Bệnh Suy Dinh Dưỡng Thể Marasmus

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN – Khoa Nội – Tiêu hóaGiám đốc Chuyên môn Thuốc Dân Tộc Chi Nhánh phía Nam – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh

Suy dinh dưỡng thể Marasmus là dạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng do thiếu protein - năng lượng. Chủ yếu xảy ra ở trẻ em và một số ít trường hợp ở người lớn. Không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, trí tuệ, người mắc thể suy dinh dưỡng này còn có tỷ lệ tử vong cao do các biến chứng khi không điều trị kịp thời. 

Tổng quan

Suy dinh dưỡng thể Marasmus hay còn gọi là suy dinh dưỡng thể teo đét (Cam tích) là một dạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Loại này thuộc nhóm thiếu dinh dưỡng protein - năng lượng (Protein - Energy Malnutrition - PEM). Tức là suy dinh dưỡng do thiếu 2 dưỡng chất quan trọng là năng lượng và protein, ngoài ra còn có chất béo, vitamin, khoáng chất.

Thể suy dinh dưỡng này đặc biệt phổ biến ở các nước đang phát triển hoặc kém phát triển như châu Á, châu Phi, Mỹ La tinh... Vì đây là những quốc gia có nền kinh tế kém chậm phát triển, một số khu vực thường khó tiếp cận đa dạng các nguồn thực phẩm dinh dưỡng, khan hiếm lương thực hoặc phát triển nghiêm trọng các bệnh nhiễm trùng.

Suy dinh dưỡng thể Marasmus là dạng nghiêm trọng của nhóm suy dinh dưỡng protein - năng lượng, xảy ra do thiếu hụt calo

Trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là từ 0 - 1 tuổi rất dễ mắc phải thể suy dinh dưỡng này. Khi mắc phải, trẻ thường có các dấu hiệu đặc trưng về suy giảm sức khỏe, kém phát triển thể chất, phản ứng kém và các bất thường về hệ tiêu hóa. Ngoài ra, trẻ bị suy dinh dưỡng Marasmus cũng phát triển các đặc điểm ngoại hình khác thường.

Đa số trường hợp mắc suy dinh dưỡng thể Marasmus thường ảnh hưởng đến trẻ em. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bệnh phát triển ở người lớn. Tình trạng này thường liên quan đến việc chán ăn và giảm khả năng hấp thu dưỡng chất từ thực phẩm do tuổi tác, các bệnh lý đường ruột hoặc trầm cảm. Còn được gọi là hội chứng chán ăn sinh lý ở người già.

Phân loại

Bệnh suy dinh dưỡng Marasmus được phân chia làm 2 loại gồm:

  • Thể nguyên phát: Xảy ra khi cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng do ăn uống ít, không đủ thực phẩm. Tình trạng này phổ biến ở những quốc gia kém hoặc đang phát triển, nơi còn nghèo đói hoặc khan hiếm lương thực. Đây là dạng phổ biến nhất, xảy ra ở trẻ em, khiến trẻ có ngoại hình gầy xộc, lộ xương do mất mỡ dưới da, khuôn mặt hốc hác, già nua...
  • Thể thứ phát: Dạng suy dinh dưỡng này xảy ra do liên quan đến một bệnh lý hoặc vấn đề sức khỏe nào đó gây cản trở quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng. Dạng này thường ít phổ biến hơn thể nguyên phát nhưng lại khá nghiêm trọng nếu không điều trị kịp thời. Đa số trẻ mắc thể suy dinh dưỡng này thường có trọng lượng bình thường, nhưng phát triển nặng các triệu chứng đường ruột.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Thiếu hụt calo là nguyên nhân chính gây ra bệnh suy dinh dưỡng Marasmus. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến cả trẻ em và người lớn, cụ thể như sau:

Đối với trẻ em

Cụ thể là trẻ không có đủ calo và đạm cần thiết thông qua chế độ ăn uống hàng ngày. Tình trạng này xảy ra rất phổ biến ở những quốc gia nghèo đói, kinh tế kém phát triển, khan hiếm lương thực và vệ sinh kém. Trẻ em phát triển với những điều kiện này thường có nguy cơ mắc suy dinh dưỡng thể Marasmus.

Trẻ em ở những quốc gia nghèo đói, khan hiếm lương thực rất dễ mắc bệnh suy dinh dưỡng thể teo đét

Ngoài ra, còn có các yếu tố khác góp phần phát triển bệnh lý này như:

  • Trẻ không được bú sữa mẹ: Sữa mẹ là nguồn dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Những đứa trẻ không được bú sữa mẹ hoặc cai sữa quá sớm thường có nguy cơ cao phát triển thể suy dinh dưỡng này.
  • Các bệnh lý tiềm ẩn: Một vài bệnh lý như nhiễm HIV/ AIDS, bẹnh nhiễm trùng, tiêu chảy, viêm phổi... làm tăng khả năng gây chán ăn, ngăn cản khả năng hấp thụ dưỡng chất từ thực phẩm, khiến trẻ dễ mắc suy dinh dưỡng hơn.
  • Vệ sinh kém: Yếu tố vệ sinh cũng góp phần tạo điều kiện phát triển nhiễm trùng và gây suy dinh dưỡng.

Đối với người lớn

Một số trường hợp suy dinh dưỡng thể Marasmus xảy ra ở người lớn. Các yếu tố thúc đẩy sự phát triển của bệnh này là do:

  • Cảm giác chán ăn theo tuổi tác;
  • Giảm hoặc thay đổi vị giác;
  • Các bệnh lý gây kém hấp thu dưỡng chất như bệnh Celiac, Crohn, suy tụy...;
  • Trầm cảm cũng là nguyên nhân phổ biến gây chán ăn và suy dinh dưỡng ở người cao tuổi, nhất là những người đang sinh sống trong các viện dưỡng lão;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Các triệu chứng của bệnh suy dinh dưỡng Marasmus có thể tiến triển từ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng.

Trẻ sơ sinh suy dinh dưỡng thể teo đét thường có diện mạo bất thường, cân nặng thấp, teo gầy do giảm lượng mỡ dưới da

Bao gồm các triệu chứng điển hình như:

  • Mất mô cơ và mỡ làm giảm chỉ số khối cơ thể, khiến trẻ teo đét, gầy rộc, xương lộ rõ;
  • Phần đầu lớn hơn cơ thể;
  • Thóp trũng;
  • Khuôn mặt già nua, nhăn nheo;
  • Sụt cân hoặc không đạt được cân nặng phù hợp với độ tuổi;
  • Tiêu chảy mãn tính;
  • Mất nước;
  • Hoa mắt, chóng mặt;
  • Đầy hơi, chướng bụng;
  • Da khô, bong tróc;
  • Tóc khô xơ, dễ gãy;
  • Mệt mỏi, thiếu năng lượng;
  • Thân nhiệt thấp;

Ngoài ra, các triệu chứng nghiêm trọng khác có thể xảy ra kèm theo khi phát triển bệnh suy dinh dưỡng thể Marasmus như:

  • Suy giảm chức năng não, gây thiểu năng trí tuệ;
  • Thiếu máu do thiếu sắt;
  • Còi xương nghiêm trọng do thiếu canxi và vitamin D;
  • Tụt huyết áp;
  • Rối loạn nhịp tim;
  • Rối loạn các chất điện giải;

Chẩn đoán

Kiểm tra thể chất là bước đầu tiên trong quá trình chẩn đoán suy dinh dưỡng thể Marasmus. Ở người mắc bệnh này, thường có các biểu hiện nổi bật về thể chất và sức khỏe. Bao gồm:

  • Vẻ ngoài hốc hác, xương lộ rõ;
  • Khuôn mặt hóp sâu;
  • Da nhăn nheo, chảy xệ tạo thành các nếp gấp;
  • Ngoại hình già hơn tuổi;
  • Chiều cao, cân nặng, đặc biệt là chu vi cánh tay giữa trên (MUAC) thấp hơn mức bình thường;

Tiêu chí chẩn đoán suy dinh dưỡng thể Marasmus khi có MUAC dưới 115mm hoặc mức cân nặng theo chiều cao lệch chuẩn dưới mức trung bình.

Chẩn đoán suy dinh dưỡng thể Marasmus thông qua kiểm tra thể chất, đánh giá các yếu tố như chiều cao, cân nặng, chu vi cánh tay giữa, ngoại hình

Ngoài ra, một số xét nghiệm cận lâm sàng được thực hiện trong phòng thí nghiệm cũng có thể được chỉ định áp dụng để chẩn đoán xác nhận bệnh suy dinh dưỡng thể này. Bao gồm:

  • Xét nghiệm máu đo huyết sắc tố, nồng độ hemoglobin hoặc các bất thường về chỉ số hồng cầu;
  • Phết máu giúp chẩn đoán thiếu máu, sốt rét;
  • Xét nghiệm đo lường các chất điện giải như sắt, B12, axit folic...;
  • Nuôi cấy và phân tích máu, nước tiểu dưới kính hiển vi phát hiện virus, ký sinh trùng gây suy giảm miễn dịch ở người;

Biến chứng và tiên lượng

Suy dinh dưỡng thể Marasmus là dạng suy dinh dưỡng cực kỳ nghiêm trọng, xảy ra do sự thiếu hụt protein và calo trong chế độ ăn uống hàng ngày. Tình trạng này được cảnh báo gây ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Nguyên nhân tử vong thường xuất phát từ các biến chứng như rối loạn cân bằng các chất điện giải, nhiễm trùng, mất nước hoặc suy tim.

Ngoài ra, trong quá trình tiến triển của dạng suy dinh dưỡng này, bệnh nhân có thể gặp phải một số biến chứng tiềm ẩn như:

  • Trẻ chậm tăng trưởng;
  • Tổn thương và biến dạng xương khớp;
  • Yếu cơ, mất sức mạnh, thể lực kém;
  • Suy giảm thị lực hoặc mù lòa vĩnh viễn;
  • Thường xuyên ngất xỉu, hôn mê bất tỉnh;
  • Suy đa tạng;

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mắc dạng suy dinh dưỡng này có thể gây ra nhiều biến chứng về khả năng tăng trưởng, thể lực kém, suy nội tạng...

Đối với trẻ em, suy dinh dưỡng Marasmus còn gây ra những hệ lụy lâu dài cho đến khi trẻ trưởng thành. Một số trường hợp trẻ vượt qua được cơn nguy hiểm, không tử vong sớm cũng sẽ gặp những vấn đề về sức khỏe thể chất, trí tuệ, học hành kém và giảm khả năng lao động do chiều cao, cân nặng thấp.

Những cảnh báo về sự nguy hiểm của suy dinh dưỡng thể Marasmus khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng trong hầu hết các trường hợp nếu được điều trị kịp thời và đúng cách, tiên lượng phục hồi sức khỏe vẫn rất tốt. Trẻ vẫn có thể đạt được cân nặng và chiều cao, đặc biệt là nền tảng sức khỏe bình thường.

Điều trị

Mục tiêu điều trị suy dinh dưỡng thể Marasmus bao gồm 3 giai đoạn chính: ổn định và hồi sức, phục hồi dinh dưỡng, theo dõi ngăn ngừa tái phát.

Cụ thể quá trình thực hiện từng bước điều trị như sau:

Giai đoạn hồi sức và ổn định

Ở giai đoạn đầu này, mục đích điều trị chủ yếu nhằm bù nước và ngăn ngừa nhiễm trùng, bội nhiễm cũng như các biến chứng của bệnh gây ra. Thời gian điều trị giai đoạn này là khoảng 1 tuần. Cụ thể các biện pháp điều trị như sau:

Trẻ cần được điều trị y tế bằng các biện pháp như truyền nước, dùng thuốc để kiểm soát các triệu chứng suy dinh dưỡng nguy hiểm

  • Truyền nước hoặc tiêm tĩnh mạch dung dịch đẳng trương trong trường hợp trẻ bị giảm thể tích huyết tương;
  • Nếu nghi ngờ có dấu hiệu nhiễm trùng huyết cần sử dụng ngay thuốc kháng sinh với liều phù hợp;
  • Đảm bảo cung cấp đầy đủ lượng dinh dưỡng cần thiết với mức độ từ từ vừa phải, phù hợp với độ tuổi, trung bình khoảng 60 - 80% lượng calo thiết yếu;
  • Nếu trẻ có nguy cơ tụt đường huyết hoặc ăn uống khó khăn, có thể tiến hành cho ăn bằng cách đặt ống thông qua mũi - dạ dày hoặc chia nhỏ các bữa ăn;
  • Tăng cường bổ sung các loại vitamin và khoáng chất thiết yếu như phosphate hoặc thiamine dạng uống để kiểm soát tình trạng giảm phosphat trong máu. Đồng thời, ngăn chặn các biến chứng như tổn thương não, suy tim, phù nề;

Giai đoạn phục hồi dinh dưỡng

Khi đã bước vào giai đoạn ổn định sức khỏe, trẻ có nhu cầu ăn trở lại và các triệu chứng, biến chứng bất thường đã được kiểm soát, có thể tiến hành phục hồi dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng thể marasmus.

Quá trình này thường kéo dài trong vòng 2 - 6 tuần. Bao gồm các bước là bổ sung tăng dần lượng calo thiết yếu, tạo điều kiện cho trẻ vận động và tiêm chủng phòng ngừa. Riêng với bổ sung dinh dưỡng, một đứa trẻ đã bị suy dinh dưỡng có thể cần khoảng 120 - 140% lượng calo thiết yếu để đảm bảo duy trì ổn định tốc độ tăng trưởng như các trẻ cùng độ tuổi.

Đảm bảo bổ sung dinh dưỡng cho trẻ theo tiêu chuẩn phù hợp, đầy đủ và cân bằng các chất

Ở giai đoạn này, chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên cho trẻ ăn những món được chế biến lỏng, có đủ các chất như đạm, béo, carbohydrate, vitamin, khoáng chất... Sau đó, dần dần chuyển sang chế độ ăn đặc, thô hơn và cuối cùng là chuyển về chế độ ăn uống bình thường.

Giai đoạn theo dõi và phòng ngừa

Bất kỳ ai bị suy dinh dưỡng thể marasmus cũng có thể tái phát sau điều trị nếu không kết hợp với theo dõi, chăm sóc và phòng ngừa. Do đó, đối với các bậc phụ huynh có con em mắc bệnh này, sẽ được giáo dục hỗ trợ nâng cao kiến thức về việc nuôi ăn. Đồng thời, thực hiện các biện pháp tích cực đảm bảo bổ sung đầy đủ dinh dưỡng thông qua thực phẩm, môi trường sống sạch sẽ và kiểm soát tốt các bệnh lý nhiễm trùng.

Phòng ngừa

Cho đến thời điểm hiện tại, không có biện pháp đặc hiệu nào giúp phòng ngừa tuyệt đối bệnh suy dinh dưỡng nói chung và suy dinh dưỡng thể Marasmus nói riêng. Việc phòng ngừa chủ yếu nhằm giảm thiểu nguy cơ phát triển và hạn chế tiến triển nghiêm trọng của suy dinh dưỡng.

Nuôi con bằng sữa mẹ giúp giảm nguy cơ phát triển suy dinh dưỡng thể Marasmus

Dưới đây là các biện pháp phòng ngừa hiệu quả:

  • Trẻ sơ sinh nên được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong vòng 6 tháng đầu đời hoặc kéo dài đến hết năm đầu tiên.
  • Cho trẻ ăn dặm đúng cách, đảm bảo bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết theo nhu cầu ở từng độ tuổi. Cụ thể gồm 4 nhóm dưỡng chất quan trọng gồm bột đường, đạm, béo, vitamin & khoáng chất.
  • Chế biến thực phẩm cho trẻ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng đường ruột. Không nên cho trẻ sử dụng các loại thực phẩm có hại như đồ sống, tái, đồ đóng hộp, chế biến sẵn nhiều dầu mỡ...
  • Cho trẻ uống thuốc tẩy giun định kỳ 6 tháng/ lần đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên.
  • Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
  • Tạo điều kiện cho trẻ vận động và sinh hoạt điều độ, khoa học, tập thể dục hàng ngày giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất cho cơ thể.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân gây ra bệnh suy dinh dưỡng thể Marasmus?

2. Tình trạng suy dinh dưỡng của con tôi có nghiêm trọng không?

3. Những biến chứng có thể gặp phải khi bị suy dinh dưỡng thể teo đét?

4. Cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán xác nhận bệnh này?

5. Phác đồ điều trị suy dinh dưỡng thể Marasmus hiệu quả dành cho con tôi?

6. Quá trình điều trị mất bao lâu thì khỏi?

7. Tôi cần chú ý gì trong việc chăm sóc trẻ bị suy dinh dưỡng?

8. Cần làm gì để phòng ngừa tái phát các triệu chứng suy dinh dưỡng thể teo đét?

9. Chi phí điều trị bệnh suy dinh dưỡng thể Marasmus tốn bao nhiêu?

Suy dinh dưỡng thể Marasmus có thể điều trị và chữa khỏi được nếu tích cực thực hiện phác đồ do bác sĩ chỉ định. Điều trị càng sớm, tiên lượng càng cao về mức phục hồi thể trạng và sức khỏe, giúp người bệnh sớm lấy lại đời sống sinh hoạt bình thường, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng cần thiết đối với trẻ nhỏ.