Bệnh Viêm Khớp Dạng Thấp

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ DOÃN HỒNG PHƯƠNG – Khoa Xương khớpGiám đốc Chuyên môn Trung tâm Đông Phương Y Pháp – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Bệnh viêm khớp dạng thấp thường gặp ở nữ giới trong độ tuổi trung niên. Đây là dạng viêm khớp mãn tính có liên quan đến cơ chế tự miễn với tổn thương bắt đầu từ màng hoạt dịch. Tính chất bệnh dai dẳng, mãn tính và nghiêm trọng dần theo thời gian nếu không được điều trị.

Tổng quan

Viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid Arthritis) hay viêm đa khớp dạng thấp/ thấp khớp là bệnh viêm khớp mãn tính có cơ chế tự miễn dịch, với tổn thương bắt đầu từ màng hoạt dịch sau đó xâm lấn đến mô sụn, gân, xương...

Bệnh thường gặp ở người trung niên, đặc biệt là nữ giới. So với thoái hóa khớp, triệu chứng của viêm khớp dạng thấp đa dạng hơn bao gồm các triệu chứng cơ năng, triệu chứng thực thể tại khớp và các triệu chứng ngoài khớp.

viêm khớp dạng thấp là gì
Viêm khớp dạng thấp là một dạng viêm khớp đặc biệt có liên quan đến cơ chế tự miễn dịch

Trong tất cả các loại viêm khớp, viêm khớp dạng thấp có khả năng gây tàn phế cao do tình trạng hủy khớp. Vì vậy, ngay khi nghi ngờ mắc bệnh, cần chủ động thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Viêm khớp dạng thấp là bệnh có cơ chế tự miễn dịch nên điều trị còn nhiều hạn chế. Để tránh tình trạng lạm dụng thuốc, cần phải phối hợp giữa liệu pháp hóa dược với các phương pháp chỉnh hình, phục hồi chức năng. Mặc dù là bệnh mãn tính nhưng nếu được điều trị đúng cách và tích cực, triệu chứng của bệnh sẽ được kiểm soát đáng kể.

Phân loại bệnh

Viêm khớp dạng thấp được phân loại dựa vào mức độ tiến triển. Bệnh được chia thành 4 loại như sau:

Giai đoạn I: Đây là giai đoạn sớm với biểu hiện nhẹ và thưa thớt. Nếu phát hiện kịp thời, bệnh sẽ có tiên lượng tốt, ít tiến triển nặng dẫn đến tình trạng hủy khớp và tàn phế.

Giai đoạn II: Giai đoạn này đã bắt đầu xuất hiện tổn thương ở mô xương và sụn khớp, tổn thương không chỉ khu trú ở màng hoạt dịch như giai đoạn I. Tuy nhiên, do tổn thương chưa thật sự nghiêm trọng nên không có hiện tượng biến dạng khớp. Ở giai đoạn II, bệnh nhân chỉ gặp phải các triệu chứng cơ năng và gần như chưa xuất hiện triệu chứng thực thể rõ rệt.

Giai đoạn III: Viêm khớp dạng thấp giai đoạn III xảy ra khi sụn khớp bị tổn thương đáng kể. Lúc này, phần xương bên dưới sụn bị lộ ra dẫn đến các nốt sẩn dị dạng ở xung quanh khớp. Ở giai đoạn III, tình trạng đau khớp và hạn chế cử động trở nên rõ ràng hơn.

Giai đoạn IV: Viêm khớp dạng thấp giai đoạn IV có mức độ vô cùng nghiêm trọng. Trong giai đoạn này, hiện tượng viêm giảm dần. Mô xơ hình thành khiến cho khớp bị biến dạng và mất hẳn chức năng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Như đã đề cập, viêm khớp dạng thấp là bệnh khớp mãn tính có cơ chế tự miễn dịch. Giống như các bệnh tự miễn khác, nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp chưa được biết rõ. Một vài nghiên cứu đã được thực hiện cho thấy vai trò của yếu tố di truyền và nhiễm khuẩn trong cơ chế bệnh sinh.

Cơ chế bệnh sinh

Viêm khớp dạng thấp là bệnh viêm khớp tự miễn với vai trò rõ rệt của kháng nguyên. Kháng nguyên khởi phát một chuỗi phản ứng miễn dịch bằng cách tiếp xúc với tế bào lympho T.

Tế bào này tập trung chủ yếu tại màng hoạt dịch của các khớp, sau đó giải phóng ra cytokin và tiếp tục kích hoạt tế bào lympho B sản xuất ra các yếu tố dạng thấp như globulin IgM, IgG… Chính các chất này là yếu tố trực tiếp gây viêm và tổn thương tại khớp.

Song song đó, các cytokin do tế bào lympho T giải phóng cũng thúc đẩy hiện tượng tăng sinh, xâm lấn của nguyên bào xơ, tế bào sụn, tế bào màng hoạt dịch. Các tế bào tiếp tục giải phóng một loạt các enzyme như collagenase, stromelysin, elastase làm cho mô sụn và xương bị tổn thương, biến dạng theo thời gian.

Yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp chưa được biết rõ. Song những nghiên cứu đã được thực hiện cho thấy, bệnh có liên quan đến những yếu tố như:

bệnh viêm khớp dạng thấp là gì
Thời tiết lạnh ẩm là yếu tố thuận lợi kích hoạt viêm khớp dạng thấp bùng phát

  • Nhiễm khuẩn (vi khuẩn đường ruột, Mycoplasma, Parvovirus, Epstein-Barr virus,...)
  • Yếu tố môi trường (thời tiết lạnh ẩm kéo dài)
  • Yếu tố cơ địa (chấn thương cơ học, cơ thể suy nhược, lão hóa)
  • Di truyền từ gia đình
  • Giới tính (nữ giới tuổi trung niên có nguy cơ mắc bệnh cao hơn các đối tượng khác)

Dù nguyên nhân chưa được biết rõ nhưng cơ chế bệnh sinh của viêm khớp dạng thấp gần như đã rõ ràng. Dựa vào cơ chế bệnh, các chuyên gia đã tìm ra nhiều loại thuốc để ức chế các yếu tố dạng thấp nhằm làm chậm tiến triển bệnh.

Bên cạnh đó, thuốc điều trị triệu chứng cũng giúp ích rất nhiều trong việc kiểm soát cơn đau, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Triệu chứng và chẩn đoán

Viêm khớp dạng thấp ở giai đoạn đầu gần như không có triệu chứng. Chỉ khi màng hoạt dịch bị tổn thương đáng kể mới xuất hiện tình trạng đau, sưng và cứng khớp. Tương tự như các dạng viêm khớp khác, triệu chứng của viêm khớp dạng thấp thường nghiêm trọng dần theo thời gian nếu không được điều trị.

Viêm khớp dạng thấp là bệnh khớp có cơ chế tự miễn nên ngoài các triệu chứng tại khớp, bệnh nhân còn có tổn thương ở da, mắt, tim mạch, phổi và một số ít xuất hiện tổn thương ở thần kinh ngoại biên/ trung ương.

triệu chứng viêm khớp dạng thấp
Sưng, đau và cứng khớp là triệu chứng điển hình của bệnh viêm khớp dạng thấp

Các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp bao gồm:

Triệu chứng cơ năng:

  • Khớp sưng và đau, thường xảy ra ở các khớp nhỏ và khớp cỡ trung như ngón tay, cổ tay, cổ chân, ngón chân. Điểm đặc biệt của viêm khớp dạng thấp là tổn thương khớp có tính chất đối xứng.
  • Hiện tượng sưng đau khớp diễn ra gần như cả ngày, mức độ âm ỉ, đau nặng hơn về đêm và gần sáng.
  • Nếu như đau do thoái hóa khớp có thể giảm khi nghỉ ngơi thì cơn đau do viêm khớp dạng thấp gần như không thuyên giảm ngay cả khi không cử động khớp.
  • Có hiện tượng cứng khớp sau khi thức dậy, thời gian cứng khớp thường kéo dài trên 1 giờ.
  • Cơ thể không sốt hoặc sốt nhẹ trong giai đoạn bệnh tiến triển.
  • Sưng đau khớp kéo dài khiến sức khỏe tổng thể suy giảm, bệnh nhân mệt mỏi và có biểu hiện suy nhược.

Triệu chứng thực thể tại khớp:

  • Các khớp sưng, nóng (thường là khớp ngón tay, cổ tay, đầu gối, khớp bàn chân, khuỷu tay….).
  • Tổn thương có tính chất đối xứng và thường kéo dài từ vài tuần cho đến vài tháng.
  • Trường hợp nặng sẽ xảy ra tình trạng biến dạng khớp, trật khớp và khớp mất hoàn toàn chức năng vận động.
  • Có rất nhiều kiểu biến dạng khớp, trong đó thường gặp nhất là ngón tay hình cổ cò, ngón tay thợ thùa khuyết, bàn tay gió thổi, cổ tay hình lưng lạc đà…

Triệu chứng ngoài khớp:

  • Xuất hiện các hạt thấp dưới da (10 - 15% trường hợp), đặc điểm là các hạt này mọc thành từng đám, gắn với gân hoặc màng xương nên gần như không di động. Kích thước mỗi hạt dao động từ vài mm cho đến không quá 2cm.
  • Viêm củng mạc, nhuyễn củng mạc thủng.
  • Một số trường hợp có thể bị tổn thương phổi với biểu hiện là viêm phế quản, viêm màng phổi, tràn dịch màng phổi, xơ phổi kẽ lan tỏa và khi xét nghiệm hình ảnh có thể thấy các nốt dạng thấp ở nhu mô.
  • Tổn thương tim mạch cũng có thể xuất hiện ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp. Biểu hiện là viêm mạch, nhiễm bột, loạn nhịp tim, viêm màng tim và viêm cơ tim.

Ngoài các triệu chứng kể trên, viêm khớp dạng thấp còn gây tổn thương ở những cơ quan khác như thần kinh ngoại biên, trung ương, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tế bào máu. Đa phần các trường hợp bị viêm khớp dạng thấp mãn tính, kéo dài đều có dấu hiệu thiếu máu với tỷ lệ hồng cầu giảm, tăng số lượng bạch cầu và tiểu cầu.

Viêm khớp dạng thấp là bệnh có tiến triển chậm. Ngoại trừ các đợt tiến triển, triệu chứng khá mờ nhạt ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên nếu không được điều trị, khớp có thể bị phá hủy dẫn đến biến dạng và tàn phế. Chính vì vậy, nếu khớp bị sưng đau dai dẳng, nên chủ động tìm gặp bác sĩ.

triệu chứng viêm khớp dạng thấp
Chẩn đoán viêm đa khớp dạng thấp bao gồm khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng

Chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp sẽ bao gồm khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng. Bác sĩ sẽ thu thập các triệu chứng bệnh nhân gặp phải, khai thác tiền sử cá nhân và gia đình. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ đặt câu hỏi để sàng lọc các yếu tố nguy cơ (di truyền, nhiễm khuẩn…).

Ngày nay, y học phát triển giúp cho việc chẩn đoán viêm khớp dạng thấp trở nên đơn giản hơn. Bên cạnh khám lâm sàng, các xét nghiệm như xét nghiệm yếu tố dạng thấp (RF), xét nghiệm kháng thể kháng CCP, chụp cộng hưởng từ, chụp X-Quang, siêu âm với đầu dò tần số thấp, nội soi khớp tổn thương… có ý nghĩa rất lớn trong việc chẩn đoán.

Sau khi thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ sẽ dựa vào tiêu chuẩn của Hội Thấp khớp học Mỹ ACR–1987 hoặc tiêu chuẩn của Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ và Liên đoàn chống Thấp khớp Châu  Âu 2010 để đưa ra chẩn đoán chính thức. Các tiêu chuẩn này không chỉ giúp chẩn đoán xác định mà còn có thể đánh giá mức độ bệnh.

ĐỌC NGAY: Bệnh viêm khớp dạng thấp chữa ở đâu, bệnh viện nào tốt nhất?

Biến chứng và tiên lượng

Viêm khớp dạng thấp là bệnh viêm khớp mãn tính có cơ chế bệnh sinh vô cùng phức tạp. Bệnh liên quan đến một loạt các phản ứng miễn dịch với tổn thương bắt đầu từ màng hoạt dịch. Nếu không được điều trị, sụn, mô xương, gân sẽ bị phá hủy hoàn toàn gây biến dạng làm cho khớp mất chức năng cử động.

nguyên nhân viêm khớp dạng thấp
Nếu không được điều trị, viêm đa khớp dạng thấp có thể gây biến dạng và phá hủy khớp hoàn toàn

Bên cạnh đó, cơ chế tự miễn còn ảnh hưởng đến các cơ quan khác như da, phổi, tim mạch, mắt, tế bào máu… Bệnh tiến triển dai dẳng, mãn tính sẽ khiến thể trạng suy nhược, sức đề kháng suy giảm. Ngoài ra, tình trạng sưng đau và cứng khớp xảy ra thường xuyên còn ảnh hưởng đến sinh hoạt và hiệu suất lao động, làm việc.

Nhìn chung, nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh nhân viêm khớp dạng thấp sẽ phải đối mặt với một loạt các biến chứng nặng nề. Trường hợp xấu nhất, bệnh nhân bị tàn phế và gần như không thể đi lại, cử động một cách bình thường.

Điều trị

Phần lớn các trường hợp bị viêm khớp dạng thấp đều thăm khám trễ do tâm lý chủ quan. Khi khớp bị biến dạng nghiêm trọng mới tìm đến bác sĩ khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn. Do đó, “chìa khóa” để điều trị thành công bệnh lý này là phải thăm khám sớm và can thiệp kịp thời.

Viêm khớp dạng thấp là dạng viêm khớp đặc biệt có liên quan đến cơ chế tự miễn. Hiện chưa có phương pháp nào có thể ngăn chặn hiện tượng này hoàn toàn. Tuy nhiên, dùng thuốc, vật lý trị liệu và các phương pháp phục hồi chức năng có thể kiểm soát triệu chứng, phòng ngừa hủy khớp và biến dạng khớp đáng kể.

Để quản lý thành công viêm khớp dạng thấp, cần phải phối hợp linh hoạt các phương pháp sau:

Sử dụng thuốc

Hiện tại, dùng thuốc vẫn là phương pháp chính trong điều trị viêm khớp dạng thấp. Có hai nhóm thuốc được sử dụng là thuốc điều trị triệu chứng và thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs). Trong đó, DMARDs được sử dụng ngay từ giai đoạn đầu và dùng lâu dài để kiểm soát tiến triển của bệnh.

Các loại thuốc điều trị triệu chứng chỉ được dùng ngắn hạn cho đến khi triệu chứng thuyên giảm và khi thuốc DMARDs phát huy tác dụng. Loại thuốc được chỉ định sẽ phụ thuộc vào bệnh trạng của từng trường hợp. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ ưu tiên dùng các loại thuốc có giá thành rẻ để tối ưu chi phí cho bệnh nhân.

nguyên nhân viêm khớp dạng thấp
Dùng thuốc giúp kiểm soát triệu chứng và ngăn chặn tiến triển của viêm đa khớp dạng thấp

Các loại thuốc trị viêm khớp dạng thấp bao gồm:

  • Thuốc điều trị triệu chứng bao gồm Paracetamol, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hoặc corticoid đường uống.
  • Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs) bao gồm Methotrexate, Hydroxychloroquine, Salazopyrine…
  • Các thuốc ức chế TNF gồm có Adalimumab, Golimumab, Infliximab, Certolizumab, Etanercept…
  • Các loại thuốc ức chế tế bào B, T hoặc Interleukin 6 bao gồm Tocilizumab, Mycophenolate mofetil, Rituximab…
  • Các loại thuốc hỗ trợ bao gồm thuốc chống loãng xương, glucosamine, thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày… được sử dụng để góp phần tăng hiệu quả chống biến dạng khớp. Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày được sử dụng để ngăn ngừa biến chứng viêm loét ở bệnh nhân sử dụng corticoid hoặc NSAID dài ngày.

Dùng thuốc có thể làm giảm triệu chứng và ngăn chặn tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, cần phải dùng thuốc đều đặn, đúng chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp phải dùng thuốc chống thấp khớp trong một thời gian dài nên cần tái khám để kiểm tra chức năng gan, thận,...

Vật lý trị liệu

Ngoài liệu pháp hóa dược, vật lý trị liệu cũng có vai trò quan trọng trong điều trị viêm khớp dạng thấp. Mục đích của phương pháp này là giảm nhẹ cơn đau, cải thiện tình trạng sưng và cứng khớp. Bên cạnh đó, vật lý trị liệu còn giúp gia tăng sự linh hoạt của các khớp và góp phần ngăn chặn biến chứng khớp bị phá hủy, mất hoàn toàn chức năng.

nguyên nhân viêm khớp dạng thấp
Các biện pháp vật lý trị liệu sẽ hỗ trợ giảm sưng đau và tăng tính linh hoạt cho các khớp tổn thương

Các phương pháp vật lý trị liệu cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp:

  • Ngâm suối khoáng nóng
  • Châm cứu
  • Các bài tập, vận động giúp cải thiện chức năng vận động của khớp

Vật lý trị liệu thường được thực hiện trong giai đoạn bệnh thuyên giảm. Các phương pháp này có hiệu quả giảm đau và cứng khớp đáng kể, qua đó có thể hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc chống viêm. Ưu điểm của vật lý trị liệu là an toàn, ít tác dụng phụ nhưng hiệu quả chậm và cần phải kiên trì áp dụng trong thời gian dài.

Phục hồi chức năng

Phục hồi chức năng giúp ngăn ngừa biến chứng phá hủy khớp, đồng thời tăng tính linh hoạt và bảo tồn chức năng của khớp. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn các bài tập phù hợp với bệnh trạng để có thể chống dính khớp, cải thiện tình trạng đau, sưng và cứng khớp. Phương pháp này nên được thực hiện lâu dài để hỗ trợ hiệu quả của thuốc.

Các phương pháp giúp phục hồi chức năng, chống dính khớp ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp:

  • Các bài tập chống dính khớp, giảm đau và cứng khớp
  • Tránh vận động quá mức ở các khớp tổn thương và hạn chế đứng/ ngồi quá lâu.
  • Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ để có thể tự phục vụ

Điều trị ngoại khoa

Trường hợp bị tràn dịch hoặc biến dạng khớp sẽ được cân nhắc điều trị ngoại khoa. Tùy theo tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp sau:

  • Nội soi rửa khớp
  • Chọc hút dịch ổ khớp (áp dụng cho khớp gối)
  • Chỉnh hình khớp trong trường hợp biến dạng
  • Thay khớp nhân tạo với bệnh nhân bị biến dạng khớp gối, khớp háng

Điều trị ngoại khoa không được khuyến khích do chi phí cao và đi kèm theo đó là nhiều rủi ro, biến chứng tiềm ẩn. Bên cạnh đó, bệnh nhân sẽ mất thời gian dài hồi phục và không ít người phải đối mặt với nhiều vấn đề về tâm lý sau phẫu thuật.

Các biện pháp tự cải thiện

Viêm khớp dạng thấp là bệnh khớp mãn tính, tiến triển dai dẳng. Vì thế, bệnh nhân cần được tư vấn, giáo dục để có thể chủ động tái khám và tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ.

nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp
Tập thể dục đều đặn giúp ích rất nhiều trong việc quản lý bệnh viêm đa khớp dạng thấp

Các biện pháp giúp quản lý bệnh viêm khớp dạng thấp:

  • Tái khám định kỳ hằng tháng để xét nghiệm chức năng gan, thận, xét nghiệm rối loạn lipid máu, rối loạn đường máu, đo định lượng cortisol trong máu… và khám nội khoa tổng thể.
  • Kiêng rượu bia, chất kích thích và lên kế hoạch cai thuốc lá.
  • Thiết lập chế độ dinh dưỡng hợp lý.
  • Sinh hoạt điều độ bằng cách ngủ nghỉ đúng giờ, tránh thức khuya, căng thẳng và tập thể dục thường xuyên.

THAM KHẢO THÊM: Viêm khớp dạng thấp nên ăn gì và kiêng gì để hỗ trợ điều trị?

Phòng ngừa

Không có phương pháp nào có thể phòng ngừa viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh bằng các biện pháp sau:

  • Chủ động phòng ngừa nhiễm khuẩn để tránh kích hoạt bệnh bùng phát.
  • Giữ cân nặng ở mức ổn định, tránh thừa cân - béo phì.
  • Kiêng rượu bia, thuốc lá, xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý.
  • Giữ ấm cơ thể vào thời tiết lạnh ẩm.
  • Hạn chế các chấn thương cơ học.
  • Tập thể dục thường xuyên với cường độ phù hợp.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Bệnh viêm khớp dạng thấp có nguy hiểm không?

2. Viêm khớp dạng thấp có chữa khỏi được không?

3. Bệnh viêm khớp dạng thấp có di truyền không?

4. Viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính, âm tính là gì?

5. Có nên điều trị viêm khớp dạng thấp bằng YHCT?

6. Bị viêm khớp dạng thấp nên ăn gì, kiêng gì để cải thiện triệu chứng?

7. Viêm khớp dạng thấp có nên uống sữa không? Loại nào tốt?

Cho đến nay, viêm khớp dạng thấp vẫn là thách thức đối với y học do cơ chế bệnh sinh phức tạp. Tiến triển bệnh ở từng trường hợp có sự khác biệt đáng kể, trong đó có một vài bệnh nhân tiên lượng xấu với tổn thương lan tỏa ở khớp, da, phổi, tim mạch và hệ thần kinh. Để có thể ngăn chặn kịp thời biến chứng, cần chủ động thăm khám ngay khi nhận thấy khớp sưng, đau và có hiện tượng cứng khớp kéo dài.

HỮU ÍCH: