Bệnh Xẹp phổi

Xẹp phổi là tình trạng xẹp một hoặc nhiều phế nang của phổi do các nguyên nhân tắc nghẽn như phẫu thuật gây mê hoặc chấn thương. Tình trạng này được cảnh báo là một trong những biến chứng của các vấn đề hô hấp, tổn thương phổi khác như xơ nang, khối u, suy hô hấp nguy hiểm. Chọn lựa điều trị xẹp phổi hiệu quả nhất hiện nay kết hợp giữa các phương pháp như dùng thuốc, vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật. 

Tổng quan

Xẹp phổi (Atelectasis) là tình trạng một phần hoặc toàn bộ phổi bị xẹp, không thể phồng lên đúng cách. Điều này khiến cho máu, các mô và cơ quan trong cơ thể không nhận đủ lượng oxy cần thiết.

Xẹp phổi xảy ra khi các một hoặc nhiều phế nang trong phổi bị xẹp xuống làm giảm thể tích phổi

Có nhiều nguyên nhân gây xẹp phổi, nhưng phổ biến nhất là ở những bệnh nhân đã từng phẫu thuật gây mê. Ngoài ra, các yếu tố liên quan khác như mắc các bệnh về phổi, sử dụng máy thở hoặc hút thuốc lá. Khác với tràn khí mạng phổi, xẹp phổi là tình trạng các phế nang trong phổi bị xẹp xuống, chứ không phải do không khí tràn vào xung quanh phổi tạo áp lực nén khiến nó xẹp xuống.

Xẹp phổi được cảnh báo là một trong những biến chứng nghiêm trọng sau phẫu thuật gây mê tổng quát. Tùy theo mức độ tổn thương, vị trí tổn thương ở 1 hay 2 bên phổi mà tiên lượng bệnh cũng như cách điều trị sẽ khác nhau.

Phân loại

Bệnh xẹp phổi được chia làm 3 dạng chính dựa vào nguyên nhân gây ra, bao gồm:

  • Xẹp phổi do nén: Điều này xảy ra khi có thứ gì đó nằm xung quanh phổi, chẳng hạn như không khí, chất lỏng, khối u hoặc máu. Chúng bị đẩy vào phổi và kích thích phổi xẹp xuống.
  • Xẹp phổi do tắc nghẽn: Dạng xẹp phổi xảy ra khi xảy ra sự tắc nghẽn trong đường thở, ngăn cản không khí dẫn đến phổi. Tình trạng này có thể xảy ra do nhiều yếu tố như tích tụ chất dịch nhầy, khối u hoặc có dị vật trong đường thở.
  • Xẹp phổi dính: Điều này xảy ra khi mô phổi bị tổn thương, ngăn chặn không cho nó mở rộng hoàn toàn. Nguyên nhân có thể xảy ra do nhiều yếu tố như phẫu thuật, chấn thương hoặc nhiễm trùng phổi.
  • Các dạng xẹp phổi khác: Ngoài 3 dạng xẹp phổi phổ biến trên, còn một số dạng xẹp phổi khác như:
    • Xẹp phổi do co thắt;
    • Xẹp phổi từng mảng ở trẻ sinh non hoặc những người mắc hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS);
    • Xẹp phổi tròn, xẹp phổi hai đáy hoặc xẹp phổi phân thùy...;

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bản chất của xẹp phổi là kết quả của tình trạng đường thở bị tắc nghẽn hoặc chịu áp lực lớn từ bên ngoài phổi. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, bao gồm:

Phẫu thuật gây mê là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra chứng xẹp phổi

  • Gây mê toàn thân: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh xẹp phổi, thường xảy ra sau khi phẫu thuật gây mê toàn thân. Điều này xảy ra do thuốc mê tác động đến các cơ kiểm soát hơi thở thư giãn, gây ra tình trạng thở nông. Ngoài ra, những bệnh nhân sử dụng ống thở trong quá trình phẫu thuật cũng có thể dẫn đến tình trạng xẹp phổi. Xảy ra do đường thở bị kích ứng, khởi phát viêm và tích tụ chất nhầy, cản trở đường thở và khiến phổi xẹp xuống.
  • Ảnh hưởng từ các tác nhân bệnh lý: Một số bệnh về phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), hen suyễn hoặc viêm phổi... và cả Covid-19 cũng là nguyên nhân khác gây ra xẹp phổi. Những bệnh lý này có thể khởi phát viêm và tích tụ chất dịch nhầy trong đường thở, hậu quả gây tắc nghẽn và xẹp phổi.
  • Các tác nhân khác: Bao gồm:
    • Chấn thương;
    • Tràn dịch màng phổi;
    • Sẹo mô phổi;
    • Khối u;
    • Cục máu đông;
  • Các yếu tố rủi ro: Ngoài những nguyên nhân trên, còn rất nhiều yếu tố rủi ro khác làm tăng nguy cơ khởi phát bệnh xẹp phổi như:
    • Tuổi tác cao;
    • Trẻ sinh non;
    • Tiền sử phẫu thuật bụng và ngực;
    • Thừa cân béo phì;
    • Những người nằm liệt giường và không thay đổi vị trí thường xuyên;
    • Loạn dưỡng cơ gây yếu cơ hô hấp, chấn thương tủy sống hoặc các tình trạng thần kinh cơ khác;
    • Tác dụng phụ của một số loại thuốc gây ra hiện tượng thở nông;
    • Nghiện hút thuốc lá;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Các triệu chứng của bệnh xẹp phổi trong giai đoạn đầu thường không gây ra triệu chứng. Chỉ những trường hợp căn nguyên gây ra xẹp phổi liên quan đến các bệnh lý về phổi đặc trưng mới có thể gây ra triệu chứng.

Bị xẹp phổi sẽ gây ra các triệu chứng điển hình như đau tức ngực, khó thở, ho dai dẳng và giảm oxy máu

Ngoài ra, bệnh xẹp phổi ở giai đoạn nặng khi đã ảnh hưởng đến các khu vực rộng lớn của phổi khiến lượng oxy trong máu giảm xuống ngưỡng thấp gây thiếu oxy trong máu. Hậu quả của tình trạng này là phát sinh các triệu chứng sau đây:

  • Đau tức ngực, khó thở, nhất là khi ho hoặc hít thở sâu;
  • Ho dai dẳng kéo dài kèm theo dịch đờm và chất nhầy;
  • Thở gấp, thở nhanh, thở khò khè gây mệt mỏi;
  • Da xanh xao, nhợt nhạt;

Chẩn đoán 

Chẩn đoán bệnh xẹp phổi thông qua thăm khám sức khỏe, kiểm tra toàn diện từ tình trạng bệnh, triệu chứng và khai thác tiền sử bệnh cá nhân. Đồng thời, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết nhằm tìm kiếm các dấu hiệu điển hình và xác nhận chẩn đoán, đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh xẹp phổi.

Chẩn đoán xẹp phổi thông qua thăm khám sức khỏe và các xét nghiệm hình ảnh như X quang, CT scan để đánh giá chức năng phổi

Bao gồm một số xét nghiệm sau:

  • Chụp X quang ngực: Đây là kỹ thuật xét nghiệm hình ảnh phổ biến nhất được sử dụng để chẩn đoán bệnh xẹp phổi. Kỹ thuật này cho phép đánh giá có sự tắc nghẽn hoặc mức độ tắc nghẽn đường thở, kiểm tra các mô phổi có bị xẹp hay không.
  • Chụp CT scan: Hình ảnh CT scan cho phép quan sát chi tiết hơn về cấu trúc và tổn thương trong phổi (nếu có). Phương pháp này giúp bác sĩ dễ dàng xác định bất kỳ sự bất thường hoặc tắc nghẽn nào gây ra xẹp phổi.
  • Nội soi phế quản: Kỹ thuật này sử dụng một ống linh hoạt, mỏng, mềm được đưa xuống cổ họng. Hình ảnh nội soi cho phép quan sát và phát hiện các dấu hiệu tắc nghẽn, chẳng hạn như khối u, dị vật hoặc nút nhầy... Phương pháp này ngoài dùng để chẩn đoán cũng được áp dụng để loại bỏ tình trạng tắc nghẽn.
  • Đo lượng oxy: Kiểm tra này sử dụng một thiết bị đặt trên một ngón tay, nhằm mục đích đo mức độ oxy trong máu. Kỹ thuật này giúp xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh xẹp phổi.

Biến chứng và tiên lượng

Bản chất của bệnh xẹp phổi là do thiếu oxy trong các phế nang và hầu hết các trường hợp bệnh đều không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh lý này có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng như:

  • Thiếu oxy máu đến các mô và cơ quan trong cơ thể;
  • Viêm phổi;
  • Suy hô hấp, đe dọa đến tính mạng;

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh xẹp phổi có thể được điều trị và phục hồi nhanh chóng sau khi được chẩn đoán, điều trị kịp thời, đúng cách. Chỉ những trường hợp chủ quan, bỏ qua triệu chứng và không điều trị mới gây ra biến chứng lâu dài. Do đó, ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường về tình trạng xẹp phổi, hãy chủ động đến bệnh viện để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.

Điều trị

Tùy theo nguyên nhân cụ thể gây bệnh xẹp phổi, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng biện pháp điều trị phù hợp. Trường hợp tổn thương nhỏ, không có triệu chứng xẹp phổi, không nhất thiết phải can thiệp điều trị. Nhưng với những tổn thương nặng, có căn nguyên rõ ràng và tiến triển ngày càng nghiêm trọng, có thể được chỉ định áp dụng các biện pháp điều trị sau đây:

Điều trị không phẫu thuật

Đa số các trường hợp bị xẹp phổi đều được ưu tiên điều trị bằng các phương pháp không phẫu thuật. Mục đích điều trị nhằm hỗ trợ cải thiện triệu chứng xẹp phổi, bao gồm các phương pháp sau:

Các chọn lựa điều trị xẹp phổi bằng thuốc giãn phế quản hoặc vật lý trị liệu là phương pháp được ưu tiên chọn lựa

  • Vật lý trị liệu lồng ngực: Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách tác động những động tác di chuyển cơ thể ở nhiều vị trí khác nhau, hay còn được gọi là kỹ thuật vỗ rung. Cách thực hiện từng bước như sau:
    • Chum bàn tay lại hình vòng cung rồi vỗ tay lên vùng ngực trên nhằm làm lỏng chất dịch nhầy;
    • Kết hợp vỗ rung với kỹ thuật hít thở thật sâu;
    • Khi ngủ hãy nằm gối thấp để đảm bảo đầu thấp hơn ngực (tư thế dannx lưu) giúp hỗ trợ đào thải chất nhầy ra khỏi cơ thể tốt hơn;
    • Liệu pháp oxy hoặc đeo mặt nạ hô hấp giúp cải thiện triệu chứng khó thở;
  • Dùng thuốc: Trong một số trường hợp, việc dùng thuốc là rất cần thiết nhằm kiểm soát triệu chứng xẹp phổi. Chẳng hạn như các loại thuốc sau:
    • Thuốc Acetylscystein (Mucomyst hoặc Acetadote) với tác dụng làm lỏng chất dịch nhầy và dễ được loại bỏ mỗi khi ho;
    • Thuốc làm giãn phế quản dạng hít như Foradil, Proventil, Ventolin, Maxairm Serevent, Xopenex... làm giãn các ống phế quản, giúp người bệnh dễ thở hơn;
    • Thuốc DNase (điển hình như Dornase Alfa) được chấp thuận sử dụng để điều trị bệnh xẹp phổi do bị tắc nghẽn bởi nút chất nhầy;
  • Thủ thuật dẫn lưu: Trường hợp bị xẹp phổi do tràn khí màng phổi hoặc tràn dịch màng phổi, cần phải tiến hành dẫn lưu hết không khí cùng chất dịch lỏng khỏi lồng ngực. Đối với túi chất dịch lỏng, kỹ thuật này được thực hiện thông qua việc đâm kim qua lưng hoặc vào giữa các xương sườn tiếp cận trực tiếp đến túi dịch lỏng. Còn đối với túi không khí, bác sĩ sẽ tiến hành chèn một ống túi nhựa vào trong ngực để dẫn lưu không khí ra ngoài.
  • Kỹ thuật thở: Các bài tập thở hoặc thiết bị hỗ trợ hơi thở chẳng hạn như phế dung kế cũng được chỉ định để hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng xẹp phổi. Kỹ thuật hít thở sâu này giúp mở rộng các phế nang, đặc biệt hiệu quả đối với chứng xẹp phổi sau phẫu thuật.

Điều trị phẫu thuật

Trong một số trường hợp hiếm, mức độ xẹp phổi nghiêm trọng có thể được chỉ định can thiệp phẫu thuật. Bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ thùy phổi nhỏ. Mục đích phẫu thuật chủ yếu nhằm loại bỏ tắc nghẽn hoặc sửa chữa các mô phổi bị tổn thương.

Kỹ thuật này đặc biệt phù hợp với những trường hợp xẹp phổi do khối u ung thư ác tính. Ngoài phẫu thuật loại bỏ, tùy từng trường hợp mà bác sĩ có thể chỉ định thực hiện kết hợp với các biện pháp khác như hóa trị hoặc xạ trị.

Phòng ngừa

Bệnh xẹp phổi là tình trạng bệnh lý tiềm ẩn với nhiều rủi ro và biến chứng khó lường. Do đó, mỗi chúng ta cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa càng sớm càng tốt để bảo vệ sức khỏe. Các biện pháp tích cực dưới đây sẽ giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh xẹp phổi:

Từ bỏ hút thuốc lá và thực hiện các thói quen sinh hoạt lành mạnh giúp giảm thiểu nguy cơ phát triển xẹp phổi

  • Cai thuốc lá và các sản phẩm chứa khói thuốc lá để giảm thiểu tối đa các thiệt hại về cấu trúc phế quản, giảm tích tụ chất nhầy của đường hô hấp, ngăn ngừa xẹp phổi.
  • Tích cực thực hiện các bài tập hít thở sâu, kỹ thuật thư giãn để kiểm soát căng thẳng và duy trì hô hấp.
  • Nếu phải nằm trên giường khi ngủ, hãy chú ý thường xuyên thay đổi vị trí.
  • Tập thể dục, vận động tích cực hàng ngày giúp nâng cao sức khỏe và giảm nguy cơ phát sinh bệnh xẹp phổi.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tại sao tôi thường xuyên bị ho dai dẳng, đau tức ngực, khó thở, thở nông...?

2. Nguyên nhân gì khiến tôi mắc phải bệnh xẹp phổi?

3. Tôi cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán bệnh xẹp phổi?

4. Chứng bệnh xẹp phổi có nguy hiểm không?

5. Bệnh xẹp phổi có thể chữa khỏi được không?

6. Phương pháp điều trị nào tốt nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi?

7. Tôi cần chú ý gì về chế độ ăn uống và các hoạt động hàng ngày để cải thiện triệu chứng?

8. Quá trình điều trị bệnh xẹp phổi mất bao lâu thì khỏi hoàn toàn?

9. Chi phí điều trị xẹp phổi mất bao lâu? Có dùng thẻ BHYT được không?

10. Bệnh xẹp phổi có thể tái phát lại sau điều trị hay không?

Xẹp phổi là tình trạng sức khỏe nghiêm trọng về phổi nói riêng và hệ hô hấp nói chung do nhiều nguyên nhân gây ra. Bệnh lý này nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong khi rơi vào trạng thái suy hô hấp kéo dài. Điều quan trọng nhất là mỗi người cần phải chủ động thăm khám và chẩn đoán, tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhằm ngăn ngừa biến chứng khó lường.