Bệnh cao huyết áp

Bệnh cao huyết áp có thể khiến người bệnh tử vong trong những trường hợp nghiêm trọng. Đây là bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt là đối với bệnh nhân đang có bệnh nền. Nguyên nhân gây cao huyết áp đa dạng, trường hợp mãn tính có thể gây tai biến, suy tim và nhiều vấn đề khác nếu không kiểm soát đúng cách.

Tổng quan

Cao huyết áp (tăng huyết áp) là bệnh lý liên quan đến áp lực máu ảnh hưởng lên thành động mạch đo được chỉ số tăng vọt bất thường. Cao huyết áp có tính chất mãn tính, gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe, đời sống của người bệnh.

Bệnh cao huyết áp
Cao huyết áp là bệnh lý nguy hiểm, có thể gây ra các biến chứng sức khỏe

Ở trạng thái bình thường, cơ thể khỏe mạnh không bị cao huyết áp đo được chỉ số huyết áp tâm thu và tâm trương ở mức 120/80mmHg. Chẩn đoán cao huyết áp khi đo được chỉ số này ở người bệnh là trên 140/90mmHg. Người bệnh cần sử dụng thuốc hoặc áp dụng các biện pháp điều trị để ổn định chỉ số này.

Mỗi trường hợp sẽ đo được chỉ số huyết áp tăng nhẹ hay tăng cao, dựa vào tình trạng sức khỏe, nguyên nhân gây cao huyết áp, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc và hỗ trợ người bệnh điều hòa huyết áp. Trường hợp không điều trị, bệnh lý kéo dài có thể gây biến chứng tim mạch, mạch máu, thậm chí là đe dọa tính mạng của người bệnh.

Phân loại

Bệnh cao huyết áp được phân loại dựa trên nguyên nhân gây, mức độ nguy hại của bệnh. Chẳng hạn:

  • Cao huyết áp vô căn: Không xác định được nguyên nhân vì sao gây ra hiện tượng tăng huyết áp. Theo thông kê, tình trạng huyết áp cao vô căn chiếm tỷ lệ cao, hầu như các trường hợp đều gặp phải dạng bệnh này.
  • Cao huyết áp thứ phát: Ảnh hưởng từ các bệnh lý khác như vấn đề ở thận, van tim, bệnh nội tiết, động mạch,...
  • Cao huyết áp tâm thu đơn độc: Huyết áp tâm thu đo được tăng bất thường, ngược lại huyết áp tâm trương lại ở mức bình thường.
  • Cao huyết áp khi mang thai: Đây là dạng cao huyết áp nguy hiểm có thể gây hại cho sức khỏe của thai phụ và thai nhi.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân gây bệnh cao huyết áp rất đa dạng. Tuy nhiên có nhiều trường hợp không xác định được nguyên nhân gây ra tình trạng này. Những yếu tố bên ngoài, bên trong cơ thể tác động gây huyết áp cao có thể kể đến như:

  • Thói quen sinh hoạt: Huyết áp có thể tăng cao do ảnh hưởng bởi chế độ sinh hoạt kém khoa học, ngủ không đủ giấc, lười vận động gây thừa cân béo phì, bệnh tiểu đường,...
  • Yếu tố dinh dưỡng: Ăn uống không đủ chất, ăn quá dư thừa muối, đường khiến cơ thể có khả năng bị tăng huyết áp. Nếu thói quen này kéo dài, người bệnh còn có nguy cơ gặp phải các biến chứng không mong muốn khác.
  • Do bệnh lý: Một số chứng bệnh có thể tác động khiến huyết áp của người bệnh tăng cao thường xuyên. Kể đến như bệnh về thận, bệnh hẹp động mạch chủ, rối loạn nhịp tim, bệnh tiểu đường,... và nhiều bệnh lý liên quan khác.
  • Các nguyên nhân khác: Bên cạnh các yếu tố kể trên, tình trạng cao huyết áp có thể diễn ra trong thời gian ngắn do hoạt động thể chất, tính chất công việc, và nhiều nguyên nhân khác.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Huyết áp đo được ở những người bình thường dao động 120-130/80-89mmHg. Tuy nhiên tùy tình trạng sức khỏe, thể trạng của từng người mà mức huyết áp ổn định không hoàn toàn giống nhau. Khi kiểm tra chỉ số huyết áp hàng ngày, nhận thấy chỉ số huyết áp tâm thu dao động, tăng cao thường xuyên, bạn cần đến gặp bác sĩ.

Triệu chứng
Người bị cao huyết áp có chỉ số đo được cao kèm theo các biểu hiện toàn thân bất thường

Ngoài sự thay đổi chỉ số, người bị cao huyết áp còn xuất hiện các triệu chứng đột ngột không rõ ràng. Sau một thời gian, bệnh lý nặng hơn, dấu hiệu cũng tiến triển nặng dần. Bệnh nhân có thể cảm thấy cơ thể có những triệu chứng như:

  • Đau đầu, hơi ù tai hoặc ù tai nặng, mất thăng bằng, chóng mặt hoa mắt.
  • Hơi thở ngắn, thở nông, một số trường hợp bị chảy máu mũi.
  • Đau vùng ngực, tim đập nhanh hơn bình thường, khó thở trở nên nặng hơn.
  • Mắt nhìn mờ, đỏ mặt, buồn nôn và nôn.
  • Mất ngủ, ngủ không sâu giấc, ngủ trằn trọc.
  • Tiểu ra máu.

Chẩn đoán

Phương pháp chẩn đoán cao huyết áp được áp dụng chính là đo huyết áp. Người bệnh có thể tự kiểm tra tại nhà hoặc đến phòng khám để theo dõi. Các chỉ số đo được như:

  • Đo tại phòng khám huyết áp lớn hơn hoặc bằng 140/90mmHg.
  • Đo tại nhà huyết áp lớn hơn hoặc bằng 135/85mmHg.
  • Sử dụng máy theo dõi huyết áp trong 24 giờ liên tục đo được huyết áp lớn hơn hoặc bằng 130/80mmHg.

Để xác định nguyên nhân gây bệnh, các xét nghiệm khác sẽ được chỉ định sau khi có kết quả đo huyết áp. Bao gồm:

  • Xét nghiệm tìm ra nguyên nhân và đánh giá ảnh hưởng huyết áp cao đến các cơ quan khác.
  • Siêu âm bụng tổng quát, siêu âm động mạch thận, động mạch chủ.
  • Xét nghiệm chức năng thận, kiểm tra hormone tuyến thượng thận, các chỉ số tại thận.
  • Chụp CT, MRI vùng bụng nhằm phát hiện khối u tuyến thượng thận nếu có.
  • Đo điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm nước tiểu.
  • Đa ký giấc ngủ, đo chỉ số huyết áp ở cổ tay, chân, chụp võng mạc.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh cao huyết áp có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe người bệnh. Trường hợp cao huyết áp liên tục, kèm theo các bệnh lý khác có thể khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ biến chứng. Những vấn đề rủi ro bệnh gây ra kể đến như:

  • Biến chứng tại tim khiến bệnh nhân có nguy cơ bị suy tim, rung nhĩ, nồi máu cơ tim,...
  • Biến chứng tại thận tăng nguy cơ suy thận.
  • Biến chứng tại não khiến người bệnh có rủi ro suy giảm trí nhớ nặng, nhồi máu não hoặc xuất huyết não nguy hiểm.
  • Biến chứng mạch máu gây phù mạch, xuất huyết diễn ra ở đáy mắt dẫn đến mù lòa vĩnh viễn.
  • Biến chứng ở nam giới dẫn đến rối loạn cương dương kèm theo đái tháo đường, người bệnh có thể bị vô sinh, hiếm muộn.

Các biến chứng kể trên có thể đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân. Do đó, người bệnh bị cao huyết áp nên khám và điều trị sớm để giảm thiểu các rủi ro không mong muốn.

Biến chứng cao huyết áp
Thận trọng với các biến chứng cao huyết áp, bệnh nhân có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời

Điều trị

Phác đồ điều trị bệnh cao huyết áp gồm các nguyên tắc chung:

  • Điều trị và theo dõi điều trị trong thời gian dài.
  • Hạ huyết áp về mức ổn định, giảm nguy cơ tim mạch.
  • Điều trị tích cực cho bệnh nhân có xảy ra tổn thương các cơ quan khác. Cần nhanh chóng hạ áp để ngăn biến chứng thiếu máu, ngoại trừ những trường hợp cấp cứu.

Điều trị bằng thuốc tại cơ sở y tế: 

  • Tùy vào tình trạng tăng huyết áp ở mức độ nào, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc hạ áp, hỗ trợ ổn định huyết áp phù hợp. Một số loai như thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc ức chế thụ thể ATI, thuốc chẹn canxi,...
  • Theo dõi, kiểm tra người bệnh tại cơ sở y tế đã sử dụng thuốc đúng, đủ liều hay không. Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ được thăm khám, điều chỉnh thuốc khi cần thiết, nhất là những trường hợp có dấu hiệu bất thường trong thời gian điều trị.
  • Trường hợp sử dụng thuốc không quay về mức huyết áp mục tiêu cân nhắc chuyển người bệnh lên tuyến trên hoặc chuyển bệnh nhân sang khoa tim mạch để theo dõi phòng biến chứng.

Điều trị tại các cơ sở tuyến trên:

  • Kiểm tra, chẩn đoán phát hiện có tổn thương tại cơ quan đích, tiến hành loại trừ các nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát.
  • Chỉ định phác đồ điều trị theo mức nguy cơ tim mạch của bệnh nhân. Tối ưu các nhóm thuốc hạ áp, phối hợp với các giải pháp can thiệp chuyên khoa nhằm giúp bệnh nhân duy trì mức huyết áp cho phép.
  • Điều trị huyết áp cao kết hợp điều trị dự phòng tình trạng tăng nhịp tim.
  • Thuốc hạ áp được tiêm trực tiếp đường tĩnh mạch nhằm mang lại kết quả hạ áp nhanh, chỉ định cho những trường hợp khẩn cấp.
  • Áp dụng phẫu thuật cho những trường hợp phải hủy thần kinh giao cảm tại khu vực động mạch thận hoặc cần đặt stent động mạch thận.

Biện pháp thay đổi lối sống tích cực:

  • Ngoài điều trị tại cơ sở y tế, những đối tượng bị cao huyết áp nhẹ cũng cần được thăm khám và điều trị theo dõi tại nhà. Nhằm ngăn những nguy cơ cho sức khỏe, người bệnh cần:
  • Giảm ăn mặn, tăng cường các loại rau xanh, hoa quả tươi, hạn chế ăn nhiều đồ ăn chứa cholesterol cao, acid béo no.
  • Duy trì cân nặng về mức cân đối với chỉ số cơ thể, không để tăng cân, béo phì quá mức.
  • Kiểm soát thói quen hàng ngày, vận động, thể dục giúp cơ thể tăng cường đề kháng.
  • Hạn chế các lo âu, stress diễn ra trong thời gian dài, thay vào đó cần lạc quan, nghĩ đến những điều tích cực.

Phòng ngừa

Cao huyết áp là bệnh lý có tính chất mãn tính. Đặc biệt nguy hiểm nếu người bệnh bị cao huyết áp song song với các vấn đề tim mạch, thận,... Nếu chủ quan, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hại. Khuyến khích mỗi người nên chủ động phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe. Một số lưu ý:

  • Ăn uống khoa học, hạn chế sử dụng các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, thức ăn quá mặn, nhiều đường,...
  • Duy trì thói quen ăn nhiều hoa quả, trái cây tươi thay cho những thức ăn chế biến sẵn, đồ ăn đóng hộp.
  • Không nên uống nhiều rượu bia, thức uống chứa cồn, không nên hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích khác.
  • Duy trì cân nặng ở mức cân đối bằng cách có chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện thể dục đều độ.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý, không nên thức khuya thường xuyên, không để cơ thể stress, căng thẳng quá mức,...
  • Khám sức khỏe định kỳ, chủ động theo dõi sức khỏe tại nhà bằng các thiết bị theo dõi chuyên dụng. Đến gặp bác sĩ ngay khi thấy chỉ số huyết áp tăng cao bất thường để được hỗ trợ, điều trị sớm.

Những câu hỏi quan trọng khi khám

1. Cao huyết áp có phải là bệnh lý không?

2. Nguyên nhân gây bệnh cao huyết áp là gì?

3. Triệu chứng cao huyết áp của tôi là gì?

4. Tôi có cần xét nghiệm gì để chẩn đoán bệnh không?

5. Nếu cao huyết áp kéo dài sẽ gây ra biến chứng gì?

6. Tôi cần làm gì để điều trị bệnh cao huyết áp?

7. Uống thuốc hạ áp có chữa được cao huyết áp không?

8. Trong thời gian điều trị tôi nên làm gì để bệnh mau khỏi?

9. Trường hợp xảy ra biến chứng cao huyết áp tôi cần làm gì?

10. Tôi có cần trở lại tái khám thường xuyên không?

Bệnh cao huyết áp có nhiều nguyên nhân gây ra. Đây là bệnh lý nguy hiểm, có thể đe dọa sức khỏe, tính mạng của người bệnh nếu không phát hiện và điều trị sớm. Người bệnh nên đến gặp bác sĩ, thăm khám để được hỗ trợ, bảo đảm an toàn sức khỏe.