Bệnh Suy Dinh Dưỡng Thể Phù Kwashiorkor
Suy dinh dưỡng thể phù Kwashiorkor xảy ra phổ biến ở trẻ nhỏ từ 1 - 5 tuổi. Đặc trưng với triệu chứng phù nghiêm trọng, kèm theo chướng bụng, sụt cân, chán ăn, tiêu chảy... Nếu không điều trị sớm, các biến chứng như sốc nhiễm trùng, sốc giảm thể tích có thể xảy ra khiến trẻ tử vong. Điều trị Kwashiorkor bao gồm kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng và phục hồi dinh dưỡng.
Tổng quan
Suy dinh dưỡng thể phù Kwashiorkor là bệnh suy dinh dưỡng do thiếu hụt protein nghiêm trọng trong ăn uống hàng ngày. Dạng suy dinh dưỡng này phổ biến ở trẻ em hơn người lớn, chủ yếu ở những quốc gia vẫn còn diễn ra nạn đói kém, thiếu lương thực hoặc do ảnh hưởng của dịch bệnh, chiến tranh.
Khác với thể Marasmus, suy dinh dưỡng thể Kwashiorkor không làm sụt giảm cân nặng quá nhiều do trẻ bị phù nặng. Nguyên nhân là do các màng tế bào trong cơ thể hoạt động bất thường, rò rỉ dịch nội mạch và protein. Kèm theo đó là các triệu chứng như chán ăn, bụng phình to, thay đổi màu da, tóc, mất nước, mệt mỏi...
Dạng suy dinh dưỡng Kwashiorkor này rất phổ biến ở những quốc gia kém phát triển trên thế giới. Chẳng hạn như châu Phi, vùng cận sa mạc Sahara, Trung Mỹ, Đông Nam Á, Uganda... Đây là những quốc gia vẫn còn diễn ra các vấn nạn như điều kiện kinh tế kém, thiếu lương thực thực phẩm, ảnh hưởng bởi thiên tai hạn hán, lũ lụt hoặc chiến tranh...
Bất kỳ độ tuổi nào cũng có nguy cơ mắc phải thể suy dinh dưỡng này. Nhưng phổ biến nhất là ở trẻ em từ 1 - 5 tuổi. Đây là giai đoạn trẻ chuyển dần từ việc bú mẹ sang ăn uống bình thường. Nếu khẩu phần ăn hàng ngày bổ sung thiếu hụt hoặc vắng mặt hoàn toàn chất đạm sẽ rất dễ khiến trẻ mắc phải căn bệnh này. Ngoài ra, người lớn cũng có thể phát triển suy dinh dưỡng mãn tính do ăn uống thiếu đạm trong thời gian dài.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Có 4 nguyên nhân có khả năng gây ra bệnh suy dinh dưỡng thể Kwashiorkor bao gồm:
- Chế độ ăn uống: Ở hầu hết các trường hợp, chế độ ăn dư thừa carbohydrate và thiếu protein là nguyên nhân chính gây ra căn bệnh này. Khẩu phần ăn này thường là do chỉ dung nạp các loại thực phẩm như bắp, gạo, củ quả nhiều tinh bột... Vì carbohydrate tuy là nguồn năng lượng cần thiết cho cơ thể nhưng chúng không thể cung cấp đủ lượng axit amin thiết yếu cho sự phát triển, hoạt động và sửa chữa các mô tế bào.
- Cai sữa nhưng ăn uống không đầy đủ: Những đứa trẻ được cho cai sữa quá sớm, khiến trẻ không nhận được nguồn protein từ sữa mẹ. Hoặc ngưng bú sữa và chuyển sang ăn uống nhưng khẩu phần ăn lại thiếu đạm chính là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này.
- Di truyền: Đặc biệt, phụ nữ mang thai ăn uống thiếu đạm cũng có thể di truyền sự thiếu hụt này sang cho con cái.
- Một số yếu tố khác:
- Ảnh hưởng từ các bệnh lý tiềm ẩn gây ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ và sử dụng dinh dưỡng của cơ thể như bệnh Celiac, bệnh Crohn, xơ nang, viêm ruột...;
- Sử dụng thực phẩm chứa Aflatoxin, đây là 1 loại nấm mốc thường phát triển từ các loại cây trồng ở một số quốc gia có vùng khí hậu nóng ẩm;
- Nhiễm trùng gây ra các bệnh lý truyền nhiễm như sởi, sốt rét, HIV/AIDS;
- Căng thẳng kéo dài do ảnh hưởng từ các điều kiện sống như nghèo đói, thiếu thốn, thiên tai, chiến tranh...;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Bệnh suy dinh dưỡng thể phù Kwashiorkor rất dễ nhầm lẫn với thể teo đét Marasmus do cùng là một dạng suy dinh dưỡng do thiếu hụt protein - năng lượng (PEM). Tuy nhiên, riêng với thể Kwashiorkor, điểm đặc trưng là triệu chứng phù ngoại biên đặc biệt nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia, triệu chứng phù là kết quả của sự mất cân bằng chất lỏng giữa áp suất thủy tĩnh và áp suất keo trên mạch máu mao mạch. Trẻ mắc suy dinh dưỡng dạng này có nồng độ albumin rất thấp, trong khi đây là chất quan trọng góp phần tạo ra áp lực thẩm thấu, cho phép cơ thể giữ lượng chất lỏng ở trong mạch máu, kéo theo suy giảm nội mạch.
Song song đó, hormone chống bài niệu (ADH) sẽ được kích hoạt tăng lên nhằm đáp ứng với tình trạng suy giảm thể tích máu, tăng mức độ phù nề. Ngoài ra, yếu tố khác có liên quan đến phù nề như tăng mạnh phản ứng renin huyết tương.
Ngoài sưng phù do ứ dịch, chủ yếu ở bàn chân và mắt cá chân, các triệu chứng khác có thể xuất hiện kèm theo Kwashiorkor như:
- Đầy hơi, chướng bụng;
- Viêm da, da khô ráp, bong tróc, xuất hiện các mảng da ửng đỏ;
- Gan to (dấu hiệu của gan nhiễm mỡ);
- Tóc khô xơ, dễ gãy rụng;
- Giảm sắc tố tóc và da;
- Giảm khối lượng cơ dưới da (mỡ vẫn được giữ lại);
Chẩn đoán
Dựa vào các triệu chứng lâm sàng trên, các chuyên gia có kinh nghiệm thường nghi ngờ ngay đến bệnh suy dinh dưỡng thể Kwashiorkor. Để xác nhận chẩn đoán, cần kết hợp thực hiện một cuộc kiểm tra thể chất toàn diện.
Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới có một hệ thống phân loại giúp đánh giá mức độ nghiêm trọng của dạng suy dinh dưỡng Kwashiorkor này. Bao gồm 3 tiêu chí chính sau:
- Chu vi giữa cánh tay trên (MUAC);
- Điểm Z cân nặng theo chiều cao;
- Dấu hiệu đặc trưng phù rỗ đối xứng;
Kết hợp với việc khai thác các yếu tố về tiền sử bệnh cá nhân, gia đình chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn hàng ngày, lịch sử tiêm chủng... cũng góp phần quan trọng giúp đưa ra xác nhận chẩn đoán suy dinh dưỡng Kwashiorkor.
Ngoài ra, một số kiểm tra xét nghiệm hiện đại như siêu âm, chụp X quang, MRI kết hợp xét nghiệm máu đo nồng độ protein, vitamin, khoáng chất, chỉ số đường huyết của trẻ cũng đem lại nhiều giá trị trong việc chẩn đoán căn bệnh này.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh nhân mắc suy dinh dưỡng thể Kwashiorkor thường có tiên lượng rất nghiêm trọng nếu không điều trị kịp thời. Theo WHO, nếu chỉ số MUAC dưới 110mm ở trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, tỷ lệ tử vong sẽ rất cao. Tỷ lệ này thường giảm dần xuống khi tuổi khởi phát bệnh tăng lên.
Tuy nhiên, dù bảo toàn được tính mạng, nhưng trẻ vẫn sẽ phải chịu những biến chứng nghiêm trọng trong quá trình phát triển bệnh. Chẳng hạn như sốc nhiễm trùng, sốc giảm thể tích, hôn mê, gây khuyết tật vĩnh viễn về thể chất và tinh thần.
Ngoài ra, một số biến chứng khác dễ xảy ra khi mắc Kwashiorkor như:
- Gan to (biến chứng của gan nhiễm mỡ);
- Nhiễm trùng đường tiết niệu;
- Suy giảm hệ thống miễn dịch;
- Các vấn đề ở đường tiêu hóa như:
- Teo tuyến tụy, phát triển chứng không dung nạp glucose;
- Thiếu hụt lactose;
- Teo niêm mạc ruột non;
- Tắc ruột;
- Tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết;
- Các bệnh lý nội tiết gây giảm nồng độ insulin, khiến cơ thể không dung nạp insulin;
- Giảm thân nhiệt và các vấn đề về rối loạn chuyển hóa, rối loạn điện giải cùng chức năng nội mô;
Trước những nguy hiểm khó lường của bệnh suy dinh dưỡng thể phù Kwashiorkor, các bậc phụ huynh cần chú ý theo dõi sự phát triển của trẻ và kịp thời điều trị ngay khi phát hiện những triệu chứng đầu tiên. Đối với phụ nữ mang thai và sau sinh, cần nâng cao ý thức về sức khỏe, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cần thiết và nuôi con khoa học để đảm bảo sự phát triển tốt nhất.
Điều trị
Hầu hết những đứa trẻ bị suy dinh dưỡng thể phù Kwashiorkor đều có khả năng phục hồi tốt khi được điều chỉnh khẩu phần ăn tăng đạm và đảm bảo cân bằng các dưỡng chất còn lại. Kết hợp với các biện pháp điều trị giải quyết các triệu chứng xảy ra trong giai đoạn bệnh tiến triển.
Điều trị khi nhập viện
Trẻ bị Kwashiorkor nặng thường nhập viện trong tình trạng suy kiệt sức khỏe, mất nước và có các chỉ số sinh tồn như hô hấp, tri giác, đường huyết rất thấp. Để cấp cứu ngay cho trẻ, cần thực hiện một số bước sau đây:
- Cho trẻ thở máy hoặc đặt nội khí quản;
- Sử dụng các loại thuốc như thuốc vận mạch, kháng sinh, thuốc an thần kết hợp truyền insulin;
- Những trẻ có dấu hiệu giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu sẽ được chỉ định truyền huyết tương tươi, kết hợp truyền máu nhiều lần;
- Truyền nước liên tục để kiểm soát mất nước do tiêu chảy và sốc thể tích, ngăn chặn biến chứng sốc giảm thể tích, dẫn đến tử vong;
- Giữ ấm cho trẻ giúp hỗ trợ điều chỉnh thân nhiệt, vì trẻ suy dinh dưỡng có khả năng chịu lạnh kém;
Thay đổi chế độ ăn
Sau các bước kiểm soát trên, sức khỏe của trẻ đã dần ổn định có thể tiến hành phục hồi dinh dưỡng. Mục tiêu chính là bù đắp lượng protein thiếu hụt và duy trì bổ sung đều đặn, chú ý bổ sung từ từ theo đúng nhu cầu phù hợp độ tuổi của trẻ. Các chuyên gia cho biết, việc nuôi ăn cho trẻ cần bắt đầu một cách thận trọng.
Sau một thời gian, khi cơ thể trẻ đã ổn định và có dấu hiệu dung nạp tốt các loại thực phẩm dinh dưỡng. Bác sĩ khuyến nghị nên tăng lượng calo lên 140% để đẩy nhanh tốc độ hồi phục sức khỏe. Trẻ có thể được cho ăn đặc hoặc ăn thô trực tiếp nếu không gặp trở ngại về khả năng nhai, nuốt. Nhưng nếu cần thiết, có thể cho trẻ ăn thông qua đặt ống mũi - dạ dày.
Hỗ trợ trị liệu
Đối với trẻ em bị suy dinh dưỡng nói chung, trẻ thường trải qua một giai đoạn khó khăn không chỉ về thể chất mà còn về sức khỏe tâm lý, tinh thần và trí tuệ. Bởi thiếu hụt protein và các dưỡng chất quan trọng gây cản trở khả năng phát triển của hệ thần kinh, trí tuệ cũng như khả năng tương tác với xã hội.
Do đó, nếu có thể hãy tạo điều kiện cho trẻ được tiếp cận thực hành các liệu pháp hỗ trợ nhằm kích thích sự phát triển các giác quan, cảm xúc và khả năng tư duy của trẻ.
Theo dõi sau hồi phục
Theo dõi và chăm sóc sức khỏe sau hồi phục cũng là điều quan trọng trong quá trình điều trị suy dinh dưỡng thể phù. Điều này chủ yếu dành cho các bậc phụ huynh, chuyên gia sẽ hướng dẫn và tư vấn cụ thể về chế độ dinh dưỡng, khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ, đảm bảo môi trường sống vệ sinh, an toàn thực phẩm và tiêm ngừa đầy đủ cho trẻ.
Phòng ngừa
Để phòng ngừa được bệnh suy dinh dưỡng Kwashiorkor ở trẻ em, cần tuân thủ thực hiện các biện pháp dưới đây:
- Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời, sau đó duy trì bú mẹ kết hợp ăn dặm dinh dưỡng cho đến khi trẻ được ít nhất 2 tuổi.
- Xây dựng khẩu phần ăn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, không thừa không thiếu bất kỳ chất gì, đặc biệt là protein.
- Đảm bảo cho trẻ sống trong môi trường vệ sinh, được tiêm chủng đầy đủ, ngăn ngừa sự lây lan của bệnh tật cũng góp phần phòng ngừa suy dinh dưỡng nói chung.
- Tái khám định kỳ nhằm theo dõi sức khỏe, đánh giá và so sánh sự thay đổi về mức cân nặng để kịp thời điều chỉnh lại chế độ ăn uống cho phù hợp.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Bệnh suy dinh dưỡng thể phù Kwashiorkor có giống với thể Marasmus không?
2. Nguyên nhân tại sao con tôi mắc bệnh suy dinh dưỡng thể phù?
3. Căn bệnh này có nguy hiểm không? Có ảnh hưởng đến tính mạng không?
4. Bị suy dinh dưỡng Kwashiorkor nếu không điều trị có thể gây ra biến chứng gì?
5. Cần cho trẻ làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán bệnh Kwashiorkor?
6. Các biện pháp điều trị bệnh suy dinh dưỡng Kwashiorkor phù hợp dành cho con tôi?
7. Cần điều chỉnh những gì trong chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ?
8. Tôi cần làm gì để chăm sóc sức khỏe của trẻ tại nhà cải thiện triệu chứng Kwashiorkor?
9. Điều trị Kwashiorkor nội trú hay ngoại trú?
10. Chi phí và thời gian điều trị mất bao lâu?
Suy dinh dưỡng thể phù Kwashiorkor gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và trí tuệ của một đứa trẻ. Thậm chí, có thể dẫn đến tử vong do các biến chứng liên quan. Do đó, nếu không quá khó khăn về mặt kinh tế và môi trường sống, hãy cho trẻ thăm khám sớm và điều trị kịp thời bằng các phương pháp y tế phù hợp.
Tham khảo thêm:
- Bệnh Rối Loạn Ăn Uống: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Điều Trị
- Hội chứng không dung nạp Lactose và giải pháp chữa trị hiệu quả