Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống
Lupus ban đỏ hệ thống là một trong những bệnh lý về hệ miễn dịch có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào. Bệnh biểu thị ra bên ngoài da với những mảng đỏ bất thường. Ngoài ra, bên trong các cơ quan khác cũng có nhiều tổn thương do viêm nhiễm, đặc biệt là ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Người bệnh cần đến bệnh viện kiểm tra và điều trị sớm.
Tổng quan
Lupus ban đỏ hệ thống có tên khoa học là Systemic Lupus Erythematosus (SLE). Đây là bệnh lý thuộc các bệnh về hệ thống miễn dịch, còn được gọi là bệnh tự miễn. Cho đến nay chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây nên tình trạng Lupus ban đỏ hệ thống.
Người bệnh có thể gặp phải rất nhiều biểu hiện bất thường khi mắc phải chứng bệnh này. Tình trạng viêm bên trong xuất hiện ở các cơ quan như tim, phổi, thận, viêm khớp,... và biểu thị các triệu chứng ngoài da. Tình trạng tổn thương từ nhẹ đến nặng nề có thể gây ra biến chứng nguy hiểm.
Theo thống kê cho thấy số lượng nữ giới mắc bệnh Lupus ban đỏ nhiều hơn nhiều lần so với nam giới. Bệnh có khả năng xảy ra với bất kỳ ai, bất kỳ chủng tộc nào, tuy nhiên theo số liệu ghi nhận được người da màu có tỷ lệ mắc bệnh Lupus cao hơn so với người da trắng.
Phân loại
Triệu chứng của bệnh diễn biến từ nhẹ đến ngày càng nặng nề. Tuy nhiên bệnh biểu hiện không xuyên suốt, có một thời gian bùng phát triển chứng dữ dội tuy nhiên một thời gian lại không có biểu hiện gì. Điều này không có nghĩ bệnh đã khỏi, các chuyên gia cho rằng đây có thể là thời kỳ lui bệnh.
Bệnh được phân loại thành các dạng chính như:
- Bệnh Lupus toàn thân: Đây là tình trạng thường gặp nhất, chiếm đến 70% trường hợp. Một hoặc nhiều cơ quan quan trọng bị ảnh hưởng bởi bệnh. Trong đó kể đến như tim, phổi, thận, hoặc thậm chí là não bộ cũng chịu ảnh hưởng bởi Lupus ban đỏ. Người bệnh có khả năng gặp phải biến chứng nghiêm trọng.
- Bệnh Lupus da: Chỉ ảnh hưởng lên da của bệnh nhân. Các biểu hiện nhận biết kể đến như hiện gượng hồng ban da, hồng ban dạng đĩa. Đối với dạng ban này, vùng bị ảnh hưởng thường nổi cợm, gồ ghề hơn những vùng khác. Ngoài phát ban, trên da đôi khi còn xuất hiện vết loét.
- Bệnh Lupus do thuốc: Dạng Lupus xuất hiện do ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của thuốc. Những bệnh nhân gặp phải vấn đề này thường có các triệu chứng toàn thân, tuy nhiên các biểu hiện lạ sẽ sớm khỏi sau khi ngưng thuốc.
- Bệnh Lupus ở trẻ em: Đây là dạng bệnh hiếm gặp, xảy ra từ trong bụng mẹ, thai nhi chịu ảnh hưởng từ các kháng thể của cơ thể mẹ. Điều này khiến trẻ sơ sinh chào đời gặp phải hiện tượng phát ban trên da. Một số em bé bị Lupus gặp vấn đề về gan, chỉ số tế bào máu thấp hơn những trẻ khác. Các dấu hiệu này sẽ thuyên giảm khi bé được chăm sóc, bú đủ, ngủ đủ. Tuy nhiên cũng không thể chủ quan bởi nếu trẻ không được theo dõi điều trị khi bị block tim bẩm sinh có thể gây biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là xảy ra ngay cả trong thai kỳ.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây bệnh. Theo các chuyên gia, bệnh lý có liên quan đến hoạt động bất ổn của hệ thống miễn dịch. Sự rối loạn này dẫn đến tình trạng kháng thể chống lại các tế bào lành gây viêm nhiễm, tổn thương tại một số cơ quan.
Ngoài ra, những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc chứng Lupus ban đỏ hệ thống có thể kể đến như:
- Yếu tố miễn dịch: Như đã đề cập, đây là yếu tố liên quan mật thiết đến bệnh Lupus ban đỏ. Các tự kháng thể hình thành sau đó tấn công chính tế bào lành của cơ thể thay vì dị nguyên bên ngoài xâm nhập vào.
- Yếu tố di truyền: Nhiều trường hợp gặp phải Lupus ban đỏ hệ thống là do liên quan đến yếu tố di truyền. Những đối tượng có bố hoặc mẹ hay cả hai cùng mắc bệnh có nguy cơ cao bị Lupus ban đỏ. Đây là yếu tố được xem là nguyên nhân gây bệnh nhiều người gặp phải.
- Thay đổi nội tiết: Nguyên nhân giải thích vì sao nữ giới có khả năng bị Lupus ban đỏ nhiều hơn so với nam giới. Sự thay đổi nội tiết tố dẫn đến các rối loạn bên trong cơ thể. Đặc biệt có liên quan đến hoạt động của hệ thống miễn dịch.
- Yếu tố môi trường: Ngoài các yếu tố kể trên, môi trường sống cũng là yếu tố gây Lupus ban đỏ nói chung và Lupus ban đỏ hệ thống nói riêng. Những yếu tố ảnh hưởng đến cơ thể như nắng, tia cực tím quá cao khiến tế bào cơ thể tự chết đi, tăng nguy cơ phản ứng miễn dịch làm xuất hiện nhiều biểu hiện bất thường. Một số loại virus, yếu tố bên ngoài tác động lên cơ thể người cũng có khả năng làm bùng phát các triệu chứng bất thường.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Mỗi người có triệu chứng bệnh khác nhau, chúng có thể xuất hiện một thời gian xong thuyên giảm hoàn toàn. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp bệnh kéo dài, gây ra các hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe. Những dấu hiệu thường gặp kể đến như:
- Cơn đau khớp xuất hiện kèm theo tình trạng sưng tấy, cứng khớp bất thường, tình trạng biểu hiện rõ nhất và buổi sáng. Biểu hiện này có thể dần ngày càng rõ ràng hơn. Cơn đau tự thoái lui sau một khoảng thời gian.
- Cơ thể mệt mỏi, ngủ nhiều hơn bình thường, đặc biệt là vào buổi trưa. Trong khi đó buổi tối lại rất khó ngủ, giấc ngủ bị rối loạn khiến cơ thể người bệnh ngày càng suy nhược.
- Cơn sốt xuất hiện không rõ nguyên nhân, chúng có thể xuất hiện thường xuyên, tái lại nhiều lần. Do không sốt cao nên nhiều người thờ ơ, chủ quan không khám chữa sớm.
- Một số bệnh nhân bị Lupus ban đỏ hệ thống bị rụng tóc. Vùng da dầu bị rụng tóc nhiều lộ ra tạo điều kiện cho hiện tượng viêm da. Vài bệnh nhân bị thưa thớt râu, lông mi, lông mày. Tóc cũng có biểu hiện cứng hơn, dễ gãy.
- Bên cạnh các triệu chứng kể trên, người bệnh còn gặp phải tình trạng khô miệng, khô mắt.
- Phát ban da, và nhiều biểu hiện đi kèm như cân nặng sụt giảm, khó chịu, lở loét miệng, sưng hạch bạch huyết,...
Chẩn đoán
Người bệnh khi đến cơ sở y tế thăm khám được kiểm tra các biểu hiện bên ngoài, thăm hỏi triệu chứng và các vấn đề đang gặp phải. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng. Kể đến như:
- Xét nghiệm máu: Thông qua tốc độ lắng máu, CRP bác sĩ có thể phát hiện chỉ số viêm và nhận biết bệnh nhân có hoặc đang không mắc phải bệnh gì khác song song không. Ngoài ra, xét nghiệm máu sẽ thể hiện chi tiết về tình trạng tăng, giảm tiểu cầu, hồng cầu và bạch cầu trong cơ thể.
- Chụp X quang khớp: Phát hiện hiện tượng khuyết xương, dị dạng khớp, quan sát sự bất thường thông qua hình ảnh xương. Đây là biện pháp chẩn đoán bệnh được áp dụng phổ biến hiện nay, hỗ trợ phát hiện tổn thương do Lupus ban đỏ gây ra.
- Siêu âm: Phương pháp siêu âm giúp kiểm tra các thông số, tình trạng khác bên trong cơ thể. Đặc biệt là các khu vực như màng tim, tổn thương van tim, viêm nội tâm mạc,...
Ngoài các biện pháp kể trên, bệnh nhân có thể được chỉ định thêm chụp MRI, tủy sống để kiểm tra tình trạng sức khỏe cho bệnh nhân. Sau khi đã có được kết quả thống nhất, bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách chữa bệnh tương ứng với tình hình sức khỏe.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh Lupus hệ thống giai đoạn đầu có thể không có nhiều biểu hiện nhận biết, tuy nhiên khi bệnh tiến triển nặng, người bệnh có khả năng gặp phải nhiều biến chứng. Trong số các trường hợp nặng có 10-15% bệnh nhân tử vong không thể cứu chữa, nhất là đối với nữ giới.
Theo đánh giá của chuyên gia, những biến chứng phổ biến nhất ở bệnh nhân bị Lupus hệ thống nặng kề đến như:
- Xơ vữa động mạch
- Nhồi máu cơ tim
- Suy tim
- Đột quỵ
- Tăng huyết áp
- Suy thận nặng
Ngoài ra còn nhiều biến chứng khác có thể xảy đến, bệnh nhân bị suy nhược, gặp phải các triệu chứng nặng. Nếu không phát hiện và chủ động đến gặp bác sĩ để kiểm soát, tình trạng biến chứng Lupus có thể kéo dài, gây ra nhiều hệ lụy khó có thể can thiệp.
Điều trị
Bệnh Lupus ban đỏ, Lupus ban đỏ hệ thống chưa có biện pháp điều trị dứt điểm. Người bệnh có thể sử dụng thuốc để kiểm soát triệu chứng, kết hợp ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để bệnh được kiểm soát tốt hơn. Mỗi tình trạng sẽ được bác sĩ tư vấn sử dụng thuốc phù hợp.
Dưới đây là một vài loại thuốc được chỉ định cho bệnh nhân:
Thuốc chống viêm, giảm đau: Thuốc có tác dụng hỗ trợ cải thiện tình trạng viêm nhiễm, tổn thương đau nhức khi mắc Lupus ban đỏ, cũng như các bệnh lý nói chung khác. Thuốc được sử dụng theo đơn, tùy vào tình hình sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ cân nhắc đưa ra lời khuyên phù hợp. Kể đến như:
- Aspirin: Thuốc giúp người bệnh giảm đau, chống viêm, đồng thời còn có khả năng ngưng kết tập tiểu cầu. Bệnh nhân dần cải thiện các triệu chứng Lupus ban đỏ. Tuy nhiên do thuốc có tác dụng phụ lên dạ dày, đặc biệt ở người có cơ địa nhạy cảm, chính vì thế hiện nay Aspirin cũng ít dùng cho bệnh nhân mắc Lupus ban đỏ.
- Acetaminophen: Tác dụng giúp người bệnh giảm đau, giảm kích ứng dạ dày hơn so với loại thuốc trên. Tuy nhiên thuốc không kiểm soát được hoàn toàn Lupus ban đỏ, không có khả năng chống viêm. Hầu hết các trường hợp đều không gặp phải tác dụng phụ khi sử dụng, tuy nhiên bệnh nhân cũng cần thận trọng.
Thuốc chống viêm không Steroid: Thuốc được chỉ định cho những trường hợp thật sự cần thiết. Mỗi dạng thuốc có tác dụng nhất định, bệnh nhân cần tuân thủ theo phác đồ. Dưới đây là những phương pháp được sử dụng phổ biến:
- Iubuprofen, naproxen,...: Tác dụng chính là giảm viêm, dành cho những trường hợp bị cứng khớp, đau khớp do Lupus ban đỏ. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể khiến dạ dày của người bệnh bị kích ứng. Do đó thông thường bác sĩ khuyên người bệnh sử dụng chung thuốc với thức ăn hoặc uống thuốc kháng axit.
- Corticosteroid: Sử dụng thuốc loại này có tác dụng hỗ trợ điều chỉnh huyết áp, hỗ trợ hoạt động của hệ thống miễn dịch. Đây cũng là một loại thuốc có tác dụng như hormone cortisol được tuyến thượng thận sản xuất. Hormone có thể chống viêm giúp cơ thể được bảo vệ tốt nhất. Dùng thuốc theo chỉ định giúp bạn sớm cải thiện hiện tượng sưng nóng, đau nhức khó chịu,...
Thuốc chống sốt rét: Thuốc được sử dụng cho bệnh nhân mắc Lupus hệ thống. Thuốc thường được kê đơn dùng chung với các nhóm thuốc khác nhằm tăng hiệu quả điều trị bệnh. Các triệu chứng được kiểm soát tốt, tác dụng phụ thường xuất hiện khá nhẹ hoặc không xảy ra. Tuy nhiên nếu người bệnh gặp phải biểu hiện nào bất thường, bạn nên thông báo để bác sĩ điều chỉnh càng sớm càng tốt.
Thuốc ức chế miễn dịch: Đây là nhóm thuốc được bác sĩ chỉ định cho đối tượng mắc chứng Lupus ban đỏ. Thuốc có tác dụng kiểm soát hiện tượng viêm nhiễm, ổn định hoạt động của hệ thống miễn dịch cho bệnh nhân.
Thuốc tân dược có tác dụng giúp bệnh nhân sớm kiểm soát triệu chứng. Bệnh nhân cần tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ, không tùy tiện dùng thuốc để tránh gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn.
Phòng ngừa
Lupus ban đỏ hệ thống là một trong những bệnh lý liên quan đến hệ thống miễn dịch nhiều người đang gặp phải. Nếu trường hợp bệnh nặng không có biện pháp can thiệp chữa trị kịp thời, bệnh nhân có thể đối mặt với các biến chứng nguy hiểm.
Chính vì thế, bác sĩ khuyên bạn khi phát hiện dấu hiệu lạ nên chủ động khám chữa sớm. Bên cạnh đó cần nâng cao tinh thần tự giác bảo vệ sức khỏe, phòng Lupus ban đỏ hệ thống. Một số lưu ý như sau:
- Ăn uống đủ chất, chăm sóc cơ thể khoa học, hạn chế ăn những món có khả năng gây dị ứng.
- Không nên sử dụng rượu bia, chất kích thích, đồ uống chứa cồn.
- Hạn chế tiếp xúc làn da trực tiếp với mặt trời gây gắt, khi ra ngoài nên sử dụng quần áo dài tay, khăn, mũ che chắn cẩn thận. Đặc biệt là đối với những người có nguy cơ mắc bệnh cao.
- Chủ động khám sức khỏe định kỳ, xây dựng đời sống lành mạnh, tập thể dục nâng cao sức khỏe.
- Tiêm phòng đầy đủ, đặc biệt là những bệnh lý liên quan đến hệ thống miễn dịch.
Những câu hỏi quan trọng khi khám
1. Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh gì?
2. Nguyên nhân vì sao tôi mắc bệnh Lupus ban đỏ hệ thống?
3. Tôi có cần xét nghiệm chẩn đoán Lupus ban đỏ hệ thống không?
4. Nếu không điều trị Lupus ban đỏ hệ thống có tự khỏi không?
5. Dùng thuốc có chữa được Lupus ban đỏ không?
6. Tôi cần sử dụng thuốc trong bao lâu?
7. Trong thời gian điều trị bằng thuốc tôi có gặp tác dụng phụ nào không?
8. Tôi cần kiêng gì trong thời gian điều trị để bảo vệ sức khỏe?
9. Trường hợp gặp biến chứng Lupus ban đỏ hệ thống tôi nên làm gì?
10. Tôi có cần trở lại bệnh viện tái khám không?
Lupus ban đỏ hệ thống là một trong những bệnh lý liên quan đến hệ thống miễn dịch. Bệnh có khả năng biến chứng gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe bệnh nhân. Do đó, tốt nhất khi gặp các dấu hiệu bất thường, bạn nên đến gặp bác sĩ khám và điều trị theo hướng dẫn để bảo vệ sức khỏe, đời sống.