Bệnh Viêm Gan C

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN – Khoa Nội – Tiêu hóaGiám đốc Chuyên môn Thuốc Dân Tộc Chi Nhánh phía Nam – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh

Bệnh viêm gan C xảy ra do nhiễm Hepatitis C Virus. Tương tự như các dạng viêm gan do virus khác, căn bệnh này hầu như không có triệu chứng hoặc triệu chứng vô cùng mờ nhạt. Dù vậy nếu chủ quan không điều trị, viêm gan C có thể gây xơ gan, ung thư gan và làm giảm tuổi thọ đáng kể.

Tổng quan

Bên cạnh viêm gan B, viêm gan C cũng là dạng viêm gan do virus thường gặp. Viêm gan C (Hepatitis C) xảy ra khi các tế bào gan bị viêm, hoại tử do nhiễm Hepatitis C Virus - HCV. Bệnh không có triệu chứng điển hình và diễn tiến âm thầm nên rất ít trường hợp phát hiện sớm, kết quả là gây xơ gan và ung thư gan.

Hepatitis C Virus là chủng virus thuộc họ Flaviviridae. Hiện các chuyên gia đã tìm ra 7 kiểu gen chính và 67 kiểu phụ của chủng virus này. Ở nước ta, Hepatitis C Virus kiểu gen 1 và 6 là 2 kiểu gen phổ biến nhất.

bệnh viêm gan c
Viêm gan C xảy ra khi Hepatitis C Virus xâm nhập và tấn công vào tế bào gan

Tương tự như viêm gan B, viêm gan C chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Những người có hệ miễn dịch khỏe có thể tự đào thải virus sau một thời gian mà không cần điều trị. Tuy nhiên, những trường hợp còn lại sẽ có nguy cơ phát triển viêm gan mạn đi kèm với nguy cơ xơ gan và ung thư gan nguyên phát.

Hiện nay, tỷ lệ mắc các bệnh viêm gan do virus có xu hướng gia tăng đáng kể. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có khoảng 58 triệu người bị viêm gan C mãn tính và có đến 1.5 triệu ca bệnh mới mỗi năm. Viêm gan C không trực tiếp gây tử vong nhưng các biến chứng như xơ gan, ung thư gan sẽ làm giảm tuổi thọ rõ rệt.

Phân loại bệnh

Viêm gan C được chia thành 2 loại là viêm gan C cấp tính và viêm gan C mãn tính:

Viêm gan C cấp tính:

Viêm gan C cấp tính là tình trạng nhiễm Hepatitis C Virus dưới 6 tháng. Ở những bệnh lý khác, giai đoạn cấp tính thường có triệu chứng rất rõ rệt. Tuy nhiên, viêm gan C cấp gần như không có triệu chứng hoặc biểu hiện qua một số triệu chứng mờ nhạt.

Viêm gan C ở giai đoạn này thường không phải điều trị. Dựa vào miễn dịch tự nhiên của cơ thể, virus có thể bị đào thải ra khỏi cơ thể trong vòng 6 tháng. Thống kê cho thấy, khoảng 15 - 45% bị viêm gan C cấp có thể tự khỏi mà không cần can thiệp. Số còn lại sẽ chuyển sang giai đoạn viêm gan C mãn tính.

Viêm gan C mãn tính:

Viêm gan C mãn tính là tình trạng nhiễm Hepatitis C Virus kéo dài hơn 6 tháng. Khác với giai đoạn cấp tính, giai đoạn mạn bắt buộc phải điều trị để tránh biến chứng xơ gan, ung thư. Nếu không can thiệp, tỷ lệ tự khỏi là rất thấp.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Tỷ lệ nhiễm viêm gan do virus ở khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đang đứng đầu thế giới. Trong đó, viêm gan B có tỷ lệ cao nhất và kế tiếp là viêm gan C.

Giống như các bệnh viêm gan do virus, nguyên nhân trực tiếp gây viêm gan C là do nhiễm virus - cụ thể là Hepatitis C Virus. Virus có khả năng lây nhiễm từ mẹ sang con, qua đường tình dục và qua đường máu.

nguyên nhân gây bệnh viêm gan c
Nhiễm Hepatitis C Virus là nguyên nhân gây viêm gan C cấp tính và mãn tính

Các nguyên nhân, yếu tố nguy cơ có thể gây nhiễm Hepatitis C Virus:

  • Tiếp xúc với máu của người nhiễm bệnh, có thể tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua các đồ dùng như dao cạo, kim tiêm, kềm cắt móng…
  • Nhiễm Hepatitis C Virus do nhận máu của người nhiễm bệnh (thường là truyền máu trước năm 1991).
  • Lây nhiễm virus do cơ sở y tế không vô trùng kỹ dụng cụ, thiết bị dùng trong kỹ thuật trồng răng, tiêm ngừa, châm cứu…
  • Xăm mình, xỏ khuyên… ở những cơ sở kém chất lượng, không sát khuẩn tốt và sử dụng lại kim đã dùng cho những khách hàng trước.
  • Lây nhiễm từ mẹ sang con.
  • Quan hệ tình dục không an toàn.

Tương tự như viêm gan B, viêm gan C thường xảy ra ở những đối tượng như nhiễm HIV, sử dụng ma túy qua đường tiêm, chạy thận nhân tạo, từng cấy ghép nội tạng, đời sống tình dục phóng túng, quan hệ tình dục không an toàn… Thực tế, rất nhiều trường hợp không xác định được nguồn lây (khoảng 30 - 40%) - ngay cả khi không có các yếu tố nguy cơ.

Virus gây viêm gan C không lây qua sữa mẹ, nước bọt và dịch tiết hô hấp. Vì vậy, người bệnh không cần phải cách ly và có thể sinh sống chung với người thân, bạn đời.

Triệu chứng và chẩn đoán

Hepatitis C Virus có thời gian ủ bệnh khá lâu (khoảng 6 - 8 tuần). Ở giai đoạn này, virus đang trong quá trình nhân đôi nên gần như không gây ra bất cứ triệu chứng nào. Tuy nhiên, có thể nhận biết sự hiện diện của virus thông qua xét nghiệm máu.

Sau khoảng 12 tuần, các triệu chứng có thể xuất hiện nhưng rất mờ nhạt. Trong đó, khoảng 80% nhiễm bệnh không có biểu hiện. Các triệu chứng của bệnh cũng có sự khác biệt giữa giai đoạn cấp tính và mãn tính.

nguyên nhân gây bệnh viêm gan c
Viêm gan C thường không có triệu chứng hoặc gây ra một số biểu hiện không đặc hiệu như vàng da, vàng mắt, chán ăn, buồn nôn...

Các triệu chứng của bệnh viêm gan C cấp tính:

  • Sốt nhẹ
  • Mệt mỏi
  • Đau bụng âm ỉ, thường là đau bên hạ sườn phải
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Chán ăn, ăn không ngon miệng
  • Phân nhạt màu
  • Đau khớp
  • Nước tiểu có màu vàng đậm
  • Vàng da, vàng mắt

Ở giai đoạn cấp tính, các tế bào gan bị viêm rất nặng nhưng triệu chứng vô cùng mờ nhạt. Vì vậy, phần lớn bệnh nhân đều bỏ qua các triệu chứng này. Sau khoảng vài tuần, triệu chứng có dấu hiệu thuyên giảm nên tỷ lệ bệnh nhân đến khám thường rất thấp.

Virus không được đào thải ra khỏi cơ thể trong vòng 6 tháng sẽ chuyển sang giai đoạn viêm gan C mãn tính. Mặc dù tỷ lệ mắc viêm gan B cao hơn nhưng đa số có thể tự khỏi ở giai đoạn cấp tính, trong khi đó tỷ lệ bị viêm gan C mãn tính cao hơn rất nhiều.

Các triệu chứng của bệnh viêm gan C mãn tính bao gồm:

  • Cơ thể mệt mỏi
  • Khó tập trung
  • Đau cơ, đau khớp
  • Tinh thần chán nản, hay lo lắng
  • Đau nhẹ vùng hạ sườn phải
  • Rối loạn tiêu hóa
  • Các triệu chứng ngoài gan bao gồm rụng tóc, vàng da, bệnh cơ tim, viêm cầu thận tăng sinh màng…

Nhìn chung, bệnh viêm gan C gần như không gây ra triệu chứng hoặc chỉ thể hiện qua các triệu chứng mờ nhạt, không điển hình. Chỉ khi gan bị xơ hóa và suy giảm chức năng nghiêm trọng mới có các triệu chứng rõ rệt.

Tần suất nhiễm viêm gan C trong cộng đồng tương đối cao nhưng tỷ lệ thăm khám, điều trị là rất thấp. Lý do chủ yếu là vì triệu chứng bệnh mờ nhạt, khó phát hiện. Vì vậy, nên chủ động tìm gặp bác sĩ nếu cảm thấy cơ thể mệt mỏi, chán ăn, đau hạ sườn phải…

nguyên nhân gây bệnh viêm gan c
Xét nghiệm máu sẽ giúp xác định sự hiện diện của Hepatitis C Virus

Chẩn đoán bệnh viêm gan C được thực hiện thông qua các bước sau:

  • Khám lâm sàng, khai thác triệu chứng, bệnh sử
  • Xét nghiệm Anti - HCV
  • Các xét nghiệm cận lâm sàng khác như xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm thời gian đông máu, xét nghiệm chức năng gan, sinh thiết tế bào gan, chẩn đoán hình ảnh…

Ngoài việc xác định sự hiện diện của Hepatitis C Virus, bác sĩ cần phải đánh giá mức độ tổn thương gan để quyết định hướng điều trị và quản lý bệnh.

Biến chứng và tiên lượng

Nhiễm Hepatitis C Virus là tình trạng đáng chú ý và cần được thăm khám sớm. Như đã đề cập, khoảng 15 - 45% trường hợp nhiễm viêm gan C có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Đa số những trường hợp này đều từ 16 tuổi trở lên, hệ miễn dịch khỏe và không có bệnh kết hợp.

Viêm gan C mạn có tiên lượng không khả quan bằng viêm gan C cấp tính. Dù không có triệu chứng lâm sàng nhưng virus vẫn đang phát triển mạnh mẽ và tấn công gây viêm, hoại tử tế bào gan. Nếu không tích cực điều trị, viêm gan C có thể dẫn đến các biến chứng như xơ gan, suy gan, ung thư gan và tử vong.

triệu chứng bệnh viêm gan c
Viêm gan C không được điều trị sẽ gia tăng nguy cơ xơ gan và ung thư gan nguyên phát

Gan là một trong những cơ quan quan trọng với chức năng dự trữ khoáng chất, vitamin, chuyển hóa thức ăn, sản xuất các yếu tố đông máu, thanh thải độc tố… Khi bị viêm gan do virus nói chung và viêm gan C nói riêng, gan sẽ khó có thể hoàn thành tốt các chức năng kể trên.

Chức năng gan suy giảm sẽ kéo theo nhiều vấn đề liên quan như bệnh thận mãn tính, rối loạn tiêu hóa, rối loạn nội tiết, các vấn đề về tim mạch… Chính vì vậy, sau khi được chẩn đoán dương tính với Hepatitis C Virus, cần tích cực điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

Tiên lượng của viêm gan C mạn khá đa dạng. Nếu điều trị tích cực và có lối sống lành mạnh, bệnh có thể được kiểm soát và chức năng gan sẽ được bảo tồn.

Ngược lại, những trường hợp thừa cân - béo phì, hút thuốc lá, uống rượu bia và đồng nhiễm với HIV, viêm gan B sẽ có tiên lượng xấu, bệnh tiến triển nhanh và nguy cơ bị xơ gan cao (chiếm khoảng 20% trường hợp bị viêm gan C mãn tính).

Điều trị

Điều trị thường được chỉ định cho viêm gan C mãn tính. Viêm gan C cấp ít khi phải điều trị vì cơ thể có khả năng tự đào thải virus nhưng có thể hỗ trợ sức đề kháng bằng lối sống khoa học, lành mạnh. Sau 6 tháng, nên tái khám để xác định còn sự hiện diện của Hepatitis C Virus trong cơ thể hay không.

Trường hợp đã chuyển sang giai đoạn mạn sẽ phải dùng thuốc để kiểm soát hoạt động của virus nhằm ngăn ngừa biến chứng xơ gan.

Các phương pháp điều trị bệnh viêm gan C được áp dụng phổ biến hiện nay:

Sử dụng thuốc

Interferon là lựa chọn ưu tiên khi điều trị viêm gan C. Có thể điều trị đơn lẻ bằng Interferon hoặc kết hợp với thuốc kháng virus.

điều trị bệnh viêm gan c
Interferon là loại thuốc quan trọng trong điều trị bệnh viêm gan C

Các loại thuốc dùng trong điều trị bệnh viêm gan C bao gồm:

  • Interferon: Interferon là loại thuốc có tác dụng hỗ trợ hệ miễn dịch trong việc chống lại virus, vi khuẩn và ký sinh trùng. Khi nhiễm viêm gan C, cơ thể sẽ sản sinh Interferon đã chống lại virus. Tuy nhiên, do lượng Interferon tự nhiên thấp nên virus không bị đào thải hoàn toàn. Interferon được tiêm vào cơ thể để tăng cường đề kháng tự nhiên giúp chống lại HCV.
  • Ribavirin: Ribavirin là thuốc kháng virus được sử dụng kết hợp với Interferon trong điều trị viêm gan C. Thuốc giúp tăng hiệu quả của Interferon để có thể loại bỏ hoàn toàn virus ra khỏi cơ thể. Nếu dùng Ribavirin đơn độc sẽ không thể tiêu diệt virus hoàn toàn.

Trên lâm sàng, kết hợp Ribavirin và Interferon mang lại hiệu quả khá cao (khoảng 54 - 63%). Bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dựa vào khả năng đáp ứng và mức độ tổn thương gan. Tuyệt đối không tự ý ngưng dùng thuốc chuyển sang thuốc nam, Đông y. Các loại thuốc này chỉ có tác dụng hỗ trợ, không có hiệu quả đào thải virus.

Tổ chức lại lối sống

Điều trị viêm gan C ngoài sử dụng thuốc còn bao gồm điều chỉnh lại lối sống. Một lối sống phù hợp sẽ giúp giảm áp lực lên gan, nâng cao sức khỏe và chức năng miễn dịch. Dù ở giai đoạn cấp hay mãn tính, việc tổ chức lại lối sống là cần thiết để có thể kiểm soát bệnh hiệu quả.

điều trị bệnh viêm gan c
Ngoài sử dụng thuốc, cần điều chỉnh lối sống để giảm nhẹ triệu chứng và tăng cường sức đề kháng tự nhiên

Lối sống giúp kiểm soát bệnh viêm gan C bao gồm:

  • Tránh căng thẳng, hạn chế lao động nặng trong thời gian điều trị.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi, không thức khuya và ngủ đủ giấc để nâng đỡ thể trạng.
  • Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng để làm giảm áp lực lên gan và tăng cường sức đề kháng. Chế độ ăn cho người bị viêm gan C sẽ bao gồm nhiều rau xanh, trái cây, thịt trắng, hạn chế thức ăn chứa nhiều chất béo và gia vị.
  • Kiêng tuyệt đối rượu bia, hạn chế uống cà phê, trà đặc.
  • Không hút thuốc lá.
  • Tập thể dục thường xuyên để hỗ trợ quá trình phục hồi gan và giảm nhẹ các triệu chứng do viêm gan C gây ra. Ngoài ra, vận động đều đặn còn giúp tăng cường sức đề kháng.

Điều trị biến chứng

Sau khi điều trị, bệnh nhân sẽ được xét nghiệm để xác định còn sự hiện diện của virus hay không. Hầu hết những trường hợp điều trị tích cực đều có đáp ứng tốt và khả năng tái phát thấp. Tuy nhiên, cũng có nhiều bệnh nhân không tiêu diệt sạch virus do không tuân thủ điều trị hoặc do các yếu tố khách quan khác.

Viêm gan C mãn tính kéo dài từ 10 năm trở lên sẽ gây ra nhiều vấn đề như xơ gan, ung thư gan. Các biến chứng này cần phải được điều trị tích cực để kéo dài tuổi thọ. Tùy theo tình trạng cụ thể, điều trị có thể bao gồm sử dụng thuốc, phẫu thuật cắt bỏ khối u hoặc thay gan.

Trong quá trình điều trị, cần phải tái khám thường xuyên để đo chức năng gan, thận, xét nghiệm công thức máu và xác định số lượng virus trong máu. Kết quả từ các xét nghiệm sẽ giúp bác sĩ đánh giá khả năng đáp ứng với điều trị, qua đó có hướng điều trị phù hợp trong thời gian tới.

Phòng ngừa

Hiện tại, chưa có vaccine ngừa viêm gan C. Vì vậy, chỉ có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa không đặc hiệu sau:

điều trị bệnh viêm gan c
Quan hệ tình dục an toàn sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm viêm gan B, C và một số bệnh lây truyền khác

  • Không tiếp xúc với máu và bệnh phẩm của người khác.
  • Không sử dụng chung các vật dụng có khả năng dính máu như nhíp, kềm cắt móng, kim tiêm, bàn chải đánh răng, dao cạo…
  • Quan hệ tình dục an toàn và sử dụng bao cao su để tránh lây nhiễm viêm gan B, C, HIV/ AIDS…
  • Thực hiện các thủ thuật y tế ở những bệnh viện, phòng khám uy tín.
  • Nếu có ý định xỏ khuyên, xăm hình, cần lựa chọn địa chỉ uy tín để tránh nhiễm HCV.
  • Khám định kỳ 1 - 2 lần/ năm để phát hiện sớm virus gây viêm gan C, B, A…

Có thể bạn quan tâm: Nhiễm virus viêm gan C bao lâu có triệu chứng?

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Bệnh viêm gan C có nguy hiểm không?

2. Viêm gan C có lây không? Làm sao để tránh lây nhiễm cho những người xung quanh?

3. Điều trị bệnh viêm gan C mất bao lâu?

4. Chi phí chữa trị viêm gan C khoảng bao nhiêu?

5. Bị viêm gan C nên ăn uống như thế nào hợp lý?

6. Bị viêm gan C có cần tái khám?

7. Các loại thuốc trị viêm gan C có tác dụng phụ không?

Bệnh viêm gan C gây ra nhiều biến chứng nhưng ít được đề cập như viêm gan B. Hiện tại, chưa vaccine phòng ngừa đặc hiệu nên cần chủ động tránh lây nhiễm Hepatitis C Virus qua đường máu, quan hệ tình dục và khám định kỳ để phát hiện bệnh sớm.