Bệnh Ung Thư Phổi
Bệnh ung thư phổi là loại ung thư phổ biến thứ 2 ở nước ta chỉ sau ung thư gan. Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng đặt ra nhu cầu bức thiết về việc nâng cao hiểu biết và chủ động sàng lọc để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.
Tổng quan
Bệnh ung thư phổi (Lung Cancer) là tình trạng các tế bào ở phổi phát triển mất kiểm soát và trở nên ác tính. Theo thời gian, bên trong phổi sẽ xuất hiện khối u và kích thước u có xu hướng lớn dần theo thời gian. Ung thư có thể phát triển từ biểu mô phế quản, tiểu phế quản, phế nang hoặc các phế quản.
Hiện nay, có hai dạng ung thư phổi thường gặp là ung thư phổi không tế bào nhỏ (chiếm 80%) và ung thư tế bào nhỏ (chiếm 20%). Hai loại ung thư này có tiến triển và phác đồ điều trị khác nhau.
Ung thư phổi là một trong những loại ung thư phổ biến nhất hiện nay với nguy cơ cao hơn ở nam giới. Thống kê cho thấy, loại ung thư này chiếm 12% trong tổng số các loại ung thư trên toàn thế giới. Ở nước ta, ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở cả nam và nữ.
Ước tính, nước ta có khoảng 23.600 ca mắc ung thư phổi mới và khoảng 20.700 ca tử vong mỗi năm. Tỷ lệ mắc bệnh đứng thứ II chỉ sau ung thư gan.
Hiện ung thư phổi vẫn là loại ung thư khó phát hiện, điều trị còn nhiều khó khăn và thách thức. So với các dạng ung thư khác, ung thư phổi có tiên lượng thường xấu, tỷ lệ bệnh nhân sống sót trên 5 năm chỉ chiếm 15%. Cách duy nhất để tăng thời gian sống là phát hiện và điều trị sớm.
Phân loại bệnh
Dựa vào giải phẫu, ung thư phổi được chia thành 2 loại là ung thư phổi không tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ:
Ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC)
Ung thư phổi không tế bào nhỏ là loại ung thư phổi vô cùng phổ biến với tỷ lệ chiếm khoảng 80%. Loại ung thư này có tiến triển khá chậm, nếu được phát hiện sớm có thể điều trị thành công bằng nhiều phương pháp như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị.
Ung thư phổi không tế bào nhỏ được chia thành 4 giai đoạn:
- Giai đoạn I: Đây là giai đoạn ung thư tiềm ẩn nên chưa có triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, có thể phát hiện tế bào ác tính có trong đờm và dịch phổi.
- Giai đoạn II: Ở giai đoạn II, khối u chỉ giới hạn ở phổi và chưa di căn sang hạch hay những cơ quan khác. Nếu phát hiện ở giai đoạn này, tỷ lệ chữa khỏi khá cao và lựa chọn tối ưu thường là phẫu thuật.
- Giai đoạn III: Giai đoạn III được xác định khi tế bào ung thư đã di căn sang các hạch bạch huyết lân cận. Ngoài phẫu thuật cắt bỏ khối u, buộc phải kết hợp với xạ trị và hóa trị để tiêu diệt tế bào ác tính, phòng ngừa ung thư di căn và tái phát.
- Giai đoạn IV: Giai đoạn IV còn được gọi là giai đoạn tiến triển hoặc giai đoạn muộn. Lúc này, tế bào ung thư đã di căn sang các cơ quan khác, bao gồm cả các cơ quan ở xa thông qua đường máu và hệ bạch huyết. Tiên lượng ở giai đoạn IV rất xấu, tỷ lệ tử vong cao.
Dựa vào giải phẫu, ung thư phổi không tế bào nhỏ còn được chia thành 3 loại nhỏ:
- Ung thư biểu mô tuyến (chiếm 35 - 40%)
- Ung thư tế bào vảy (25 - 30%)
- Ung thư tế bào lớn (10 - 15%)
Ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC)
Ung thư phổi tế bào nhỏ ít gặp hơn với tỷ lệ dưới 20%. Đặc điểm của dạng ung thư này là tiến triển nhanh và nhiều khả năng sẽ di căn sang các cơ quan khác thông qua đường máu. Rất ít trường hợp phát hiện ung thư tế bào nhỏ ở giai đoạn đầu mà chủ yếu được chẩn đoán khi đã vào giai đoạn tiến triển.
Ung thư phổi tế bào nhỏ có tiến triển nhanh, khả năng di căn và tử vong cao. Nếu không điều trị kịp thời, thời gian sống của bệnh nhân chỉ kéo dài khoảng 12 - 15 tuần và ở giai đoạn tràn lan (ung thư di căn), thời gian sống chỉ còn 6 - 9 tuần.
Ngoài ra, khối u có thể tiết ra chất nội tiết thần kinh biệt hóa gây ra hội chứng cận ung thư với những biểu hiện như khó giữ thăng bằng, nói ngọng, khó nuốt, chóng mặt, trí nhớ giảm, lú lẫn, mất trí nhớ, thị lực kém…
Khác với ung thư phổi không tế bào nhỏ, ung thư phổi tế bào nhỏ thường được chia thành 2 giai đoạn do tốc độ phát triển nhanh:
- Giai đoạn giới hạn: Ở giai đoạn này, tế bào ung thư chỉ phát triển giới hạn bên trong phổi.
- Giai đoạn mở rộng: Tế bào ung thư đã phát triển mạnh, lây lan sang các cơ quan khác.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Ung thư phổi là loại ung thư phổ biến thứ 2 ở nước ta chỉ sau ung thư gan. Nguy cơ phát triển ung thư phổi ở nam giới cao gấp 3 lần so với nữ giới. Hiện nay, nguyên nhân chính xác vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, đã có một vài nguyên nhân và yếu tố được xác định có tham gia vào cơ chế bệnh sinh:
Hút thuốc lá
Hiện nay, thuốc lá vẫn là nguyên nhân lớn nhất gây ra các bệnh hô hấp từ viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cho đến ung thư. Theo các chuyên gia, khoảng 80 - 90% trường hợp ung thư phổi có liên quan đến khói thuốc lá.
Nếu mỗi ngày hút một gói thuốc, nguy cơ phát triển ung thư cao gấp 20 lần so với người không hút thuốc. Ngoài ra, những người hít phải khói thuốc thụ động cũng có nguy cơ gặp phải ung thư phổi cao hơn 30%.
Ngoài thuốc lá, các loại thuốc lào, xì gà… đều là yếu tố gia tăng nguy cơ ung thư. Trong khói thuốc lá chứa nhiều độc tố, tiếp xúc lâu dài theo thời gian sẽ khiến các tế bào phổi bị tổn thương, viêm mãn tính và có xu hướng phát triển loạn sản.
Tiếp xúc với amiăng
Amiăng có hình dạng như sợi tóc có trong nhiều vật liệu như đá và vật liệu cách nhiệt, chống cháy được dùng trong xây dựng. Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện được cho thấy, hít phải amiăng là nguyên nhân khiến phổi bị viêm và kích ứng.
Đặc biệt nếu có thói quen hút thuốc lá và làm những công việc phải tiếp xúc thường xuyên với amiăng, nguy cơ phát triển ung thư phổi là rất lớn. Khả năng bị ung thư phổi ở người thường xuyên tiếp xúc với amiăng cao gấp 90 lần so với người bình thường. Điều này cho thấy, amiăng thật sự gây ra những ảnh hưởng tiêu cực với sức khỏe nói chung và phổi nói riêng.
Nhiễm virus
Ung thư phổi, đặc biệt là ung thư phổi không tế bào nhỏ có thể liên quan đến nhiễm virus gây u nhú ở người HPV.
Tiếp xúc với khí Radon
Tương tự như amiăng, tiếp xúc với khí Radon sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Đây là loại khí phóng xạ không mùi, không màu do một số loại đá và đất thải ra trong môi trường tự nhiên.
Khi hít phải khí Radon, chúng sẽ xâm nhập vào tế bào lót của đường hô hấp. Về lâu dài sẽ làm thay đổi DNA khiến tế bào phát triển loạn sản và chuyển thành tế bào ung thư. Hiện tại, Radon được xếp vào nguyên nhân thứ 2 gây ung thư phổi chỉ sau khói thuốc lá (chiếm 3 - 14%).
Di truyền
Tương tự như các loại ung thư khác, ung thư phổi cũng có liên quan đến yếu tố di truyền. Các chuyên gia nhận thấy, đột biến T790M xảy ra ở tế bào mầm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự phát triển của ung thư phổi, đôi khi đi kèm với ung thư biểu mô tuyến của phổi.
Bất thường trong gen là nguyên nhân khiến tế bào phổi phát triển loạn sản, ngay cả khi không hút thuốc lá hay tiếp xúc với bụi phóng xạ, amiăng. Vì vậy, những người có tiền sử ung thư phổi nên tầm soát định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.
Môi trường ô nhiễm
Hiện nay, dưới tác động của sản xuất công nghiệp, chất lượng không khí ngày càng đi xuống. Ô nhiễm môi trường làm gia tăng các vấn đề hô hấp, bao gồm cả ung thư phổi. Bụi mịn dễ dàng xâm nhập vào các tiểu phế quản khiến phổi bị viêm trong một thời gian dài. Dần dần tế bào có xu hướng phát triển mất kiểm soát gây ra khối u ác tính.
Các yếu tố khác
Nguy cơ phát triển ung thư phổi cũng có thể gia tăng do tiếp xúc với các loại khí và hóa chất độc hại. Những người làm trong môi trường ô nhiễm, nhiều bụi bẩn, thường xuyên tiếp xúc với lửa nấu bằng than hoặc gỗ, chất niken, crom, asen… cũng có nguy cơ cao phát triển loại ung thư này.
Bệnh ung thư phổi hiện đang là mối đe dọa đối với sức khỏe của cộng đồng. Đặc biệt, những người thuộc nhóm nguy cơ cao cần tầm soát, sàng lọc định kỳ để phát hiện sớm tế bào ung thư. Thống kê cho thấy, ung thư phổi thường gặp ở các đối tượng sau:
- Nam giới từ 50 - 75 tuổi
- Những người sinh sống ở khu vực Bắc Mỹ và Châu Âu có tỷ lệ ung thư phổi cao hơn so với những khu vực địa lý khác (dao động từ 10 - 15%)
- Tính chất nghề nghiệp phải thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, khí đốt, chất phóng xạ
- Có sẵn các bệnh lý mãn tính ở phổi như viêm phổi, lao phổi, nhồi máu phổi…
Triệu chứng và chẩn đoán
Một trong những lý do khiến cho tỷ lệ ung thư phổi luôn ở mức cao là phát hiện bệnh muộn. Ung thư phổi gần như không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Chỉ khi khối u đã gia tăng kích thước và tiến triển, chức năng hô hấp suy giảm nghiêm trọng mới gây ra một số biểu hiện.
Triệu chứng của bệnh cũng phụ thuộc vào vị trí, kích thước khối u cũng như mức độ xâm lấn của tế bào ung thư. Nhìn chung, nếu chỉ dựa vào biểu hiện lâm sàng, ung thư phổi dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề hô hấp thông thường.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh ung thư phổi:
- Ho: Khoảng 80% trường hợp ung thư phổi có biểu hiện ho, hình thái ho đa dạng có thể là ho ra máu nhưng đôi khi chỉ gây ho có đờm và ho khan thông thường. Vì ho là triệu chứng thường gặp nên không thể gợi ý nguy cơ bị ung thư. Tuy nhiên, nếu nhận thấy ho kéo dài và không giảm khi dùng thuốc, nên thăm khám để phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn.
- Khàn tiếng: Bên cạnh biểu hiện ho, một số trường hợp cũng có thể bị khàn tiếng. Tình trạng này thường xảy ra khi khối u xuất hiện ở hạch trung thất hoặc phổi trái, sau đó tiến triển chèn ép vào dây thần kinh.
- Đau ngực: Một số bệnh nhân có biểu hiện đau vùng ngực, nhất là khi khối u đã xâm lấn đến thành ngực. Tuy nhiên, biểu hiện đau ngực dễ bị nhầm lẫn với các bệnh tim mạch. Đau ngực do ung thư phổi thường có những đặc điểm như đau âm ỉ, dai dẳng, mức độ tăng lên khi hít thở sâu và ho.
- Khó thở: Khó thở xảy ra khi khối u đã tiến triển gây chèn ép đường thở. Điều này có nghĩa là triệu chứng này chỉ xuất hiện ở giai đoạn cuối của bệnh. Bệnh nhân có biểu hiện khó thở kèm theo thở khò khè, thở nặng.
- Nổi hạch cổ: Sự xuất hiện của hạch cổ là kết quả của quá trình miễn dịch, khi bạch cầu đang cố gắng chống lại sự xâm lấn của tế bào ung thư. Vì vậy, một số bệnh nhân sẽ xuất hiện hạch ở vùng cổ với những đặc điểm như kích thước lớn, sờ vào có cảm giác rắn chắc.
- Sụt cân: Tương tự như các dạng ung thư khác, ung thư phổi sẽ khiến người bệnh bị sụt cân nhanh dù vẫn duy trì chế độ ăn như trước. Thể trạng suy giảm, cơ thể xanh xao, yếu sức và dễ mệt.
- Bất thường ở mô vú: Nam giới bị ung thư phổi có thể có bất thường ở mô vú như ngực to lên bất thường… Lý do gây ra triệu chứng này là do khối u sản xuất nội tiết tố làm gia tăng kích thước của ngực.
- Các triệu chứng khác: Ngoài các triệu chứng kể trên, bệnh ung thư phổi còn gây ra một số biểu hiện khác như sụp mi mắt, đỏ nửa mặt (thường là nửa mặt cùng bên với vị trí của khối u), cơ thể nóng bừng, tê bì, dị cảm ngón tay, cánh tay và đau vùng vai.
Khi ung thư di căn sẽ gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn như:
- Buồn nôn, nôn
- Đau đầu
- Triệu chứng thần kinh khu trú
- Rối loạn vận động
- Mất vận động chi
- Đại tiểu tiện không tự chủ
- Tê, yếu
- Đau xương
Thực tế, phần lớn các trường hợp đều chỉ xuất hiện biểu hiện ho dai dẳng, không rõ nguyên do và không thuyên giảm khi điều trị. Nếu ho kéo dài hơn 2 tuần, nên đến bệnh viện để kiểm tra.
Các triệu chứng lâm sàng thường không có giá trị trong chẩn đoán bệnh ung thư phổi. Vì vậy, khi nghi ngờ mắc bệnh lý này, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm như sau:
- Chụp X-Quang ngực: X-Quang ngực là kỹ thuật thường quy được chỉ định hầu hết trong chẩn đoán các bệnh hô hấp. Hình ảnh từ X-Quang cho phép bác sĩ phát hiện khối u bất thường ở phổi.
- Các chẩn đoán hình ảnh khác: Ngoài X-Quang, bệnh nhân sẽ được thực hiện thêm một số chẩn đoán hình ảnh khác như chụp CT bụng, ngực, MRI não, xạ hình xương và chụp PET toàn thân trong những trường hợp cần thiết.
- Tế bào học đờm: Dịch đờm được lấy phải là dịch đờm vào lúc sáng sớm ngay sau khi thức dậy để cho kết quả khách quan. Thông qua kỹ thuật tế bào học đờm, bác sĩ có thể tìm thấy sự hiện diện của các tế bào bất thường và xác định được giai đoạn bệnh.
- Sinh thiết qua da: Để chẩn đoán xác định ung thư phổi, bác sĩ sẽ tiến hành chọc lấy mô phổi và đem đi xét nghiệm. Kỹ thuật này cho kết quả chính xác nhưng có nguy cơ tràn khí màng phổi (20 - 25%).
- Nội soi phế quản: Hiện nay, nội soi phế quản là phương pháp được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán ung thư phổi. Khi nội soi, bác sĩ sẽ lấy mô phổi để xét nghiệm. Ngoài ra, hình ảnh từ kỹ thuật này cũng sẽ giúp bác sĩ xác định giai đoạn bệnh.
Hiện nay, ung thư phổi có thể được phát hiện sớm nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Nam giới trên 50 tuổi có thói quen hút thuốc lá, làm việc trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, hóa chất… nên tầm soát và sàng lọc định kỳ.
Chẩn đoán ung thư phổi giúp bác sĩ xác định loại ung thư, vị trí, kích thước và giai đoạn bệnh. Đây là những tiêu chí quan trọng để đưa ra đánh giá về tiên lượng và lên kế hoạch điều trị cụ thể.
Biến chứng và tiên lượng
Tương tự như ung thư ở những cơ quan khác, tiên lượng của ung thư phổi phụ thuộc vào thời điểm phát hiện. Nếu phát hiện sớm, nhiều trường hợp có thể chữa khỏi, tỷ lệ sống trên 5 năm lên đến 40 - 50%. Tiên lượng xấu nếu phát hiện bệnh muộn, nhất là khi tế bào ung thư đã di căn.
Đối với ung thư phổi, tiên lượng có sự khác nhau giữa ung thư phổi không tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ. Trong đó, ung thư phổi tế bào nhỏ có tiên lượng xấu hơn, khối u tiến triển nhanh và tỷ lệ tử vong cao. Dạng ung thư phổi này hầu như chỉ gặp ở những người hút thuốc lá.
Đặc biệt, ung thư phổi tế bào nhỏ có thể tiết ra chất nội tiết thần kinh biệt hóa dẫn đến các hội chứng cận ung thư như tăng canxi máu, hội chứng Cushing, đái tháo nhạt, ngón tay dùi trống…
Sự tấn công của tế bào ác tính và các hội chứng cận ung thư khiến cho thể trạng của bệnh nhân suy kiệt. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm gần như là rất thấp (dưới 1 %). Nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ sống sót sau 5 năm cũng chỉ khoảng 20%.
Ung thư phổi không tế bào nhỏ có tiên lượng tốt hơn. Tỷ lệ sống sau 5 năm chiếm khoảng 60 - 70% nếu phát hiện ở giai đoạn I. Trường hợp đã di căn có thời gian sống khoảng 6 - 9 tháng.
Điều trị
Khác với các bệnh ung thư thường gặp, điều trị ung thư phổi phụ thuộc nhiều vào dạng ung thư gặp phải. Đa phần các trường hợp đều sẽ được điều trị theo nguyên tắc sau:
- Ung thư phổi không tế bào nhỏ: Ưu tiên phẫu thuật ở giai đoạn sớm, có thể kết hợp xạ trị để phòng tránh di căn. Hóa trị và xạ trị chỉ được ưu tiên ở giai đoạn tiến triển, tùy theo tình trạng cụ thể mà có thể xem xét phẫu thuật sau một thời gian điều trị bằng hóa xạ trị.
- Ung thư phổi tế bào nhỏ: Ung thư phổi tế bào nhỏ rất nhạy cảm với hóa trị liệu nên hóa trị và xạ trị được xem là phương pháp chính. Phẫu thuật chỉ là phương pháp hỗ trợ trong điều trị loại ung thư này.
Nhìn chung, điều trị ung thư phổi thường được cá thể hóa tùy theo từng bệnh nhân. Ngoài kiểm soát khối u, điều trị còn phải được thực hiện với mục đích giảm nhẹ triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Các phương pháp điều trị được cân nhắc trong điều trị ung thư phổi:
Phẫu thuật
Phẫu thuật chủ yếu được chỉ định trong điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ và thường được thực hiện trong giai đoạn khu trú, tế bào ung thư chưa di căn sang các cơ quan khác.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ cắt trọn thùy phổi chứa khối u, nếu cần thiết sẽ cắt 2 thùy kế cận hoặc thậm chỉ là cắt bỏ một bên phổi. Để tránh di căn, bác sĩ sẽ tiến hành vét hạch rốn phổi và hạch trung thất.
Đối với ung thư phổi tế bào nhỏ, nếu phát hiện sớm cũng được cân nhắc phẫu thuật. Tùy theo tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định hóa trị trước hoặc sau mổ. Trường hợp tế bào ung thư đã di căn vào các hạch lân cận, xạ trị sẽ được thực hiện sau khi mổ để giảm nguy cơ tái phát.
Xạ trị
Xạ trị là phương pháp có vai trò quan trọng trong điều trị ung thư phổi. Ở giai đoạn khu trú, xạ trị và phẫu thuật có thể điều trị triệt để tế bào ác tính. Xạ trị thường được chỉ định ở cả giai đoạn khu trú và tiến triển.
Trong giai đoạn khu trú, xạ trị được thực hiện sau mổ để tránh tái phát. Ngược lại ở giai đoạn tiến triển, xạ trị được xem là phương pháp chính để ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Qua đó giới hạn khối u, ngăn ngừa các hội chứng cận ung thư và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Hóa trị
Hóa trị chỉ có tác dụng hỗ trợ trong điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ nhưng lại là phương pháp chính đối với ung thư phổi tế bào nhỏ. Vì dạng ung thư này rất nhạy cảm với hóa trị liệu.
Các loại thuốc thường dùng là Etoposide hoặc Irinotecan kết hợp với Cisplatin hoặc Carboplatin. Tùy theo dạng ung thư và giai đoạn cụ thể, hóa trị có thể được kết hợp với xạ trị hoặc sử dụng trước khi phẫu thuật.
Liệu pháp miễn dịch
Trước đây, điều trị ung thư phổi chỉ có 3 phương pháp chính là phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Với sự phát triển của nền y học, hiện nay điều trị còn bao gồm liệu pháp miễn dịch.
Liệu pháp này cung cấp cho cơ thể các kháng thể cần thiết để làm ngừng hoặc làm chậm sự phát triển của tế bào ác tính. Đồng thời tăng khả năng phòng thủ tự nhiên giúp cơ thể khống chế sự phát triển của tế bào ung thư.
Các loại thuốc điều trị miễn dịch được sử dụng trong điều trị ung thư phổi bao gồm:
- Pembrolizumab
- Nivolumab
- Atezolizumab
- Cetuximab
- Gefitinib
- Osimertinib
- Afatinib
- Erlotinib
- Bevacizumab
Liệu pháp miễn dịch chỉ được xem là biện pháp hỗ trợ nên ít khi được chỉ định đơn độc. Liệu pháp này thường được phối hợp với hóa trị và bổ trợ sau phẫu thuật.
Điều trị ung thư di căn
Trường hợp ung thư phổi đã di căn sẽ cần thực hiện thêm các phương pháp sau:
- Đặt máy thở
- Sử dụng thuốc giảm triệu chứng (thuốc chống nôn, thuốc giảm đau gây nghiện, corticoid…)
- Hỗ trợ tâm lý
- Xạ trị ung thư thứ phát
- Truyền thuốc chống phù não
- Truyền thuốc chống hủy xương Zoledronic acid
Phòng ngừa
Ung thư phổi có thể phòng ngừa bằng các biện pháp sau:
- Hơn 90% trường hợp ung thư phổi đều liên quan đến thói quen hút thuốc lá và hít khói thuốc thụ động. Vì vậy, ngừng hút thuốc lá là cách phòng ngừa hiệu quả nhất.
- Sử dụng đồ bảo hộ, đeo khẩu trang nếu làm việc trong môi trường chứa phóng xạ, hóa chất, bụi mịn…
- Phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý về phổi. Nếu mắc bệnh phổi mãn tính, cần có kế hoạch chăm sóc phù hợp để quản lý bệnh, hạn chế nguy cơ phát triển ung thư.
- Nam giới trên 50 tuổi có thói quen hút thuốc lá, tiền sử gia đình bị ung thư phổi… nên tầm soát để phát hiện sớm ung thư phổi.
- Tăng cường sức đề kháng bằng lối sống lành mạnh. Tập thể dục thường xuyên, ăn uống điều độ, hạn chế rượu bia, chất kích thích…
- Nếu môi trường sống quá ô nhiễm, nên trồng thêm cây xanh và sử dụng máy lọc không khí để hạn chế bụi mịn. Người sống ở các đô thị nên đeo khẩu trang khi ra ngoài để hạn chế các bệnh về đường hô hấp.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi bị ho dai dẳng, điều trị không dứt có phải là biểu hiện của ung thư phổi?
2. Gia đình từng có người bị ung thư phổi, tôi cần thực hiện xét nghiệm nào để phát hiện sớm?
3. Vì sao tôi bị ung thư phổi? Tình trạng của tôi có nghiêm trọng không?
4. Với bệnh tình hiện tại, tôi nên phẫu thuật, hóa trị hay xạ trị?
5. Tôi có thể sử dụng BHYT khi điều trị ung thư phổi hay không?
6. Sau phẫu thuật, tôi có cần phục hồi chức năng?
7. Chế độ chăm sóc sau phẫu thuật để nhanh hồi phục?
8. Ung thư phổi có thể tái phát không? Làm sao để nhận biết?
9. Sau khi điều trị, tôi có cần tái khám định kỳ?
Nhờ có những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, tỷ lệ tử vong do ung thư phổi đã giảm đi đáng kể. Điều trị mang lại kết quả khả quan, hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Dù vậy, những ảnh hưởng mà bệnh nhân phải đối mặt vẫn còn rất lớn. Vì vậy, những đối tượng có nguy cơ cao nên tầm soát định kỳ để phát hiện sớm bệnh lý này.