Bệnh Xơ Gan Mất Bù
Bệnh xơ gan mất bù là tình trạng xơ gan tiến triển đã xuất hiện báng bụng (cổ trướng) và vàng da. Ở giai đoạn này, gan bị tổn thương nặng dẫn đến suy giảm chức năng trầm trọng. Ngày nay những tiến bộ của y học mang đến triển vọng trong điều trị, góp phần quản lý triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Tổng quan
Bệnh xơ gan mất bù (Decompensated Cirrhosis) là một trong hai hình thái lâm sàng của bệnh xơ gan. Xơ gan là tình trạng tế bào bị tổn thương mãn tính dẫn đến xơ hóa, hình thành các mô sẹo. Theo thời gian, mô xơ lan tỏa làm biến đổi cấu trúc dẫn đến bệnh xơ gan.
Xơ gan được chia thành hai giai đoạn là xơ gan còn bù và xơ gan mất bù. Trong đó, xơ gan mất bù là giai đoạn nặng khi bệnh nhân đã có những triệu chứng lâm sàng rõ rệt như báng bụng (cổ trướng) và da vàng sậm. Ngược lại, xơ gan còn bù gần như không có triệu chứng lâm sàng mà chỉ có bằng chứng về mặt hình ảnh học và cận lâm sàng.
Xơ gan mất bù là vấn đề nghiêm trọng, đe dọa đến sức khỏe và có thể gây ra rất nhiều biến chứng. Ở giai đoạn mất bù, tế bào gan bị tổn thương nặng nề nên chức năng suy giảm rõ rệt. Mô sẹo, xơ hóa ở gan không thể hồi phục nên hiện chưa có bất cứ phương pháp có thể điều trị bệnh dứt điểm. Các biện pháp chỉ được thực hiện nhằm mục đích ngăn chặn tiến triển và cải thiện triệu chứng.
Trong những năm gần đây, đã có nhiều phương pháp mới được nghiên cứu. Những tiến bộ của y học mang đến cơ hội cho bệnh nhân xơ gan mất bù trong việc kéo dài sự sống và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến xơ gan mất bù là do không phát hiện sớm và chậm trễ trong điều trị bệnh. Kết quả là xơ gan tiến triển từ giai đoạn còn bù sang mất bù. Giai đoạn này còn được gọi là xơ gan cổ trướng, vì triệu chứng điển hình là cổ trướng (báng bụng).
Xơ gan là kết quả do hiện tượng tế bào gan bị viêm trong một thời gian dài. Tế bào gan nỗ lực sửa chữa tổn thương bằng cách thay đổi cấu trúc, dẫn đến hình thành các mô sẹo lan tỏa theo thời gian.
Các yếu tố gia tăng nguy cơ bệnh xơ gan mất bù:
- Bị gan nhiễm mỡ do rượu hoặc không do rượu (tác dụng phụ của thuốc, hóa trị, tiểu đường type 2, rối loạn lipid máu…)
- Bị viêm gan do bia rượu, viêm gan B, viêm gan C mãn tính
- Các hội chứng rối loạn chuyển hóa đồng, sắt
- Các bệnh lý tự miễn, ứ mật…
- Thiếu hụt alpha-1 antitrypsin
- Mắc bệnh xơ gan mật nguyên phát, viêm đường mật nguyên phát…
- Nhiễm trùng mãn tính (rubella, giang mai) cũng gia tăng nguy cơ mắc bệnh
- Tác dụng phụ của thuốc (thường là thuốc chống thấp khớp Methotrexate)
Nếu được điều trị sớm và tích cực, tiến triển của bệnh xơ gan sẽ được kiểm soát và có thể hạn chế nguy cơ chuyển sang giai đoạn mất bù. Đa phần trường hợp xơ gan mất bù đều do phát hiện muộn hoặc do chủ quan, không can thiệp điều trị theo chỉ định.
Triệu chứng và chẩn đoán
Xơ gan ở giai đoạn còn bù thường không có biểu hiện lâm sàng. Ở giai đoạn mất bù, các triệu chứng lâm sàng đã xuất hiện và tương đối rõ ràng.
Có thể nhận biết bệnh thông qua các dấu hiệu sau:
- Đầy bụng, ăn uống kém, giảm vị giác
- Cơ thể suy nhược, mệt mỏi
- Giảm khả năng lao động rõ rệt
- Một hoặc cả hai chân bị phù lên, khi ấn vào sẽ để lại vết lõm và vết lõm biến mất sau 1 - 2 phút
- Vàng da, vàng mắt
- Niêm mạc mắt, môi và lưỡi nhợt nhạt
- Dễ bị chảy máu (chảy máu chân răng, chảy máu cam, ban xuất huyết ở da)
- Hiện tượng cổ trướng (báng bụng) với các đặc điểm như da bụng căng và to lên bất thường do ứ dịch ở ổ bụng. Đây cũng là lý do bệnh xơ gan mất bù còn được gọi là xơ gan cổ trướng.
- Quan sát vùng da ở mạn sườn và da bụng nhận thấy các mạch máu nổi lên vô cùng rõ ràng
- Thường xuyên buồn nôn, nôn mửa
- Đau bụng dai dẳng
- Sụt cân nhanh chóng
Các triệu chứng lâm sàng không đủ để chẩn đoán xơ gan mất bù. Vậy nên khi nhận thấy các triệu chứng bất thường, cần thăm khám để thực hiện thêm xét nghiệm cận lâm sàng. Để chẩn đoán xơ gan mất bù, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng sau:
- Xét nghiệm công thức máu: Xét nghiệm công thức máu giúp xác định nồng độ bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu. Ở bệnh nhân xơ gan mất ngủ, các tế bào máu đều sụt giảm đáng kể.
- Xét nghiệm đông máu: Ngoài chức năng chuyển hóa và dự trữ năng lượng, gan còn sản xuất các yếu tố đông máu. Xét nghiệm đông máu có thể đánh giá được chức năng hiện tại của gan.
- Xét nghiệm men gan, bilirubin: Các xét nghiệm này được thực hiện với hầu hết các bệnh lý về gan. Đối với xơ gan mất ngủ, xét nghiệm bilirubin nhận thấy kết quả tăng đáng kể. Chỉ số ALT, AST bình thường hoặc tăng nhẹ, ALP tăng cao trong giai đoạn xơ gan mất bù. GGT cũng có dấu hiệu tăng, đặc biệt là trong trường hợp xơ gan do rượu.
- Xét nghiệm điện giải đồ: Xét nghiệm điện giải đồ cho phép đo nồng độ Na+ máu và K+ máu. Ở bệnh nhân xơ gan mất bù, cả hai chỉ số này đều giảm.
- Siêu âm: Siêu âm là kỹ thuật được chỉ định trong chẩn đoán bệnh xơ gan nói chung và xơ gan mất bù nói riêng. Thông qua phương pháp này, bác sĩ có thể nhận thấy các dấu hiệu cận lâm sàng rõ rệt như kích thước gan thay đổi, bề mặt xuất hiện nốt dẫn đến tình trạng gồ ghề, nhu mô gan thô. Siêu âm còn giúp bác sĩ phát hiện dịch trong ổ bụng và huyết khối trong tĩnh mạch cửa.
- CT: Bên cạnh siêu âm, CT cũng được thực hiện để chẩn đoán xơ gan mất bù. Hình ảnh từ CT còn giúp phát hiện huyết khối ở tĩnh mạch cửa và gan nhiễm mỡ.
- Nội soi dạ dày - tá tràng: Xơ gan ảnh hưởng nhiều đến tĩnh mạch thực quản và dạ dày. Nội soi được thực hiện để xác định có hiện tượng giãn tĩnh mạch thực quản và tâm vị.
- Các xét nghiệm khác: Một số xét nghiệm như xét nghiệm Anti HCV, HBsAg, xét nghiệm ANA, xét nghiệm Anti LKM 1… có thể xác định nguyên nhân, yếu tố nguy cơ gây xơ gan mất bù.
Xơ gan mất bù là bệnh lý nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhiều tạng khác trong cơ thể. Chẩn đoán không chỉ được thực hiện để xác định giai đoạn xơ gan mà còn phát hiện biến chứng.
Xơ gan mất bù được xác định khi xuất hiện hiện tượng báng bụng và giãn tĩnh mạch thực quản. Trường hợp nặng có thể xảy ra xuất huyết tiêu hóa do vỡ tĩnh mạch.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh xơ gan mất bù có tiên lượng xấu, dù ở giai đoạn III hay giai đoạn IV. Đối với giai đoạn III, tỷ lệ tử vong sau 1 năm lên đến 20% và tỷ lệ lên đến 57% vào giai đoạn IV. Vì vậy, triển vọng cho bệnh nhân ở giai đoạn mất bù là không cao.
Tuy nhiên, điều trị vẫn được thực hiện để đảm bảo trong thời gian sống, bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt nhất. Những cải tiến của y học mang đến nhiều cơ hội cho bệnh nhân xơ gan mất bù. Ngoài việc cải thiện triệu chứng, điều trị còn có tác dụng phòng ngừa biến chứng suy đa cơ quan.
Xơ gan mất bù thường gây ra các biến chứng như báng bụng, xuất huyết tiêu hóa do vỡ tĩnh mạch thực quản, vàng da nặng và bệnh não gan. Khi chưa xuất hiện những biến chứng này, bệnh xơ gan đang ở giai đoạn còn bù với tỷ lệ sống sót lên đến 12 năm. Nhưng khi chuyển sang giai đoạn mất bù, thời gian sống trung bình chỉ khoảng 2 năm.
Ngoài ra, bệnh nhân xơ gan mất bù còn phải đối mặt với nhiều biến chứng như viêm phúc mạc nhiễm khuẩn nguyên phát, hội chứng gan thận, hội chứng gan phổi, rối loạn đông máu và nghiêm trọng nhất là ung thư gan. Dù điều trị còn nhiều khó khăn nhưng vẫn có thể ngăn ngừa một số biến chứng kể trên.
Điều trị
Hiện nay, điều trị bệnh xơ gan mất bù còn nhiều hạn chế và chưa có bất cứ phương pháp nào có thể phục hồi, tái tạo mô sẹo ở gan. Dù vậy, điều trị sẽ giúp giảm triệu chứng, kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Tùy theo tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân, các phương pháp sẽ được cân nhắc bao gồm:
Tránh các yếu tố làm tổn thương gan
Gan ở giai đoạn xơ gan mất bù vô cùng nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Ở giai đoạn này, bắt buộc phải tránh tất cả những yếu tố có thể làm tổn thương gan. Nếu không kiêng cữ, hiện tượng xơ hóa sẽ xảy ra trên diện rộng khiến gan mất chức năng hoàn toàn.
- Nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, hạn chế làm việc căng thẳng và không nên lao động nặng nhọc.
- Kiêng hoàn toàn thức uống chứa cồn, hạn chế trà và cà phê.
- Không sử dụng các loại thuốc chuyển hóa qua gan như thuốc chống viêm không steroid, Paracetamol, Chloramphenicol, Quinine, Cimetidin…
- Trường hợp rối loạn chuyển hóa lipid sẽ được dùng thuốc Statin để hỗ trợ.
- Tiểu đường sẽ khiến cho xơ gan mất bù tiến triển nhanh và gây ra nhiều biến chứng. Do đó, bệnh nhân mắc đồng thời với tiểu đường cần quản lý bệnh tốt để tránh ảnh hưởng đến chức năng gan.
Bên cạnh tránh các yếu tố làm tổn thương gan, các biện pháp hỗ trợ cũng sẽ giúp giảm triệu chứng khó chịu do xơ gan mất bù gây ra. Các biện pháp hỗ trợ bao gồm:
- Xây dựng chế độ ăn cân bằng với đầy đủ vitamin, khoáng chất, tăng cường nhiều rau xanh để giảm táo bón. Nên hạn chế đạm động vật và mỡ. Chế biến thức ăn ở dạng mềm, lỏng để dễ tiêu hóa.
- Có thể bổ sung viên uống chứa L-Aspartate, L-Ornithin, Arginine nhằm bổ sung thêm dinh dưỡng trong trường hợp ăn uống kém.
- Dùng thêm các loại thuốc hỗ trợ gan nếu cần thiết như Ursodeoxycholic acid, Biphenyl dimethyl dicarboxylate, Silymarin, acid amin phân nhánh…
Điều trị nguyên nhân
Điều trị bệnh nguyên sẽ giúp kiểm soát hoặc ngăn chặn hoàn toàn tiến triển của bệnh xơ gan mất bù. Nguyên nhân chủ yếu gây xơ gan mất bù là do viêm gan B, C mãn tính. Do đó có thể sử dụng thuốc để ức chế sự nhân lên của virus viêm gan B và C.
Điều trị bệnh nguyên đối với xơ gan do viêm gan B không thực sự triển vọng. Ngược lại, trường hợp do viêm gan C có cải thiện đáng kể. Thuốc kháng virus giúp giảm đáng kể các triệu chứng ở bệnh nhân xơ gan mất bù do viêm gan C.
Điều trị biến chứng
Điều trị bệnh nguyên và tránh các yếu tố làm tổn thương gan sẽ giúp ngăn chặn, làm chậm tiến triển bệnh. Bên cạnh đó, cần phải điều trị biến chứng để kéo dài thời gian sống còn và nâng cao chất lượng cuộc sống. Chỉ định điều trị phụ thuộc vào từng biến chứng và tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân.
Báng bụng
Báng bụng là tình trạng ứ đọng dịch nhiều ở bên trong ổ bụng khiến cho bụng to một cách bất thường. Trường hợp báng bụng nhẹ không cần điều trị cụ thể. Báng bụng mức độ vừa nên hạn chế muối và bổ sung các loại rau, trái cây lợi tiểu để giảm dịch ứ đọng.
Điều trị cụ thể cho biến chứng báng bụng ở bệnh nhân xơ gan mất bù:
- Với những trường hợp dịch ứ đọng nhiều, cần dùng thuốc Spironolacton và Furosemid.
- Kết hợp thuốc với giảm cân để cải thiện tình trạng báng bụng.
- Trường hợp dịch báng quá nhiều và không có hiệu quả với thuốc lợi tiểu sẽ được chỉ định chọc tháo dịch ổ bụng.
Giãn tĩnh mạch thực quản
Ở giai đoạn mất bù, tất cả bệnh nhân đều bị giãn tĩnh mạch thực quản. Khi tế bào gan bị xơ hóa và hình thành mô sẹo, lưu lượng máu đến gan sẽ bị chặn lại dẫn đến tình trạng máu chảy vào các mạch máu nhỏ hơn. Dần dần, các mạch máu bị giãn, thậm chí là vỡ gây xuất huyết.
Sau khi phát hiện giãn tĩnh mạch thực quản qua nội soi, bệnh nhân sẽ được điều trị để phòng ngừa vỡ tĩnh mạch. Phương pháp điều trị cụ thể dựa vào mức độ giãn của tĩnh mạch thực quản:
- Trường hợp giãn nhẹ (độ I): Sử dụng thuốc ức chế beta không chọn lọc và theo dõi định kỳ 3 tháng/ lần.
- Trường hợp giãn vừa và nặng (độ II, III): Dùng thuốc ức chế beta không chọn lọc. Nếu không dung nạp hoặc chống chỉ định với thuốc sẽ phải thắt tĩnh mạch thực quản để phòng ngừa nguy cơ xuất huyết tiêu hóa.
Điều trị xuất huyết tiêu hóa do vỡ tĩnh mạch thực quản
Với những trường hợp đã vỡ tĩnh mạch thực quản, cần cấp cứu trong thời gian sớm nhất để được hỗ trợ. Chỉ định điều trị phụ thuộc vào mức độ xuất huyết, nhưng nhìn chung sẽ bao gồm các phương pháp sau:
- Truyền máu nhằm bồi hoàn thể tích tuần hoàn.
- Sử dụng thuốc vận mạch (Octreotide, Somatostatin, Terlipressin trong 2 - 5 ngày. Thuốc nên được sử dụng càng sớm càng tốt để nâng huyết áp, tránh tử vong do sốc.
- Nội soi cầm máu.
- Trường hợp không thể cầm máu qua nội soi, phải thắt tĩnh mạch thực quản. Nếu tiếp tục thất bại, bệnh nhân sẽ được thực hiện phương pháp TIPS. Khi máu chảy nhiều, cần đặt ống thông Sengstaken - Blakemore trước khi can thiệp nội soi và TIPS.
- Sau khi cầm máu, bệnh nhân cần dùng kháng sinh dự phòng trong 7 ngày để tránh nhiễm trùng. Ceftriaxone và Norfloxacin là hai loại kháng sinh được dùng trong trường hợp này.
Xuất huyết tiêu hóa có thể tái phát ở bệnh nhân xơ gan mất bù. Do đó, cần thực hiện thêm các biện pháp phòng ngừa:
- Sử dụng thuốc chẹn beta hoặc thắt tĩnh mạch thực quản
- Kết hợp thuốc chẹn beta và Isosorbide mononitrate
Rối loạn đông máu
Prothrombin được gan sản xuất liên tục để đảm bảo tốc độ đông máu. Xơ gan mất bù khiến chức năng gan suy giảm, điều này đồng nghĩa với việc sự đông máu bị ức chế.
Bệnh nhân xơ gan mất bù đã xuất hiện biến chứng đông máu sẽ được điều trị cụ thể như sau:
- Vitamin K được dùng ở dạng tiêm bắp từ 3 - 5 ngày
- Truyền huyết tương tươi đông lạnh hoặc truyền tiểu cầu cũng được cân nhắc (thường chỉ định cho bệnh nhân chuẩn bị phẫu thuật hoặc đang bị xuất huyết)
Viêm phúc mạc nhiễm khuẩn nguyên phát
Viêm phúc mạc nhiễm khuẩn nguyên phát là biến chứng thường gặp ở bệnh nhân xơ gan mất bù. Biểu hiện là tiêu chảy, đau bụng, sốt, rối loạn tri giác và suy giảm chức năng thận. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu này, cần cấp cứu để được hỗ trợ kịp thời.
Bác sĩ sẽ lấy dịch ổ bụng để nuôi cấy, xác định vi khuẩn, trong đó thường gặp nhất là Streptococcus pneumoniae (phế cầu khuẩn), Klebsiella Pneumoniae, Escherichia coli… Kháng sinh là phương pháp chính trong điều trị viêm phúc mạc nhiễm khuẩn thứ phát.
Dựa vào kết quả cấy vi khuẩn, bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh phù hợp. Phần lớn trường hợp đều sẽ được dùng kháng sinh phổ rộng cephalosporin thế hệ III đường tĩnh mạch trong 5 - 7 ngày:
- Ceftriaxon 2g/ ngày
- Cefotaxim 2g/ 3 - 4 lần/ ngày
Hội chứng gan thận
Hội chứng gan thận là biến chứng suy thận chức năng thường xảy ra vào giai đoạn cuối của bệnh xơ gan. Hội chứng này được chia thành 2 loại bao gồm type 1 - suy giảm chức năng thận tiến triển nhanh và type 2 - suy chức năng thận tiến triển chậm + báng bụng kháng trị.
Khi hội chứng gan thận xảy ra, tỷ lệ tử vong là rất cao nên chủ yếu thực hiện các biện pháp hỗ trợ đảm bảo sự sống còn. Đối với bệnh nhân xơ gan mất bù, các bác sĩ đều khuyến khích ghép gan để phòng tránh biến chứng này.
Điều trị các biến chứng khác
Ngoài những biến chứng trên, bệnh xơ gan mất bù còn gây ra nhiều biến chứng khác. Tùy vào biến chứng mà bệnh nhân gặp phải, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp:
- Bệnh não gan: Bệnh não gan (hôn mê gan) là biến chứng nặng, đặc trưng bởi tình trạng hôn mê, rối loạn hành vi và ý thức do chức năng gan suy giảm. Nguyên nhân sâu xa là độc tố không được gan chuyển hóa, đào thải mà tích tụ ở hệ thần kinh trung ương gây ra các triệu chứng tâm thần. Với biến chứng này, điều trị rất hạn chế và mức độ đáp ứng thường kém.
- Phù và hạ natri máu: Sử dụng thuốc lợi tiểu Tolvaptan để điều chỉnh nồng độ Natri trong máu.
Các phương pháp khác
Hiện nay, đã có một số phương pháp được chứng minh mang lại hiệu quả trong điều trị xơ gan mất bù bao gồm:
Thuốc statin
Thuốc statin được sử dụng cho hầu hết bệnh nhân bị xơ gan mất bù nhờ có nhiều hiệu quả như chống viêm, cải thiện rối loạn chức năng nội mô, chống xơ hóa và chống oxy hóa. Loại thuốc này cũng có hiệu quả trong việc phòng ngừa tiêu cơ vân ở bệnh nhân xơ gan cổ trướng.
Albumin
Albumin được sử dụng để phòng ngừa rối loạn chức năng tuần hoàn và rối loạn chức năng thận ở bệnh nhân xơ gan mất bù. Ngoài ra, thuốc còn có hiệu quả trong việc điều trị hội chứng gan thận. Sử dụng thuốc trong thời gian dài có tác dụng giảm báng bụng và tỷ lệ gặp phải các biến chứng khác cũng giảm đi đáng kể.
Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch là phương pháp mới hiện nay. Phương pháp này có tác dụng điều hòa miễn dịch và hỗ trợ tái tạo tế bào gan. Mức độ nặng của bệnh giảm đáng kể sau khi thực hiện, tỷ lệ gặp phải biến chứng giảm và thời gian sống tăng lên đáng kể.
Phòng ngừa
Xơ gan mất bù là căn bệnh nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng và làm giảm chất lượng cuộc sống đáng kể. Nhìn chung, bệnh xơ gan nói chung và xơ gan mất bù nói riêng đều có thể phòng ngừa thông qua các biện pháp sau:
- Không lạm dụng bia rượu và các loại đồ uống chứa cồn khác.
- Tiêm ngừa viêm gan A và B.
- Quan hệ tình dục an toàn để tránh lây nhiễm viêm gan B và viêm gan C.
- Tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi, rửa sạch tay trước khi chế biến thức ăn. Không uống nước chưa đun sôi và sữa chưa được tiệt trùng.
- Hạn chế mỡ, đạm động vật, gia vị trong bữa ăn hằng ngày. Uống đủ 2 lít nước/ ngày và tăng cường rau xanh để hỗ trợ chức năng gan.
- Không hút thuốc lá.
- Tránh tiếp xúc với các hóa chất gây độc cho cơ thể nói chung và gan nói riêng.
- Không tự ý dùng thuốc, kể cả các loại thuốc không kê toa.
- Kiểm soát tốt các vấn đề sức khỏe ảnh hưởng xấu đến chức năng gan như tiểu đường, rối loạn lipid máu, rối loạn tuyến giáp…
- Điều trị các vấn đề liên quan đến mật như tắc đường mật, bệnh sán lá gan… Khi đường mật có vấn đề, tế bào gan sẽ bị tổn thương và nguy cơ bị xơ gan cũng gia tăng đáng kể.
- Trường hợp bị viêm gan B, C, viêm gan do rượu bia, gan nhiễm mỡ… cần điều trị tích cực và theo dõi thường xuyên để phòng ngừa biến chứng xơ gan.
- Khám định kỳ 1 lần/ năm giúp phát hiện sớm các vấn đề bất thường. Nếu được chẩn đoán sớm, xơ gan sẽ được điều trị ở giai đoạn còn bù và hiếm khi chuyển sang giai đoạn còn bù.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Bệnh xơ gan mất bù khác gì với bệnh xơ gan còn bù?
2. Tình trạng của tôi có nghiêm trọng? Thời gian sống còn bao lâu?
3. Bị xơ gan mất bù cần lưu ý gì khi ăn uống và sinh hoạt?
4. Loại thuốc nào tốt nhất cho tình trạng của tôi?
5. Tôi có thể điều trị ngoại trú hay điều trị nội trú?
6. Xơ gan mất bù khi nào cần phẫu thuật?
7. Chi phí điều trị bệnh xơ gan mất bù có cao không? Có được BHYT hỗ trợ?
Bệnh xơ gan mất bù là tình trạng xơ gan tiến triển gây ra biến chứng báng bụng, giãn tĩnh mạch thực quản, xuất huyết tiêu hóa… Tiên lượng ở giai đoạn này thường xấu, thời gian sống trung bình chỉ khoảng 2 năm. Tuy nhiên, điều trị vẫn cần thiết để bệnh nhân kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống.