Bệnh Loãng Xương

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ DOÃN HỒNG PHƯƠNG – Khoa Vật Lý Trị LiệuGiám đốc Chuyên môn Trung tâm Đông Phương Y Pháp – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Bệnh loãng xương thường gặp ở người cao tuổi và nữ giới sau mãn kinh. Căn bệnh này tiến triển âm thầm, không triệu chứng nhưng gây ra rất nhiều biến chứng như gãy, nứt xương và lún đốt sống. Trường hợp nặng có thể gây tàn phế và giảm tuổi thọ.

Tổng quan

Bệnh loãng xương - Osteoporosis là tình trạng vô cùng phổ biến ở người cao tuổi. Đặc trưng bởi hiện tượng giảm khối lượng và chất lượng xương, qua đó gia tăng nguy cơ gãy xương và tàn phế. Nói một cách dễ hiểu, loãng xương xảy ra do giảm mật độ chất khoáng trong xương khiến cho xương giòn, xốp.

bệnh loãng xương là gì
Bệnh loãng xương là tình trạng giảm mật độ chất khoáng trong xương khiến xương suy yếu, rỗng, giòn và dễ gãy nứt

Hiện nay, bệnh lý này rất được quan tâm do tần suất mắc bệnh gia tăng nhanh. Tính chất bệnh âm thầm nên ít khi được phát hiện sớm và nhiều bệnh nhân phải đối mặt với các biến chứng như mất khả năng lao động, giảm tuổi thọ, gãy, nứt xương...

Thống kê ở nước ta cho thấy, khoảng 20% phụ nữ trên 65 tuổi đều có biểu hiện loãng xương. Tuy nhiên, tỷ lệ chủ động thăm khám và điều trị là không cao. Ngoài những ảnh hưởng đối với người bệnh, loãng xương còn gây ra gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Phân loại

Loãn xương được chia thành 2 loại chính là loãng xương nguyên phát và loãng xương thứ phát.

Loãng xương nguyên phát:

Loãng xương nguyên phát được xác định khi mật độ chất khoáng trong xương giảm do tuổi tác hoặc do ảnh hưởng của quá trình mãn kinh. Ở những trường hợp này, gần như không tìm thấy các nguyên nhân khác.

nguyên nhân của bệnh loãng xương là gì
Loãng xương nguyên phát là tình trạng thiểu sản xương do tuổi tác và do ảnh hưởng của quá trình mãn kinh

Trong nhóm nguyên phát sẽ được chia thành 2 loại type là:

  • Loãng xương type 1: Hay còn gọi là loãng xương sau mãn kinh. Sau khi mãn kinh, hormone estrogen sụt giảm kéo theo một loạt những thay đổi như giảm hoạt động của enzyme 25-OH-vitamin D1-hydroxylase, tăng thải canxi qua thận, giảm hormone tuyến cận giáp trạng... Những thay đổi này khiến cho chất khoáng trong xương giảm, tốc độ tạo xương diễn ra chậm hơn tốc độ hủy xương gây thiểu sản xương (loãng xương).
  • Loãng xương type 2: Loãng xương type 2 là dạng loãng xương do ảnh hưởng của tuổi tác. Độ tuổi khởi phát khoảng 70, muộn hơn loãng xương type 1 (50 - 55 tuổi). Tuổi tác cao khiến cho cơ thể giảm hấp thu canxi khiến cho xương giòn, xốp, giảm sức mạnh.

Loãng xương thứ phát:

Khác với dạng nguyên phát, loãng xương thứ phát có liên quan đến rất nhiều nguyên nhân. Tình trạng thiểu sản xương thường là kết quả do sử dụng thuốc dài ngày và ảnh hưởng của các bệnh mãn tính.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Giống như các tế bào khác trong cơ thể, tế bào xương liên tục được hình thành (tạo xương) và tiêu hủy (hủy xương). Sự cân bằng của hai quá trình này giúp duy trì mật độ xương, đảm bảo xương chắc khỏe. Tuy nhiên sau năm 40 tuổi, tốc độ tiêu hủy sẽ diễn ra nhanh hơn quá trình tạo xương dẫn đến tình trạng thiểu sản xương.

Loãng xương diễn tiến thầm lặng nên gần như không có triệu chứng. Dù vậy, chất lượng và số lượng xương sẽ sụt giảm dần theo thời gian khiến cho xương rỗng, xốp, dễ bị lún và gãy, nứt khi chấn thương - thậm chí là khi ho.

nguyên nhân của bệnh loãng xương là gì
Tuổi tác cao là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh loãng xương

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho quá trình tiêu xương diễn ra nhanh hơn quá trình tạo xương. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất:

  • Tuổi tác cao: Khi tuổi tác tăng cao, cơ thể sẽ phải đối mặt với tình trạng lão hóa và rối loạn tuyến nội tiết. Trong đó, hormone tuyến cận giáp thay đổi khiến cho nồng độ canxi trong huyết tương giảm, đi kèm là hiện tượng giảm hấp thu canxi. Chính điều này đã khiến cho chất khoáng trong xương sụt giảm, xương giòn, dễ gãy.
  • Giảm hormone estrogen: Estrogen sụt giảm là nguyên nhân gây bệnh loãng xương type 1. Không chỉ có vai trò với sinh lý nữ, hormone này còn đảm nhiệm chức năng ức chế sự phân hủy xương. Nếu estrogen suy giảm, tốc độ hủy xương diễn ra nhanh khiến cho xương giảm cả số lượng và chất lượng.
  • Di truyền: Gen chịu trách nhiệm về cấu tạo xương, quá trình tạo cốt bào và hủy cốt bào. Do đó, những người có tiền sử gia đình bị loãng xương sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Dù chưa xác định được loại gen nhưng đến nay có thể khẳng định, di truyền có vai trò trong cơ chế bệnh sinh của loãng xương.
  • Chế độ ăn, sinh hoạt không hợp lý: Người có chế độ ăn uống không phù hợp, ít bổ sung vitamin D và canxi sẽ có nguy cơ loãng xương cao. Bên cạnh đó, những thói quen như ít vận động, thức khuya, lạm dụng bia rượu, thuốc lá cũng gây cản trở quá trình hấp thu canxi ở đường thận và ruột.
  • Do bệnh cường cận giáp trạng: Cường cận giáp trạng là nguyên nhân phổ biến gây bệnh loãng xương. Hormon tuyến cận giáp có vai trò quan trọng trong việc phòng chống hạ canxi máu. Khi tuyến nội tiết này tăng tiết hormone quá mức sẽ gây loãng xương. Bởi hormon tuyến cận giáp sẽ huy động nhanh chóng canxi thông qua cơ chế kích thích quá trình tiêu xương.
  • Mắc bệnh thận mãn tính: Canxi được hấp thu ở cả ruột và thận. Những người có các vấn đề về thận mãn tính sẽ giảm hấp thu canxi so với bình thường. Nếu không được can thiệp, lượng canxi giảm thấp khiến cho tốc độ tạo xương diễn ra chậm hơn quá trình tiêu xương.
  • Do các bệnh tự miễn: Khả năng hấp thu khoáng chất, đặc biệt là canxi ở những người mắc các bệnh tự miễn thường rất hạn chế. Do đó, loãng xương có thể liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe như rối loạn tuyến yên, bệnh Celiac, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp,... Nồng độ khoáng chất thấp sẽ làm cản trở quá trình tạo cốt bào, mật độ xương vì thế sẽ suy giảm nhanh sau một thời gian.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Loãng xương thứ phát thường là hệ quả do tác dụng phụ của một số loại thuốc như glucocorticoid, corticosteroid, thuốc ức chế bơm proton, thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống đông máu, thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị tiểu đường... Trong đó, glucocorticoid là loại thuốc phổ biến nhất gây ra bệnh loãng xương.

Đa phần các trường hợp loãng xương đều liên quan đến tăng tốc độ hủy xương, ít khi do giảm quá trình tạo xương. Ngoài những nguyên nhân kể trên, nguy cơ mắc căn bệnh này tăng lên đáng kể khi có những yếu tố như:

  • Lao động nặng, làm việc quá sức trong thời gian dài
  • Ít vận động
  • Nhẹ cân
  • Người Châu Á và da trắng sẽ có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn người da đen
  • Tiền sử gãy lún thân cột sống, gãy cổ xương đùi

Bệnh loãng xương rất ít khi xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên. Tùy theo nguyên nhân cụ thể mà bệnh có thể khởi phát ở giai đoạn 50 - 55 tuổi hoặc trên 70 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay tần suất mắc bệnh có xu hướng tăng mạnh và trẻ hóa, do đó cần chú ý đo mật độ xương BMD hằng năm.

Triệu chứng và chẩn đoán

Bệnh loãng xương gần như không có triệu chứng cho đến khi xuất hiện biến chứng nứt, gãy xương. Tuy nhiên, có thể nhận thấy sự thay đổi bất thường của xương thông qua một số biểu hiện sau:

Nguyên nhân của bệnh loãng xương
Loãng xương gần như không có triệu chứng và chỉ làm thay đổi tư thế, chiều cao khi cột sống đã bị xẹp lún, nứt, gãy

  • Cảm thấy sức mạnh của xương suy giảm, cơ thể mệt mỏi, yếu sức…
  • Dáng đứng thay đổi, lưng gù, đi lại chậm chạp, khó khăn
  • Các triệu chứng của loãng xương trở nên rõ ràng khi xuất hiện biến chứng gãy xương.
  • Trường hợp gãy xương cột sống thường không có triệu chứng. Nhưng cũng có khi xuất hiện các triệu chứng cảnh báo như đau lưng cấp tính, mức độ đau tăng lên khi vận động, đau khu trú, không lan ra những vị trí xung quanh.
  • Đau lưng do gãy xương cột sống có xu hướng kéo dài liên tục trong nhiều tháng. Trong khi đó, đau do thoái hóa đốt sống thường chỉ gây đau trong thời gian ngắn, cơn đau gần như không liên tục.
  • Thân đốt sống lưng gãy lún nhiều sẽ gây gù lưng, quá ưỡn cột sống. Tình trạng này sẽ kéo theo nhiều vấn đề như đau thắt lưng mãn tính, khó thở do giảm thể tích lồng ngực.
  • Trường hợp gãy xương đùi và những xương ngoài cột sống thường có triệu chứng vô cùng rõ rệt. Đặc trưng bởi cơn đau đột ngột, đau nhói và cử động hạn chế.

Nữ giới từ 50 tuổi và nam giới từ 60 tuổi trở lên được khuyến khích khám định kỳ 1 lần/ năm để phát hiện sớm bệnh loãng xương. Do gần như không có triệu chứng loãng xương nên cách duy nhất là đo mật độ xương hằng năm. Ngoài yếu tố tuổi tác, nên thăm khám khi có những yếu tố sau:

  • Chiều cao giảm ít nhất 3cm (so với tuổi 20 - 30)
  • Cân nặng giảm đột ngột trong một thời gian ngắn
  • Sau khi mãn kinh hoặc giảm hormone estrogen do cắt buồng trứng
  • Nam giới trên 50 tuổi bị thiếu hormone androgen
  • Tiền sử dùng corticoid dài ngày
  • Lạm dụng bia rượu trong thời gian dài

Như đã đề cập, bệnh loãng xương gần như không có triệu chứng. Vì vậy, bệnh sẽ được chẩn đoán dựa vào  xét nghiệm cận lâm sàng. Các kỹ thuật được sử dụng bao gồm đo mật độ xương, chụp X - Quang, xét nghiệm đo canxi máu, đo testosterone trong huyết thanh, định lượng canxi và creatine trong nước tiểu…

triệu chứng bệnh loãng xương
Chẩn đoán bệnh loãng xương chủ yếu dựa vào xét nghiệm cận lâm sàng vì biểu hiện lâm sàng vô cùng nghèo nàn

Loãng xương được xác định thông qua chỉ số T - Score. Thông qua chỉ số này, bác sĩ có thể xác định bệnh nhân có xương khỏe, thiếu xương, loãng xương hay loãng xương nặng.

ĐỪNG BỎ LỠ: Nên đo mật độ loãng xương ở đâu tốt? TOP 10 địa chỉ uy tín

Biến chứng và tiên lượng

Loãng xương là một trong những nguyên nhân gây tàn phế phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, bệnh không có triệu chứng như các bệnh xương khớp khác nên ít khi được phát hiện và điều trị sớm. Đa phần các trường hợp mắc bệnh đều chỉ phát hiện ra dấu hiệu bất thường sau khi bị gãy xương, lún cột sống.

Khi mật độ khoáng chất suy giảm, xương sẽ trở nên xốp, giòn, dễ gãy. Sức mạnh của xương giảm gây ra nhiều ảnh hưởng đối với cuộc sống từ sinh hoạt hằng ngày cho đến công việc. Khi mật độ xương giảm thấp, bệnh nhân mất hoàn toàn khả năng lao động.

triệu chứng bệnh loãng xương
Biến chứng thường gặp nhất của bệnh loãng xương là gãy, nứt và lún đốt sống thắt lưng

Mặc dù là bệnh xương khớp nhưng loãng xương có liên quan đến rối loạn chuyển hóa và sự bất thường của các hormon, enzyme bên trong. Vì vậy, đa phần bệnh nhân đều mắc đồng thời các vấn đề sức khỏe như hạ canxi máu, bệnh tim mạch, viêm phổi,... Trường hợp nghiêm trọng còn gây tàn phế và giảm tuổi thọ.

Loãng xương là bệnh xương khớp có tiến triển âm thầm, dai dẳng cần được quản lý lâu dài. Nếu tích cực điều trị, khối lượng xương sẽ được duy trì, qua đó hạn chế biến chứng nứt, gãy xương và các vấn đề sức khỏe đi kèm. Tuy nhiên, do phải điều trị lâu dài nên bản thân người bệnh cần có sự nỗ lực, kiên trì.

Điều trị

Bệnh loãng xương cần được điều trị tích cực và lâu dài. Nguyên tắc khi điều trị bệnh lý này là loại trừ các yếu tố nguy cơ, bổ sung vitamin D và canxi để thúc đẩy quá trình tạo cốt bào. Dùng thuốc sẽ được cân nhắc khi mật độ xương giảm đáng kể nhằm bảo vệ khối lượng xương, bảo vệ chức năng vận động và hạn chế biến chứng gãy, nứt xương.

Nhìn chung, điều trị loãng xương sẽ bao gồm các phương pháp sau:

Biện pháp không dùng thuốc

Các biện pháp không dùng thuốc có vai trò quan trọng trong quản lý bệnh loãng xương. Điều chỉnh lối sống giúp tăng cường sức khỏe tổng thể nói chung và sức khỏe xương nói riêng.

triệu chứng bệnh loãng xương
Tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn sẽ giúp tăng cường sức mạnh của xương và cơ

Các biện pháp không dùng thuốc dành cho bệnh loãng xương bao gồm:

  • Tập thể dục đều đặn mỗi ngày, nên lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng, phù hợp với thể trạng. Những bộ môn như yoga, đi bộ, khiêu vũ… có cường độ vận động phù hợp với người cao tuổi, đồng thời giúp ích rất nhiều trong việc gia tăng sức mạnh cho xương và cơ.
  • Thực hiện các bài tập để tăng sức mạnh cho cơ như tập kháng lực, nhấc vật nặng… Mục đích của các bài tập này là giúp người bệnh chủ động trong cuộc sống, hạn chế sự phụ thuộc vào những người xung quanh.
  • Bổ sung canxi và vitamin D thông qua chế độ dinh dưỡng.
  • Tắm nắng 10 - 15 phút mỗi ngày cũng là cách bổ sung vitamin D và thúc đẩy cơ thể hấp thu canxi.
  • Thay đổi những thói quen làm giảm khả năng hấp thu canxi như uống nhiều rượu bia, thuốc lá, cà phê, trà đặc…
  • Ngủ nghỉ đúng giờ, tránh căng thẳng quá mức.

ĐỌC NGAY: Người bệnh loãng xương nên ăn gì và kiêng gì để cải thiện?

Sử dụng thuốc

Thuốc dùng trong điều trị loãng xương bao gồm 2 nhóm chính là thuốc chống hủy xương và thuốc bổ sung canxi, vitamin D. Mục tiêu của dùng thuốc là thúc đẩy quá trình tạo cốt bào, gia tăng chất khoáng trong xương và làm chậm tốc độ mất xương.

điều trị bệnh loãng xương
Sử dụng thuốc thúc đẩy quá trình tạo xương và làm chậm tốc độ hủy xương

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh loãng xương bao gồm:

  • Canxi: Cả nam và nữ giới bị loãng xương đều phải bổ sung ít nhất 1000mg canxi/ ngày. Liều lượng sẽ được điều chỉnh để phù hợp với chế độ ăn uống, độ tuổi, khả năng hấp thu… và liều bổ sung canxi tối đa trong một ngày là 1200mg.
  • Vitamin D: Vitamin D giúp cơ thể hấp thu và chuyển hóa canxi một cách thuận lợi. Để gia tăng chất khoáng trong xương, vitamin D thường được bổ sung với liều 800 - 1000 IU/ ngày.
  • Nhóm thuốc Bisphosphonate: Bisphosphonate là loại thuốc chống hủy xương được sử dụng phổ biến trong điều trị loãng xương. Nhóm thuốc này thường được sử dụng cho loãng xương type 1, type 2 và loãng xương do dùng corticosteroid. Các Bisphosphonate thông dụng bao gồm Alendronate, Zoledronic acid, Calcitonin…
  • Thuốc điều biến chọn lọc thụ thể estrogen (SERMs): SERMs được chỉ định trong điều trị loãng xương sau mãn kinh. Loại thuốc được sử dụng phổ biến hiện nay là Raloxifen với thời gian không quá 2 năm. Thuốc có thể giảm tỷ lệ gãy xương đốt sống nhưng không có hiệu quả ngăn ngừa gãy cổ xương đùi.
  • Liệu pháp hormon: Trường hợp loãng xương sau mãn kinh có thể được cân nhắc liệu pháp hormon. Liệu pháp này được thực hiện bằng cách bổ sung estrogen để đảm bảo mật độ chất khoáng trong xương, duy trì khối lượng xương và hạn chế tình trạng gãy xương. Tuy nhiên, liệu pháp hormon ít được chỉ định trên lâm sàng do làm tăng nguy cơ ung thư vú, bệnh đường mật, bệnh động mạch vành.
  • Denosumab: Denosumab cũng được sử dụng phổ biến trong điều trị loãng xương và mất xương do nhiều nguyên nhân khác. Loại thuốc này có thể làm chậm quá trình tiêu xương bằng cách ức chế thụ thể RANK. Sử dụng Denosumab sẽ giúp duy trì khối lượng xương, hạn chế tình trạng xương nứt, gãy.
  • Các nhóm thuốc khác: Vitamin D và canxi là những loại thuốc bổ sung bắt buộc. Tuy nhiên, nhóm thuốc chống hủy xương sẽ được linh hoạt sử dụng tùy theo tình trạng cụ thể. Ngoài những nhóm thuốc trên, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc Strontium ranelate, Deca-Durabolin và Durabolin.

Các loại thuốc điều trị loãng xương phải được sử dụng lâu dài để có thể duy trì khối lượng xương và ngăn ngừa gãy xương hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả mang lại, thuốc cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và tác dụng phụ. Khi điều trị bằng thuốc, cần tái khám định kỳ để đo chức năng gan, thận, xét nghiệm công thức máu.

Điều trị biến chứng

Loãng xương gây ra nhiều biến chứng, trong đó biến chứng đau cấp, mãn tính và gãy xương có thể được điều trị.

Các phương pháp điều trị biến chứng của bệnh loãng xương:

  • Điều trị đau: Đau do loãng xương thường do gãy, lún cột sống. Điều trị đau bao gồm dùng thuốc giảm đau (Paracetamol hoặc thuốc giảm đau gây nghiện opioid) kết hợp với Calcitonin. Ngoài ra, có thể kết hợp thêm với các bài tập tăng cường, chườm ấm, xoa bóp…
  • Gãy xương: Gãy xương là biến chứng thường gặp của bệnh loãng xương. Tùy theo vị trí gãy, bác sĩ sẽ lựa chọn các phương pháp như bơm xi măng vào thân đốt sống, đeo nẹp, thay khớp, thay đốt sống nhân tạo.

Điều trị lâu dài

Loãng xương là bệnh xương khớp mãn tính, diễn tiến suốt đời. Do đó, người bệnh cần dùng thuốc lâu dài kết hợp với điều chỉnh lối sống để quản lý bệnh thành công.

Điều trị lâu dài sẽ bao gồm tuân thủ chỉ định của bác sĩ, đo lại mật độ xương khoảng 1 năm/ lần. Tái khám thường xuyên để đánh giá chức năng gan, thận và công thức máu. Sau khoảng 3 - 5 năm, bệnh nhân sẽ được khám tổng quát để đánh giá mức độ cải thiện, từ đó bác sĩ có thể xem xét hướng điều trị phù hợp trong tương lai.

Phòng ngừa

Tần suất mắc bệnh loãng xương đang có xu hướng tăng mạnh với tỷ lệ xấp xỉ các vấn đề tim mạch. Vì vậy, nên trang bị các biện pháp phòng ngừa bệnh loãng xương, đặc biệt là với những đối tượng có nguy cơ cao như phụ nữ sau mãn kinh, dùng corticoid dài ngày, tiền sử gia đình bị loãng xương…

điều trị bệnh loãng xương
Bổ sung đầy đủ canxi, vitamin D và khoáng chất là cách phòng ngừa loãng xương hiệu quả

Các biện pháp phòng ngừa bệnh loãng xương:

  • Tập thể dục đều đặn để duy trì sức mạnh của xương và cơ.
  • Thay đổi thói quen lười vận động và tránh lao động nặng khi tuổi tác cao.
  • Bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D thông qua chế độ dinh dưỡng. Nếu có các vấn đề sức khỏe gây giảm hấp thu khoáng chất, nên dùng viên uống bổ sung theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Không lạm dụng corticoid, nếu phải dùng thuốc dài ngày nên tăng cường bổ sung canxi để phòng ngừa loãng xương.
  • Thay đổi các thói quen xấu như hút thuốc lá và lạm dụng rượu bia.
  • Chủ động đo mật độ xương 1 - 2 năm/ lần để phát hiện sớm tình trạng thiểu sản xương.
  • Nữ giới đang bước vào giai đoạn tiền mãn kinh nên bổ sung estrogen thông qua các loại thực phẩm như mầm đậu nành. Duy trì nồng độ nội tiết sẽ đảm bảo sự cân bằng giữa quá trình tạo xương - hủy xương, qua đó hạn chế nguy cơ mắc bệnh loãng xương.

Điều trị tích cực các vấn đề sức khỏe có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương như cường cận giáp trạng, suy tuyến sinh dục, bệnh thận mãn tính, nhuyễn xương…

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Bệnh loãng xương có nguy hiểm không? Gây biến chứng gì?

2. Bệnh loãng xương có chữa được không?

3. Bệnh loãng xương nên ăn gì, kiêng gì để cải thiện mật độ xương?

4. Bị bệnh loãng xương thiếu chất gì? Bổ sung bằng cách nào?

5. Bộ môn nào tốt cho người bị loãng xương?

6. Bị loãng xương nên uống sữa gì?

7. Bệnh loãng xương có lây hay di truyền không?

Loãng xương hiện đang là vấn đề sức khỏe được quan tâm bên cạnh các bệnh lý tim mạch và tiểu đường. Do bệnh gần như không triệu chứng nên chỉ có thể phát hiện bằng cách đo mật độ xương hằng năm. Ngoài ra, có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, khoa học.

THÔNG TIN HỮU ÍCH