Bệnh Xẹp phổi Bibasilar
Xẹp phổi Bibasilar là một trong những bệnh lý về phổi ít gặp, thường ảnh hưởng đến những người đã trải qua cuộc phẫu thuật lớn có gây mê toàn thân. Đây là một dạng tổn thương nghiêm trọng của phổi, có thể biến chứng suy hô hấp và dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Các chọn lựa điều trị xẹp phổi Bibasilar hiệu quả nhất hiện nay là các kỹ thuật loại bỏ vật cản đường thở như bài tập thở sâu hoặc dùng thuốc.
Tổng quan
Xẹp phổi Bibasilar (Bibasilar Atelectasis) hay còn gọi là bệnh xẹp phổi hai đáy, được mô tả là tình trạng xẹp xuống hoàn toàn của hai lá phổi. Xảy ra khi các túi khí nhỏ (phế nang) trong phổi bị xì hơi và xẹp dần. Trường hợp xẹp hoàn toàn được còn được gọi là hiện tượng tràn khí màng phổi.
Tình trạng này thường ảnh hưởng đến những người đã từng trải qua cuộc đại phẫu thuật gây mê toàn thân. Ngoài ra, các yếu tố khác như khối u, tắc nghẽn, cục máu đông hoặc thay đổi áp suất bên trong phổi.
Xẹp phổi Bibasilar ít phổ biến hơn so với xẹp phổi bình thường. Các triệu chứng đặc trưng gồm ho đờm, khó thở... Bệnh cũng có thể để lại sẹo và dẫn đến sự suy giảm chức năng phổi về sau.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Đa số các trường hợp mắc bệnh xẹp phổi Bibasilar sau khi đã trải qua cuộc đại phẫu, có liên quan đến thủ thuật gây mê toàn thân. Ngoài ra, còn một loại các nhóm nguyên nhân có khả năng khởi phát tình trạng này gồm:
Nguyên nhân tắc nghẽn
Tình trạng xẹp phổi 2 đáy Bibasilar có thể khởi phát khi có thứ gì đó ngăn chặn đường thở của họ, ngăn không cho các nang phổi được lấp đầy đúng cách. Điều này có thể xảy ra do các yếu tố sau:
- Dị vật: Sự xuất hiện của bất kỳ dị vật lạ nào trong đường thở, có thể do hít phải hoặc nuốt nhầm đều khiến cho quá trình hô hấp bị cản trở, lâu ngày không được khắc phục có thể gây tình trạng xẹp phổi 2 đáy.
- Khối u: Các khối u lành tính hoặc ác tính hình thành trong đường thở có thể làm thu hẹp hoặc ngăn chặn hoàn toàn sự hoạt động của đường thở.
- Nút nhầy: Sau cuộc phẫu thuật phổi hoặc ngực, nhiều người thường có thói quen hạn chế ho vì cảm giác đau. Tuy nhiên, nếu không ho sẽ tạo điều kiện cho chất nhầy tích tụ trong phổi, gây ra tắc nghẽn đường thở. Một số trường hợp sau khi dẫn lưu chất dịch nhầy, chúng vẫn có thể tiếp tục tích tụ, thậm chí còn nhiều hơn và hình thành các nút nhầy cản trở đường thở, gây xẹp phổi 2 đáy.
- Đường thở bị thu hẹp: Những trường hợp bị nhiễm trùng mãn tính và hình sẹo trong đường thở. Sự hiện diện của chúng có thể làm hẹp đường thở và giảm lượng không khí đến các phế nang, nghiêm trọng hơn có thể gây xẹp phổi Bibasilar.
Nguyên nhân không tắc nghẽn
Thông thường, nguyên nhân không tắc nghẽn thường xuất phát từ những áp lực tác động lên phổi, khiến phổi hoạt động sai cách và khó được lấp đầy bởi không khí. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này như:
- Gây mê: Thuốc gây mê được sử dụng trong các cuộc đại phẫu được chứng minh có liên quan đến chứng xẹp phổi 2 đáy. Cơ chế khởi phát sau khi gây mê là thuốc sẽ tác động làm thay đổi kiểu thở của người bệnh. Hậu quả gây bất thường về quá trình trao đổi khí bình thường trong cơ thể. Những yếu tố này kết hợp có thể gây ra xẹp phế nang phổi.
- Tràn dịch màng phổi: Lượng chất lỏng dư thừa tích tụ trong khoang giữa phổi và ngực vô tình tạo áp lực cho phổi, khiến phổi xẹp xuống.
- Tràn khí màng phổi: Vì một lý do nào đó khiến không khí rò rỉ vào trong màng phổi vô tình tạo ra áp lực cho phổi, khiến nó phồng lên không hoàn toàn.
- Khối u: Những khối u phát triển ngoài phổi nhưng nằm gần phổi với kích thước lớn cũng có thể gây áp lực cho phổi, hậu quả làm xẹp thùy hoặc toàn bộ phổi.
- Chấn thương: Chấn thương có thể xảy ra do tai nạn xe hơi hoặc tai nạn lao động, va chạm khi chơi thể thao có thể gây khó thở dữ dội. Đồng thời, tạo áp lực cho phổi và khiến phổi dần xẹp xuống.
- Mô sẹo: Sẹo hình thành do nhiễm trùng nặng hoặc sau phẫu thuật có thể gây ra tổn thương phổi vĩnh viễn, kéo theo xẹp phổi.
- Tác dụng phụ của thuốc: Việc sử dụng quá liều một số loại thuốc như thuốc an thần hoặc thuốc phiện với số lượng lớn có thể làm tăng nguy cơ xẹp phổi.
Yếu tố nguy cơ
Ngoài những nguyên nhân trên, còn một số yếu tố làm tăng nguy cơ khởi phát bệnh xẹp phổi Bibasilar, chẳng hạn như:
- Mang thai;
- Thừa cân, béo phì;
- Hút thuốc lá;
- Nằm liệt giường trong thời gian dài;
- Tác dụng phụ của thuốc mê kéo dài;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Tương tự như xẹp phổi thông thường, bệnh xẹp phổi Bibasilar thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào trong giai đoạn đầu. Nhưng đến những giai đoạn đoạn sau, tổn thương tiến triển nặng, có thể gây ra các triệu chứng sau:
- Khó thở;
- Thở khò khè;
- Thở nông, hụt hơi;
- Ho dai dẳng, khan hoặc ho có đờm
Trong giai đoạn tiến triển nặng, các triệu chứng có thể phát triển nghiêm trọng hơn do nồng độ oxy trong máu giảm mạnh. Nếu bệnh không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể gây tụt huyết áp nghiêm trọng, rối loạn nhịp tim và sốc, dẫn đến tử vong.
Chẩn đoán
Khi nghi ngờ xẹp phổi, bác sĩ thường tiến hành kiểm tra sức khỏe thể chất, đánh giá các triệu chứng về hô hấp, hoạt động đường thở. Đồng thời, khai thác tiền sử bệnh để có những đánh giá tổng quan về tình trạng sức khỏe. Kết hợp khám lâm sàng bằng cách gõ nhẹ vào ngực để đánh giá vị trí xẹp phổi và khu vực khỏe mạnh.
Ngoài ra, để quan sát rõ về các tổn thương và xác nhận chẩn đoán, cần kết hợp thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng gồm:
- Chụp X quang ngực: Kỹ thuật này được xem là hình ảnh tiêu chuẩn giúp bác sĩ dễ dàng hình dung và đánh giá những tổn thương bất thường về ngực, phổi.
- Siêu âm: Đây cũng là một trong những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn giúp phát hiện các tổn thương trong mô phổi và đường thở, nhờ sử dụng nguồn sóng âm thanh phản xạ.
- Chụp cắt lớp vi tính CT Scan: Kỹ thuật này sử dụng tia X quang kết hợp công nghệ máy tính tạo ra hình ảnh chi tiết về cấu trúc phổi. Nhờ đó giúp phát hiện các vật cản nhỏ nằm cản trong đường thở.
- Nội soi phế quản: Đây cũng là kỹ thuật hình ảnh cho phép quan sát cấu trúc bên trong phổi, được thực hiện bằng cách luồn một ống nội soi mềm vào khí quản.
- Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET): Xét nghiệm hình ảnh này giúp phát hiện những thay đổi bất thường trong quá trình chuyển hóa tế bào, cho phép đánh giá ung thư phổi.
Biến chứng và tiên lượng
Sự phát triển của bệnh xẹp phổi Bibasilar hay còn gọi là xẹp phổi hai đáy được tiên lượng khác nhau tùy từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, bất kỳ bệnh nhân nào được chẩn đoán cũng cần phải được điều trị kịp càng sớm càng tốt. Theo thống kê, đa số những trường hợp điều trị sớm và đúng cách đều có tiên lượng tốt, cơ hội phục hồi cao mà không để lại bất kỳ biến chứng nghiêm trọng nào.
Ngược lại, nếu không điều trị có thể gây ra tổn thương nặng, nhất là khi không được cấp cứu kịp thời, chắc chắn sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm sau đây:
- Viêm phổi;
- Tăng nguy cơ suy hô hấp do thiếu oxy;
- Hình thành mô sẹo;
- Tử vong;
Do đó, trong bất cứ trường hợp nào, việc chẩn đoán sớm và điều trị y tế đúng cách đều đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi sức khỏe, đồng thời giúp ngăn ngừa biến chứng về sau.
Điều trị
Mục tiêu điều trị bệnh xẹp phổi Bibasilar là tái mở rộng phổi, phục hồi kích thước, cấu trúc và chức năng phổi bình thường, kiểm soát triệu chứng và giảm thiểu tối đa nguy cơ phát sinh biến chứng. Thông thường, phác đồ điều trị cần có sự kết hợp của nhiều phương pháp để đạt hiệu quả tốt nhất.
Điều trị không dùng thuốc
Đối với những trường hợp phát bệnh nhưng mức độ triệu chứng nhẹ và chưa biến chứng, bệnh nhân có thể áp dụng các biện pháp dưới đây:
- Bài tập hít thở: Các bài tập thở sâu vừa giúp phổi giãn căng hết mức có thể vừa giúp tăng lượng oxy vào phổi, cải thiện hiệu quả các triệu chứng khó chịu.
- Vỗ ngực: Kỹ thuật vỗ ngực được thực hiện bằng cách đập tay nhẹ nhàng vào ngực và lưng để làm loãng các chất dịch nhầy, tạo điều kiện để chúng dễ dàng thoát ra ngoài khi ho.
- Dẫn lưu tư thế: Kỹ thuật này liên quan đến việc nằm hoặc ngồi ở các vị trí khác nhau để di chuyển chất dịch nhầy ra khỏi phổi.
- Thiết bị áp suất: Loại thiết bị này sử dụng nguồn áp suất không khí nhẹ nhàng để chống lại hơi thở, giúp kích hoạt cơn ho kéo theo tống chất đờm nhầy ra ngoài.
- Hút đường thở: Sử dụng máy hút chân không hút hết chất nhầy để làm sạch phổi.
Điều trị bằng thuốc
Dùng thuốc nhằm hỗ trợ loại bỏ chất nhầy và cải thiện các triệu chứng liên quan. Các triệu chứng điển hình bao gồm:
- Thuốc giãn phế quản: Bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc dạng hít hoặc thuốc uống để mở rộng đường thở.
- Thuốc tiêu chất nhầy: Loại thuốc này giúp làm loãng, phá vỡ cấu trúc kết dính giúp dễ dàng đẩy chất nhầy ra khỏi đường thở.
Bệnh xẹp phổi Bibasilar thường không cần can thiệp phẫu thuật, bác sĩ thường ưu tiên đề nghị thực hiện các liệu pháp mở rộng phổi một cách tự nhiên. Hoặc đối với các vấn đề khiến phổi xẹp (chẳng hạn như khối u) sẽ được chỉ định điều trị dứt điểm bằng các phương pháp khác như xạ trị hoặc hóa trị.
Phòng ngừa
Để phòng ngừa bệnh xẹp phổi Bibasilar, bạn có thể thực hiện các biện pháp tích cực dưới đây:
- Sau phẫu thuật, đứng dậy đi lại nhẹ nhàng, áp dụng các bài tập thở và kết hợp sử dụng phế dung kế để duy trì đường thở ổn định.
- Cai thuốc lá và tránh xa những nơi có nhiều khói thuốc lá. Đồng thời, nói không với các chất kích thích có hại khác.
- Che chắn mũi họng, bảo vệ đường thở khỏi các tác nhân có hại, đặc biệt là bảo vệ trẻ em khỏi các đồ vật nhỏ để giảm nguy cơ hít phải.
Có thể bạn quan tâm: Bệnh xơ phổi: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tôi thường xuyên khó thở, thở hụt, đau tức ngực, ho là dấu hiệu của bệnh gì?
2. Nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh xẹp phổi Bibasilar là gì?
3. Tôi cần làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh xẹp phổi Bibasilar?
4. Bệnh xẹp phổi Bibasilar có nguy hiểm không? Có chữa khỏi được không?
5. Mắc bệnh xẹp phổi Bibasilar gây ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và cuộc sống của tôi?
6. Phương pháp điều trị bệnh xẹp phổi Bibasilar tốt nhất dành cho trường hợp của tôi?
7. Bị xẹp phổi Bibasilar có cần phải phẫu thuật không?
8. Quá trình điều trị mất bao lâu thì khỏi?
9. Chi phí điều trị tốn bao nhiêu? Có dùng thẻ BHYT được không?
10. Tôi cần làm gì để phòng ngừa tái phát bệnh sau khi đã trị khỏi?
Bệnh xẹp phổi Bibasilar gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của người bệnh, nhất là khi không điều trị kịp thời. Do đó, khuyến cáo người bệnh ngay khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cần nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và tư vấn hướng điều trị tốt nhất, hạn chế tối đa các biến chứng khó lường về sau.