Bệnh Xơ phổi

Xơ phổi là bệnh phổi mãn tính gây ra sẹo ở mô phổi, tuy khá hiếm gặp nhưng lại cực kỳ nguy hiểm. Bệnh đặc trưng bởi cảm giác khó thở, ho khan kéo dài, suy nhược, sụt cân, đau cứng khớp... Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong. Hỗ trợ điều trị xơ phổi thông qua các biện pháp như dùng thuốc, liệu pháp oxy, phục hồi chức năng phổi hoặc phẫu thuật ghép phổi. 

Xơ phổi xảy ra khi các mô phổi bị tổn thương, hình ảnh sẹo mô và dày lên theo thời gian

Tổng quan

Xơ phổi (Pulmonary Fibrosis) là tình trạng phổi bị xơ hóa dẫn đến hình thành sẹo và làm dày mô phổi. Hậu quả gây tổn thương các mô liên kết và túi khí bên trong phổi (phế nang). Tiến triển bệnh xơ phổi thường nhanh chóng và ngày càng nặng theo thời gian, đặc trưng với triệu chứng ho, khó thở, mệt mỏi.

Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc bệnh xơ phổi, không phân biệt giới tính, độ tuổi, chủng tộc, sắc tộc... Nhưng độ tuổi phát bệnh phổ biến nhất là từ 50 - 70 tuổi. Bệnh xơ phổi khá phổ biến, nhất là ở những người nghiện hút thuốc lá hoặc bị ảnh hưởng từ các bệnh lý tự miễn, nhiễm trùng khác.

Phân loại

Bệnh xơ phổi được phân chia làm 3 dạng phổ biến bao gồm:

  • Xơ phổi vô căn (Idiopathic Pulmonary Fibrosis - IPF): Đây là căn bệnh phổi cực kỳ nghiêm trọng, xảy ra không rõ nguyên nhân và chủ yếu ảnh hưởng đến bệnh nhân > 50 tuổi. Đây là một dạng bệnh phổi tiến triển, tức là kể từ thời điểm phát bệnh, các triệu chứng sẽ ngày càng nặng hơn theo thời gian.
  • Viêm phổi kẽ không đặc hiệu (NSIP): Đây là một dạng xơ phổi ít nghiêm trọng hơn IPF và đa số chỉ ảnh hưởng đến bệnh nhân từ 50 - 60 tuổi.
  • Thể Sarcoidosis: Dạng xơ hóa phổi này là một bệnh tự miễn dịch gây ra hiện tượng viêm trong cơ thể. Đặc trưng của tình trạng này là không chỉ ảnh hưởng đến phổi mà còn gây tổn thương đến các cơ quan khác trong cơ thể.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân gây bệnh xơ phổi cho đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Những trường hợp này được xếp vào nhóm vô căn. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ khởi phát bệnh xơ phổi, bao gồm:

Khói thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu khởi phát hoặc làm nặng thêm các triệu chứng xơ phổi

  • Yếu tố di truyền: Một số gen đột biến góp phần khởi phát bệnh xơ phổi, thường là gen TERC và TERT được phát hiện ở khoảng 15% bệnh nhân.
  • Tuổi tác: Tuổi tác càng cao nguy cơ phát triển xơ phổi càng cao, nhất là trong độ tuổi từ 50 - 70 tuổi.
  • Giới tính: Bệnh xơ phổi chủ yếu ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn nữ giớis.
  • Hút thuốc lá: Thói quen hút thuốc lá nhiều năm hoặc sử dụng các sản phẩm thuốc lá khác cũng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh xơ phổi.
  • Ảnh hưởng từ các bệnh lý: Những người từng có tiền sử mắc các bệnh rối loạn tự miễn dịch (lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp), hội chứng ngưng thở khi ngủ, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, chứng tăng huyết áp phổi, các bệnh nhiễm virus như viêm gan C hoặc HIV... cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh xơ phổi.
  • Tiếp xúc với hóa chất: Một số công việc trong ngành công nghiệp hóa chất, xây dựng làm, liên quan đến lĩnh vực xây dựng, nhà máy, nông nghiệp có nguy cơ phát triển xơ phổi cao. Điển hình như một số loại hóa chất như: amiăng, bụi silic, bụi gỗ, than đá,...
  • Các thủ thuật điều trị: Các liệu pháp xạ trị, hóa trị ung thư hoặc sử dụng thuốc điều trị bệnh tim (methotrexate hoặc amiodarone), thuốc kháng sinh (Macrobid, Macrodantin), thuốc chống viêm (rituximab hoặc sulfasalazine) có thể làm tổn thương mô phổi, tăng nguy cơ phát triển bệnh xơ phổi.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Các triệu chứng bệnh xơ phổi có thể nhẹ hoặc nặng, tiến triển nhanh hoặc chậm. Tùy từng trường hợp bệnh cụ thể mà các triệu chứng sẽ biểu hiện khác nhau bao gồm:

Bệnh nhân bị xơ phổi thường gặp các triệu chứng như khó thở, ho khan, đau nhực, sụt cân, suy nhược...

  • Khó thở, đặc biệt khi thực hiện các hoạt động gắng sức;
  • Thở gấp, thở nhanh, hụt hơi;
  • Ho khan kéo dài;
  • Mệt mỏi;
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân;
  • Đau nhức cơ khớp;
  • Da xanh xao, tím tái do ít oxy trong máu;
  • Bàn tay khoèo, đầu ngón tay, ngón chân bè rộng hơn bình thường;

Chẩn đoán

Nếu nghi ngờ mắc bệnh xơ phổi, bác sĩ thường thăm khám sức khỏe toàn diện, đánh giá các triệu chứng và khai thác lịch sử bệnh. Sau đó, bác sĩ có thể dùng ống nghe để lắng nghe nhịp tim, hơi thở của bệnh nhận. Tuy nhiên, vì các triệu chứng xơ phổi thường khá giống với các bệnh lý về phổi khác, nên rất khó có thể chẩn đoán chính xác.

Chẩn đoán bệnh xơ phổi thông qua thăm khám sức khỏe kết hợp xét nghiệm hình ảnh, kiểm tra đánh giá chức năng phổi

Do đó, các xét nghiệm cận lâm sàng khác cũng được chỉ định để xác nhạn chẩn đoán bệnh xơ phổi:

  • Xét nghiệm máu: Bước đầu xét nghiệm máu nhằm loại trừ các bệnh lý hoặc lý do khác gây ra triệu chứng xơ phổi. Đồng thời, phương pháp này cũng giúp đo nồng độ oxy trong máu.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Bác sĩ có thể yêu cầu chụp X quang ngực hoặc chụp CT để phát hiện các dấu hiệu, tổn thương sẹo trong phổi.
  • Kiểm tra hơi thở: Nhằm mục đích kiểm tra chức năng phổi, được thực hiện bằng cách sử dụng các thiết bị đo chức năng và dung tích phổi, dựa vào kết quả này sẽ giúp đánh giá chức năng phổi có đang hoạt động tốt hay không.
  • Sinh thiết: Trong một số trường hợp, sinh thiết phổi cũng là biện pháp cần thiết nhằm xác nhận chẩn đoán về bệnh xơ phổi. Quá trình sinh thiết được thực hiện bằng cách lấy một mẩu bệnh phẩm tại vị trí phổi có sẹo, tiến hành kiểm tra dưới kính hiển vi để phát hiện dấu hiệu của sẹo xơ phổi.

Biến chứng và tiên lượng

Sự hình thành và phát triển của các mô sẹo phổi gây ra hàng loạt các triệu chứng sức khỏe bất ổn và biến chứng nguy hiểm. Có thể kể đến như:

Các biến chứng xơ phổi nặng có thể xảy ra như giảm oxy máu, suy hô hấp, suy tim phải, tăng áp động mạch phổi... đe dọa đến tính mạng

  • Tăng huyết áp phổi: Khác với tình trạng cao huyết áp toàn thân, xơ phổi làm tăng huyết áp cao trong các động mạch phổi. Đây là kết quả của tình trạng các động mạch, mao mạch nhỏ bị nén bởi mô sẹo, tạo áp lực lớn gây cản trở lưu lượng máu trong phổi. Hậu quả khiến các động mạch phổi và buồng tim dưới bên phải (tâm thất phải) bị tổn thương, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
  • Suy tim phải: Xảy ra khi buồng dưới bên phải của tim (tâm thất) phải hoạt động nhiều và mạnh hơn so với bình thường để lưu thông máu qua các động mạch phổi bị tắc nghẽn.
  • Suy hô hấp: Bệnh nhân xơ phổi giai đoạn cuối của bệnh phổi mãn tính có thể phát sinh biến chứng suy hô hấp. Đây là kết quả của tình trạng nồng độ oxy trong máu giảm xuống ngưỡng thấp nguy hiểm. Thiếu oxy sẽ làm phá vỡ sự cân bằng hoạt động trong cơ thể và đe dọa tính mạng.
  • Các biến chứng phổi khác: Chẳng hạn như ung thư phổi, hình thành cục máu đông trong phổi, nhiễm trùng phổi hoặc xẹp phổi.

Tiên lượng bệnh xơ phổi tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, tiến triển bệnh nhanh hay chậm. Có nhiều trường hợp triệu chứng bệnh nhẹ, tiến triển chậm trong nhiều năm ít nguy hiểm. Nhưng cũng có những trường hợp bệnh tiến triển nghiêm trọng, nhanh chóng, chỉ trong vài tháng đã gây biến chứng đe dọa đến tính mạng.

Tuổi thọ của bệnh nhân xơ phổi thường thường thấp hơn so với người bình thường.Một số người chỉ sống được khoảng vài tháng sau khi chẩn đoán bệnh xơ phổi, nhưng cũng có những bệnh nhân sống được vài năm tùy theo phương pháp điều trị và khả năng đáp ứng. Ước tính có khoảng 31% bệnh nhân được chẩn đoán xơ phổi vô căn không điều trị bằng thuốc vẫn có thể sống sót sau 5 năm.

Điều trị

Không có biện pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh xơ phổi. Tuy nhiên, có những biện pháp điều trị hỗ trợ giúp cải thiện triệu chứng, làm chậm tiến triển bệnh và ngăn ngừa biến chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống. Một số phương pháp điều trị tích cực được bác sĩ chỉ định bao gồm:

Các phương pháp điều trị xơ phổi bao gồm thuốc men, liệu pháp oxy và phục hồi chức năng phổi hoặc cấy ghép phổi khi cần thiết

Điều trị bằng thuốc

Hiện nay, có 2 loại thuốc được chấp thuận để điều trị bệnh xơ phổi vô căn là nintedanib (Ofev) và pirfenidone (Esbriet). Tác dụng chính của thuốc là làm chậm quá trình liền sẹo phổi, khắc phục tổn thương và ngăn chặn tiến triển bệnh. Tuy đem lại hiệu quả cao nhưng nhóm thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ khó lường như tiêu chảy, buồn nôn, phát ban...

Ngoài ra, trong một số trường hợp các loại thuốc khác cũng được chỉ định sử dụng như corticosteroid và thuốc ức chế miễn dịch cũng được chỉ định. Thuốc nhằm mục đích giảm viêm và làm chậm tiến triển bệnh.

Liệu pháp oxy 

Để cải thiện triệu chứng khó thở, bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng liệu pháp oxy, duy trì hơi thở và ngăn chặn tổn thương phổi ngày càng tổn thương nặng hơn. Đồng thời, cải thiện giấc ngủ, giảm sự khó chịu cho bệnh nhân.

Kết hợp thực hiện các biện pháp phục hồi chức năng phổi tại chỗ như dinh dưỡng, kỹ thuật thở, tập thể dục... để cải thiện triệu chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày.

Phẫu thuật

Trong những trường hợp nghiêm trọng, lá phổi bị xơ hóa nghiêm trọng có thể được chỉ định ghép phổi, thay thế mô phổi bị tổn thương bằng một lá phổi khỏe mạnh được hiến tặng. Cấy ghép phổi là cuộc đại phẫu lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường, tuy nhiên đây lại là phương pháp cuối cùng được chỉ định để cứu sống tính mạng của bệnh nhân xơ phổi.

Do đó, nếu có đủ điều kiện vẫn nên thực hiện ghép phổi, nhưng sau đó cần chú ý đến các biến chứng như nhiễm trùng hoặc tự đào thải.

Phòng ngừa

Xơ phổi là căn bệnh nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống. Do đó, để phòng ngừa căn bệnh này hãy tích cực thực hiện các biện pháp sau đây:

Một lối sống sinh hoạt khoa học và lành mạnh là giải pháp hiệu quả giúp phòng ngừa phát triển bệnh xơ phổi

  • Nói không với thuốc lá bằng cách cai thuốc hoặc tránh tiếp xúc với những người, những nơi có nhiều khói thuốc lá.
  • Thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, ăn uống sao cho phù hợp để bổ sung dưỡng chất, tốt cho sức khỏe và duy trì cân nặng phù hợp. Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, tránh sử dụng thực phẩm nhiều đường, muối, chất béo, thay vào đó bổ sung thực phẩm lành mạnh như rau quả, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc, sữa ít béo...
  • Tập thể dục điều độ hàng ngày, tập vừa sức để kiểm soát căng thẳng và duy trì chức năng phổi. Các bộ môn được khuyến nghị như đi bộ, bơi lội, đạp xe, yoga...
  • Thiết lập thời gian biểu khoa học, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, tránh thức khuya, cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi, thư giãn đầu óc, kiểm soát căng thẳng.
  • Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cần thiết phòng ngừa các bệnh lý nhiễm trùng, đặc biệt là viêm phổi, cúm để tăng cường miễn dịch, giảm thiểu nguy cơ rủi ro phát triển xơ phổi.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tại sao tôi thường xuyên bị khó thở, ho khan, sụt cân, đau cơ, khớp, sụt cân...?

2. Nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh xơ phổi?

3. Tôi cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán bệnh xơ phổi?

4. Bệnh xơ phổi có nguy hiểm không? Có gây tử vong không?

5. Những biến chứng nào có thể xảy ra khi tôi mắc bệnh xơ phổi?

6. Phương pháp điều trị tốt nhất đối với bệnh xơ phổi?

7. Tình trạng bệnh của tôi có cần phải phẫu thuật ghép phổi không?

8. Tôi cần làm gì và tránh làm gì trong quá trình điều trị bệnh xơ phổi?

9. Tiên lượng sống sót của tôi khi đang mắc bệnh xơ phổi?

10. Điều trị xơ phổi mất bao lâu thì khỏi? Chi phí điều trị tốn bao nhiêu?

Bệnh xơ phổi là bệnh phổi tiến triển mạn tính hình thành sẹo gây tổn thương các nhu mô phổi. Mặc dù nguyên nhân và cách điều trị bệnh xơ phổi vẫn chưa được biết rõ, nhưng các triệu chứng xơ phổi vẫn có thể được kiểm soát, cải thiện tốt bằng cách biện pháp y tế phù hợp. Nhưng để làm được điều này, bệnh nhân cần phải chủ động thăm khám để được chẩn đoán và tư vấn điều trị hiệu quả.