Bệnh Suy Tụy Ngoại Tiết
Suy tụy ngoại tiết là một dạng rối loạn chức năng tuyến tụy, khiến ruột non không có đủ enzyme để tiêu hóa thức ăn và hấp thụ dưỡng chất. Bệnh nhân bị suy tụy ngoại tiết có thể bị suy dinh dưỡng và phát triển các bệnh lý như tim mạch, xương khớp... nếu không được điều trị kịp thời.
Tổng quan
Suy tụy ngoại tiết (Exocrine Pancreatic Insufficiency - EPI) là tình trạng tuyến tụy không sản xuất đủ lượng enzyme cần thiết (chủ yếu là lipase tuyến tụy) để phân hủy thức ăn trong ruột non và hấp thụ dưỡng chất. Về lâu dài có thể gây ra suy dinh dưỡng và các hệ lụy về sức khỏe thể chất.
Những người dễ mắc phải suy tụy ngoại tiết thường có tiền sử mắc bệnh viêm tụy mãn tính (30 - 90% trường hợp) hoặc xơ nang (80 - 90% trường hợp). Bệnh nhân thường có các triệu chứng lâm sàng như đau bụng, đầy hơi, chướng bụng, sụt cân, đại tiện phân mỡ...
Mỗi người có mức độ bệnh khác nhau, nhưng chung quy đều gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, gây suy giảm chất lượng cuộc sống. Đồng thời, một số trường hợp nghiêm trọng có thể làm tăng nguy cơ biến chứng do suy dinh dưỡng, rối loạn suy giảm mật độ xương.
Phân loại
Dựa vào căn nguyên gây ra, bệnh suy tụy ngoại tiết được chia làm 2 dạng chính gồm: nguyên phát và thứ phát.
- Thể nguyên phát: Xảy ra do nguyên nhân đột biến gen kiểm soát quá trình sản xuất enzyme tiêu hóa trong tuyến tụy. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh thể này khá hiếm.
- Thể thứ phát: Đây là dạng phổ biến nhất, xảy ra do mắc các bệnh lý khác gây ảnh hưởng đến tuyến tụy như xơ nang, viêm tụy mãn tính, ung thư tuyến tụy…
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Tuyến tụy là một tuyến lớn nằm ở vị trí sau dạ dày, vừa có nhiệm vụ sản xuất ra hormone vừa tạo ra enzyme tiêu hóa thức ăn. Enzyme này được dẫn đến ruột non thông qua ống dẫn ở ruột non, giúp phân hủy carbohydrate, protein và chất béo.
Bản chất của suy tụy ngoại tiết là tình trạng tổn thương tuyến tụy nghiêm trọng. Bệnh chỉ xảy ra khi có đủ các yếu tố gồm:
- Tuyến tụy không sản xuất đủ lượng enzyme tiêu hóa cần thiết;
- Lượng enzyme tiêu hóa đến ruột non bị cản trở;
- Hoặc các vấn đề các cản trở enzyme hoạt động tiêu hóa thức ăn;
Có nhiều nguyên nhân gây ra suy tụy ngoại tiết, có thể kể đến một số lý do điển hình sau:
- Viêm tuyến tụy: Thường xảy ra sau các cuộc phẫu thuật tuyến tụy, ruột hoặc dạ dày và phát triển dưới dạng biến chứng. Ngoài ra, những người có hàm lượng chất béo trong máu cao cũng vô tình gây ra viêm tuyến tụy, cản trở quá trình sản sinh enzyme tiêu hóa.
- Viêm tụy mãn tính: Bệnh này được mô tả là tình trạng sưng và tắc nghẽn các ống tủy, làm gián đoạn quá trình dẫn lưu enzyme tiêu hóa vào ruột non. Nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm tụy mãn tính là do uống quá nhiều rượu. Nguy cơ mắc cao gấp 3 lần so với những người không uống rượu, thậm chí còn tăng lên mức cao hơn khi có kèm theo nghiện hút thuốc lá.
- Bệnh xơ nang: Tuyến tụy rất dễ bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của xơ nang. Ước tính có khoảng 85% trường hợp bị xơ nang phát triển suy tụy ngoại tiết. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây suy tụy ngoại tiết ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Phát triển do sự tích tụ chất nhầy trong phổi gây khó thở và trong tuyến tụy ngăn chặn enzyme di chuyển đến ruột non để tiêu hóa thức ăn.
- Ảnh hưởng từ các bệnh lý khác: Một vài trường hợp khác, suy tụy ngoại tiết có thể phát triển từ các bệnh lý như:
- Viêm tụy cấp tái phát nghiêm trọng;
- Khối u tụy;
- Ung thư tuyến tụy nhưng chưa phẫu thuật cắt bỏ;
- Suy thận mãn tính;
- Bệnh Celiac;
- Bệnh viêm ruột;
- Bệnh tự miễn (thường là bệnh viêm tụy liên quan đến chứng xơ gan mật nguyên phát hoặc hội chứng Sjogren);
- Hội chứng Dumping;
- Đái tháo đường;
- Nhiễm HIV/AIDS;
- Biến chứng hậu phẫu thuật giảm cân;
- Các yếu tố về di truyền: Di truyền gen đột biến CFTR, SPINK1) hoặc có dị tật bẩm sinh cấu trúc ống tụy có kích thước bất thường, rối loạn chức năng cơ vòng Oddi… Một dạng di truyền khác, điển hình là hội chứng Shwachman - Diamond (SDS) cũng có thể phát triển suy tụy ngoại tiết ở trẻ em.
- Các nguyên nhân gây chuyển hóa độc hại: Chẳng hạn như nghiện rượu, hút thuốc lá, tăng lipid máu hoặc canxi máu…;
- Tác dụng phụ của thuốc: Lạm dụng quá mức một số loại thuốc như thuốc kháng axit hoặc thuốc hóa trị (chữa ung thư) cũng làm tăng nguy cơ phát triển suy tụy ngoại tiết.
- Vô căn: Có khoảng 25% trường hợp phát triển suy tụy ngoại tiết vô căn, không tìm được nguyên nhân cụ thể.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Bệnh nhân mắc suy tụy ngoại tiết thường gặp khó khăn trong việc chuyển hóa và hấp thụ chất béo, protein từ thực phẩm. Tuy nhiên, chỉ khi bệnh tiến triển đến giai đoạn giữa, đặc trưng gồm các triệu chứng sau:
- Đau bụng, thường là vùng bụng trên, cơn đau dai dẳng và tiến triển trầm trọng;
- Đầy hơi, chướng bụng ngay cả khi chưa ăn gì;
- Tiêu chảy phân lỏng, gây mất nước nặng;
- Phân nhờn, màu sắc nhợt nhạt, có lẫn chất béo trôi nổi và mùi tanh hôi khó ngửi;
- Sụt cân nhanh chóng ở người lớn;
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chậm phát triển;
- Chảy máu nhiều dù vết thương nhỏ do thiếu hụt protein, gây cản trở quá trình đông máu;
- Đau nhức cơ xương, khớp;
- Sưng phù tay chân bất thường;
- Suy giảm miễn dịch làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng;
- Cơ thể mệt mỏi, kiệt sức;
- Giảm trọng lượng cơ bắp;
- Chuột rút thường xuyên;
- Các vấn đề về da, rụng tóc hoặc móng giòn, dễ gãy do thiếu hụt vitamin;
Chẩn đoán
Hầu hết các triệu chứng trên đều là những dấu hiệu khá phổ biến và không đặc hiệu riêng của một bệnh lý nào. Do đó, để chẩn đoán suy tụy ngoại tiết cần phải kết hợp thực hiện một số kiểm tra, xét nghiệm cận lâm sàng do bác sĩ chỉ định.
Chẳng hạn như:
- Xét nghiệm elastase (FE-1): Đây là xét nghiệm không xâm lấn đơn giản nhằm đo lường nồng độ elastase (enzyme do tuyến tụy sản xuất ra) trong mẫu phân và máu. Nồng độ elastase thấp chứng tỏ tuyến tụy đang gặp vấn đề, không sản xuất đủ lượng enzyme tiêu hóa cần thiết.
- Nghiệm pháp kích thích secretin: Đây là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, được thực hiện bằng cách tiêm hormone secretin trực tiếp vào máu. Hoạt chất này sẽ kích thích tuyến tụy sản xuất ra enzyme tiêu hóa. Lượng enzyme này sẽ được đo ở tá tràng (đoạn đầu của ruột non), kết quả thấp có thể được chẩn đoán suy tụy ngoại tiết.
- Xét nghiệm kiểm tra chức năng tuyến tụy: Phương pháp này liên quan đến việc đo một loạt nồng độ các enzyme và hoạt chất khác nhau trong máu sau bữa ăn. Nếu kết quả cho thấy toàn bộ các chất đều thấp cho thấy tuyến tụy đang hoạt động bất ổn, không sản xuất đủ lượng enzyme tiêu hóa cần thiết.
- Kiểm tra hình ảnh: Trong một số trường hợp, bệnh nhân cũng được chỉ định áp dụng các kiểm tra hình ảnh hỗ trợ chẩn đoán các tổn thương liên quan đến tuyến tụy dẫn đến suy tụy ngoại tiết. Chẳng hạn như siêu âm bụng, nội soi đường tiêu hóa trên hoặc CT scan, MRI.
Biến chứng và tiên lượng
Mắc bệnh suy tụy ngoại tiết khiến ruột non không thể tiêu hóa thức ăn và hấp thụ dưỡng chất như bình thường. Tình trạng này được gọi là hiện tượng kém hấp thu, nếu không được điều trị khắc phục sớm có thể gây ra hàng loạt các biến chứng như:
- Suy dinh dưỡng, kéo theo hàng loạt các vấn đề sức khỏe thể chất, làm giảm chất lượng cuộc sống;
- Trẻ em chậm tăng trưởng;
- Suy giảm hệ thống miễn dịch, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng;
- Khoảng 65% trường hợp mắc viêm tụy mãn tính được chẩn đoán mắc loãng xương hoặc thiếu xương;
- Tăng nguy cơ phát triển biến chứng tim mạch như lên cơn đau tim, đột quỵ, tăng tỷ lệ tử vong;
Tiên lượng bệnh suy tụy ngoại tiết phụ thuộc vào thời điểm phát hiện và điều trị. Bệnh nhân có nguy cơ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chữa trị đúng cách. Ngược lại, điều trị bệnh tích cực càng sớm càng làm tăng mức tiên lượng, cải thiện triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Điều trị
Mục tiêu điều trị bệnh suy tụy ngoại tiết gồm kiểm soát tiến triển bệnh, ngăn chặn các biến chứng liên quan đến suy dinh dưỡng, tim mạch và duy trì ổn định sức khỏe, chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Việc điều trị suy tụy ngoại tiết chủ yếu tập trung vào cung cấp nguồn dưỡng chất thiếu hụt trong cơ thể do tuyến tụy không sản xuất enzyme tiêu hóa. Gồm 2 phương pháp chính sau:
Liệu pháp thay thế enzyme (PERT)
Liệu pháp này được thực hiện bằng cách bổ sung enzyme tuyến tụy (gồm lipase, amylase và protease) trực tiếp vào trong bữa ăn để hỗ trợ tiêu hóa thức ăn và hấp thu các dưỡng chất. Đồng thời, PERT cũng góp phần giúp cải thiện các triệu chứng suy tụy ngoại tiết rất hiệu quả.
Các hoạt chất bổ sung này thường được điều chế kết hợp có sẵn trong các viên nang, dạng bột. Lớp vỏ bọc bên ngoài giúp bảo vệ các enzyme khỏi axit dạ dày, đưa chúng xuống tá tràng để đáp ứng với pH kiềm.
Hiện nay, có 6 loại thay thế enzyme tuyến tụy được FDA chấp thuận sử dụng trong điều trị suy tụy ngoại tiết gồm:
- Creon
- Pancreaze
- Pertzye
- Ultresa
- Viokace
- Zenpep
Liều dùng bổ sung enzyme tuyến tụy thay thế khác nhau ở từng người, phụ thuộc vào mức độ thiếu hụt của bệnh cũng như chế độ ăn uống hàng ngày. Liều dùng khuyến nghị hiện nay là từ 25.000 - 40.000 đơn vị lipase cho bữa ăn chính và 1/2 liều cơ bản đối với bữa ăn phụ.
Một số trường hợp, cần kết hợp sử dụng thuốc kháng axit để giữ cho dạ dày ổn định, các enzyme không bị phá vỡ trước khi bắt đầu hoạt động tiêu hóa và hấp thu dưỡng chất. Có thể dùng thuốc kê đơn hoặc không kê đơn như:
- Thuốc ức chế bơm proton (omeprazole hoặc esomephrazole);
- Thuốc chẹn H2 (cimetidine, ranitidine hoặc famotidine);
Dựa vào kết quả chẩn đoán ở từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng liều phù hợp. Bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối liều dùng cũng như thời điểm bổ sung, thường là trong bữa ăn nhằm đảm bảo quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi.
Các loại thuốc hỗ trợ khác
Trong một vài trường hợp, bệnh nhân cũng có thể được chỉ định sử dụng thuốc giảm đau kê toa hoặc không kê toa để xoa dịu cảm giác đau nhức. Gồm:
- Thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen hoặc ibuprofen;
- Thuốc giảm đau kê đơn có tác dụng mạnh hơn như hydrocodone hoặc oxycodone;
Ngoài ra, một số loại thuốc khác cũng có thể được cân nhắc cho phép sử dụng nhằm hỗ trợ cải thiện triệu chứng suy tụy ngoại tiết. Các loại thường dùng như:
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng giúp kiểm soát căng thẳng cảm xúc, cải thiện triệu chứng viêm tuyến tụy. Bao gồm amitriptyline hoặc nortriptyline;
- Nhóm thuốc Gabapentin như Neurontin hoặc Gralise giúp hỗ trợ kiểm soát cơn động kinh, cải thiện cơn đau do suy tụy ngoại tiết gây ra;
- Thuốc Pregabalin giúp điều trị co giật và cảm giác đau dây thần kinh;
Phẫu thuật
Không có nhiều trường hợp bị suy tụy ngoại tiết phải can thiệp phẫu thuật để điều trị. Nhưng nếu cân nhắc về lợi ích trong điều trị, việc phẫu thuật đem lại kết quả tốt hơn thì việc áp dụng là cần thiết, nên thực hiện càng sớm càng tốt. Nhưng đây thường là biện pháp điều trị cuối cùng khi các phương pháp khác không có tác dụng.
Các phương pháp phẫu thuật liên quan như:
- Phẫu thuật mở rộng ống dẫn, loại bỏ sỏi mật, khai thông tắc nghẽn hoặc giải phóng mở rộng không gian bên trong ống tụy;
- Cắt bỏ tuyến tụy và cấy ghép tế bào tự thân. Kỹ thuật này sử dụng chính các tế bào trong cơ thể để tạo ra insulin, sau đó đưa vào trong cơ thể thông qua tĩnh mạch gan;
Điều chỉnh thói quen sống & sinh hoạt
Ngoài các phương pháp y tế chuyên sâu, thực hiện tích cực một lối sống khoa học và lành mạnh là yếu tố rất quan trọng giúp kiểm soát tốt bệnh suy tụy ngoại tiết.
- Chế độ ăn uống: Thay đổi thói quen ăn uống và khẩu phần ăn hàng ngày đem lại nhiều lợi ích tích cực trong quá trình điều trị.
- Chia nhỏ bữa ăn thành 5 - 6 bữa thay vì 3 bữa chính như bình thường;
- Tăng cường bổ sung thực phẩm chứa nhiều calo, chất béo tốt giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ;
- Đảm bảo cân bằng các nhóm dưỡng chất, hạn chế chất béo xấu;
- Uống nhiều nước giúp cải thiện tiêu hóa và phòng ngừa táo bón;
- Kết hợp uống men vi sinh probiotic chứa các lợi khuẩn tốt cho tiêu hóa và sức khỏe đường ruột;
- Bổ sung vitamin: Tham khảo ý kiến bác sĩ để bổ sung các loại vitamin cần thiết như A, D, E, K nhằm duy trì sự khỏe mạnh của cơ thể. Đây là những loại vitamin tan trong chất béo, nhưng do mắc EPI nên cơ thể khó hấp thụ chúng từ thực phẩm dễ gây ra thiếu hụt.
- Điều chỉnh thói quen sống:
- Nói không với thuốc lá;
- Tránh uống rượu bia;
- Kiểm soát căng thẳng;
Phòng ngừa
Không có biện pháp phòng ngừa hoàn toàn bệnh suy tụy ngoại tiết, nhưng với các biện pháp tích cực dưới đây có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh.
- Kiểm soát và điều trị đúng cách các bệnh lý viêm tụy cấp hoặc mạn tính.
- Nâng cao ý thức về một lối sống lành mạnh, bao gồm chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc...
- Kiêng rượu bia và cai thuốc lá là điều cần thiết, vì những chất độc hại này đang góp phần gây ra viêm tụy, dẫn đến suy tụy ngoại tiết.
- Những người có nguy cơ mắc suy tụy ngoại tiết cao do mắc bệnh xơ nang hoặc hội chứng Shwachman - Diamond có tính chất di truyền cần thăm khám sớm để được tư vấn và hỗ trợ thực hiện phòng ngừa, giảm nguy cơ mắc EPI.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Lý do vì sao tôi hay bị đau bụng, đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy, sụt cân...?
2. Cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán?
3. Nguyên nhân gì khiến tôi mắc bệnh suy tụy ngoại tiết?
4. Bệnh suy tụy ngoại tiết có nguy hiểm không?
5. Bệnh ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của tôi?
6. Những biến chứng tôi có thể gặp phải khi bị suy tụy ngoại tiết?
7. Điều trị suy tụy ngoại tiết bằng các phương pháp nào tốt nhất?
8. Các biện pháp tại nhà giúp cải thiện triệu chứng suy tụy ngoại tiết tôi nên thực hiện?
9. Điều trị suy tụy ngoại tiết mất bao lâu thì khỏi hẳn?
10. Tôi cần làm gì để ngăn ngừa tái phát suy tụy ngoại tiết sau điều trị?
Suy tụy ngoại tiết tuy không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhất là với các nguyên nhân bệnh lý mãn tính hoặc di truyền bẩm sinh. Nhưng với liệu pháp thay thế enzymm tuyến tụy, các triệu chứng có thể được kiểm soát và cải thiện hiệu quả. Tốt nhất nên thăm khám sớm và tuân thủ các chỉ định điều trị của bác sĩ, tích cực chăm sóc sức khỏe, điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp.
Xem thêm:
- Bệnh Viêm Tụy Hoại Tử: Dấu hiệu và cách điều trị
- Bệnh viêm tụy tự miễn: Nguyên nhân gây bệnh và cách trị