Bệnh Trào Ngược Dạ Dày
Bệnh trào ngược dạ dày (GERD) khác với hiện tượng trào ngược sinh lý. Triệu chứng điển hình là ợ nóng, nôn trớ thức ăn, buồn nôn và nóng rát vùng ngực. Trào ngược dạ dày cần phải được điều trị sớm, tích cực để tránh biến chứng viêm loét thực quản, xuất huyết tiêu hóa, ung thư…
Tổng quan
Bệnh trào ngược dạ dày (Gastroesophageal Reflux Disease - GERD) hay được gọi đầy đủ là trào ngược dạ dày - thực quản. Thuật ngữ này đề cập đến hiện tượng thức ăn, dịch vị bên trong dạ dày trào ngược lên thực quản một cách không tự ý (khác với trào ngược do cố ý gây nôn).
Trào ngược đôi khi là phản ứng sinh lý khi ăn quá no hoặc vận động mạnh sau khi ăn. Đặc điểm của trào ngược sinh lý là tần suất thấp, xảy ra trong thời gian ngắn và hầu như không gây ra bất cứ triệu chứng gì. Ngược lại, trào ngược bệnh lý xảy ra với tần suất thường xuyên gây ra nhiều triệu chứng và biến chứng.
Trào ngược dạ dày có thể gặp ở mọi lứa tuổi từ trẻ sơ sinh cho đến người trưởng thành và người cao tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh cao ở các nước phương Tây và đang có xu hướng gia tăng ở các nước châu Á. Tỷ lệ mắc bệnh ở khu vực Đông Nam Á xấp xỉ khoảng 10%.
Phân loại bệnh
Bệnh trào ngược dạ dày được phân loại dựa vào mức độ tổn thương thực quản:
- Trào ngược dạ dày độ 0: Ở giai đoạn này, các cơn trào ngược xảy ra với tần suất thấp, không đáng kể. Do đó, niêm mạc thực quản gần như chưa bị tổn thương. Các triệu chứng ở giai đoạn độ 0 rất mờ nhạt nên thường bị bỏ qua.
- Trào ngược dạ dày độ A: Trào ngược dạ dày độ A là giai đoạn đầu của bệnh với tổn thương thực quản mức độ nhẹ. Các triệu chứng bắt đầu rõ rệt hơn, tần suất trào ngược, ợ nóng cũng xảy ra thường xuyên sau mỗi bữa ăn.
- Trào ngược dạ dày độ B: Trào ngược dạ dày độ B được xác định khi niêm mạc thực quản xuất hiện tổn thương, vết trợt có kích thước trên 5mm. Tổn thương ở thực quản sẽ gây đau, khó chịu khi nuốt. Đồng thời cơn trào ngược và các triệu chứng cũng sẽ xuất hiện với tần suất dày đặc hơn trước.
- Trào ngược dạ dày độ C: Trào ngược dạ dày độ C là tình trạng trào ngược dai dẳng gây Barrett thực quản. Ở giai đoạn này, các triệu chứng trở nên rõ rệt hơn. Nếu không được điều trị, Barrett thực quản có thể dẫn đến ung thư thực quản nguyên phát.
- Trào ngược dạ dày độ D: Cấp độ D là mức độ nghiêm trọng của bệnh trào ngược dạ dày. Ngoài các triệu chứng thông thường, ở giai đoạn này, sức khỏe tổng thể suy giảm nghiêm trọng do ăn uống kém, giảm khả năng hấp thu. Nhiều trường hợp gặp phải biến chứng ung thư, thủng, loét thực quản.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Trào ngược dạ dày là bệnh thường gặp với nguyên nhân khá đa dạng. Thông thường, khi nuốt, cơ vòng thực quản dưới sẽ mở ra để thức ăn đi xuống dạ dày và đường ruột, sau đó đóng lại. Tuy nhiên, ở những người bị trào ngược dạ dày, cơ vòng thực quản dưới bị suy yếu dẫn đến tình trạng đóng - mở bất thường. Kết quả là thức ăn, dịch vị bên trong dạ dày trào ngược lên phía trên.
Khi dịch dạ dày trào ngược lên phía trên, Bicarbonat trong nước bọt và dịch nhầy thực quản sẽ trung hòa HCl nhằm làm giảm sự kích thích của axit dạ dày lên niêm mạc thực quản. Do đó, trào ngược sinh lý thường gây ra triệu chứng hoặc chỉ làm phát sinh các triệu chứng nhẹ.
Sau khi trung hòa dịch vị, thức ăn và dịch dạ dày sẽ được đẩy xuống phía dưới do nhu động thực quản. Đây cũng là lý do trào ngược sinh lý hoàn toàn không phải điều trị.
Ngược lại, bệnh trào ngược dạ dày cần điều trị để tránh biến chứng. Các cơn trào ngược xuất hiện liên tục sẽ kích thích lên niêm mạc thực quản.
Bệnh trào ngược dạ dày có mối liên hệ với hoạt động của cơ vòng thực quản dưới. Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra bất thường ở cơ vòng thực quản dưới dẫn đến trào ngược dạ dày:
- Thoát vị hoành
- Dạ dày tăng tiết axit
- Rối loạn chức năng dạ dày dẫn đến tiêu hóa chậm, ứ đọng thức ăn, từ đó làm tăng áp lực lên cơ vòng thực quản dưới
- Rối loạn nhu động thực quản
- Giảm tiết nước bọt (do hút thuốc lá và các bệnh nội khoa)
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc như Dopamin, Anticholinergic, Theophylline, thuốc ức chế canxi, thuốc chống viêm không steroid (NSAID)...
- Căng thẳng, stress kéo dài
- Mang thai
- Di truyền
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori
- Thói quen xấu (hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, nước có gas, ăn quá no, nằm sau khi ăn, thường xuyên dùng thức ăn chứa nhiều chất béo, đường…)
Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh trào ngược dạ dày và đa phần các trường hợp mắc bệnh đều là kết quả của nhiều yếu tố kết hợp. Trong đó, những đối tượng có nguy cơ cao thường là phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh (đặc biệt là trẻ sinh thiếu tháng), người thừa cân - béo phì, người bị viêm loét dạ dày tá tràng, lối sống thiếu lành mạnh…
Triệu chứng và chẩn đoán
Bệnh trào ngược dạ dày đặc trưng bởi tình trạng trào ngược từ dạ dày lên thực quản. Các triệu chứng tương đối điển hình, dễ nhận biết. Nếu không được điều trị, triệu chứng sẽ nghiêm trọng hơn theo thời gian gây ra nhiều biến chứng.
Thực tế, dịch vị và thức ăn từ dạ dày không chỉ trào ngược lên thực quản mà còn có thể gây ra các triệu chứng ngoài thực quản.
Các triệu chứng của trào ngược dạ dày tại thực quản bao gồm:
- Ợ nóng: Ợ nóng là triệu chứng điển hình của trào ngược dạ dày - thực quản. Cảm giác nóng rát xuất hiện ở cổ họng hoặc kéo dài dọc theo thực quản, mức độ tăng lên khi nằm sau khi ăn, ép bụng, nằm ngửa, đặc biệt vùng xương ức có cảm giác nóng rát nhiều sau khi dùng các món ăn nhiều gia vị, cay nóng.
- Nôn trớ: Trào ngược dịch vị, thức ăn lên thực quản sẽ gây ra hiện tượng nôn trớ. Trẻ sơ sinh có hiện tượng trớ sữa sau khi bú. Người lớn thường có cảm giác buồn nôn do trớ thức ăn sau khi ăn no.
- Khó nuốt: Khó nuốt là một trong những biểu hiện điển hình của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Tình trạng này có thể là do niêm mạc thực quản bị trợt loét gây đau, khó nuốt.
- Đau tức vùng ngực: Dịch vị dạ dày có tính axit nên khi trào ngược sẽ gây co thắt và đau tức ở vùng ngực. Vùng ngực co thắt có thể gây khó thở, đau nhói đột ngột.
- Đau khi nuốt: Ban đầu, trào ngược dạ dày chỉ gây ợ nóng và nôn trớ. Tuy nhiên theo thời gian, dịch vị kích thích làm tổn thương niêm mạc thực quản gây ra cảm giác đau khi nuốt. Trẻ sơ sinh thường có biểu hiện bỏ bú, biếng ăn do cảm giác đau khi nuốt.
- Rối loạn giấc ngủ: Khi nằm, áp lực lên cơ vòng thực quản dưới gia tăng gây trào ngược. Do đó, hầu hết những trường hợp bị trào ngược đều có các vấn đề về giấc ngủ như khó ngủ, dễ thức giấc, ngủ không ngon.
Các triệu chứng ngoài thực quản của bệnh trào ngược dạ dày thực quản:
- Ho mãn tính, dai dẳng: Khoảng 20 - 25% trường hợp trào ngược dạ dày có biểu hiện ho dai dẳng. Ho là phản ứng tự nhiên khi thực quản, cổ họng bị kích thích. Tác nhân kích thích trong trường hợp này là HCl và thức ăn có trong dạ dày.
- Các vấn đề hô hấp: Dịch vị dạ dày có đặc tính axit gây kích ứng, trợt loét ống thực quản và cổ họng. Do đó, bệnh trào ngược dạ dày còn gây ra một số vấn đề hô hấp như hen phế quản, viêm thanh quản, viêm họng…
Các triệu chứng của trào ngược dạ dày khá đặc trưng và dễ nhận biết. Ngay khi nhận thấy hiện tượng trào ngược xảy ra thường xuyên, nôn trớ sau khi ăn kèm theo ợ nóng và đau tức vùng ngực, nên thăm khám để được điều trị sớm.
Ngoài khám lâm sàng (hỏi bệnh, khai thác tiền sử bệnh lý, lịch sử dụng thuốc), bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để có đủ dữ liệu đưa ra chẩn đoán xác định. Các xét nghiệm cận lâm sàng được thực hiện bao gồm chụp X-Quang cản quang, nội soi đường tiêu hóa trên, đo pH thực quản 24 giờ, siêu âm, đo áp lực cơ vòng thực quản dưới, test Bernstein, mô bệnh học…
Bảng câu hỏi GERD cũng được sử dụng để xác định bệnh trào ngược dạ dày thực quản và phân biệt với trào ngược sinh lý. Ở một số trường hợp chưa xuất hiện tổn thương thực quản, bác sĩ sẽ cho điều trị thử bằng thuốc ức chế bơm proton (PPI) trong 1 - 2 tuần để xác định có phải là trào ngược dạ dày hay không.
Biến chứng và tiên lượng
Trào ngược dạ dày là vấn đề tiêu hóa thường gặp bên cạnh viêm loét dạ dày - tá tràng. Nhìn chung, bệnh lý này có tiên lượng tốt nếu được thăm khám và điều trị tích cực. Các phương pháp điều trị có thể giải quyết triệu chứng và kiểm soát nguyên nhân.a
Ngoài điều trị y tế, nên kết hợp với các biện pháp hỗ trợ để tăng cường cơ vòng thực quản dưới, giảm tần suất trào ngược sau khi ăn. Nếu tích cực điều trị và chủ động trong cách chăm sóc, trào ngược dạ dày - thực quản có thể được kiểm soát hoàn toàn.
Trào ngược dạ dày không chỉ gây ra phiền toái khi ăn uống, sinh hoạt mà còn kéo theo nhiều biến chứng nếu không được điều trị. Dịch vị có tính axit do chứa HCl nên theo thời gian sẽ gây tổn thương, trợt loét niêm mạc thực quản và các cơ quan lân cận (họng, thanh quản).
Nếu không điều trị, bệnh trào ngược dạ dày có thể gây ra các biến chứng như viêm phổi hít, Barrett thực quản, loét thực quản, xuất huyết tiêu hóa, chít hẹp thực quản, ung thư thực quản… Ngoài ra, trào ngược dạ dày còn là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe như mất ngủ, tái phát các bệnh hô hấp như viêm họng, viêm thanh quản, viêm tai giữa.
Điều trị
Trào ngược dạ dày cần được điều trị để ngăn ngừa biến chứng và giảm triệu chứng. Thời gian điều trị phụ thuộc vào mức độ tổn thương của thực quản. Sau khi triệu chứng thuyên giảm và tổn thương thực quản lành hoàn toàn, vẫn cần duy trì các biện pháp không dùng thuốc để hạn chế tái phát.
Điều trị trào ngược dạ dày gồm nhiều lựa chọn như điều chỉnh lối sống, sử dụng thuốc và phẫu thuật. Hiện nay, điều trị nội soi can thiệp cũng được cân nhắc trong trường hợp không đáp ứng tốt với thuốc hoặc đã phát sinh biến chứng.
Các phương pháp điều trị trào ngược dạ dày thực quản bao gồm:
Điều trị không dùng thuốc
Các biện pháp không dùng thuốc có thể kiểm soát đáng kể triệu chứng của trào ngược dạ dày. Với những trường hợp nhẹ, thay đổi thói quen có thể kiểm soát tốt chứng trào ngược mà không cần phải sử dụng thuốc.
Các biện pháp không dùng thuốc giúp cải thiện trào ngược dạ dày thực quản:
- Ăn chậm nhai kỹ, hạn chế ăn quá no. Có thể chia nhỏ bữa ăn để giảm áp lực lên dạ dày và cơ vòng thực quản dưới.
- Tránh các loại thực phẩm có tính kích thích như bạc hà, món ăn chứa nhiều dầu mỡ, gia vị cay nóng, thực phẩm khó tiêu hóa, dễ gây đầy hơi.
- Không nên nằm và vận động mạnh sau khi ăn. Có thể ngồi yên hoặc đi lại nhẹ nhàng để hỗ trợ quá trình tiêu hóa, hạn chế tình trạng trào ngược.
- Thừa cân - béo phì sẽ làm gia tăng áp lực lên thực quản - dạ dày. Do đó, nên điều chỉnh chế độ ăn và tập thể dục thường xuyên để cải thiện cân nặng.
- Cai thuốc lá vì thói quen này có thể làm nghiêm trọng chứng trào ngược.
- Thư giãn, giảm căng thẳng bằng cách ngồi thiền, tập yoga. Kiểm soát stress sẽ giúp giảm đáng kể triệu chứng trào ngược và đảm bảo hoạt động tiêu hóa diễn ra thuận lợi.
HỮU ÍCH: Uống Trà Hoa Cúc Trị Trào Ngược Dạ Dày Cho Hiệu Quả Cao
Sử dụng thuốc
Có khá nhiều loại thuốc được dùng trong điều trị trào ngược dạ dày. Tùy vào trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định những loại thuốc sau:
- Alginate và thuốc kháng axit: Alginate và thuốc kháng axit có vai trò quan trọng trong điều trị trào ngược dạ dày. Nhóm thuốc này có tác dụng tạo màng chắn vật lý bảo vệ niêm mạc thực quản khỏi sự kích thích của dịch vị. Đồng thời ngăn hiện tượng trào ngược, ức chế axit mật, pepsin. Thuốc được dùng với mục đích giảm triệu chứng nên phải kết hợp với các loại thuốc khác để làm lành tổn thương ở thực quản.
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI): PPI là nhóm thuốc chính trong điều trị trào ngược dạ dày. Thuốc có tác dụng ức chế tiết dịch vị, từ đó tạo điều kiện để niêm mạc thực quản được chữa lành và phục hồi hoàn toàn. Hiệu quả của thuốc không nhanh như thuốc kháng axit nhưng tác động giảm đau lâu dài hơn. Lựa chọn hàng đầu thường là Omeprazole và Rabeprazole.
- Thuốc tăng nhu động thực quản - dạ dày: Thuốc tăng nhu động thực quản - dạ dày có thể được kết hợp với PPI để tăng tốc độ làm rỗng dạ dày, từ đó giảm áp lực lên cơ vòng thực quản dưới. Kết hợp thêm nhóm thuốc này sẽ giúp giảm nhanh triệu chứng, đồng thời hạn chế trào ngược, tạo điều kiện để niêm mạc thực quản lành hoàn toàn.
Khi dùng thuốc, cần lưu ý các tác dụng phụ có thể gặp phải. Nên sử dụng thuốc đều đặn theo chỉ định để đạt được kết quả tốt nhất, đảm bảo vết loét trợt ở thực quản được hồi phục, triệu chứng ợ nóng, nôn trớ thuyên giảm rõ rệt.
Nội soi can thiệp
Nội soi can thiệp được chỉ định trong trường hợp điều trị bằng thuốc không có đáp ứng tốt. Thông qua nội soi, bác sĩ sẽ khâu khu vực cơ vòng thực quản dưới để thắt chặt cơ vòng, từ đó hạn chế tình trạng trào ngược dịch dạ dày và thức ăn lên thực quản.
Phẫu thuật
Can thiệp ngoại khoa sẽ được cân nhắc nếu điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả. Phẫu thuật được thực hiện với mục đích thắt chặt cơ vòng để ngăn hiện tượng trào ngược. Tùy theo trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ phẫu thuật để củng cố cơ vòng thực quản dưới, phẫu thuật đặt thiết bị từ tính hoặc vòng cao su.
Phòng ngừa
Bệnh trào ngược dạ dày gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống, đặc biệt là khi ăn uống. Cơ chế bệnh sinh có liên quan đến rối loạn cơ vòng thực quản dưới và tăng áp lực ở dạ dày - thực quản. Do đó, có thể phòng ngừa bệnh bằng cách loại trừ các yếu tố thuận lợi:
- Duy trì cân nặng ở mức ổn định, tránh thừa cân - béo phì.
- Hạn chế các loại thức ăn, đồ uống kích thích lên dạ dày như cà phê, rượu bia, trà đặc, nước ngọt có gas, đồ ăn chứa nhiều chất béo, gia vị, thức ăn khó tiêu hóa,...
- Thay đổi các thói quen xấu như ăn quá nhanh, không nhai kỹ, ăn uống thất thường, không đúng bữa, ăn quá no hoặc quá khuya.
- Tránh nằm và vận động mạnh sau khi ăn.
- Tăng cường rau xanh, thực phẩm giàu probiotic để thúc đẩy tiêu hóa, rút ngắn thời gian làm rỗng dạ dày. Tránh để thức ăn ứ đọng gây áp lực lên cơ vòng thực quản dưới gây ra hiện tượng chướng bụng, trào ngược.
- Cai thuốc lá, chất kích thích.
- Hạn chế căng thẳng thần kinh.
- Tập thể dục thường xuyên, hạn chế thói quen lười vận động khiến cho nhu động thực quản - dạ dày giảm.
- Không tự ý dùng thuốc, đặc biệt là các loại thuốc có thể gây trào ngược như thuốc chống viêm không steroid (NSAID).
- Điều trị các vấn đề ở dạ dày như viêm loét dạ dày, nhiễm vi khuẩn Hp, tăng tiết dịch vị… để tránh trào ngược thực quản và các biến chứng khác.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Bệnh trào ngược dạ dày có nghiêm trọng không?
2. Cần thực hiện xét nghiệm nào để chẩn đoán trào ngược dạ dày?
3. Trào ngược dạ dày gây ho, khó thở, hôi miệng phải làm sao?
4. Bệnh trào ngược dạ dày có tự khỏi không? Có nhất thiết phải điều trị?
5. Điều trị trào ngược dạ dày mất bao lâu?
6. Chi phí chữa trào ngược dạ dày khoảng bao nhiêu?
7. Bị trào ngược dạ dày nên ăn uống như thế nào?
8. Bệnh trào ngược dạ dày khi nào cần phẫu thuật?
Bệnh trào ngược dạ dày (GERD) có thể dẫn đến biến chứng Barrett thực quản, ung thư, thủng thực quản và xuất huyết tiêu hóa. Cách duy nhất để phòng ngừa biến chứng là điều trị sớm và tích cực. Ngoài ra, cần điều chỉnh lối sống để kiểm soát bệnh tốt và ngăn ngừa tái phát.
Tham khảo thêm:
- Trào Ngược Dạ Dày Uống Nước Gì? 8 Gợi Ý Cho Bạn
- Cách chữa trào ngược dạ dày bằng lá trầu không lành tính