Bệnh ung thư máu

ung thư máu

Ung thư máu là một trong các dạng ung thư cực kỳ nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu bệnh nhân không phát hiện kịp thời. Tuy nhiên do giai đoạn đầu bệnh tiến triển âm thầm, ít triệu chứng nên bệnh nhân chủ quan. Nhiều trường hợp sau khi bệnh khởi phát nặng, ung thư chuyển sang giai đoạn muộn mới phát hiện, lúc này tiên lượng sống thấp, khả năng tử vong cao.

Tổng quan

Ung thư máu hay ung thư huyết học là dạng bệnh lý nguy hiểm, có khả năng gây tử vong cao. Đây là dạng ung thư nằm trong danh sách các bệnh lý ung thư phổ biến. Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc phải chứng bệnh này.

Bệnh ung thư máu
Ung thư máu là bệnh nguy hiểm có thể gây hại nghiêm trọng sức khỏe, tính mạng của người bệnh

Xuất phát điểm từ sự bất thường ở tủy xương - mô xốp trong xương, khu vực quan trọng và là nơi sản xuất máu cho cơ thể duy trì hoạt động sống. Các tế bào máu bất thường ồ ạt phát triển, vượt ngoài khả năng kiểm soát của cơ thể. Một thời gian sau các tế bào máu bình thường bị ức chế hoạt động, dẫn đến gián đoạn chức năng.

Cơ thể mỗi người sẽ có 3 loại tế bào máu gồm tế bào bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu. Trong đó, tế bào bạch cầu có nhiệm vụ chống lại nhiễm trùng, được xem là một trong các thành phần của hệ thống miễn dịch. Tế bào hồng cầu có chức năng vận chuyển oxy đi nuôi mô và các cơ quan trong cơ thể, đồng thời mang carbon dioxide đến phổi.

Và tế bào máu tiểu cầu có nhiệm vụ đông máu khi cơ thể bị trầy xước, có vết thương hở. Những người mắc chứng ung thư máu có các tế bào máu bất thường, ảnh hưởng đến chức năng của các tế bào máu đã đề cập. Từ đó cơ thể người bệnh có khả năng chống nhiễm trùng kém, suy giảm sản sinh tế bào máu mới, ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng.

Phân loại

Ung thư máu được phân chia thành các dạng ung thư chính bao gồm:

  • Bệnh bạch cầu (Leukamia): Có khả năng xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào từ trẻ em đến người lớn tuổi. Mô tạo máu xuất hiện các biểu hiện bất thường, tế bào bạch cầu bị tổn thương, hình thành các tế bào ác tính. Số lượng tế bào bạch cầu được tủy xương tạo ra một cách ồ ạt khiến cơ thể bị suy giảm khả năng chống nhiễm trùng.
  • Ung thư hạch (Lymphoma): Bệnh ung thư xảy ra tại hệ thống hạch bạch huyết. Trong khi đó, hệ thống hạch bạch huyết là nơi sản sinh ra những kháng thể giúp cơ thể chống lại sự tấn công của vi khuẩn, virus,... Trường hợp ung thư tại hạch, các tế bào lympho bất thường xuất hiện, hình thành các tế bào ác tính. Tế bào bất thường có tốc độ nhân lên nhanh chóng, tạo thành khối u. Điều này lý giải cho việc vì sao hạch bạch huyết sưng to ở bệnh nhân mắc bệnh ung thư máu nói riêng và những dạng ung thư nói chung khác.
  • Bệnh u tủy, u tân sinh tương bào (Myeloma): Với dạng này, các tế bào plasma phát triển bất thường là nguyên nhân gây ung thư. U tủy có thể phát triển một cách không kiểm soát, hình thành những khối u tích tụ ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể. Khi chúng không được phát hiện và loại bỏ, các khối u ác tính sẽ tiết ra chất làm kích thích tế bào hủy xương loại bỏ canxi khiến xương trở nên yếu, dễ gãy, gòn.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Theo nghiên cứu cho thấy bệnh ung thư máu hình thành do xảy ra sự biến đổi DNA trong tế bào máu. Tuy nhiên, nguyên nhân gây ra tình trạng này cho đến nay vẫn đang được làm rõ, chưa có kết luận chính xác. Những yếu tố được xem là có nguy cơ cao gây bệnh được kể đến như:

Nguyên nhân gây ung thư máu
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư máu

  • Độ tuổi không phải là yếu tố quyết định toàn bộ các trường hợp ung thư máu. Tuy nhiên số liệu thống kê cho thấy những bệnh nhân trong nhóm 40-60 tuổi mắc bệnh chiếm số lượng lớn. Một phần nhỏ những trường hợp mắc bệnh bẩm sinh, mắc bệnh khi còn nhỏ tuổi. Điều này cũng giúp xác định yếu tố nguy cơ là do cơ thể tích tụ độc tố trong thời gian dài, nhất là người càng lớn tuổi có lối sống không khoa học trong nhiều năm liền.
  • Ngoài ra, người ta còn cho biết tỷ lệ bệnh nhân ung thư máu có giới tính nam nhiều hơn rất nhiều so với nữ giới. Đa phần đều có liên quan đến thói quen hút thuốc, uống nhiều bia rượu, đồ uống chứa cồn,... Những sản phẩm chứa độc tố không có lợi cho sức khỏe.
  • Một số trường hợp khác mắc ung thư máu liên quan đến gen, tình trạng đột biến gen. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra các dân tộc có màu da màu thường có khả năng mắc bệnh cao hơn nhóm người da trắng.
  • Công việc tiếp xúc thường xuyên hóa chất độc hại, mắc bệnh về tiểu đường, bệnh gan,... không điều trị cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư máu. Tế bào máu ở người có cơ địa yếu, tiếp xúc tác nhân gây hại trong thời gian dài có sự thay đổi, đột biến, sản sinh nhiều tế bào bất thường.
  • Ngoài những yếu tố kể trên, nguyên nhân gây ung thư máu còn có thể là do di truyền gen đột biến từ người thân cận huyết trong gia đình.

Phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ, thăm khám và kịp thời điều trị xử lý bệnh ung thư máu giúp bệnh nhân có khả năng cứu sống cao, kéo dài tiên lượng sống. Tuy nhiên không phải ai cũng may mắn phát hiện bệnh từ giai đoạn đầu. Xác định nguyên nhân, yếu tố nguy cơ là một trong những chi tiết giúp bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị, lựa chọn giải pháp tốt nhất cho bệnh nhân.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Giai đoạn đầu người mắc ung thư máu thường không có dấu hiệu nhận biết rõ ràng. Các triệu chứng có thể bị nhầm lẫn với những vấn đề sức khỏe khác. Điều này tăng rủi ro phát hiện bệnh chậm trễ, ảnh hưởng hiệu quả điều trị và đe dọa đến sự an toàn tính mạng của người bệnh.

Triệu chứng ung thư máu
Nhận biết biểu hiện bất thường và chủ động khám sớm, tăng khả năng chữa khỏi ung thư máu

Chính vì thế, các bác sĩ khuyên bệnh nhân khi phát hiện cơ thể có các dấu hiệu nghi ngờ hãy chủ động đến bệnh viện để được khám và điều trị sớm. Một số biểu hiện bệnh nhân mắc ung thư máu thường gặp phải kể đến như:

  • Cơ thể mệt mỏi, uể oải không rõ nguyên nhân, không có sức làm việc.
  • Thân nhiệt tăng cao, cơn sốt có thể xuất hiện thường xuyên, dai dẳng không khỏi. Đây là một trong những dấu hiệu cảnh báo hệ miễn dịch của cơ thể đang gặp vấn đề.
  • Ra mồ hôi nhiều hơn bình thường, nhất là vào ban đêm.
  • Cơ thể xuất hiện các vết bầm tím bất thường, chảy máu cam,...
  • Cân nặng sụt giảm không lý do. Người mắc bệnh ung thư có hệ trao đổi chất kém, dinh dưỡng không được hấp thu khiến cơ thể ngày càng xanh xao, sụt cân.
  • Mắc bệnh nhiễm trùng thường xuyên do hệ miễn dịch hoạt động kém, các tác nhân gây hại dễ dàng tấn công cơ thể.
  • Hiện tượng sưng hạch bạch huyết là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ ung thư.
  • Đau nhức xương khớp, đi lại khó khăn, cảm giác yếu tứ chi, vận động và làm việc hiệu quả kém.

Ngoài ra, còn nhiều dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư máu khác. Tùy vào tình hình sức khỏe, giai đoạn bệnh mà các triệu chứng sẽ bùng phát nặng hay nhẹ. Bệnh nhân cần được thăm khám và điều trị can thiệp sớm để phòng ngừa các rủi ro đe dọa an toàn tính mạng.

Chẩn đoán

Khi đến bệnh viện, bệnh nhân sẽ được bác sĩ thăm hỏi triệu chứng đang gặp phải, đồng thời kiểm tra các vết bầm, vị trí sưng hạch bạch huyết,... Bác sĩ cũng sẽ thu thập các thông tin liên quan đến tiền sử bệnh lý của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân để đưa ra các đánh giá sơ bộ về tình hình sức khỏe cho người bệnh.

Để có kết luận chính xác hơn, các phương pháp xét nghiệm sẽ được tiến hành bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Phương pháp được thực hiện nhằm mục đích nhận biết sự bất thường trong tế bào máu như tế bào hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu.
  • Chụp CT, MRI: Chẩn đoán hình ảnh cho kết quả có hoặc không có sự xuất hiện của các yếu tố bất thường như tổn thương, hoại tử, hủy xương,... Những yếu tố có liên quan đến bệnh ung thư máu sẽ được tìm thấy.
  • Sinh thiết tủy xương: Đây cũng là phương pháp chẩn đoán bệnh được thực hiện nhằm đánh giá mức độ tổn thương và giai đoạn ung thư máu.
  • Phết tế bào máu: Kỹ thuật chẩn đoán được thực hiện trong phòng thí nghiệm. Dưới kính hiển vi, bác sĩ sẽ phát hiện các bất thường của tế bào máu. Thông qua phương pháp này bác sĩ có thể nhận biết dấu hiệu bất thường, ngoài ra còn có thể tìm thấy ung thư hạch.

Sau khi có kết quả chẩn đoán, tùy vào giai đoạn bệnh của mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định giải pháp điều trị phù hợp nhất. Bệnh được phát hiện càng sớm càng có nhiều cơ hội kiểm soát, điều trị thành công.

Biến chứng và tiên lượng

Ung thư máu là bệnh lý nguy hiểm. Khi bệnh tiến triển nặng không được kiểm soát, bệnh nhân sẽ đối mặt với nhiều rủi ro biến chứng. Trường hợp nặng nhất người bệnh có thể tử vong khi bệnh đã diễn biến không còn cơ hội cứu chữa.

Biến chứng ung thư máu
Người bị ung thư máu giai đoạn cuối gặp nhiều biến chứng, tỷ lệ tử vong cao

Những vấn đề bệnh nhân có thể gặp khi mắc bệnh ung thư máu kể đến như:

  • Tình trạng xương yếu do các tế bào hủy xương bị kích thích dẫn đến việc canxi bị hủy bỏ dần. Xương dễ gãy, tăng canxi huyết.
  • Nguy cơ suy thận cao do máu bị thiếu hụt, lượng tế bào máu khỏe mạnh thấp. Ngoài ra bệnh nhân còn có khả năng bị tổn thương thận dưới sự ảnh hưởng của tế bào bạch cầu phát triển trong máu ồ ạt.
  • Người bệnh có khả năng bị nhiễm trùng, viêm nhiễm thường xuyên do hoạt động của hệ thống miễn dịch kém.
  • Cơ thể bị thiếu máu, lượng bạch cầu nhiều trong khi lượng hồng cầu giảm.
  • Một số trường hợp bệnh nặng bị xuất huyết tiêu hóa, phổi, xuất huyết sọ não,... dẫn đến tử vong.

Phát hiện bệnh càng sớm, giai đoạn bệnh mới hình thành sẽ giúp bệnh nhân có điều kiện và cơ hội chữa khỏi tốt hơn, kéo dài tiên lượng sống. Tuy nhiên do bệnh tiến triển âm thầm nên khi phát hiện bệnh càng muộn, tiên lượng sống càng nghèo nàn, khả năng điều trị kém.

Chính vì thế, ngay khi nhận thấy cơ thể có các dấu hiệu bất thường, tốt hơn hết người bệnh nên đến bệnh viện sớm. Ngoài ra, định kỳ hàng năm nên đến khám sức khỏe tổng quát để theo dõi bệnh lý, điều trị sớm. Đặc biệt là những đối tượng có người thân trong gia đình mắc bệnh về máu huyết, hãy chủ động kiểm tra sức khỏe để kịp thời điều trị kiểm soát.

Tham khảo thêm: Bệnh bạch cầu cấp: Nguyên nhân và cách điều trị

Điều trị

Hiện nay có các phương pháp điều trị bệnh ung thư nói chung và ung thư máu nói riêng, bao gồm hóa trị, xạ trị, ghép tế bào gốc,... Dựa trên kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp cho người bệnh. Các cách thường được áp dụng như:

  • Hóa trị: Sử dụng thuốc hóa trị đưa vào cơ thể nhằm loại bỏ các tế bào ác tính. Tùy thuộc vào mức độ ung thư máu của mỗi người, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp. Trong thời gian sử dụng thuốc hóa trị, bệnh nhân cần cách ly để tránh ảnh hưởng sức khỏe của người xung quanh. Thuốc hóa trị sẽ ức chế, kiểm soát các tế bào bất thường, không gây hại đến các tế bào khỏe mạnh khác.
  • Xạ trị: Phương pháp được thực hiện sau hóa trị, mục đích loại bỏ triệt để các tế bào ung thư còn sót lại. Thủ thuật sử dụng tia X hoặc chùm tia có năng lượng mạnh tác động lên tế bào bạch cầu, phá hỏng chúng và không để chúng tiếp tục nhân bản số lượng quá lớn. Một số trường hợp người bệnh được xạ trị độc lập hoặc kết hợp với hóa trị. Tuy mang lại hiệu quả cao tuy nhiên bệnh nhân có thể bị đau đớn và mệt mỏi khi thực hiện xạ trị. Ngoài ra, các tế bào khỏe mạnh cũng có thể bị ảnh hưởng do tác động của các tia năng lượng cao.
  • Ghép tế bào gốc: Phương pháp được thực hiện nhằm điều trị bệnh ung thư máu cho bệnh nhân. Tế bào gốc được đưa bào tủy xương, tái tạo tế bào, tăng lượng tế bào khỏe mạnh. Những tế bào gốc này được lấy ra từ chính cơ thể người bệnh, thực hiện trước khi hóa trị, xạ trị để lưu trữ và sử dụng sau khi loại bỏ khối u.

Phòng ngừa

Bệnh ung thư máu có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào. Có rất nhiều yếu tố tác động tăng rủi ro mắc bệnh ung thư máu. Để giảm nguy cơ bệnh tiến triển nặng gây hại sức khỏe, tính mạng, người bệnh cần đến bệnh viện thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Phòng ngừa ung thư máu
Chủ động kiểm soát đời sống, thói quen sinh hoạt để phòng tránh bệnh ung thư nói chung

Ngoài ra, đối với trường hợp chưa mắc bệnh tốt hơn hết hãy chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Một số lưu ý giúp bạn phòng ngừa bệnh ung thư máu nói riêng và các bệnh ung thư nói chung khác như:

  • Chủ động điều chỉnh thói quen ăn uống lành mạnh và khoa học hơn. Hạn chế ăn những món nhiều dầu mỡ, đồ ăn quá cay nóng, thức ăn chứa chất bảo quản, chất độc hại,... Tránh sử dụng nhiều bia rượu, đồ uống chứa cồn, chất kích thích không có lợi cho sức khỏe.
  • Xây dựng thói quen sinh hoạt đều độ, tập thể dục thể thao, vận động vừa sức giúp cơ thể dẻo dai, trao đổi chất tốt hơn. Tránh ngồi, nằm một chỗ quá lâu. Hạn chế làm việc quá sức, căng thẳng, thức khuya trong thời gian dài.
  • Dùng đồ bảo hộ lao động khi làm việc tại những khu vực có hóa chất, năng lượng bức xạ,... ảnh hưởng đến sức khỏe.
  • Điều trị bệnh lý theo hướng dẫn của bác sĩ, không tùy tiện sử dụng thuốc một cách bừa bãi.
  • Khám sức khỏe định kỳ, thăm khám khi nhận thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường để kịp thời phát hiện bệnh và điều trị.

Có thể bạn quan tâm: Bệnh đa hồng cầu nguyên phát và thông tin cần biết

Những câu hỏi quan trọng khi khám

1. Nguyên nhân gây bệnh ung thư máu là gì?

2. Tôi có thể phát hiện bệnh qua các triệu chứng nào?

3. Tình trạng ung thư máu tôi gặp phải ở mức độ nào?

4. Có chữa khỏi bệnh ung thư máu được không?

5. Có những phương pháp nào chữa bệnh ung thư máu?

6. Sử dụng thuốc có chữa được bệnh ung thư máu không?

7. Nếu không điều trị tôi có thể gặp các biến chứng gì?

8. Điều trị trong bao lâu ung thư máu sẽ khỏi?

9. Tôi cần làm gì trong thời gian hóa trị để bảo đảm an toàn cho người thân?

10. Bao lâu tôi cần quay lại bệnh viện tái khám?

Ung thư máu là bệnh lý nguy hiểm, có khả năng gây tử vong cao nếu bệnh nhân không phát hiện và điều trị sớm. Mặc dù vậy thực tế rất khó để nhận biết bệnh từ giai đoạn đầu khởi phát do bệnh có ít triệu chứng, và rất dễ nhầm lẫn. Khi bệnh diễn biến sang giai đoạn muộn, tiên lượng sống ngắn hơn và khả năng điều trị kém. Do đó, bạn đọc nên chủ động bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa ung thư máu nói riêng và nhiều bệnh ung thư khác.