Bệnh Nhiễm Trùng Sán Dây Cá

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN – Khoa Nội – Tiêu hóaGiám đốc Chuyên môn Thuốc Dân Tộc Chi Nhánh phía Nam – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh

Nhiễm trùng sán dây cá là một trong những bệnh lý nhiễm ký sinh trùng phổ biến trên toàn cầu. Con người rất dễ nhiễm phải loại giun sán này, gây ra hàng loạt các triệu chứng bất thường ở nhiều cơ quan như tiêu hóa, thần kinh, hô hấp... Nguyên nhân gây bệnh thường là do ăn cá nhiễm ấu trùng hoặc sán dây trưởng thành sống hoặc chế biến sai cách, chưa chín. 

Tổng quan

Nhiễm trùng sán dây cá (Diphyllobothrium Latum/ Fish Tapeworm Infection) là một trong những loại sán dây gây bệnh cho người. Loại sán dây này được truyền sang người thông qua việc ăn phải cá có chứa sán hoặc ấu trùng sán.

Nhiễm trùng sán dây cá là bệnh nhiễm ký sinh trùng sán dây phổ biến, xảy ra khi ruột người nhiễm ấu trùng hoặc sán dây trưởng thành

Các chuyên gia cảnh báo, việc tiêu thụ các loại cá nước ngọt hoặc cá biển sống, chưa qua chế biến là yếu tố rủi ro cơ bản gây ra nhiễm sán dây cá. Khi bị nhiễm trùng, đặc điểm thường thấy nhất là sự xuất hiện của các khối u nang nhạt màu bám vào bên ngoài thành ruột và các cơ quan nội tạng khác.

Bệnh lý này có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, không phân biệt giới tính hay độ tuổi. Nhưng đa số các trường hợp được chẩn đoán xác nhận mắc bệnh thường là nam giới trung niên. Nhất là ngư dân thường xuyên tiêu thụ sản phẩm cá đánh bắt tươi hoặc chế biến không kỹ.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Sự xuất hiện của ấu trùng hoặc sán dây cá trưởng thành phát triển trong đường ruột con người được xác nhận chẩn đoán mắc bệnh nhiễm trùng sán dây cá. Bệnh nhiễm sán dây loại này được xác định là do ăn các loại cá nước ngọt, cá biển sống hoặc chế biến không đúng cách, chưa chín kỹ.

Nói về loại sán dây cá này, chúng có mặt hầu như trên toàn thế giới, nhất là ở vùng ôn đới và vùng cận Bắc Cực. Đây là loài sán dây có chiều dài lớn nhất ở người, từ 3 - 10m. Về mặt cấu trúc, chúng có hơn 3000 đốt, mỗi đốt đều chứa hệ thống sinh sản, cho phép chúng sinh sản nhanh. Phần đầu lồi có hình dạng như 2 chiếc lá. Trứng của chúng có kích thước nhỏ, khoảng 35-55 x 55-75 micromet.

Tiêu thụ cá sống hoặc chế biến chưa chín kỹ bị nhiễm sán dây gây ra nhiễm trùng ruột ở người

Loại sán này phát triển trong các loại vật chủ trong nước như động vật có vú ăn cá sống hoặc các loài sinh vật nhỏ. Con người rất dễ nhiễm loại sán dây này và phát triển thông qua vòng đời như sau:

  • Con người ăn cá chứa ấu trúng sán, ấu trùng đi vào cơ thể và bám vào ruột non;
  • Sau khoảng 3 - 5 tuần, ấu trùng nở ra thành sán dây trưởng thành và phát triển đạt mức trưởng thành;
  • Chúng tiếp tục đẻ trứng và giải phóng theo phân, trứng nở ra trong môi trường nước ngọt, giải phóng coraccidia có lông;
  • Trứng này bị bọ chét nước ăn vào và giải phóng ấu trùng procercoid;
  • Bọ chét nước bị cá nước ngọt ăn vào, hình thành ấu trùng plerocercoid. Đây chính là loại ấu trùng mà khi con người ăn vào sẽ bị nhiễm giun sán dây cá. Ước tính mỗi con sán dây cá có thể sản xuất hơn 1 triệu trứng mỗi ngày;

Một số quốc gia, khu vực được cảnh báo có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng sán dây cá là các nước Đông Âu (điển hình là Nga), các quốc gia phía Bắc và Nam Mỹ, một số nước châu Á (thường là Nhật Bản)...

Ngoài ra, nhiễm trùng sán dây cá còn xuất phát từ các vấn đề về nguồn nước uống, vệ sinh cống rãnh... ở các quốc gia kém phát triển về điều kiện an sinh xã hội, kinh tế, nhất là ở các vùng nông thôn. Do chúng có khả năng sinh sản cực cao nên rất dễ phát triển lây lan ở các vùng có điều kiện vệ sinh kém.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Sự phát triển của ấu trùng plerocercoid và nở thành sán dây trưởng thành trong ruột con người gây ra hàng loạt các triệu chứng bất thường về đường tiêu hóa nói riêng và sức khỏe thể chất nói chung.

Bệnh nhân nhiễm sán dây cá D.latum thường có các biểu hiện như đau bụng, tiêu chảy, đau đầu, mệt mỏi hoặc thiếu máu ác tính

Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Đau bụng, khó chịu vùng bụng
  • Tiêu chảy
  • Mệt mỏi
  • Đau đầu
  • Chán ăn
  • Sụt cân
  • Suy dinh dưỡng
  • Thiếu vitamin B12

Ngoài ra, con người nhiễm trùng sán dây cá có thể gây ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan, hệ thống khác nhau trong cơ thể. Mỗi cơ quan có thể sẽ có các đặc điểm lâm sàng khác nhau, bao gồm:

  • Triệu chứng ở đường tiêu hóa: Đau bụng cấp, táo bón, tiêu chảy, tắc ruột, viêm túi mật, viêm ruột thừa bán cấp, viêm đường mật...;
  • Triệu chứng ở hệ thần kinh trung ương: Thiếu máu kéo dài gây dị cảm và các triệu chứng mất myelin thứ phát, đau đầu, các vấn đề về não;
  • Triệu chứng ở mắt: Thiếu vitamin B12 kéo dài gây ra triệu chứng viêm dây thần kinh thị giác thứ phát;
  • Triệu chứng hô hấp: Thường gây khó thở kéo dài, hụt hơi, thở nhanh, thở gấp...;
  • Triệu chứng huyết học: Giảm rõ rệt 3 dòng tế bào máu, phát triển tăng bạch cầu ái toan, thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ và thiếu máu ác tính;
  • Các triệu chứng khác: Như viêm lưỡi và các triệu chứng dị ứng ngoài da, da dẻ xanh xao, nhợt nhạt;

Chẩn đoán

Chẩn đoán bệnh nhiễm trùng sán dây cá đòi hỏi phải kiểm tra kỹ lưỡng các triệu chứng lâm sàng vừa kể trên. Tập trung vào khai thác các thông tin về sở thích, thói quen ăn uống, lịch sử đi lại trong thời gian gần hoặc tính chất nghề nghiệp.

Ngoài ra, các xét nghiệm cận lâm sàng và xét nghiệm hỗ trợ bổ sung dưới đây cũng rất cần thiết. Nhằm xác định sự hiện diện của ký sinh trùng sán dây cá và góp phần xác nhận chẩn đoán dạng nhiễm trùng này, phục vụ cho công tác điều trị.

Xét nghiệm phân và máu là 2 tiêu chuẩn chính giúp chẩn đoán xác định nhiễm trùng sán dây cá ở người

  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu cho biết cơ thể có đang sản xuất các kháng thể để chống lại ấu trùng sán dây cá hay không. Ngoài ra, xét nghiệm máu cũng giúp kiểm tra nguy cơ phát triển bệnh tăng bạch cầu ái toan ngoại vi hoặc thiếu máu hồng cầu khổng lồ, thiếu vitamin B12...
  • Kiểm tra phân: Mẫu phân của người bệnh được soi kiểm tra và phân tích dưới kính hiển vi. Mục đích nhằm phát hiện trứng sán dây cá hoặc các loại giun sán khác (nếu có).
  • Kiểm tra hình ảnh: Các kỹ thuật hình ảnh hiện đại như chụp cắt lớp vi tính CT scan hoặc chụp cộng hưởng từ MRI cũng hỗ trợ rất nhiều trong việc phát hiện sự phát triển lây lan của sán dây cá, vị trí lan rộng của chúng trong cơ thể.

Ngoài ra, chẩn đoán phân biệt các triệu chứng nhiễm trùng sán dây cá ở đường tiêu hóa, hệ thần kinh... với các bệnh lý gây ra triệu chứng tương tự gồm:

Biến chứng và tiên lượng

Nhiễm trùng sán dây cá nói chung và các loại ký sinh trùng sán dây khác nói chung thường không quá nguy hiểm, có thể kiểm soát được thông qua các biện pháp điều trị y tế tích cực.

Nếu số lượng sán dây trong cơ thể quá nhiều và phát triển với tốc độ nhanh nhưng không được điều trị kịp thời. Bệnh nhân có thể bị thiếu hụt vitamin B12 trầm trọng, các biến chứng có thể xuất phát từ đó như thiếu máu hồng cầu khổng lồ, thoái hóa tủy sống kết hợp bán cấp và suy giảm nhận thức.

Đa số bệnh nhân nhiễm trùng sán dây cá thường có tiên lượng tốt khi dùng thuốc đúng liều

Rất hiếm trường hợp nhiễm trùng sán dây cá gây tử vong, trừ những trường hợp ấu trùng sán dây phát triển ở trong não. Sự phát triển của chúng gây tổn thương đến cấu trúc và chức năng hệ thống thần kinh, gây ra các bất thường về thay đổi hành vi, co giật hoặc phải phẫu thuật mổ hộp sọ để cắt bỏ khu vực bị tổn thương.

Mức tiên lượng của bệnh nhiễm trùng sán dây cá phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, số lượng ấu trùng và sán dây cá trưởng thành trong cơ thể. Theo thống kê, đa số trường hợp bệnh đều có mức tiên lượng tốt khi điều trị sớm và tích cực nên người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm.

Điều trị

Sử dụng thuốc tiêu diệt ký sinh trùng là phương pháp điều trị nhiễm trùng sán dây cá hiệu quả nhất. Một số loại thuốc được kê toa sử dụng gồm:

Praziquantel

Đây là loại thuốc diệt ký sinh trùng phổ biến nhất, đặc biệt phù hợp với các loại sán dây sống bám vào các mạch máu ở thành ruột, trong đó có sán dây cá. Thông thường, chỉ cần sử dụng một liều Praziquantel duy nhất là đã có thể tiêu diệt, tách chúng khỏi thành ruột và loại bỏ thông qua đường ruột, ra ngoài qua đường hậu môn khi có nhu động ruột.

Đối với sán dây cá D.latum, liều dùng Praziquantel ở những người không có chống chỉ định thường là 25mg/kg. Tuy đem lại hiệu quả cao nhưng thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ như đau đầu, đau bụng, sốt, chóng mặt, suy nhược, nổi mề đay... Mức độ thường không nghiêm trọng và tự biến mất sau khi ngưng dùng thuốc.

Praziquantel là thuốc diệt giun sán dây hiệu quả chỉ với một liều duy nhất

Thuốc này có thể dùng được cho phụ nữ mang thai và không có bằng chứng về việc gây ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng.

Niclosamide

Loại thuốc này thường được chỉ định sử dụng thay thế cho Praziquantel. Đây là thuốc tẩy giun sán, loại bỏ sán dây cá D.latum với một liều duy nhất. Liều dùng cơ bản 2g cho người trưởng thành và 1g cho trẻ em > 6 tuổi.

Để đạt hiệu quả tốt nhất, bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối các chỉ định dùng thuốc của bác sĩ. Đồng thời, làm theo các hướng dẫn về phòng ngừa tái nhiễm sau điều trị. Việc tái nhiễm sẽ càng làm tăng mức độ nghiêm trọng, việc điều trị bằng thuốc thường khó khăn hơn. Trong một số trường hợp có thể phải can thiệp phẫu thuật.

Sau điều trị, nhằm đảm bảo sán dây cá đã chết và được loại bỏ hoàn toàn khỏi cơ thể, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện xét nghiệm phân định kỳ 1 - 2 lần. Loại xét nghiệm này giúp kiểm tra xem còn sự hiện diện của trứng, ấu trùng hoặc sán dây cá trưởng thành hay không. Việc này nhằm đảm bảo bệnh nhân không cần điều trị thêm.

Phòng ngừa

Muốn phòng ngừa bệnh nhiễm trùng sán dây cá (D.latum), cần tuân thủ thực hiện các biện pháp sau đây:

Chế biến và bảo quản cá đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để giảm nguy cơ nhiễm ấu trùng hoặc sán dây cá trưởng thành

  • Tránh ăn cá sống: Thay vào đó nên sử dụng các loại cá được chế biến chín kỹ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc bảo quản đông lạnh cá ở nhiệt độ - 18 độ C trong vòng 24 - 48 tiếng nhằm ngăn chặn nhiễm trùng
  • Sử dụng nguồn nước sạch: Chỉ nên uống nước đã qua xử lý, hoặc ít nhất phải được đun sôi để nguội trước khi uống.
  • Ngăn chặn ô nhiễm: Bảo vệ môi trường và ngăn chặn ô nhiễm nguồn nước nuôi cá.
  • Nâng cao ý thức cộng đồng: Các tổ chức y tế, đội ngũ chuyên gia y khoa, cơ quan y tế công cộng và người dân nên thường xuyên thực hiện các chương trình giáo dục về nhận thức tầm quan trọng của việc ăn chín uống sôi, nỗ lực ngăn chặn sự lây lan và phát triển của ký sinh trùng sán dây, nhất là ở những khu vực, quốc gia có tỷ lệ ô nhiễm cao vệ sinh kém.

Các biện pháp trên đây không chỉ giúp phòng ngừa nhiễm trùng sán dây cá mà còn giúp giảm nguy cơ tái nhiễm.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Ăn cá sống có phải nguyên nhân khiến tôi nhiễm trùng sán dây cá không?

2. Tình trạng nhiễm trùng sán dây cá của tôi có nghiêm trọng không?

3. Bệnh có gây ra những ảnh hưởng, biến chứng nào nguy hiểm không?

4. Điều trị nhiễm trùng sán dây cá bằng phương pháp nào tốt nhất?

5. Cách sử dụng và liều dùng thuốc diệt giun sán như thế nào?

6. Tôi cần làm gì để ngăn chặn tái nhiễm sán dây cá sau điều trị?

Nhiễm trùng sán dây cá ở người gây ra các triệu chứng ở đường tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, kèm theo đau đầu hoặc thiếu máu ác tính. Do đó, trước những dấu hiệu bất thường của bệnh, khuyến cáo bệnh nhân phải thăm khám sớm tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra, chẩn đoán và hướng dẫn phương pháp điều trị phù hợp.

Tham khảo thêm: