Bệnh Viêm Phổi
Bệnh viêm phổi là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở nhu mô phổi khiến cho chức năng hô hấp suy giảm. Tác nhân gây bệnh rất đa dạng, có thể là vi khuẩn, virus, nấm và đôi khi là ký sinh trùng. Viêm phổi có thể điều trị dứt điểm nếu thăm khám sớm, trường hợp phát hiện chậm trễ sẽ gây ra nhiều biến chứng và gia tăng nguy cơ tử vong.
Tổng quan
Bệnh viêm phổi (Pneumonia) là tình trạng nhu mô phổi bị nhiễm trùng dẫn đến tăng tiết dịch trong phế nang. Viêm phổi bao gồm viêm phế nang, túi, ống phế nang, tiểu phế quản tận và thậm chí là tổ chức kẽ của phổi. Thông thường, hiện tượng viêm chỉ xảy ra ở một thùy phổi nhưng cũng có khi gây tổn thương nhiều thùy.
Viêm phổi có mức độ nhẹ hoặc nặng tùy vào tác nhân gây bệnh, cơ địa và độ tuổi của từng bệnh nhân. Nếu xảy ra ở những đối tượng nhạy cảm như trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người bị suy giảm miễn dịch… bệnh có thể tiến triển nhanh gây ra nhiều biến chứng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong do suy hô hấp và sốc nhiễm khuẩn.
Bệnh viêm phổi có thể gặp ở trẻ em và người trưởng thành. Mỗi năm có khoảng 450 triệu người mắc bệnh lý này. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi và người cao tuổi trên 75 tuổi.
Nhờ những tiến bộ trong lĩnh vực chẩn đoán và điều trị, tính nghiêm trọng của bệnh có những thay đổi đáng kể so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, hiện tại bệnh viêm phổi vẫn gây ra gánh nặng đáng kể cho y tế và kinh tế- xã hội. Từ năm 2019 đến nay, ngoài những tác nhân thông thường, Covid-19 là chủng virus gây viêm phổi mới được phát hiện.
Viêm phổi là tình trạng viêm đường hô hấp dưới nên mức độ nghiêm trọng hơn so với các bệnh viêm đường hô hấp trên. Tuy nhiên, đa phần mọi người đều chưa có hiểu biết rõ về bệnh dẫn đến việc tự ý mua kháng sinh, thuốc ho. Nếu không được phát hiện kịp thời, viêm phổi có thể gây ra nhiều biến chứng với nguy cơ tử vong cao.
Phân loại bệnh
Dựa vào môi trường và cách thức mắc phải, bệnh viêm phổi được phân thành những loại sau:
Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng (CAP)
CAP đề cập đến tình trạng nhu mô phổi bị nhiễm trùng do lây nhiễm vi khuẩn, virus… bên ngoài các cơ sở y tế. Tác nhân thường gặp nhất là các loại vi khuẩn, virus - đặc biệt là Covid-19, nấm, ký sinh trùng. Trong một số trường hợp, viêm phổi có thể xảy ra do hít phải hóa chất. Tình trạng này khá hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm do tiến triển nhanh và tỷ lệ tử vong cao.
Viêm phổi mắc phải ở bệnh viện (HAP)
HAP đề cập đến tình trạng bị viêm phổi trong thời gian nằm viện (sau 48 giờ đồng hồ). Ở các nước phát triển, có khoảng 15% ca viêm phổi lây nhiễm virus, vi khuẩn… trong thời gian lưu viện. Tác nhân gây bệnh cũng tương tự như viêm phổi mắc phải ở cộng đồng nhưng nguy cơ kháng kháng sinh cao.
Ở nước ta, viêm phổi bệnh viện chiếm tỷ lệ dao động từ 21 - 75% và chủ yếu là do lây nhiễm qua máy thở. Viêm phổi thường xuất hiện từ 48 - 72 giờ sau khi mở khí quản hoặc đặt ống nội khí quản.
Viêm phổi do chăm sóc y tế (HCAP)
Viêm phổi do chăm sóc y tế đề cập đến tình trạng nhiễm trùng nhu mô phổi liên quan đến các dịch vụ chăm sóc y tế như chăm sóc vết thương, tiêm truyền tĩnh mạch, đi khám bệnh, chạy thận định kỳ, điều trị cấp cứu… Dù không nằm viện nhưng các dịch vụ chăm sóc y tế có thể vô tình làm lây nhiễm các tác nhân gây viêm phổi.
Viêm phổi do hít phải
Viêm phổi do hít phải là tình trạng dị vật từ đường thở (họng, miệng, dạ dày) vô tình rơi vào 2 bên phổi. Dị vật thường là axit dạ dày, thức ăn, nước bọt… nên khi vào phổi sẽ gây kích thích làm tổn thương niêm mạc phổi. Đây là điều kiện để vi khuẩn phát triển gây nhiễm trùng nhu mô phổi.
Viêm phổi do hít phải thường gặp ở người sử dụng thuốc, uống nhiều rượu và người có các vấn đề về nuốt. Tuy nhiên, dạng viêm phổi tương đối ít gặp.
Trên thực tế, viêm phổi mắc phải ở bệnh viện và cộng đồng là hai loại phổ biến nhất. Đối với viêm phổi bệnh viện, bệnh nhân sẽ được phát hiện sớm bởi các nhân viên y tế. Vì vậy, thông tin trong bài viết chủ yếu tập trung vào viêm phổi mắc phải ở cộng đồng để mọi người có thể nâng cao kiến thức, phát hiện và điều trị sớm khi mắc phải.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Tác nhân gây viêm phổi thường là vi khuẩn, virus và một số loại nấm. Dưới đây là những tác nhân phổ biến nhất:
- Vi khuẩn gây bệnh viêm phổi điển hình: Haemophilus influenzae, phế cầu khuẩn Streptococcus pneumoniae
- Vi khuẩn gây bệnh viêm phổi không điển hình: Legionella pneumoniae, Chlamydia pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae
- Vi khuẩn gây bệnh viêm phổi nặng: Vi khuẩn yếm khí, tụ cầu vàng Staphylococcus aureus, Klebsiella pneumoniae, trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas aeruginosa…
- Các loại virus: Coronavirus, Adenovirus, virus hợp bào hô hấp, cúm gia cầm, virus cúm
- Nấm, ký sinh trùng: Nấm và ký sinh trùng là những tác nhân hiếm gặp gây bệnh viêm phổi.
Viêm phổi do lao được xếp riêng vào nhóm bệnh lao, không được điều trị như các loại viêm phổi thông thường.
Có thể thấy, các tác nhân gây viêm phổi đều có khả năng lây nhiễm. Các tác nhân này có đi xâm nhập vào phổi theo những con đường sau:
- Đường hô hấp: Đa phần các tác nhân gây bệnh viêm phổi đều lây nhiễm qua đường hô hấp. Vi khuẩn có trong nước bọt, dịch tiết hô hấp của người bệnh. Khi giao tiếp, giọt bắn có thể đi vào đường hô hấp của những người xung quanh làm lây nhiễm tác nhân gây bệnh.
- Nhiễm trùng kế cận phổi: Trong một số trường hợp, vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng ở những cơ quan khác. Sau đó, phát triển mạnh, xâm nhập vào phổi gây tổn thương các nhu mô. Thường gặp nhất là viêm màng tim và trung thất.
- Bạch huyết: Vi khuẩn có thể từ những vị trí xa đi vào hệ bạch huyết và di chuyển đến phổi. Đường lây truyền này thường gặp ở những ca viêm phổi nặng. Nếu không điều trị kịp thời, nhiều khả năng sẽ phát triển biến chứng áp xe phổi và hoại tử phổi.
- Đường máu: Tác nhân gây bệnh cũng có thể đi vào máu và di chuyển đến phổi. Thường gặp sau viêm tĩnh mạch nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn và nhiễm khuẩn huyết.
Tác nhân gây viêm phổi có thể lây từ người sang người do tiếp xúc gần gũi hoặc tiếp xúc gián tiếp với những vật dụng chứa nước bọt, dịch tiết hô hấp của người bệnh. Nếu không phát hiện sớm, virus, vi khuẩn… có thể lây nhiễm cho cộng đồng và bùng phát thành dịch.
Như đã biết, phổi là cơ quan hô hấp dưới nên nguy cơ nhiễm trùng thấp hơn so với các cơ quan hô hấp trên. Nguy cơ mắc bệnh viêm phổi sẽ tăng lên khi có những yếu tố thuận lợi như:
- Người cao tuổi (trên 75 tuổi) và trẻ em (dưới 5 tuổi)
- Suy giảm miễn dịch do nhiễm HIV, tiểu đường…
- Người phải nằm viện trong một thời gian dài, đặc biệt là những trường hợp có sử dụng máy thở
- Đã từng sử dụng một đợt kháng sinh kéo dài
- Có các vấn đề hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, giãn phế quản…
- Hút thuốc lá
- Nghiện rượu
- Vệ sinh răng miệng kém gây viêm lợi, viêm nha chu…
- Mắc các bệnh tai mũi họng
- Có các vấn đề sức khỏe như suy tim, động kinh, bệnh hồng cầu hình liềm, vẹo cột sống, biến dạng lồng ngực…
- Người sống trong môi trường ô nhiễm, điều kiện thấp, đông đúc, kém vệ sinh
Triệu chứng và chẩn đoán
Bệnh viêm phổi thường khởi phát cấp tính với các triệu chứng vô cùng rõ rệt. Khi nhu mô phổi bị nhiễm trùng và sưng viêm, chức năng hô hấp sẽ suy giảm đáng kể. Để phát hiện sớm bệnh lý này, có thể nhận biết bệnh viêm phổi thông qua các triệu chứng sau:
- Sốt cao (39 - 40 độ), rét run
- Đau ở vùng ngực, thường đau ở bên phổi bị tổn thương
- Ho với mức độ tăng dần, ban đầu chỉ gây ho khan sau đó ho nặng kèm theo mủ có màu xanh, vàng hoặc màu hồng nâu như gỉ sắt
- Trường hợp viêm phổi nặng có thể gây khó thở, sau đó gây thở nông, thở nhanh. Khó thở nặng sẽ gây thiếu oxy với những biểu hiện tím tái đầu ngón tay, ngón chân và môi.
- Đau bụng, chướng bụng
- Buồn nôn, nôn
- Một số trường hợp có thể bị tiêu chảy
- Trẻ em có thể bị co giật do sốt cao, người cao tuổi thường không có biểu hiện sốt nhưng có thể bị mê sảng và lú lẫn.
Biểu hiện của bệnh viêm phổi có sự khác biệt ở từng đối tượng. Trẻ em, người cao tuổi và người có hệ miễn dịch kém sẽ có triệu chứng rõ rệt, điển hình và tiến triển nhanh hơn. Trong khi đó, người có thể trạng tốt thường chỉ có biểu hiện sốt, ho và đau tức ngực.
Viêm phổi có thể tiến triển nhanh gây hạ nhiệt độ, suy hô hấp và tử vong. Vì vậy, nên thăm khám ngay khi phát hiện những biểu hiện bất thường. Sau khi hỏi bệnh, tìm hiểu về triệu chứng, thời điểm khởi phát và sàng lọc nguy cơ (có nằm viện trong thời gian gần đây, có tiếp xúc với người mắc các bệnh viêm đường hô hấp không…), bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để đưa ra chẩn đoán xác định và đánh giá mức độ nặng.
Các kỹ thuật được sử dụng trong chẩn đoán bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu bao gồm xét nghiệm công thức máu, tốc độ máu lắng, xét nghiệm procalcitonin và CRP. Kết quả của các xét nghiệm này cho thấy dấu hiệu nhiễm trùng và phát hiện sự hiện diện của tác nhân gây viêm phổi - đặc biệt nhạy cảm với phế cầu khuẩn.
- X - Quang phổi: Hình ảnh từ X-Quang giúp bác sĩ đánh giá tổn thương phổi và các cơ quan lân cận.
- Chụp CT: Ngoài X-Quang, CT cũng là kỹ thuật được sử dụng trong chẩn đoán bệnh viêm phổi - đặc biệt là trường hợp nghi ngờ viêm phổi nặng. Hình ảnh cắt lớp sẽ giúp bác sĩ đánh giá thương tổn ở nhu mô phổi một cách chính xác. Ngoài ra, CT cũng được cân nhắc trong trường hợp hình ảnh từ X-Quang không thể hiện rõ tổn thương.
- Siêu âm lồng ngực: Ở những cơ sở không có đủ máy móc, thiết bị để chụp CT, siêu âm lồng ngực sẽ được chỉ định. Phương pháp này phần nào giúp các bác sĩ chẩn đoán và theo dõi đáp ứng điều trị.
- Xét nghiệm bệnh phẩm: Để lên kháng sinh đồ phù hợp, bệnh nhân sẽ được xét nghiệm bệnh phẩm (đờm, dịch phế quản, máu) để tìm tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên trong một vài trường hợp, các bác sĩ có thể xác định tác nhân dựa vào triệu chứng, yếu tố dịch tễ và mức độ nặng.
- Nội soi phế quản: Nội soi phế quản sử dụng ống nội soi mềm để quan sát và đánh giá tổn thương ở phổi. Ngoài ra khi nội soi, bác sĩ cũng có thể lấy dịch và mô để xét nghiệm, tìm ra tác nhân gây bệnh.
Biến chứng và tiên lượng
Viêm phổi là bệnh lý hô hấp cần phải lưu ý để phát hiện và điều trị sớm. Do nhiễm trùng xảy ra ở nhu mô phổi nên rất dễ dẫn đến suy hô hấp, hạ nhiệt độ và tử vong. Sau khi chẩn đoán và đánh giá mức độ nghiêm trọng, các bác sĩ sẽ có phương án điều trị phù hợp.
Những người bị viêm phổi nhẹ, thể trạng tốt có thể điều trị tại nhà. Trong khi đó, người bị viêm phổi trung bình và nặng cần phải điều trị nội trú để theo dõi. Khi mắc bệnh viêm phổi, ngoài điều trị tích cực còn cần phải có các biện pháp để tránh lây nhiễm cho cộng đồng.
Viêm phổi có thể dẫn đến nhiều biến chứng, có thể là biến chứng gần hoặc xa.
Các biến chứng gần của bệnh viêm phổi bao gồm:
- Áp xe phổi
- Suy hô hấp
- Tràn dịch màng phổi
- Tràn mủ màng phổi
- Tràn khí màng phổi
- Viêm màng ngoài tim
Các biến chứng xa của bệnh viêm phổi bao gồm:
- Viêm màng não
- Viêm phúc mạc
- Viêm khớp
- Viêm nội tâm mạc cấp tính
- Nhiễm khuẩn huyết
- Sốc nhiễm khuẩn
- Suy đa tạng
Cho đến nay, viêm phổi vẫn là một trong những vấn đề sức khỏe gây ra gánh nặng cho y tế và kinh tế. Nhất là trong bối cảnh thời tiết thất thường, không khí ô nhiễm và sự xuất hiện của nhiều chủng virus mới. Minh chứng rõ ràng nhất cho thấy mức độ ảnh hưởng của bệnh viêm phổi là đại dịch Covid-19 vừa qua.
Khi nhận thấy biểu hiện ho khan, ho có đờm kèm theo đau thắt ngực… nên thăm khám sớm. Không nên chủ quan, tự ý sử dụng kháng sinh và các loại thuốc điều trị triệu chứng. Chậm trễ trong thăm khám không chỉ làm gia tăng biến chứng mà còn lây nhiễm virus, vi khuẩn cho cộng đồng.
Điều trị
Chỉ định điều trị viêm phổi sẽ phụ thuộc vào mức độ nặng - nhẹ, độ tuổi và cơ địa của từng người. Những trường hợp có biểu hiện trung bình đến nặng - đặc biệt là các đối tượng đặc biệt như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, cho con bú… sẽ được điều trị nội trú để theo dõi.
Các phương pháp được chỉ định trong điều trị bệnh viêm phổi bao gồm:
Sử dụng thuốc
Đa phần các trường hợp viêm phổi đều do vi khuẩn nên điều trị chính là sử dụng kháng sinh. Bác sĩ cần xác định tác nhân gây bệnh trước khi làm kháng sinh đồ để đảm bảo độ nhạy cảm, hạn chế tình trạng kháng kháng sinh.
Viêm phổi do virus không có thuốc đặc hiệu nên điều trị bằng kháng sinh không hiệu quả. Trường hợp do virus chủ yếu sử dụng thuốc điều trị triệu chứng và thực hiện một số biện pháp hỗ trợ.
Các loại thuốc được dùng trong điều trị bệnh viêm phổi:
- Kháng sinh: Kháng sinh được chỉ định trong trường hợp viêm phổi do vi khuẩn. Thuốc được dùng trong 7 - 14 ngày tùy theo tác nhân gây bệnh. Sau khi có kết quả soi cấy bệnh phẩm, bác sĩ sẽ chỉ định các kháng sinh như Azithromycin, Clindamycin, Erythromycin, Amoxicillin, Clarithromycin, Moxifloxacin, Cefotaxim…
- Thuốc điều trị triệu chứng: Bệnh nhân viêm phổi thường có biểu hiện sốt, ho, đau thắt ngực… nên được chỉ định dùng một số loại thuốc điều trị triệu chứng như Acetaminophen, NSAID (thuốc chống viêm không steroid).
- Thuốc kháng virus: Kháng sinh không có hiệu quả trong điều trị bệnh viêm phổi do virus, bệnh nhân chủ yếu được điều trị hỗ trợ bằng thuốc giảm đau, hạ sốt. Một số trường hợp có thể dùng kèm thuốc kháng virus Oseltamivir. Nếu có bội nhiễm vi khuẩn sẽ được dùng kháng sinh như viêm phổi do vi khuẩn.
- Thuốc kháng nấm: Ngoài virus và vi khuẩn, bệnh viêm phổi còn có thể do nấm. Trường hợp đã chắc chắn tác nhân là nấm, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng nấm phù hợp.
Điều trị hỗ trợ
Viêm phổi có thể làm giảm chức năng hô hấp dẫn đến thiếu oxy. Vì vậy, một số trường hợp sẽ được thực hiện thêm các biện pháp hỗ trợ như:
- Thông khí nhân tạo
- Thở oxy
- Điều trị biến chứng (nếu có)
Những trường hợp phải thở oxy thường có tiên lượng xấu hơn so với các ca viêm phổi chỉ cần sử dụng thuốc. Tuy nhiên nếu điều trị tích cực, bệnh có thể thuyên giảm sau vài tuần cho đến một tháng hoặc lâu hơn.
Chăm sóc hợp lý
Trong quá trình điều trị viêm phổi, cần kết hợp các biện pháp chăm sóc hợp lý để nâng đỡ thể trạng, đẩy nhanh tốc độ phục hồi. Các biện pháp chăm sóc trong thời gian điều trị viêm phổi bao gồm:
- Nghỉ ngơi hoàn toàn để phục hồi cơ thể, giảm áp lực lên các cơ quan hô hấp.
- Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng. Nên bổ sung các món ăn mềm, lỏng, ít gia vị để dễ tiêu hóa.
- Uống đủ 2 lít nước/ ngày.
- Ngủ đủ giấc để quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi.
Kết hợp chế độ chăm sóc với các phương pháp y tế giúp kiểm soát nhanh triệu chứng của bệnh viêm phổi. Thời gian phục hồi được rút ngắn và hạn chế nguy cơ gặp phải biến chứng.
Phòng ngừa
Viêm phổi là bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa. Ngoài các biện pháp phòng ngừa không đặc hiệu, hiện nay đã có vaccine dự phòng hiệu quả. Nếu thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa sau, nguy cơ mắc bệnh viêm phổi sẽ giảm đi đáng kể.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh viêm phổi:
- Hiện nay đã có vaccine phế cầu (5 năm tiêm 1 lần), vaccine cúm (1 năm/ lần), vaccine ngừa Covid và một số loại vaccine khác. Tiêm vaccine là cách phòng bệnh hiệu quả nhất, phù hợp với hầu hết các đối tượng. Trong đó trẻ nhỏ, người cao tuổi và người suy giảm miễn dịch là những đối tượng nên tiêm vaccine phòng ngừa viêm phổi.
- Đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc quá gần với người đang mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp.
- Rửa sạch tay bằng cồn hoặc xà phòng sau khi tiếp xúc với các vật dụng công cộng.
- Vệ sinh tai mũi họng đúng cách, đặc biệt là vào thời điểm có dịch bệnh bùng phát.
- Phát hiện và điều trị dứt điểm các bệnh tai mũi họng, răng hàm mặt.
- Không hút thuốc lá, thuốc lào, hạn chế uống quá nhiều rượu bia.
- Giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ và ngực vào mùa lạnh.
- Người có các bệnh lý nền như bệnh gan, bệnh thận mãn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, tiểu đường… cần quản lý bệnh hiệu quả. Thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm phổi và các bệnh viêm đường hô hấp khác.
- Dọn dẹp không gian sống, hút bụi thường xuyên.
- Xây dựng lối sống lành mạnh với chế độ ăn đủ chất, điều độ và tập thể dục thường xuyên.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi bị ho, sốt, đau thắt ngực… có thể do bệnh gì?
2. Các xét nghiệm tôi cần thực hiện để chẩn đoán bệnh viêm phổi?
3. Tôi bị viêm phổi do virus, vi khuẩn hay do tác nhân nào? Tôi có khả năng lây nhiễm từ đâu?
4. Tôi cần điều trị tại bệnh viện hay có thể điều trị tại nhà?
5. Tôi cần dùng thuốc trong bao lâu?
6. Trong thời gian điều trị, tôi có thể cải thiện triệu chứng bằng các biện pháp nào?
7. Sau khi điều trị viêm phổi, tôi có cần tiêm vaccine phòng ngừa?
Bệnh viêm phổi là tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp dưới do nhiều tác nhân gây ra. Tuy nhiên, hiện nay hiểu biết về bệnh lý này vẫn còn hạn chế khiến cho nhiều trường hợp không được phát hiện sớm. Trang bị kiến thức sẽ giúp bạn đọc chủ động trong việc phòng ngừa, phát hiện và điều trị kịp thời khi mắc phải.