêm trọng của triệu chứng.
Xây dựng chế độ ăn hợp lý
Một chế độ ăn uống cân bằng có thể giải quyết hiệu quả các triệu chứng và phục hồi tình trạng suy dinh dưỡng. Việc điều chỉnh khẩu phần ăn và chọn lựa thực phẩm phù hợp giúp kiểm soát tốt lượng dinh dưỡng nạp vào cơ thể, không thừa không thiếu.
Các nhóm dưỡng chất tốt cho người suy dinh dưỡng bao gồm:
- Nhóm carbohydrate: Tiêu thụ đủ lượng carbohydrate cần thiết cho cơ thể với số lượng thực phẩm vừa rất tốt trong việc cải thiện mức độ suy dinh dưỡng. Vì chất này có tác dụng lưu trữ protein cho cơ thể dùng khi cần thiết và cung cấp đủ năng lượng để duy trì hoạt động của cơ thể.
- Rau xanh, trái cây tươi: Giúp bổ sung lượng vitamin, khoáng chất thiết yếu, dễ hấp thu cho cơ thể. Chúng đảm nhiệm nhiều chức năng khác nhau cho cơ thể, nâng cao thể trạng, tăng hệ miễn dịch chống lại bệnh tật, phòng ngừa nhiễm trùng.
- Protein: Đây là nhóm dưỡng chất cực kỳ quan trọng giúp duy trì lượng nitơ cần thiết cho cơ thể, đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì sự hình thành tế bào và cải thiện miễn dịch.
- Chất béo: Duy trì bổ sung nguồn chất béo lành mạnh, thông qua các loại thực phẩm như trứng, cá, bơ, phô mai, dầu ô kliuliu, dầu dừa, hạt chia...
- Uống nhiều nước: Đảm bảo bổ sung đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể, khoảng 8 ly/ ngày. Nước giúp hỗ trợ quá trình chuyển hóa các chất dễ dàng hơn, tăng khả năng hấp thu dưỡng chất, cải thiện suy dinh dưỡng.
Ngoài các loại thực phẩm lành mạnh, cần loại bỏ ngay những món ăn không dinh dưỡng, dễ gây dị ứng hoặc cơ thể không thể dung nạp.
Điều trị bằng thuốc
Ở những bệnh nhân suy dinh dưỡng nặng do gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở đường tiêu hóa hoặc bất kỳ cơ quan nào khác, đều được cân nhắc điều trị bằng thuốc để kiểm soát nhanh chóng tình trạng bệnh.
- Tiêm trực tiếp các loại thuốc chứa vitamin (thường là vitamin B12 và vitamin D) nếu khả năng hấp thụ giảm khi uống;
- Truyền chất lỏng và các chất điện giải qua tĩnh mạch;
- Các loại thuốc cải thiện tình trạng chán ăn như Megace, Marinol hoặc Reglan...;
Đặt ống cho ăn
Những trường hợp suy dinh dưỡng do gặp trở ngại trong việc nhai nuốt thực phẩm có thể đặt ống truyền dinh dưỡng vào mũi, dạ dày hoặc ruột. Trường hợp phải nuôi ăn bằng ống trong thời gian dài, các bác sĩ khuyến nghị nên đặt ống trực tiếp vào dạ dày hoăc ruột non thông qua một cuộc phẫu thuật ở vùng bụng.
Điều trị căn nguyên
Bên cạnh việc phục hồi dinh dưỡng, bù đắp lượng dưỡng chất thiếu hụt hoặc mất cân bằng gay ra suy dinh dưỡng, việc điều trị dứt điểm nguyên nhân gây ra cũng là điều quan trọng cần được thực hiện sớm.
Chẳng hạn như các bệnh lý như ung thư, suy nội tạng, rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng, các bệnh lý tâm thần gây chán ăn... Tùy từng trường hợp cụ thể, dựa vào kết quả chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách điều trị tốt nhất.
Phòng ngừa
Mục đích của việc phòng ngừa nhằm giảm tỷ lệ dân số mắc suy dinh dưỡng. Việc phòng ngừa cần có sự kết hợp giữa nhiều yếu tố sau đây:
- Đối với trẻ sơ sinh nên ưu tiên cho bú sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời.
- Đảm bảo bổ sung đa dạng các loại thực phẩm lành mạnh, ưu tiên thực phẩm tươi, sạch chế biến chín kỹ lưỡng, đầy đủ các chất như đạm, béo, năng lượng, vitamin, khoáng chất...
- Hạn chế các loại thực phẩm không dinh dưỡng như các loại đồ đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn, ít dầu mỡ...
- Quản lý và theo dõi điều trị các bệnh lý mãn tính như tiêu chảy, nhiễm trùng, suy giảm miễn dịch... Kết hợp bổ sung dinh dưỡng trong suốt quá trình điều trị để nhanh chóng phục hồi bệnh.
- Tăng cường các hoạt động thể chất, tránh hút thuốc lá, sử dụng nhiều rượu bia và các chất kích thích khác.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tại sao tôi/ con tôi bị suy dinh dưỡng?
2. Mức độ suy dinh dưỡng của tôi/ con tôi có nghiêm trọng không?
3. Cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán suy dinh dưỡng?
4. Những biến chứng có thể gặp phải khi bị suy dinh dưỡng?
5. Các biện pháp điều trị suy dinh dưỡng hiệu quả nhất dành cho trường hợp của tôi/ con tôi?
6. Chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng suy dinh dưỡng của tôi/ con tôi?
7. Thời gian điều trị và phục hồi suy dinh dưỡng mất bao lâu?
8. Cần làm gì để phòng ngừa tái phát suy dinh dưỡng sau điều trị?
Suy dinh dưỡng có thể xảy ra ở bất cứ ai, nhưng phổ biến nhất là ở trẻ em dưới 5 tuổi. Tình trạng sức khỏe này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, tâm lý và đe dọa đến cả tính mạng người bệnh. Do đó, trước những dấu hiệu bất thường nghi ngờ suy dinh dưỡng, hãy nhanh chóng thăm khám chuyên khoa để thực hiện chẩn đoán và hướng dẫn phương pháp điều trị phù hợp.
Tham khảo thêm:
- Bệnh Suy Dinh Dưỡng Thể Phù Kwashiorkor: Dấu Hiệu Và Cách Trị
- Hội chứng Boerhaave là tình trạng gì? Nguyên nhân và cách chữa trị