Bệnh Trĩ
Bệnh trĩ là một trong những vấn đề ở hậu môn trực tràng có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi đối tượng, nhất là phụ nữ trong giai đoạn mang thai, người thường xuyên phải ngồi nhiều hoặc bị táo bón mãn tính. Nguyên nhân gây bệnh là do các tĩnh mạch nằm quanh hậu môn phải chịu áp lực quá mức và phình giãn to dẫn đến sự hình thành của búi trĩ. Hiểu rõ về các triệu chứng sẽ giúp bạn sớm phát hiện và điều trị bệnh trĩ dễ dàng hơn ngay từ giai đoạn nhẹ.
Tổng quan
Bệnh trĩ (Hemorrhoids) là căn bệnh khởi phát khi có hiện tượng phình giãn to, sưng viêm của hệ thống đám rối tĩnh mạch nằm xung quanh ống hậu môn. Nguyên nhân dẫn đến bệnh vẫn chưa được xác định rõ ràng nhưng nhiều bằng chứng cho thấy, sự phát triển của búi trĩ có liên quan mật thiết đến tình trạng gia tăng áp lực lên ổ bụng, nhất là ở khu vực hậu môn trực tràng.
Búi trĩ có thể hình thành trong hay ngoài ống hậu môn và thường sa ra ngoài khi sưng to. Chính vì vậy căn bệnh này còn được dân gian gọi bằng cái tên khác là lòi dom. Tùy theo vị trí phát triển của búi trĩ mà bệnh được chia thành 2 loại chính gồm trĩ nội và trĩ ngoại.
Mọi đối tượng đều có nguy cơ mắc bệnh trĩ nhưng phụ nữ chiếm tỷ lệ nhiều hơn hẳn so với nam giới. Chiếm số lượng đông đảo là nhóm đối tượng tuổi từ 30 - 60. Bệnh xuất hiện ở khu vực thầm kín nên nhiều người ngại đi khám. Chính vì vậy mà đa phần các trường hợp khi đến bệnh viện thăm khám đều đã bước vào giai đoạn nặng. Điều này không chỉ gây khó khăn cho quá trình điều trị mà còn khiến người bệnh có nguy cơ cao phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm.
Phân loại bệnh
Tùy theo vị trí phát triển mà bệnh trĩ được chia thành 2 loại chính gồm trĩ nội và trĩ ngoại. Mỗi loại có những đặc điểm khác nhau. Cụ thể như sau:
Bệnh trĩ nội:
- Ảnh hưởng đến các tĩnh mạch trĩ trong nằm phía trên đường lược.
- Bao phủ quanh búi trĩ nội là lớp niêm mạc cùng với lớp biểu mô chuyển tiếp trong ống hậu môn.
- Đi từ mức độ nhẹ đến nặng, bệnh trĩ nội được chia thành 4 giai đoạn phát triển. Giai đoạn 1, búi trĩ còn nhỏ, mới hình thành và còn nằm hoàn toàn trong ống hậu môn và chỉ gây chảy máu khi đi cầu. Sang đến giai đoạn 2, búi trĩ to hơn, có thể thập thò ngoài cửa hậu môn và sa nhẹ ra ngoài mỗi khi đi cầu. Tuy nhiên, sau đó nó lại tự tụt vào. Ở giai đoạn 3, búi trĩ sa ra ngoài, sưng to và phải dùng tay đẩy mới lên được. Bệnh không được kiểm soát tốt sẽ chuyển sang giai đoạn 4 với điểm đặc trưng là tình trạng sa hẳn ra ngoài của búi trĩ và không thể thụt vào trong được khiến người bệnh đau đớn, khó chịu vô cùng.
Bệnh trĩ ngoại:
- Búi trĩ hình thành từ các đám rối tĩnh mạch nằm dưới đường lược
- Bao phủ ngoài búi trĩ ngoại là lớp biểu mô vảy nằm ngay bên dưới phần da bao quanh hậu môn.
- Có thể dùng tay sờ thấy búi trĩ ngoại nằm ngoài cửa hậu môn. Nhiều người thường nhầm lẫn với khối thịt thừa.
Đôi khi, một cá nhân có thể mắc cả trĩ nội và trĩ ngoại cùng lúc. Theo thời gian, các búi trĩ phát triển to hơn và liên kết với nhau. Trường hợp này được gọi là trĩ hỗn hợp.
Nguyên nhân & Yếu tố nguy cơ
Khi các tĩnh mạch trĩ chịu áp lực quá mức trong thời gian dài, chúng sẽ phình giãn dần và không thể trở lại hình dáng ban đầu mà phát triển thành búi trĩ. Mặc dù nguyên nhân gây bệnh trĩ vẫn chưa được xác định một cách chính xác nhưng một số yếu tố được cho là có thể tạo ra sức ép lên các tĩnh mạch trĩ và làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Bao gồm:
- Các thói quen xấu khi đi cầu: Ngồi lâu trong nhà vệ sinh để xem điện thoại, rặn mạnh khi đi cầu hay thường xuyên nhịn đi vệ sinh. Tất cả đều khiến máu đổ dồn xuống các tĩnh mạch nằm trong ống hậu môn và gây ra một áp lực lớn lên khu vực này, từ đó dẫn đến trĩ.
- Các vấn đề ở đường tiêu hóa: Tiêu chảy liên tục trong thời gian dài, táo bón mãn tính, u trực tràng...
- Mang thai: Bệnh trĩ thường gặp ở những bà bầu bị táo bón kéo dài, tăng cân quá nhanh trong thai kỳ. Thêm vào đó, tình trạng rối loạn hormone khi mang thai cũng khiến các mạch máu bị suy yếu và dễ phình giãn to.
- Ít vận động: Một số người có nghề nghiệp phải đứng hoặc ngồi lâu cũng trở thành đối tượng tấn công của bệnh trĩ.
- Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học: Uống ít nước, chế độ ăn thiếu chất xơ nhưng nhiều chất béo, thường xuyên ăn đồ ngọt hoặc các thực phẩm có tính nóng. Những thói quen này thường gây táo bón và là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến bệnh trĩ.
- Tuổi tác: Tình trạng lão hóa tự nhiên của cơ thể khiến cho những người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh trĩ cao hơn so với người trẻ tuổi.
- Béo phì: Cân nặng dư thừa cũng gây áp lực lên các mạch máu ở hậu môn. Đây chính là lý do khiến cho người béo phì mắc trĩ.
- Lao động nặng nhọc: Bệnh trĩ cũng có thể ảnh hưởng đến các đối tượng phải mang vác, nâng vật nặng thường xuyên.
Triệu chứng & Chẩn đoán
Nắm rõ các triệu chứng bệnh trĩ sẽ giúp bạn sớm phát hiện và điều trị hiệu quả hơn. Bệnh thường không có dấu hiệu rõ ràng trong giai đoạn đầu và dễ nhầm lẫn với các vấn đề khác ở hậu môn trực tràng. Chính vì vậy, để xác định chính xác bệnh trĩ, bạn nên đi khám khi có dấu hiệu nghi ngờ dưới đây:
- Chảy máu khi đi ngoài với nhiều hình thái khác nhau như nhỏ giọt, phun tia, dính ngoài khuôn phân hoặc đôi khi bị chảy máu ít, chỉ đủ thấm vào khăn giấy.
- Ẩm ướt và ngứa ngáy ngoài hậu môn do búi trĩ bị viêm, tiết dịch.
- Vướng víu, đau đớn khi đi cầu do búi trĩ sưng to và lấn chiếm không gian trong ống hậu môn. Hiện tượng này cũng có thể khiến cho hình dạng phân thay đổi.
- Xuất hiện một khối thịt nhô ra gần cửa hậu môn khi bị trĩ ngoại.
- Sa búi trĩ ra ngoài cửa hậu môn. Có thể dùng tay đẩy lên hoặc không.
Bệnh trĩ được chẩn đoán và điều trị ở các giai đoạn sớm sẽ có khi vọng được chữa khỏi cao hơn mà không phải đụng chạm đến dao kéo. Ngoài việc hỏi thăm tiền sử bệnh, thói quen ăn uống, sinh hoạt, cùng các triệu chứng đang gặp phải, bác sĩ có thể thăm khám hậu môn bằng tay hoặc nội soi hậu môn trực tràng để xác định chính xác bệnh.
Biến chứng & Tiên lượng
Bệnh trĩ không quá nguy hiểm nhưng một số trường hợp có thể gặp biến chứng do không tiến hành điều trị sớm hoặc chữa trị không đúng cách. Các vấn đề sức khỏe có thể gặp phải khi mắc bệnh bao gồm:
- Thiếu máu gây choáng váng, hoa mắt, mệt mỏi thường xuyên, cơ thể gầy yếu, xanh xao do đi ngoài ra máu nhiều.
- Sa nghẹt búi trĩ khiến bệnh nhân đau đớn dữ dội, đứng ngồi không yên.
- Trĩ huyết khối xuất hiện khi có cục máu đông hình thành trong búi trĩ. Lúc này, các búi trĩ thường có màu xanh, sưng to, căng cứng và đau rát. Trường hợp nghiêm trọng, búi trĩ có thể bị hoại tử hoặc gây nhiễm trùng máu rất nguy hiểm.
- Nhiễm trùng, lở loét da quanh hậu môn.
Bệnh trĩ không thể tự khỏi nếu không có biện pháp can thiệp. Chính vì vậy, việc thăm khám và điều trị bệnh sớm có ý nghĩa rất quan trọng.
Điều trị
Điều trị nội khoa (bảo tồn) hoặc ngoại khoa là các phương pháp chữa bệnh trĩ đang được áp dụng. Tùy theo mức độ phát triển của bệnh mà bác sĩ sẽ xây dựng cho bạn một phác đồ chữa trị thích hợp.
Điều trị bệnh trĩ bằng phương pháp bảo tồn:
- Uống thuốc giảm đau không kê đơn: Aspirin, Acetaminophen, Advil... Các thuốc này có thể giúp bạn tạm thời gian bớt cảm giác đau rát khó chịu. Tuy nhiên, chúng không được khuyến cáo sử dụng liên tục trong dài hạn vì có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.
- Áp dụng các phương pháp hỗ trợ tại nhà: Chườm lạnh giảm đau, tắm hoặc ngâm hậu môn trong nước ấm, ăn nhiều chất xơ, uống đủ nước, tích cực vận động, tránh các thói quen xấu trong sinh hoạt hàng ngày.
- Dùng thuốc chữa bệnh trĩ do bác sĩ kê đơn: Bao gồm các loại thuốc chứa thành phần hydrocortisone hay lidocain có tác dụng giảm đau, xoa dịu cơn ngứa, chống sưng viêm búi trĩ hoặc thuốc làm mềm phân. Thuốc được bào chế dưới nhiều hình thức khác nhau như viên uống, kem bôi, viên đạn đặt hậu môn.
Cách chữa bệnh trĩ bằng ngoại khoa
Trường hợp bệnh trĩ tiến triển gây ra các triệu chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày hoặc sức khỏe của bạn, bác sĩ có thể đề nghị điều trị bằng kỹ thuật xâm lấn tối thiểu hoặc phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ.
- Phẫu thuật trĩ huyết khối: Bệnh nhân có biến chứng trĩ huyết khối thường được phẫu thuật cắt bỏ theo phương pháp truyền thống.
- Thắt trĩ bằng dây thun: Phương pháp này được áp dụng chủ yếu cho người bị trĩ nội mức độ nhẹ. Sợi dây thun sẽ được thắt chặt gay gốc búi trĩ để ngăn chặn dòng chảy của máu lưu thông vào trong. Do không còn được cung cấp máu nuôi dưỡng nên búi trĩ sẽ teo dần rồi rụng đi.
- Tiêm xơ: Với phương pháp này, bác sĩ sẽ tiêm trực tiếp một chất hóa học vào trong búi trĩ. Loại thuốc này có khả năng phá hủy và làm các mô bị xơ hóa, teo lại. Phương pháp này được chỉ định cho bệnh nhân trĩ nội độ I và II nhưng không kèm theo viêm loét, hoại tử.
- Quang đông hồng ngoại: Tác động từ tia hồng ngoại khiến các mô hóa sẹo và ngăn chặn nguồn cung cấp máu vào trong búi trĩ, từ đó khiến nó teo nhỏ lại.
- Cắt trĩ bằng Longo: Phương pháp này hiện đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia để khắc phục bệnh trĩ nội giai đoạn 3 và 4. Kỹ thuật cắt trĩ bằng Longo không loại bỏ vùng da hậu môn nên ít gây đau đớn, chảy máu hoặc khiến bệnh nhân bị khó chịu.
- Khâu triệt mạch THD: Thông qua quan sát hình ảnh máy siêu âm thu lại, bác sĩ sẽ dùng chỉ thắt động mạch lại để làm tắc nghẽn dòng chảy của máu vào hậu môn, qua đó cũng giảm bớt sự phình to của búi trĩ.
- Các phương pháp cắt trĩ khác: Milligan Morgan, phẫu thuật trĩ bằng dao Plasmablade, Ferguson, cắt trĩ bằng laser, White Head...
Mỗi phương pháp chữa bệnh trĩ đều có những ưu nhược điểm riêng và phù hợp với các nhóm đối tượng nhất định. Bạn nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cách điều trị trĩ tối ưu nhất.
Phòng ngừa
Bệnh trĩ có thể xảy ra ở mọi đối tượng. Căn bệnh này chiếm tỷ lệ rất cao trong số các trường hợp đi khám bệnh ở hậu môn trực tràng. Chính vì vậy, bạn nên chủ động phòng ngừa bằng các giải pháp đơn giản như:
- Ngăn ngừa táo bón bằng cách uống nhiều nước, thêm chất xơ vào khẩu phần ăn. Tránh ăn nhiều đồ cay nóng hoặc các món chứa nhiều chất béo.
- Không ngồi lâu hoặc cố gắng rặn mạnh khi đi cầu.
- Trường hợp phải làm việc trong môi trường ít vận động, bạn nên đi lại, vận động nhẹ nhàng sau mỗi giờ làm việc để khí huyết được lưu thông, hạn chế áp lực cho vùng hậu môn.
- Tập thể dục nhẹ nhàng, vừa sức mỗi ngày cũng là một cách ngăn ngừa bệnh trĩ đơn giản, hiệu quả.
- Sử dụng máy móc hoặc nhờ người trợ giúp khi nâng vật nặng. Không cố gắng mang vác đồ nặng quá sức.
- Kiểm soát cân nặng, tránh để dư thừa cân nặng quá nhiều, nhất là trong thời gian mang thai.
- Không lạm dụng chất kích thích và các thức uống có gas.
- Vệ sinh hậu môn sạch sẽ mỗi khi đi ngoài, không để vi khuẩn có cơ hội xâm nhập vào hậu môn gây nhiễm trùng, tổn thương tĩnh mạch và làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ.
- Đi ngoài ngay khi có nhu cầu, không cố gắng nín nhịn dẫn đến táo bón - nguyên nhân phổ biến dẫn đến bệnh trĩ.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Bệnh trĩ có lây nhiễm không?
2. Bệnh trĩ có tự khỏi được không hay phải chữa?
3. Bị trĩ nên ăn gì và kiêng những gì?
4. Bệnh trĩ có di truyền không?
5. Bị trĩ khi mang thai phải làm sao?
6. Bị trĩ sau sinh nên làm gì? Dùng thuốc gì?
7. Bị bệnh trĩ có quan hệ được không?
8. Bị trĩ chảy máu có sao không? Nên làm gì?
9. Bệnh trĩ có chữa khỏi hoàn toàn được không?
Nhìn chung, bệnh trĩ không phải là căn bệnh không quá nguy hiểm và có thể được chữa khỏi bằng các phương pháp bảo tồn nếu có biện pháp can thiệp từ sớm. Để nhanh chóng kiểm soát tốt các triệu chứng khó chịu và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh, bạn nên tìm đến các cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám, điều trị càng sớm càng tốt.
Tham khảo thêm:
- Mẹo Chữa Bệnh Trĩ Bằng Mật Ong Dễ Dùng, Hiệu Quả
- Xôn xao 4 bài thuốc xông hơi chữa bệnh trĩ cực rẻ tiền