Bệnh Nứt Kẽ Hậu Môn
Bệnh nứt kẽ hậu môn là tình trạng khá phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Nguyên nhân thường là do chấn thương vùng hậu môn khiến niêm mạc xuất hiện vết rách hoặc ổ loét. Điều trị ưu tiên là các biện pháp bảo tồn và khoảng 20% trường hợp sẽ phải can thiệp phẫu thuật.
Tổng quan
Nứt kẽ hậu môn (Anal Fissure) được định nghĩa là vết rách theo chiều dọc hoặc ổ loét nằm ở niêm mạc của ống hậu môn. Bệnh lý này thường gây đau dữ dội và chảy máu sau khi đi đại tiện do sự co thắt của cơ thắt hậu môn.
Nứt kẽ hậu môn có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó đa phần đều do tác động lực quá mạnh lên niêm mạc hậu môn (quan hệ tình dục qua hậu môn, táo bón, tiêu chảy mãn tính…). Căn bệnh này tuy không nguy hiểm nhưng gây ra rất nhiều phiền toái do đau nhiều, đau dai dẳng.
Bệnh nứt kẽ hậu môn có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Nếu biết cách chăm sóc và điều chỉnh lối sống phù hợp, vết rách có thể tự lành sau 2 - 3 tuần. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp phải điều trị bằng thuốc hoặc can thiệp ngoại khoa.
Phân loại bệnh
Dựa vào tính chất của vết loét ở niêm mạc hậu môn, bệnh nứt hậu môn được chia thành 3 loại sau:
- Loét cấp: Loét cấp là tình trạng phổ biến nhất với đặc điểm là vết rách/ nứt nông, màu đỏ tươi, bề mặt sưng nề. Vết nứt thường có hình tam giác hoặc hình bầu dục. Vị trí vết loét thường xuất hiện là rìa hậu môn và vùng răng lược.
- Loét mãn tính: Loét mãn tính có đặc điểm là vết loét sâu, sưng nề, màu xám hoặc nhợt nhạt. Vết nứt gồ lên, sờ vào rắn chắc. Vị trí thường gặp là sát đường lược và da thừa ở mép hậu môn.
- Vi thể: Loét vi thể là ổ loét có tổ chức hạt do hiện tượng phì đại thành mạch và sừng hóa bờ ổ loét. Do viêm lâu ngày nên cơ thắt bên trong có hiện tượng viêm xơ, ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động đại tiện.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nứt kẽ hậu môn thường là kết quả do hậu môn bị kéo căng quá mức dẫn đến xuất hiện vết rách và ổ loét. Các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ thường gặp bao gồm:
Viêm nhiễm hậu môn
Viêm nhiễm hậu môn là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh nứt kẽ hậu môn. Khi đại tiện, một lượng nhỏ phân có thể bị mắc kẹt trong các nếp gấp, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây viêm nhiễm quanh hậu môn. Khi niêm mạc bị viêm, thành mạch sẽ giảm sức bền dẫn đến tình trạng căng giãn, thậm chí rách khi đại tiện.
Viêm xơ thắt cơ trong
Thông thường, các vết nứt ở hậu môn có thể tự lành lại sau 2 - 3 tuần. Tuy nhiên, ở những người bị viêm xơ thắt cơ trong, ổ loét không thể lành lại do sự co thắt quá mức của cơ thắt trong. Nguyên nhân sâu xa là do cơ thắt hậu môn tăng trương lực và có hiện tượng phì đại.
Thiếu máu tại chỗ
Thiếu máu tại chỗ ở vùng hậu môn khiến cho vết nứt không lành lại được. Về lâu dài, vết rách sẽ phát triển thành ổ loét. Nếu do nguyên nhân này, ổ loét được gọi là loét thiếu máu.
Chấn thương
Chấn thương là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh nứt kẽ hậu môn. Thường gặp sau khi rặn do táo bón, tiêu chảy mãn tính, rặn khi sinh nở, quan hệ tình dục qua đường hậu môn. Ngoài ra, tổn thương ở niêm mạc hậu môn cũng có thể là biến chứng do hẹp hậu môn và sau khi phẫu thuật bệnh trĩ.
U vùng hậu môn
U xuất hiện ở vùng hậu môn sẽ gây cản trở quá trình bài xuất phân và gia tăng áp lực khi đại tiện. Vì vậy, niêm mạc hậu môn sẽ phải chịu áp lực lớn dẫn đến việc xuất hiện vết rách, ổ loét.
Yếu tố cơ địa
Một số người có cơ địa nhạy cảm, niêm mạc dễ bị phù nề do kích ứng và dị ứng. Những đối tượng này sẽ có nguy cơ bị nứt kẽ hậu môn cao do niêm mạc bị tổn thương, sức bền thành mạch giảm.
Biến chứng của các bệnh hậu môn
Nứt kẽ hậu môn đôi khi là biến chứng của các bệnh ở khu vực hậu môn như viêm quanh hậu môn, viêm trực tràng, ngứa hậu môn và bệnh trĩ (chiếm 9 - 10%).
Các nguyên nhân khác
Bệnh nứt kẽ hậu môn đôi khi có thể xảy ra do các nguyên nhân sau:
- Bệnh Crohn
- Các bệnh viêm ruột mãn tính
- Bệnh lao ruột
- Bệnh giang mai
- Nhiễm HIV
- Thừa cân, béo phì
- Chế độ ăn ít chất xơ, không uống đủ nước, lười vận động…
Triệu chứng và chẩn đoán
Đau hậu môn dữ dội là triệu chứng điển hình của bệnh nứt kẽ hậu môn. Bên cạnh đó, vết loét có thể gây chảy máu khi đại tiện. Cơn đau dai dẳng khiến bệnh nhân gặp nhiều phiền toái khi sinh hoạt, mệt mỏi, căng thẳng, chất lượng giấc ngủ giảm đáng kể.
Các triệu chứng của bệnh nứt kẽ hậu môn bao gồm:
- Vùng hậu môn đau nhiều, mức độ đau tăng lên khi đại tiện
- Cơn đau có thể kéo dài đến vài giờ gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống
- Đôi khi gây chảy máu trong quá trình đại tiện (máu dính vào giấy vệ sinh)
- Có thể quan sát vết nứt nếu vết nứt nằm ở xung quanh hậu môn
Các triệu chứng của bệnh nứt kẽ hậu môn có thể bị nhầm lẫn với bệnh trĩ và các vấn đề khác ở hậu môn - trực tràng. Chính vì vậy, nên thăm khám để được chẩn đoán chính xác. Không nên tự ý mua thuốc thông qua biểu hiện lâm sàng vì rất dễ xác định nhầm bệnh lý.
Chẩn đoán bệnh nứt kẽ hậu môn sẽ bao gồm các bước sau:
- Khám lâm sàng: Sau khi hỏi triệu chứng, bác sĩ sẽ khám vùng trực tràng để xác định vết nứt. Nếu vết nứt nằm ở rìa hậu môn, có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường.
- Nội soi trực tràng - hậu môn: Trường hợp vết nứt ở sâu bên trong hậu môn, bác sĩ sẽ chỉ định nội soi trực tràng - hậu môn để quan sát, xác định vị trí và kích thước của vết nứt. Nội soi còn giúp loại trừ hoặc xác định các vấn đề tiềm ẩn như bệnh trĩ, u trực tràng - hậu môn, viêm trực tràng, bệnh Crohn…
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng và một số dấu hiệu bất thường (nếu có). Nếu nứt kẽ hậu môn do chấn thương, xét nghiệm này gần như không cho thấy bất cứ kết quả nào bất thường.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh nứt kẽ hậu môn gây ra nhiều phiền toái do cơn đau dai dẳng, kéo dài. Mức độ đau tăng lên khi đại tiện và có thể kéo dài nhiều giờ sau đó khiến bệnh nhân mệt mỏi, không thể sinh hoạt và làm việc như bình thường. Nhiều trường hợp gặp phải các vấn đề giấc ngủ, tinh thần căng thẳng, suy nhược do đau mãn tính.
Nứt kẽ hậu môn cần được điều trị sớm để nâng cao chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, thăm khám và can thiệp kịp thời còn giúp ngăn chặn các biến chứng như viêm nhiễm hậu môn thứ phát, hẹp hậu môn…
Các bệnh lý ở hậu môn hiếm khi đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, các triệu chứng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu không được điều trị. Vì vậy, nên tìm gặp bác sĩ sớm ngay khi nhận thấy các biểu hiện bất thường.
Điều trị
Như đã đề cập, bệnh nứt kẽ hậu môn có thể tự thuyên giảm sau 2 - 3 tuần. Thông qua cơ chế phục hồi của niêm mạc, vết nứt có thể lành hẳn sau một thời gian mà không cần điều trị. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho vết nứt lành lại, cần điều chỉnh lối sống và thay đổi những thói quen xấu.
Nhiều trường hợp nứt kẽ hậu môn phải can thiệp phẫu thuật do điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả. Tùy theo tình trạng cụ thể, chỉ định điều trị sẽ bao gồm các phương pháp sau:
Sử dụng thuốc
Thuốc thường được sử dụng để giảm đau trong thời gian chờ vết nứt tự hồi phục. Nếu vết nứt nằm ở vị trí khó lành, bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc để thúc đẩy tốc độ lành thương.
Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh nứt kẽ hậu môn:
- Thuốc giảm đau: Thường dùng nhất là Paracetamol và thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Thuốc được sử dụng để giảm cơn đau ở hậu môn sau khi đại tiện. Tuy nhiên, chỉ nên dùng thuốc khi cần thiết. Lạm dụng quá mức sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ và giảm mức độ đáp ứng.
- Nitroglycerin: Ngoài thuốc giảm đau đường uống, các loại thuốc dạng bôi và dạng đặt cũng được sử dụng để giảm đau. Trong đó, Nitroglycerin là loại thuốc thông dụng nhất. Thuốc có tác dụng giãn các cơ vòng hậu môn nhằm giảm áp lực khi đại tiện, qua đó có thể hạn chế cơn đau đáng kể.
- Thuốc gây tê dạng bôi: Lidocain dạng bôi có thể được sử dụng để giảm đau do bệnh nứt kẽ hậu môn gây ra. Thuốc có tác dụng phong bế thần kinh, từ đó làm giảm thụ cảm cơn đau ở vùng hậu môn.
- Tiêm botox: Tiêm botox được cân nhắc trong trường hợp cơ vòng hậu môn tăng trương lực quá mức khiến cho vết nứt không lành được, hậu môn bị đau rát nhiều khi đại tiện. Tác dụng của botox là giúp thư giãn và cải thiện tình trạng tăng trương lực cơ vòng hậu môn.
- Thuốc điều trị tăng huyết áp: Các loại thuốc điều trị tăng huyết áp như Diltiazem, Nifedipine… còn được sử dụng trong điều trị bệnh nứt kẽ hậu môn. Thuốc có thể được dùng ở đường uống hoặc bôi ngoài da với tác dụng thư giãn cơ vòng hậu môn. Diltiazem, Nifedipine thường được chỉ định khi Nitroglycerin không mang lại hiệu quả.
Các loại thuốc được sử dụng chỉ có tác dụng giảm triệu chứng và tạo điều kiện để vết nứt hồi phục. Vì vậy, trong thời gian dùng thuốc cần phải kết hợp với các biện pháp chăm sóc để hỗ trợ vết nứt hồi phục.
Các biện pháp chăm sóc, hỗ trợ
Các vết nứt ở niêm mạc hậu môn có thể lành lại sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, cần phải có các biện pháp hỗ trợ nhằm giảm đau và ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
Các biện pháp chăm sóc, hỗ trợ khi bị nứt kẽ hậu môn:
- Ngâm hậu môn với nước ấm, đặc biệt sau khi đi vệ sinh để làm dịu niêm mạc, giảm đau.
- Vệ sinh hậu môn kỹ sau khi đại tiện, tránh để vi khuẩn phát triển gây viêm nhiễm.
- Uống đủ 2 lít nước/ ngày, ăn nhiều rau xanh, hạn chế thức ăn cay nóng, nhiều gia vị để tránh táo bón. Quá trình bài xuất phân diễn ra thuận lợi sẽ giúp hạn chế áp lực lên vết loét, từ đó giảm đáng kể mức độ cơn đau.
Phẫu thuật
Đa phần các trường hợp bị nứt kẽ hậu môn đều có đáp ứng tốt với điều trị bảo tồn. Trong đó khoảng 20% bệnh nhân không có cải thiện. Những trường hợp này đều sẽ được cân nhắc phẫu thuật để giảm đau hoàn toàn và phòng ngừa các biến chứng có liên quan đến nứt kẽ hậu môn.
Các phương pháp phẫu thuật được cân nhắc cho bệnh nhân nứt kẽ hậu môn:
Nong hậu môn
Nong hậu môn được thực hiện cho những trường hợp có nguy cơ hẹp hậu môn cao. Khi thực hiện, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng để nong hậu môn dần ra, đảm bảo quá trình bài xuất phân có thể diễn ra thuận lợi. Nong hậu môn thường được chỉ định cho những trường hợp nứt kẽ hậu môn mãn tính, tái phát nhiều lần.
Cắt cơ vòng hậu môn
Trường hợp cơ vòng hậu môn tăng trương lực khiến cho vết rách chậm lành sẽ được cân nhắc cắt cơ vòng hậu môn. Sau khi phẫu thuật, cơ vòng hậu môn sẽ được nới lỏng, áp lực lên vết rách cũng giảm đi đáng kể. Tạo điều kiện để niêm mạc hậu môn được phục hồi hoàn toàn và hạn chế nguy cơ tái phát.
Thủ thuật Starr
Thủ thuật Starr (Cắt túi sa trực tràng qua ngả hậu môn) được chỉ định với bệnh nhân nứt kẽ hậu môn do mắc hội chứng đại tiện tắc nghẽn. Phương pháp này được thực hiện để loại bỏ mô thừa ở trực tràng, đảm bảo hoạt động đại tiện diễn ra thuận lợi.
Phòng ngừa
Bệnh nứt kẽ hậu môn có thể phòng ngừa bằng cách hạn chế các yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Các phương pháp phòng ngừa hiệu quả bao gồm:
- Điều trị các bệnh đường ruột mãn tính như bệnh Crohn, viêm trực tràng, viêm đại tràng co thắt… để tránh bệnh tiến triển dai dẳng gây nứt kẽ hậu môn.
- Có chế độ ăn hợp lý, uống đủ nước, hạn chế gia vị cay nóng và thức ăn khó tiêu hóa để phòng ngừa táo bón. Vì táo bón mãn tính được xem là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh rĩ, nứt kẽ hậu môn…
- Giảm cân trong trường hợp thừa cân - béo phì.
- Tăng cường vận động, nên tập thể dục từ 30 - 60 phút mỗi ngày.
- Vệ sinh vùng kín và hậu môn đúng cách.
- Trường hợp quan hệ tình dục qua đường hậu môn, cần quan hệ nhẹ nhàng, tránh thô bạo gây tổn thương niêm mạc.
- Tập thói quen đi đại tiện ngay khi có nhu cầu, tránh nhịn đại tiện và rặn khi đi tiêu.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh nứt kẽ hậu môn?
2. Nguyên nhân nào khiến tôi bị nứt kẽ hậu môn?
3. Nứt kẽ hậu môn có thể tự lành hay phải điều trị?
4. Khi bị nứt kẽ hậu môn, tôi cần ăn uống như thế nào để cải thiện bệnh hiệu quả?
5. Sử dụng thuốc hay phẫu thuật là lựa chọn phù hợp cho tình trạng bệnh lý của tôi?
6. Phẫu thuật nứt kẽ hậu môn có cần phải thực hiện? Khi nào?
7. Tôi cần chăm sóc như thế nào khi bị nứt kẽ hậu môn?
8. Nứt kẽ hậu môn có tái phát không? Làm cách nào để phòng ngừa?
Bệnh nứt kẽ hậu môn gây đau nhiều và gia tăng phiền toái khi sinh hoạt. Vì vậy, cần thăm khám và điều trị sớm để vết rách có thể hồi phục hoàn toàn. Hạn chế tình trạng vết nứt tiến triển mãn tính dẫn đến viêm nhiễm hậu môn, khó khăn khi đại tiện.