Bệnh tiêu chảy

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN – Khoa Nội – Tiêu hóaGiám đốc Chuyên môn Thuốc Dân Tộc Chi Nhánh phía Nam – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh

Bệnh tiêu chảy có thể xảy ra một thời gian ngắn hoặc kéo dài. Nguyên nhân gây tiêu chảy đến từ nhiều yếu tố, trong đó không loại trừ khả năng liên quan đến bệnh lý đường ruột. Nếu cơ thể đi ngoài thường xuyên, phân lỏng kéo dài, bệnh nhân cần khám và điều trị sớm để tránh các biến chứng không mong muốn.

Tổng quan

Bệnh tiêu chảy (Diarrhea) là tình trạng người bệnh đi ngoài phân lỏng, số lần đi đại tiện trong ngày nhiều hơn bình thường. Ai cũng có khả năng mắc bệnh tiêu chảy, trong đó phổ biến nhất là ở trẻ em và người lớn tuổi.

Bệnh tiêu chảy
Tiêu chảy là hiện tượng người bệnh đi ngoài phân lỏng liên tục nhiều lần trong ngày

Để khắc phục tình trạng tiêu chảy, trước hết cần xác định được nguyên nhân gây ra vấn đề này. Có rất nhiều yếu tố tác động gây rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân lỏng. Trường hợp nhẹ, người bệnh có thể cải thiện sau khi thay đổi và điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trường hợp chủ quan, không khắc phục tình trạng tiêu chảy sớm khiến cơ thể gặp nhiều biến chứng khác. Trong đó đã có rất nhiều trường hợp trẻ em tử vong do bị tiêu chảy kéo dài mà không được điều trị.

Phân loại

Bệnh tiêu chảy được phân loại theo các mức độ tiến triển của bệnh từ nhẹ đến nặng nề. Bác sĩ sẽ chẩn đoán tình trạng tiêu chảy của bệnh nhân và đưa ra giải pháp điều trị sao cho phù hợp nhất. Các dạng tiêu chảy như:

  • Tiêu chảy cấp tính: Đối tượng bị tiêu chảy cấp thường gặp là trẻ em, những em bé đang trong độ tuổi học mầm non đến tiểu học. Trẻ mắc tiêu chảy cấp thường có dấu hiệu đi ngoài phân lỏng, trong ngày số lần đi đại tiện tăng lên so với bình thường, đi trên 3 lần được xem là biểu hiện cảnh báo bệnh lý. Nguyên nhân gây bệnh có liên quan đến thức ăn, nhiễm virus,...
  • Tiêu chảy mãn tính: Xảy ra phổ biến ở người trưởng thành, một số trường hợp trẻ em cũng mắc phải bệnh tiêu chảy mãn tính. Thời gian đi tiêu phân lỏng kéo dài từ nửa tháng đến 1 tháng mà không thấy thuyên giảm. Cần có biện pháp kiểm soát bệnh để tránh các biến chứng do tiêu chảy mãn tính gây ra ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe.
  • Tiêu chảy thẩm thấu: Đối với loại này, người bệnh đi ngoài phân lỏng xảy ra do tình trạng hấp thu dịch kém, suy giảm chất điện giải và dinh dưỡng trong cơ thể. Nguyên nhân gây bệnh liên quan đến yếu tố dinh dưỡng, ăn những thực phẩm không phù hợp với cơ thể. Việc điều trị sẽ hiệu quả khi người bệnh ngưng sử dụng các nhóm thực phẩm gây tiêu chảy thẩm thấu.
  • Tiêu chảy xuất tiết: Xuất hiện hiện tượng giảm hấp thu, tăng bài tiết hoặc đồng thời xảy ra cả hai vấn đề này. Đây là cơ chế gây ra tình trạng tiêu chảy mà nhiều người gặp phải. Người bệnh cần sử dụng thuốc hoặc áp dụng các biện pháp can thiệp chuyên khoa, bởi việc cắt giảm, điều chỉnh khẩu phần ăn không mang đến hiệu quả như mong đợi.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Tình trạng tiêu chảy có thể xảy ra do nhiều yếu tố từ chế độ dinh dưỡng đến vấn đề bệnh lý đường ruột,... Nhận biết nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp việc điều trị hiệu quả hơn. Một số trường hợp điển hình như:

Nguyên nhân gây tiêu chảy
Bệnh tiêu chảy có thể xảy ra do ảnh hưởng từ chế độ dinh dưỡng, bệnh lý và nhiều yếu tố khác

  • Tiêu chảy do nhiễm khuẩn đường ruột khi ăn những thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, thức ăn bị oi thiu, nấm móc,... vi khuẩn xâm nhập dẫn đến hiện tượng ngộ độc.
  • Người sống ở những khu vực có điều kiện vệ sinh kém, không rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh tạo điều kiện cho hại khuẩn tấn công cơ thể. Chúng sẽ đi theo đường miệng xuống hệ tiêu hóa làm mất cân bằng môi trường trong dạ dày gây hiện tượng tiêu chảy.
  • Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc điều trị bệnh, đặc biệt là những người lạm dụng thuốc kháng sinh, thuốc tân dược. Hệ vi sinh đường ruột bị rối loạn do lợi khuẩn bị tiêu diệt. Khi đó, hoạt động của nhu động ruột gia tăng bất thường, giảm hiệu suất hấp thu dinh dưỡng kéo theo tình trạng đi ngoài phân lỏng, phân sống.
  • Một số người bệnh có cơ địa khó hấp thụ các loại đường như lactose, fructose,... tuy nhiên lại vô tình ăn phải những thực phẩm chứa đường. Điều này làm hệ tiêu hóa bị kích ứng, tiêu chảy trong vài ngày hoặc kéo dài.
  • Ngoài các nguyên nhân kể trên, tiêu chảy còn có liên quan đến một số bệnh lý đường ruột như hội chứng ruột kích thích, bệnh viêm đại tràng,... Hệ thống tiêu hóa hoạt động kém, dễ bị hại khuẩn tấn công gây ra nhiều triệu chứng khó chịu. Trong đó hiện tượng tiêu chảy có thể kéo dài đến khi bệnh đường ruột được kiểm soát hoàn toàn.

Bệnh tiêu chảy có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào, nguy cơ lây lan nhanh tại các khu vực có đông người dân sinh sống, khu ổ chuột, nơi nguồn thức ăn, nước uống không đảm bảo vệ sinh, xử lý chất thải kém,...

Cần thận trọng với những trường hợp tiêu chảy kéo dài kèm theo các biểu hiện toàn thân nặng. Tránh rủi ro ngộ độc, nhiễm khuẩn đường ruột nặng nề không chỉ gây hại cho sức khỏe mà còn có nguy cơ đe dọa tính mạng người bệnh.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Bệnh tiêu chảy không quá khó để nhận biết, bởi người bệnh sẽ cảm nhận được và quan sát thấy sự bất thường khi đi đại tiện. Đây là bệnh lý đường ruột nhiều người gặp phải. Trường hợp nhẹ sau vài ngày điều chỉnh chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hiện tượng tiêu chảy sẽ cải thiện.

Tuy nhiên cũng không ít bệnh nhân tiêu chảy do bệnh dạ dày, đường ruột nặng kèm theo nhiều dấu hiệu cảnh báo khác, lúc này nếu không điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Do đó, bệnh nhân cần chủ động theo dõi triệu chứng bất thường của cơ thể, kịp thời khám và điều trị theo phác đồ của bác sĩ.

Triệu chứng bệnh tiêu chảy
Đi đại tiện nhiều lần trong ngày, phân lỏng, phân sống và kèm theo nhiều dấu hiệu khác

Các triệu chứng điển hình khi bị bệnh tiêu chảy như:

  • Vùng bụng có cảm giác sôi nhẹ, đầy bụng khó tiêu.
  • Cơn đau bụng nặng kéo theo tình trạng tiêu chảy, phân lỏng. Đi ngoài nhiều lần trong ngày, những lần sau chỉ đi ngoài ra nước.
  • Buồn nôn, nôn hết thức ăn ra ngoài. Những đối tượng bị ngộ độc thực phẩm nôn liên tục, nôn ra dịch vàng nhạt, nôn ra nước.
  • Cơ thể không còn sức lực, người bị mệt lả, da dẻ xanh xao.
  • Những thay đổi về nhịp tim, huyết áp rõ nét hơn khi bệnh nhân đi đại tiện quá nhiều lần.

Trường hợp nhận thấy biểu hiện kéo dài, kèm theo tình trạng vô niệu, lạnh chân, tay, tim đập nhanh, nôn mửa nặng,... người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu. Tránh tình trạng tiêu chảy do ngộ độc, nhiễm khuẩn nghiêm trọng đe dọa an toàn tính mạng.

Chẩn đoán

Chẩn đoán bệnh tiêu chảy thông qua triệu chứng lâm sàng. Bên cạnh đó, người bệnh cũng được chỉ định thực hiện các xét nghiệm kiểm tra xác định bệnh lý, tình trạng tổn thương và những vấn đề liên quan khác.

Các xét nghiệm kể đến như:

  • Xét nghiệm máu
  • Xét nghiệm phân
  • Xét nghiệm nước tiểu
  • Nội soi đại tràng, đường ruột

Sau khi có kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh cách khắc phục tiêu chảy hiệu quả. Đối với trường hợp mắc bệnh dạ dày, có sự xuất hiện của hại khuẩn, virus,... phác đồ điều trị sẽ được xây dựng phù hợp giúp bệnh nhân sớm loại bỏ yếu tố nguy cơ, bảo vệ an toàn sức khỏe.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh tiêu chảy nhẹ sau vài ngày hoặc vài tuần sẽ cải thiện sau khi người bệnh điều chỉnh chế độ ăn uống, chăm sóc tốt. Tuy nhiên cũng không ít trường hợp tiêu chảy kéo dài do bệnh tiêu hóa, ngộ độc,...

Nhiều bệnh nhân chủ quan không kiểm soát tiêu chảy khiến cơ thể dần bị mất nước, mất sức, viêm nhiễm trở nên nặng nề hơn. Nguy cơ biến chứng xảy ra không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn có nguy cơ đe dọa an toàn tính mạng.

Biến chứng bệnh tiêu chảy
Bệnh tiêu chảy kéo dài có thể gây biến chứng nguy hiểm, thận trọng đối với trẻ nhỏ

Một số rủi ro như:

  • Tổn thương hậu môn do đi đại tiện quá nhiều lần trong ngày, vùng quanh hậu môn dễ bị hăm loét gây ảnh hưởng đời sống, tăng nguy cơ viêm nhiễm cho người bệnh.
  • Trẻ em bị tiêu chảy kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển. Trẻ suy dinh dưỡng, thể chất yếu hơn các bạn đồng trang lứa. Không chỉ chậm lớn, trẻ mắc bệnh tiêu chảy kéo dài còn có khả năng gặp vấn đề về tư duy, trí não do cơ thể bị thiếu chất, khả năng hấp thụ dinh dưỡng kém.
  • Trường hợp người lớn tuổi bị tiêu chảy kéo dài, tăng khả năng mất nước khiến cơ thể suy nhược. Ngoài ra, tình trạng mất nước do tiêu chảy cũng có nguy cơ xảy ra ở người trưởng thành, trẻ nhỏ. Nếu bệnh nhân không bù nước, bù khoáng kịp thời có khả năng bị tổn thương não bộ, dẫn đến các cơn co giật nguy hiểm. Một số trường hợp xấu bệnh nhân tử vong khi bị tiêu chảy kéo dài không được kiểm soát.

Người bệnh cần chủ động trong việc điều trị chứng tiêu chảy. Đặc biệt, những người có sức khỏe yếu, mắc bệnh nan y, trẻ em có hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện,... cần lưu ý và phòng tránh tình trạng này để bảo vệ an toàn sức khỏe và tính mạng.

Điều trị

Đối với bệnh nhân được chẩn đoán tiêu chảy nhẹ không cần can thiệp các biện pháp y tế chuyên sâu. Người bệnh có thể điều trị tại nhà bằng cách thay đổi thói quen ăn uống, lựa chọn nguồn thực phẩm phù hợp, đảm bảo vệ sinh, đồng thời chăm sóc cơ thể đúng cách để kiểm soát tiêu chảy hiệu quả.

Điều trị bệnh tiêu chảy
Kiểm soát tiêu chảy theo chỉ định của bác sĩ, kết hợp chăm sóc cơ thể tại nhà

Ngược lại, những đối tượng bị tiêu chảy liên quan đến bệnh lý đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, nhiễm khuẩn,... cần theo dõi và điều trị bằng phác đồ y tế phù hợp. Các giải pháp giúp bệnh nhân kiểm soát tiêu chảy được thực hiện phổ biến như:

  • Cung cấp nước, chất điện giải: Người tiêu chảy quá nhiều lần trong ngày dễ bị mất nước khiến cơ thể suy nhược. Bác sĩ sẽ chỉ định giải pháp bù nước, chất điện giải tức thời giúp bệnh nhân phòng tránh biến chứng. Dung dịch muối, nước sạch và một chút đường bổ sung qua đường uống, hấp thụ tại ruột non. Dung dịch sẽ giúp bù nước, chất điện giải mà cơ thể bị mất đi khi đi đại tiện quá nhiều lần. Trường hợp không sử dụng được dung dịch uống thay thế cách bổ sung thông qua đường truyền tĩnh mạch.
  • Sử dụng kháng sinh: Thuốc kháng sinh dùng trong trường hợp tiêu chảy liên quan đến nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng trong hệ tiêu hóa. Người bệnh sẽ được bác sĩ hướng dẫn sử dụng thuốc kháng sinh sao cho hiệu quả nhất. Trường hợp nhiễm virus sẽ được chỉ định biện pháp khác, bởi thuốc kháng sinh sẽ không có khả năng loại bỏ được virus.
  • Điều trị bệnh lý: Trường hợp tiêu chảy xảy ra do bệnh nhân đang mắc bệnh viêm loét, rối loạn hệ tiêu hóa,... sẽ được khám và điều trị bằng biện pháp riêng. Mỗi trường hợp bệnh phác đồ điều trị không hoàn toàn giống nhau. Bệnh nhân nên tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Nếu cần thiết thuốc chữa bệnh trước đó sẽ phải thay thế hoặc kết hợp thêm thuốc khác để tăng hiệu quả điều trị, tránh nguy cơ tác dụng phụ khiến bệnh nhân bị tiêu chảy kéo dài hoặc gặp biến chứng.

Ngoài việc áp dụng điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh cần chủ động theo dõi sức khỏe kết hợp điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt cho khoa học. Thông báo với bác sĩ nếu trong thời gian điều trị cơ thể có các dấu hiệu bất thường.

Phòng ngừa

Bệnh tiêu chảy có thể khắc phục bằng biện pháp chăm sóc và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng tại nhà. Trường hợp cần thiết được bác sĩ hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc can thiệp điều trị chuyên khoa để kiểm soát tổn thương, bệnh lý,... bảo đảm an toàn cho người bệnh.

Phòng ngừa bệnh tiêu chảy
Xây dựng thói quen tốt, ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Cần thận trọng đối với hiện tượng tiêu chảy kéo dài, bởi bệnh có thể tiến triển nặng gây ra các biến chứng nguy hiểm, nhất là ở người già, người có sức khỏe kém và trẻ nhỏ. Một số lưu ý trong việc phòng ngừa tiêu chảy được các chuyên gia khuyến khích thực hiện:

  • Lựa chọn nguồn thực phẩm đảm bảo, an toàn vệ sinh để tránh nhiễm khuẩn, ký sinh trùng gây hại cho hệ thống tiêu hóa.
  • Ưu tiên ăn chín, uống sôi, sơ chế thức ăn sạch sẽ, có thể dùng các sản phẩm rửa dành riêng cho thực phẩm để làm sạch trước khi chế biến.
  • Không ăn những món đã có dấu hiệu hư hỏng, không nên ăn những thực phẩm gây dị ứng, món ăn lạ không đảm bảo an toàn cho cơ thể, đặc biệt đối với người có cơ địa nhạy cảm, hệ tiêu hóa kém.
  • Bảo vệ nguồn nước, sử dụng nguồn nước đã được xử lý, lọc tẩy nhiều lần giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn, ký sinh trùng.
  • Tập thói quen cho bé rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để tránh rủi ro nhiễm khuẩn gây hại cho hệ tiêu hóa.
  • Xây dựng đời sống khoa học với chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục, vận động giúp nâng cao thể chất, hệ miễn dịch và sức đề kháng.
  • Khám sức khỏe định kỳ, tiêm phòng cho trẻ em theo hướng dẫn của Bộ y tế. Trường hợp bị tiêu chảy hãy theo dõi biểu hiện, thời gian xảy ra tình trạng này để kịp thời xử lý phòng tránh nguy cơ.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Bệnh tiêu chảy có nguy hiểm không?

2. Triệu chứng tiêu chảy là gì?

3. Nguyên nhân vì sao tôi mắc bệnh tiêu chảy?

4. Tôi cần thực hiện xét nghiệm chẩn đoán tiêu chảy gì?

5. Tiêu chảy xảy ra trong bao lâu thì khỏi?

6. Tôi không dùng thuốc có trị được bệnh tiêu chảy không?

7. Trường hợp nào tôi cần sử dụng thuốc Tây?

8. Trong thời gian uống thuốc tôi cần làm gì để bệnh tiêu chảy mau khỏi?

9. Chi phí điều trị bệnh tiêu chảy là bao nhiêu?

10. Tôi cần làm gì để phòng tránh tiêu chảy tái phát?

Bệnh tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng, đi ngoài ra nước liên tục nhiều lần trong ngày. Nguyên nhân gây bệnh có thể đến từ những yếu tố bên trong và bên ngoài cơ thể. Để hạn chế các biến chứng xảy ra gây hại sức khỏe, tốt nhất người bệnh nên xác định nguyên nhân gây tiêu chảy, thăm khám để có cách điều trị hiệu quả, an toàn nhất.