Bệnh Rối Loạn Ăn Uống

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN – Khoa Nội – Tiêu hóaGiám đốc Chuyên môn Thuốc Dân Tộc Chi Nhánh phía Nam – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh

Rối loạn ăn uống là sự suy giảm sức khỏe tâm thần nghiêm trọng liên quan đến hành vi ăn uống bất thường. Tình trạng này có thể gây ra những hậu quả nặng nề về thể chất và tinh thần. Có rất nhiều loại rối loạn ăn uống khác nhau và do nhiều nguyên nhân gây ra như môi trường, tâm lý, di truyền... Cần điều trị tích cực rối loạn ăn uống thông qua trị liệu, thuốc hoặc tư vấn dinh dưỡng để kiểm soát bệnh.

Tổng quan

Rối loạn ăn uống (Eating Disorders) là một dạng rối loạn sức khỏe tâm thần, đặc trưng với các biểu hiện về sự bất thường trong hành vi ăn uống, chán ăn hoặc có cảm giác thèm ăn liên tục một lượng lớn thực phẩm. Kèm theo đó là những biểu hiện như lo sợ, ám ảnh về cân nặng, tự ti về ngoại hình, giảm lòng tự trọng...

Rối loạn ăn uống là sự phát triển bất thường về hành vi ăn uống cùng với các vấn đề tâm lý nghiêm trọng

Dạng rối loạn ăn uống này có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, không phân biệt độ tuổi, giới tính, chủng tộc hay ngoại hình, cân nặng. Tỷ lệ ảnh hưởng khoảng 5% dân số , phổ biến nhất ở người trẻ tuổi từ 12 - 35 tuổi. Tình trạng này kéo dài gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, tinh thần, chất lượng cuộc sống và công việc của người bệnh.

Nghiêm trọng hơn, người bị rối loạn ăn uống tiến triển mãn tính có thể dẫn đến tử vong. Do những hành vi ăn uống thất thường gây ảnh hưởng nặng nề đến quá trình hấp thu và chuyển hóa dinh dưỡng thành năng lượng. Lâu ngày dẫn đến phát triển bệnh tim mạch, xương, răng miệng... Nặng hơn là hình thành các dạng cảm xúc tiêu cực như lo âu, trầm cảm, muốn tự sát.

Phân loại

Rối loạn ăn uống là thuật ngữ y học mô tả một dạng rối loạn tâm thần gây ra sự thay đổi về hành vi ăn uống cũng như suy nghĩ, cảm xúc của một người. Căn bệnh này được phân chia thành nhiều loại, trong đó gồm 5 loại cơ bản sau:

Chán ăn tâm thần (Anorexia Nervosa)

Chán ăn tâm thần là tình trạng một người có xu hướng thiết lập việc hạn chế nghiêm ngặt việc ăn uống. Họ chỉ ăn một lượng nhỏ thực phẩm nhất định vào một vài thời gian cụ thể trong ngày. Người mắc dạng này thường có một nỗi sợ vô hình nhưng mạnh mẽ về việc sợ tăng cân, bản thân cần phải nỗ lực để kiểm soát cân nặng.

Đây cũng chính là dạng rối loạn ăn uống nghiêm trọng nhất khi có tỷ lệ tử vong cao, liên quan đến các biến chứng y tế hoặc do tự tử. Tỷ lệ phụ nữ mắc phải cao hơn nam giới. Ngoài các biểu hiện về tâm lý, phụ nữ mắc phải dạng rối loạn ăn uống này thường có biểu hiện vô kinh liên tục trong ít nhất 3 chu kỳ.

Hội chứng chán ăn tâm thần đặc trưng bởi sự bất ổn tâm lý về thực phẩm và cân nặng

Chán ăn tâm thần được chia làm 2 loại nhỏ gồm:

  • Dạng hạn chế: Thuật ngữ này dùng để chỉ những trường hợp siết cân bằng cách nhịn ăn hoặc vận động, tập thể dục quá mức;
  • Dạng thanh lọc: Dạng này cũng liên quan đến việc cắt giảm thực phẩm dung nạp vào cơ thể. Tuy nhiên, họ vẫn sẽ có những thời điểm ăn uống liên tục trong thời gian ngắn, nhưng sau đó lại kích thích nôn mửa, dùng thuốc xổ nhuận tràng để loại bỏ những gì đã nạp vào cơ thể;

Chứng cuồng ăn tâm thần (Bulimia Nervosa)

Khác với thói quen ăn uống nhiều bình thường, người mắc chứng cuồng ăn tâm thần được định nghĩa là việc tiêu thụ một lượng lớn thực phẩm trong thời gian ngắn. Nhưng lại không thể kiểm soát được việc mình đã ăn bao nhiêu, ăn gì. Tình trạng này đôi khi xảy ra sau giai đoạn chán ăn tâm thần, tích tụ cảm giác ăn không kiểm soát.

Sau khi ăn, họ thường có cảm giác tâm lý bất ổn, xấu hổ, tội lỗi và sợ hãi việc bị tăng cân quá mức. Nên ngay sau đó thường có xu hướng tìm cách kích thích loại bỏ lượng thực phẩm vừa ăn. Thông qua nhiều cách như móc họng nôn mửa, tăng cường tập thể dục hoặc dùng thuốc xổ, thuốc giảm cân...

Dạng rối loạn này thường bắt đầu khởi phát ở độ tuổi thiếu niên hoặc trưởng thành sớm. Người mắc phải thường vẫn duy trì được cân nặng bình thường, không bị thiếu cân hoặc có xu hướng hơi thừa cân. Một người được chẩn đoán mắc phải dạng rối loạn ăn uống này thường phải có ít nhất một đợt ăn uống mất kiểm soát và các hành vi, cảm xúc thất thường ít nhất 1 lần 1 tuần trong vòng 3 tháng.

Rối loạn ăn uống vô độ (Binge eating disorder - BED) 

Đây là dạng rối loạn ăn uống phổ biến nhất hiện nay, chủ yếu xảy ra ở độ tuổi thiếu niên. Trong đó có khoảng 1/3 trường hợp mắc bệnh là nam giới. Hành vi của người mắc rối loạn ăn uống vô độ cũng tương tự như chứng cuồng ăn tâm thần. Tuy nhiên, điểm khác biệt người mắc BED thường không có tâm lý hạn chế ăn uống hoặc áp dụng các biện pháp đào thải sau khi ăn.

BED là dạng rối loạn ăn uống phổ biến nhất được mô tả khi người mắc phải thường ăn uống mất kiểm soát, dung nạp lượng thực phẩm trong thời gian ngắn

Nhưng trong một giai đoạn nào đó, họ vẫn có cảm giác mất kiểm soát và cảm thấy tội lỗi khi ăn uống vô độ. Người mắc dạng rối loạn ăn uống này có nguy cơ béo phì cao và phát sinh các biến chứng nguy hiểm như tim mạch, huyết áp, đột quỵ, tiểu đường... Dạng này có thể kiểm soát được bằng cách giảm hành vi ăn uống, tuy nhiên tỷ lệ tái phát cũng khá cao.

Rối loạn ăn uống hạn chế tránh né (ARFID - Avoid restrictive food intake disorder)

Thuật ngữ này thường dùng để chỉ việc rối loạn ăn uống ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thường diễn ra trong vòng 7 năm đầu đời hoặc kéo dài đến tuổi trưởng thành. Dạng ARFID thường xảy ra do mất cảm giác hứng thú với việc ăn uống, không thích mùi vị, màu sắc hay kết cấu cụ thể của thực phẩm.

Dạng rối loạn ăn uống này gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe thể chất do không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể phát triển. Họ thường không có tâm lý lo lắng thái quá về cân nặng hoặc ngoại hình.

Các dạng rối loạn ăn uống cụ thể khác (OSFED)

Ngoài 4 dạng phổ biến trên, rối loạn ăn uống còn có nhiều dạng khác nhưng ít phổ biến hơn, bao gồm:

  • Chứng Pica: Là dạng rối loạn ăn uống khi một người liên tục ăn hoặc có cảm giác thèm ăn một thứ gì đó không phải thực phẩm và không có giá trị dinh dưỡng. Chẳng hạn như giấy, gỗ, mảnh sơn vụn, tóc, phấn, sỏi, than đá, đất sét...;
  • Chứng ăn - ói: Là tình trạng ăn vào nôn ra, sau đó nhai lại thức ăn cũ rồi lại nuốt xuống. Quá trình này lặp lại nhiều lần trong khoảng thời gian ít nhất 1 tháng. Thường xảy ra ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, trẻ thanh thiếu niên hoặc đã trưởng thành. Tình trạng này được chẩn đoán khi đã loại trừ các bệnh lý hoặc rối loạn đường tiêu hóa;
  • Rối loạn thanh lọc: Những người mắc dạng này thường không có thói quen ăn uống vô độ, nhưng vẫn thực hiện các hành vi đào thải như móc họng nôn mửa, dùng thuốc xổ, thuốc giảm cân cấp tốc hoặc tập thể dục quá sức;
  • Hội chứng ăn đêm: Là những người có thói quen ăn nhiều vào ban đêm, thường liên quan đến việc rối loạn giấc ngủ;
  • Chứng cuồng ăn dưới ngưỡng và rối loạn ăn uống vô độ: Được định nghĩa là dạng rối loạn ăn uống loại trừ khi không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về cuồng ăn hoặc ăn uống vô độ;
  • Chứng chán ăn tâm thần không điển hình: Dạng này có các triệu chứng tương tự như chứng chán ăn tâm thần. Tuy nhiên, chỉ số BMI vẫn duy trì ở mức bình ổn;
  • Chứng orthorexia: Dạng này khá hiếm gặp và vẫn chưa được công nhận chính thức là một dạng rối loạn ăn uống riêng biệt. Người mắc dạng này thường có tâm lý bất ổn và nghi ngờ tính lành mạnh của thực phẩm, có xu hướng loại bỏ tất cả chúng vì sợ gây hại cho sức khỏe;

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Rối loạn ăn uống được nghiên cứu và công nhận là một bệnh lý y khoa. Nguyên nhân chính xác gây ra đến nay vẫn chưa được hiểu rõ, tuy nhiên các nhà khoa học chắc chắn nó là sự kết hợp của nhiều yếu tố. Chẳng hạn như:

Nguyên nhân gây ra rối loạn ăn uống rất phức tạp, thường liên quan đến các yếu tố như tâm lý căng thẳng, chấn thương hoặc di truyền

  • Di truyền và các yếu tố sinh học rối loạn hóa chất trong não;
  • Rối loạn hormone;
  • Độ tuổi;
  • Tâm lý bóp méo về cân nặng và hình dáng của cơ thể;
  • Các bệnh lý về sức khỏe tâm thần;
  • Người theo chủ nghĩa hoàn hảo và tôn sùng sắc đẹp, ngoại hình;
  • Có ký ức không tốt về việc ăn uống từ thời thơ ấu;
  • Những người từng trải qua chấn thương hoặc bị lạm dụng, bạo hành;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Rất khó để biết được một người có đang mắc rối loạn ăn uống hay không nếu chỉ quan sát qua vẻ bề ngoài. Vì cân nặng hay ngoại hình không liên quan đến việc phát triển dạng rối loạn tâm thần này.

Mỗi dạng rối loạn ăn uống phát triển các triệu chứng khác nhau, nhưng thường là tăng hoặc giảm cân quá mức, ám ảnh về thức ăn, cân nặng

Các triệu chứng rối loạn ăn uống thường biểu hiện khác nhau tùy theo từng dạng cụ thể như sau:

Triệu chứng chán ăn tâm thần

  • Có nỗi sợ hãi mãnh liệt về việc tăng cân hoặc béo phì;
  • Thay đổi tâm trạng thất thường, dễ cáu gắt, tức giận, lo lắng, trầm cảm, mệt mỏi và giảm khả năng tập trung;
  • Chỉ số khối cơ thể BMI (gồm chiều cao và cân nặng) thường dưới 18.5 ở người trưởng thành;
  • Vô kinh;
  • Mất nước gây chóng mặt, dễ ngất xỉu;
  • Chịu lạnh kém;
  • Yếu cơ, suy nhược cơ thể;
  • Phát triển loãng xương, gãy xương;
  • Đầy hơi, trào ngược, chướng bụng, táo bón sau khi ăn;
  • Tóc khô xơ, dễ rụng, gãy móng;

Triệu chứng cuồng ăn tâm thần

  • Ăn liên tục một lượng thực phẩm lớn trong thời gian ngắn và mất kiểm soát trong việc đã ăn gì;
  • Thường xuyên đi vệ sinh ngay sau khi ăn;s
  • Đau họng mãn tính;
  • Ợ nóng, ợ chua, đầy hơi, trào ngược dạ dày thực quản;
  • Sưng tuyến nước bọt ở má;
  • Tiêu chảy tái phát;
  • Sâu răng;
  • Chóng mặt, ngất xỉu do mất nước;

Triệu chứng rối loạn ăn uống vô độ

  • Cảm giác muốn ăn và tiêu thụ thức ăn một cách nhanh chóng;
  • Ăn no đến mức có cảm giác nôn ra, khó chịu;
  • Muốn ăn nhiều dù không thấy đói;
  • Có tâm lý xấu hổ, e ngại, chán ghét bản thân và tội lỗi sau khi ăn;

Triệu chứng rối loạn ăn uống hạn chế tránh né (ARFID)

Các triệu chứng ARFID thường là thiếu hứng thú trong việc ăn uống, tránh né những loại thực phẩm mà bản thân có cảm quan không tốt như hình thức, kết cấu, màu sắc, mùi vị...

  • Các triệu chứng sức khỏe như ợ nóng, trào ngược dạ dày, chóng mặt, mất nước, táo bón nặng...;
  • Các triệu chứng tâm lý như sợ ăn vào sẽ bị nghẹn, nôn ói, táo bón, dị ứng...;
  • Nghiêm trọng hơn là có cảm giác nghẹt thở, suy hô hấp tạm thời và ngộ độc thực phẩm;

Chẩn đoán 

Việc chẩn đoán rối loạn ăn uống nhằm mục đích xác nhận và xác định loại rối loạn ăn uống mà bệnh nhân đang mắc phải nhằm đưa ra biện pháp điều trị phù hợp.

Quá trình chẩn đoán thường kết hợp giữa các đánh giá lâm sàng và kiểm tra tâm lý

Khám lâm sàng

Bắt đầu bằng việc bác sĩ sẽ khai thác các thông tin về tiền sử bệnh chi tiết và khám sức khỏe toàn diện. Việc đánh giá thông qua các câu hỏi về thói quen ăn uống, cân nặng, các triệu chứng thể chất khác mà bệnh nhân gặp phải. Ngoài ra, tiền sử về các vấn đề sức khỏe tâm thần như lo âu, trầm cảm cũng được khai thác triệt để

Khám tâm lý

Các bài xét nghiệm tâm lý thường được chỉ định thực hiện nhằm đánh giá sức khỏe tâm thần của bệnh nhân. Các bài kiểm tra này được thiết kế cụ thể dành riêng cho bệnh nhân đã có các dấu hiệu rối loạn ăn uống. Bao gồm:

  • Bài kiểm tra xác nhận rối loạn ăn uống (EDI);
  • Bài kiểm tra thái độ và hành vi ăn uống (EAT);

Trong một số trường hợp cần thiết, bác sĩ cũng có thể chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng khác để loại trừ các bệnh lý tiềm ẩn. Chẳng hạn như xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC), xét nghiệm đo lường mức độ chất điện giải, xét nghiệm chức năng gan và tuyến giáp, đo điện tâm đồ, xét nghiệm nước tiểu, chụp X quang ngực...

Dựa vào kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ làm việc trực tiếp với bệnh nhân để xây dựng và tư vấn kế hoạch điều trị phù hợp. Mỗi phác đồ điều trị sẽ được cá nhân hóa dựa trên loại rối loạn ăn uống và mức độ nghiêm trọng để đạt hiệu quả tốt nhất.

Biến chứng và tiên lượng

Các biến chứng xảy ra do rối loạn ăn uống được phân thành nhiều loại với nhiều cấp độ khác nhau, có hoặc không đi kèm theo các vấn đề về thể chất, tâm lý. Có thể kể đến một số biến chứng sau:

Rối loạn ăn uống kéo dài có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe thể chất như huyết học, tim mạch, suy giảm nhận thức và dẫn đến tử vong

Biến chứng cấp tính

  • Phát triển các vấn đề về sức khỏe tim mạch như rối loạn nhịp tim, xơ hóa cơ tim, suy tim, co giật, hôn mê, đột tử dẫn đến tử vong;
  • Suy giảm hệ thống miễn dịch;
  • Thiếu máu;
  • Suy giảm nhận thức, kém phát triển thể chất và trí tuệ, khả năng ghi nhớ, tập trung;
  • Các vấn đề về sức khỏe răng miệng;
  • Biến chứng thần kinh;
  • Tăng nguy cơ phát triển viêm gan, viêm tụy, táo bón mãn tính;
  • Thiếu hụt vitamin khoáng chất, hạ natri máu do tác dụng phụ của thuốc xổ hoặc nôn mửa quá mức. Tăng nguy cơ phát triển phì đại tuyến mang tai;

Biến chứng mãn tính

  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị rối loạn ăn uống chậm tăng trưởng do rối loạn chức năng điều hòa trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận làm tăng cortisol máu;
  • Biến chứng vô sinh hiếm muộn ở cả nam và nữ giới;
  • Phụ nữ mang thai bị rối loạn ăn uống có nguy cơ cao mắc các biến chứng sản khoa;
  • Ảnh hưởng mãn tính đến sức khỏe xương khớp, giảm mật độ khoáng, tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương;
  • Tăng nguy cơ thừa cân béo phì và tiểu đường;

Ngoài ra, rối loạn ăn uống cũng là một dạng rối loạn tâm thần, nên rất dễ phát triển kèm theo bệnh sức khỏe tâm lý khác như:

  • Rối loạn lo âu;
  • Rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ nhỏ (ADHD);
  • Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế;
  • Phát triển tính cách bốc đồng, hung hăng, tăng nguy cơ nghiện rượu, ma túy và các chất kích thích khác;

Trước những biến chứng khó lường của chứng rối loạn ăn uống, việc điều trị là rất cần thiết để kiểm soát tiến triển, cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng. Hầu hết những người mắc chứng rối loạn ăn uống đều có tiên lượng phục hồi tốt, ổn định sức khỏe và duy trì cuộc sống khỏe mạnh.

Điều trị

Tùy theo mức độ nghiêm trọng của dạng rối loạn ăn uống mà người bệnh mắc phải, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị ngoại trú hoặc nội trú. Nhưng đa số trường hợp đều được điều trị ngoại trú, chỉ khi sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tâm lý bất ổn đến mức muốn tự tử hoặc không đáp ứng với điều trị ngoại trú mới điều trị nội trú.

Mục tiêu điều trị chính nhằm phục hồi cân nặng và bình thường hóa hành vi ăn uống. Dưới đây là một số phương pháp điều trị hiệu quả rối loạn ăn uống:

Trị liệu tâm lý và hành vi

Một số phương pháp đem lại lợi ích cao trong việc hỗ trợ cải thiện triệu chứng của một số dạng rối loạn ăn uống bao gồm:

Đa số những trường hợp rối loạn ăn uống đều đáp ứng tốt với phương pháp trị liệu tâm lý

  • Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT): Thường được chỉ định áp dụng trong những trường hợp mắc chứng cuồng ăn, rối loạn ăn uống vô độ... Khi bắt đầu trị liệu, thường tiến hành các bước trị liệu hành vi nhận thức nâng cao (CBT-E). Quá trình này giúp bệnh nhân cải thiện thói quen ăn uống, kiểm soát tâm trạng, thái độ và hành vi đối với việc ăn uống. Đồng thời, xây dựng các kỹ năng cần thiết để đối phó với các tình huống ngoài ý muốn.
  • Liệu pháp hỗ trợ từ gia đình (FBT): Áp dụng chủ yếu cho trẻ em hoặc thanh thiếu niên mắc rối loạn ăn uống, biếng ăn tâm lý cùng các rối loạn hành vi, thói quen ăn uống khác. Sự hỗ trợ từ gia đình giúp tái thiết lập khẩu phần ăn, duy trì các bữa ăn lành mạnh tốt cho sức khỏe.
  • Một số liệu pháp khác:
    • Liệu pháp tâm lý cá nhân (thường áp dụng thay thế cho CBT khi không đáp ứng với các dạng cuồng ăn hoặc rối loạn ăn uống vô độ);
    • Liệu pháp tâm động học khu trú (FPT);
    • Trị liệu thần kinh cải thiện rối loạn ăn uống cho người lớn (MANTRA);

Điều trị bằng thuốc

Không có thuốc điều trị đặc hiệu đối với chứng rối loạn ăn uống. Tuy nhiên, việc dùng một số loại thuốc dưới đây đem lại nhiều lợi ích trong việc cải thiện cảm giác thèm ăn, kiểm soát nôn ói hoặc gia tăng tâm lý ổn định khi ăn uống.

Điển hình là Fluoxetine. Đây là loại thuốc thuộc nhóm chống trầm cảm và cũng là loại thuốc duy nhất được FDA chấp nhận để điều trị rối loạn ăn uống. Hiệu quả nhất đối với chứng cuồng ăn hoặc rối loạn ăn uống vô độ, ít có hiệu quả đối với chứng chán ăn tâm thần.

Hiện nay, có 2 loại thuốc đang được thử nghiệm trong điều trị ăn uống vô độ là topiramate và lisdexamfetamine. Riêng chứng chán ăn tâm thần có thể điều trị bằng olanzapine.

Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng

Đây là yếu tố quan trọng đối với hầu hết bệnh nhân rối loạn ăn uống. Tùy tình trạng bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ hướng dẫn áp dụng lộ trình thay đổi chế độ dinh dưỡng phù hợp. Ngoài việc đảm bảo bổ sung dinh dưỡng, việc ăn uống tích cực nhằm tăng cân.

Ưu tiên ăn uống trực tiếp nếu bệnh nhân có sức khỏe và khả năng ăn uống bình thường. Nuôi ăn qua ống thông mũi - dạ dày hoặc dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch nếu bệnh nhân gặp các vấn đề rối loạn chức năng đường tiêu hóa.

Liệu pháp dinh dưỡng được chỉ định thực hiện song song nhằm phục hồi cân nặng và cải thiện các triệu chứng thể chất

Cần chú ý thận trọng trong việc cải thiện dinh dưỡng, bổ sung từ từ, đầy đủ các dưỡng chất bao gồm calo, protein, chất béo, vitamin khoáng chất. Đặc biệt là các vi chất như kẽm rất tốt trong việc thúc đẩy tốc độ hồi phục, cải thiện triệu chứng tâm lý như trầm cảm, lo lắng.

Chăm sóc và theo dõi sau phục hồi

Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ bệnh tái phát cao trong năm đầu tiên sau điều trị. Đặc biệt, những bệnh nhân bị rối loạn ăn uống sau khi đã điều trị phục hồi, thấy bản thân tăng cân có thể phát sinh các triệu chứng tâm lý bất ổn, tái phát lo âu, trầm cảm. Cuối cùng là bỏ dở phác đồ điều trị.

Do đó, người bệnh và thân nhân cần tích cực hợp tác điều trị để đạt kết quả cao. Tái khám định kỳ hoặc nhập viện điều trị thường xuyên nhằm theo dõi, đánh giá tiến triển thuyên giảm của bệnh.

Phòng ngừa

Phòng ngừa rối loạn ăn uống là vấn đề rất nhiều người quan tâm. Đặc biệt ở những nơi hoặc khu vực có tỷ lệ phát hiện cao. Các chương trình giáo dục trong việc hình thành các hành vi ăn uống khoa học, nâng cao ý thức về ngoại hình cơ thể và hình ảnh của bản thân. Đây là những kỹ năng cần thiết, nhất là đối với trẻ em.

Giảm nguy cơ phát triển rối loạn ăn uống thông qua một lối sống lành mạnh và hình thành các thói quen ăn uống khoa học

Vì không có biện pháp phòng ngừa 100%, nên những thói quen ăn uống tích cực chính là cách tốt nhất để giảm nguy cơ phát triển rối loạn ăn uống ở cả trẻ em và người lớn.

  • Xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, cân bằng dưỡng chất thông qua đầy đủ các nhóm thực phẩm lành mạnh. Ưu tiên rau xanh, củ quả, trái cây, ngũ cốc, protein nạc, kiêng chất béo bão hòa, thức ăn quá mặn, quá ngọt, rượu bia, caffein...
  • Đối với trẻ em, gia đình nên tạo thói quen ăn uống cùng nhau. Đây vừa là cơ hội để trẻ hình thành các hành vi ăn uống bình thường vừa giúp phát triển mối quan hệ khắng khít.
  • Cân nhắc thận trọng trong việc sử dụng thuốc xổ hoặc thuốc giảm cân cấp tốc để giảm cân.
  • Hãy tập luyện thể chất điều độ, đi bộ, yoga, bơi lội, đạp xe... với một lộ trình cụ thể, kiên trì để vừa kiểm soát cân nặng vừa kích thích ăn uống tốt, phòng ngừa thừa cân béo phì.
  • Duy trì tâm trạng thoải mái, áp dụng các kỹ thuật thư giãn để tránh stress hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần như lo âu, trầm cảm quá mức liên quan đến rối loạn ăn uống.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Vì sao tôi/ con tôi gặp các vấn đề về rối loạn ăn uống?

2. Nguyên nhân chính xác gây ra rối loạn ăn uống là gì?

3. Tôi/ con tôi mắc dạng rối loạn ăn uống nào? Có nghiêm trọng không?

4. Bị rối loạn ăn uống có tự khỏi khi không điều trị không?

5. Những biến chứng có thể xảy ra khi không điều trị rối loạn ăn uống?

6. Phác đồ điều trị rối loạn ăn uống hiệu quả nhất dành cho tôi/ con tôi?

7. Những lợi ích và rủi ro đối với từng phương pháp điều trị?

8. Tiên lượng phục hồi và nguy cơ tái phát rối loạn ăn uống sau điều trị là bao nhiêu?

9. Cần làm gì để chăm sóc sức khỏe tại nhà và tránh tái phát rối loạn ăn uống sau điều trị?

Rối loạn ăn uống cần được điều trị y tế càng sớm càng tốt để kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Hãy trao đổi với bác sĩ chuyên khoa khi bản thân hoặc người thân gặp các dấu hiệu bất thường trong hành vi ăn uống. Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp để ổn định tâm lý và phát triển các thói quen ăn uống lành mạnh, nuôi dưỡng cơ thể đúng cách.