Bệnh Viêm Tụy Hoại Tử
Viêm tụy hoại tử thường xảy ra sau đợt viêm tụy cấp nặng. Nó là kết quả của việc không điều trị hoặc điều trị viêm tụy không đúng cách. Trong những trường hợp nặng, tình trạng này có thể dẫn đến tử vong do nhiều biến chứng như nhiễm trùng, xuất huyết hoặc suy đa tạng. Điều trị viêm tụy hoại tử bao gồm 2 giai đoạn chính là điều trị viêm tụy và loại bỏ mô tụy hoại tử.
Tổng quan
Viêm tụy hoại tử (Necrotizing Pancreatitis) là biến chứng nặng của viêm tụy cấp. Tình trạng này xảy ra khi tuyến tụy bị viêm trong thời gian dài, khiến enzyme rò rỉ vào trong tuyến, tiêu diệt dần các mô tuyến tụy, dẫn đến hoại tử. Các mô chết này sau đó sẽ tiến triển nhiễm trùng và gây ra các biến chứng đe dọa đến tính mạng.
Viêm tụy hoại tử được chẩn đoán khi có khoảng 30% tuyến tụy bị hoại tử hoàn toàn và không còn khả năng hoạt động. Trung bình có khoảng 5 - 10% trường hợp viêm tụy cấp phát triển biến chứng viêm tụy hoại tử. Trường hợp triệu chứng bộc phát trong vòng 4 tuần đầu tiên kể từ khi khởi phát bệnh được xem là một đợt hoại tử cấp tính (ANC).
Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể bị viêm tụy và viêm tụy hoại tử. Theo thống kê gần đây, con số mắc bệnh đang có xu hướng gia tăng ở mọi độ tuổi. Đặc biệt xảy ra phổ biến ở nam giới.
Phân loại
Viêm tụy hoại tử được phân chia làm 3 dạng chính phụ thuộc mức độ và vị trí hoại tử, bao gồm:
- Hoại tử nhu mô đơn thuần, chiếm tỷ lệ 5% trên tổng số các ca mắc;
- Hoại tử mỡ quanh tụy, chiếm tỷ lệ 20%;
- Hoại tử đồng thời cả nhu mô và mỡ quanh tụy, chiếm tỷ lệ 75%;
Trong đó, thể hoại tử mỡ quanh tụy được mô tả là sự hoại tử diễn ra ở khu vực mạc treo, quanh tụy và phía sau phúc mạc xa. Tất cả 3 loại viêm tụy hoại tử này đều nguy hiểm, nhưng hoại tử quanh tụy là dạng có tiên lượng tốt nhất.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Tuyến tụy là một tuyến quan trọng nằm ở phía sau dạ dày. Nhiệm vụ của nó là tiết ra chất dịch lỏng chảy thông qua ống dẫn để vào ruột non tiêu hóa thức ăn. Ngoài ra, nó cũng tiết ra một số loại hormone cần thiết cho cơ thể, bao gồm cả insulin để kiểm soát lượng đường trong máu.
Viêm tụy hoại tử phát triển như một biến chứng nặng của viêm tụy cấp. Những người bị viêm tụy mãn tính cũng có nguy cơ phát triển viêm tụy hoại tử, nhưng hiếm hơn so với viêm tụy cấp.
Tình trạng này được biết đến là kết quả của việc viêm tụy không điều trị kịp thời hoặc điều trị không hiệu quả. Tạo điều kiện khiến các enzyme tiêu hóa rò rỉ vào trong tuyến tụy và gây ra những tổn thương cho mô tụy không thể phục hồi.
Có nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra viêm tụy nói chung, bao gồm:
- Tiêu thụ rượu quá mức: Uống nhiều rượu bia là nguyên nhân chính gây ra viêm tụy. Đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng việc uống rượu trong thời gian dài có khả năng gây ra 75% trường hợp viêm tụy mãn tính và 25% trường hợp viêm tụy cấp tính.
- Sỏi mật: Sỏi đường mật là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây ra viêm tụy. Sự hình thành và phát triển của sỏi gây tắc nghẽn ống mật, ngăn chặn các enzyme tiêu hóa di chuyển vào ruột non. Khi này, chúng bắt buộc phải quay trở lại tuyến tụy, tích tụ dần theo thời gian và khởi phát viêm tụy. Có rất nhiều người có khả năng cao bị viêm tụy, nhưng thường phổ biến hơn ở những người có khuynh hướng di truyền sỏi mật từ gia đình.
- Hút thuốc lá: Tương tự như rượu bia, thuốc lá cũng là một chất kích thích có hại cho sức khỏe. Khói thuốc lá có thể tác động tiêu cực đến mọi cơ quan trong cơ thể, trong đó có tuyến tụy. Những người nghiện hút thuốc lá càng lâu càng có nguy cơ cao mắc bệnh viêm tụy cấp hoặc mãn tính.
- Thừa cân, béo phì: Các chuyên gia đã khẳng định, những người thừa cân béo phì sẽ làm tăng nguy cơ phát triển viêm tụy cấp. Không những vậy, còn làm tăng mức độ nghiêm trọng của viêm tụy, nhanh chóng dẫn đến viêm tụy hoại tử.
- Tiền sử gia đình: Trong một vài trường hợp, viêm tụy có thể khởi phát ngẫu nhiên do đột biến gen tự phát hoặc di truyền từ thế hệ trước. Nếu trong gia đình có người đã mắc viêm tụy, bạn sẽ có nhiều khả năng mắc viêm tụy di truyền.
- Các yếu tố nguy cơ khác: Ngoài những nguyên nhân trên, các chuyên gia cũng liệt kê thêm rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ khởi phát viêm tụy. Chẳng hạn như:
- Phát triển khối u trong tuyến tụy;
- Tổn thương tuyến tụy do chấn thương hoặc tác dụng phụ của thuốc;
- Nồng độ canxi và cholesterol trong cơ thể cao quá mức;
- Mắc các bệnh rối loạn di truyền như xơ nang hoặc thiếu hụt enzyme alpha-1-antitrypsin;
- Ảnh hưởng từ các bệnh lý tự miễn;
- Mắc các bệnh viêm mạch máu như viêm đa động mạch nút hoặc lupus ban đỏ hệ thống;
- Sau các thủ thuật y tế như nội soi mật tụy ngược dòng, phẫu thuật bụng hoặc chạy thận nhân tạo;
- Nhiễm trùng do:
- Virus gồm Epsterin Barrs, Coxsackie, Cytomegalovirus, Echovirus, HIV, viêm gan A/B/C, Rubella, quai bị, Varicellavirus...;
- Vi khuẩn gồm Leptospirosis, Campylobacter jejuni, Mycobacterium gây lao, Mycoplasma, Mycobacterium avium...;
- Ký sinh trùng gồm Cryptposporidium, Ascaris lumbricoides, Clonorchis Sinensis, Microsporidia...;
- Các dị tật bẩm sinh như hình dạng tuyến tụy bất thường, có hình khuyên;
- Viêm tụy vô căn;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Viêm tụy hoại tử xảy ra có liên quan mật thiết đến tình trạng tích tụ dịch hoại tử cấp tính, thường xảy ra trong vòng 4 tuần đầu tiên kể từ khi khởi phát bệnh. Trước đó có thể là giai đoạn viêm tụy phù nề kẽ.
Sự tích tụ dịch tụy cấp tính ban đầu thường chỉ chứa các thành phần không đặc, không viêm và thường được phát hiện trong lớp mỡ quanh tụy. Nhưng khi chúng tồn tại hơn 4 tuần, sẽ dần phát triển thành xơ, không có biểu mô và trở thành các nang giả. Khi phát triển viêm đến giai đoạn hoại tử, bên trong khối dịch cấp tính này sẽ có chứa cả chất lỏng và chất rắn.
Các triệu chứng lâm sàng của viêm tụy cấp hoặc mạn sẽ kéo dài cho đến khi phát triển viêm tụy hoại tử, nhưng ở cấp độ nặng hơn. Trong đó, hầu hết người bệnh đều bị đau chính giữa bụng hoặc bên phải vùng bụng trên, ngay dưới xương sườn. Thậm chí, có thể đau lan xuống lưng, ngay dưới xương bả vai.
Ngoài ra, tùy theo từng dạng viêm tụy cấp hoặc mạn mà các triệu chứng kèm theo cũng có thể biểu hiện khác nhau. Bao gồm:
Triệu chứng viêm tụy cấp
- Sốt dai dẳng
- Buồn nôn, nôn ói
- Mất nước
- Nhịp tim nhanh
- Sưng bụng, ấn mềm
- Huyết áp thấp
Triệu chứng viêm tụy mạn
- Đau dữ dội và kéo dài, cơn đau có xu hướng tăng nặng sau khi ăn;
- Tiêu chảy
- Phân có mùi hôi tanh
- Buồn nôn
- Tim đập nhanh
- Sưng bụng gây khó thở
- Vàng da, vàng mắt
Chẩn đoán
Nếu chỉ xem xét và đánh giá dựa trên các triệu chứng lâm sàng, có thể thấy các triệu chứng viêm tụy hoại tử khá giống với nhiều tình trạng tiêu hóa khác như viêm loét dạ dày, ung thư tuyến tụy... Do đó, sau bước thăm khám và kiểm tra triệu chứng kỹ lưỡng, khoanh vùng được các nhóm bệnh liên quan, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để xác nhận chẩn đoán.
Thông thường, việc chẩn đoán viêm tụy hoại tử sẽ trải qua các xét nghiệm thường quy trong phòng thí nghiệm và xét nghiệm hình ảnh. Cụ thể như sau:
- Xét nghiệm máu: Đây là phương pháp chẩn đoán tiêu chuẩn giúp phát hiện các bất thường liên quan đến viêm tụy, cho thấy tuyến tụy bị tổn thương. Bao gồm đo các chỉ số sau:
- Nồng độ enzyme tuyến tụy trong máu tăng cao bất thường;
- Nồng độ cholesterol máu cũng tăng cao đột biến;
- Một số chất khác trong máu cũng có dấu hiệu tăng như glucose, natri, kali...;
- Xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC): Ngoài đo các chỉ số trên, xét nghiệm công thức máu toàn phần cũng rất cần thiết nhằm theo dõi và đánh giá phản ứng của cơ thể đối với tình trạng nhiễm trùng. Việc đánh giá thường dựa vào kiểm tra chỉ số bạch cầu, kết hợp các triệu chứng sức khỏe liên quan đến chẩn đoán sớm viêm tụy hoại tử.
- Kiểm tra hình ảnh: Các kỹ thuật hình ảnh như siêu âm bụng, chụp CT hoặc MRI đều có lợi trong chẩn đoán viêm tụy hoại tử. Những xét nghiệm này giúp kiểm tra trực quan tình trạng viêm trong tuyến tụy. Dựa vào kết quả này, bác sĩ có thể đưa ra kết luận chính xác về mức độ tổn thương tuyến tụy và loại trừ các nguyên nhân khác. Ngoài ra, kết quả xét nghiệm hình ảnh cũng giúp xác định các biến chứng tiềm ẩn liên quan khác.
- Xét nghiệm sinh thiết: Trong một số trường hợp, kết quả của các xét nghiệm hình cho thấy các phần mô tụy đã chết. Bác sĩ có thể yêu cầu lấy mẫu bệnh phẩm để làm xét nghiệm sinh thiết nhằm kiểm tra dấu hiệu và tác nhân gây nhiễm trùng. Quá trình này được thực hiện bằng cách sử dụng một cây kim mỏng đâm trực tiếp vào tuyến tụy và lấy mẫu ra ngoài.
Biến chứng và tiên lượng
Các chuyên gia trong giới y học cảnh báo, viêm tụy hoại tử là bệnh lý nghiêm trọng và nguy hiểm hơn rất nhiều so với viêm tụy cấp hoặc mãn tính thông thường. Bệnh có khả năng gây tử vong cao và gây ra nhiều biến chứng khó lường như:
- Thiếu hụt enzyme gây khó khăn trong việc tiêu hóa thức ăn;
- Hình thành lỗ rò bất thường trên thành của các cấu trúc trong cơ thể;
- Suy nội tạng;
- Xuất huyết dạ dày;
- Tử vong;
Ngoài ra, vì viêm tụy hoại tử là kết quả của các đợt viêm tụy cấp nặng. Nên biến chứng của viêm tụy cấp cũng được liệt kê trong trường hợp này. Trong đó, có rất nhiều biến chứng gây đe dọa đến tính mạng như:
- Tổn thương tuyến tụy;
- Tắc nghẽn ống mật, ống tụy hoặc rò rỉ dịch từ ống tụy;
- Hình thành các nang giả chứa dịch, có khả năng vỡ gây xuất huyết nhiễm trùng;
- Tăng nguy cơ phát triển tràn dịch màng phổi;
- Hình thành cục máu đông (huyết khối) chặn tĩnh mạch lách;
Trong tất cả các biến chứng này, nhiễm trùng là biến chứng được nhắc đến nhiều nhất. Nhiễm trùng tuyến tụy xảy ra sau khoảng 2 - 3 tuần kể từ khi phát triển hoại tử. Nếu không được phát hiện sớm, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết. Đây là phản ứng nghiêm trọng của cơ thể có thể gây sốc. Hậu quả làm tổn thương các cơ quan, gây suy đa tạng và tử vong.
Tiên lượng về tỷ lệ tử vong chính xác vẫn chưa xác định được. Do đó, khuyến cáo bệnh nhân nên chủ động thăm khám và phối hợp với bác sĩ để được chẩn đoán sớm các bất thường. Đồng thời được hướng dẫn phác đồ điều trị y tế phù hợp nhằm kiểm soát tiến triển, giảm thiểu biến chứng và giảm tỷ lệ tử vong, bảo toàn tính mạng.
Điều trị
Việc điều trị viêm tụy hoại tử được xếp vào danh sách điều trị các biến chứng nặng của bệnh viêm tụy cấp. Bệnh nhân cần phải tiếp nhận điều trị theo phác đồ đặc hiệu và nhập viện theo dõi trong suốt quá trình này.
Điều trị viêm tụy hoại tử gồm 2 giai đoạn chính gồm điều trị viêm tụy và loại bỏ phần mô tụy hoại tử. Quá trình điều trị cụ thể diễn ra như sau:
Điều trị viêm tụy
Các bước điều trị viêm tụy căn bản được chỉ định thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa. Bao gồm:
- Nghỉ ngơi: Bệnh nhân cần nằm nghỉ ngơi tại giường, hạn chế di chuyển và vận động mạnh để ổn định sức khỏe.
- Truyền dịch tĩnh mạch (IV): Sau khi chẩn đoán viêm tụy bắt buộc phải truyền dịch tĩnh mạch ngay lập tức. Bước này nhằm bù đắp lượng chất lỏng bị mất đi do quá trình viêm.
- Kiêng ăn uống: Trong giai đoạn tuyến tụy đang bị viêm và tổn thương, không thể tiết ra enzyme để tiêu hóa đồ ăn, thức uống. Nên bệnh nhân cần phải kiêng ăn uống cho đến khi tuyến tụy phục hồi chức năng.
- Đặt ống truyền thức ăn: Để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho bệnh nhân, có thể đặt ống thông để cho ăn qua đường mũi - dạ dày. Khi cho ăn qua đường này, cơ thể sẽ nhận được dinh dưỡng ở dạng lỏng. Hoặc trong một số trường hợp, có thể đặt ống truyền thức ăn thông qua đường mũi - ruột non.
- Dùng thuốc: Đối với các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc kết quả xét nghiệm cho thấy có sự nhiễm trùng tồn tại, bệnh nhân cần phải sử dụng thuốc kháng sinh với liều phù hợp. Thuốc có tác dụng chống lại nhiễm trùng và ngăn chặn tuyến tụy bị tổn thương nặng hơn. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể sử dụng thuốc giảm đau để cải thiện cơn đau nhức khó chịu.
Các chuyên gia đánh giá, với phác đồ cơ bản này, có đến 2/3 trong tổng số bệnh nhân viêm tụy đáp ứng tốt và phục hồi nhanh chóng mà không cần thực hiện thêm bất kỳ biện pháp nào.
Riêng với những bệnh nhân viêm tụy hoại tử nghiêm trọng, phát triển biến chứng nhiễm trùng huyết, gây nguy hiểm đến tính mạng cần phải tiến hành cấp cứu y tế bằng cách:
- Truyền dịch tĩnh mạch số lượng nhiều;
- Tiêm truyền thuốc kháng sinh;
- Liệu pháp hô hấp, hỗ trợ duy trì hơi thở cho bệnh nhân;
Điều trị ngoại khoa
Sau khi tổn thương viêm tụy đã được kiểm soát, bước tiếp theo là loại bỏ phần mô tụy bị hoại tử càng sớm càng tốt nhằm ngăn chặn biến chứng nhiễm trùng. Phương pháp thường được áp dụng là phẫu thuật cắt bỏ thông qua sử dụng ống thông hoặc thủ thuật nội soi.
Cả 2 thủ thuật này đều là phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, đem lại hiệu quả cao, ít gây đau đớn, chảy máu nhờ vết rạch nhỏ, nhanh phục hồi và ít gây biến chứng. Nhưng với những trường hợp số lượng mô hoại tử lớn và nằm ở vị trí khó tiếp cận, bắt buộc phải can thiệp mổ hở để loại bỏ toàn bộ các mô tụy hoại tử.
Phẫu thuật tuy hiệu quả nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro như xuất huyết, nhiễm trùng... Do đó, không phải trường hợp nào cũng có thể áp dụng. Nhất là khi viêm tụy hoại tử khiến các mô tụy chết đi nhưng không có dấu hiệu nhiễm trùng. Tốt nhất nên nghe theo sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn chọn lựa phương án phù hợp, an toàn.
Phòng ngừa
Muốn phòng ngừa viêm tụy hoại tử, cần tích cực thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe tuyến tụy, ngăn chặn viêm tụy phát triển. Nhưng vì có rất nhiều lý do gây ra viêm tụy nên bạn không thể ngăn ngừa hoàn toàn biến chứng này. Do đó, chỉ cần điều chỉnh lối sống tích cực đã đủ để giảm thiểu nguy cơ phát triển viêm tụy hoại tử.
Bao gồm các biện pháp sau:
- Nói không với các chất kích thích có hại cho sức khỏe như rượu bia, thuốc lá.
- Duy trì cân nặng phù hợp với thể trạng của bản thân.
- Xây dựng chế độ ăn uống đủ chất, bổ sung dưỡng chất từ đa dạng các nguồn thực phẩm lành mạnh, ít chất béo, tăng cường vitamin khoáng chất.
- Tập thể dục thể thao tích cực hàng ngày, đảm bảo duy trì thói quen vận động điều độ, vừa sức và phù hợp với mục đích.
- Chỉ sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào để tránh gây ra tác dụng phụ có hại cho tuyến tụy.
- Theo dõi tình trạng sức khỏe và thăm khám định kỳ hoặc khám cấp cứu ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường như sốt, đau bụng, ói mửa, chóng mặt, thở gấp... để được điều trị kịp thời.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tôi có tiền sử bị viêm tụy có phải nguyên nhân dẫn đến viêm tụy hoại tử không?
2. Viêm tụy hoại tử có nguy hiểm không? Có ảnh hưởng đến tính mạng của tôi không?
3. Những xét nghiệm chẩn đoán tôi cần thực hiện để xác nhận viêm tụy hoại tử?
4. Những biến chứng rủi ro tôi có thể gặp phải khi bị viêm tụy hoại tử?
5. Phác đồ điều trị viêm tụy hoại tử bao gồm những phương pháp nào?
6. Điều trị viêm tụy hoại tử có cần nhập viện không?
7. Tình trạng viêm tụy hoại tử của tôi có cần can thiệp phẫu thuật không?
8. Tiên lượng phục hồi sau điều trị viêm tụy hoại tử là bao nhiêu phần trăm?
9. Chi phí điều trị viêm tụy hoại tử tốn bao nhiêu? Có được sử dụng thẻ BHYT không?
10. Sau điều trị viêm tụy hoại tử, tôi có cần tái khám định kỳ không?
Viêm tụy hoại tử là biến chứng cực kỳ nguy hiểm của viêm tụy cấp nhưng không điều trị sớm và đúng cách. Bệnh có thể dẫn đến tử vong bất kỳ lúc nào trong giai đoạn suy nội tạng và nhiễm trùng máu. Do đó, để ngăn chặn các biến chứng này, các chuyên gia cảnh báo bệnh nhân viêm tụy cần tích cực điều trị y tế để phòng ngừa viêm tụy hoại tử. Hoặc trong trường hợp nặng, phải điều trị cấp cứu nhanh để kiểm soát tổn thương hoại tử, bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân.
Tham khảo thêm:
- Bệnh viêm tụy cấp - Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
- Suy tụy ngoại tiết là bệnh gì? Phương pháp điều trị và lưu ý