Yến Chưng Gừng Sơ Chế Sao Để Đảm Bảo Dinh Dưỡng?
Món yến chưng gừng mang lại nhiều tác dụng quý cho sức khỏe như tăng cường sức đề kháng, làm đẹp da, hỗ trợ tiêu hóa… Tuy nhiên, bạn cần nắm rõ được kỹ thuật chế biến và sử dụng món ăn này đúng cách để thu được lợi ích tối đa.
Yến chưng gừng – món ăn bổ dưỡng cho sức khỏe
Yến sào có giá trị dinh dưỡng cao, thường được nhiều người sử dụng để bồi bổ sức khỏe cho người già, người mới ốm dậy hay trẻ em. Thực phẩm này được dùng chủ yếu theo hình thức chưng cách thủy nguyên chất với đường phèn hoặc phối hợp cùng các nguyên liệu khác sao cho phù hợp với mục đích sử dụng. Trong đó, yến chưng gừng là một cách chưng yến khá phổ biến và được ưa chuộng rộng rãi nhờ có nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Để hiểu rõ được yến chưng gừng có tác dụng gì, trước tiên chúng ta cần đi sâu vào tìm hiểu về giá trị dinh dưỡng của tổ yến và gừng.
Tổ yến:
Phân tích thành phần dinh dưỡng của tổ yến cho thấy, thực phẩm này chứa khoảng 18 loại axit amin khác nhau kết hợp với Sialac, sắt và tyrosine. Những dưỡng chất này giúp tăng cường năng lượng, kích thích sản sinh tế bào máu, giúp cơ thể phục hồi nhanh, đặc biệt là sau khi làm phẫu thuật.
Bên cạnh đó, yến sào còn cung cấp nguồn nguyên tố vi lượng phong phú, thiết yếu cho cơ thể, bao gồm canxi, mangan, brom, đồng, kẽm. Khi được hấp thụ, những dưỡng chất này có tác dụng ổn định hệ thần kinh, cải thiện khả năng ghi nhớ, giúp xương khớp chắc khỏe hơn.
Đặc biệt, các chất Cr và Se là những nguyên tố hiếm có được tìm thấy trong tổ yến. Chúng có tác dụng chống oxy hóa, làm chậm quá trình lão hóa da và tăng cường chức năng tiêu hóa.
Gừng:
Trong đời sống hàng ngày, củ gừng tươi (sinh khương) được sử dụng với nhiều vai trò. Đây vừa là thực phẩm không thể thiếu trong nhiều món ăn, vừa có tác dụng làm đẹp và chữa bệnh. Trong gừng chứa 2 – 3 % tinh dầu, bao gồm nhiều thành phần hóa học là B-phelandren, Gingeridion, B-zingiberen, Zingeron, Zingerol, Gingerol,… Những dưỡng chất trên có tác dụng tích cực đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể, nhất là hệ tuần hoàn, hô hấp, xương khớp, thần kinh và hệ tiêu hóa, giúp cải thiện chức năng hoạt động của chúng.
Gừng được Đông y xem như là một vị thuốc có tính nóng, vị cay nhẹ và có mùi thơm nồng, giúp hoạt huyết, kích thích tiêu hóa, giảm ho, tiêu đờm, giảm đau. Chủ trị viêm họng, viêm phế quản, ho có đờm, hôi miệng, cảm lạnh, trào ngược dạ dày, buồn nôn, đau dạ dày…
Yến chưng gừng có tác dụng gì?
Gừng được sử dụng như một chất xúc tác khi chưng với yến. Với tính ấm tự nhiên, loại gia vị này có thể giúp trung hòa tính hàn của yến sào. Do vậy, khi ăn yến chưng gừng, bạn sẽ không còn cảm thấy lạnh bụng.
Bên cạnh đó, gừng còn hỗ trợ tích cực trong việc thúc đẩy chức năng hoạt động của đường ruột, giúp cơ thể dễ dàng tiêu hóa được một nguồn dưỡng chất phong phú có trong tổ yến. Mùi thơm nhẹ và hương vị cay nồng của gừng cũng làm át đi mùi tanh đặc trưng của yến, đồng thời giúp món ăn có hương vị thơm ngon hơn.
Đối với sức khỏe và sắc đẹp, yến chưng gừng mang đến nhiều lợi ích tuyệt vời như:
- Thúc đẩy quá trình phân hủy lượng mô mỡ dư thừa, làm giảm cảm giác thèm ăn, giảm lượng chất béo được hấp thụ, qua đó hỗ trợ giảm cân một cách an toàn và giúp bạn có vóc dáng thon gọn hơn.
- Giảm ho, viêm họng, ức chế virus, vi khuẩn, ngăn ngừa và cải thiện tình trạng viêm nhiễm ở đường hô hấp.
- Giảm buồn nôn, nôn ói khi đi tàu xe.
- Tăng cường khả năng miễn dịch.
- Cải thiện chức năng hoạt động của não bộ và cơ quan tiêu hóa.
- Giúp xương khớp chắc khỏe hơn.
- Ổn định hàm lượng đường trong máu
- Giảm cholesterol xấu, nâng cao sức khỏe tim mạch.
- Chống lão hóa, làm đẹp da.
- Giảm căng thẳng, mệt mỏi, nhất là với các trường hợp lao động trí óc.
Cách chưng yến với gừng
Nhiều người muốn ăn món yến chưng gừng nhưng không biết sơ chế sao cho đúng cách để đảm bảo giá trị dinh dưỡng và lợi ích tốt nhất cho sức khỏe. Việc chưng yến với gừng không đúng kỹ thuật có thể gây thất thoát một lượng lớn chất dinh dưỡng và làm giảm tác dụng của món ăn.
Dưới đây là một số cách chưng yến với gừng để bạn tham khảo:
1. Cách chưng yến đường phèn gừng
Đường phèn thường có mặt trong hầu hết các công thức chưng yến. Nguyên liệu này cũng được sử dụng trong món yến chưng gừng để giảm bớt vị cay của gừng và tạo độ ngọt thanh, giúp món ăn ngon miệng và hấp dẫn hơn, nhất là khi sử dụng cho trẻ em.
Chuẩn bị nguyên liệu:
- 10g tổ yến tinh chế hoặc tổ yến thô
- 30g đường phèn
- Vài lát gừng tươi
Cách chưng yến với gừng và đường phèn:
- Đầu tiên, tiến hành ngâm yến với nước lọc trong khoảng 30 phút đối với tổ yến tinh chế và 1 – 2 tiếng đối với tổ yến thô. Trường hợp dùng tổ yến thô, sau khi ngâm xong bạn cần nhặt cho sạch hết lông và tạp chất. Vớt ra, để ráo nước.
- Tiếp theo, bạn bỏ tổ yến vào trong một cái thố hay tô sành. Đổ thêm nước sạch vào và đem chưng cách thủy trong 15 phút.
- Bỏ đường phèn giã nhuyễn cùng gừng tươi thái sợi vào, trộn đều. Tiếp tục đậy nắp thố và chưng thêm khoảng 10 phút nữa là có thể lấy ra thưởng thức. Ăn ngay khi còn nóng hoặc làm lạnh trước khi thưởng thức món yến chưng gừng đường phèn đều rất ngon miệng.
2. Yến chưng gừng mật ong
Mật ong cũng có vị ngọt tự nhiên nên bạn có thể sử dụng thay thế cho đường phèn. Ngoài ra, thực phẩm này còn cung cấp nhiều axit amin, vitamin E cùng nhiều dưỡng chất khác có tác dụng tăng cường sức đề kháng, bổ sung năng lượng, phục hồi sức khỏe cho người mới ốm dậy và giúp món yến chưng gừng thơm ngon hơn.
Chuẩn bị nguyên liệu:
- 10g tổ yến tinh chế ( hoặc tổ yến thô)
- 40ml mật ong nguyên chất
- Một ít gừng tươi thái sợi
- Thố chưng và nước lọc.
Cách chế biến:
- Ngâm tổ yến tinh trong nước sạch khoảng 30 phút cho các sợi yến nở mềm và tơi ra. Đối với tổ yến thô thì cần thời gian ngâm lâu hơn và đảm bảo nhặt sạch lông cùng tạp chất trước khi sử dụng.
- Bỏ yến đã sơ chế vào trong thố và đổ ngập nước. Tuy nhiên, lượng nước không nên vượt quá 1/4 chiều cao của thố sẽ dễ bị trào ra ngoài khi chưng.
- Hấp cách thủy trong 15 phút rồi tiếp tục bỏ gừng và mật ong vào, khuấy đều, đun trong 5 – 10 phút nữa.
- Cuối cùng, bạn nhấc thố yến ra. Thưởng thức món ăn ngay khi còn nóng hoặc để nguội.
3. Yến chưng gừng đường phèn hạt chia
Hạt chia không chỉ tốt cho tiêu hóa mà còn mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Chính vì vậy mà không có gì ngạc nhiên khi nguyên liệu này được thêm vào trong món yến chưng gừng. Món ăn này đặc biệt thích hợp cho người có vấn đề ở đường tiêu hóa, chẳng hạn như táo bón, đầy bụng hay bệnh trĩ.
Chuẩn bị nguyên liệu:
- 1 tổ yến tinh chế: Dùng 1 – 2 tai yến sao cho đủ 10g.
- Đường phèn: 30g
- 2 lát gừng tươi
- 1 thìa hạt chia.
Cách chế biến:
- Tương tự như những cách trên, bạn cũng ngâm tổ yến cho nở rồi bỏ vào thố chưng ngập nước.
- Sau khoảng 15 phút, thêm đường phèn và gừng vào tiếp tục nấu thêm 10 phút nữa rồi tắt bếp.
- Sau cùng mới cho hạt chia vào, chờ đến khi lớp màng nhầy quanh hạt nở ra là có thể thưởng thức.
4. Cách chưng yến với gừng và hạt sen
Đối với các trường hợp hay bị căng thẳng, mất ngủ, món yến chưng gừng và hạt sen chính là một sự lựa chọn tuyệt vời.
Chuẩn bị nguyên liệu:
- 1 tổ yến sào khoảng 10g
- Hạt sen khô: 25g
- Đường phèn: 8g
- Gừng: 2 – 3 lát mỏng
- Nước lọc: 450ml
Cách chế biến:
- Ngâm riêng từng nguyên liệu trong nước cho mềm. Hạt sen khô thì ngâm khoảng 2 tiếng và loại bỏ tim sen rồi luộc chín. Riêng yến thì chỉ cần ngâm từ 20 – 30 phút.
- Bỏ cả hai nguyên liệu trên vào trong thố cùng với nước, hấp cách thủy khoảng 20 phút. Sau đó tiếp tục cho gừng và đường phèn vào chưng thêm 5 phút nữa.
- Dùng món ăn khi nóng hay lạnh đều được. Tuy nhiên, không nên để yến chưng trong tủ lạnh quá lâu khiến hạt sen bị cứng lại.
Yến chưng gừng để được trong bao lâu?
Tùy theo cách thức bảo quản mà thời hạn sử dụng của món yến chưng gừng có thể dài hay ngắn. Nếu bảo quản không đúng cách, món ăn chẳng những không để được lâu mà còn bị hư hỏng hoặc giảm bớt giá trị dinh dưỡng.
- Ở điều kiện bảo quản từ 2-5 độ C, bạn có thể để món yến chưng gừng trong thời gian tối đa 14 ngày.
- Khi để trong ngăn mát tủ lạnh, bạn nên dùng hết yến chưng trong vòng 10 ngày. Chú ý bảo quản món ăn trong hộp đậy kín và để cách xa thực phẩm khác, nhất là các thức ăn tươi sống.
Theo kinh nghiệm của nhiều người, nếu muốn lưu trữ yến chưng gừng được lâu hơn, bạn nên bảo quản trong ngăn đông tủ lạnh. Thời gian để tối đa là 3 tháng.
Cách khác có thể chưng riêng yến sào và bảo quản trong tủ lạnh. Khi dùng chỉ cần lấy ra hâm nóng và thêm gừng cùng các nguyên liệu khác vào.
Ăn yến chưng gừng lúc nào tốt nhất?
Khi được sử dụng đúng thời điểm, món yến chưng gừng sẽ mang đến lợi ích tối đa cho sức khỏe. Các thời điểm được khuyến cáo sử dụng món ăn này là:
- Buổi sáng sớm: Yến chưng gừng được sử dụng vào lúc sáng sớm trước khi ăn sẽ giúp đường ruột hấp thụ được nhiều chất dinh dưỡng hơn. Món ăn này cũng cung cấp cho bạn nguồn năng lượng dồi dào để làm việc và học tập hiệu quả, năng suất hơn.
- Giữa hai bữa ăn chính: Đây cũng là thời điểm lý tưởng để ăn món yến sào chưng gừng. Lúc này, lượng thức ăn dung nạp vào đã được tiêu hóa gần như toàn bộ nên không gây cản trở đến quá trình hấp thụ dưỡng chất từ yến chưng gừng.
- Buổi tối trước khi đi ngủ: Trước khi đi ngủ vào buổi tối khoảng 30 phút, bạn cũng có thể ăn tổ yến chưng gừng. Việc sử dụng món ăn này có tác dụng giữ ấm cơ thể, chống mất ngủ, tăng cường tuần hoàn máu và bổ sung các dưỡng chất thiết yếu cho quá trình tái tạo tổn thương ở các cơ quan trong cơ thể.
Những sai lầm cần tránh khi ăn yến chưng gừng
- Chưng yến với gừng quá lâu: Thời gian chưng quá lâu sẽ khiến tổ yến thất thoát chất dinh dưỡng, bị nhão và mất đi vị ngon. Bạn chỉ nên chưng trong thời gian từ 20 – 30 phút.
- Nấu yến trực tiếp trên lửa: Thay vì chưng cách thủy, nhiều người lại cho tổ yến với gừng vào nồi và nấu trực tiếp trên lửa. Đây là một sai lầm nghiêm trọng cần tránh khi chưng bất kỳ món yến nào, bao gồm cả yến chưng gừng. Việc đun nấu ở nhiệt độ cao sẽ khiến cho yến sào bị mất chất dinh dưỡng.
- Chưng yến trong thố không đậy kín nắp: Khi chưng yến trong thố không có nắp đậy, các chất dinh dưỡng trong món ăn có thể bị bay mất theo hơi nước. Bên cạnh đó, phần nước ở bên ngoài khi sôi mạnh cũng có thể tràn vào trong thố.
- Không nấu chín các nguyên liệu khác chưng cùng: Một số nguyên liệu cần được nấu chín trước khi chưng cùng yến và gừng, chẳng hạn như hạt sen hay táo đỏ. Điều này sẽ giúp đảm bảo thời gian chưng yến không bị kéo dài quá lâu và các nguyên liệu đều chín tới.
Có thể bạn quan tâm
- Top 9 Loại Yến Chưng Sẵn Có Chất Lượng Tốt
- Cách Phân Biệt Yến Thật Giả Nhanh và Đơn Giản Khi Mua
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!