Hội Chứng Ruột Kích Thích
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là bệnh lý được chẩn đoán khi xuất hiện các triệu chứng như tiêu chảy, táo bón, đau bụng, đầy hơi nhưng không có tổn thương viêm trong đường ruột. Bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến ruột già và chưa có biện pháp điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, việc thay đổi chế độ dinh dưỡng và duy trì một lối sống lành mạnh có thể giúp bạn kiểm soát tốt các triệu chứng, đồng thời chung sống hòa bình với căn bệnh này.
Tổng quan
Hội chứng ruột kích thích (Tên viết tắt là IBS: Irritable bowel syndrome) là một vấn đề thường gặp ở đường tiêu hóa có tính chất mãn tính có ảnh hưởng chủ yếu đến dạ dày và ruột. Bệnh có thể tái phát bất cứ lúc nào với triệu chứng điển hình là các cơn co thắt ở ruột gây đau quặn bụng kèm theo các dấu hiệu bất thường khác như tiêu chảy hoặc táo bón, chướng bụng, đầy hơi... Trong y học, căn bệnh này còn được biết đến với các tên gọi khác như viêm đại tràng co thắt, hội chứng đại tràng kích thích hay bệnh đại tràng chức năng.
Bất cứ ai cũng có thể bị hội chứng ruột kích thích. Tuy nhiên, bệnh phổ biến hơn ở phụ nữ và thanh niên. Bệnh thường kéo dài suốt đời và chưa có cách điều trị triệt để nhưng hầu hết đều không gặp triệu chứng quá nghiêm trọng. Sử dụng thuốc bác sĩ kê đơn kết hợp thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp kiểm soát được các dấu hiệu bệnh.
Phân loại
Hội chứng ruột kích thích có 4 loại chính được phân chia dựa trên tình trạng đi ngoài của người bệnh. Bao gồm:
Nguyên nhân & Yếu tố nguy cơ
Đến nay, các nhà nghiên cứu chưa đưa ra được kết luận chính xác về nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích. Nhiều bằng chứng cho thấy sự khởi phát của bệnh có liên quan đến những thực phẩm nhất định, sự nhạy cảm của các dây thần kinh trong ruột, stress và một số yếu tố khác.
- Nguyên nhân tâm lý: Căng thẳng kéo dài, trầm cảm hay các chấn động tâm lý đều có thể tác động tiêu cực đến các dây thần kinh ở đường tiêu hóa. Chúng kích thích nhu động ruột co bóp mạnh khiến thức ăn di chuyển trong đường ruột nhanh hơn và gây ra các triệu chứng bệnh.
- Thực phẩm gây hội chứng ruột kích thích: Sự khởi phát của bệnh được cho là có liên quan mật thiết đến các thực phẩm bạn ăn hàng ngày. Hội chứng IBS có thể tái phát một cách nhanh chóng sau khi bạn uống cà phê, sữa tươi, trà đặc hoặc ăn một số thực phẩm nhất định. Một số trường hợp thì bị kích thích ruột sau khi dùng các thức ăn nhiều dầu mỡ.
- Rối loạn nhu động ruột: Ở người có sức khỏe bình thường, nhu động ruột co bóp để đẩy thức ăn di chuyển qua đường ruột một cách nhịp nhàng. Tuy nhiên, khi bị rối loạn nhu động ruột thì tần số co bóp có thể nhanh hoặc giảm dẫn đến tình trạng tiêu chảy, táo bón hoặc tiêu lỏng xen lẫn táo bón - những triệu chứng đặc trưng của hội chứng ruột kích thích.
- Nhiễm khuẩn đường tiêu hoá: Vi khuẩn tấn công có thể khiến cho nhu động ruột bị kích thích và làm đường tiêu hóa của bạn trở nên nhạy cảm hơn khi sử dụng một số thức ăn, nhất là thực phẩm sống hay các món nhiều dầu mỡ khó tiêu. Thông thường, triệu chứng kích thích ruột sẽ thuyên giảm sau khi tình trạng nhiễm trùng đường tiêu hóa được khắc phục.
- Sự nhạy cảm quá mức của thần kinh ruột: Ở một số bệnh nhân, các dây thần kinh trong đường ruột nhạy cảm quá mức và dễ bị kích thích khi có tác động từ bên trong cũng như bên ngoài cơ thể.
Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng IBS:
- Trong gia đình có tiền sử mắc hội chứng IBS hoặc các bệnh lý khác ở đường ruột.
- Hút thuốc lá
- Uống nhiều thuốc kháng sinh
Triệu chứng & Chẩn đoán
Hội chứng ruột kích thích không gây ra hiện tượng viêm loét trong đường ruột nên thường được chẩn đoán thông qua các dấu hiệu lâm sàng. Bạn có thể nhận biết bệnh thông qua các dấu hiệu dưới đây:
- Đau bụng: Cơn đau chủ yếu tập trung ở vùng bụng dưới, nhất là khu vực dọc theo khung đại tràng. Cảm giác đau ở mỗi người không giống nhau, có trường hợp chỉ đau bụng âm ỉ nhưng có người bị đau dữ dội, đau quặn vô cùng khó chịu. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ thuyên giảm rõ sau khi đi ngoài.
- Chướng bụng, đầy hơi: Đây cũng là triệu chứng thường gặp ở người mắc hội chứng IBS. Chúng khiến cho bệnh nhân luôn có cảm giác khó chịu trong bụng.
- Tiêu chảy: Hầu hết bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích đều có dấu hiệu tiêu chảy do nhu động ruột co bóp quá mạnh đẩy thức ăn di chuyển nhanh trong đường ruột. Nhiều trường hợp bị tiêu lỏng tới hơn 3 lần trong ngày khiến cơ thể mệt mỏi và có nguy cơ bị mất nước cao.
- Táo bón: Một số trường hợp mắc hội chứng IBS lại khó đi cầu do các cơ co thắt trong ruột hoạt động chậm.
- Táo lỏng xen kẽ: Đôi khi, tình trạng táo bón xen lẫn tiêu chảy có thể xảy ra ngay trong 1 lần đi cầu. Trong phân có thể dính chất nhầy nhưng thường không lẫn máu như ở những bệnh nhân bị viêm loét đại tràng.
- Hay mót rặn: Nhiều bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích than phiền về tình trạng thường xuyên mót rặn dù mới vừa đi cầu xong.
- Các dấu hiệu khác có thể gặp: Ăn uống lâu tiêu, mệt mỏi, mất nước, buồn nôn, đi tiểu nhiều lần, rối loạn chức năng tình dục...
Nội soi đường tiêu hóa bằng ống mềm là phương pháp chẩn đoán hội chứng ruột kích thích cho kết quả chính xác và đang được áp dụng phổ biến hiện nay. Tùy theo triệu chứng gặp phải mà bác sĩ có thể chỉ định thực hiện nội soi đại trực tràng hay nội soi dạ dày tá tràng. Một số kỹ thuật khác cũng được thực hiện để xác định nguyên nhân gây bệnh và chẩn đoán phân biệt hội chứng IBS với các vấn đề khác về sức khỏe như xét nghiệm máu, sinh thiết đại trực tràng, xét nghiệm phân, siêu âm, CT Scan bụng...
Biến chứng & Tiên lượng
Hội chứng ruột kích thích là một bệnh lành tính nhưng khó điều trị dứt điểm. Bệnh không gây biến chứng nguy hiểm nhưng các triệu chứng kéo dài lại ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.
Những cơn đau bụng âm ỉ thường xuất hiện bất chợt khiến người bệnh mất tập trung trong học tập, lao động. Kèn theo đó, tình trạng tiêu chảy diễn ra nhiều lần liên tục sẽ làm tăng nguy cơ bị mất nước, rối loạn điện giải dẫn đến mệt mỏi và có thể bị sút cân.
Ngoài ra, các triệu chứng khác của IBS cũng gây không ít phiền toái và khó chịu cho người bệnh. Bệnh không được kiểm soát tốt có thể tái phát nhiều lần trong năm khiến bệnh nhân phải đối mặt với nguy cơ bị suy dinh dưỡng, thiếu hụt dưỡng chất và suy kiệt sức khỏe.
Tuy vậy, bạn không nên lo lắng quá mức bởi tâm lý không tốt càng khiến cho các triệu chứng IBS tăng nặng. Hãy thăm khám sớm, tích cực phối hợp điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để giảm thiểu tối đa những rủi ro phát sinh và có thể chung sống hòa bình với bệnh.
Điều trị
Phác đồ điều trị hội chứng ruột kích thích sẽ được xây dựng cho phù hợp với tình trạng bệnh của mỗi cá nhân. Sau khi có kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ kê đơn các thuốc để giảm nhẹ triệu chứng, đồng thời hướng dẫn người bệnh cách ăn uống, sinh hoạt cho phù hợp để hạn chế tái phát trong tương lai.
Thuốc chữa hội chứng ruột kích thích:
Bao gồm các loại thuốc điều trị triệu chứng như:
- Thuốc nhuận tràng, chống táo bón: Lactulose, Forlax, Sorbitol, Bisacodyl.
- Thuốc cầm tiêu chảy: Loperamide, Smecta, Cholestyramine, Actapulgite
- Thuốc chống co thắt hướng cơ giúp giảm đau bụng: Spasfon hay Duspatalin
- Thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng ruột: Berberin, Rifaximin, Ganidan hay Biseptol.
- Thuốc giảm chướng bụng, đầy hơi: Meteospasmyl hay Pepsane.
- Thuốc an thần, giảm căng thẳng, chống trầm cảm: Rotunda hay Dogmatil,...
Khi sử dụng các loại thuốc trị hội chứng ruột kích thích, bạn nên tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để triệu chứng bệnh nhanh thuyên giảm và ngăn ngừa gặp tác dụng phụ có hại.
Các phương pháp hỗ trợ điều trị IBS không dùng thuốc:
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý: Ăn uống đúng giờ giấc. Tránh các thực phẩm gây kích thích ruột hoặc sản sinh nhiều khí hôi trong bụng.
- Kiêng ăn đồ sống, thức ăn bị ôi thiu, các món cay, ngọt hoặc thức ăn nhiều dầu mỡ khó tiêu.
- Tránh stress
- Bổ sung đủ nước cho cơ thể.
- Loại bỏ các thực phẩm chứa gluten và lactose ra khỏi thực đơn. Chúng có thể làm tăng nặng các triệu chứng ở một số bệnh nhân.
- Tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng cho đường ruột, giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn.
Phòng ngừa
Hội chứng ruột kích thích có thể xảy ra với mọi đối tượng vào bất cứ lúc nào. Mặc dù không thể giúp ngăn ngừa tuyệt đối nhưng để giảm nguy cơ mắc bệnh, bạn nên tích cực áp dụng các phương pháp dưới đây:
- Duy trì một chế độ dinh dưỡng khoa học với các bữa ăn được cố định vào một khung giờ trong ngày. Tránh ăn quá no hoặc bỏ bữa khiến bụng đói và nhạy cảm.
- Theo dõi các phản ứng của cơ thể sau khi ăn để nhận biết các thực phẩm khiến đường ruột bị kích thích nhằm loại bỏ chúng ra khỏi thực đơn.
- Tăng cường các thực phẩm giàu chất xơ trong thực đơn để hỗ trợ tiêu hóa, ổn định nhu động ruột.
- Hạn chế ăn các món nhiều dầu mỡ, gia vị cay hay các đồ uống có tính kích thích như bia, rượu cùng các thức uống chứa caffeine.
- Đảm bảo vệ sinh khi ăn uống. Không sử dụng thức ăn khi đã bị ôi thiu, hư hỏng hoặc thức ăn chế biến sẵn kém vệ sinh.
- Uống nhiều nước. Chất lỏng không chỉ hỗ trợ cho tiêu hóa mà còn giúp tăng cường đào thải độc tố, vi khuẩn trong đường ruột, giảm nhẹ các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.
- Tránh sử dụng các thực phẩm, đồ uống chứa lactose nếu cơ thể bạn không thể dung nạp chất này.
- Sử dụng thuốc tân dược theo đơn bác sĩ, tránh lạm dụng bừa bãi, nhất là thuốc kháng sinh.
- Vận động thể chất, tập thể dục mỗi ngày khoảng 20 - 30 phút để cải thiện chức năng đường ruột và nâng cao sức khỏe tổng thể.
- Tránh hút thuốc lá
- Thực hiện các liệu pháp thư giãn như nghe nhạc, đọc sách, chơi thể thao... Tránh để thần kinh bị căng thẳng quá mức khiến hội chứng ruột kích thích bùng phát.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
Trong quá trình thăm khám, chẩn đoán, bạn có thể đưa ra một số câu hỏi để hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe của mình cũng như hội chứng ruột kích thích và phương pháp điều trị sắp được tiến hành.
1. Tôi bị bệnh gì? Có nghiêm trọng không?
2. Hội chứng ruột kích thích có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe, sinh hoạt cũng như công việc thường ngày của tôi không?
3. Nguyên nhân khiến tôi bị hội chứng ruột kích thích?
4. Hội chứng IBS có lây không? Tôi có cần phải đề phòng lây nhiễm bệnh cho người nhà không?
5. Tình trạng hội chứng ruột kích thích của tôi được điều trị như thế nào? Có khỏi được không? Cần làm phẫu thuật không?
6. Mất bao lâu thì các triệu chứng bệnh của tôi mới chấm dứt?
7. Tôi cần ăn uống như thế nào? Nên ăn gì, kiêng gì trong và sau khi bị hội chứng ruột kích thích?
8. Dùng thuốc điều trị hội chứng ruột kích thích có khiến tôi gặp tác dụng phụ nào không? Bệnh có tái phát lại nếu tôi ngưng uống thuốc?
9. Tôi cần tránh điều gì trong quá trình điều trị hội chứng ruột kích thích?
Hội chứng ruột kích thích mặc dù không gây nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng bệnh rất dễ tái phát và ảnh hưởng đến chất lượng sống cũng như sức khỏe của bạn. Do đó, hãy tuân thủ tốt trong quá trình điều trị và điều chỉnh lối sống để giảm thiểu tần suất tái phát bệnh.
Hữu ích cho bạn:
- 10+ Thuốc Điều Trị Viêm Đại Tràng Co Thắt Tốt Nhất
- 7 Bài Thuốc Chữa Viêm Đại Tràng Co Thắt Hay Từ Dân Gian