Bệnh Viêm Phế Quản

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN – Khoa Tai Mũi HọngGiám đốc Chuyên môn Thuốc Dân Tộc Chi Nhánh phía Nam – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh

Bệnh viêm phế quản là tình trạng ống phế quản bị viêm do nhiễm virus, vi khuẩn. Các yếu tố thuận lợi như hút thuốc lá, môi trường ô nhiễm, hệ miễn dịch suy giảm,... cũng góp phần gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Viêm phế quản nên được điều trị sớm để tránh tái phát và gây ra các biến chứng nghiêm trọng.

Tổng quan

Viêm phế quản (Bronchitis) là bệnh viêm đường hô hấp dưới phổ biến ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh lý này xảy ra khi niêm mạc ống phế quản bị viêm, phù nề do virus, vi khuẩn hoặc do các yếu tố kích thích (khói thuốc, bụi bẩn, hóa chất).

So với các cơ quan hô hấp trên, cơ quan hô hấp dưới ít bị viêm nhiễm hơn. Sau khi đi qua thanh quản sẽ đến khí quản, phế quản, tiểu phế quản và phế nang. Chức năng của phế quản là dẫn không khí đến các phế nang để thực hiện quá trình trao đổi khí. Do đó, hiện tượng viêm ở cơ quan này sẽ gây ra rất nhiều cản trở đối với chức năng hô hấp.

viêm phế quản là gì
Viêm phế quản là bệnh viêm đường hô hấp dưới, xảy ra khi phế quản bị viêm và phù nề

Công nghiệp hóa, ô nhiễm môi trường, chất lượng không khí giảm thấp, thời tiết thất thường,... được xem là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp nói chung và viêm phế quản nói riêng. Tỷ lệ mắc bệnh lý này ở nông thôn chỉ chiếm 3-5% nhưng con số lên đến 8-10% đối với khu vực thành thị và các khu công nghiệp lớn.

Bệnh viêm phế quản cần phải được điều trị để phục hồi chức năng hô hấp. Nếu chủ quan, bệnh sẽ tiến triển dai dẳng kéo theo một loạt các biến chứng nghiêm trọng. Trong bối cảnh môi trường sống ô nhiễm, nên có các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe nói chung và cơ quan hô hấp nói riêng.

Phân loại bệnh

Viêm phế quản được chia thành 2 loại là viêm phế quản cấp và viêm phế quản mãn tính:

Viêm phế quản cấp tính:

Viêm phế quản cấp tính là tình trạng niêm mạc ống phế quản bị viêm nhiễm cấp, thường là do virus hoặc vi khuẩn. Triệu chứng khởi phát đột ngột, dễ nhận biết. Nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách, triệu chứng có thể thuyên giảm hoàn toàn chỉ sau một thời gian ngắn.

Viêm phế quản mãn tính:

Viêm phế quản mãn tính là tình trạng niêm mạc phế quản bị viêm, phù nề trong một thời gian dài (tái phát theo đợt, mỗi đợt kéo dài ít nhất 3 tháng/ năm và xảy ra ít nhất trong 2 năm liền nhau). Tình trạng này thường có liên quan đến nhiễm virus, vi khuẩn kết hợp với các yếu tố kích thích như tiếp xúc thường xuyên với hóa chất, khói thuốc, bụi mịn,...

Các triệu chứng của viêm phế quản mãn tính không điển hình như viêm phế quản cấp. Nhưng triệu chứng vô cùng dai dẳng, dễ tái phát và khó điều trị hơn.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Có khá nhiều nguyên nhân gây ra viêm phế quản, thường gặp nhất là virus. Đối với viêm phế quản mãn tính, tiếp xúc thường xuyên với các yếu tố kích thích, thể địa dị ứng và sức đề kháng suy giảm là những yếu tố thuận lợi gia tăng nguy cơ mắc chứng bệnh này.

Các nguyên nhân, yếu tố gây bệnh viêm phế quản phải kể đến:

  • Nhiễm virus, vi khuẩn: Phần lớn các trường hợp bị viêm phế quản đều do nhiễm các loại virus như virus cúm A, B, rhinovirus, coronavirus, adenovirus, metapneumovirus,... Trường hợp do vi khuẩn ít gặp hơn, thường là vi khuẩn gây bệnh ho gà, mycoplasma pneumoniae, chlamydia pneumoniae. Virus, vi khuẩn lây qua đường hô hấp thông qua giọt bắn.
  • Thói quen hút thuốc lá: Những người có thói quen hút thuốc lá lâu năm sẽ có nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản và các bệnh viêm đường hô hấp cao hơn bình thường. Hóa chất trong khói thuốc là tác nhân gây kích ứng, phù nề niêm mạc ống phế quản.
  • Tác động từ môi trường ô nhiễm: Người sinh sống trong môi trường ô nhiễm, chất lượng không khí kém, nhiều bụi bẩn, hóa chất,... sẽ có nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản cao hơn. Những yếu tố này cộng với hệ miễn dịch suy giảm và virus phát triển mạnh vào mùa đông - xuân sẽ gây ra nhiều vấn đề hô hấp.
  • Tiếp xúc thường xuyên với hóa chất: Tiếp xúc thường xuyên với hóa chất sẽ gia tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp, bao gồm cả viêm phế quản. Do đó, bệnh lý này thường gặp ở những người làm các công việc như thợ mỏ than, công nhân trong các xưởng may, công nhân xây dựng,...
  • Do bệnh trào ngược dạ dày (GERD): Trào ngược dạ dày được xem là yếu tố thuận lợi gia tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản. Hiện tượng trào ngược khiến cho khả năng “bảo vệ” của vùng họng bị suy giảm, vi khuẩn, virus vì thế dễ dàng xâm nhập vào bên trong khí quản và phế quản gây viêm nhiễm.
  • Các yếu tố nguy cơ khác: Ngoài những yếu tố kể trên, viêm phế quản còn có thể xảy ra khi có những yếu tố thuận lợi như hệ miễn dịch suy giảm, mắc các bệnh viêm đường hô hấp mãn tính (viêm họng, viêm amidan, viêm xoang), di truyền, tuổi tác cao, khí hậu ẩm ướt,...

Triệu chứng và chẩn đoán

Các bệnh viêm đường hô hấp thường có triệu chứng khá giống nhau, rất dễ gây nhầm lẫn. Về mức độ, viêm phế quản đáng được chú ý hơn các bệnh viêm đường hô hấp trên. Để kịp thời thăm khám và điều trị, có thể nhận biết bệnh lý này qua các triệu chứng sau:

Viêm phế quản triệu chứng
Viêm phế quản có triệu chứng điển hình là ho, thở khò khè, khàn tiếng, khó thở,...

  • Ho là triệu chứng thường gặp, có thể là ho có đờm, ho khan, ho từng cơn hoặc ho từng tiếng.
  • Nghẹt mũi, sổ mũi
  • Sốt nhẹ đến sốt cao, tuy nhiên cũng có những trường hợp không có biểu hiện tăng thân nhiệt.
  • Tăng dịch tiết hô hấp (đờm) với biểu hiện là đờm có màu trắng hoặc vàng.
  • Thở khò khè là triệu chứng điển hình của bệnh viêm phế quản. Ống phế quản bị viêm, phù nề được xem là nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng này.
  • Khó thở
  • Tức ngực
  • Hơi thở có mùi hôi
  • Cơ thể mệt mỏi, ớn lạnh
  • Viêm phế quản mãn tính có thể đi kèm với các triệu chứng phụ như da xanh xao, nhợt nhạt, suy nhược,...

Viêm phế quản là bệnh viêm đường hô hấp dưới nên nguy cơ gặp phải biến chứng là rất cao. Ngay khi nhận thấy các triệu chứng kể trên, nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và chỉ định điều trị.

Sau khi hỏi bệnh, khai thác triệu chứng và tiền sử bệnh lý, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm như xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm Procalcitonin, soi cấy bệnh phẩm, chụp X-Quang phổi, test dị ứng, nội soi phế quản,...

Viêm phế quản triệu chứng
Nên thăm khám sớm để được chẩn đoán chính xác tình trạng và mức độ viêm phế quản

Triệu chứng của viêm phế quản không thực sự điển hình và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác. Các xét nghiệm chuyên sâu sẽ giúp bác sĩ phân biệt với những bệnh lý có triệu chứng tương tự như dị vật ở đường hô hấp, hen suyễn, giãn phế quản, lao phổi, ung thư phổi,...

Chẩn đoán cũng sẽ giúp xác định được nguyên nhân gây bệnh là do virus, vi khuẩn hay do các nguyên nhân không nhiễm trùng. Xác định nguyên nhân có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị.

Biến chứng và tiên lượng

Giống như các bệnh viêm đường hô hấp khác, nếu được phát hiện và điều trị đúng cách, viêm phế quản có thể được kiểm soát nhanh chóng. Trường hợp viêm phế quản cấp do virus thường không phải điều trị. Bệnh sẽ thuyên giảm nếu được chăm sóc, nâng đỡ thể trạng và có thể dùng thuốc giảm triệu chứng khi cần thiết.

Các trường hợp khác cần được điều trị theo chỉ định để tránh biến chứng và kiểm soát nhanh các triệu chứng. Với viêm phế quản mãn tính, để điều trị dứt điểm và hạn chế tái phát, phải kết hợp với việc tránh tiếp xúc với những yếu tố kích thích và dị ứng.

Điều trị bệnh viêm phế quản không quá phức tạp. Tuy nhiên nếu chủ quan, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng như tràn mủ màng phổi, suy hô hấp, giãn phế quản, bội nhiễm phổi và nặng hơn là sốc nhiễm trùng ở những trường hợp do vi khuẩn.

Viêm phế quản không được điều trị sẽ tiến triển dai dẳng, chuyển sang giai đoạn mãn tính, tái phát thường xuyên. Tương tự như các cơ quan khác, hiện tượng viêm ở ống phế quản mãn tính có thể gây xơ hóa, phì đại tuyến nhầy. Nặng hơn có thể gây giãn phế nang, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và hoại tử nhu mô phổi.

Viêm phế quản nguyên nhân
Bệnh viêm phế quản không được điều trị sẽ làm gia tăng nguy cơ giãn phế nang, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính,...

Những người bị viêm phế quản mãn tính có sức đề kháng kém. Khi thời tiết thay đổi, vi khuẩn dễ xâm nhập gây bội nhiễm dẫn đến tình trạng thiếu dưỡng khí và suy hô hấp cấp. Nếu không được hỗ trợ kịp thời, một số trường hợp có thể tử vong do thiếu oxy.

Ngoài những ảnh hưởng đối với sức khỏe, viêm phế quản còn gây ra không ít phiền toái, cản trở đối với chất lượng cuộc sống. Tình trạng ho dai dẳng, thở khò khè, khó thở,... nhiều vào ban đêm có thể gây mất ngủ, khó ngủ. Chức năng hô hấp suy giảm cũng khiến cơ thể mệt mỏi, giảm khả năng tập trung khi học tập và làm việc.

Điều trị

Điều trị bệnh viêm phế quản phụ thuộc nhiều vào nguyên nhân. Nhiều người nhầm tưởng, tất cả các trường hợp viêm phế quản đều phải dùng kháng sinh nhưng trên lâm sàng, chỉ định kháng sinh vô cùng hạn chế. Bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát thông qua các loại thuốc cải thiện triệu chứng và chế độ chăm sóc hợp lý.

Các phương pháp được cân nhắc trong điều trị bệnh viêm phế quản:

Sử dụng thuốc

Phần lớn các loại thuốc được dùng trong điều trị bệnh viêm phế quản đều là thuốc cải thiện triệu chứng. Trường hợp viêm phế quản do vi khuẩn mới được cân nhắc dùng kháng sinh. Tuyệt đối không dùng kháng sinh tùy tiện gây lờn thuốc, gia tăng tỷ lệ kháng kháng sinh trong cộng đồng.

Viêm phế quản nguyên nhân
Dùng thuốc giúp kiểm soát tình trạng nhiễm khuẩn và giảm các triệu chứng của bệnh viêm phế quản

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh viêm phế quản:

  • Kháng sinh đường uống (Amoxicillin, Cefuroxim, Ampicillin,...)
  • Thuốc long đờm (Bromhexin, Acetylcystein)
  • Thuốc giãn phế quản (Bambuterol, Salbutamol, Formoterol, Indacaterol,...)
  • Thuốc giảm ho (Dextromethorphan, Noscapin, Codein,...)
  • Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý mỗi ngày để cải thiện nghẹt mũi, sổ mũi.

Sử dụng thuốc giúp giảm nhanh các triệu chứng của viêm phế quản như ho, thở khò khè, nhiều đờm, nghẹt mũi, khó thở,... Với những trường hợp không do vi khuẩn, dùng thuốc giảm triệu chứng kết hợp với chăm sóc đúng cách có thể kiểm soát bệnh hiệu quả. Không nhất thiết phải dùng kháng sinh nếu không có sự hiện diện của vi khuẩn và nguy cơ bội nhiễm thấp.

Liệu pháp oxy

Trường hợp bệnh nhân khó thở gây thiếu oxy trầm trọng sẽ phải điều trị nội trú. Liệu pháp oxy giúp tăng nồng độ oxy trong máu và bảo vệ tính mạng trong trường hợp suy hô hấp.

viêm phế quản nguyên nhân và cách điều trị
Trường hợp nồng độ oxy trong máu thấp sẽ được điều trị nội trú bằng liệu pháp oxy

Các biện pháp không dùng thuốc

Ngoài sử dụng thuốc, các biện pháp hỗ trợ có vai trò vô cùng quan trọng trong điều trị bệnh viêm phế quản. Mục tiêu của các biện pháp này là phục hồi chức năng hô hấp và đẩy lùi viêm phế quản hoàn toàn, chống tái phát.

Các biện pháp không dùng thuốc giúp cải thiện bệnh viêm phế quản bao gồm:

  • Tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là yoga, kỹ thuật thở mím môi và thở bụng giúp phục hồi chức năng phổi hiệu quả. Bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh các bài tập thể dục phù hợp và kế hoạch xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý để cải thiện bệnh nhanh chóng.
  • Bỏ thuốc lá giúp điều trị dứt điểm viêm phế quản và các bệnh viêm đường hô hấp khác.
  • Không dùng rượu bia, chất kích thích và hạn chế tiếp xúc với hóa chất, bụi vải,... trong thời gian điều trị.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm để giảm chất nhầy trong phế quản và làm dịu cơn ho. Tuy nhiên, cần phải vệ sinh không gian sống thường xuyên để tránh virus, vi khuẩn phát triển mạnh.
  • Làm vùng ấm cổ họng bằng cách uống trà gừng, mật ong ấm… Các biện pháp này phần nào hỗ trợ giúp cải thiện tình trạng ho, đờm nhiều do viêm phế quản.

Phòng ngừa

Viêm phế quản dễ bùng phát vào mùa đông xuân do virus, vi khuẩn phát triển mạnh mẽ. Tình trạng tái đi tái lại gây ra nhiều phiền toái trong sinh hoạt, lao động và gia tăng nguy cơ gặp phải biến chứng. Vì vậy, noài việc tìm hiểu về các phương pháp điều trị, nên trang bị các biện pháp phòng ngừa viêm phế quản như:

viêm phế quản nguyên nhân và cách điều trị
Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường chức năng hô hấp và phòng ngừa viêm phế quản hiệu quả

  • Vệ sinh răng miệng đúng cách, thường xuyên súc họng và rửa mũi để làm sạch dị nguyên, virus,...
  • Không hút thuốc lá, tránh bia rượu là cách phòng ngừa viêm phế quản hiệu quả.
  • Vào mùa lạnh, nên mặc ấm và tắm nước ấm để tránh nhiễm lạnh.
  • Tập thể dục thường xuyên và ăn uống điều độ để nâng cao sức khỏe một cách toàn diện. Đặc biệt, nên tập thở bụng để cải thiện chức năng hô hấp, hạn chế viêm phế quản và các bệnh tai mũi họng thường gặp.
  • Vệ sinh không gian sống thường xuyên, tránh bụi bẩn, mạt bụi, bào tử nấm mốc,... Nếu sinh sống trong các khu đô thị, công nghiệp, nên sử dụng máy lọc không khí để bảo vệ sức khỏe.
  • Điều trị kịp thời và dứt điểm các bệnh hô hấp trên như viêm họng, viêm amidan, viêm xoang,... Không nên chủ quan khiến bệnh kéo dài, gia tăng nguy cơ viêm phế quản, viêm tiểu phế quản.
  • Không tiếp xúc gần với người bị viêm nhiễm đường hô hấp. Không sử dụng chung đồ vật, hạn chế ăn uống cùng để tránh nguy cơ mắc bệnh.
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng (nhất là trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với các vật dụng, bề mặt công cộng).
  • Có thể uống kẽm, vitamin C để tăng cường sức đề kháng.
  • Tiêm vaccine ngừa cúm, phế cầu, ho gà,...

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Viêm phế quản có lây không?

2. Bệnh viêm phế quản có chữa khỏi được không? Nguy hiểm không?

3. Bị viêm phế quản nên ăn gì, kiêng những gì?

4. Viêm phế quản có di truyền không?

5.  Bị viêm phế quản có tiêm phòng được không?

6. Làm sao để phòng tránh bệnh viêm phế quản?

7. Bị viêm phế quản khi mang thai nên điều trị bằng cách nào?

8. Viêm phế quản có nhất định uống kháng sinh không?

Viêm phế quản là bệnh hô hấp khá phổ biến, bùng phát mạnh vào thời điểm đông xuân. Bệnh có thể tự giới hạn sau 2 - 3 tuần nhưng không nên vì thế mà chủ quan. Trường hợp triệu chứng nặng hoặc tiến triển dai dẳng nên thăm khám để điều trị dứt điểm.