Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính kéo dài dai dẳng, bệnh nhân có thể gặp phải biến chứng nặng nề nếu không phát hiện và điều trị. Nguyên gây bệnh đa dạng, triệu chứng ban đầu dễ bị nhầm lẫn, chính vì thế nhiều bệnh nhân chủ quan, không thăm khám kịp thời gây ra hệ lụy hại sức khỏe.

Tổng quan

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (Chronic Obstructive Pulmonary Disease gọi tắt là COPD) là bệnh viêm đường hô hấp gây tắc nghẽn luồng khí tại phổi. Người mắc bệnh nếu không điều trị kịp thời có thể gặp phải các biến chứng nặng, thậm chí là đe dọa tính mạng.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nguy hiểm, có khả năng biến chứng cao nếu không điều trị đúng cách

Các nguyên nhân gây bệnh được xác định có liên quan đến các yếu tố đời sống, tính chất công việc hoặc ảnh hưởng từ nhiều bệnh lý khác. Số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính mỗi năm mỗi tăng.

Việc phát hiện kịp thời, chẩn đoán và điều trị bệnh sớm giúp người bệnh ngăn ngừa được các rủi ro không mong muốn. Tuy nhiên do bệnh tiến triển âm thầm, dễ nhầm lẫn với bệnh lý thông thường khác nên nhiều bệnh nhân chủ quan. Khi triệu chứng rõ ràng, nặng nề khả năng điều trị thấp, người bệnh gặp nhiều rủi ro.

Phân loại

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính được phân thành 2 loại:

  • Khí phế thủng: Đây là tình trạng thường gặp nhất ở những bệnh nhân bị COPD. Các phế nang trong phổi chứa nhiều túi khí nhỏ, khi túi khí bị suy yếu và phá vỡ tạo thành một khoảng không lớn. Khi đó, diện tích bề mặt phổi thu hẹp đi, đồng thời nồng độ oxy phổi cung cấp vào máu cũng bị tụt giảm. Không khí không vào, ra như bình thường, lượng không khí cũ tích tụ lại làm khí oxy mới không được hấp thụ. Điều này khiến cho bệnh nhân bị khó thở kéo dài.
  • Viêm phế quản mãn tính: Ngoài khí phế thủng, viêm phế quản mãn tính cũng là một trong số dạng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thường gặp. Người bệnh không điều trị tình trạng viêm nhiễm phế quản trong thời gian dài, khiến bệnh thành mãn tính, tái phát thường xuyên. Ngoài ra, các tổn thương ở ống phế quản cũng trở nên nặng nề hơn, tạo ra nhiều đờm nhớt khiến bệnh nhân ho liên tục, khó thở. Tình trạng kéo dài biến chứng thành COPD, nặng hơn là tử vong.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính được xác nhận nhiều trường hợp là do người bệnh hút thuốc lá, thuốc lào thường xuyên gây tích tụ độc tố, tổn thương phổi. Những đối tượng này có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nhiều lần những người bình thường khác, nhất là trường hợp nghiện thuốc, hút một lượng lớn thuốc lá, thuốc lào trong ngày.

Bệnh nhân trên 35 tuổi có thói quen hút thuốc lá đi thăm khám đa số đều được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hoặc các vấn đề về đường hô hấp. Phổi bị suy giảm chức năng khi tiếp xúc với khói thuốc lá, thuốc lào, tăng nguy cơ nhiễm độc dẫn đến viêm nhiễm cấp tính.

Ngoài ra, trường hợp bệnh nhân không hút thuốc lá vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Thông thường họ là những đối tượng có điều kiện lao động, sinh sống không đảm bảo, nhiều khói bụi độc hại, hóa chất. Bên cạnh đó, người từng bị viêm phổi, mắc bệnh hen suyễn, bệnh lao,... cũng là nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

Nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
Xác định nguyên nhân và yếu tố gây bệnh để có phương pháp điều trị hiệu quả

Người có tuổi tác càng cao càng có khả năng mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Một số nghiên cứu, thống kê cũng cho biết bệnh có thể liên quan đến yếu tố di truyền, hệ miễn dịch và nhiều vấn đề nhiễm trùng khác. Việc xác định nguyên nhân gây bệnh góp phần giúp bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp cho từng người bệnh.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính giai đoạn đầu thường không có biểu hiện rõ ràng. Các triệu chứng khi đó có thể làm bệnh nhân nhầm lẫn với các chứng bệnh cảm cúm, bệnh đường hô hấp thông thường. Tuy nhiên khi kéo dài, sau một thời gian triệu chứng bắt đầu rõ nét và nghiêm trọng hơn.

Dưới đây là các triệu chứng thường gặp:

  • Triệu chứng ban đầu: Người bệnh có cảm giác khó thở, thở khò khè, kèm theo tình trạng tức ngực, ho nhiều, cơ thể bị sốt, ớn lạnh. Đường hô hấp bị nhiễm trùng thường xuyên khiến người bệnh không có năng lượng, thường xuyên mệt mỏi, bàn chân, chân và mắt cá có dấu hiệu bị sưng. Triệu chứng thở khó dần trở nên nặng hơn, dai dẳng, diễn ra thường xuyên.
  • Triệu chứng nặng: Các dấu hiệu bắt đầu nặng nề hơn khi bệnh nhân không phát hiện bệnh phổi tắc nghẽn ở giai đoạn đầu. Người bệnh khó thở kéo dài ngay cả khi nghỉ ngơi, cơn đau tức ngực cũng nặng dần, xuất hiện cơn đau đầu buổi sáng, tim đập nhanh, cơ thể mệt mỏi, không đủ sức nói, chán ăn, cân nặng sụt giảm. Bên cạnh đó, quan sát móng tay, chân, môi của người bệnh cũng tím tái, xanh xao hơn bình thường.

Bệnh diễn biến theo từng giai đoạn từ nhẹ đến nặng và rất nặng. Bác sĩ sẽ xác định mức độ tổn thương phổi để đưa ra giải pháp điều trị cho bệnh nhân. Dưới đây là các giai đoạn tiến triển của bệnh:

  • Giai đoạn đầu: Các triệu chứng không rõ ràng, người bệnh bị ho dai dẳng, đôi khi có đờm nhớt. Giai đoạn phổi đã bắt đầu có những tổn thương, suy giảm chức năng tuy nhiên khó phát hiện.
  • Giai đoạn tiến triển: Triệu chứng rõ ràng hơn, người bệnh ho ra đờm, khó thở, thở nghe tiếng khò khè.
  • Giai đoạn bùng phát: Người bệnh có sức khỏe kém dần, cơ thể mệt mỏi, triệu chứng khó thở nặng hơn, các đợt viêm cấp tính xuất hiện, tái phát nhiều lần.
  • Giai đoạn rất nặng: Bệnh lý lúc này đã chuyển sang giai đoạn cuối, phổi có các tổn thương nặng khó phục hồi. Tình trạng thiếu oxy diễn ra, các cơ quan trong cơ thể suy giảm hoạt động do không được cung cấp đủ oxy. Bệnh nhân gặp phải các biến chứng nặng, tiên lượng xấu có thể tử vong.

Chẩn đoán

Chẩn đoán lâm sàng triệu chứng người bệnh gặp phải, khai thác thông tin về độ tuổi, tiền sử bệnh lý và các thói quen như hút thuốc lá, thuốc lào hay rượu bia,... Ngoài ra, người bệnh nên trung thực khai báo với bác sĩ tính chất nghề nghiệp, những sự kiện diễn ra trước đó khi cơn khó thở xuất hiện.

Chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
Người bệnh nên đến gặp bác sĩ khi các triệu chứng bất thường dai dẳng

Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm kiểm tra như:

  • Đo chức năng hô hấp: Kiểm tra hiện tượng tắc nghẽn có xảy ra không và đang ở mức độ nào. Kết quả thu được cho biết tình trạng tắc nghẽn phế quản, lưu lượng không khí đi vào và đi ra tại phổi.
  • Chụp X quang phổi: Hình ảnh phim chụp cho biết bệnh nhân có hay không có tổn thương phổi. Thông qua biện pháp xét nghiệm này bác sĩ cũng phân biệt được bệnh phổi tắc nghẽn với các vấn đề hô hấp khác.
  • Đo khí máu động mạch: Chỉ định cho người bệnh có triệu chứng khó thở dai dẳng. Kết quả khí động mạch góp phần đánh giá mức độ tắc nghẽn.
  • Điện tim: Chỉ định cho đối tượng nặng, kiểm tra các vấn đề biến chứng tại tim.
  • Chụp CT lồng ngực: Đây cũng là phương pháp xét nghiệm chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính được áp dụng. Ngoài chẩn đoán bệnh phổi, phương pháp còn xác định nguy cơ ung thư cho bệnh nhân có thói quen hút thuốc lá thường xuyên.
  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra tình trạng sức khỏe của người bệnh thông qua xét nghiệm công thức máu.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nếu không được điều trị đúng cách có thể gây ra các biến chứng vô cùng nguy hiểm. Các trường hợp xấu có thể xảy ra như:

  • Tràn khí màng phổi: Tình trạng căng giãn phế nang diễn ra ngày càng nặng dẫn đến vỡ, mỏng phế nang. Không khí tràn ra màng phổi có thể đe dọa an toàn tính mạng người bệnh.
  • Tăng rủi ro mắc bệnh tim: Nồng độ oxy trong máu giảm dẫn đến biến chứng tại các cơ quan xa. Máu bơm về tim không đủ oxy nuôi dưỡng hoạt động tại tim cũng như nhiều cơ quan khác. Tim làm việc nhiều hơn trong khi áp lực máu tuần hoàn tại phổi cũng dần tăng cao. Nếu không kịp thời xử lí người bệnh có thể bị suy tim nặng nề.
  • Tiên lượng sống thấp: Bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính không điều trị khiến bệnh trở nên nặng dần. Người bệnh có khả năng tử vong sau một thời gian do nhiễm trùng đường hô hấp, rối loại chức năng tim mạch, mắc ung thư phổi,...
  • Nguy cơ tàn phế: Bệnh nhân gặp vấn đề về phổi có thể bị tàn phế hô hấp, giảm khả năng vận động, phụ thuộc vào sự chăm sóc của người khác. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn tăng nguy cơ suy kiệt sức khỏe tinh thần của người bệnh.

    Điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
    Chỉ định điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính theo tình hình sức khỏe của người bệnh

Điều trị

Mỗi trường hợp bác sĩ sẽ dựa trên kết quả chẩn đoán để đưa ra phác đồ điều trị cho người bênh. Các phương pháp cơ bản bao gồm:

  • Điều trị chung: Tư vấn bệnh nhân tránh xa tác nhân gây hại bao gồm thuốc lá, thuốc lào, bụi, khí độc,... Người bệnh phải chấp nhận ngưng công việc trong môi trường có nhiều loại bụi, hóa chất để đảm bảo công tác điều trị đạt hiệu quả tốt. Đặc biệt là việc loại bỏ thuốc lá hết sức quan trọng. Kết hợp tiêm vắc xin ngừa các bệnh về đường hô hấp để bảo vệ an toàn sức khỏe người bệnh.
  • Sử dụng thuốc: Kê đơn thuốc điều trị triệu chứng cho bệnh nhân, ngăn nguy cơ bệnh biến chứng. Các nhóm thuốc thường được sử dụng như: Thuốc giãn phế quản, thuốc corticoid dạng hít hoặc đường uống, thuốc kháng sinh. Phác đồ dùng thuốc được chỉ định riêng cho từng người bệnh, để đảm bảo hiệu quả bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ này.
  • Liệu pháp oxy: Sử dụng máy thở cung cấp oxy cho người bệnh là giải pháp cần thiết, nhất là khi bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp, thiếu oxy máu nặng. Thời gian thở oxy có thể ngắn hạn hoặc dài hạn tùy tình hình sức khỏe của người bệnh. Người bệnh được hướng dẫn các bài tập phục hồi chức năng phổi kết hợp để nâng cao hiệu quả điều trị.
  • Thông khí không xâm lấn: Thở máy cho bệnh nhân, không đặt nội khí quản. Phương pháp thông khí này thường được chỉ định cho người bị suy hô hấp cấp và mãn tính, hỗ trợ cai thở máy.
  • Điều trị các đợt cấp tính: Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có thể bùng phát những đợt viêm cấp tính. Do đó, trong thời gian điều trị, bác sĩ sẽ hướng dẫn, áp dụng các liệu pháp nhằm quản lý tốt nhất các đợt bùng phát này. Một số phương án như dùng ống hít, dùng corticosteroid đường uống,...
  • Điều trị ngoại khoa: Chỉ định phẫu thuật ghép phổi, giảm thể tích phổi, cắt phổi,.... cho bệnh nhân bị tổn thương phổi nặng. Tùy tình hình sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn cho người thân cách can thiệp điều trị phù hợp, hiệu quả nhất.

Phòng ngừa

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính xảy ra do liên quan đến nhiều yếu tố. Bệnh nhân có thể gặp phải biến chứng nặng nề nếu không điều trị kịp thời. Do đó các chuyên gia khuyến khích tự mỗi người nên bảo vệ an toàn sức khỏe, chủ động phòng bệnh lý này cũng như nhiều vấn đề khác. Một số lưu ý:

  • Sử dụng khẩu trang, đồ bảo hộ lao động nếu phải làm việc trong môi trường có nhiều khói bụi, hóa chất. Tự trang bị các kiến thức về phòng tránh viêm nhiễm phổi, đường hô hấp. Khám và điều trị định kỳ, điều trị khi nhận thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường.
  • Xây dựng đời sống lành mạnh, ăn uống đủ chất, khoa học, dành thời gian nghỉ ngơi, tập thể dục và duy trì các thói quen tốt.
  • Không sử dụng thuốc lá, thuốc lào, chất kích thích, tránh xa khói thuốc lá để bảo vệ đường hô hấp, đặc biệt đối với người đang có sức khỏe yếu, thai phụ, trẻ em.
  • Điều trị bệnh về đường hô hấp, giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh. Không nên dùng thuốc tân dược bừa bãi, lạm dụng thuốc có thể gây tác dụng phụ không có lợi cho sức khỏe.
  • Chủ động tiêm ngừa các bệnh lý về đường hô hấp đã có vắc xin, tham khảo và nhờ nhân viên y tế tư vấn trước khi tiêm để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Có thể bạn quan tâm: Bệnh xẹp phổi Bibasilar: Nguyên nhân và cách điều trị

Những câu hỏi quan trọng khi khám

1. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là gì?

2. Triệu chứng nhận biết bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là gì?

3. Nguyên nhân do đây gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính?

4. Tôi cần phải thực hiện các xét nghiệm nào?

5. Trường hợp không điều trị bệnh phổi tắc nghẽn có được không?

6. Sử dụng thuốc có chữa được bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính không?

7. Khi nào người nhà của tôi phải đặt nội khí quản?

8. Trong thời gian điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tôi nên làm gì để bệnh mau khỏi?

9. Trường hợp nào phải phẫu thuật phổi?

10. Thời gian tái khám của tôi là khi nào?

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tiến triển âm thầm, diễn biến phức tạp khi chuyển sang giai đoạn muộn. Người bệnh dễ nhầm lẫn các dấu hiệu ban đầu với bệnh lý khác, dẫn đến việc chậm trễ điều trị, điều trị sai cách. Do đó, tốt hơn hết bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ khi nhận thấy triệu chứng dai dẳng, tái phát nhiều lần. Thăm khám và điều trị kiểm soát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính càng sớm càng tốt.