Bệnh Viêm Họng Là Gì? Dấu Hiệu và Cách Điều Trị Hiệu Quả Nhất

Viêm họng là tình trạng sưng viêm ở niêm mạc họng do nhiễm trùng hoặc do cổ họng bị kích ứng quá mức. Bệnh được chia thành hai thể chính là cấp và mãn tính với các dấu hiệu đặc trưng như đau họng, ho, sốt, khó nuốt… Các trường hợp bị viêm họng do virus thường tự khỏi mà không cần điều trị. Trường hợp mắc bệnh do vi khuẩn, bác sĩ thường kê đơn thuốc kháng sinh để chống nhiễm trùng và ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

Bệnh viêm họng là gì?

Viêm họng là bệnh lý chỉ hiện tượng sưng đỏ, phù nề xảy ra ở niêm mạc hầu họng. Vùng niêm mạc họng tổn thương có thể bị đau và tiết ra nhiều dịch gây cảm giác vướng víu, đau đớn và buồn nôn khi nuốt thức ăn, kèm theo đó là sự xuất hiện của các cơn ho khan và ho có đờm vô cùng khó chịu.

Viêm họng là gì?
Viêm họng là tình trạng niêm mạc họng bị tổn thương do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra.

Có nhiều nguyên nhân gây viêm họng, trong đó nhiễm trùng virus chiếm phần lớn. Phổ biến nhất là các loại virus cảm cúm hoặc cảm lạnh. Trường hợp này bệnh viêm họng có thể tự khỏi sau khoảng 5 – 7 ngày hoặc lâu hơn mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu bị viêm họng do vi khuẩn, bệnh nhân cần sử dụng thuốc kháng sinh theo phác đồ để tránh có nhiễm trùng lây lan và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bất cứ ai cũng có thể bị viêm họng, từ trẻ sơ sinh cho đến người cao tuổi. Tuy nhiên, trẻ nhỏ là nhóm đối tượng có tỷ lệ mắc căn bệnh này nhiều nhất do hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện. Nắm rõ các nguyên nhân, triệu chứng của viêm họng sẽ giúp bạn sớm phát hiện và có phương án điều trị, dự phòng bệnh hiệu quả hơn.

Dấu hiệu viêm họng

Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà các triệu chứng của viêm họng có thể khác nhau ở mỗi bệnh nhân. Một số dấu hiệu chung của bệnh đã được ghi nhận bao gồm:

  • Niêm mạc hầu họng sưng đỏ
  • Có cảm giác đau, ngứa ngáy hoặc vướng víu trong cổ họng. Cơn đau họng tăng nặng hơn khi nói chuyện, nuốt nước bọt hoặc nuốt thức ăn
  • Khó nuốt, nuốt vướng
  • Sưng đau hàm, hạch bạch huyết hay các tuyến ở cổ
  • Amidan hai bên có thể sưng đỏ. Xuất hiện các mảng màu trắng hoặc mủ trên bề mặt amidan
  • Khàn tiếng, giọng nói bị bóp nghẹt. Trường hợp viêm họng nặng có thể bị mất tiếng

Bệnh nhân bị viêm họng do nhiễm trùng có thể gặp thêm một số dấu hiệu, triệu chứng khác. Bao gồm:

  • Ho khan hoặc ho có đờm
  • Sốt
  • Chảy nước mũi
  • Hắt xì
  • Cơ thể đau mỏi
  • Nhức đầu
  • Buồn nôn hoặc nôn ói, nhất là khi ăn.

Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?

Nếu con bạn có dấu hiệu nghi ngờ viêm họng, chẳng hạn như đau họng, sưng đỏ niêm mạc họng… hãy đưa bé đi khám bác sĩ nếu các triệu chứng bệnh không thuyên giảm sau 3 ngày tự chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, nếu bé có các biểu hiện nghiêm trọng như khó thở, khó nuốt, sốt cao kéo dài quá 2 ngày, chảy nhiều nước dãi bất thường hoặc không thể nuốt thức ăn, cha mẹ cần đưa con tới bệnh viện ngay lập tức.

Ở người lớn, các dấu hiệu viêm họng thường không nghiêm trọng bằng trẻ em. Mặc dù vậy, việc chủ quan trong điều trị cũng có thể khiến người trưởng thành có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng viêm họng mãn tính và nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Hãy tới bệnh viện khám ngay nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào dưới đây:

  • Thường xuyên bị đau họng dữ dội hoặc cơn đau họng kéo dài quá 7 ngày không thuyên giảm
  • Khó nuốt, nôn ói nhiều khi ăn
  • Khó thở, thở khò khè
  • Gặp khó khăn khi mở miệng nhai thức ăn hoặc nói chuyện
  • Đau khớp
  • Sưng đau hàm
  • Đau tai
  • Phát ban
  • Sốt cao kéo dài quá 2 ngày
  • Khạc đờm có máu
  • Cơn đau họng thường xuyên tái phát
  • Phát hiện một cục u trong cổ họng
  • Khàn tiếng kéo dài nhiều hơn 2 tuần hoặc mất tiếng
  • Vùng cổ hoặc mặt bị sưng.

Nguyên nhân gây viêm họng

Các nguyên nhân gây bệnh viêm họng khá đa dạng, từ tình trạng nhiễm trùng cho đến chấn thương đều có thể là thủ phạm khiến cho họng bị sưng viêm. Phổ biến nhất là các nguyên nhân sau:

1. Nhiễm virus cảm lạnh, cảm cúm và các chủng virus khác

Nhiễm trùng virus được xác định là nguyên nhân gây ra khoảng 90% các trường hợp bị viêm họng. Trong đó, thường gặp nhất là virus cảm lạnh thông thường hoặc virus cúm. Một số chủng virus khác cũng có thể gây viêm họng nhưng ít gặp hơn. Bao gồm:

  • Bạch cầu đơn – một dạng virus có khả năng lây truyền qua nước bọt
  • Virus gây bệnh sởi. Ngoài các triệu chứng viêm họng thường gặp, virus sởi còn có thể gây phát ban, sốt kéo dài.
  • Virus thủy đậu – một loại virus có khả năng truyền nhiễm và thường gây sốt kèm theo tình trạng nổi phát ban và các mụn mủ ngứa trên da.
  • Virus quai bị, một dạng nhiễm trùng ảnh hưởng chủ yếu đến tuyến nước bọt ở cổ nhưng cũng có thể lây lan đến họng.

2. Nhiễm vi khuẩn

Một số trường hợp bị viêm họng do nhiễm trùng vi khuẩn. Nhiều chủng vi khuẩn khác nhau có thể gây ra bệnh, phổ biến nhất là liên cầu khuẩn nhóm A ( Streptococcus). Đây là thủ phạm gây bệnh cho gần 40% các trường hợp bị viêm họng ở trẻ em.

nguyên nhân gây viêm họng
Viêm họng do liên cầu khuẩn thường xảy ra ở những người có hệ miễn dịch suy yếu, trẻ em

Ngoài ra, một số loại vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục như lậu, chlamydia cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh viêm họng.

3. Độ ẩm không khí thấp

Không khí khô hanh có thể khiến cho niêm mạc cổ họng của bạn bị khô và có cảm giác ngứa rát, khó chịu. Tình trạng này kéo dài làm niêm mạc bị kích ứng, sưng viêm. Đây là một trong những nguyên nhân gây viêm họng phổ biến nhất vào mùa đông.

4. Viêm họng do dị ứng

Bệnh xảy ra do hệ miễn dịch phản ứng quá mức khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, chẳng hạn như phấn hoa, khói thuốc lá, hóa chất, lông chó mèo, mạt bụi hay bất cứ loại thực phẩm, đồ uống nào đó. Lúc này, hệ miễn dịch sẽ giải phóng nhiều histamin – một chất hóa học có thể kích hoạt phản ứng viêm đỏ ở cổ họng. Kèm theo đó là các triệu chứng khác như chảy nước mắt, hắt hơi từng tràng dài, nghẹt mũi, ngứa hoặc đau cổ họng, chảy dịch nhầy trên mũi xuống cổ họng.

5. Tổn thương họng

Các chấn thương ở niêm mạc họng có thể xảy ra bởi một cú đánh, vết cắt ở cổ hoặc nuốt phải xương… đều có thể tiến triển thành viêm họng. Phản ứng viêm cũng có thể tiến triển khi do niêm mạc họng bị kích ứng khi có mẩu thức ăn hay dị vật mắc kẹt lại trong cổ họng.

Ngoài ra, một cá nhân có thể bị viêm họng do la hét quá nhiều, nói to hay hát liên tục trong thời gian dài. Những hoạt động này gây căng thẳng cho dây thanh âm và các cơ trong cổ họng. Đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất của nguyên nhân này đó chính là giáo viên, hướng dẫn viên du lịch, ca sĩ hay các nhà diễn thuyết…

6. Do các chất gây kích ứng

Bệnh viêm họng có thể xảy ra nếu bạn thường xuyên tiếp xúc với hóa chất hoặc các chất gây kích thích khác đến từ môi trường bên ngoài. Bao gồm:

  • Khói thuốc lá, thuốc lào
  • Bụi bẩn
  • Không khí ô nhiễm
  • Khí thải công nghiệp
  • Các sản phẩm tẩy rửa, mỹ phẩm kém chất lượng hoặc các hóa chất khác

7. Khối u

Nếu bị viêm họng, đau họng kéo dài hoặc tái đi tái lại nhiều lần, bạn nên thận trọng bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo sự xuất hiện của một khối u ác tính trong cổ họng, chẳng hạn như bệnh ung thư vòm họng.

8. Nhiễm HIV

Viêm họng và các triệu chứng khác tương tự như bệnh cúm có thể xuất hiện sớm ở bệnh nhân mới nhiễm HIV. Khi mắc căn bệnh này, hệ miễn dịch bị suy giảm nghiêm trọng khiến cho virus và các tác nhân gây bệnh khác dễ dàng tấn công vào cơ thể gây viêm họng và nhiều vấn đề khác ở đường hô hấp.

9. Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Viêm họng được xem là biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Nguyên nhân là do axit từ trong dạ dày trào ngược lên trên khiến cho niêm mạc cổ họng và thực quản bị đốt cháy, ăn mòn.

Người bị viêm họng do trào ngược dạ dày thực quản thường có các dấu hiệu khác như ợ nóng, ợ chua, ho, nóng rát cổ họng, buồn nôn, đau thượng vị dạ dày…

10. Viêm xoang, viêm mũi dị ứng

Bệnh viêm xoang nếu không được kiểm soát tốt có thể khiến tình trạng nhiễm trùng lây lan xuống hầu họng, từ đó dẫn đến viêm họng.

Bên cạnh đó, bệnh viêm họng cũng có thể phát triển thứ phát sau khi bị viêm mũi dị ứng. Khi mắc căn bệnh này, dịch từ mũi tiết ra nhiều và chảy ngược xuống cổ họng khiến cho niêm mạc bị kích ứng, viêm nhiễm.

11. Suy giảm hệ miễn dịch

Khi hệ miễn dịch bị suy giảm, virus, vi khuẩn có thể dễ dàng tấn công vào cổ họng và gây bệnh. Nguyên nhân này thường được bắt gặp ở những cá nhân có tiền sử bị đái tháo đường, hóa trị ung thư, stress kéo dài, dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc thiếu hụt chất dinh dưỡng.

Bên cạnh các nguyên nhân trên, một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ bị viêm họng như tuổi tác, cơ địa, môi trường sống bị ô nhiễm, nghề nghiệp, chế độ ăn uống hàng ngày hoặc cách chăm sóc, vệ sinh răng miệng… Việc xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với quá trình điều trị viêm họng.

Các loại viêm họng thường gặp

Bệnh viêm họng được chia thành nhiều thể khác nhau. Bao gồm:

1. Viêm họng cấp tính

Bệnh viêm họng cấp tính thường khởi phát đột ngột trong những ngày thời tiết giao mùa. Dạng bệnh này ảnh hưởng đến mọi đối tượng với tác nhân gây bệnh chủ yếu là virus hoặc vi khuẩn.

Dấu hiệu viêm họng cấp:

  • Đau họng
  • Đau đầu
  • Ho
  • Sốt
  • Cổ họng có cảm giác khô rát
  • Các triệu chứng khác có thể gặp: Hắt hơi, sổ mũi, chán ăn, đau mỏi cơ bắp toàn thân, khó nuốt, buồn nôn, nổi hạch ở cổ…

Trường hợp bị viêm họng cấp do virus, các triệu chứng bệnh có khuynh hướng tự thuyên giảm dần sau khoảng 3 ngày mà không cần điều trị.

các dạng viêm họng
Viêm họng cấp tính là dạng viêm họng thường gặp nhất

2. Viêm họng mãn tính

Khi các đợt viêm họng cấp tái đi tái lại nhiều lần, bệnh có thể chuyển sang giai đoạn mãn tính. Lúc này, các triệu chứng bệnh kéo dài dai dẳng hơn và có thể phát sinh nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng sống của người bệnh.

Triệu chứng viêm họng mãn tính:

  • Đau họng dai dẳng
  • Khó nuốt
  • Ho có đờm kéo dài
  • Cổ họng nóng rát, ngứa hoặc có cảm giác vướng víu
  • Khàn tiếng, thay đổi giọng nói
  • Một số trường hợp có cảm giác nóng rát phía sau xương ức
  • Đau đầu
  • Cơ thể mệt mỏi.

3. Bệnh viêm họng hạt

Khi tình trạng nhiễm trùng trong cổ họng kéo dài liên tục, cá mô lympho nằm phía sau thành họng có thể bị sưng phình dẫn đến bệnh viêm họng hạt.

Dấu hiệu nhận biết:

  • Thường xuyên có cảm giác ngứa và vướng víu trong cổ họng
  • Ho khan kéo dài
  • Thành họng xuất hiện các nốt hoặc hạt với kích thước không đồng đều
  • Khô họng
  • Đau rát trong họng…

4. Viêm họng xung huyết

Bệnh viêm họng xung huyết chủ yếu xảy ra trong thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại. Do cơ thể không kịp kích ứng, sức đề kháng bị suy giảm khiến niêm mạc họng dễ bị tổn thương, xung huyết. Bên cạnh đó, căn bệnh này còn ảnh hưởng đến những đối tượng có tiền sử bị suy gan, thay đổi nội tiết tố hoặc rối loạn dạ dày ruột.

Triệu chứng nhận biết:

  • Có cảm giác nóng rát trong họng
  • Ngứa họng
  • Ho từng cơn. Cơn đau thường xảy ra khi bắt đầu đi ngủ
  • Niêm mạc họng tấy đỏ như bị chảy máu

5. Viêm họng liên cầu khuẩn

Đây là một trong những dạng viêm họng nguy hiểm. Bệnh thường xảy ra ở những người có hệ miễn dịch suy giảm, trẻ em, bà bầu và người cao tuổi.

Dấu hiệu viêm họng liên cầu khuẩn:

  • Sốt cao từ 38 độ trở lên
  • Khó nuốt
  • Đau rát cổ họng
  • Đau cứng cơ bắp
  • Nhức đầu
  • Sưng hạch ở hầu
  • Phát ban ngoài da
  • Nổi hạch bạch huyết sưng đau ở cổ
  • Buồn nôn, chán ăn và có thể bị đau dạ dày.

6. Viêm họng giả mạc

Căn bệnh này còn được biết đến với tên gọi khác là viêm họng bạch hầu – một dạng viêm họng hiếm gặp do trực khuẩn Klebs – Loeffler gây ra. Bệnh viêm họng giả mạc ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ em từ 2 – 7 tuổi.

Các triệu chứng thường gặp:

  • Xuất hiện lớp màng giả mạc màu trắng xám ở niêm mạc họng
  • Lớp giả mạc có độ bám dính cao, khó bong tróc
  • Vùng giả mạc có thể lan xuống thanh quản khiến cho người bệnh bị khó thở
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Sốt cao, trên 38,5 độ

7. Viêm họng do virus

Thống kê cho thấy, có đến 90% các trường hợp bị viêm họng là do nhiễm virus. Phổ biến nhất là các chủng virus cảm lạnh, cảm cúm hoặc virus gây bệnh sởi…

Triệu chứng nhận biết

  • Sốt nhẹ hoặc sốt cao
  • Ho
  • Mệt mỏi trong người
  • Đau đầu
  • Hắt hơi
  • Sổ mũi
  • Đau họng, ngứa họng
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Đau nhức toàn thân
  • Giảm vị giác, ăn uống không ngon miệng, chán ăn

Các triệu chứng trên thường phát sinh trong 3 – 5 ngày rồi thuyên giảm nếu được chăm sóc tốt mà không cần dùng đến kháng sinh.

8. Viêm họng đỏ

Đây là một dạng viêm họng cấp tính do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Điểm đặc trưng của viêm họng đỏ chính là tình trạng sưng tấy, viêm đỏ của niêm mạc họng. Các dấu hiệu bệnh khởi phát một cách đột ngột và có khuynh hướng ngày càng diễn biến phức tạp nếu không được kiểm soát tốt.

Dấu hiệu nhận biết:

  • Cổ họng đau rát, khô nóng
  • Thường xuyên có cảm giác khát nước
  • Sốt từ 38 – 39 độ hoặc cao hơn
  • Khó nuốt, nuốt vướng
  • Đầu đau buốt
  • Có thể xuất hiện cảm giác đau nhói ở bên tai
  • Nổi hạch ở cổ, ấn tay vào hạch có cảm giác đau
  • Toàn thân nhức mỏi
  • Ớn lạnh trong người
  • Chán ăn
  • Chảy nhiều nước mũi, nghẹt mũi, hắt hơi liên tục
  • Sưng đỏ và xuất hiện các mao mạch nhỏ ở niêm mạc họng

Bệnh viêm họng có nguy hiểm không?

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh viêm họng chỉ gây ra một số triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Chính vì vậy, có không ít người chủ quan bỏ qua các dấu hiệu ban đầu và không chú trọng điều trị từ sớm khiến cho bệnh ngày càng trở nặng và chuyển qua giai đoạn mãn tính. Ở mức độ nghiêm trọng, bệnh viêm họng có thể gây ra nhiều biến chứng như:

1. Biến chứng tại chỗ

Bệnh viêm họng kéo dài có thể hình thành mủ ở vùng bị viêm, từ đó dẫn đến áp xe họng, áp xe quanh amidan hay sưng phù niêm mạc họng. Đây là một biến chứng nặng thường gặp ở trẻ nhỏ trong giai đoạn 1 – 2 tuổi hoặc những người không tích cực điều trị viêm họng từ sớm.

Ổ áp xe có thể gây hoại thư vùng cổ. Biến chứng này mặc dù hiếm gặp nhưng có tiên lượng khá nặng.

2. Biến chứng lân cận của viêm họng

Dịch mủ và chất tiết ra từ vùng bị viêm có thể mang theo vi khuẩn, virus lây lan tử cổ họng đến các bộ phận kế cận trong đường hô hấp. Hậu quả là bệnh nhân có thể mắc thêm các bệnh lý khác như:

  • Viêm mũi
  • Viêm xoang, viêm đa xoang
  • Viêm tai giữa
  • Viêm thanh quản
  • Viêm khí phế quản
  • Viêm phổi
  • Áp xe phổi
  • Viêm tai trong cấp
biến chứng của bệnh viêm họng
Viêm mũi xoang là một trong những biến chứng thường gặp của bệnh viêm họng

3. Biến chứng xa

Các biến chứng xa thường gặp ở những bệnh nhân bị viêm họng do liên cầu tan huyết. Chủng vi khuẩn này có độc tính khá mạnh. Chúng không chỉ khu trú tại chỗ mà còn theo máu đến các cơ quan khác gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho các cơ quan ở xa như:

  • Viêm cầu thận
  • Viêm khớp
  • Viêm tim

Các biến chứng khác có thể gặp bao gồm:

  • Nhiễm trùng máu
  • Suy hô hấp
  • Tụt huyết áp
  • Rối loạn chi giác
  • Tử vong

Để gặp phải các biến chứng nguy hiểm, bạn nên chủ động tích cực điều trị bệnh ngay từ khi có các dấu hiệu ban đầu. Nếu bị viêm họng do vi khuẩn bội nhiễm, nhất là liên cầu khuẩn, bệnh cần được chữa trị bằng phác đồ kháng sinh có hệ thống. Tránh để bệnh kéo dài và ngày càng diễn biến phức tạp mang đến nhiều biến chứng đe dọa đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của bạn.

Chẩn đoán viêm họng

Bên cạnh quá trình trao đổi về các triệu chứng đang gặp phải và khai thác tiền sử bệnh, bác sĩ có thể áp dụng một số phương pháp dưới đây để chẩn đoán bệnh viêm họng.

Kiểm tra sức khỏe:

  • Sử dụng cây đè lưỡi và đèn pin để xem xét cổ họng. Đôi khi, bác sĩ còn kiểm tra thêm đường mũi hay tai để chẩn đoán phân biệt nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng bạn đang gặp phải.
  • Dùng tay nhẹ nhàng chạm vào dưới cổ để kiểm tra tình trạng sưng hạch bạch huyết và các tuyến khác ở cổ.
  • Sử dụng ống nghe y tế để nghe nhịp thở.

Thực hiện xét nghiệm:

  • Cấy dịch cổ họng: Bác sĩ sử dụng một miếng gạc cọ sát vào mặt sau của thành họng hoặc amidan để lấy mẫu bệnh phẩm đem đi cấy dịch tìm kiếm vi khuẩn gây bệnh. Khi lấy mẫu xét nghiệm, bệnh nhân chỉ cảm thấy nhột nhột hoặc có cảm giác nôn nao tạm thời chứ không bị đau họng.
  • Xét nghiệm kháng nguyên nhanh: Phương pháp này có thể giúp xác định sự hiện diện của liên cầu khuẩn chỉ trong vòng vài phút từ mẫu bệnh phẩm ở đầu cây tăm bông.
  • Xét nghiệm DNA nhanh: Cho phép bác sĩ xác định nguyên nhân gây viêm họng do liên cầu khuẩn.

Cách điều trị viêm họng

Sau khi có kết quả chẩn đoán, dựa trên nguyên nhân gây bệnh và các triệu chứng đang gặp phải mà bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ chữa viêm họng phù hợp với mỗi bệnh nhân.

1. Cách trị viêm họng do virus

Như đã thông tin ở trên, bệnh viêm họng do virus thường chỉ kéo dài từ 5 – 7 ngày. Bệnh có thể tự khỏi bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà mà không cần điều trị bằng y tế.

Trong danh mục thuốc trị viêm họng do virus thường không có kháng sinh. Để giảm đau, hạ sốt, bệnh nhân có thể dùng Acetaminophen, Paracetamol hay Tylenol. Chúng có tác dụng giảm sốt và tạm thời cắt đứt các cơn đau họng, đau đầu, đau mỏi cơ bắp ở mức độ nhẹ đến trung bình.

Thuốc điều trị viêm họng
Một số loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị triệu chứng của bệnh viêm họng do virus

Trường hợp đối tượng bị bệnh là trẻ sơ sinh hoặc trẻ em, có thể cân nhắc sử dụng các loại thuốc giảm đau không kê đơn an toàn cho bé. Bao gồm Acetaminophen, Tylenol, FeverAll, Advil hay Motrin. Liều dùng của thuốc được khuyến cáo dựa trên cân nặng của bé. Tránh sử dụng thuốc Aspirin để điều trị viêm họng cho trẻ em bởi loại thuốc này có liên quan đến sự phát triển của hội chứng Reye, một vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe được đặc trưng bởi tình trạng sưng gan, não và có thể đe dọa đến tính mạng của bé.

Mặc dù có thể giúp giảm đau, hạ sốt nhanh nhưng thuốc giảm đau có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như ngộ độc gan, suy thận, đau dạ dày… Tránh sử dụng thuốc quá liều hoặc lạm dụng loại thuốc này kéo dài.

Ngoài ra, một số loại thuốc khác cũng có thể được sử dụng để điều trị các triệu chứng của bệnh viêm họng do virus. Bao gồm:

  • Thuốc kháng viêm
  • Thuốc giảm ho
  • Thuốc thông mũi, giảm nghẹt mũi…

2. Phương pháp chữa viêm họng do vi khuẩn

Sử dụng thuốc kháng sinh là cách chữa viêm họng do vi khuẩn được áp dụng phổ biến. Bác sĩ có thể kê đơn loại thuốc kháng sinh nhạy cảm với chủng vi khuẩn gây bệnh cho bạn. Thường được chỉ định là các thuốc kháng sinh nhóm penicillin hoặc amoxicillin. Chúng có hiệu quả tốt trong điều trị viêm họng do liên cầu khuẩn hoặc do các chủng vi khuẩn khác.

Trong quá trình dùng thuốc điều trị viêm họng do vi khuẩn cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Uống thuốc đủ liều, đủ thời gian quy định ngay cả khi các triệu chứng đã chấm dứt.
  • Việc không tuân thủ dùng thuốc theo hướng dẫn trong đơn của bác sĩ có thể khiến tình trạng nhiễm trùng ngày càng nghiêm trọng và lây lan sang các cơ quan khác, đồng thời khiến bạn bị lờn thuốc, kháng kháng sinh.
  • Các trường hợp trẻ bị viêm họng do liên cầu khuẩn nếu không hoàn thành đầy đủ liệu trình kháng sinh sẽ có nguy cơ cao bị sốt thấp khớp hay viêm thận.
  • Nếu bạn quên uống 1 liều hoặc lỡ uống quá liều, hãy thông báo cho bác sĩ biết để được hướng dẫn cách xử lý.
  • Sử dụng thuốc kháng sinh kéo dài có thể gây rối loạn tiêu hóa và một số tác dụng phụ khác. Bạn nên uống thuốc sau khi ăn no kết hợp bổ sung các thực phẩm giàu probiotic vào trong thực đơn để giảm thiểu tác hại của thuốc kháng sinh.

3. Cách chăm sóc, hỗ trợ điều trị bệnh viêm họng tại nhà

Bên cạnh việc tích cực sử dụng thuốc trị viêm họng kê đơn và không kê đơn, bạn có thể áp dụng một số mẹo tự nhiên để hỗ trợ giảm nhẹ các triệu chứng bệnh tại nhà.

  • Nghỉ ngơi nhiều, tránh stress, ngủ đủ giấc để sức khỏe nhanh hồi phục.
  • Không sử dụng các loại thức ăn hay đồ uống quá nóng hoặc quá lạnh. Chúng có thể gây kích ứng cho cổ họng và khiến cho tình trạng viêm họng thêm nghiêm trọng.
  • Sử dụng các loại đồ uống có tính mát để làm dịu kích ứng trong cổ họng. Ngoài ra, bạn có thể uống nước ấm, nước ép trái cây để bổ sung thêm vitamin và khoáng chất làm tăng sức đề kháng cho cơ thể.
  • Khói thuốc lá có thể gây kích ứng niêm mạc họng. Vì vậy bạn nên cai nghiện thuốc lá hoặc tránh xa môi trường có khói thuốc.
  • Súc miệng bằng nước muối ăn mỗi ngày 2 – 3 lần có thể giúp hỗ trợ giảm viêm đau họng hiệu quả. Khi pha nước muối tránh pha quá mặn. Độ mặn chỉ như nước canh là được.
  • Uống trà gừng, trà hoa cúc, sữa nghệ ấm, nước chanh mật ong hay lá hẹ hấp đường phèn là những bài thuốc dân gian chữa viêm họng an toàn đang được nhiều người áp dụng để khắc phục bệnh tại nhà.
  • Tắm với nước ấm giúp kích thích lưu thông máu đến chữa lành vùng tổn thương trong cổ họng.
  • Giữ ấm cơ thể và vùng mũi họng nếu bị viêm họng trong những ngày lạnh.
cách chữa viêm họng bằng trà hoa cúc
Uống trà hoa cúc mật ong giúp làm dịu cảm giác đau họng do viêm họng gây ra

Cách phòng ngừa viêm họng

Hầu hết chúng ta ai cũng mắc viêm họng một vài lần trong đời. Tuy nhiên, bạn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc căn bệnh này bằng cách loại bỏ các yếu tố thuận lợi khiến cho virus, vi khuẩn có cơ hội tấn công vào cơ thể. Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn phòng ngừa viêm họng hiệu quả:

  • Tránh tiếp xúc gần với các đối tượng đang bị viêm đường hô hấp, đặc biệt là người bị cảm cúm.
  • Không dùng chung đồ dùng cá nhân như ly uống nước, thìa, đũa với người khác.
  • Rửa tay với xà phòng diệt khuẩn trước và sau khi ăn hoặc sau mỗi lần đi vệ sinh
  • Thường xuyên lau chùi nhà cửa, giặt giũ chăn màn, vỏ gối và vệ sinh điện thoại để loại bỏ môi trường phát triển của virus, vi khuẩn.
  • Tránh uống nước đá, ăn đồ quá nóng hoặc sử dụng các món ăn quá cay
  • Đeo khẩu trang để bảo vệ mũi họng mỗi khi ra đường, khi tới nơi ô nhiễm, có nhiều bụi bẩn, hóa chất.
  • Hạn chế uống bia rượu
  • Có chế độ dinh dưỡng cân bằng, tăng cường rau xanh, hoa quả tươi và các thực phẩm giàu protein vào trong thực đơn để cải thiện sức đề kháng, giúp cơ thể có sức chống đỡ tốt hơn khi bị các tác nhân gây bệnh viêm họng tấn công.
  • Tập thể dục mỗi ngày cũng là một thói quen tốt giúp cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể và nâng cao khả năng dự phòng với các bệnh lý ở đường hô hấp, nhất là bệnh viêm họng.

Có thể bạn quan tâm

Chữa ho cho bà bầu bằng mẹo dân gian là phương pháp an toàn, hiệu quả

Tiết lộ cách chữa ho cho bà bầu đơn giản và an toàn

Việc dùng các loại thuốc tây để chữa ho cho bà bầu có thể gây ra những ảnh hưởng xấu...

Bà bầu bị viêm họng có ảnh hưởng gì tới thai nhi không?

Trong suốt khoảng thời gian mang thai, bà bầu có thể sẽ đối diện với nhiều bệnh tình khác nhau,...

Chữa viêm họng hạt bằng gừng liệu có hiệu quả?

Gừng là một loại dược liệu nổi tiếng với khả năng kháng viêm, kháng khuẩn cao. Do đó chúng thường...

Chữa viêm họng bằng rau diếp cá: Vị thuốc lành tính dễ tìm

Ắt hẳn không phải ai cũng biết chữa viêm họng bằng rau diếp cá được dân gian truyền tai nhau,...

Các biện pháp tự nhiên giúp làm giảm các triệu chứng bệnh viêm họng

10 cách trị viêm họng tại nhà bằng mẹo tự nhiên, đơn giản

Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, bạn hoàn toàn có thể làm giảm nhanh được các triệu chứng của...

Hỏi đáp cùng chuyên gia

  1. Phan thị thanhPhan thị thanh says: Trả lời

    Bác sĩ cho em hỏi cổ họng em không đau không ho mà hay bị khang tiếng lúc bị lúc không Bác sĩ cho em hỏi vậy là em bị viêm họng gì cảm ơn bác

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.