Bệnh viêm phế quản phổi

Bệnh viêm phế quản phổi có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào, đặc biệt thường gặp nhất là ở trẻ em và người cao tuổi. Bệnh gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đời sống của bệnh nhân. Trường hợp viêm phế quản phổi biến chứng không được điều trị có nguy cơ đe dọa sự an toàn tính mạng người bệnh.

Tổng quan

Viêm phế quản phổi là một trong những bệnh lý nhiễm trùng phổi nhiều bệnh nhân đang mắc phải. Như các bạn đã biết, phế quản là bộ phận dẫn không khí đi đến phế nang hay còn gọi là nhu mô phổi. Các nhánh khí nhỏ từ phế quản được gọi là tiểu phế quản. Những phế nang kết hợp tiểu phế quản tạo nên phổi, hệ thống dẫn khí, lọc khí cho cơ thể.

Viêm phế quản phổi
Viêm phế quản phổi là bệnh lý đường hô hấp nhiều bệnh nhân gặp phải

Khi xảy ra tình trạng nhiễm trùng, chức năng của phế quản lẫn các phế nang bị ảnh hưởng. Viêm phế quản phổi hiện đang là bệnh đường hô hấp có tỷ lệ người mắc phải cao và không ngừng gia tăng. Tình trạng viêm khu trú tại các mảng xung quanh phế quản.

Hiện tượng này nếu không được kiểm soát sẽ làm ảnh hưởng đến một thùy hoặc nhiều thùy phổi cùng lúc. Chức năng trao đổi khí của phổi khi đó bị suy yếu, người bệnh gặp khó khăn trong vấn đề hô hấp. Trường hợp không kiểm soát, bệnh lý này có thể gây ra các ổ áp xe chứa dịch mủ bên trong nhu mô phổi.

Ngoài ra, khi nhiễm trùng lan rộng, các bộ phận xung quanh phổi cũng bị tác động. Nghiêm trọng hơn là nguy cơ xảy ra nhiễm trùng toàn thân, ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng của cơ thể. Những đối tượng mắc viêm phế quản phổi thường gặp nhất là trẻ em, đặc biệt là bé dưới 2 tuổi sức đề kháng còn yếu, và những bệnh nhân cao tuổi.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân gây viêm phế quản phổi rất đa dạng. Người bệnh có thể gặp vấn đề hô hấp do thời tiết, thói quen sinh hoạt, tính chất công việc, bệnh lý,... Đối tượng mắc bệnh thường gặp là trẻ em và người lớn tuổi như đã đề cập bên trên.

Theo thống kê, những trẻ em dưới 2 tuổi bị viêm phổi phế quản nói riêng hay các bệnh hô hấp khác không được điều trị đúng cách có khả năng gây tử vong cao. Ngoài ra, người lớn tuổi có sức khỏe kém, đang mắc bệnh nền khác mắc bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cũng rất nguy hiểm.

Các loại virus, vi khuẩn xâm nhập khiến đường hô hấp bị viêm nhiễm, tổn thương, ảnh hưởng đến chức năng phổi. Một số loại thường gặp kể đến như:

  • Proteus
  • Klebsiella Pneumoniae
  • Escherichia Coli
  • Pseudomanas
  • Haemophilus
  • Staphylococus Aureus

Đây là những tác nhân chính gây viêm nhiễm đường hô hấp. Ngoài ra, những yếu tố như môi trường, độ tuổi hay công việc,... cũng tác động khiến vi khuẩn, virus dễ dàng xâm nhập hơn vào cơ thể, chẳng hạn:

  • Tuổi tác càng cao, hệ miễn dịch và đề kháng càng yếu khiến người già dễ bị bệnh hơn người trẻ khỏe. Ngoài ra, những em bé dưới 2 tuổi có hệ hô hấp còn yếu cũng rất dễ bị tác nhân gây hại tấn công.
  • Người làm việc trong điều kiện môi trường có nhiều khói bụi, hóa chất độc hại làm nhóm đối tượng nguy cơ cao.
  • Chế độ sinh hoạt, ăn uống không lành mạnh, ngủ không đủ, lo lắng, stress,... cũng là các yếu tố gây suy giảm đề kháng, hệ miễn dịch của cơ thể dẫn đến việc tác nhân gây hại tấn công đường hô hấp, cơ thể không thể loại bỏ chúng hoàn toàn.
  • Người đang mắc bệnh về hệ miễn dịch, người sau phẫu thuật hoặc sử dụng thuốc tân dược gặp tác dụng phụ của thuốc,... là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm phế quản phổi.
  • Một số trường hợp viêm nhiễm do tác nhân thời tiết, độ ẩm thấp ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của cơ thể. Nếu không biết cách bảo vệ, chăm sóc và tăng sức đề kháng rất dễ mắc phải các bệnh lý như cảm cúm, ho,... Virus, vi khuẩn tấn công khiến hệ hô hấp viêm nhiễm, lâu dần có thể gây viêm phế quản phổi.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Viêm phế quản phổi gây ra các triệu chứng hô hấp tiến triển theo từng giai đoạn. Bệnh nhân thường chủ quan đối với biểu hiện ban đầu. Tuy nhiên, khi tình trạng viêm nhiễm ngày càng trở nên nặng nề, người bệnh không điều trị sẽ gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng hơn.

Do đó, trường hợp bạn phát hiện những dấu hiệu sau đây tái phát thường xuyên hay kéo dài hãy chủ động đến bệnh viện thăm khám sớm:

  • Cơn ho dai dẳng xuất hiện, ho liên tục đôi khi có lẫn đờm, dịch hoặc máu.
  • Cơ thể mệt mỏi, thở khó, thở gấp kèm theo tình trạng sốt, buồn nôn, nôn mửa.
  • Cơn đau tức ngực bắt đầu xuất hiện, người bệnh đau hơn khi ho hoặc cố gắng sức hít thở sâu.
  • Đổ nhiều mồ hôi, ớn lạnh kèm theo tình trạng rùng mình, đau cơ.
  • Mệt mỏi cơ thể, không có năng lượng.
  • Ăn uống không ngon miệng, vị giác kém.
  • Cơn đau đầu kèm theo chóng mặt, khi nặng hơn người bệnh trở nên lú lẫn, mất phương hướng.

Chẩn đoán

Bác sĩ thăm hỏi triệu chứng, theo dõi các biểu hiện trên cơ thể người bệnh, khai thác thông tin liên quan tiền sử bệnh lý bản thân và gia đình, công việc, thói quen hằng ngày,... nhằm hỗ trợ tìm ra nguyên nhân và bệnh lý cho người bệnh.

Chẩn đoán viêm phế quản phổi
Chẩn đoán viêm phế quản phổi và đưa ra phương pháp điều trị cho người bệnh

Ngoài ra, các xét nghiệm chuyên khoa hơn cũng được chỉ định để kết quả chẩn đoán được chính xác nhất. Một số xét nghiệm kể đến như:

  • Chụp X quang ngực: Phương pháp nhằm giúp bác sĩ phát hiện tình trạng tổn thương, viêm nhiễm ở phổi và các khu vực quanh phổi.
  • Chụp CT ngực: Đây cũng là biện pháp chẩn đoán bệnh viêm phế quản phổi được thực hiện phổ biến. Ngoài biết được hình ảnh phổi, đường hô hấp, qua kết quả bác sĩ cũng đưa ra được đánh giá chi tiết các vấn đề tại phổi.
  • Nội soi phế quản: Kiểm tra đường hô hấp rõ nét hơn, xác định viêm phế quản phổi, tình trạng tổn thương có xảy ra ở lòng phế quản hay không.
  • Xét nghiệm máu: Ngoài các chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm máu cũng cần được thực hiện để kiểm tra và xác định tác nhân gây hại có trong cơ thể. Tìm ra nguyên nhân gây viêm liên quan đến vi khuẩn hay virus để có phương án điều trị phù hợp nhất.
  • Cấy đờm: Người bệnh cũng có thể được chỉ định cấy dịch đờm cổ họng để kiểm tra tình trạng viêm nhiễm.
  • Các phương pháp khác: Đo oxy xung, khí máu động mạch,... được thực hiện giúp củng cố kết quả chẩn đoán, xác định chi tiết hơn tình hình sức khỏe của người bệnh.

Biến chứng và tiên lượng

Viêm phế quản phổi trường hợp kéo dài, không điều trị khiến tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng hơn. Các triệu chứng nặng dần, xuất hiện dấu hiệu biến chứng. Lúc này tổn thương có thể không phục hồi được, trường hợp xấu nhất có thể đe dọa đến sự an toàn tính mạng của người bệnh.

Những rủi ro có thể xảy ra khi bệnh viêm phế quản phổi biến chứng:

  • Suy hô hấp: Đây là tình trạng nặng của các vấn đề hô hấp kéo dài, không được xử lý đúng cách. Lượng oxy đi vào cơ thể không đáp ứng đủ nhu cầu của các cơ quan, người bệnh khó thở nặng hơn, khó thở ngay cả khi ngồi, nằm nghỉ ngơi. Bệnh nhân cần được đưa đi cấp cứu trong trường hợp suy hô hấp cấp với các triệu chứng nặng nề.
  • Nhiễm trùng huyết: Viêm nhiễm tại đường hô hấp có thể lan rộng, tác nhân gây hại vào máu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Lúc này tổn thương không chỉ xuất hiện tại phổi mà còn các cơ quan khác, nơi các vi khuẩn, virus lan rộng và tấn công.
  • Áp xe phổi: Biến chứng nguy hiểm tại phổi, dịch mủ có thể vỡ ra, lan rộng viêm nhiễm, trường hợp nặng nhất là khiến người bệnh tử vong.

Điều trị

Chỉ định điều trị viêm phế quản phổi theo tình hình sức khỏe của người bệnh. Chỉ định nhập viện cho những trường hợp:

  • Trẻ sơ sinh dưới 3 tuổi có các triệu chứng viêm phế quản phổi, viêm đường hô hấp.
  • Những đối tượng có sức khỏe kém, có các triệu chứng nguy cơ.
  • Đối tượng xuất hiện các biểu hiện nặng, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi.
  • Người bệnh có dấu hiệu mất nước, thở rút lõm lồng ngực, thở nhanh.

Phương pháp điều trị được xây dựng dựa trên kết quả chẩn đoán, mỗi người bệnh sẽ được hướng dẫn cách điều trị phù hợp, chi tiết khi thăm khám tại bệnh viện. Phác đồ cơ bản như sau:

Điều trị thể nhẹ: Bệnh nhân được chỉ định sử dụng dung dịch vệ sinh mũi, chăm sóc tại nhà, hạ sốt bằng thuốc hoặc các biện pháp phù hợp. Kết hợp ăn uống hợp lý, chia nhỏ bữa ăn hàng ngày, cung cấp đủ lượng nước cơ thể cần. Trường hợp theo dõi thấy triệu chứng không thuyên giảm cần nhập viện, sau 2 ngày điều trị thể bệnh nhẹ tại nhà tốt nhất nên tái khám để đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Điều trị
Điều trị viêm phế quản phổi theo phác đồ tương ứng mức độ viêm, tổn thương đường hô hấp

Điều trị thể trung bình: Đối tượng bệnh tiến triển dần với những triệu chứng phức tạp hơn, chỉ định thở oxy khi cần thiết:

  • Vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý, truyền dịch cho đối tượng bị mất nước.
  • Người bệnh ăn uống kém cần điều chỉnh bữa ăn, chia nhỏ bữa mỗi ngày.
  • Trường hợp cần thiết chỉ định nuôi ăn thông qua sone dạ dày. Đặc biệt là người thở gấp, thở nhanh, nôn nhiều lần, trẻ em, người gặp khó khăn khi nhai, nuốt.
  • Thở oxy duy trì cho bệnh nhi dưới 3 tháng tuổi, trẻ bị bão hòa oxy giảm bú, bão hòa oxy dưới 90-.
  • Thở khí dung Ventolin.
  • Dùng nước muối ưu trường nồng độ 3% cho bệnh nhân bị thở khò khè, không hiệu quả khi sử dụng thuốc.

Điều điều trị thể nặng: Bệnh nhân cần được cấp cứu và theo dõi tại bệnh viện:

  • Thở oxy kết hợp truyền dịch nếu người bệnh có dấu hiệu mất nước.
  • Khí dung Ventolin hoặc Salbutamol.
  • Dùng thuốc kháng sinh cho trường hợp bội nhiễm, thuốc corticoid cho người bị hen, suy hô hấp.
  • Phương pháp toan kiềm, đặt nội khí quản hoặc thở máy khi cần thiết.

Điều trị thể rất nặng: Điều trị tích cực tại bệnh viện:

  • Theo dõi mạch, nhịp thở,... các chỉ số cơ thể của người bệnh thường xuyên, chặt chẽ.
  • Tiến hành kiểm tra khí máu, truyền dịch.
  • Xem xét thở máy, thở CPAP, khí dung.

Thuốc kháng sinh được chỉ định sử dụng cho những trường hợp cần thiết, đặc biệt là các bệnh nhân có biểu hiện nhiễm trùng, xét nghiệm có vi khuẩn. Một số loại như Ampicilin, Amoxicilin, Ampicilin,... Theo dõi điều trị trong 7-10 ngày, trường hợp bệnh nhi cần xem xét liều dùng, loại thuốc phù hợp.

Bên cạnh điều trị, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh và người thân cách chăm sóc, vệ sinh đúng cách để giảm rủi ro viêm nhiễm đường hô hấp kéo dài. Kết hợp dự phòng, tiêm chủng để tránh các bệnh hô hấp khác ảnh hưởng gây tái phát viêm phế quản phổi.

Phòng ngừa

Bệnh viêm phế quản phổi xảy ra do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố. Bệnh có thể điều trị nếu bạn sớm phát hiện và can thiệp các biện pháp phù hợp. Tuy nhiên, nhiều người chủ quan khi bệnh gây các dấu hiệu ban đầu, nhầm lẫn và đưa ra những cách chữa trị không đúng, không hiệu quả.

Tình trạng viêm nhiễm dần lan rộng, tác nhân gây hại có thể xâm nhập đến các cơ quan khác gây ra biến chứng nặng nề hơn. Chính vì vậy, tốt nhất bạn nên khám và điều trị y tế khi nhận thấy biểu hiện bất thường tái phát thường xuyên hay diễn ra dai dẳng.

Phòng ngừa
Chủ động phòng bệnh, bảo vệ đường hô hấp và sức khỏe khỏe mạnh

Bên cạnh đó, chủ động chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh là lời khuyên hàng đầu của các chuyên gia. Một vài lưu ý:

  • Không sử dụng thuốc lá, tránh xa khói thuốc lá, hạn chế đến những nơi nhiều khói bụi, không khí ô nhiễm. Người làm việc tại môi trường không khí không đảm bảo cần sử dụng đồ bảo hộ, trang bị các kiến thức bảo vệ đường hô hấp và sức khỏe nói chung.
  • Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, sử dụng khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn để tránh vi khuẩn, virus xâm nhập, đặc biệt là những nơi đang có dịch bệnh.
  • Tiêm ngừa các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp đã có vắc xin, chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các bất thường từ sớm.
  • Điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý, tập thể dục, xây dựng những thói quen tốt để có sức khỏe dẻo dai, đề kháng tăng cường ngăn chặn sự xâm nhập của các hại khuẩn, virus,...
  • Điều trị bệnh lý đang mắc phải theo hướng dẫn, tránh lạm dụng thuốc tân dược. Chủ động giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Bệnh viêm phế quản phổi là gì?

2. Nguyên nhân gây viêm phế quản phổi?

3. Tôi nhận biết viêm phế quản phổi qua triệu chứng nào?

4. Tôi cần thực hiện xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh?

5. Trường hợp viêm phế quản phổi kéo dài có sao không?

6. Tôi cần dùng thuốc gì để điều trị viêm phế quản phổi?

7. Trong thời gian dùng thuốc tôi có thể gặp tác dụng phụ nào không?

8. Khi nào tôi cần nhập viện điều trị?

9. Bệnh viêm phế quản phổi có tái phát không?

10. Thời gian bao lâu tôi cần quay lại bệnh viện tái khám?

Bệnh viêm phế quản phổi gây ra các biểu hiện bất thường ở đường hô hấp. Nếu kéo dài, bệnh có khả năng phát sinh các biến chứng không mong muốn. Do đó, người bệnh nên chủ động thăm khám nếu phát hiện cơ thể có triệu chứng kéo dài, tái phát thường xuyên. Bệnh nhân tuân thủ theo phác đồ, điều trị tích cực kết hợp chăm sóc đúng cách đảm bảo an toàn sức khỏe và hiệu quả.