Bệnh Viêm Loét Dạ Dày – Tá Tràng
Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh lý được chẩn đoán khi lớp lót trong lòng dạ dày và tá tràng (đoạn đầu ruột non) phát triển các vết loét với kích thước, độ sâu khác nhau. Điều trị nội khoa là phương pháp đang được áp dụng cho hầu hết các trường hợp mắc căn bệnh này.
Tổng quan bệnh học
Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng (Peptic ulcer) là thuật ngữ y khoa chỉ sự xuất hiện của vết loét ở niêm mạc dạ dày và phần đầu của ruột non. Tình trạng này thường xuất hiện kèm theo các triệu chứng khác như đau thượng vị, buồn nôn, ăn không tiêu, ợ nóng,...
Tại các chuyên khoa tiêu hóa của bệnh viện, số lượng bệnh nhân được chẩn đoán mắc viêm loét dạ dày chiếm một tỷ lệ khá cao. Bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến những người thường xuyên uống bia rượu, sử dụng thuốc NSAIDs trong thời gian dài, có chế độ ăn thiếu khoa học. Ngoài ra, vi khuẩn Hp cũng là thủ phạm được tìm thấy trong rất nhiều ca bệnh.
Không chỉ gây ra các triệu chứng khó chịu ở đường tiêu hóa, bệnh viêm loét dạ dày tá tràng còn tiềm ẩn nhiều biến chứng khôn lường, nguy hiểm nhất là ung thư dạ dày. Do đó, bạn nên tích cực dự phòng và điều trị bệnh càng sớm càng tốt để bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Phân loại bệnh
Theo sự tiến triển của bệnh, viêm loét dạ dày - Tá tràng được chia thành 2 loại là cấp tính và mãn tính.
- Viêm loét dạ dày tá tràng cấp tính: Lớp niêm mạc bị sưng viêm một cách đột ngột. Các triệu chứng bệnh diễn tiến nhanh chóng với các cơn đau dữ dội từng đợt ở vùng thượng vị kèm theo tình trạng buồn nôn, ói mửa, rối loạn tiêu hóa.
- Viêm loét dạ dày tá tràng mãn tính: Đây được xem là hậu quả của việc không kiểm soát tốt bệnh trong giai đoạn cấp tính. Tổn thương ở niêm mạc dạ dày tá tràng kéo dài sẽ tiến triển sang giai đoạn mãn tính. Bệnh viêm loét dạ dày mãn tính có thể gây đau nhưng không quá dữ dội. Bệnh nhân có thể cảm thấy những cơn đau âm ỉ thoáng qua. Cơn đau có thể tăng lên sau khi ăn.
Nguyên nhân & Yếu tố nguy cơ
Các nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm loét dạ dày - Tá tràng bao gồm:
- Thói quen ăn uống không lành mạnh: Dùng thức ăn ôi thiu, không hợp vệ sinh, thường xuyên ăn đồ sống, lạm dụng các thức uống có cồn, ăn nhiều đồ chua, cay. Ngoài ra, thói quen nhai nuốt vội vàng, ăn quá no, ăn khuya, bỏ bữa hoặc ăn uống không đúng giờ giấc cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm loét dạ dày tá tràng.
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP): Đây là thủ phạm hàng đầu gây ra các bệnh lý ở dạ dày, tá tràng. Chúng có thể sinh sống trong môi trường axit khắc nghiệt ở dạ dày và dẫn đến viêm loét. Bên cạnh vi khuẩn Hp, một số chủng vi khuẩn, virus khác cũng có thể tấn công vào dạ dày tá tràng và gây bệnh, chẳng hạn như Clostridium septicum, Herpes, liên cầu tan huyết alpha, virus CMV...
- Tác dụng phụ của thuốc tây: Một số thuốc có thể gây kích ứng, viêm loét niêm mạc dạ dày tá tràng. Điển hình nhất là thuốc NSAIDs, thuốc kháng sinh, giảm đau hay corticoid.
- Căng thẳng quá mức: Stress làm tăng tiết axit dạ dày. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho niêm mạc ruột bị ăn mòn và tạo thành vết loét trong dạ dày, tá tràng.
- Rối loạn tự miễn: Khi bị rối loạn, hệ miễn dịch sản sinh ra nhiều kháng thể tấn công nhầm lẫn vào các mô khỏe mạnh ở dạ dày, tá tràng thay vì phải đi tiêu diệt các tác nhân có hại. Đây là nguyên nhân phổ biến dẫn đến bệnh viêm loét dạ dày mãn tính.
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày - Tá tràng:
- Lớn tuổi
- Có tiền sử bị chấn thương ở dạ dày tá tràng
- Từng xạ trị ung thư ở khu vực lân cận
- Thiếu máu cục bộ dạ dày.
- Béo phì
- Hút thuốc lá
- Thừa axit dạ dày.
Triệu chứng & Chẩn đoán
Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng không có nhiều triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn nhẹ và dễ nhầm lẫn với các vấn đề thông thường ở đường tiêu hóa. Khi tiến triển nặng hơn, người bệnh có thể nhận thấy các dấu hiệu sau:
- Đau bụng âm ỉ, đau tức, đau nhói, đau dữ dội hoặc đau quặn từng cơn. Cảm giác đau xuất hiện rõ ràng nhất ở vùng thượng vị. Người bệnh có thể bị đau cả ban ngày lẫn ban đêm dẫn đến mất ngủ, mệt mỏi.
- Buồn nôn hoặc ói mửa
- Ợ chua
- Ợ hơi
- Có cảm giác nóng rát, khó chịu trong dạ dày
- Ăn uống lâu tiêu
- Táo bón hoặc tiêu chảy do rối loạn chức năng tiêu hóa
- Chán ăn, ăn uống kém
- Giảm cân
- Suy giảm sức khỏe.
Bên cạnh các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ còn dựa vào một số xét nghiệm như nội soi đường tiêu hóa trên bằng ống mềm, xét nghiệm dịch vị, xét nghiệm máu hay chụp X-quang để chẩn đoán bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Người bệnh được khuyến cáo nên tiến hành điều trị sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Biến chứng & Tiên lượng
Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng có tiên lượng điều trị tốt nếu được phát hiện sớm. Ở giai đoạn muộn, các triệu chứng tiến triển trong thời gian dài gây ra tổn thương nghiêm trọng cho niêm mạc dạ dày, tá tràng. Vết loét lan rộng và ăn sâu vào trong gây ảnh hưởng đến mạch máu, đồng thời thúc đẩy sự biến đổi ác tính của các tế bào.
Dưới đây là các biến chứng viêm loét dạ dày tá tràng thường gặp:
- Chảy máu dạ dày: Tình trạng xuất huyết có thể xảy ra ở vùng dạ dày, tá tràng bị viêm khi vết loét gây tổn thương, vỡ mạch máu. Biến chứng này có thể được phát hiện thông qua các triệu chứng như thổ huyết, đi cầu ra máu, chóng mặt, đổ mồ hôi... Trường hợp bị chảy máu ồ ạt mà không được cấp cứu kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng.
- Thủng dạ dày: Bệnh nhân bị thủng dạ dày sẽ xuất hiện các cơn đau bụng dữ dội giống như dao đâm, sờ vào thấy gò cứng. Nếu gặp phải tình trạng này, người nhà nên nhanh chóng đưa bệnh nhân tới các cơ sở y tế để phẫu thuật cấp cứu ngay nhằm tránh bị viêm phúc mạc hoặc sốc nhiễm khuẩn.
- Hẹp môn vị dạ dày: Môn vị chính là phần van đóng mở nằm giữa dạ dày với tá tràng. Hiện tượng viêm loét kéo dài sẽ gây sưng phù hoặc hình thành sẹo khiến cho van bị thu hẹp. Điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình lưu thông thức ăn cùng dịch vị từ dạ dày xuống tá tràng.
- Ung thư dạ dày: Bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tá tràng mãn tính có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn những đối tượng khác, nhất là khi có sự hiện diện của vi khuẩn Hp trong dạ dày.
Điều trị
Căn cứ vào nguyên nhân cũng như triệu chứng đang gặp phải, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị viêm loét dạ dày tá tràng thích hợp cho từng bệnh nhân. Phương pháp điều trị nội khoa được ưu tiên áp dụng cho hầu hết các trường hợp.
Dùng thuốc chữa viêm loét dạ dày tá tràng:
- Thuốc kháng sinh: Nhóm thuốc này được chỉ định cho các đối tượng bị bệnh do nhiễm vi khuẩn Hp hoặc các loại vi khuẩn khác. Bệnh nhân cần dùng thuốc theo phác đồ trong một thời gian nhất định và tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của bác sĩ để tiêu diệt vi khuẩn hoàn toàn.
- Thuốc kháng axit: Nhóm thuốc này được bào chế dưới dạng viêm hay dung dịch uống. Chúng có tác dụng trung hòa axit, giảm lượng axit dư thừa trong dạ dày, qua đó ngăn chặn sự phát triển của vết loét dưới tác dụng ăn mòn của axit.
- Thuốc PPI: Còn gọi là thuốc ức chế bơm proton. Thuốc có tác dụng ức chế hoạt động của các tế bào sản xuất axit trong dạ dày. Thuốc PPI được chỉ định phổ biến trong điều trị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng bao gồm Omeprazole, Esomeprazole hay Lansoprazole,...
- Thuốc kháng histamin H2: Chẳng hạn như Cimetidine hay Ranitidine,... Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách chống dị ứng, ức chế sự tiến triển của phản ứng viêm, đồng thời giảm tiết axit dịch vị. Điều này giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng khó chịu do viêm loét dạ dày gây ra.
Trong quá trình sử dụng thuốc, bệnh nhân được khuyến cáo nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, sử dụng nguồn thực phẩm sạch, đã được nấu chín kỹ, kiêng sử dụng các chất kích thích và tránh căng thẳng để nâng cao hiệu quả điều trị.
ĐỌC NGAY: Dùng kháng sinh điều trị viêm loét dạ dày tá tràng và lưu ý cần biết
Hướng dẫn cách sơ cứu cho bệnh nhân có biến chứng xuất huyết dạ dày tá tràng:
Xuất huyết là một biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng như nôn ra máu tươi, đau dữ dội ở vùng thượng vị, đi ngoài phân đen, choáng váng, tay chân lạnh, vã mồ hôi... Nếu có dấu hiệu xuất huyết nặng mà chưa kịp đưa bệnh nhân tới bệnh viện, người nhà có thể tiến hành sơ cứu theo các bước sau:
- Trước tiên, đặt người bệnh nằm yên trên giường. Kê một cái gối dưới chân để nâng chân lên cao hơn đầu. Mặc thêm quần áo hoặc lấy chăn ủ ấm đối với các trường hợp bị lạnh các chi.
- Cho bệnh nhân dùng một ít thức ăn nhẹ (cháo lỏng, sữa...) để giảm thiểu ảnh hưởng của axit dạ dày cùng lực co bóp lên vết loét.
- Cầm máu cho người bệnh bằng vitamin K hoặc các loại thuốc như Hemocaprol hay Posthypophyse theo liều lượng được dược sĩ, bác sĩ hướng dẫn. Một cách khác để hạn chế tình trạng xuất huyết là lấy 6 - 8g muối pha chung với 100ml nước lọc rồi cho bệnh nhân uống nếu không có sẵn thuốc cầm máu.
- Cuối cùng, nhanh chóng đưa người bệnh đi cấp cứu ở các cơ sở y tế gần nhất.
Cách điều trị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng bằng phẫu thuật:
Phẫu thuật ít khi được chỉ định cho bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tá tràng. Tuy nhiên, nếu người bệnh có dấu hiệu lủng dạ dày hay xuất huyết tiêu hóa, ca mổ nên được thực hiện sớm để tránh gây nguy hiểm đến tính mạng.
Phòng ngừa
Có thể thấy, bệnh viêm loét dạ dày tá tràng gây ra không ít ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cũng như chất lượng sống của người bệnh. Để tránh mắc phải căn bệnh này, bạn nên tích cực ngăn ngừa bằng các giải pháp sau:
- Không sử dụng thuốc tây bừa bãi, nhất là thuốc giảm đau hay thuốc kháng sinh. Trường hợp có vấn đề về sức khỏe cần dùng thuốc điều trị, hãy đi khám để được bác sĩ kê đơn thuốc điều trị đúng bệnh, đúng liều lượng.
- Hạn chế dùng các loại đồ ăn, thức uống gây kích ứng niêm mạc dạ dày tá tràng. Chẳng hạn như các món cay, bia, rượu, thực phẩm chứa nhiều axit... Không sử dụng thức ăn có dấu hiệu bị ôi thiu khiến dạ dày, tá tràng bị nhiễm khuẩn, viêm loét. Bổ sung trái cây, rau củ tươi vào thực đơn để hỗ trợ tiêu hóa, giảm gánh nặng cho dạ dày.
- Ăn uống đúng giờ giấc. Tốt nhất, bạn nên duy trì thói quen ăn uống các bữa vào một khung giờ cố định để tạo thói quen tiêu hóa tốt cho dạ dày.
Duy trì một chế độ ăn uống khoa học, đúng giờ sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ bị viêm loét dạ dày tá tràng
- Tránh ăn quá no
- Không để bụng đói quá mức.
- Sau khi ăn xong bạn nên vận động nhẹ nhàng để kích thích tiêu hóa. Tránh làm việc nặng, hoạt động mạnh hoặc đi nằm ngay sau bữa ăn.
- Tránh căng thẳng. Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn sau thời gian làm việc.
- Nhai kỹ trước khi nuốt. Hoạt động nhai không chỉ giúp nghiền nhỏ thức ăn mà còn kích thích khoang miệng tiết ra nhiều nước bọt chứa enzym tiêu hóa, giúp giảm thiểu đáng kể áp lực cho dạ dày tá tràng.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Bệnh viêm loét dạ dày có lây không?
2. Bệnh viêm loét dạ dày có nguy hiểm không?
3. Làm thế nào để giảm nhanh cơn đau do viêm loét dạ dày tá tràng?
4. Bị viêm loét dạ dày tá tràng nên kiêng gì?
5. Viêm loét dạ dày nặng nên ăn gì?
6. Bệnh viêm loét dạ dày có được uống sữa không?
6. Viêm loét dạ dày có tự khỏi được không?
7. Bị viêm loét dạ dày tá tràng có cần nhập viện không? Phải mổ không?
Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng là một trong những vấn đề thường gặp nhất ở đường tiêu hóa. Việc chủ quan có thể khiến bạn phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm. Hãy tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ ngay khi các triệu chứng còn nhẹ để được điều trị nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Có thể bạn quan tâm:
- Viêm loét dạ dày nên ăn gì, kiêng gì? Chế độ ăn phù hợp
- Cách Chữa Viêm Loét Dạ Dày Bằng Nghệ Nhanh Khỏi