Bệnh Táo Bón
Táo bón không phải là bệnh lý mà chỉ được xem là hình thái lâm sàng của rối loạn đại tiện. Nguyên nhân vô cùng đa dạng nhưng thường có liên quan đến tác dụng phụ của thuốc, thói quen sinh hoạt và ăn uống thiếu khoa học. Táo bón có thể được cải thiện thông qua lối sống và dùng thuốc, tuy nhiên một số trường hợp sẽ phải can thiệp các phương pháp chuyên sâu hơn.
Tổng quan
Táo bón (Constipation) thực chất không phải là bệnh mà chỉ được coi là triệu chứng. Tình trạng này đặc trưng bởi việc giảm tần suất đi tiêu (ít nhất 3 lần/ tuần) và đi kèm với một trong những triệu chứng như phân cứng, khó khăn khi đại tiện, đi tiêu không hết, có cảm giác hậu môn - trực tràng bị tắc nghẽn và cần phải dùng tay để hỗ trợ trong lúc đi tiêu.
Táo bón có thể gặp ở trẻ em và người lớn. Số lần đi tiêu của trẻ dưới 3 tuổi dao động từ 1 - 3 lần nhưng trẻ trên 3 tuổi và người trưởng thành chỉ đi tiêu 1 lần/ ngày. Một số người có thể đại tiện với tần suất hạn chế hơn do thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống. Nếu số lần đi tiêu dưới 3 lần/ tuần thì khả năng cao là mắc bệnh táo bón.
Về cơ bản, táo bón không thực sự nguy hiểm mà chỉ gây ra những phiền toái, khó chịu trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, táo bón lâu ngày sẽ làm tăng áp lực lên tĩnh mạch trực tràng - hậu môn gây ra bệnh trĩ (lòi dom), nứt kẽ hậu môn và rò hậu môn. Vì vậy, dù là táo bón ở trẻ em hay người lớn đều cần có biện pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Phân loại bệnh
Bệnh táo bón được chia thành 2 loại dựa vào căn nguyên.
Táo bón do nguyên nhân thực thể
Nguyên nhân thực thể bao gồm các tình trạng sức khỏe hoặc thuốc gây ảnh hưởng đến nhu động ruột. Kết quả là gây rối loạn đại tiện dẫn đến giảm số lần đi tiêu, phân khô cứng kèm theo cảm giác khó chịu.
Thống kê cho thấy, khoảng 5 - 10% trường hợp táo bón xảy ra do nguyên nhân này. Với bệnh táo bón do nguyên nhân thực thể, có thể cải thiện bằng cách điều trị bệnh nguyên.
Táo bón do nguyên nhân cơ năng
Táo bón do nguyên nhân cơ năng là tình trạng táo bón đã loại trừ các nguyên nhân có liên quan đến tổ chức sinh hóa học và giải phẫu. Nguyên nhân chủ yếu là ống tiêu hóa bị rối loạn hoặc chưa hoàn thành chức năng dẫn đến chậm nhu động ruột, trực tràng tăng hấp thụ nước và điện giải khiến phân cứng, khó bài xuất ra bên ngoài.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Đại tiện là hoạt động ống tiêu hóa bài xuất chất cặn bã sau khi đã hấp thu dinh dưỡng, nước và điện giải. Thực tế, không có hoạt động nào của cơ thể chịu nhiều ảnh hưởng từ bên ngoài so với đại tiện. Vì vậy, chỉ cần một thay đổi nhỏ, táo bón có thể xảy ra.
Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh táo bón. Để thuận tiện cho việc điều trị, nguyên nhân được chia thành 2 nhóm chính:
Nguyên nhân thực thể
Nguyên nhân thực thể là các vấn đề sức khỏe và thuốc có thể ảnh hưởng đến nhu động ruột. Trường hợp này ít gặp với tỷ lệ chỉ 5 - 10%. Táo bón do nguyên nhân thực thể còn được biết đến với cái tên là táo bón thứ phát.
Các nguyên nhân thực thể gây bệnh táo bón bao gồm:
- Các bệnh đường ruột: Loạn sản thần kinh đường ruột, giải phẫu hậu môn - trực tràng bất thường, bệnh phình to đại tràng (Hirschsprung), trĩ huyết khối, to trực tràng vô căn, nứt hậu môn...
- Các hội chứng rối loạn nội tiết, chuyển hóa: Đái tháo đường (tiểu đường type 2), suy giáp, hạ kali huyết, tăng canxi huyết, nhiễm độc vitamin D, thay đổi hormone khi mang thai…
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc: Thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamin, thuốc kháng cholinergic, thuốc kháng axit, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc chẹn canxi, thuốc lợi tiểu, thuốc giảm đau gây nghiện…
- Các rối loạn tâm thần: Trầm cảm, chứng biếng ăn tình dục, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn lo âu…
- Chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý: Ít ăn rau xanh, không uống đủ 2 lít nước/ ngày, dùng thức ăn cay nóng, nhiều gia vị, uống nhiều rượu bia và cà phê. Ngoài ra, bệnh táo bón còn xảy ra do thói quen nhịn đại tiện và lười vận động.
- Các nguyên nhân khác: Lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì, lạm dụng tình dục quá mức, thừa cân - béo phì, tuổi tác cao…
Nguyên nhân cơ năng
Táo bón do nguyên nhân cơ năng là trường hợp đã loại trừ hết các nguyên nhân thực thể về tổ chức sinh hóa học và giải phẫu. Yếu tố trực tiếp dẫn đến táo bón trong trường hợp này là do giảm nhu động (ruột giảm co bóp) và rối loạn hấp thu nước - điện giải ở trực tràng khiến phân trở nên khô, cứng.
Táo bón do nguyên nhân cơ năng còn được gọi là táo bón nguyên phát với 3 loại chính sau:
- Nhu động ruột bình thường: Ở trường hợp này phân di chuyển qua đại tràng với tốc độ bình thường, nhưng đầu phân trở nên khô cứng gây ra cảm giác khó khăn khi đại tiện.
- Nhu động ruột chậm: Nhu động ruột chậm là tình trạng đại tràng giảm co bóp khiến cho thời gian phân di chuyển qua ruột già tăng lên. Vì thế, lượng nước trong phân giảm đi dẫn đến tình đầu phân khô, thể tích giảm gây khó khăn khi đi tiêu. Nhu động ruột chậm thường đi kèm với tình trạng tiêu hóa kém, đầy hơi, chướng bụng.
- Rối loạn chức năng sàn chậu: Táo bón do nguyên nhân này thường có cảm giác muốn đi tiêu nhưng không thể bài xuất hết phân trong ống trực tràng - hậu môn. Nguyên nhân là do rối loạn sự phối hợp giữa cơ thắt hậu môn và cơ đáy chậu.
Táo bón do nguyên nhân cơ năng thường gặp ở bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích thể táo bón. Ngoài ra, nhiều trường hợp táo bón cơ năng mãn tính tự phát không thể xác định được nguyên nhân.
Triệu chứng và chẩn đoán
Táo bón khá dễ nhận biết với đặc điểm chính là giảm tần suất đi tiêu (ít hơn 3 lần/ tuần). Tuy nhiên, một số trường hợp chỉ bị táo bón thoáng qua do thói quen ăn uống và sinh hoạt. Vì vậy, cần nhận biết đúng các triệu chứng của bệnh táo bón để thăm khám khi cần thiết.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh táo bón:
- Số lần đi tiêu ít hơn 3 lần/ tuần và tình trạng phải kéo dài hơn 1 tháng.
Đồng thời phải có ít nhất 2 tiêu chí sau:
- Khó khăn khi đại tiện
- Phân cứng
- Có cảm giác đi tiêu không hết
- Cảm giác tắc nghẽn hậu môn - trực tràng
- Són phân ít nhất 1 lần/ tuần
- Phải dùng tay để hỗ trợ trong lúc đại tiện (ép bụng để đẩy phân ra bên ngoài)
Đối với trẻ nhỏ dưới 4 tuổi, bác sĩ có thể sử dụng tiêu chí khác như đại tiện ít hơn 2 lần/ lần, tiền sử đại tiện phân khuôn kích thước lớn, tiền sử đại tiện phân cứng + đau khi đại tiện, tiền sử ứ phân quá mức, són phân ít nhất 1 lần/ tuần…
Táo bón không phải là tình trạng quá nghiêm trọng. Với những trường hợp thông thường, thay đổi thói quen sinh hoạt và ăn uống hợp lý có thể cải thiện hoạt động đại tiện. Tuy nhiên, nếu táo bón kéo dài trong 3 - 4 tuần, bạn nên thăm khám để được xác định nguyên nhân.
Như đã đề cập, có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh táo bón nên chẩn đoán thường mất khá nhiều thời gian. Ngoài chẩn đoán xác định, các bác sĩ sẽ khám thể chất, khai thác tiền sử bệnh để tìm nguyên nhân cụ thể - đặc biệt trong trường hợp táo bón mãn tính.
Các bước chẩn đoán bệnh táo bón:
- Khám lâm sàng: Dựa vào triệu chứng lâm sàng, bác sĩ có thể dễ dàng xác định bệnh táo bón ở cả trẻ em và người trưởng thành.
- Bệnh sử: Khai thác bệnh sử sẽ giúp phân biệt táo bón với các bệnh lý có triệu chứng tương tự. Bên cạnh đó, bước này còn giúp bác sĩ xác định nguyên nhân bệnh lý và các loại thuốc gây ra tình trạng táo bón.
- Khám thể chất: Khám bụng, khám hậu môn - trực tràng bằng tay sẽ giúp bác sĩ phát hiện hiện tượng ứ phân ở trực tràng. Bước này còn có thể phát hiện nứt kẽ hậu môn, rối loạn thần kinh, hẹp hậu môn…
- X-Quang: X-Quang bụng thường được kết hợp với chất cản quang để phát hiện phình đại tràng bẩm sinh và giãn trực tràng. Hình ảnh từ xét nghiệm này rất có giá trị trong chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh táo bón.
- Chụp Sitzmark: Chụp Sitzmark cho phép bác sĩ đo thời gian chuyển tiếp trong đại tràng. Kỹ thuật này được chỉ định với táo bón do nguyên nhân cơ năng để xác định thời gian chuyển tiếp trong đại tràng chậm hay bình thường.
- Chụp cộng hưởng từ động học sàn chậu tống phân (Defecography): Trường hợp nghi ngờ rối loạn chức năng của đáy chậu sẽ được thực hiện Defecography. Thông qua kỹ thuật này, bác sĩ có thể phát hiện các dấu hiệu bất thường như lồng ruột, sa trực tràng…
- Đo áp lực hậu môn - trực tràng: Đo áp lực hậu môn - trực tràng giúp bác sĩ đánh giá phản xạ ức chế hậu môn - trực tràng, cảm giác trực tràng, động lực đại tiện và trương lực của cơ thắt hậu môn. Kỹ thuật này được chỉ định để loại trừ bệnh Hirschsprung - phình to đại tràng bẩm sinh.
Trong thực tế, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng khác để xác định nguyên nhân gây bệnh. Tìm bệnh nguyên là yếu tố quan trọng, quyết định đến quá trình và hiệu quả điều trị táo bón.
Biến chứng và tiên lượng
Về cơ bản, táo bón không đe dọa trực tiếp đến sức khỏe. Ảnh hưởng đầu tiên của tình trạng này là cảm giác khó chịu, đau khi đại tiện. Hơn nữa, cảm giác không đi tiêu hết có thể khiến người bệnh khó chịu, khó tập trung cho những công việc khác.
Khi bị táo bón, áp lực lên trực tràng - hậu môn sẽ gia tăng trong một thời gian dài. Nếu không được điều trị kịp thời, táo bón có thể gây ra các biến chứng như:
- Bệnh trĩ
- Gia tăng nguy cơ viêm nhiễm đại tràng, trực tràng
- Nứt kẽ hậu môn
- Tắc ruột do phân
- Sa trực tràng
Táo bón thường đi kèm với các rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu, ăn uống kém, chậm hấp thu… Trẻ em bị táo bón có biểu hiện chậm lớn do lười ăn, ăn ít. Vì vậy, dù do nguyên nhân nào, táo bón cũng cần được điều trị sớm để đảm bảo chức năng của ống tiêu hóa.
Điều trị
Điều trị táo bón thường được bắt đầu bằng cách thay đổi thói quen và điều chỉnh chế độ ăn. Nếu cần thiết, có thể sử dụng một số loại thuốc để quá trình đại tiện diễn ra thuận lợi. Táo bón mãn tính sẽ được cân nhắc điều trị phản hồi sinh học và phẫu thuật khắc phục bệnh nguyên.
Các phương pháp điều trị bệnh táo bón bao gồm:
Điều chỉnh hành vi
Một số thói quen xấu sẽ làm cản trở hoạt động đại tiện gây ra tình trạng phân khô cứng, khó khăn khi đi tiêu. Bước đầu tiên, bệnh nhân sẽ được bác sĩ trang bị kiến thức để có thể điều chỉnh hành vi phù hợp.
- Thay đổi thói quen nhịn đi tiêu vì ngại sử dụng nhà vệ sinh công cộng… Thay vào đó, nên đi tiêu ngay khi có nhu cầu để cải thiện tình trạng táo bón.
- Tập thể dục thường xuyên để tăng nhu động ruột và đảm bảo quá trình đại tiện diễn ra thuận lợi. Những người có thói quen vận động hằng ngày có thể đi tiêu dễ dàng, ít gặp phải tình trạng khó đi tiêu, đầu phân khô, cứng.
- Nên đại tiện vào giờ giấc cụ thể để tạo thói quen cho ống tiêu hóa. Bằng cách này, có thể chủ động lựa chọn không gian thoải mái để đại tiện một cách thuận lợi.
- Hạn chế căng thẳng, lo âu. Một tinh thần thoải mái sẽ giúp quá trình bài xuất phân diễn ra thuận lợi, tránh tình trạng phân ứ đọng bên trong trực tràng gây ra cảm giác khó chịu.
- Khi đại tiện, không nên sử dụng điện thoại hay đọc sách, báo. Nên tập trung, tránh xao nhãng để việc bài xuất phân ra khỏi ống tiêu hóa diễn ra thuận lợi.
Thay đổi chế độ ăn
Ăn ít chất xơ, chế độ ăn quá nhiều đạm, chất béo và gia vị cay nóng là những thói quen gây ra táo bón. Bằng cách thay đổi chế độ ăn, tình trạng phân cứng và khó đi tiêu sẽ được cải thiện rõ rệt.
Chế độ dinh dưỡng giúp cải thiện bệnh táo bón tập trung vào việc tăng cường chất xơ, bổ sung đủ nước và hạn chế gia vị. Ngay cả khi không bị táo bón, tăng cường chất xơ trong thực đơn ăn uống hằng ngày cũng được khuyến khích để làm sạch ống tiêu hóa.
Chế độ ăn giúp cải thiện bệnh táo bón:
- Tăng cường chất xơ bằng rau xanh và các loại trái cây. Nên ưu tiên các loại quả và rau mềm, dễ tiêu hóa như rau cải, mồng tơi, rau đay, quả bơ, đu đủ…
- Uống đủ 1.5 - 2 lít nước/ ngày tùy theo độ tuổi và cường độ vận động. Cung cấp đủ nước giúp duy trì độ ẩm trong phân, tránh trường hợp phân khô, cứng gây khó chịu khi đại tiện.
- Kiêng cà phê, trà, rượu bia và nước ngọt có gas.
- Hạn chế các loại thực phẩm dễ gây táo bón như đạm động vật, chất béo, món ăn chứa nhiều gia vị (đặc biệt là muối, ớt, tiêu).
- Bổ sung probiotic cho đường ruột bằng các loại thực phẩm như sữa chua, kombucha… Probiotic làm tăng lợi khuẩn cho đường ruột, qua đó giúp cải thiện nhu động đại tràng và hạn chế tình trạng táo bón.
- Trường hợp đang dùng thuốc, nên trao đổi với bác sĩ để đổi loại thuốc khác nếu bị táo bón nặng.
Sử dụng thuốc
Có nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh táo bón. Trong đó, thuốc nhuận tràng là loại thuốc thông dụng nhất. Tuy nhiên, cần lưu ý thuốc chỉ giúp giải quyết cơ bản chứng táo bón, khi ngưng thuốc tình trạng có thể tái phát. Vì vậy, bắt buộc phải kết hợp với điều chỉnh hành vi và thói quen ăn uống.
Các loại thuốc dùng trong điều trị bệnh táo bón:
- Thuốc bôi trơn: Trường hợp cảm thấy khó khăn khi đại tiện, có thể sử dụng các loại thuốc bôi trơn như parafin thoa vào trực tràng - hậu môn. Sau khi bôi trơn hậu môn, phân có thể dễ dàng bài xuất ra ngoài. Hơn nữa, dầu parafin còn giúp bảo vệ niêm mạc hậu môn trước áp lực trong quá trình đại tiện.
- Thuốc nhuận tràng tạo khối: Thuốc nhuận tràng tạo khối (Polycarbophil, Psyllium, Methylcellulose) được sử dụng trong trường hợp phân nhỏ, cứng. Tác dụng của thuốc là hút nước để làm mềm phân, từ đó làm tăng nhu động ruột để đảm bảo quá trình đại tiện diễn ra đều đặn 1 lần/ ngày.
- Thuốc nhuận tràng thẩm thấu: Gồm các loại là muối nhuận tràng và các polyalcohol không hấp thu và polyethylene glycol. Thuốc có tác dụng kéo nước ra khỏi các mô ruột kết để tăng thể tích và làm mềm phân. Một lưu ý khi dùng nhóm thuốc là phải uống nhiều nước.
- Thuốc làm mềm phân: Docusat là loại thuốc làm mềm phân được sử dụng phổ biến. Tương tự như thuốc nhuận tràng, thuốc có hiệu quả làm mềm phân và giữ nước trong phân giúp cho quá trình đại tiện diễn ra thuận lợi. Thuốc còn bao bọc lấy bề mặt phân một lớp dầu giúp cho quá trình đại tiện trở nên dễ dàng, hạn chế cảm giác đau.
Biofeedback - Phản hồi sinh học
Trường hợp táo bón mãn tính sẽ được cân nhắc điều trị bằng phản hồi sinh học. Nguyên lý cơ bản của phương pháp này là người bệnh hình thành hành vi mới thông qua quá trình thử nghiệm. Mục tiêu của Biofeedback là cải thiện sức bền của cơ thắt hậu môn, tăng cường cảm giác hậu môn - trực tràng, cải thiện sự điều phối giữa cơ thắt hậu môn, cơ mông và cơ bụng.
Biofeedback thường được chỉ định trong trường hợp táo bón do rối loạn động vận đáy chậu. Sau khi can thiệp, tình trạng rối loạn đại tiện sẽ được cải thiện đáng kể.
Phẫu thuật
Trường hợp điều trị phản hồi sinh học thất bại sẽ được cân nhắc phẫu thuật. Tùy theo tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật phù hợp.
Ngoài điều trị triệu chứng, cần điều trị nguyên nhân gây táo bón thứ phát như bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn… Chỉ khi các bệnh nguyên được kiểm soát, tình trạng táo bón mới thuyên giảm hoàn toàn.
Tham khảo chi tiết: Táo bón uống thuốc gì?
Phòng ngừa
Táo bón là tình trạng phổ biến có thể gặp ở mọi lứa tuổi và hầu hết mọi người đều gặp phải tình trạng này ít nhất một lần trong đời. Táo bón cũng có thể tái phát thường xuyên nếu không điều chỉnh thói quen xấu. Vì vậy nên chủ động phòng ngừa bằng các biện pháp sau:
- Tăng cường chất xơ trong thực đơn ăn uống hằng ngày. Bổ sung nhiều rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, củ và trái cây. Trường hợp hay bị táo bón có thể dùng hạt chia, mồng tơi, đu đủ, bơ, dưa gang… để quá trình đại tiện diễn ra thuận lợi.
- Uống đủ 2 lít nước/ ngày, có thể bổ sung nước khoáng kiềm để phòng ngừa táo bón hiệu quả.
- Hạn chế đồ uống chứa cồn và thức uống chứa caffeine như cà phê, trà đặc.
- Giảm dung nạp chất béo, đạm động vật, tăng cường đạm thực vật.
- Tập thói quen ăn nhạt, hạn chế muối và các loại gia vị cay nóng.
- Đi tiêu ngay khi có nhu cầu, tốt nhất nên đại tiện vào thời điểm cụ thể để đảm bảo có thể đi tiêu đều đặn 1 lần/ ngày.
- Dành 30 phút/ ngày để tập thể dục, các bộ môn như đi bộ, chạy bộ, tennis, cầu lông, yoga… đều có hiệu quả phòng ngừa táo bón và cải thiện nhu động ruột.
- Trẻ nhỏ thường xuyên bị táo bón, đầy hơi, bố mẹ có thể cho trẻ tắm nước ấm và massage bụng thường xuyên.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Bị táo bón có nhất thiết phải thực hiện các chẩn đoán chuyên sâu?
2.T ôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán táo bón?
3. Vì sao tôi bị táo bón?
4. Tôi cần làm gì để cải thiện bệnh táo bón?
5. Nên uống thuốc gì để điều trị táo bón?
6. Bị táo bón mãn tính phải làm sao?
7. Trường hợp nào cần phẫu thuật?
8. Làm sao để phòng ngừa bệnh táo bón tái phát?
Bệnh táo bón gây ra những phiền toái trong sinh hoạt và gia tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn… Dù không quá nguy hiểm nhưng táo bón cần được điều trị, khắc phục sớm để cải thiện hoạt động tiêu hóa. Trường hợp táo bón mãn tính nên xem xét các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn bên cạnh việc sử dụng thuốc và điều chỉnh lối sống.