Bệnh bụi phổi
Bệnh bụi phổi là tên gọi của hiện tượng phổi hít phải nhiều loại bụi, xảy ra ở người có công việc làm ở môi trường không đảm bảo. Người ta còn gọi chứng bệnh này là bệnh phổi nghề nghiệp. Nếu bệnh kéo dài không được khắc phục, bệnh nhân có thể gặp phải nhiều vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe.
Tổng quan
Bệnh bụi phổi (Pneumoconiosis) là bệnh lý phổi mô kẽ thường gặp ở những người làm việc trong môi trường có quá nhiều loại bụi. Người bệnh hít phải một lượng lớn khói bụi lâu dần khiến phổi bị tổn thương và gây ra nhiều triệu chứng, biến chứng nguy hiểm.
Ngoài tên gọi là bệnh bụi phổi, người ta còn gọi bệnh lý này là "bệnh phổi nghề nghiệp" do đa số các trường hợp mắc bệnh đều liên quan đến nghề nghiệp. Giai đoạn đầu, cơ thể tiếp xúc với nhiều khói bụi vẫn chưa có dấu hiệu của bệnh. Khi bụi phổi tích tụ lâu ngày sẽ gây tổn thương phổi, các triệu chứng dần rõ ràng hơn.
Trong một thời gian dài phổi không đào thải được lượng khói bụi cơ thể hít vào khiến cho mô phổi bị viêm, hình thành sẹo. Bên cạnh đó, bụi phổi còn có khả năng gây tổn thương đến mạch máu, túi khí bên trong phổi. Điều này dẫn đến việc hô hấp của bệnh nhân khó hơn, cần phát hiện bệnh sớm để xử lý bảo vệ sức khỏe.
Phân loại
Bệnh bụi phổi có thể xuất hiện với nhiều dạng khác nhau, phân theo loại bụi mà người bệnh hít vào tích tụ ở phổi. Những dạng bệnh bụi phổi thường gặp nhất kể đến như:
- Bụi phổi Amiăng: Người bệnh hít phải sợi Amiăng, một loại hợp chất được sử dụng trong ngành vật liệu. Thời gian tồn tại của sợi Amiăng trong phổi lâu, tích tụ càng nhiều khiến phổi bị tổn thương. Triệu chứng bùng phát từ 5-20 năm kể từ khi người bệnh tiếp xúc với hợp chất độc hại này.
- Bụi phổi Silic: Người bệnh hít phải lượng bụi có chứa Silic trong thời gian dài, phổi không đào thải được dẫn đến tổn thương phổi. Người bệnh bị khó thở, suy giảm hô hấp có thể gây tử vong nếu bụi phổi tiến tích tụ quá nhiều.
- Bụi phổi than: Người bệnh làm việc trong môi trường có nhiều bụi than như công nhân hầm mỏ, trong thời gian dài khiến phổi chứa nhiều bụi than. Đây là bệnh phổi nghề nghiệp nhiều người mắc phải.
Ngoài những dạng bệnh bụi phổi kể trên, tùy theo nguyên nhân, loại bụi tích tụ trong phổi, tính chất công việc của người bệnh mà phân chia bệnh lý theo nhóm nhỏ. Việc phân loại này cũng giúp bác sĩ xác định tác nhân gây hại và có hướng xử lý, điều trị cho người bệnh.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Như đã đề cập, bệnh bụi phổi là một căn bệnh nghề nghiệp, nằm trong nhóm bệnh phổi mô kẽ. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là từ việc người bệnh hít phải các loại bụi thường xuyên, thời gian dài dẫn đến tổn thương mô phổi, hình thành sẹo.
Những đối tượng có thời gian tiếp xúc khói bụi lâu, thường xuyên nằm trong nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh bụi phổi. Chẳng hạn như thợ sửa ống nước, công nhân xây dựng, thợ mỏ, công nhân dệt may,...
Do đó người ta hay gọi bệnh lý này là bệnh phổi nghề nghiệp. Những loại bụi, khói có thể gây hại cho cơ thể con người khi tiếp xúc thường xuyên kể đến như bụi than đá, bụi bông, silic, bụi oxit nhôm, coban, bụi amiăng, berylium,...
Khi cơ thể tiếp xúc với lượng bụi lớn, tích tụ trong phổi, hệ thống miễn dịch sẽ bị kích thích và tấn công nhằm loại bỏ khói bụi, hóa chất ra khỏi cơ thể. Hệ lụy của quá trình đào thải khói bụi trong phổi sẽ ảnh hưởng đến mô phổi, gây viêm nhiễm, hình thành mô sẹo.
Mô sẹo không có độ co giãn như các mô phổi khỏe mạnh bình thường khiến bệnh nhân cảm thấy khó khăn hơn trong việc hít thở. Đây là nguyên nhân và là quá trình gây bệnh bụi phổi. Bệnh nhân cần được thăm khám, điều trị sớm để ngăn ngừa rủi ro biến chứng gây hại sức khỏe nghiêm trọng.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Bụi phổi tích tụ trong thời gian dài làm tổn thương phổi, hình thành mô sẹo. Thông thường người bệnh tiếp xúc với lượng bụi lớn, trong thời gian dài từ 5-20 năm mới bùng phát các triệu chứng bất thường. Có rất nhiều trường hợp sau khi nghỉ làm ở môi trường khói bụi một thời gian mới bùng phát các triệu chứng của bệnh.
Giai đoạn bệnh đã có nhiều dấu hiệu nhận biết cũng đồng nghĩa với việc phổi đã bị tổn thương nặng. Các biểu hiện của bệnh kể đến như:
- Người bệnh bị khó thở, hụt hơi.
- Tình trạng khó thở nặng hơn khi đi bộ, leo cầu thang hay vận động trong một khoảng thời gian ngắn.
- Đối với người bị bệnh nặng còn cảm nhận rõ hiện tượng thở khó ngay khi ngồi, nằm nghỉ ngơi.
- Cơn ho xuất hiện thường xuyên, đôi khi ho ra đờm nhớt.
- Ngực nặng, tức khó chịu.
Nhiều người nhầm lẫn các biểu hiện kể trên với bệnh lý đường hô hấp thông thường khác. Điều này dễ dẫn đến việc điều trị sai cách, chậm trễ điều trị làm tình trạng viêm nhiễm phổi trở nên nặng nề, nguy cơ biến chứng cao.
Chẩn đoán
Những người làm việc trong môi trường nhiều khói bụi cần định kỳ kiểm tra sức khỏe. Các biện pháp xét nghiệm chẩn đoán bệnh bụi phổi gồm:
- Chụp X quang phổi
- Đo chức năng hô hấp
- Chụp CT Scan
Bác sĩ cũng sẽ thăm hỏi các vấn đề liên quan gồm triệu chứng, tiền sử bệnh lý, môi trường làm việc,... để xác định tình hình sức khỏe và đưa ra hướng giải quyết cho người bệnh.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh bụi phổi là bệnh phổi nguy hiểm, đặc biệt là khi bệnh nhân chủ quan không điều trị đúng cách. Các tổn thương phổi trở nên nặng nề, viêm nhiễm lan rộng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tổng thể, thậm chí còn có khả năng đe dọa tính mạnh người bệnh.
Những biến chứng bệnh lý này gây ra kể đến như:
- Nguy cơ viêm phế quản mãn tính do bụi phổi tích tụ gây viêm nhiễm kéo dài.
- Dẫn đến hiện tượng suy hô hấp, người bệnh khó thở, sức khỏe kém, ảnh hưởng công việc và đời sống.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, bệnh lao phổi cho người bệnh.
- Một số trường hợp gặp phải vấn đề về tim do ảnh hưởng từ bệnh bụi phổi.
Đây là những rủi ro bệnh nhân có thể gặp phải. Nếu phát hiện và sớm điều trị, bệnh có thể được kiểm soát. Tuy nhiên trường hợp bệnh nhân tiếp tục làm việc trong môi trường khói bụi, không chăm sóc và phòng ngừa tốt, bệnh vẫn có khả năng tái phát ảnh hưởng đời sống, sức khỏe.
Điều trị
Cho đến nay việc điều trị dứt điểm bệnh bụi phổi vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bởi bệnh lý có liên quan đến tính chất công việc, do đó các giải pháp đưa ra có tác dụng kiểm soát triệu chứng, giảm thiểu nguy cơ biến chứng cho bệnh nhân.
Dựa vào kết quả chẩn đoán, mức độ viêm nhiễm phổi của bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên tốt nhất. Người bệnh có thể được khuyên nên chuyển sang một công việc phù hợp hơn để quá trình điều trị đạt kết quả tốt, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người bệnh.
Tùy từng dạng bụi phổi phương pháp điều trị được áp dụng phù hợp. Một số cách kể đến như:
- Sử dụng thuốc: Người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc giúp giãn phế quản, thuốc corticosteroid,... Mục đích chính giúp người bệnh dễ thở hơn, khắc phục triệu chứng do bệnh bụi phổi gây ra, đồng thời giảm viêm, ngăn biến chứng tổn thương phổi nghiêm trọng. Mỗi trường hợp sẽ có liều dùng thuốc riêng biệt, bệnh nhân cần tuân thủ theo phác đồ để đảm bảo hiệu quả và an toàn.
- Liệu pháp oxy: Chỉ định cho bệnh nhân nặng kịp thời cung cấp oxy cho người bệnh. Oxy được cung cấp bằng 3 cách là dùng ống thông mũi, sử dụng mặt nạ thở oxy hoặc lều oxy. Nồng độ oxy sử dụng dựa trên tình trạng thiếu oxy của mỗi bệnh nhân. Người bệnh cũng có thể được cân nhắc thở máy trong trường hợp cần thiết.
- Phương pháp rửa phổi toàn bộ: Rửa toàn bộ phế quản phế nang trong trường hợp bệnh nhân bị bụi phổi nặng. Lượng bụi tích tụ trong phổi được làm sạch, khai thông đường thở, giúp người bệnh duy trì chức năng phổi. Biện pháp này còn giúp giảm nguy cơ bệnh biến chứng, xơ hóa phổi, và nhiều rủi ro khác. Đây là biện pháp điều trị phổ biến hiện nay mang lại hiệu quả điều trị cao.
- Chăm sóc, phòng ngừa tại nhà: Bên cạnh việc điều trị y tế, bệnh nhân còn được bác sĩ chỉ định thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà, giúp bệnh sớm cải thiện. Đặc biệt, người bệnh nên tránh tiếp xúc với khói bụi như khói thuốc lá, khói đốt rác,... Trong thời gian điều trị bụi phổi nên nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống đều độ để tăng cường đề kháng.
Phòng ngừa
Bệnh bụi phổi hay còn gọi là bệnh phổi nghề nghiệp thuộc nhóm bệnh phổi mô kẽ. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hại sức khỏe, đe dọa tính mạng của người bệnh nếu không được xử lý kịp thời. Khói bụi độc hại tích tụ trong phổi khiến mô phổi viêm nhiễm, tổn thương và hình thành mô sẹo.
Việc phòng bệnh được các chuyên gia khuyến cáo, đặc biệt đối với các trường hợp người làm trong môi trường có nhiều bụi như công nhân xây dựng, thợ mỏ, công nhân may dệt,... Những lưu ý giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh bụi phổi bao gồm:
- Tuân thủ các quy định về việc bảo hộ lao động, đeo khẩu trang, mặt nạ phòng khí độc,... Tự trang bị những vật dụng cần thiết để giảm lượng bụi, khói hoặc hóa chất ảnh hưởng đến hệ hô hấp.
- Đối với các chủ doanh nghiệp nên định kỳ kiểm tra, trang bị đồ bảo hộ lao động cho công nhân, sử dụng hệ thống lọc khí, che đậy máy móc và những công việc cần thiết để đảm bảo an toàn lao động.
- Người làm việc trong môi trường có nhiều bụi nên định kỳ kiểm tra sức khỏe, nhất là kiểm tra phổi để kịp thời phát hiện các bất thường, can thiệp xử lý sớm bảo vệ sức khỏe.
- Nâng cao đề kháng cơ thể bằng việc bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế việc hút thuốc, uống rượu bia, không sử dụng các chất kích thích,...
Có thể bạn quan tâm: Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là gì? Cách điều trị
Những câu hỏi quan trọng khi khám
1. Bệnh bụi phổi là bệnh gì?
2. Tôi có thể phát hiện bệnh bụi phổi qua triệu chứng nào?
3. Nguyên nhân gây bệnh bụi phổi là gì?
4. Tôi cần thực hiện xét nghiệm chẩn đoán nào?
5. Tôi có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh bụi phổi không?
6. Sử dụng thuốc nào để điều trị bệnh bụi phổi?
7. Khi nào tôi phải rửa phổi để điều trị bụi phổi?
8. Tôi có gặp rủi ro nào khi rửa phổi toàn bộ không?
9. Bệnh bụi phổi có tái phát sau điều trị không?
10. Tôi có cần đến bệnh viện tái khám định kỳ không?
Bệnh bụi phổi là một trong những bệnh lý đường hô hấp liên quan đến yếu tố nghề nghiệp. Khói bụi tích tụ trong phổi thời gian dài khi người bệnh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm có thể gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe. Do đó, bệnh nhân nên sớm thăm khám và điều trị để bảo đảm an toàn sức khỏe và tính mạng.