Rò hậu môn: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị
Rò hậu môn tuy ít khi nguy hiểm đến tính mạng nhưng chúng lại ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và gây ra nhiều phiền toái trong sinh hoạt của bệnh nhân. Thêm vào đó, điều trị chứng bệnh này cũng không phải là điều dễ dàng. Do đó, nắm rõ các thông tin về rò hậu môn sẽ giúp bệnh nhân chủ động hơn trong việc điều trị, phòng ngừa cho bản thân.
Tổng quan về bệnh rò hậu môn
Rò hậu môn còn được gọi với cái tên khác là mạch lươn. Đây là một bệnh lý phổ biến xảy ra ở vùng hậu trực tràng. Mức độ phổ biến của nó chỉ xếp thứ 2 sau bệnh trĩ, do đó có không ít người bị rò hậu môn. Vì thế, nắm rõ bản chất và tìm được phương pháp chữa trị bệnh hiệu quả là điều mà bất cứ bệnh nhân nào cũng mong muốn.
Bệnh rò hậu môn là gì?
Rò hậu môn là tình trạng nhiễm khuẩn mạn tính ở vùng hậu môn trực tràng rồi tạo nên đường dò. Đây là một đường hầm, ở bên trong là một tổ chức hạt mạn tính được hình thành do quá trình viêm mạn tính. Nói cách khác, nó chính là hậu quả của một áp xe quanh hậu môn trực tràng nhưng không được chữa trị. Người bệnh để tình trạng áp xe diễn tiến trong thời gian khiến chúng bị vỡ và gây nên đường rò.
Do đó, chúng ta có thể khẳng định rằng rò hậu môn và áp xe trực tràng là 2 giai đoạn của một quá trình bệnh lý. Trong đó áp xe là giai đoạn cấp tính, rò hậu môn là giai đoạn mạn tính. Cũng chính vì thế, việc phát hiện và chữa trị sớm các loại áp xe hậu môn trực tràng sẽ ngăn chặn được bệnh rò hậu môn.
Nguyên nhân gây rò hậu môn
Từ những phân tích trên, chúng ta có thể thấy bệnh bắt nguồn từ việc không điều trị hoặc điều trị không đúng cách các áp xe hậu môn trực tràng. Mà tình trạng áp xe hậu môn thường xảy ra khi tuyến bã ở bên trong hậu môn bị nhiễm trùng. Sự bít tắc do vi khuẩn, dị vật, phân trong tuyến bã sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành nên ổ áp xe. Hệ quả là gây nên bệnh áp xe hậu môn trực tràng.
Tham khảo: Bệnh rò hậu môn có tự lành không? Bác sĩ tư vấn
Triệu chứng rò hậu môn
Bệnh thường xuất hiện sau một thời gian các áp xe quanh hậu môn bị vỡ. Lúc này, tuy vết thương đã tự lành nhưng lại có một lỗ bị đóng vẩy khô. Cái lỗ này thỉnh thoảng sẽ chảy mủ hoặc dịch vàng kèm theo mùi hôi và thường hay tái phát nhiều lần. Bên cạnh đó, người bệnh sẽ thấy ngứa hoặc xì hơi qua lỗ dò. Nếu đi thăm khám, sẽ thấy tại chỗ dò cứng chắc, lấy tay ấn vào thấy đau, đồng thời thấy được lỗ rò trong.
Phân loại rò hậu môn
Có khá nhiều cách phân loại rò hậu môn. Dưới đây là các trường hợp thường gặp nhất:
- Rò hoàn toàn hậu môn: Lỗ bên trong và bên ngoài hoàn toàn thông với nhau.
- Rò không hoàn toàn: Với loại rò này, đường rò chỉ xuất hiện 1 lỗ hay còn gọi là rò chột.
- Đường rò thẳng: Đây là loại đường rò ít ngóc ngách, đi thẳng.
- Rò phức tạp: Khác với đường rò thẳng, rò phức tạp có đường rò ngoằn ngoèo, nhiều ngóc ngách và lỗ thông ra bên ngoài da. Tình trạng này còn được gọi là rò móng ngựa.
- Rò ngoài cơ thắt: Đường rò đi bên ngoài cơ thắt và đây là hậu quả của áp xe vùng chậu hông trực tràng.
- Rò qua cơ thắt: Đây là hậu quả của tình trạng áp xe vùng hậu hố ngồi trực tràng. Lúc này, đường rò sẽ đi qua cơ thắt.
- Rò trong cơ thắt: Đây là loại rò nông xảy, là hậu quả của áp xe dưới da cạnh hậu môn không được điều trị. Rò trong cơ thắt được cho là loại rò khi điều trị thường mang đến tác dụng tốt và chúng ít tái phát.
Các phương pháp điều trị rò hậu môn
Phẫu thuật là phương pháp tối ưu và duy nhất được chỉ định để điều trị bệnh. Để ca phẫu thuật mang lại hiệu quả tốt, đồng thời ngăn ngừa được nguy cơ tái phát, người thực hiện cần đảm bảo được các yêu cầu sau đây:
- Cần xác định được lỗ rò trong.
- Trong quá trình mổ, phải loại bỏ hết các tổ chức xơ, phá hết các tổ chức bị bệnh.
- Không được làm tổn thương các cơ thắt xung quanh. Bởi nếu các cơ này bị tổn thương sẽ dẫn đến tình trạng đại tiện không tự chủ.
- Lựa chọn được phương pháp phẫu thuật phù hợp.
- Việc chăm sóc bệnh nhân sau mổ cần bảo đảm liền từ trong liền ra, từ dưới lên.
Sau khi được phẫu thuật, để nhanh hồi phục, bệnh nhân cần chú ý đến chế độ ăn uống và sinh hoạt của bản thân. Cần bổ sung thêm cho cơ thể các thực phẩm giàu chất xơ, vitamin, thực phẩm nhuận tràng, uống nhiều nước… Đồng thời, tránh xa những thức ăn gây khó tiêu như đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, các chất kích thích. Bên cạnh đó, hãy chú ý vệ sinh hậu môn sạch sẽ, đặc biệt là sau khi đi đại tiện. Điều này sẽ giúp tránh được nguy cơ bị nhiễm trùng.
Trên đây là các thông tin về bệnh rò hậu môn và cách điều trị. Mắc phải chứng bệnh nào cũng sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho cơ thể. Do đó, để bảo đảm sức khỏe cho bản thân, hãy đi khám và điều trị bệnh sớm khi thấy có các biểu hiện bất thường.
Có thể bạn quan tâm:
- Bị rò hậu môn nên ăn gì và kiêng ăn gì để chóng khỏi bệnh?
- Bệnh rò hậu môn ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân và giải pháp chữa trị
ThuocDanToc.vn không đưa ra bất kì lời khuyên, tham vấn, chẩn đoán y khoa.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!