Bệnh Viêm Túi Mật Cấp
Viêm túi mật cấp đặc trưng bởi cơn đau bụng dữ dội và đột ngột ở vùng bụng trên bên phải. Nguyên nhân chính là do sự tắc nghẽn ống túi mật, có thể do sỏi hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Phương pháp điều trị viêm túi mật cấp hiệu quả nhất hiện nay đó là cắt túi mật nội soi.
Tổng quan
Túi mật là cơ quan có kích thước nhỏ, nằm bên dưới gan. Cơ quan này có nhiệm vụ lưu trữ mật do gan tạo ra. Chức năng của dịch mật là giúp cơ thể tiêu hóa chất béo trong thực phẩm.
Viêm túi mật cấp (Acute Cholecystitis) là tình trạng viêm túi mật tiến triển đột ngột trong vài giờ. Khác với viêm túi mật mạn tính, một tình trạng viêm tái phát dai dẳng, lặp đi lặp lại thường xuyên. Nguyên nhân thường là do sỏi gây tắc ống túi mật hoặc giảm chức năng làm rỗng túi mật (do sỏi hoặc cặn mật).
Bệnh nhân bị viêm túi mật cấp gây ra những cơn đau dữ dội ở vùng hạ sườn phải, kèm theo các triệu chứng bất thường kéo dài dai dẳng, không thuyên giảm. Tình trạng này thường có xu hướng tiến triển nặng theo thời gian, nên bắt buộc phải điều trị trong bệnh viện.
Viêm túi mật cấp là biến chứng khá hiếm gặp của sỏi đường mật. Ước tính tình trạng này ảnh hưởng đến khoảng 1 - 4% trường hợp bị sỏi mật. Riêng những trường hợp sưng viêm nhưng chưa được cắt bỏ cũng có thể gây viêm túi mật cấp (tỷ lệ 1% dân số). Phụ nữ có nguy cơ mắc viêm túi mật cấp cao hơn nam giới.
Phân loại
Dựa vào căn nguyên khởi phát, viêm túi mật cấp được chia làm 2 loại cơ bản là dạng hoại có sỏi và không có sỏi.
- Viêm túi mật cấp có sỏi (hoại tử): Đặc trưng bởi sự tổn thương do tắc nghẽn trong túi mật. Nguyên nhân tắc nghẽn có thể là do sỏi đường mật, khối u hoặc một số vật lạ khác.
- Viêm túi mật không có sỏi: Dạng này ít phổ biến hơn, thường xảy ra do liên quan đến yếu tố nhiễm trùng hoặc viêm túi mật vô căn không do sỏi.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân chính gây viêm túi mật cấp là do sự tắc nghẽn ống dẫn túi mật và gây tổn thương sưng viêm. Thông thường, gan tạo ra mật, sau đó di chuyển xuống ống mật để lưu trữ. Khi cơ thể dung nạp các loại thực phẩm nhiều chất béo, cay nóng, túi mật sẽ được kích thích làm rỗng túi mật, đẩy dịch mật xuống ống mật và đi vào tá tràng để hỗ trợ tiêu hóa.
Nhưng khi có sự tắc nghẽn xảy ra, dịch mật không được cơ thể sử dụng đúng quy trình, bắt đầu tích tụ và lắng đọng tạo thành sỏi mật cứng nằm trong túi mật. Sự hiện diện của chúng làm ngăn chặn dòng chảy của mật và gây viêm nhiễm. Tình trạng này được gọi là viêm túi mật cấp do sỏi, chiếm 95% tổng số các ca mắc viêm túi mật cấp.
Ngoài sỏi mật, còn một số nguyên nhân khác gây ra viêm túi mật cấp không do sỏi bao gồm:
- Khối u: Đây là một trong những nguyên nhân nguy hiểm nhất dẫn đến sự khởi phát của viêm túi mật cấp. Vì khối u có thể lành tính hoặc ác tính, tùy vào tính chất bệnh lý mà tiến triển bệnh khác nhau.
- Nhiễm ký sinh trùng: Sự phát triển của một số loại ký sinh trùng như giun đũa, giun sán cũng có thể dẫn đến viêm túi mật cấp. Chúng di chuyển và chen chúc trong ống túi mật gây ra tắc nghẽn và khởi phát viêm cấp. Tình trạng này cực kỳ nguy hiểm, không chỉ gây đau đớn mà còn làm tăng nguy cơ thủng rách hoặc hoại tử túi mật.
- Một số nguyên nhân khác:
- Nhiễm trùng do virus, chẳng hạn như virus HIV;
- Mắc các bệnh lý gây tổn thương mạch máu, làm giảm lưu lượng máu đến túi mật;
- Dịch mật phát triển quá đặc do mang thai giảm cân nhanh chóng cũng có thể gây tắc nghẽn ống mật;
Sự khởi phát của viêm túi mật cấp không loại trừ một ai, nhưng một số đối tượng dưới đây thường có nguy cơ cao hơn hẳn:
- Phụ nữ > 50 tuổi;
- Người lớn tuổi (thường > 60 tuổi);
- Người Mỹ bản địa hoặc gốc Tây Ban Nha, Scandinavi có nguy cơ mắc cao hơn;
- Tiền sử tiểu đường;
- Người thừa cân, béo phì;
- Khẩu phần ăn hàng ngày dư thừa chất béo và cholesterol;
- Tiền sử gia đình từng có người bị sỏi mật;
- Phụ nữ đang mang thai hoặc đã từng mang thai trước nhiều lần;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Các triệu chứng của viêm túi mật cấp thường khởi phát đột ngột, dữ dội và nghiêm trọng, nhất là trong vòng 15 - 20 phút sau khi ăn. Bao gồm các triệu chứng điển hình sau:
- Đau vùng bụng phía trên bên phải hoặc đau giữa bụng;
- Cơn đau có xu hướng lan từ bụng sang lưng hoặc lên vai;
- Cảm giác đau nhói khó chịu kéo dài liên tục trong nhiều giờ liền;
- Kèm theo chuột rút âm ỉ;
Ngoài các triệu chứng trên, bệnh nhân viêm túi mật cấp cũng có thể gặp các triệu chứng khác như:
- Ợ nóng đầy bụng khó tiêu
- Đau bụng sau mỗi bữa ăn;
- Buồn nôn, nôn ói;
- Trắng mắt, vàng da;
- Phân màu đất sét;
- Sốt cao, ớn lạnh;
Chẩn đoán
Các triệu chứng viêm túi mật cấp thường dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe đường tiêu hóa khác hoặc tổn thương tim mạch. Do đó, nếu chỉ dựa vào những triệu chứng này, sẽ rất khó đưa ra chẩn đoán chính xác về bệnh. Chính vì vậy, sau khi nhập viện, trước tiên bệnh nhân sẽ được điều trị sơ cứu nhằm mục đích giảm đau và ổn định sức khỏe trước.
Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành một cuộc thăm khám toàn diện để kiểm tra kỹ lưỡng các triệu chứng lâm sàng, tình trạng sức khỏe và khai thác thêm một số thông tin về tiền sử bệnh, thói quen ăn uống...
Bước tiếp theo là làm các xét nghiệm cận lâm sàng chuyên sâu nhằm thu thập các bằng chứng về tổn thương liên quan gây ra viêm túi mật cấp. Bao gồm:
Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC)
Xét nghiệm máu tuy không giúp chẩn đoán chính xác việc bạn có bị viêm túi mật cấp hay không. Nhưng nó lại rất quan trọng khi cung cấp các chỉ số có liên quan đến tổn thương gan hoặc túi mật. Đồng thời, xét nghiệm máu còn giúp phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng, thông qua nồng độ bạch cầu (WBC) tăng cao bất thường.
Trong một vài trường hợp, có thể dựa vào chỉ số số bilirubin cao để đưa ra phán đoán có liên quan đến sỏi ống mật chủ. Hoặc kiểm tra nồng độ amylase và lipase để loại trừ viêm tụy.
Siêu âm bụng
Thiết bị siêu âm hoạt động với cơ chế sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh về các cơ quan nội tạng bên trong cơ thể. Đối với túi mật, có thể thực hiện siêu âm bụng để kiểm tra túi mật. Kết quả ở bệnh nhân viêm túi mật cấp thường là dày thành túi mật và phát hiện có sỏi mật.
Siêu âm nội soi
Kết hợp giữa siêu âm và kỹ thuật nọi soi, sử dụng ống thông gắn đầu dò camera vào trong miệng hoặc hậu môn tiến sâu vào ruột. Hình ảnh trực quan bên trong ruột, bao gồm túi mật sẽ hiển thị ra màn hình, giúp bác sĩ dễ dàng quan sát và phát hiện các bất thường.
Các biện pháp hình ảnh khác
Công nghệ y học hiện đại phát minh rất nhiều thiết bị kiểm tra chính xác hình ảnh cơ quan nội tạng trong ổ bụng, trong đó có hệ thống gan và túi mật. Bao gồm:
- Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan);
- Quét gan mật (HIDA);
- Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP);
- Chụp đường mật tụy cộng hưởng từ (MRCP);
Dựa vào kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ loại trừ và phân biệt viêm túi mật cấp với các bệnh lý khác gây ra triệu chứng tương tự. Chẳng hạn như: đau ruột thừa, viêm đường mật, đau bụng mật, viêm dạ dày, viêm loét dạ dày, thiếu máu mạc treo...
Biến chứng và tiên lượng
Viêm túi mật cấp xảy ra đột ngột và nghiêm trọng, cần phải được cấp cứu thực hiện các biện pháp điều trị y tế ngay lập tức để kiểm soát tình trạng. Những trường hợp chủ quan, cố gắng chịu đựng và đợi cơn đau qua đi mà không đi bệnh viện, có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm sau:
- Nhiễm trùng túi mật;
- Hoại tử mô túi mật;
- Rách, thủng hoặc vỡ túi mật;
- Hình thành lỗ rò túi mật;
- Tăng nguy cơ tắc ruột do sỏi mật ứ đọng lâu ngày;
- Phát triển viêm tuyến tụy, hình thành áp xe ổ bụng, nhiễm trùng, chảy máu đe dọa đến tính mạng;
Hiện nay, đa số các trường hợp bệnh nhân bị viêm túi mật cấp đều có tiên lượng tốt, biến chứng và tỷ lệ tử vong thấp. Các biện pháp điều trị và chăm sóc tích cực được bác sĩ chỉ định thực hiện phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Chẳng hạn như bệnh nhân viêm túi mật cấp có sỏi bắt buộc phải phẫu thuật cắt bỏ túi mật sớm và kết hợp chăm sóc phục hồi hậu phẫu.
Riêng những bệnh nhân bị viêm túi mật cấp không có sỏi thường phải điều trị lưu trú ở phòng chăm sóc đặc biệt, kết hợp các thủ thuật chọc hút, loại bỏ nhiễm trùng và chăm sóc tích cực. Đến khi sức khỏe ổn định đủ để trải qua đợt phẫu thuật chính thức cắt bỏ túi mật.
Điều trị
Tùy vào từng trường hợp bệnh cụ thể, chuyên gia y tế sẽ hướng dẫn áp dụng phương pháp điều trị phù hợp. Quá trình điều trị viêm túi mật cấp thường diễn ra trong bệnh viện.
Các biện pháp nội khoa
Những biện pháp này chủ yếu thực hiện trong giai đoạn chưa thể phẫu thuật ngay. Mục đích nhằm duy trì và ổn định sức khỏe cho bệnh nhân.
- Nhịn ăn: Bệnh nhân thường phải kiêng ăn tuyệt đối hoặc chuyển sang chế độ ăn nhẹ để tạo điều kiện cho túi mật nghỉ ngơi, phục hồi.
- Truyền dịch tĩnh mạch: Giúp bù đắp lượng nước thất thoát và ngăn ngừa các biến chứng mất nước.
- Dùng thuốc: Chủ yếu là thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau nhằm hỗ trợ cải thiện triệu chứng, ngăn chặn nhiễm trùng. Ngoài ra, một số loại thuốc kê đơn khác cũng có thể được chỉ định dùng như:
- Diclofenac dạng tiêm 1 liều duy nhất giúp làm chậm tiến triển viêm túi mật ở bệnh nhân có sỏi mật;
- Indometacin dùng trong 24 giờ đầu kể từ khi viêm túi mật cấp khởi phát nhằm kiểm soát chức năng co bóp và cải thiện khả năng làm rỗng túi mật sau khi ăn;
- Cephalosporin & Metronidazole dạng tiêm tĩnh mạch đối với bệnh nhân tiến triển bội nhiễm;
Phẫu thuật
Mọi biện pháp điều trị nội khoa chỉ mang tính chất tạm thời, không thể điều trị khỏi bệnh dứt điểm. Bắt buộc phải phẫu thuật cắt bỏ túi mật trong trường hợp cần thiết để loại bỏ hoàn toàn tổn thương và chấm dứt tiến triển bệnh, ngăn ngừa biến chứng.
Phẫu thuật cắt bỏ túi mật có thể được thực hiện thông qua phương pháp mổ hở hoặc mổ nội soi. Cụ thể gồm:
- Phẫu thuật mổ hở: Đây là phương pháp mổ truyền thống. Được thực hiện bằng cách tạo một vết rạch lớn tại vị trí túi mật nhằm tiếp cận và cắt bỏ túi mật. Do vết mổ lớn, sâu nên mất nhiều thời gian hồi phục, khoảng vài tuần. Ngoài ra, dễ phát sinh biến chứng chảy máu, nhiễm trùng hoặc các biến chứng khác nếu không chăm sóc đúng cách.
- Phẫu thuật nội soi: Cắt túi mật nội soi là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất hiện nay. Thủ tục này đem lại kết quả cao, tỷ lệ biến chứng thấp và thời gian phục hồi nhanh (thường trong vòng 1 tuần).
Dẫn lưu túi mật
Những trường hợp chưa đủ điều kiện phẫu thuật, có thể thực hiện thủ thuật dẫn lưu dịch mật sang một nơi khác. Tuy nhiên, cách này chỉ có tác dụng tạm thời, không có khả năng kiểm soát dứt điểm tình trạng viêm. Nên khi sức khỏe đã ổn định vẫn phải chọn thời điểm phù hợp để làm phẫu thuật.
Ngoài ra, các liệu pháp khác như hòa tan dung môi hoặc tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung kích cũng có thể được cân nhắc áp dụng trong trường hợp này.
Chăm sóc hậu phẫu
Sau phẫu thuật, hầu hết bệnh nhân đều có tiến triển tốt về sức khỏe và có thể xuất viện trong ngày. Khi về nhà, cần phải tuân thủ các chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ về việc chăm sóc vết mổ cũng như theo dõi và kiểm soát cơn đau, ngăn ngừa biến chứng nhiễm trùng bằng thuốc.
Cụ thể, cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Dùng thuốc giảm đau thông thường hoặc thuốc kháng sinh do bác sĩ kê đơn, tuân thủ liều dùng và thời gian sử dụng;
- Kiểm tra vết mổ hàng ngày để xem các có dấu hiệu sưng viêm, chảy mủ hay không;
- Đảm bảo áp dụng khẩu phần ăn phù hợp, ưu tiên các loại thực phẩm ít gia vị, chế biến lỏng, mềm dễ tiêu hóa;
- Tăng cường bổ sung chất xơ và chất lỏng để cải thiện tình trạng táo bón;
- Sau mổ 2 - 3 ngày, bệnh nhân có thể xuống giường và đi lại nhẹ nhàng. Tránh làm việc nặng hay thực hiện các hoạt động như lái xe, quan hệ tình dục hoặc quay trở lại công việc quá sớm;
Nhiều bệnh nhân lo lắng việc cắt bỏ túi mật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nên chần chừ không thực hiện. Nhưng trên thực tế, bạn vẫn có thể sống một cuộc sống bình thường, khỏe mạnh mà không cần có túi mật. Cơ bản nhiệm vụ của túi mật là dự trữ mật do gan tạo ra. Nếu không có túi mật, dịch mật vẫn có thể được gan tiết ra, đi thẳng vào ống dẫn mật và đến ruột non để thực hiện chức năng của mình.
Phòng ngừa
Một số cách đơn giản chúng ta có thể thực hiện hàng ngày để giảm nguy cơ phát triển viêm túi mật cấp bao gồm:
- Tuân thủ một chế độ ăn uống lành mạnh, ưu tiên chọn lựa bổ sung những loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe, nhiều vitamin khoáng chất, ít chất béo chuyển hóa và cholesterol.
- Kết hợp vận động tích cực, tập thể dục thể thao hàng ngày để tăng cường thể trạng, kiểm soát mức cholesterol để giảm nguy cơ hình thành sỏi mật.
- Duy trì cân nặng phù hợp, tránh thừa cân béo phì quá nhanh. Hoặc muốn giảm cân cần có chế độ rõ ràng, giảm an toàn và từ từ. Việc giảm cân quá đột ngột cũng có thể tăng nguy cơ pht1 triển sỏi mật.
- Nếu có tiền sử bệnh lý sỏi mật, cần tuân thủ các chỉ định điều trị của bác sĩ, kết hợp tái khám định kỳ để theo dõi tiến triển, kịp thời xử lý các bất thường.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tại sao tôi bị đau bụng bất thường, dữ dội và kéo dài?
2. Căn nguyên của cơn đau này là do đâu?
3. Nguyên nhân khiến tôi bị viêm túi mật cấp?
4. Tình trạng viêm túi mật cấp của tôi có nguy hiểm không?
5. Tôi có thể gặp những biến chứng gì khi bị viêm túi mật cấp?
6. Tôi nên điều trị viêm túi mật cấp bằng thuốc hay phẫu thuật?
7. Phẫu thuật cắt bỏ túi mật đem lại những lợi ích và rủi ro gì?
8. Tôi nên phẫu thuật khi nào? Áp dụng phương pháp mổ nào tốt nhất?
9. Khả năng hồi phục sức khỏe sau phẫu thuật nhanh hay chậm? Tôi có thể quay lại làm việc ngay được không?
10. Tôi cần chú ý những gì trong thời gian chăm sóc hậu phẫu?
11. Tôi nên áp dụng chế độ ăn uống nào sau phẫu thuật cắt bỏ túi mật?
12. Chi phí điều trị viêm túi mật cấp tốn bao nhiêu? BHYT có hỗ trợ chi trả không?
Trước những nguy cơ rủi ro và biến chứng khó lường gây ảnh hưởng đến sức khỏe do viêm túi mật cấp. Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo mỗi người cần cảnh giác trước những cơn đau bụng dữ dội và đột ngột. Tốt nhất nên thăm khám sớm để được kiểm tra, chẩn đoán và tư vấn hướng điều trị hiệu quả, an toàn nhất có thể.
Tham khảo thêm:
- Bướu sợi tuyến - Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
- Viêm loét hành tá tràng - Dấu hiệu và cách điều trị