Hội chứng Boerhaave

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN – Khoa Nội – Tiêu hóaGiám đốc Chuyên môn Thuốc Dân Tộc Chi Nhánh phía Nam – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh

Hội chứng Boerhaave là một dạng tổn thương khi thực quản bị vỡ rách do chịu áp lực quá mức. Những người mắc bệnh thường là do nôn mửa dữ dội hoặc áp lực quá mức khiến thành thực quản bị vỡ rách. Tình trạng này rất nghiêm trọng và cần được điều trị cấp cứu kịp thời, nếu không người bệnh có thể đối mặt với nguy cơ tử vong bất kỳ lúc nào.

Tổng quan

Hội chứng Boerhaave (Boerhaave Syndrome) là tình trạng thực quản bị vỡ tự phát khá hiếm gặp nhưng nguy hiểm, đe dọa tính mạng cần phải được cấp cứu y tế kịp thời. Bệnh được phát hiện và mô tả lần đầu tiên bởi bác sĩ người Hà Lan Herman Boerhaave vào năm 1729.

Hội chứng Boerhaave là tình trạng hiếm gặp xảy ra do thực quản bị vỡ đe dọa tính mạng

Bệnh thường xảy ra trong một đợt nôn mửa dữ dội và lặp đi lặp lại, thực quản chịu áp lực lớn dẫn đến rách và làm rò rỉ các chất độc hại ra ngoài, gây nhiễm trùng. Ngoài ra, bệnh cũng có thể bộc phát do các thủ thuật y tế như nội soi, đặt nội khí quản... gây chấn thương trực tiếp.

Tỷ lệ mắc hội chứng Boerhaave rất hiếm, chỉ khoảng 0,0003% dân số, chiếm hoảng 15% trong tổng số các trường hợp vỡ thực quản do chấn thương. Đây là một trong những chứng rối loạn đường tiêu hóa gây tử vong cao, với tỷ lệ lên đến 40%. Do đó, bệnh nhân cần phải được cấp cứu và điều trị kịp thời để giảm nguy cơ tử vong, ngăn ngừa các biến chứng khó lường.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Hội chứng Boerhaave được phân chia làm 2 dạng chính là tự phát và chấn thương do điều trị y tế. Chủ yếu xảy ra ở những người có thực quản khỏe mạnh bình thường hoặc một số trường hợp có liên quan đến tình trạng viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan, viêm thực quản do thuốc, viêm loét hoặc Barret thực quản.

Tổn thương đặc trưng của hội chứng này là những vết nứt ở thực quản - một phần quan trọng của đường tiêu hóa có nhiệm vụ dẫn các chất độc hại đến phần còn lại của cơ thể.

Uống rượu nhiều là yếu tố rủi ro hàng đầu dẫn đến nôn ói dữ dội và gây rách thực quản

Đối với những bệnh nhân mắc hội chứng Boerhaave, thực quản bị tổn thương và xuất hiện các vết nứt, tạo điều kiện cho các chất độc hại, mảnh vụn, vi khuẩn.... rò rỉ từ thực quản vào ngực hoặc bụng, hậu quả dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng. Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như:

  • Nôn ói dữ dội: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hội chứng Boerhaave. Nôn ói có thể xảy ra do nhiều lý do như rối loạn ăn uống, mắc chứng cuồng ăn hoặc uống nhiều rượu. Điều này kích hoạt sự co bóp mạnh của các cơ dạ dày, dẫn đến rách thực quản và khởi phát triệu chứng.
  • Chấn thương ngực hoặc bụng: Nếu gặp phải các chấn thương mạnh như ở ngực hoặc bụng như đánh nhau, xô xát vật lý, tai nạn xe hơi, va chạm mạnh khi chơi thể thao... cũng có thể làm rách thực quản và dẫn đến hội chứng bệnh này.
  • Các thủ tục y tế: Một số kỹ thuật y tế liên quan đến việc đưa thiết bị, dụng cụ ống dây vào trong thực quản như ống thở hoặc ống nuôi ăn cũng có liên quan đến hội chứng Boerhaave. Bệnh xảy ra do nhân viên y tế thực hiện các kỹ thuật này không đúng cách, dùng sức quá lớn tạo áp lực và gây tổn thương dẫn đến rách thực quản.
  • Ảnh hưởng từ các bệnh lý: Trong một số trường hợp, hội chứng Boerhaave cũng có thể xảy ra khi thực quản bị suy yếu, do bị ảnh hưởng từ các bệnh lý như trào ngược dạ dày thực quản (GERD), chứng co thắt tâm vị. viêm thực quản hoặc viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan, bệnh Barret thực quản, bệnh loét dạ dày tá tràng... gây tổn thương các cơ trong thực quản, khiến bạn khó nuốt.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Bệnh nhân mắc hội chứng Boerhaave thường có một số triệu chứng điển hình sau đây:

Các triệu chứng điển hình của hội chứng Boerhaave như đau tức ngực dữ dội, nôn ói, khó thở, khó nuốt, sốt nhiễm trùng...

  • Đau tức ngực dữ dội, có thể lan sang lưng hoặc vai;
  • Buồn nôn, ói mửa liên tục;
  • Đau họng, ho khan;
  • Khó nuốt;
  • Khó thở, thở gấp, hụt hơi;
  • Sưng mô, cứng bụng;
  • Một số triệu chứng khác như sốt, vã mồ hôi, tim đập nhanh, huyết áp thấp, sốc mất máu... là dấu hiệu của nhiễm trùng huyết cực kỳ nguy hiểm;

Chẩn đoán

Chẩn đoán hội chứng Boerhaave thường gặp nhiều khó khăn do các triệu chứng không đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác viêm phổi, đau tim hoặc trào ngược dạ dày thực quản... Tuy nhiên, vẫn có một số xét nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng có thể giúp chẩn đoán hội chứng Boerhaave bao gồm:

Các kỹ thuật hình ảnh chụp chiếu như X quang, CT scan giúp hỗ trợ chẩn đoán chính xác hội chứng Boerhaave

  • Khám sức khỏe: Bác sĩ tiến hành kiểm tra thể chất, đánh giá sức khỏe toàn diện, phát hiện các dấu hiệu sốc nhiễm trùng như huyết áp thấp, thở gấp, tim đập nhanh, sốt hoặc phát hiện số lượng bạch cầu tăng cao.
  • Chụp X quang thực quản: Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách bệnh nhân nuốt chất lỏng bari, chứa thuốc nhuộm tương phản hòa tan trong nước. Sau đó, chiếu tia X vào thực quản, chất này giúp các tổn thương hiện rõ ràng trên hình ảnh X quang. Dựa vào đó để xác nhận xem liệu thực quản có đang bị tổn thương hoặc rò rỉ không.
  • Chụp CT scan: Trường hợp bệnh nhân không phù hợp để chụp thực quản, có thể thay thế bằng chụp CT scan. Được áp dụng khi bác sĩ cần quan sát và đánh giá chi tiết các cơ quan xung quanh thực quản. Hình ảnh CT scan tuy không hiển thị chính xác vị trí vết rách thực quản, nhưng nó có thể phát hiện nơi tồn tại chất cản quang và không khí bị rò rỉ từ thực quản vào trong các mô xung quanh. Đồng thời, CT scan ngực cũng được chỉ định khi bệnh nhân phải thực hiện thủ thuật dẫn lưu, nhằm xác định vị trí các túi chất lỏng bị rò rỉ trong khoang ngực.

Biến chứng và tiên lượng

Hội chứng Boerhaave là hậu quả của sự gia tăng áp lực trong thực quản đột ngột kết hợp với áp lực âm trong lồng ngực. Hậu quả của tình trạng vỡ thực quản là gây viêm trung thất và vỡ màng phổi. Tình trạng này gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng, chẳng hạn như:

  • Tràn dịch màng phổi;
  • Hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS);
  • Nhiễm trùng huyết, sốc và dẫn đến tử vong ngay sau đó;

Hội chứng Boerhaave không được điều trị kịp thời có thể gây biến chứng tràn dịch màng phổi, suy hô hấp hoặc nhiễm trùng huyết dẫn đến tử vong

Tiên lượng điều trị tích cực hội chứng Boerhaave đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tổn thương, ngăn ngừa biến chứng và giảm tỷ lệ tử vong. Theo thống kê, nếu được điều trị cấp cứu kịp thời, đúng cách trong vòng 24 giờ đầu, bệnh nhân có tiên lượng sống tốt, vượt qua cơn nguy kịch và sống sót với tỷ lệ 75%.

Trường hợp đã điều trị khỏi thành công và chữa khỏi hoàn toàn các tổn thương, bệnh nhân cũng phải mất rất nhiều thời gian để phục hồi sức khỏe trở lại như ban đầu. Do đó, khuyến cáo bệnh nhân hội chứng Boerhaave cần chủ động thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt, tốt nhất là ngay sau thời điểm phát hiện ra các triệu chứng bất thường.

Điều trị

Tùy theo mức độ nghiêm trọng của hội chứng Boerhaave, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng biện pháp điều trị phù hợp. Mục tiêu điều trị nhằm loại bỏ nhiễm trùng và sửa chữa tổn thương thực quản, ngăn chặn các biến chứng khó lường.

Phẫu thuật là phương pháp điều trị cấp cứu hiệu quả đối với các trường hợp bị vỡ thực quản do hội chứng Boerhaave

Bệnh nhân mắc hội chứng Boerhaave cần được đưa vào bệnh viện ngay để áp dụng các biện pháp điều trị cấp cứu y tế kịp thời. Bao gồm:

  • Truyền dịch: Bước đầu tiên là truyền dịch lỏng qua đường tĩnh mạch ngay lập tức để bù lại lượng thể tích nước bị hao hụt;
  • Dùng kháng sinh: Bệnh nhân được chỉ định sử dụng một số loại kháng sinh dạng tiêm tĩnh mạch nhằm kiểm soát tình trạng nhiễm trùng.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật là phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với trường hợp bị vỡ thực quản do hội chứng Boerhaave. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương mà bác sĩ có thể chỉ định áp dụng kỹ thuật phẫu thuật phù hợp, chẳng hạn như phẫu thuật xâm lấn tối thiểu nội soi. Hoặc một số trường hợp phải phẫu thuật mở lồng ngực để loại bỏ toàn bộ các tổn thương trong khoang ngực.
  • Thủ thuật dẫn lưu & làm sạch: Bên cạnh cách điều trị phẫu thuật sửa chữa trực tiếp vết rách thực quản, một số trường hợp cũng cần kết hợp thủ thuật dẫn lưu chất lỏng tích tụ bên trong nhằm làm sạch và kiểm soát mức độ nhiễm trùng.
  • Phẫu thuật cắt bỏ: Đối với những trường hợp tổn thương do mắc hội chứng Boerhaave quá nghiêm trọng, số lượng mô chết, hoại tử nhiều có thể sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ thực quản để ngăn chặn nhiễm trùng lây lan.

Sau điều trị phẫu thuật, bệnh nhân thường được yêu cầu thực hiện chế độ ăn lỏng trong vài tuần để tạo điều kiện cho thực quản lành lại. Hoặc trong trường hợp bệnh nhân không thể tự ăn, có thể được chỉ định đặt ống nuôi ăn qua đường mũi hoặc miệng vào dạ dày, nhằm đảm bảo bệnh nhân có đầy đủ các dưỡng chất cần thiết hỗ trợ quá trình phục hồi sức khỏe.

Ngoài ra, kết hợp thực hiện một số biện pháp hỗ trợ sau đây:

  • Đảm bảo thực đơn ăn uống khoa học, đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe, đặc biệt là protein, vitamin & khoáng chất giúp thúc đẩy quá trình phục hồi;
  • Uống nhiều nước và tránh không để cơ thể bị mất nước sau phẫu thuật;
  • Tuân thủ chỉ định dùng thuốc giảm đau của bác sĩ để kiểm soát cơn đau và giảm bớt cảm giác khó chịu hậu phẫu thuật;
  • Quản lý căng thẳng bằng các kỹ thuật như thiền định, hít thở sâutập yoga... giúp giảm mệt mỏi, tạo sự thư giãn tối đa cho bệnh nhân;

Phòng ngừa

Việc phòng ngừa hội chứng Boerhaave có liên quan đến việc tránh thực hiện những hành vi có thể gây tác động trực tiếp hoặc làm tổn thương cho thực quản. Có thể kể đến một số hành vi tiêu cực như:

  • Uống rượu vô độ;
  • Ăn quá mức;
  • Ăn quá nhanh;
  • Thường xuyên ăn những món quá chua, cay;
  • Từ bỏ thuốc lá và các chất kích thích khác để giảm nguy cơ mắc bệnh;
  • Xây dựng lối sống lành mạnh và khoa học, sử dụng thực phẩm an toàn, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi để sớm phục hồi;

 

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi bị đau tức ngực dữ dội, buồn nôn, ói mửa, khó thở, sốt, sưng cứng bụng là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Nguyên nhân tại sao tôi mắc hội chứng Boerhaave?

3. Tiên lượng tình trạng bệnh của tôi có nặng không?

4. Hội chứng Boerhaave có gây tử vong không?

5. Tôi cần làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán hội chứng Boerhaave?

6. Phương pháp điều trị tốt nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi?

7. Kỹ thuật phẫu thuật phù hợp đối với tình trạng bệnh của tôi?

8. Tỷ lệ thành công khi phẫu thuật là bao nhiêu %?

9. Tôi cần làm gì để chăm sóc sức khỏe sau phẫu thuật, ngăn ngừa biến chứng?

10. Chi phí điều trị hội chứng Boerhaave tốn bao nhiêu? Thẻ BHYT có hỗ trợ chi trả không?

Hội chứng Boerhaave tuy hiếm gặp nhưng có thể đe dọa tính mạng người bệnh, xảy ra khi thực quản bị rách vỡ. Do đó, trước những dấu hiệu bất thường như đau ngực dữ dội, nôn mửa, khó thở, khó nuốt đột ngột, hãy nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám, chẩn đoán và điều trị bằng phương pháp phù hợp. Điều này giúp bảo toàn tính mạng, ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm khó lường.