Hội chứng suy hô hấp cấp

Hội chứng suy hô hấp cấp có thể gây ra các biến chứng tổn thương phổi, rối loạn nhịp tim và nhiều vấn đề khác có nguy cơ đe dọa tính mạng người bệnh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy hô hấp. Bệnh nhân cần sớm thăm khám và điều trị để bảo đảm an toàn sức khỏe.

Tổng quan

Hội chứng suy hô hấp (Respiratory Failure) là một trong những bệnh lý đường hô hấp nguy hiểm. Người bệnh không nhận đủ oxy khiến cho cơ thể mệt mỏi, suy giảm chức năng của các cơ quan trong cơ thể. Một số trường hợp suy hô hấp có liên quan đến bệnh về phổi, sự tích tụ các chất độc, bụi ở phổi dẫn đến tổn thương mô tế bào.

Suy hô hấp cấp
Hội chứng suy hô hấp cấp nguy hiểm, nếu không điều trị gây ra biến chứng nặng nề cho người bệnh

Hội chứng suy hô hấp cấp là tình trạng nặng, có tốc độ khởi phát nhanh ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người bệnh. Sự gián đoạn trao đổi O2, CO2 khiến bệnh nhân khó thở, xanh xao, vã nhiều mồ hôi. Cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, tránh tình trạng thiếu oxy nghiêm trọng dẫn đến tử vong.

Theo thống kê tỷ lệ người bị suy hô hấp cấp ngày càng gia tăng. Các chuyên gia không ngừng đưa ra các cảnh báo về việc phòng ngừa và điều trị kịp thời những vấn đề nguy cơ gây suy hô hấp cấp. Bởi các biến chứng của bệnh khá nguy hiểm, trường hợp nặng nhất không còn cơ hội cứu chữa.

Phân loại

Hội chứng suy hô hấp cấp được phân thành 4 loại dựa trên tình trạng, mức độ bệnh lý. Cụ thể:

  • Suy hô hấp cấp loại 1: Thiếu oxy do quá trình trao đổi khí tại phổi bị rối loạn. Đối với loại này, bệnh nhân thường gặp tình trạng suy hô hấp do bị tổn thương phổi, có dấu hiệu sưng phù phổi, kiểm tra nồng độ oxy trong máu người bệnh tụt thấp.
  • Suy hô hấp cấp loại 2: Phổi không đào thải CO2 như bình thường, độc tố tích tụ trong phổi khiến người bệnh bị suy hô hấp. Thường gặp ở những bệnh nhân có thói quen hút thuốc lá, hít phải độc tố, bụi bẩn trong thời gian dài dẫn đến tắc nghẽn phổi mãn tính.
  • Suy hô hấp cấp loại 3: Xảy ra ở những bệnh nhân sau phẫu thuật bị ảnh hưởng đường ống dẫn khí. Một số trường hợp khác bị suy hô hấp cấp loại 3 do chấn thương phổi, phẫu thuật dạ dày,...
  • Suy hô hấp cấp loại 4: Đây là hiện tượng xảy ra khi bệnh nhân bị bệnh nghiêm trọng hoặc gặp phải các chấn thương nặng. Cơ thể mất nhiều máu khiến lượng O2 sụt giảm nhanh chóng do cơ thể không thể tự cung cấp.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Có rất nhiều nguyên nhân gây suy hô hấp cấp. Theo đó, các chuyên gia xác định nhóm nguyên nhân chính gồm các vấn đề tại phổi và bên ngoài phổi. Cụ thể như sau:

Nguyên nhân tại phổi:

  • Suy hô hấp cấp liên quan đến các nhiễm trùng xảy ra tại phổi do vi khuẩn, virus. Chẳng hạn viêm phổi do phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn hay viêm nhiễm do virus H5N1, Sars,...
  • Tình trạng phù phổi xảy ra do bệnh tim, ảnh hưởng bởi các tổn thương tại phổi cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hô hấp kém, thiếu hụt Oxy.
  • Người bị hen phế quản cũng có khả năng bị suy hô hấp cấp nếu không được điều trị đúng cách.
  • Trường hợp tắc nghẽn phế quản dẫn đến suy hô hấp. Phế quản xuất hiện dị vật, có khối u,...
  • Bên cạnh các nguyên nhân trên, hiện tượng suy hô hấp cấp có thể đến từ tình trạng tràn khí màng phổi, tắc nghẽn động mạch tại phổi,...

Nguyên nhân ngoài phổi:

Ngoài các yếu tố tại phổi dẫn đến suy hô hấp cấp. Người bệnh còn có khả năng bị suy hô hấp do chịu ảnh hưởng từ các yếu tố ngoài phổi kể đến như:

  • Liên quan đến tình trạng tắc nghẽn thanh quản và khí quản.
  • Hiện tượng tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi do áp xe vỡ, lao phổi.
  • Các chấn thương xảy ra ở đường hô hấp, vùng ngực, tổn thương thần kinh,...

Các yếu tố nguy cơ khác:

  • Trẻ em là đối tượng có khả năng bị suy hô hấp. Đặc biệt những em bé mới sinh, sinh thiếu tháng có hệ hô hấp chưa hoàn thiện. Một số vấn đề về phổi như dị tật bẩm sinh, tổn thương phổi,... khiến trẻ có khả năng bị suy hô hấp cấp.
  • Những đối tượng trên 65 tuổi cũng nằm trong diện có khả năng mắc phải hội chứng về hô hấp này. Nhất là khi cơ thể đang yếu, bị suy giảm đề kháng, nhiễm trùng, có tổn thương hoặc mắc phải các bệnh lý nền khác.
  • Ngoài ra, những trường hợp làm việc trong môi trường nhiều hóa chất, khói bụi cũng có nguy cơ mắc bệnh phổi. Người nghiện rượu, thuốc lá nếu không điều chỉnh lâu ngày gặp phải các tổn thương phổi gây suy hô hấp cấp.

    Nguyên nhân gây suy hô hấp cấp
    Có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây suy hô hấp cấp tính

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Các triệu chứng suy hô hấp cấp diễn biến theo các giai đoạn từ 1 đến 4, cụ thể:

  • Giai đoạn 1: Tình trạng khó thở xuất hiện khi người bệnh cố gắng sức thở, trong khi nằm lồng ngực có thẻ di động được. Tần số thở đo được 25-30 lần/phút khi gắng sức. Cơ thể tím tái, mạch đập 90-100 lần/phút, huyết áp bình thường, không xảy ra tình trạng rối loạn ý thức.
  • Giai đoạn 2: Khó thở liên tục, vấn đề di động lồng ngực trở nên khó khăn. Tần số thở đo được tương tự như giai đoạn 1. Môi, đầu ngón tay, ngón chân có biểu hiện tím tái. Đo mạch đập 100-110 lần/phút, huyết áp bình thường, không rối loạn ý thức.
  • Giai đoạn 3: Người bệnh bị khó thở liên tục, lồng ngực không di động, cơ hô hấp vẫn hoạt động mạnh. Tần số thở đo được 30-40 lần/phút. Phần môi, mặt, đầu ngón tay chân bị tím. Mạch đập 110-120 lần/phút, đo huyết áp tăng cao, người bệnh có biểu hiện vật vã.
  • Giai đoạn 4: Người bệnh khó thở nặng, kèm theo tình trạng rối loạn hô hấp, cơ hô hấp hoạt động duy trì với tình trạng yếu. Tần số thở đo được không cố định, đôi khi trên 40 lần/phút, đôi khi thấp hơn 10 lần/phút. Toàn thân tím tái, mạch đập nhanh hơn 120 lần/phút, huyết áp cao rồi thấp, bệnh nhân lơ mơ, hôn mê.

Chẩn đoán

Bác sĩ dựa trên các biểu hiện lâm sàng và các thông tin về tiền sử bệnh lý để chỉ định các phương pháp kiểm tra, chẩn đoán bệnh. Các xét nghiệm được thực hiện mục đích xác định chính xác mức độ suy hô hấp cấp, phân biệt bệnh lý và giúp bác sĩ đưa ra được phương án điều trị phù hợp:

  • Xét nghiệm công thức máu
  • Xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm dịch đờm
  • Nội soi phế quản
  • Chụp X quang ngực, chụp CT, MRI
  • Điện tâm đồ
  • Siêu âm phổi
  • Sinh thiết phổi
  • Xét nghiệm khí máu động mạch

Biến chứng và tiên lượng

Hội chứng suy hô hấp nói chung, suy hô hấp cấp nói riêng khi tiến triển nặng không điều trị sẽ gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe người bệnh. Không chỉ gây tổn thương tại phổi, bệnh còn ảnh hưởng đến các cơ quan khác. Trường hợp nặng nhất người bệnh có thể tử vong nhanh chóng khi cơ thể không đủ O2.

Các biến chứng không mong muốn có thể xảy ra như:

  • Biến chứng ở tim: Phổi bị viêm nhiễm, tổn thương khiến cơ thể thiếu hụt oxy, ngoài ra còn có nguy cơ gây biến chứng nhiễm trùng máu, ứ động không khí quanh tim. Đây là nguyên nhân gây huyết khối cơ thể và tụt đường huyết, huyết áp nhanh.
  • Biến chứng ở phổi: Bệnh nhân bị suy hô hấp cấp nghiêm trọng có thể bị tích tụ khí ở quanh phổi, viêm nhiễm nặng, chảy máu phổi và nhiều tình trạng nguy hiểm khác.
  • Biến chứng ở não: Tình trạng thở khó khiến lượng oxy cung cấp cho não bộ thiếu hụt trầm trọng. Người bệnh khi đó có thể bị biến chứng tại não như xuất huyết, giảm thị lực, ý thức rối loạn, chậm phát triển ở trẻ em.
  • Biến chứng khác: Ngoài các trường hợp kể trên, hội chứng suy hô hấp cấp diễn biến nặng còn kéo theo nhiều hệ lụy sức khỏe khác. Bệnh nhân thậm chí có thể tử vong khi cơn suy hô hấp cấp xuất hiện đột ngột, diễn biến nhanh.

    Biến chứng suy hô hấp cấp
    Bệnh nhân có thể gặp phải biến chứng suy hô hấp nặng, ảnh hưởng sức khỏe, đe dọa tính mạng

Điều trị

Dựa trên kết quả chẩn đoán, tình hình sức khỏe của người bệnh chỉ định phác đồ tương ứng. Nguyên tắc điều trị bao gồm điều trị cấp cứu, điều trị nguyên nhân và điều trị biến chứng. Cụ thể từng phác đồ sẽ được bác sĩ hướng dẫn khi khám chữa bệnh tại cơ sở y tế.

Dưới đây là phác đồ tham khảo, mỗi trường hợp sẽ có biện pháp can thiệp riêng, phù hợp:

Xử lý ban đầu:

  • Đối tượng khó thở do xuất hiện dị vật trong cổ họng, đường thở cần khai thông. Loại bỏ dị vật, tiến hành hút đờm dãi.
  • Đặt bệnh nhân tư thế nằm kê đầu cao, đẩy trán nâng cằm, nâng hàm. Nằm ở tư thế nghiêng đảm bảo an toàn nếu trường hợp bệnh nhân có nguy cơ bị sặc. Song song thực hiện các giải pháp chống tụt lưỡi.
  • Bóp bóng mặt nạ cung cấp oxy tại chỗ cho người bệnh, tiếp đến đặt nội khí quản, đường truyền tĩnh mạch ngoại biện.

Xử lý cấp cứu:

  • Nội soi loại bỏ dị vật khai thông đường thở, mở màng phổi bằng ống lớn. Dịch khí tích tụ được loại bỏ ra ngoài bằng áp lực âm.
  • Chỉ định đặt nội khí quản cho bệnh nhân tắc nghẽn đường hô hấp trên nặng, không có phản xạ bảo vệ đường thở, những đối tượng khó thở do đờm nhớt nhiều, thiếu oxy máu nghiêm trọng.
  • Những đối tượng bị giảm thông khí, liệt cơ hoành hoặc mệt cơ hành, thiếu oxy máu,... được áp dụng các giải pháp kiểm soát thông khí phù hợp với hiện trạng sức khỏe.

Điều trị cấp cứu:

Sử dụng các dụng cụ thở Canuyn mũi, mặt nạ oxy, mặt nạ không thở lại, mặt nạ venturi.

  • Thở áp lực dương liên tục: Thở NCPAP thông qua đường mũi, áp lực giai đoạn đầu từ 5 đến 6cm H2O, 40% đến 60% Fio2, sau đó tăng áp lực lên mức tối đa 10cm H2O và 80% đến 100% FiO2. Chống chỉ định trường hợp ngừng thở, rối loạn huyết động ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim, tụt huyết áp, đờm dãi nhiều, vật vả.
  • Thở máy: Chỉ định cho trường hợp thở NCPAP không hiệu quả, tình trạng suy hô hấp nặng có sốc, suy đa tạng.

Điều trị nguyên nhân:

  • Sử dụng thuốc giãn phế quản cho bệnh nhân suy hô hấp cấp có liên quan đến tình trạng hen phế quản, COPD. Ưu tiên sử dụng khí dung, đối với trường hợp không đáp ứng chuyển sang đường truyền tĩnh mạch.
  • Thuốc Corticoid do đợt suy hô hấp cấp liên quan hen phế quản.
  • Thuốc kháng sinh cho những bệnh nhân có xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng, viêm phổi, nhiễm khuẩn.
  • Thuốc lợi tiểu giảm phù phổi cấp huyết động, giảm hiện tượng suy tim ứ huyết.
  • Chọc dẫn lưu dịch nếu bệnh nhân bị suy hô hấp liên quan đến tràn dịch màng phổi.
  • Dùng huyết tương thay thế trong trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh tự miễn, nhược cơ,...
  • Các biện pháp ngoại khoa được sử dụng cho bệnh nhân bị chấn thương, tai nạn ảnh hưởng đến hệ hô hấp.

Phòng ngừa

Hội chứng suy hô hấp cấp có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh nhân cần được cấp cứu và chăm sóc đúng cách. Các chuyên gia đưa ra lời cảnh báo về căn bệnh hô hấp này cùng với các lời khuyên phòng tránh hiệu quả.

Mặc dù trên thực tế khó có thể dự phòng 100% bệnh suy hô hấp cấp hay các vấn đề hô hấp nói chung, tuy nhiên mỗi người nên chủ động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe để tránh các rủi ro không mong muốn. Các lưu ý:

Phòng ngừa suy hô hấp cấp
Khám sức khỏe tổng quát định kỳ, kiểm tra chức năng hô hấp phòng ngừa nguy cơ suy hô hấp

  • Duy trì thói quen sống khoa học, lành mạnh với việc ăn uống đủ chất, đảm bảo giấc ngủ đủ, hạn chế thức khuya, stress, căng thẳng.
  • Loại bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng chất kích thích,...
  • Xây dựng thói quen tập thể dục, vận động, kiểm soát cân nặng.
  • Khám sức khỏe định kỳ, người mắc bệnh nên điều trị nghiêm túc theo phác đồ y tế được hướng dẫn.
  • Tránh tình trạng lạm dụng thuốc tân dược, sử dụng thuốc bừa bãi để giảm nguy cơ gặp tác dụng phụ.
  • Nhanh chóng điều trị và xử lý các vấn đề liên quan đến chấn thương, tổn thương vùng mềm, vùng ngực, hầu họng,... Bảo vệ sức khỏe tránh mắc bệnh thời tiết, bệnh cảm cúm, nhiễm khuẩn.

Những câu hỏi quan trọng khi khám

1. Hội chứng suy hô hấp cấp là gì?

2. Nguyên nhân gây suy hô hấp cấp tôi gặp phải là gì?

3. Những triệu chứng nào cho thấy tôi bị suy hô hấp cấp?

4. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán suy hô hấp cấp nào?

5. Tôi cần dùng thuốc gì để chữa suy hô hấp cấp?

6. Trường hợp suy hô hấp cấp biến chứng nguy hiểm thế nào?

7. Khi nào phải đặt nội khí quản?

8. Trong thời gian điều trị suy hô hấp cấp tôi cần kiêng gì?

9. Tôi phải làm gì để bệnh suy hô hấp cấp mau khỏi?

10. Thời gian nào tôi cần trở lại tái khám sau điều trị?

Hội chứng suy hô hấp cấp có thể gây ra các biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người bệnh. Do đó, khi nhận thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường, tốt nhất người bệnh nên thông báo với người thân và di chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ càng sớm càng tốt.