Bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường là bệnh lý mãn tính xảy ra do rối loạn chuyển hóa trong cơ thể người bệnh. Người mắc bệnh gặp phải các triệu chứng bất thường, trường hợp kéo dài không phát hiện có thể khiến tiểu đường ngày càng nghiêm trọng. Hệ miễn dịch của bệnh nhân bị suy giảm kéo theo nhiều hệ lụy, phát sinh các biến chứng khác.
Tổng quan
Bệnh tiểu đường (Diabetic) hay còn gọi là đái tháo đường là bệnh lý rối loạn chuyển hóa có tính chất mãn tính. Người mắc bệnh dần suy giảm hệ miễn dịch, cơ thể suy nhược và gặp phải nhiều biểu hiện bất thường. Cơ thể người bệnh không thể sản sinh insulin cần thiết, mất khả năng sử dụng insulin.
Điều này khiến cho hàm lượng đường trong máu tăng cao, các triệu chứng bất thường xuất hiện trên nhiều bộ phận như mắt, thận, hệ thần kinh,... dưới ảnh hưởng của bệnh lý này. Bất kỳ đối tượng nào cũng có khả năng mắc bệnh tiểu đường, với số liệu thống kê không ngừng gia tăng theo từng năm.
Phân loại
Bệnh tiểu đường được phân thành 2 type tương ứng với mức độ ảnh hưởng của bệnh lên cơ thể bệnh nhân. Cụ thể:
Bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa bên trong cơ thể. Theo đó, tuyến tụy hoạt động với các tế bào beta bất thường gây rối loạn tiết insulin, một số trường hợp ức chế tiết hormone insulin khiến lượng đường trong máu không được hấp thu, tăng cao gây nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh.
Đối tượng mắc tiểu đường type 1 thường là người trẻ dưới 20 tuổi. Tốc độ tiến triển bệnh nhanh, người bệnh nếu không được kiểm soát điều trị có khả năng gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm. Đa số các trường hợp bệnh tiểu đường type 1 thường xảy ra một cách đột ngột, khó phòng tránh.
Bệnh tiểu đường type 2 thường xảy ra ở người lớn. Khác với type 1, loại bệnh này xuất hiện không phụ thuộc vào lượng insulin được tiết ra. Bởi, người mắc bệnh thậm chí có đủ hormone insulin tuy nhiên vẫn mắc phải bệnh tiểu đường, người bệnh thường không có nhiều biểu hiện bất thường.
Một trường hợp khác, bệnh tiểu đường xuất hiện trong thai kỳ hay còn gọi là tiểu đường thai kỳ. Khác với hai loại kể trên, bà bầu có thể điều trị tiểu đường thai kỳ thông qua các điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống. Sau khi sinh tình trạng tiểu đường cũng có thể được cải thiện tốt.
Tuy nhiên, bà bầu cũng cần hết sức lưu ý, bởi tiểu đường thai kỳ khá nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Chính vì thế, trong quá trình mang thai bà bầu được yêu cầu xét nghiệm tiểu đường để kịp thời điều chỉnh, xử lý khi cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho thai phụ và thai nhi.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Cơ thể con người cần nạp đủ lượng glucose hay còn gọi là đường để phục vụ các hoạt động sống của cơ thể. Glucose được lấy từ thức ăn, sau đó sẽ được gan dự trữ, chuyển hóa thành glycogen. Phần dự trữ sẽ được sử dụng vào các trường hợp cơ thể biếng ăn không nạp đủ glucose hỗ trợ cân bằng lượng đường huyết.
Insulin là hormone có vai trò hỗ trợ glucose được hấp thu vào tế bào, nhờ đó nồng độ glucose trong máu cũng sẽ ở mức ổn định. Tuy nhiên, một số trường hợp insulin sản sinh ít hơn nhu cầu cơ thể cần hoặc cơ thể không tiếp nhận insulin có thể dẫn đến tình trạng glucose trong máu tăng gây mất cân bằng đường huyết.
Ở mỗi trường hợp, nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể không giống nhau hoàn toàn. Cùng phân tích yếu tố dẫn đến bệnh tiểu đường các loại như sau:
- Nguyên nhân gây tiểu đường type 1:
Cho đến nay vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân dẫn đến tiểu đường type 1. Bởi, thông thường các trường hợp mắc bệnh đều xảy ra một cách đột ngột. Một số giả thuyết đặt ra cho rằng do các ảnh hưởng từ sự suy giảm hệ miễn dịch, quá trình phá hủy insulin xảy ra trong tuyến tụy.
Điều này làm cho cơ thể bị thiếu hụt insulin, thậm chí là không có insulin để phân giải đường trong máu. Khi đó, đường huyết tăng cao dẫn đến bệnh tiểu đường ở bệnh nhân tuổi đời còn trẻ, thậm chí là trẻ em. Một số chuyên gia cho biết tình trạng này rất có thể liên quan đến yếu tố di truyền. Ngoài ra cũng có nhiều khả năng tiểu đường type 2 xuất hiện do môi trường.
- Nguyên nhân gây tiểu đường type 2:
Trường hợp tiểu đường type 2 thường phát sinh do nguyên nhân tế bào kháng lại insulin, đồng thời hoạt động của tuyến tụy không đảm bảo cung cấp được lượng insulin cần thiết. Đây là nguyên nhân gây bệnh nhiều người gặp phải, đường huyết trong máu tăng cao.
Xác định được cơ chế gây tiểu đường type 2 ở người lớn, tuy nhiên cũng như bệnh tiểu đường ở người trẻ nguyên nhân chính xác gây bệnh vẫn chưa được giải đáp. Yếu tố nguy cơ có thể liên quan đến di truyền, môi trường sống, thói quen sinh hoạt,...
- Nguyên nhân gây tiểu đường thai kỳ:
Đối với thai phụ, tiểu đường thai kỳ là một trong những vấn đề nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến quá trình mang thai và sinh nở. Nguyên nhân gây tiểu đường thai kỳ có thể là do thói quen ăn, uống đồ ngọt của bà bầu, kết hợp với nhiều rối loạn diễn ra trong cơ thể phụ nữ khi mang thai gây nên.
Dựa vào các dấu hiệu, tình hình sức khỏe, thể trạng của bệnh nhân tiểu đường, người ta xác nhận một số yếu tố nguy cơ cao gây bệnh như:
- Gia đình có bố, mẹ hoặc anh em ruột mắc phải bệnh tiểu đường.
- Tiền sử trước đó mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, sau sinh một thời gian có thể tái phát nếu không chăm sóc tốt.
- Người mắc bệnh tim, bị xơ vữa động mạch.
- Những đối tượng có huyết áp cao.
- Người ít vận động, thừa cân, béo phì, phụ nữ đa nang buồng trứng,...
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Nhằm giúp bạn đọc nhận biết bệnh tiểu đường cụ thể hơn, dưới đây là các triệu chứng tương ứng với các loại bệnh:
Tiểu đường type 1:
- Cơ thể thường xuyên thấy đói do sự thiếu hụt insulin gây ảnh hưởng quá trình hấp thu glucose tạo năng lượng cho hoạt động sống. Điều này khiến bệnh nhân có cảm giác đói bụng, mệt mỏi thường xuyên.
- Ngoài cảm giác đói, người bệnh còn có biểu hiện khát nước thường xuyên, uống nhiều nước dẫn đến đi tiểu liên tục. Người bệnh tiểu đường một ngày đi tiểu nhiều hơn 4-7 lần.
- Khô miệng, da dẻ bị ngứa khi mắc chứng tiểu đường. Miệng của người bệnh bị khô khốc, da khô kèm theo cảm giác ngứa ngáy khó chịu.
- Cân nặng của bệnh nhân bị sụt giảm bất thường, nguyên nhân là do mô mỡ và cơ bị ly giải.
Tiểu đường type 2:
Các triệu chứng tiến triển chậm chậm và âm thầm. So với tiểu đường type 1, tiểu đường type 2 gây ra ít dấu hiệu nhận biết hơn. Tuy nhiên đến khi bệnh tiến triển nặng người bệnh có nguy cơ đối diện với các biến chứng vô cùng nguy hiểm.
Nhanh chóng đến gặp bác sĩ nếu bạn nhận thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường như:
- Nhiễm trùng nấm men thường xảy ra ở bệnh nhân tiểu đường do hệ miễn dịch suy yếu. Nấm men lấy thức ăn là glucose, do đó chúng có tỷ lệ xuất hiện cao trên cơ thể người tiểu đường. Bệnh nhân sẽ thấy các bất thường xuất hiện ở da, vùng bộ phận sinh dục,...
- Vết thương hở trên da thường có hiện tượng lâu lành hơn các trường hợp khác. Nguyên nhân là do đường huyết cao dẫn đến tổn thương thần kinh làm vết thương lâu lành.
Tiểu đường thai kỳ:
Bà bầu thường không nhận thấy bất thường khi bị tiểu đường trong thời gian mang thai. Thông thường bệnh nhân chỉ phát hiện thông qua kiểm tra định kỳ, thử đường thai kỳ.
Chẩn đoán
Các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh tiểu đường bao gồm:
- Glucose đo được lúc cơ thể đói lớn hơn hoặc bằng 126mg/dL hoặc 7mmol/L.
- Glucose/2h lớn hơn 11,1mmol/L theo nghiệm pháp nạp glucose đường miệng.
- Glucose máu ngẫu nhiên lớn hơn 11,1mmol/L.
Trước khi chẩn đoán người bệnh sẽ được yêu cầu nhịn ăn trong vòng khoảng thời gian quy định, sử dụng nước đường,... Sau khi đo được lượng đường huyết, thực hiện xét nghiệm cần thiết cho kết quả, kết luận đái tháo đường, mức độ bệnh và điều trị.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh tiểu đường nếu không phát hiện và được kiểm soát bằng biện pháp phù hợp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là các vấn đề bệnh nhân tiểu đường nặng gặp phải:
- Tăng nguy cơ tai biến: Người bệnh tiểu đường có thể bị tai biến mạch máu não, đột quỵ, nhồi máu cơ tim,... hoại tử chi, thậm chí là tử vong. Nguyên nhân là do tình trạng glucose tích tụ quá nhiều trong máu, xảy ra trong thời gian dài dẫn đến hiện tượng tổn thương mạch máu. Trường hợp tổn thương nhẹ gây ảnh hưởng đến cơ quan như thận, mắt, thần kinh ngoại biên. Trường hợp tổn thương mạch máu nghiêm trọng có thể dẫn đến nhiều rủi ro nặng nề hơn.
- Viêm đường hô hấp: Người bệnh tiểu đường thường xuyên gặp các bệnh về hô hấp do khả năng miễn dịch kém. Tác nhân gây hại xâm nhập vào đường hô hấp dẫn đến tình trạng viêm phổi, phế quản, tăng rủi ro bội nhiễm đường hô hấp nguy hiểm.
- Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa: Người bệnh có thể gặp nhiều vấn đề khác nhau tại đường tiêu hóa, hấp thụ dinh dưỡng. Cơ thể bị suy nhược do tiểu đường nặng, tiêu hóa kém kéo theo các sự cố như tụt cân, rối loạn hoạt động tiêu hóa ảnh hưởng sức khỏe tổng thể.
- Tăng nguy cơ suy giảm trí nhớ: Bệnh nhân bị tiểu đường có thể gặp các bệnh lý về hệ thần kinh gây suy giảm trí nhớ.
- Ảnh hưởng thai phụ: Bà bầu bị tiểu đường thai kỳ không kiểm soát có thể gây ra các vấn đề ảnh hưởng quá trình mang thai. Trong đó đặc biệt là rủi ro tăng nguy cơ tiền sản giật, gây huyết áp cao, sưng chân,.. Ngoài ra trong lần tiếp theo mang thai bà bầu có thể bị tái phát tiểu đường thai kỳ cao hơn những bà bầu khác.
- Ảnh hưởng đến thai nhi: Thai phụ bị tiểu đường thai kỳ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cho bé sau này, ngoài ra trẻ còn có tỷ lệ sinh non, tử vong cao khi bệnh tiểu đường của thai phụ diễn biến nặng.
Điều trị
Người bệnh tiểu đường type 1, 2 hoặc tiểu đường thai kỳ được bác sĩ hướng dẫn cách điều trị phù hợp. Người bệnh cần điều chỉnh thói quen sống, ăn uống kết hợp dùng thuốc kiểm soát đường huyết. Cụ thể các giải pháp được áp dụng như sau:
Phương pháp điều trị bệnh tiểu đường type 1,2
- Điều chỉnh chế độ ăn uống:
- Bổ sung cho cơ thể đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn nhiều loại hạt, ngũ cốc, trái cây tươi,...
- Người bệnh tiểu đường thích hợp ăn các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe như ớt chuông, cà chua, bông cải xanh, trắng, đậu gà, đậu lăng, bánh mì nguyên cám, yến mạch,..
- Bổ sung cho cơ thể các loại rau củ quả chứa chất xơ giúp làm hàm lượng đường trong máu.
- Hạn chế ăn nhiều thực phẩm quá ngọt, quá béo, ưu tiên ăn cân bằng dinh dưỡng, ăn theo chế độ phù hợp với tình hình sức khỏe.
- Người bệnh nặng cần chia nhỏ bữa ăn hàng ngày, không ăn quá nhiều trong một lần ăn.
- Người bệnh cũng cần loại bỏ các thói quen xấu gây hại, hạn chế hút thuốc lá, uống rượu để bệnh sớm được cải thiện.
- Tăng cường hoạt động thể chất:
- Bên cạnh điều chỉnh thói quen ăn uống, người bệnh cũng cần tăng cường hoạt động thể chất để duy trì cân nặng hỗ trợ máu huyết lưu thông tốt hơn.
- Tham gia các bài tập nhẹ nhàng, vận động với tần suất, cường độ phù hợp với tình trạng sức khỏe. Hạn chế việc ngồi một chỗ quá lâu, nằm ngay sau khi ăn,... khiến cơ thể thừa cân, béo phì ảnh hưởng kết quả điều trị.
- Sử dụng thuốc kiểm soát đường huyết:
- Dùng thuốc Metformin: Tác dụng hỗ trợ cải thiện tình trạng tăng sinh glucose tại gan, tăng cường hoạt động insulin, làm chậm quá trình chuyển hóa đường. Liều dùng thuốc được chỉ định theo từng đối tượng bệnh nhân. Một vài tác dụng phụ có thể xảy ra trong thời gian điều trị kể đến như tiêu chảy, khó tiêu, chán ăn. Không dùng thuốc cho bệnh nhân suy thận.
- Thuốc nhóm Thiazolidinedione: Thuốc có tác dụng giảm glucose trong gan, tăng cường hoạt động insulin. Thông thường bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kết hợp nhằm giúp tăng khả năng điều trị cho bệnh nhân. Các trường hợp đặc biệt sẽ có các hướng dẫn phù hợp.
- Thuốc tăng sản sinh insulin: Thuốc được chỉ định cho bệnh nhân tiểu đường type 1, 2. Có nhiều loại thuốc được sử dụng, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân.
- Các nhóm thuốc khác: Bên cạnh các thuốc kể trên, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc khác trong phác đồ điều trị tiểu đường. Liều dùng tương ứng với tình hình sức khỏe của người bệnh, bệnh nhân cần tuân thủ theo hướng dẫn, sử dụng đúng thuốc, đúng liều để việc kiểm soát bệnh đạt hiệu quả như mong đợi.
- Theo dõi đường huyết:
Bệnh nhân được bác sĩ hướng dẫn cách theo dõi đường huyết. Việc chủ động kiểm tra đường huyết tại nhà giúp bệnh nhân phát hiện hàm lượng đường trong máu tăng, giảm ra sao để kịp thời điều chỉnh khi cần thiết.
- Phương pháp cấy ghép:
Biện pháp điều trị bệnh mới, sử dụng tế bào máu từ dây rốn trẻ sơ sinh để điều trị bệnh tiểu đường. Điều trị cấy ghép tế bào gốc có tác dụng nhanh, hiệu quả cao tuy nhiên chi phí cũng khá đắt đỏ.
Phương pháp điều trị bệnh tiểu đường thai kỳ
Bà bầu bị tiểu đường thai kỳ được bác sĩ chỉ định điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, ăn uống khoa học kết hợp tập luyện thể dục, vận động cơ thể. Thông thường trong giai đoạn mang thai bà bầu sẽ không dùng thuốc tiểu đường để tránh ảnh hưởng đến thai nhi.
Bà bầu cần theo dõi chỉ số đường huyết thường xuyên để kịp thời phát hiện bất thường, điều trị càng sớm càng tốt. Các chỉ định điều trị bệnh tiểu đường ở phụ nữ mang thai sẽ được bác sĩ cân nhắc và đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất.
Có thể bạn quan tâm: Các loại thuốc trị bệnh tiểu đường tốt nhất hiện nay
Phòng ngừa
Bệnh tiểu đường có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào. Chủ động phòng tránh bệnh lý này giúp bạn bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Một số lưu ý như sau:
- Chủ động kiểm soát cân nặng, bởi những đối tượng thừa cân béo phì có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao. Duy trì cân nặng ở mức cân đối còn giúp bạn phòng ngừa được nhiều bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe khác.
- Xây dựng chế độ vận động hợp lý, tập luyện thể dục giúp cơ thể dẻo dai phòng tránh được nhiều bệnh lý. Ngoài ra việc vận động cũng giúp máu huyết lưu thông tốt hơn, giảm thiểu rủi ro mắc các bệnh lý về máu huyết.
- Bổ sung cho cơ thể đầy đủ chất dinh dưỡng, ưu tiên các thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Hạn chế sử dụng đồ uống chứa cồn, hạn chế ăn nhiều đồ ăn dầu mỡ, nhiều đường hóa học, đường tinh chế,... để bảo vệ sức khỏe, phòng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
- Chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ, theo dõi đường huyết để có biện pháp can thiệp bảo vệ sức khỏe từ sớm.
Những câu hỏi quan trọng khi khám
1. Tôi có thể nhận biết bệnh tiểu đường thông qua các triệu chứng nào?
2. Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường tôi gặp phải là gì?
3. Những xét nghiệm tôi cần thực hiện để chẩn đoán bệnh tiểu đường?
4. Tôi có thể gặp các biến chứng gì khi bệnh tiểu đường kéo dài?
5. Tôi cần dùng thuốc gì để kiểm soát đường huyết?
6. Các tác dụng phụ tôi có thể gặp phải khi sử dụng thuốc điều trị?
7. Bao lâu tôi cần quay lại tái khám?
Bệnh tiểu đường là bệnh lý có tính chất dai dẵng, mãn tính nguy hại cho sức khỏe. Trường hợp người mắc bệnh tiểu đường không được điều trị đúng cách có thể gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm. Chính vì thế, khi cơ thể xuất hiện các biểu hiện bất thường bạn nên đến bệnh viện kiểm tra, điều trị càng sớm càng tốt.