Bệnh Crohn

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN – Khoa Nội – Tiêu hóaGiám đốc Chuyên môn Thuốc Dân Tộc Chi Nhánh phía Nam – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh

Bệnh Crohn là một dạng viêm ruột mãn tính có cơ chế tự miễn. Dù được nghiên cứu nhiều nhưng cơ chế bệnh sinh và căn nguyên chưa được biết rõ. Nếu không được kiểm soát, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng như thiếu máu, tắc ruột, nứt kẽ/ rò hậu môn hay nghiêm trọng hơn là ung thư đại tràng.

Tổng quan

Bệnh Crohn (Crohn’s Disease) là tình trạng viêm ruột mãn tính, xảy ra ở bất cứ đoạn nào từ thực quản cho đến trực tràng. Tổn thương có dạng viêm, sau đó tiến triển gây loét, chảy máu và đôi khi hình thành sẹo co kéo. Đặc điểm của bệnh là có tính chất dai dẳng, mãn tính và hay tái phát.

bệnh crohn
Bệnh Crohn là tình trạng viêm đường ruột mãn tính xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau như hồi tràng, hỗng tràng, đại tràng, dạ dày - tá tràng...

Mặc dù bệnh Crohn có thể gây viêm ở bất cứ vùng nào trên ống tiêu hóa nhưng thường gặp nhất là ở hồi - manh tràng. Với đặc điểm viêm mãn tính ở đại tràng, bệnh lý này được xếp vào nhóm viêm ruột mãn tính (Inflammatory Bowel Disease -  IBD).

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở người trẻ. Bệnh Crohn được mô tả lần đầu tiên vào năm 1932 nhưng đến nay vẫn chưa rõ cơ chế bệnh sinh, nguyên nhân và điều trị còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ mắc bệnh tương đối thấp, dao động từ 8.3 - 214 ca/ 100.000 và có sự chênh lệch đáng kể ở từng vùng lãnh thổ.

Phân loại bệnh

Bệnh Crohn được phân thành 5 loại dựa vào vị trí gây viêm.

Viêm hồi đại tràng (Ileocolitis)

Viêm hồi đại tràng xảy ra khi vùng hồi tràng (vùng dưới cùng của ruột non và một phần của ruột già) bị viêm mãn tính. Đây là loại phổ biến nhất với tỷ lệ chiếm khoảng 50%.

bệnh crohn triệu chứng
Viêm hồi đại tràng (Ileocolitis) là tình trạng viêm mãn tính ở vùng dưới cùng của ruột non và một phần của ruột già

Viêm hồi tràng (Ileitis)

Viêm hồi tràng là tình trạng bệnh Crohn gây viêm ở phần cuối của ruột non. Đây cũng là dạng thường gặp với tỷ lệ mắc bệnh chiếm 30%.

bệnh crohn triệu chứng
Viêm hồi tràng (Ileitis) là tình trạng viêm mãn tính ở phần cuối của tá tràng

Bệnh Crohn tại dạ dày - tá tràng

Tình trạng này tương đối hiếm xảy, được xác định khi bệnh Crohn gây viêm ở niêm mạc dạ dày và tá tràng (phần đầu của ruột non). Thể bệnh này dễ bị nhầm lẫn với viêm loét dạ dày tá tràng do những nguyên nhân khác.

bệnh crohn nguyên nhân
Ngoài tá tràng và đại tràng, bệnh Crohn có thể gây viêm ở dạ dày - tá tràng

Viêm hỗng tràng (Jejunoileitis)

Hỗng tràng là phần chính giữa của ruột non, nằm giữa tá tràng và hồi tràng. Đây cũng là vị trí có thể bị tổn thương, viêm loét do ảnh hưởng của bệnh Crohn. Tuy nhiên, trên lâm sàng rất ít khi xuất hiện thể bệnh này.

bệnh crohn nguyên nhân
Viêm hỗng tràng (Jejunoileitis) là tình trạng phần chính giữa của ruột non bị viêm, tổn thương mãn tính

Viêm đại tràng Crohn

Viêm đại tràng Crohn là tình trạng viêm, tổn thương niêm mạc ruột già. Hiện tượng viêm lâu ngày có thể khiến ruột kết bị loét, xuất hiện các lỗ rò và hình ảnh áp xe xung quanh trực tràng - hậu môn. Sau hồi tràng và hồi đại tràng thì đây là vị trí dễ bị viêm, tổn thương mãn tính.

bệnh crohn nguyên nhân
Viêm đại tràng Crohn là tình trạng niêm mạc ruột già bị viêm, tổn thương từng vùng

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Đến nay, nguyên nhân chính xác gây bệnh Crohn vẫn chưa được xác định. Các chuyên gia cho rằng, sự bất thường của hệ thống miễn dịch là tác nhân trực tiếp gây ra hiện tượng viêm ở ống tiêu hóa. Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh cũng có xu hướng gia tăng khi có một số yếu tố thuận lợi khác.

Các nguyên nhân, yếu tố nguy cơ gây bệnh Crohn:

Rối loạn hệ miễn dịch:

Ở người mắc bệnh Crohn, hệ miễn dịch bị rối loạn dẫn đến tình trạng tự tạo ra kháng thể, tấn công vào các tế bào lành ở ống tiêu hóa. Đây là lý do hồi tràng, hồi đại tràng, đôi khi là dạ dày - tá tràng bị viêm mãn tính dù không nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng hay có yếu tố kích thích khác.

Di truyền:

Bệnh Crohn có khả năng di truyền và thường có liên quan đến đột biến gen. Nguy cơ mắc bệnh gia tăng khi bố mẹ, ông bà mắc bệnh Crohn.

bệnh crohn nguyên nhân
Nguy cơ phát triển bệnh Crohn tăng lên đáng kể khi cả bố và mẹ đều mắc bệnh

Yếu tố môi trường:

Bệnh Crohn có thể bùng phát sau khi nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng, virus. Chế độ ăn uống không hợp lý, hút thuốc lá, tiếp xúc với hóa chất thường xuyên cũng được xem là những yếu tố kích hoạt bệnh bùng phát. Những yếu tố này còn làm nghiêm trọng các triệu chứng của bệnh Crohn, gia tăng nguy cơ loét và xuất huyết.

Chủng tộc:

Dù chưa rõ nguyên nhân nhưng người da trắng có nguy cơ mắc bệnh Crohn cao hơn so với người da vàng và da đen. Nguyên nhân sâu xa có thể là do gen, tuy nhiên các chuyên gia sẽ cần nghiên cứu thêm trước khi đưa ra kết luận chính thức.

Bệnh Crohn chủ yếu gặp ở người trẻ khoảng 20 tuổi, ít gặp ở trẻ em và người cao tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh không có sự chênh lệch ở nam và nữ.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng của bệnh Crohn có sự khác biệt tùy vào vị trí tổn thương, mức độ viêm, loét của ống tiêu hóa. Biểu hiện có thể dao động từ nhẹ đến nặng và thường phát triển theo giai đoạn. Có thời điểm triệu chứng bùng phát mạnh, rầm rộ nhưng cũng có giai đoạn ổn định, gần như không có triệu chứng.

bệnh crohn triệu chứng
Bệnh Crohn có triệu chứng đa dạng bao gồm đau bụng, tiêu chảy, đi phân lẫn máu, lở miệng, thiếu máu...

Các triệu chứng thường gặp của bệnh Crohn:

  • Tiêu chảy 2 - 3 lần/ ngày, trường hợp nặng có thể đi tiêu lỏng liên tục trên 10 lần
  • Đau bụng liên tục, vị trí đau thường là ở hố chậu phải
  • Đôi khi có hiện tượng lẫn máu trong phân
  • Thiếu máu
  • Loét miệng
  • Sốt, mệt mỏi
  • Gầy sút do ăn uống kém, khả năng hấp thu bị cản trở
  • Ở một số trường hợp, bệnh Crohn có thể khởi phát cấp tính với các biểu hiện như:
  • Đau bụng dữ dội ở hố chậu phải
  • Sốt cao (39 - 40 độ C)
  • Đại tiện ngay sau khi ăn
  • Buồn nôn, nôn mửa nhiều

Bệnh Crohn còn có thể gây ra một số biểu hiện ngoài ống tiêu hóa như viêm khớp ngoại vi, viêm miệng áp tơ, viêm mống mắt, viêm da mủ hoại tử, ban đỏ nốt…

Các triệu chứng của bệnh Crohn có thể bị nhầm lẫn với viêm đại tràng và nhiều vấn đề tiêu hóa khác. Vì vậy, bắt buộc phải thăm khám nếu các triệu chứng kéo dài trên 3 ngày.

Tỷ lệ mắc bệnh Crohn ở nước ta khá thấp nên các bác sĩ thường nghi ngờ do viêm đại tràng co thắt hoặc viêm đại tràng do ký sinh trùng. Sau khi khai thác triệu chứng lâm sàng và bệnh sử, các xét nghiệm cận lâm sàng sẽ được thực hiện để hỗ trợ đưa ra chẩn đoán xác định.

bệnh crohn triệu chứng
Các xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm máu, phân, nội soi... được thực hiện để chẩn đoán bệnh Crohn

Các kỹ thuật được thực hiện trong chẩn đoán bệnh Crohn:

  • Khám hậu môn - trực tràng: Khám hậu môn - trực tràng có thể phát hiện các biến chứng do tiêu chảy mãn tính như nứt hậu môn, rò hậu môn, áp xe… Ngoài ra, khi khám bụng có thể nhận thấy khối bất thường nằm ở vùng hố chậu phải.
  • Khám tổng quát: Nếu nghi ngờ bệnh Crohn, bác sĩ sẽ xem xét thêm các biểu hiện lâm sàng như loét miệng họng (loét dạng áp tơ), loét thực quản, loét dạ dày, loét tá tràng… Các dấu hiệu này được phát hiện qua khám lâm sàng và nội soi.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu giúp loại trừ nhiễm trùng và xác định sự hiện diện của kháng thể trong huyết thanh. Thông qua phương pháp này, bác sĩ có thể loại trừ một số vấn đề sức khỏe có triệu chứng tương tự.
  • Xét nghiệm phân: Xét nghiệm phân cũng được thực hiện trong chẩn đoán bệnh Crohn. Mục đích là xác định máu trong phân và loại trừ nguyên nhân do nhiễm amip, ký sinh trùng.
  • Nội soi, X-quang, CT, MRI: Các kỹ thuật này sẽ giúp bác sĩ quan sát rõ tổn thương thực thể ở đại tràng và tá tràng. Tổn thương do bệnh Crohn có ranh giới rất rõ ràng so với vùng niêm mạc lành. Trong kỹ thuật nội soi, bác sĩ sẽ thể sinh thiết để đưa ra chẩn đoán chính xác hơn.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh Crohn là một dạng viêm ruột mãn tính với nguyên nhân không rõ ràng và cơ chế bệnh sinh chưa được biết rõ. Hiện tại, điều trị còn nhiều hạn chế nhưng phần nào có thể hỗ trợ kiểm soát triệu chứng và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Tình trạng viêm, tổn thương mãn tính ở ống tiêu hóa sẽ gây ra nhiều triệu chứng khó chịu. Bên cạnh đó, bệnh Crohn còn gây đau nhiều, ăn uống kém, tiêu chảy và giảm khả năng hấp thu. Phần lớn người mắc bệnh lý này đều bị thiếu máu.

Biến chứng thiếu máu có thể xảy ra do chảy máu kéo dài, giảm hấp thu vitamin B12, axit folic, sắt làm cho quá trình sản xuất hồng cầu bị cản trở. Về lâu dài, bệnh nhân có thể bị suy dinh dưỡng, thủng ruột, gia tăng nguy cơ sỏi thận, sỏi mật, viêm da, viêm mắt, viêm khớp và loãng xương.

Ống tiêu hóa bị viêm mãn tính sẽ kích thích hình thành mô sẹo, sẹo co kéo dẫn đến tắc ruột. Ngoài ra, do bị tiêu chảy kéo dài nên người mắc bệnh Crohn sẽ có nguy cơ cao bị nứt hậu môn và bệnh trĩ. Dù chưa có kết luận chính thức nhưng hiện tượng viêm mãn tính do bệnh Crohn có thể gia tăng nguy cơ ung thư đại tràng.

Hiện nay, y học đã có bước tiến rõ rệt trong điều trị ung thư và các bệnh tự miễn. Vì vậy, nếu được phát hiện sớm và tích cực điều trị, bệnh Crohn có thể được kiểm soát. Dù vậy vẫn chưa có phương pháp chữa trị dứt điểm nên việc tái khám, theo dõi thường xuyên là cần thiết.

Điều trị

Điều trị bệnh Crohn còn nhiều hạn chế do căn nguyên và cơ chế bệnh sinh chưa rõ ràng. Hiện tại, không có phác đồ điều trị chung cho tất cả các trường hợp mà sẽ được cá nhân hóa dựa vào vị trí tổn thương, mức độ và nguyên nhân.

Bệnh Crohn là tình trạng sức khỏe mãn tính. Ngoài điều trị y tế, bản thân người bệnh cần được giáo dục để có thể chủ động kiểm soát triệu chứng và bảo vệ sức khỏe.

Các phương pháp điều trị bệnh Crohn được áp dụng phổ biến hiện nay:

Sử dụng thuốc

Hiện nay, dùng thuốc vẫn là phương pháp chính trong điều trị bệnh Crohn. Ngoài các loại thuốc cổ điển, một số loại thuốc mới đã được nghiên cứu và được đánh giá có triển vọng.

cách điều trị bệnh crohn
Hiện sử dụng thuốc vẫn là phương pháp chính trong điều trị bệnh Crohn

Các loại thuốc điều trị bệnh Crohn bao gồm:

Thuốc ức chế TNFα:

Infliximab là thuốc ức chế TNFα được sử dụng trong điều trị bệnh Crohn. Cơ chế của thuốc là ức chế yếu tố hoại tử TNFα nhằm cải thiện tình trạng viêm ở ống tiêu hóa. Sử dụng thuốc giúp làm chậm tiến triển hoặc có thể ngăn chặn hiện tượng viêm do bệnh Crohn gây ra.

Infliximab mang lại hiệu quả trong việc giảm đau, giảm số lỗ rò ở hậu môn, cải thiện tình trạng tiêu chảy. Bệnh nhân ăn ngon hơn, có dấu hiệu tăng cân và sức khỏe tổng thể chuyển biến tích cực. Infliximab được sử dụng linh hoạt với corticoid để giảm tác dụng phụ. Ngoài Infliximab, một số loại thuốc ức chế miễn dịch khác như CDP 571, Etanercept, RDP 58 cũng được cân nhắc.

Thuốc không chống TNFα:

Thuốc không chống TNFα như Natalizumab, Ustekinumab, IL 18, IL11, RH4 IL… cũng được sử dụng trong điều trị bệnh Crohn. Nhóm thuốc này có tác dụng giảm viêm, ngăn chặn tình trạng viêm tiến triển. Tuy nhiên, do hiệu quả chưa rõ ràng nên liệu pháp anti TNFα vẫn là lựa chọn đầu tay.

Corticoid đường uống:

Corticoid đường uống là loại thuốc cổ điển dùng trong điều trị bệnh Crohn. Thuốc có hiệu quả trong việc giảm viêm và ngăn ngừa hiện tượng viêm tiến triển. Tuy nhiên, dùng corticoid dài ngày sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ nên cần linh hoạt thay đổi thuốc.

5-aminosalicylate:

Bên cạnh corticoid đường uống, 5-aminosalicylate (Sulfasalazine, Mesalamine) cũng được sử dụng trong điều trị bệnh Crohn. Loại thuốc này được phát triển vào năm 1950 để điều trị bệnh Crohn và viêm khớp dạng thấp. Thuốc có hiệu quả chống viêm và kháng khuẩn.

Thuốc ức chế miễn dịch:

Các loại thuốc ức chế miễn dịch cũng là lựa chọn quen thuộc khi điều trị bệnh Crohn. Thông qua cơ chế ức chế tế bào miễn dịch, thuốc giúp ngăn hình thành kháng thể gây viêm ở ống tiêu hóa. Sử dụng thuốc giúp cải thiện hiện tượng viêm, từ đó làm giảm những triệu chứng có liên quan như đau bụng, tiêu chảy, hấp thu kém…

Các loại thuốc thông dụng bao gồm:

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID):

NSAID được sử dụng để giảm đau do bệnh Crohn gây ra. Tuy nhiên, nhóm thuốc này có thể gây loét dạ dày nên không được sử dụng trong trường hợp bệnh Crohn ở dạ dày - tá tràng. Có thể hạn chế biến chứng lên đường tiêu hóa bằng cách sử dụng thuốc ức chế COX-2 (một nhóm nhỏ của thuốc chống viêm không steroid).

Kháng sinh:

Trong tá tràng - đại tràng có rất nhiều vi khuẩn thường trú. Hiện tượng viêm, loét mãn tính do bệnh Crohn gây ra có thể gia tăng nguy cơ viêm nhiễm. Trường hợp xuất hiện áp xe và lỗ rò sẽ được điều trị bằng kháng sinh. Hai loại kháng sinh thường được sử dụng là Metronidazole và Ciprofloxacin.

Các loại thuốc khác:

Bệnh Crohn gây ra rất nhiều triệu chứng. Ngoài các loại thuốc giúp kiểm soát và ức chế bệnh tiến triển, một số loại thuốc điều trị triệu chứng cũng sẽ được cân nhắc.

  • Thuốc trị tiêu chảy: Bệnh Crohn gây tiêu chảy mãn tính, đôi khi đi tiêu nhiều hơn 10 lần/ ngày. Thuốc điều trị tiêu chảy sẽ được sử dụng để cải thiện triệu chứng này. Tuy nhiên, nên kết hợp thêm với chế độ ăn uống hợp lý để có thể kiểm soát triệu chứng lâu dài, thay vì lạm dụng hoàn toàn vào thuốc.
  • Vitamin, khoáng chất: Bệnh Crohn gây ra tình trạng giảm hấp thu sắt, vitamin B9, B12, canxi và vitamin D. Để phòng ngừa thiếu máu và các biến chứng khác, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thêm các viên uống bổ sung bên cạnh sử dụng thuốc điều trị.

Phẫu thuật

Trường hợp đã có biến chứng rò hậu môn, thủng ruột, tắc ruột… sẽ được phẫu thuật. Ngoài ra, bệnh nhân cần phải tái khám thường xuyên để phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư. Nếu phát hiện kịp thời, tế bào ác tính có thể được loại bỏ hoàn toàn thông qua phẫu thuật.

Chế độ ăn hợp lý

Người mắc các bệnh viêm ruột mãn tính nói chung và bệnh Crohn nói riêng đều cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Trong trường hợp bệnh khởi phát cấp tính gây nôn ói, không thể ăn uống sẽ được chỉ định dinh dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn. Sau khi chuyển sang giai đoạn ổn định, bệnh nhân cần có chế độ ăn uống hợp lý để kiểm soát triệu chứng và ngăn chặn tiến triển của bệnh.

cách điều trị bệnh crohn
Điều chỉnh chế độ ăn là một phần quan trọng trong kế hoạch quản lý bệnh Crohn

Tư vấn chế độ dinh dưỡng giúp kiểm soát bệnh Crohn:

  • Hạn chế các loại thực phẩm có quá nhiều chất xơ để tránh nguy cơ tắc nghẽn đường ruột. Thay vào đó có thể dùng các loại củ, quả và rau mềm như mồng tơi, rau đay, bí đỏ… để bổ sung chất xơ cho cơ thể.
  • Chế biến thức ăn mềm, lỏng, ít gia vị và ít chất béo động vật để dễ dàng tiêu hóa.
  • Hạn chế sữa và các sản phẩm từ sữa.
  • Kiêng hoàn toàn rượu bia, hạn chế trà, cà phê và các loại thức uống chứa caffeine.
  • Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, nên ăn cách nhau khoảng 2.5 - 3 giờ để đường ruột dễ dàng tiêu hóa.
  • Uống đủ nước để cân bằng điện giải, có thể bổ sung nước khoáng trong trường hợp tiêu chảy.
  • Tập trung bổ sung các loại thực phẩm giàu sắt, canxi, vitamin B12, B9… để đảm bảo quá trình tạo máu và tái tạo tế bào xương. Nếu khả năng hấp thu quá kém, nên cân nhắc dùng viên uống bổ sung theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Người bị bệnh Crohn khá nhạy cảm với các loại thức ăn. Vì vậy, nên chủ động tránh các loại thực phẩm có nguy cơ dị ứng cao như đậu phộng, mè, sữa bò, hải sản, gà…
  • Ăn chín uống sôi, không sử dụng sữa chưa tiệt trùng. Bởi hiện tượng viêm ở đường ruột sẽ là điều kiện để vi khuẩn và ký sinh trùng xâm nhập gây nhiễm trùng.

Phòng ngừa

Không có biện pháp phòng ngừa bệnh Crohn. Dù vậy có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh thông qua một số biện pháp sau:

  • Không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia.
  • Không tự ý dùng thuốc chống viêm khi không có chỉ định.
  • Ăn chín uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn để tránh nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh ở đường ruột.
  • Xây dựng chế độ ăn cân bằng, lành mạnh, hạn chế chất béo, đạm động vật và gia vị.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Khám tổng quát định kỳ 1 lần/năm để phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Vì sao tôi gặp phải các triệu chứng (tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, thiếu máu…)?

2. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh?

3. Bệnh Crohn là tình trạng tạm thời hay mãn tính?

4. Bệnh Crohn có nguy hiểm không? Ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống và sức khỏe?

5. Nên dùng loại thuốc nào để kiểm soát bệnh?

6. Khi gặp phải tác dụng phụ khi dùng thuốc, tôi phải làm sao?

7.Bị bệnh Crohn có cần tái khám hay không? Bao lâu một lần?

8. Chế độ ăn giúp kiểm soát bệnh Crohn cần tuân theo những nguyên tắc nào?

9. Tôi có thể hạn chế di truyền bệnh Crohn cho con cái hay không?

Bệnh Crohn là một dạng viêm ruột mãn tính có liên quan đến rối loạn tự miễn. Hiện nay, điều trị còn nhiều thách thức nên cần phát hiện, thăm khám sớm và có kế hoạch kiểm soát chặt chẽ. Điều trị và chăm sóc đúng cách, tích cực có thể thay đổi tiến triển của bệnh, qua đó giảm triệu chứng và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.