Bệnh Rối Loạn Nhịp Tim
Rối loạn nhịp tim là tình trạng sức khỏe phổ biến trong xã hội hiện đại, có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Hầu hết các vấn đề tim mạch, bao gồm rối loạn nhịp tim đều rất nguy hiểm. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, như đột quỵ, suy tim, thậm chí tăng nguy cơ tử vong.
Tổng quan
Rối loạn nhịp tim (Arrhythmia) là tình trạng nhịp tim đập loạn không đều, quá nhanh hoặc quá chậm. Xảy ra khi có sự bất thường của các xung động hoặc rối loạn dẫn truyền xung động.
Nhịp tim của con người có cơ chế hoạt động rõ ràng, thường tăng nhanh khi hoạt động thể chất và chậm lại khi nghỉ ngơi/ ngủ. Đây là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, việc rối loạn nhịp tim thường xuyên, đồng nghĩa với việc tim đập bất thường không bơm đủ máu đến cơ thể, gây ra hàng loạt các triệu chứng như chóng mặt, ngất xỉu hoặc các dấu hiệu nguy hiểm khác.
Theo thống kê, có khoảng 1.5 - 5% dân số trên toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi rối loạn nhịp tim. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp bị rối loạn nhịp tim nhưng không có triệu chứng nên rất khó đưa ra con số dữ liệu chính xác.
Phân loại
Rối loạn nhịp tim được phân loại thành nhiều loại dựa vào các tiêu chí khác nhau. Nhưng phổ biến nhất là phân loại chúng dựa vào tốc độ dẫn truyền. Bao gồm các dạng cơ bản như:
# Nhịp tim nhanh
Là tình trạng nhịp tim đập nhanh bất thường, ngay cả khi nghỉ ngơi nhịp tim vẫn đạt ngưỡng cao > 100 nhịp/ phút. Bao gồm các dạng điển hình sau:
- Rung tâm nhĩ (AFib): Đây là dạng rối loạn nhịp tim phổ biến nhất. Đặc trưng bởi triệu chứng nhịp tim đập nhanh, không đều, xuất phát từ các vấn đề điện tim. Cụ thể các buồng trên của tim co thắt bất thường, khiến tim đập nhanh hơn > 400 lần/ phút. Tình trạng này được cảnh báo nguy hiểm, nếu không điều trị có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
- Cuồng nhĩ: Đây là thể tương tự như rung tâm nhĩ, nhịp tim đập nhanh bất thường nhưng có tổ chức hơn. Thể này thường có liên quan đến các biểu hiện đột quỵ.
- Rung tâm thất (VFib): Dạng rối loạn nhịp tim này được mô tả là một cơn co thắt nhanh chóng, hỗn loạn xuất phát từ tâm thất. Tình trạng này khiến máu không được tim bơm đúng cách để lưu thông khắp cơ thể.
- Nhịp tim nhanh trên thất (SVT): Đây cũng là một dạng rối loạn nhịp tim khác đặc trưng bởi tình trạng tim đập nhanh bất thường. Thường khởi phát từ buồng tim trên (tâm nhĩ).
- Nhịp tim nhanh thất: Đặc trưng bởi tình trạng nhịp tim đập nhanh và loạn, bắt đầu bằng các tín hiệu điện tim lỗi, xuất phát từ các buồng tim phía dưới (tâm thất). Tình trạng này thường không gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở những người có trái tim khỏe mạnh. Nhưng ở những người từng mắc bệnh tim, tình trạng này cần được cấp cứu y tế kịp thời.
- Co thắt tâm nhĩ sớm: Đây là một dạng rối loạn nhịp tim vô hại và thường không nhất thiết phải điều trị.
# Nhịp tim chậm
Được mô tả là khi nhịp tim con người khi nghỉ ngơi < 60 nhịp/ phút. Các loại nhịp tim chậm phổ biến như:
- Hội chứng nút xoang: Nút xoang là bộ phận quan trọng có nhiệm vụ điều hòa nhịp tim. Nếu chúng hoạt động bất thường sẽ gây ảnh hưởng đến nhịp tim. Tình trạng này thường là do có sẹo nằm gần nút xoang làm chậm con đường di chuyển của các xung động. Chủ yếu xảy ra ở người lớn tuổi.
- Block nhĩ thất: Điểm đặc trưng của tình trạng này là sự tắc nghẽn đường dẫn điện của tim. Điều này khiến các tín hiệu kích hoạt nhịp tim đập chậm lại hoặc ngưng hẳn. Một số trường hợp có thể không gây ra các triệu chứng nào hoặc một vài người có dấu hiệu nhịp tim đập chậm.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Rối loạn nhịp tim có thể được gây ra bởi rất nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ. Có thể kể đến một số trường hợp sau:
Nguyên nhân
Hầu hết các trường hợp bị rối loạn nhịp tim đều có liên quan đến sự hoạt động bất thường của động mạch, van hoặc cơ tim. Có thể kể đến một vài bệnh lý sau:
- Bệnh động mạch vành (tắc nghẽn động mạch trong tim);
- Bệnh cơ tim (do thay đổi cấu trúc của tim;
- Khởi phát cơn đau tim trước đó do chấn thương;
- Rối loạn chức năng van;
- Quá trình tự chữa lành vết thương sau phẫu thuật tim;
- Các bệnh lý mãn tính như tiểu đường, huyết áp cao;
- Nhiễm trùng do Covid-19;
- Rối loạn chức năng tuyến giáp và một số dạng rối loạn chuyển hóa khác;
- Rối loạn cân bằng các chất điện giải như kali, natri, magie, canxi gây cản trở tín hiệu điện tim;
Yếu tố nguy cơ
Ngoài các bệnh lý tiềm ẩn, tình trạng rối loạn nhịp tim xảy ra do liên quan mật thiết đến các yếu tố nguy cơ sau:
- Nghiện chất kích thích như hút thuốc lá, uống nhiều rượu, sử dụng ma túy và các chất kích thích như amphetamine, cocaine;
- Thay đổi nội tiết tố do mãn kinh hoặc mang thai;
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc chống loạn nhịp tim;
- Ảnh hưởng từ một số tình trạng sức khỏe di truyền như hội chứng Brugada hoặc hội chứng QT kéo dài gây rối loạn nhịp tim;
- Căng thẳng kéo dài hoặc bộc phát các cảm xúc mạnh mẽ đột ngột;
- Các vấn đề sức khỏe khác như thừa cân béo phì, ngưng thở khi ngủ, mắc các rối loạn tự miễn dịch...;
- Người lớn tuổi có nguy cơ bị rối loạn nhịp tim cao hơn người trẻ tuổi;
- Những người có chỉ số BMI > 30;
- Một vài yếu tố từ môi trường xung quanh như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước...;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Rối loạn nhịp tim xảy ra khi nhịp tim đập không đều, có thể nhanh hơn hoặc chậm hơn bình thường. Điển hình bao gồm các triệu chứng như sau:
- Tim đánh trống ngực
- Chóng mặt, hoa mắt, choáng váng
- Đau tức ngực
- Hụt hơi, khó thở
- Mệt mỏi
- Vã mồ hôi
- Ngất xỉu
Trong một số trường hợp, bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào gây khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị.
Chẩn đoán
Muốn biết chính xác các triệu chứng kể trên là do nguyên nhân gì, dạng rối loạn nhịp tim nào, mức độ nghiêm trọng ra sau mà bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán phù hợp. Quá trình chẩn đoán bao gồm các bước sau:
- Khám sức khỏe: Bước này rất quan trọng nhằm phát hiện các dấu hiệu bất thường của nhịp tim. Chẳng hạn như tim đập nhanh hoặc có tiếng thổi bất thường ở tim. Kết hợp kiểm tra kỹ lưỡng các triệu chứng bệnh nhân đang gặp phải, kết hợp khai thác các yếu tố về tiền sử bệnh cá nhân, gia đình...
- Đo điện tâm đồ (ECG hoặc EKG): Đây là kỹ thuật đo điện tâm đồ, được thực hiện bằng cách gắn các điện cực cảm biến vào ngực, cánh tay hoặc chân nhằm kiểm tra hoạt động điện tim.
- Siêu âm tim: Đây là xét nghiệm đơn giản không xâm lấn, sử dụng thiết bị cầm tay đặt trên ngực. Thiết bị này phát ra sóng âm thanh nhằm tạo ra hình ảnh về cấu trúc, kích thước và hoạt động tim.
- Máy theo dõi Holter: Đây là thiết bị ECG di động có khả năng ghi lại hoạt động tim trong một ngày trong quá trình thực thiện thói quen sinh hoạt bình thường.
Trong trường hợp bác sĩ không phát hiện các biểu hiện rối loạn nhịp tim trong những xét nghiệm này. Có thể kết hợp thực hiện các kiểm tra khác nhằm kích hoạt rối loạn nhịp tim bao gồm:
- Kiểm tra căng thẳng: Quá trình kiểm tra này nhằm đánh giá hoạt động điện tim trong lúc đạp xe tại chỗ hoặc đi bộ từ từ trên máy đi bộ. Hoặc nếu không có đủ sức để hoạt động thể dục, có thể sử dụng thuốc kích thích hoạt động tim tương tự.
- Kiểm tra bàn nghiêng: Những bệnh nhân đã từng bị ngất xỉu do rối loạn nhịp tim, cần phải đo nhịp tim và huyết áp trong khi bạn nằm thẳng trên bàn. Chiếc bàn này có khả năng nghiêng theo nhiều hướng, giống như khi bạn đang đứng thẳng dốc lên. Đồng thời, theo dõi cách tim mạch và hệ thần kinh phản ứng lại với sự thay đổi hướng đột ngột.
- Nghiên cứu EP: Thủ tục này được thực hiện bằng cách luồn các ống thông mỏng, dẻo có gắn điện cực vào trong các mạch máu ở nhiều khu vực khác nhau trong tim. Nguồn điện cực phát ra có khả năng kích thích tim đập nhanh hoặc chậm bất thường. Dựa vào kết quả này, có thể xác định được vị trí xảy ra rối loạn nhịp tim, căn nguyên cũng như phương pháp điều trị phù hợp.
- Kiểm tra hình ảnh: Một số kiểm tra hình ảnh hỗ trợ có thể được chỉ định thực hiện như chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) hoặc chụp cộng hưởng từ MRI tim.
Biến chứng và tiên lượng
Rối loạn nhịp tim thực chất không được xem là bệnh lý, mà nó có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Việc khởi phát rối loạn nhịp tim nặng nề và không được điều trị kịp thời, có thể gây ra các biến chứng khó lường như đột quỵ, suy tim, ngừng tim, thậm chí dẫn đến tử vong.
Bởi tình trạng này có mối liên hệ mật thiết với việc khởi phát làm tăng nguy cơ đông máu. Trong những trường hợp nghiêm trọng, nếu cục máu đông vỡ ra đột ngột, máu có thể di chuyển từ tim đến não, dẫn đến đột quỵ.
Để khắc phục tình trạng này, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng các loại thuốc làm loãng máu phù hợp. Đồng thời, kiểm soát các triệu chứng bằng cách điều chỉnh lối sống, quản lý bệnh sát sao, theo dõi và thăm khám định kỳ để cải thiện chức năng tim mạch.
Điều trị
Tùy theo nguyên nhân gây ra rối loạn nhịp tim và mức độ nghiêm trọng của nó, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp điều trị phù hợp. Có thể kể đến các biện pháp điều trị phổ biến gồm:
Điều trị nội khoa
Hầu hết các bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim đều đáp ứng tốt với các biện pháp điều trị không phẫu thuật. Mục đích điều trị chủ yếu nhằm kiểm soát triệu chứng, tiến triển bệnh và giảm thiểu nguy cơ biến chứng.
Bao gồm các biện pháp sau:
- Dùng thuốc: Đây là cách phổ biến và được ưu tiên dùng trong điều trị rối loạn nhịp tim. Có tác dụng chính nhằm ngăn chặn việc nhịp tim đập không đều, phục hồi nhịp tim bình thường. Các loại thuốc thường dùng như thuốc chẹn beta hoặc thuốc chẹn kênh canxi.
- Sử dụng các chất bổ sung: Ngoài thuốc tân dược, một số chất bổ sung cũng đem lại lợi ích tốt trong việc cải thiện các triệu chứng rối loạn nhịp tim. Một số chất điển hình như magie, axit béo omega-3 hoặc Coenzyme Q10 giúp giảm tần suất của những cơn rối loạn nhịp tim đột ngột.
- Máy tạo nhịp tim: Đây là một thiết bị cấy ghép trực tiếp vào cơ thể, có khả năng điều hòa nhịp tim. Phương pháp này phù hợp dùng cho những bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim trung bình hoặc năng. Cơ chế hoạt động của thiết bị này gửi các xung điện nhỏ đến cơ tim tại những thời điểm cố định nhằm duy trì nhịp tim bình thường.
- Máy khử rung tim: Trong những trường hợp rối loạn nhịp tim nguy hiểm, thậm chí có nhiều đợt gây nguy hiểm đến tính mạng sẽ được chỉ định sử dụng máy khử rung tim. Thiết bị này vừa có tác dụng theo dõi nhip tim và phát tín hiệu sốc điện khi cần thiết nhằm khôi phục hoạt động nhịp tim bình thường.
Can thiệp phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp cuối cùng được chỉ định để điều trị rối loạn nhịp tim. Đặc biệt cho những trường hợp nghiêm trọng, cần sửa chữa các mô tim bị tổn thương hoặc xử lý mô sẹo có liên quan mật thiết đến tình trạng này.
Một số thủ tục phẫu thuật được áp dụng phổ biến gồm:
- Phẫu thuật cắt bỏ: Thủ tục cắt bỏ liên quan đến việc sử dụng năng lượng tần số vô tuyến để phá hủy những điểm bất thường gây ra rối loạn nhịp tim. Việc cắt bỏ này thường được thực hiện thông qua ống thông chuyên dụng.
- Phẫu thuật cấy ghép: Mục đích nhằm cấy các thiết bị có tác dụng điều chỉnh nhịp tim vào ngực hoặc bụng. Một số thiết bị được sử dụng phổ biến như máy điều hòa nhịp tim hoặc máy khử rung tim cấy ghép (ICD).
- Phẫu thuật mê cung: Đây là thủ thuật mổ xâm lấn sửa chữa khu vực tim hở. Được thực hiện bằng cách tạo một vết mổ nhỏ tại tim để tiếp cận buồng tim. Sau đó, nối chúng với các vết mổ khác tạo ra hình dạng tương tự như mê cung. Thủ thuật này giúp điều chỉnh rối loạn nhịp tim thông qua cơ chế định tuyến tín hiệu điện.
Một số biện pháp mới hiện đại
Ngoài các biện pháp điều trị truyền thống, sự phát triển của y học hiện đại đã phát minh ra nhiều phương pháp điều trị tốt hơn nhưng chưa được áp dụng rộng rãi. Chẳng hạn như:
- Liệu pháp gen: Phương pháp này vẫn còn đang được nghiên cứu và ứng dụng trong điều trị rối loạn nhịp tim với tiềm năng lớn. Thủ tục này liên quan đến việc sử dụng virus đặc hiệu để đưa một loại gen đến tim, nó có khả năng điều chỉnh hoạt động điện tim.
- Cấy ghép tế bào gốc: Đây cũng là phương pháp hiệu mới giúp điều trị rối loạn nhịp tim vớ nhiều hứa hẹn khả quan trong tương lai. Liên quan đến việc sử dụng các tế bào gốc với mục đích sửa chữa mô tim bị tổn thương.
- Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI: Hay còn được gọi là thuật toán AI, có thể ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị rối loạn nhịp tim. Kỹ thuật này có khả năng phân tích chính xác chỉ số ECG, xác định các bất thường chứng minh liên quan đến rối loạn nhịp tim.
Phòng ngừa
Rối loạn nhịp tim có thể khởi phát bất ngờ do rất nhiều nguyên nhân. Do đó, rất khó có thể phòng ngừa tuyệt đối. Nhưng việc phòng ngừa vẫn có thể thực hiện hiệu quả nhờ các biện pháp tích cực, điều chỉnh lối sống lành mạnh cho tim. Chẳng hạn như:
- Đảm bảo cân nặng phù hợp với chỉ số khối của cơ thể.
- Tập thể dục thể thao hàng ngày, rèn luyện sức khỏe thể chất điều độ nhằm nâng cao sức khỏe.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, sử dụng thực phẩm tốt cho sức khỏe tim mạch.
- Hạn chế hoặc không sử dụng thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích nào khác.
- Kiểm soát căng thẳng, stress để tránh gây hại cho sức khỏe tim mạch.
- Không được tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa có sự cho phép của bác sĩ để tránh các biến chứng có hại cho tim.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tại sao tôi có những dấu hiệu tim đập nhanh hoặc chậm bất thường, đau tức ngực, khó thở, mệt mỏi cực độ?
2. Nguyên nhân gây ra rối loạn nhịp tim?
3. Tôi mắc thể rối loạn nhịp tim nào? Có nghiêm trọng không?
4. Tôi nên điều trị rối loạn nhịp tim bằng thuốc hay phẫu thuật?
5. Tôi có thể gặp phải những biến chứng hay tác dụng phụ nào khi điều trị rối loạn nhịp tim?
6. Các biện pháp chăm sóc tích cực tại nhà giúp cải thiện các triệu chứng rối loạn nhịp tim?
7. Bị rối loạn nhịp tim cần chú ý việc ăn uống và sinh hoạt như thế nào?
8. Mất bao lâu để kiểm soát hiệu quả các triệu chứng rối loạn nhịp tim?
9. Chi phí điều trị rối loạn nhịp tim tốn bao nhiêu? Có cần dùng BHYT không?
10. Bị rối loạn nhịp tim có tái phát sau điều trị không?
Rối loạn nhịp tim được cảnh báo là dấu hiệu của nhiều bệnh lý và tình trạng sức khỏe tiềm ẩn. Tuy tiến triển khó lường nhưng không phải trường hợp nào cũng nguy hiểm. Điều quan trọng là phải sớm nhận biết các dấu hiệu của rối loạn nhịp tim, sau đó tìm kiếm các biện pháp chăm sóc y tế phù hợp. Đây là cách tốt nhất để giảm thiểu tối đa nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng.
Tham khảo thêm:
- 9 Loại Thuốc Trị Bệnh Tim Thường Được Bác Sĩ Chỉ Định
- Bệnh Tim Mạch: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Giải pháp điều trị