Bệnh Đau Thượng Vị
Đau thượng vị được mô tả là cơn đau ở trên rốn và dưới xương sườn. Cơn đau này xảy ra phổ biến ở bất kỳ ai, có thể là dấu hiệu sinh lý hoặc là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý ở đường tiêu hóa. Thăm khám và chẩn đoán sớm là cách tốt nhất để xác định nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng, từ đó áp dụng phương pháp điều trị phù hợp.
Tổng quan
Đau thượng vị hay đau thượng vị dạ dày (Epigastric pain) được mô tả là cơn đau nhức, khó chịu ở vùng dưới xương sườn của vùng bụng trên. Đây là tình trạng rất phổ biến, có thể xảy ra ở bất kỳ ai.
Hầu hết bệnh nhân bị đau thượng vị thường không nghiêm trọng, xuất hiện thoáng qua và nhanh chóng biến mất. Nhưng cũng có không ít trường hợp đau thượng vị là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nguy hiểm cần được điều trị y tế.
Tùy mức độ nghiêm trọng của bệnh mà mức độ đau có thể biểu hiện khác nhau, từ nhẹ đến nặng. Có lúc âm ỉ nhưng cũng có lúc dữ dội lan sang nhiều vùng lân cận khác. Cơn đau có thể xuất hiện vào nhiều thời điểm khác nhau như sau khi ăn no, khi đói bụng hoặc đau về đêm.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Trên thực tế, đau thượng vị không được xem là một căn bệnh, nó có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe phát sinh hoặc là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý khác, thường là bệnh ở đường tiêu hóa.
Nguyên nhân sinh lý
Đau thượng vị có thể xuất hiện đột ngột nhưng không nghiêm trọng, chẳng hạn như:
- Ăn quá no: Nhiều người có thói quen ăn quá no trong cùng một bữa khiến dạ dày căng ra quá mức. Điều này vô tình tạo áp lực lớn cho dạ dày và các cơ quan lân cận, làm khởi phát những cơn đau thượng vị khó chịu.
- Chế độ ăn uống: Thói quen ăn uống không lành mạnh, thường xuyên bỏ bữa, nhịn đói hoặc ăn nhiều các loại thực phẩm dầu mỡ, cay nóng khiến dạ dày dần bị tổn thương. Làm tăng nguy cơ khởi phát đột ngột cơn đau thượng vị.
- Mang thai: Phụ nữ mang thai là đối tượng rất dễ bị đau nhức thượng vị. Thai nhi phát triển ngày càng lớn vô tình chèn ép lên các bộ phận xung quanh, trong đó có dạ dày gây ra triệu chứng đau thượng vị. Không những vậy, rối loạn hormone nội tiết khi mang thai cũng làm tăng nguy cơ phát triển đau thượng vị vào ban đêm.
- Lạm dụng chất kích thích: Các chất kích thích phổ biến gây ra đau thượng vị như rượu bia, cà phê, trà, thuốc lá... Sử dụng số lượng nhiều trong thời gian dài gây tác động tiêu cực đến niêm mạc dạ dày, khởi phát cơn đau thượng vị bất kỳ lúc nào, kèm theo cảm giác buồn nôn, nôn ói, đau bụng...
HỮU ÍCH: Cách Xử Lý An Toàn Khi Bị Đau Thượng Vị Dạ Dày Khi Mang Thai
Nguyên nhân bệnh lý
Ngoài các nguyên nhân sinh lý kể trên, đau thượng vị cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý điển hình như:
- Trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Đây là tác nhân phổ biến nhất gây đau thượng vị. Tình trạng này được mô tả là khi nồng độ axit trong dạ dày tăng cao quá mức, chúng trào ngược lên trên thực quản gây kích ứng và tổn thương niêm mạc. Bệnh nhân bị GERD thường bị đau thượng vị, cơn đau nhanh chóng lan xuống ngực dưới, cánh tay...
- Không dung nạp thực phẩm: Trong thực tế, có nhiều loại thực phẩm chứa các chất dị ứng khiến cơ thể không thể dung nạp. Chẳng hạn như lactose trong sữa hoặc gluten trong lúa mì... Khi ăn những loại thực phẩm này, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách gây ra hàng loạt các triệu chứng đường tiêu hóa. Chẳng hạn như đau thượng vị, đầy hơi, nôn ói, tiêu chảy, sụt cân...
- Viêm loét dạ dày mãn tính: Đây cũng là tác nhân phổ biến gây ra đau thượng vị. Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm loét dạ dày như nhiễm trùng do vi khuẩn Hp, tác dụng phụ của thuốc giảm đau, kháng viêm, chế độ ăn uống và sinh hoạt không phù hợp... Viêm kéo dài không điều trị làm tăng nguy cơ phát triển loét dạ dày nghiêm trọng.
- Rách, thủng dạ dày: Loét lâu năm có thể dẫn đến thủng dạ dày, gây nguy hiểm đến tính mạng. Triệu chứng ban đầu của tình trạng này có thể là đau thượng vị, cơn đau có tính chất dữ dội và dai dẳng, xuất hiện đột ngột.
- Bệnh lý tuyến mật: Các tổn thương bất thường ở túi mật cũng có thể khởi phát đau thượng vị. Chẳng hạn như giun chui ống mật hoặc rối loạn chức năng vận động mật. Người bệnh mắc phải các bệnh này thường phải đối mặt với cơn đau thượng vị dữ dội, kèm theo nôn ói, vã mồ hôi hôi...
- Một số bệnh lý khác: Một số bệnh lý khác như viêm ruột thừa, ngộ độc thức ăn, nhồi máu mạc ruột treo, Barret thực quản, thoát vị cơ hoành, ung thư dạ dày - tá tràng, các bệnh lý về phổi, viêm tụy cấp, viêm gan, nhồi máu cơ tim, phình/ bóc tách động mạch chủ...
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Các triệu chứng đau thượng vị thường xuất hiện đột ngột, có tính chất nghiêm trọng khác nhau tùy theo nguyên nhân gây ra. Về cơ bản, tình trạng này sẽ gây ra các triệu chứng sau:
- Xuất hiện cảm giác đau nhức dữ dội, đột ngột hoặc âm ỉ kéo dài tại vùng bụng trên;
- Cơn đau thường có xu hướng nặng hơn khi cử động;
- Buồn nôn, nôn ói;
- Ăn uống khó tiêu, dễ bị đầy hơi, chướng bụng;
- Thường xuyên ợ hơi, ợ nóng, ợ chua;
- Chán ăn, ăn uống không ngon miệng;
- Táo bón, tiêu chảy thường xuyên;
- Sụt cân đột ngột;
Trong những trường hợp nghiêm trọng, đau thượng vị là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm, nên các triệu chứng cũng biểu hiện ở mức độ nặng hơn khi xảy ra đau thượng vị như:
- Cơn đau lan nhanh khắp toàn thân gây cản trở vận động, khó đi lại;
- Đau tức ngực, khó thở;
- Tiêu chảy, nôn ói ra máu;
Mức độ triệu chứng thường tăng dần cấp độ theo thời gian. Bệnh nhân được khuyến cáo thăm khám ngay, thực hiện các chẩn đoán chuyên sâu nhằm tìm ra căn nguyên và có hướng điều trị phù hợp.
Chẩn đoán
Cơn đau thượng vị xuất hiện đột ngột, là dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc các bệnh lý khác nhau. Việc chẩn đoán chủ yếu nhằm xác định căn nguyên để tìm ra phương án điều trị phù hợp. Các biện pháp chẩn đoán đau thượng vị thường được áp dụng như:
- Khám thực thể: Trước tiên, bác sĩ cần nắm rõ những thông tin về tình trạng sức khỏe, mức độ đau, thời gian đau, cơn đau có lan không và đặt các câu hỏi liên quan để khai thác tiền sử bệnh cá nhân.
- Xét nghiệm cận lâm sàng: Bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết như:
- Xét nghiệm công thức máu đo các chỉ số cơ bản, đánh giá mức độ nhiễm trùng và thiếu máu;
- Xét nghiệm kiểm tra nồng độ amylase trong trường hợp có dấu hiệu liên quan đến viêm tụy cấp;
- Xét nghiệm kiểm tra men tim giúp phát hiện sớm các dấu hiệu tổn thương ;
- Xét nghiệm nước tiểu giúp phát hiện các dấu hiệu bất thường về thận;
- Nội soi ống tiêu hóa: Đây là phương pháp hiện đại giúp phát hiện các tổn thương ở các bộ phận thuộc hệ tiêu hóa như thực quản, dạ dày... có liên quan đến triệu chứng đau thượng vị kèm theo đại tiện phân đen... Tuy nhiên, riêng tổn thương ung thư sẽ không được phát hiện thông qua kỹ thuật này.
- Kiểm tra hình ảnh: Để xác nhận chẩn đoán nguyên nhân gây ra đau thượng vị và loại trừ một số bệnh lý khác, cần kết hợp với các xét nghiệm hình ảnh như: siêu âm bụng, chụp X quang ngực, chụp CT scan hoặc MRI.
Biến chứng và tiên lượng
Đau thượng vị không phải triệu chứng quá nguy hiểm, thậm chí nó còn xảy ra rất thường xuyên. Đa số các trường hợp bị đau thượng vị thông thường chỉ xuất hiện đột ngột và biến mất nhanh chóng. Tuy nhiên, cũng có không ít cơn đau kéo dài dai dẳng, tái phát thường xuyên gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của bệnh nhân.
Ngoài ra, có không ít trường hợp đau thượng vị là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm. Đặc biệt, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, có thể gây ra các biến chứng khó lường như: phát triển các ung thư đường tiêu hóa như dạ dày, thực quản, các biến chứng tim mạch như đau tim, đột quỵ, suy dinh dưỡng dẫn đến suy nhược sức khỏe...
Tùy vào từng trường hợp bệnh cụ thể mà mức độ ảnh hưởng của bệnh sẽ khác nhau. Nhưng nhìn chung, đa số những bệnh nhân bị đau thượng vị đều không quá nghiêm trọng, có thể kiểm soát hiệu quả thông qua các biện pháp chăm sóc tích cực. Nhưng cũng có nhiều trường hợp bắt buộc phải điều trị y tế như dùng thuốc hoặc phẫu thuật để xử lý tổn thương một cách hiệu quả nhất.
XEM THÊM: Top 9 Bệnh Viện Chữa Đột Quỵ Tại TP.HCM Uy Tín Nhất
Điều trị
Không có biện pháp điều trị đặc hiệu đối với cơn đau thượng vị. Bạn chỉ có thể thực hiện các giải pháp y tế hoặc kết hợp chăm sóc tại nhà để kiểm soát triệu chứng bệnh, tùy theo từng trường hợp bệnh theo sự chỉ định của bác sĩ.
Một số phương pháp điều trị hiệu quả chứng đau thượng vị như:
Điều trị bằng thuốc Tây
Các cơn đau thượng vị có tính chất và mức độ đau khác nhau. Ngoài ra, cũng tùy theo nguyên nhân gây ra là gì mà bác sĩ sẽ kê toa thuốc phù hợp.
Một số loại thuốc thường dùng trong điều trị đau thượng vị bao gồm:
- Thuốc ức chế bơm proton: Nhóm thuốc này có tác dụng ức chế khả năng sản xuất acid dạ dày của các tế bào niêm mạc. Nhờ đó giúp cải thiện hiệu quả các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày..., trong đó có đau thượng vị. Các loại thuốc phổ biến như omeprazole, esomeprazole, pantoprazole...
- Thuốc kháng axit: Được chỉ định dùng nhằm cải thiện nhanh các triệu chứng tiêu hóa như ợ hơi, khó tiêu, tức ngực và cả đau thượng vị. Loại thuốc này có thể sử dụng mà không cần kê đơn, nhưng vẫn cần chú ý liều dùng phù hợp để hạn chế gây ra tác dụng phụ có hại cho sức khỏe. Trường hợp không thể dùng thuốc này, có thể thay thế bằng canxi carbonat để đạt được hiệu quả tương tự.
- Thuốc kháng histamin: Cụ thể là nhóm thuốc kháng histamin H2, gồm các loại điển hình như cimetidine, famotidine, ranitidine... Loại thuốc này giúp làm giảm đáng kể lượng acid trong dạ dày, từ đó cải thiện các triệu chứng như ợ nóng, đầy hơi, khó tiêu, nôn ói và đau nhức thượng vị.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Loại thuốc này giúp hỗ trợ cải thiện triệu chứng đau nhức, sốt, viêm khá hiệu quả. Tuy hiệu quả nhưng khuyến cáo không sử dụng cho những bệnh nhân bị viêm loét dạ dày - tá tràng.
- Các loại thuốc khác:
- Thuốc kháng sinh;
- Thuốc chống nôn;
- Thuốc làm tan sỏi mật;
ĐỌC NGAY: Đau Dạ Dày Có Nên Uống Thuốc Giảm Đau Không? 3 Nhóm Thuốc Tốt Nhất
Kết hợp chăm sóc tại nhà
Song song với việc dùng thuốc, bệnh nhân bị đau thượng vị dai dẳng cần kết hợp thực hiện một số biện pháp tại nhà nhằm hỗ trợ cải thiện triệu chứng. Dưới đây là một số biện pháp đơn giản bạn có thể áp dụng ngay:
- Dùng dược liệu tự nhiên: Có rất nhiều loại thảo dược lành tính có khả năng cải thiện hiệu quả triệu chứng đau thượng vị. Chẳng hạn như gừng, nghệ, mật ong... Cách dùng đơn giản nhất là hãm trà uống hàng ngày.
- Thay đổi chế độ ăn uống: Để khắc phục các triệu chứng tiêu hóa, trong đó có đau thượng vị, bạn cần chú ý thay đổi chế độ ăn uống hàng ngày.
- Loại bỏ các loại thực phẩm khó tiêu, chiên xào nhiều dầu mỡ, cay nóng hoặc thực phẩm có tính axit cao;
- Thay thế bằng các loại thực phẩm lành tính, nhạt vị, dễ tiêu hóa, đặc biệt là nhóm BRAT (một chế độ ăn kiêng hiệu quả), bao gồm chuối, cơm, sốt táo và bánh mì nướng;
- Uống nhiều nước: Uống nhiều nước hơn để kích thích sự hoạt động của hệ tiêu hóa, giảm nhanh cơn đau thượng vị và các triệu chứng liên quan. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân nên uống khoảng 2 - 2.5l/ ngày đối với người trưởng thành, từ 1 - 1.2l/ ngày đối với trẻ em.
- Nói không với chất kích thích: Trong một vài trường hợp, triệu chứng đau thượng vị sẽ không thể thuyên giảm nếu người bệnh vẫn tiếp tục sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia... Do đó, hãy cai ngay những loại này để thúc đẩy quá trình phục hồi tổn thương ở dạ dày.
- Chườm ấm: Khi cơn đau bộc phát khó chịu, hãy thử chườm ấm lên vùng bụng liên tục trong vòng 15 - 20 phút để cải thiện nhanh hơn.
- Thay đổi tư thế ngủ: Các chuyên gia khuyến khích bạn nên nằm tư thế ngủ nghiêng sang trái để giảm nhanh các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản, trong đó có triệu chứng đau thượng vị.
Can thiệp ngoại khoa (nếu cần)
Những cơn đau thượng vị cấp tính kéo dài dữ dội và kéo dài, là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm, biến chứng nặng nề cần phải can thiệp ngoại khoa càng sớm càng tốt. Tùy theo căn nguyên gây ra là gì, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng kỹ thuật phẫu thuật phù hợp. Tuy nhiên, rất hiếm trường hợp được chỉ định phẫu thuật.
Phòng ngừa
Bị đau thượng vị không quá nguy hiểm, tuy nhiên trong một vài trường hợp đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý khó lường khác. Do đó, cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe đó là thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngay trong đời sống hàng ngày.
- Thực hiện chế độ ăn uống khoa học, chọn lựa các loại thực phẩm lành tính, tốt cho hệ sức khỏe nói chung và hệ tiêu hóa nói riêng.
- Tránh dung nạp những món ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, chứa nhiều axit để giảm thiểu kích ứng cho niêm mạc dạ dày.
- Tạo thói quen ăn uống kỹ lưỡng, chế biến thực phẩm kỹ lưỡng, ăn chậm nhai kỹ, không bỏ bữa, không ăn quá no hoặc nhịn đói, không ăn quá sát giờ đi ngủ.
- Cai rượu bia, thuốc lá để giảm thiểu các tác hại cho hệ tiêu hóa nói riêng và sức khỏe toàn thân nói chung.
- Xây dựng lối sống khoa học, sinh hoạt điều độ và tập thể dục thể thao hàng ngày để nâng cao sức khỏe thể chất, tăng cường hệ miễn dịch phòng chống bệnh tật.
- Thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ, số lần khám tùy theo tình trạng sức khỏe của cơ thể, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và kịp thời điều trị.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Nguyên nhân tại sao tôi bị đau thượng vị?
2. Đau thượng vị có phải bệnh lý nguy hiểm không?
3. Tình trạng đau thượng vị của tôi có nghiêm trọng không?
4. Tôi nên thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán nguyên nhân gây đau thượng vị?
5. Phương pháp điều trị đau thượng vị tốt nhất dành cho tôi?
6. Tôi nên thực hiện những biện pháp nào tại nhà để cải thiện triệu chứng đau thượng vị?
7. Mang thai bị đau thượng vị nên điều trị bằng cách nào an toàn?
8. Điều trị đau thượng vị mất bao lâu thì khỏi?
9. Tôi cần làm gì để phòng ngừa đau thượng vị tái phát?
Đau thượng vị tuy không quá nguy hiểm đến tính mạng nhưng những ảnh hưởng của nó đến sức khỏe là rất đáng lo ngại. Do đó, để bảo vệ sức khỏe cũng như sớm phát hiện các dấu hiệu bệnh lý bất thường liên quan đến đau thượng vị, hãy chủ động thăm khám để được kiểm tra chẩn đoán cũng như hướng dẫn phác đồ tư vấn phù hợp.
ĐỪNG BỎ LỠ
- Đau Thượng Vị Từng Cơn Có Phải Dấu Hiệu Bệnh Nguy Hiểm?
- Các Nhóm Thực Phẩm Nên Ăn Và Cần Kiêng Khi Bị Đau Thượng Vị