Rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa là một trong những vấn đề nhiều người gặp phải hiện nay. Các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, đi ngoài bất thường,... ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống, sức khỏe. Trường hợp bệnh nhân gặp biến chứng rối loạn tiêu hóa càng nặng nề hơn, tổn thương khiến cơ thể suy nhược kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường.
Tổng quan
Rối loạn tiêu hóa không được xem là bệnh lý mà là hệ lụy của nhiều vấn đề xảy ra tại đường tiêu hóa. Bệnh nhân gặp phải các triệu chứng đa dạng, không cố định tại một khu vực nào trong hệ thống tiêu hóa.
Như bạn đọc đã biết, hệ thống tiêu hóa đảm nhận vai trò quan trọng đối với cơ thể. Nơi đây là khu vực lưu trữ, chuyển hóa, hấp thu và đào thải chất thải ra ngoài cơ thể. Một hệ thống vận hành nhịp nhàng với các cơ quan đảm nhận vai trò nhất định.
Bao gồm miệng nhai và nuốt thức ăn, thức ăn sau đó được nước bọt phân hủy, nghiền nát rồi đi xuống dạ dày co bóp, hấp thu dinh dưỡng thông qua niêm mạc ruột. Túi mật và tuyến tụy tiết dịch tiêu hóa giúp thức ăn tiếp tục được phân hủy, sau khi đã hấp thu hoàn toàn dưỡng chất, phần thức ăn còn lại sẽ được đẩy xuống ruột vào thoát ra ngoài hậu môn.
Tuy nhiên ở những bệnh nhân mắc chứng rối loạn tiêu hóa, một trong các cơ quan của hệ thống tiêu hóa hoạt động không ổn định, do bệnh lý, tổn thương hoặc dị dạng bất thường sẽ làm ảnh hưởng hoạt động của hệ thống. Trường hợp bệnh nhân chủ quan không phát hiện và khắc phục sớm sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho đời sống, sức khỏe.
Phân loại
Dựa trên nguyên nhân gây bệnh các chuyên gia phân rối loạn tiêu hóa thành 2 loại chính gồm:
- Rối loạn tiêu hóa không do bệnh: Người bệnh bị rối loạn tiêu hóa không phải do bệnh lý. Đối với trường hợp này, bệnh nhân cần đến bệnh viện thực hiện một số xét nghiệm kiểm tra, tìm nguyên nhân và điều trị. Nếu có sự xuất hiện loạn khuẩn đường tiêu hóa, bác sĩ sẽ chỉ định các giải pháp khắc phục tương ứng.
- Rối loạn tiêu hóa do bệnh lý: Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa do bệnh lý thường có mức độ nặng nề hơn những trường hợp rối loạn tiêu hóa không do bệnh. Nếu bệnh nhân chủ quan không kịp thời can thiệp, bệnh tiến triển nặng sẽ phát sinh nhiều hệ lụy nguy hiểm, đặc biệt còn có nguy cơ đe dọa tính mạng người bệnh.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa và bất kỳ ai cũng có thể gặp phải vấn đề này kể cả người lớn hay trẻ nhỏ. Các nguyên nhân được xem là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến rối loạn tiêu hóa được đề đến như:
- Ảnh hưởng bởi chế độ dinh dưỡng: Người bệnh ăn cay nóng, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, các chế phẩm từ sữa quá hạn, đồ ăn có tính axit,... ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa. Nếu không có biện pháp kiểm soát, người bệnh sẽ gặp phải các cơn đau bụng dữ dội kèm theo nhiều triệu chứng rối loạn tiêu hóa khác.
- Lạm dụng rượu bia: Rượu bia hay đồ uống chứa cồn nói chung là tác nhân gây hại cho hệ tiêu hóa, đặc biệt là dạ dày. Việc lạm dụng bia rượu là nguyên nhân gây viêm loét, rối loạn tiêu hóa,... Nếu tiếp tục sử dụng không có sự kiểm soát bệnh nhân có thể đối mặt với nhiều rủi ro.
- Bệnh về dạ dày: Đây là nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng rối loạn tiêu hóa bất thường. Bệnh về dạ dày như trào ngược, viêm loét khiến hệ tiêu hóa hoạt động không ổn định. Bệnh nhân gặp phải các triệu chứng như đau bụng, khó chịu, xuất huyết,...
- Các bệnh lý khác: Ngoài bệnh về dạ dày, bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa có thể xảy ra do viêm đại tràng, viêm ruột thừa, sỏi đường tiết niệu,... Để cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa, người bệnh cần sớm xác định nguyên nhân và đưa ra các biện pháp điều trị phù hợp, tránh nguy cơ biến chứng.
- Ảnh hưởng tâm lý: Bệnh về tiêu hóa cũng có thể xảy ra do cơ thể người bệnh chịu áp lực, tâm lý căng thẳng, stress trong thời gian dài. Các biểu hiện rối loạn tiêu hóa xuất hiện khi đầu óc căng thẳng kể đến như hiện tượng buồn nôn, nôn, đau bụng, chướng bụng,...
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc phải chứng rối loạn tiêu hóa kể đến như:
- Trẻ em có hệ tiêu hóa kém.
- Phụ nữ mang thai và sau sinh.
- Người già hệ tiêu hoa suy nhược.
- Người làm việc căng thẳng, thường xuyên lo âu.
- Người mắc bệnh mãn tính, bệnh tiểu đường.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Bệnh nhân rối loạn tiêu hóa có các triệu chứng nhận biết như:
- Đau bụng: Đây là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh về đường tiêu hóa, trong đó có hiện tượng rối loạn tiêu hóa. Cơn đau xuất hiện âm ỉ, đau vùng bụng trên, dạ dày, bụng dưới. Khi trở nên nặng hơn cơn đau bắt đầu lan rộng. Các trường hợp bị đau bụng dữ dội do rối loạn tiêu hóa khi bị ngộ độc thực phẩm, ăn nhiều đồ ăn chua cay hoặc bị hư hỏng.
- Đại tiện bất thường: Người bị rối loạn tiêu hóa đi ngoài phân lỏng, táo bón,... tùy vào nguyên nhân gây bệnh và yếu tố nguy cơ. Nếu người bệnh không kịp thời điều trị, các vấn đề đường ruột trở nên nặng nề có thể kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm.
- Chướng bụng, buồn nôn: Đây cũng là hai triệu chứng thường gặp ở người bị rối loạn tiêu hóa. Bụng căng tức, khó chịu kèm theo triệu cứng ợ hơi, buồn nôn.
- Các dấu hiệu khác: Ngoài các vấn đề kể trên, rối loạn tiêu hóa còn gây ra các triệu chứng bất thường khác. Chẳng hạn tình trạng chán ăn, đau ngực, đau lưng, khó nuốt, khó tiêu, cổ họng đau xuất hiện khối u,...
Người bệnh cần sớm đến gặp bác sĩ kiểm tra tình hình sức khỏe và điều trị sớm. Trường hợp các tổn thương, triệu chứng nặng nề kéo dài có thể khiến cơ thể đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm.
Chẩn đoán
Bệnh nhân được bác sĩ thăm hỏi triệu chứng, tiền sử bệnh lý, các loại thuốc đang sử dụng. Sau đó một vài xét nghiệm liên quan được tiến hành nhằm chẩn đoán tình trạng sức khỏe người bệnh đang gặp phải. Chẳng hạn:
- Nội soi ống tiêu hóa, ổ bụng.
- Xét nghiệm chức năng gan, thận, sinh hóa máu,...
- Siêu âm, xét nghiệm phân.
- Chụp X quang, chụp cắt lớp, cộng hưởng từ.
Người bệnh được yêu cầu nhịn ăn, đi đại tiện cho sạch ruột để tiến hành một vài xét nghiệm. Bác sĩ sẽ tư vấn và trao đổi cụ thể hơn cho từng trường hợp bệnh nhân tại cơ sở y tế. Sau khi có kết quả chẩn đoán, tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định giải pháp can thiệp an toàn nhất.
Biến chứng và tiên lượng
Rối loạn tiêu hóa nếu không được kiểm soát có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng sức khỏe. Nhất là trường hợp rối loạn tiêu hóa liên quan đến bệnh lý, ngộ độc thực phẩm, viêm loét, ung thư,... Bệnh nhân có thể đối mặt với các biến chứng nguy hiểm, thậm chí là đe dọa an toàn tính mạng.
Chính vì thế, ngay khi nhận thấy cơ thể có những triệu chứng gồm đau dữ dội, đau bụng liên tục, nhịp tim nhanh, huyết áp thay đổi, đổ mồ hôi, sưng bụng,... bạn nên chủ động đến gặp bác sĩ. Dựa vào tình hình sức khỏe, bệnh lý và tổn thương xảy ra ở đường tiêu hóa, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, giảm thiểu rủi ro cho người bệnh.
Điều trị
Bệnh nhân được chỉ định sử dụng thuốc hoặc áp dụng biện pháp can thiệp chuyên sâu nhằm khắc phục tình trạng rối loạn tiêu hóa. Dưới đây là các phương pháp thường được sử dụng:
Sử dụng thuốc:
Thuốc hỗ trợ cải thiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc điều trị phù hợp. Một số loại như:
- Thuốc giảm triệu chứng: Sử dụng cho đối tượng bị đầy bụng, chướng hơi, khó tiêu, buồn nôn,... Thuốc Domperdon, Neopeptine, Maalox, Metoclopramide, Cylovanon,...
- Thuốc cầm tiêu chảy: Thuốc dùng cho người bị rối loạn tiêu hóa nặng, tiêu chảy liên tục. Một số loại như Berberin, Oresol, Loperamid,...
Sử dụng thuốc theo hướng dẫn, bệnh nhân không nên tùy tiện sử dụng thuốc bừa bãi. Trường hợp lạm dụng, dùng quá liều có thể gây ra các tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân.
Can thiệp chuyên sâu:
Thực hiện truyền dịch, cấp nước và chất điện giải đối với trường hợp người bệnh tiêu chảy kéo dài mất nước. Các biện pháp ngoại khoa được chỉ định đối với trường hợp bị rối loạn tiêu hóa nặng, không đáp ứng điều trị bằng thuốc.
Tùy từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Người bệnh nên sớm đến bệnh viện khám và chữa trị để phòng ngừa các rủi ro biến chứng tiêu hóa diễn biến nặng đe dọa sức khỏe và tính mạng. Lựa chọn địa chỉ khám chữa bệnh uy tín, có bác sĩ giỏi, trang thiết bị y tế tân tiến để sớm chữa khỏi bệnh và bảo đảm an toàn sức khỏe.
Phòng ngừa
Rối loạn tiêu hóa là một trong vấn đề nhiều người gặp phải hiện nay. Các triệu chứng xuất hiện làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe. Trường hợp kéo dài sẽ phát sinh các biến chứng nguy hiểm, nhất là nguy cơ rối loạn đến từ ngộ độc, ung thư, tổn thương đường tiêu hóa,...
Chính vì thế, việc chăm sóc hệ tiêu hóa khỏe mạnh, phòng rối loạn tiêu hóa là việc làm được chuyên gia khuyến khích tất cả mọi người cùng thực hiện. Những lưu ý kể đến như:
- Lựa chọn thực phẩm phù hợp, hạn chế ăn những món quá cay, quá chua,... Ưu tiên sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng.
- Rửa sạch thực phẩm trước khi dùng, ngâm nước muối rau củ quả, ưu tiên ăn chín, uống sôi để bảo vệ hệ tiêu hóa.
- Hạn chế ăn các món thịt cá tái sống nếu không xác định nguồn gốc thực phẩm, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Không sử dụng nếu thực phẩm, đồ ăn đã có dấu hiệu hư hỏng.
- Bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột thông qua các thực phẩm tốt cho sức khỏe.
- Tập đi vệ sinh, đi nặng mỗi buổi sáng, ngày 1 lần.
- Cung cấp cho cơ thể đầy đủ dưỡng chất, cân bằng dinh dưỡng.
- Hạn chế việc tự ý sử dụng thuốc hoặc các sản phẩm chức năng bổ sung một cách bừa bãi.
- Thăm khám sức khỏe, điều trị các bệnh lý đường ruột, dạ dày theo phác đồ để giảm các trường hợp bùng phát triệu chứng rối loạn tiêu hóa.
Những câu hỏi quan trọng khi khám
1. Tôi có thể nhận biết rối loạn tiêu hóa thông qua các triệu chứng gì?
2. Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa là gì?
3. Nếu không điều trị rối loạn tiêu hóa có tự khỏi không?
4. Trường hợp nào tôi phải dùng thuốc điều trị rối loạn tiêu hóa?
5. Tôi có gặp tác dụng phụ gì khi dùng thuốc không?
6. Các xét nghiệm tôi cần thực hiện để chẩn đoán rối loạn tiêu hóa là gì?
7. Trường hợp nào tôi cần can thiệp ngoại khoa?
8. Khi nào tôi cần quay lại tái khám?
Rối loạn tiêu hóa ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt và có khả năng gây biến chứng nguy hiểm nếu bệnh nhân không phát hiện và điều trị. Do đó khi nhận thấy hệ tiêu hóa có các biểu hiện bất thường bạn nên chủ động đến gặp bác sĩ, thăm khám sớm. Dựa vào tình hình sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra các phương án can thiệp phù hợp.