Bệnh Gan Nhiễm Mỡ
Bệnh gan nhiễm mỡ xảy ra khi gan tích tụ nhiều mỡ hơn so với bình thường. Bệnh gặp chủ yếu ở người từ 40 - 60 tuổi và thường có liên quan đến bia rượu. Gan nhiễm mỡ có thể được cải thiện bằng cách điều chỉnh lối sống, nhưng nếu chủ quan có thể dẫn đến viêm gan, xơ gan.
Tổng quan
Bệnh gan nhiễm mỡ (Fatty Liver) là tình trạng gan tích tụ nhiều mỡ hơn bình thường. Thông thường, lượng mỡ trong gan chỉ chiếm khoảng 2 - 4% trọng lượng. Khi số lượng mỡ tích tụ vượt quá 5% sẽ được xác định là gan nhiễm mỡ. Nếu không có biện pháp cải thiện, lượng mỡ tích tụ ngày một nhiều khiến cho chức năng của gan bị ảnh hưởng.
Gan là cơ quan nội tạng lớn thứ 2 trong cơ thể. Chức năng của cơ quan này là chuyển hóa thức ăn, dự trữ năng lượng, sản xuất các yếu tố đông máu và thanh lọc độc tố. Gan là một trong số ít cơ quan có khả năng tự phục hồi, thay thế những tế bào tổn thương. Tuy nhiên, lượng mỡ tích tụ quá nhiều sẽ cản trở quá trình tái tạo và làm giảm các chức năng khác của gan.
Nguyên nhân chủ yếu gây gan nhiễm mỡ là do lạm dụng bia rượu. Ngoài ra, chế độ ăn uống không hợp lý, ít vận động, dùng thuốc dài hạn, hút thuốc lá… cũng là những yếu tố góp phần gây ra bệnh lý này.
Tỷ lệ bị gan nhiễm mỡ ngày càng gia tăng. Thống kê cho thấy, khoảng 10 - 20% dân số Hoa Kỳ mắc phải căn bệnh này. Nguy cơ mắc bệnh không có sự chênh lệch ở nam và nữ, đặc biệt gặp nhiều ở người từ 40 - 60 tuổi bị thừa cân - béo phì và người có lối sống không lành mạnh.
Phân loại bệnh
Ngày nay, đời sống được nâng cao khiến cho tỷ lệ mắc bệnh gan nhiễm mỡ ngày càng gia tăng. Dựa vào cơ chế bệnh sinh, bệnh được chia thành 4 loại:
Gan nhiễm mỡ do rượu (ALD)
Như tên gọi, gan nhiễm mỡ do rượu là tình trạng gan tích tụ nhiều mỡ do thói quen lạm dụng bia rượu. Khi dung nạp đồ uống có cồn, gan sẽ chịu trách nhiệm chuyển hóa và thanh lọc độc tố.
Khoảng 90% cồn trong bia rượu sẽ đi vào gan. Enzyme ADH trong cơ quan này sẽ chuyển hóa cồn (ethanol) thành acetaldehyde. Kế tiếp, acetaldehyde sẽ chịu tác động của các enzyme khác để chuyển đổi thành CO2, axit axetic và nước.
Trường hợp uống quá nhiều bia rượu, gan sẽ bị quá tải. Sau khi chuyển hóa thành acetaldehyde, lượng enzyme trong gan tiết không đủ gây lắng đọng acetaldehyde - chất độc đối với gan và các cơ quan khác như dạ dày, ống tiêu hóa, thần kinh.
Gan nhiễm mỡ do rượu có thể tiến triển thành viêm gan do rượu, xơ gan và suy gan. Ngoài ra, dung nạp nhiều rượu bia còn ảnh hưởng đến các nội tạng khác trong cơ thể. Khi các tạng đồng thời suy giảm chức năng, cơ thể sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng.
Gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD)
Gan nhiễm mỡ không do rượu được dùng để mô tả tình trạng gan tích tụ nhiều mỡ do các nguyên nhân khác như tiểu đường, béo phì, rối loạn lipid máu, tác dụng phụ của thuốc, chế độ ăn uống không phù hợp… So với gan nhiễm mỡ do rượu, gan nhiễm mỡ không do rượu có nguyên nhân đa dạng hơn nên điều trị, chẩn đoán cũng khá phức tạp.
Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu
Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu là tình trạng các tế bào gan bị viêm do lượng mỡ tích tụ quá nhiều. Phản ứng viêm sẽ gây tổn thương, thậm chí phá hủy tế bào gan. Viêm gan sẽ khiến cho kích thước của gan gia tăng kèm theo đau và suy giảm chức năng. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm gan nhiễm mỡ không do rượu có thể gây ra xơ gan và suy gan.
Gan nhiễm mỡ cấp trong thai kỳ
Gan nhiễm mỡ cấp trong thai kỳ đề cập đến tình trạng gan tích tụ nhiều mỡ xảy ra trong thời gian mang thai. Tình trạng này là một biến chứng thai kỳ hiếm gặp nhưng có mức độ vô cùng nghiêm trọng. Gan nhiễm mỡ cấp thường xảy ra vào 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu không được kiểm soát, cả sức khỏe của mẹ và bé đều bị ảnh hưởng.
Hiện nay, nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ cấp trong thai kỳ chưa được biết rõ nhưng có thể liên quan đến di truyền. Ngoài ra, sự thay đổi của hormone cũng góp phần gây ra tình trạng này.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Như đã đề cập, bia rượu là nguyên nhân chủ yếu gây gan nhiễm mỡ. Bên cạnh đó, một số yếu tố khác như rối loạn lipid, rối loạn chuyển hóa, thừa cân - béo phì, chế độ ăn không hợp lý… cũng góp phần gia tăng lượng mỡ tích tụ trong gan.
Các nguyên nhân, yếu tố gây bệnh gan nhiễm mỡ:
- Lạm dụng rượu bia trong thời gian dài
- Thừa cân - béo phì
- Rối loạn lipid máu
- Gen di truyền
- Sử dụng các loại thuốc chuyển hóa qua gan như Tetracycline, Tamoxifen, Aspirin…
- Mắc các bệnh viêm gan như viêm gan A, viêm gan B, C…
- Bị tiểu đường type 2
- Mắc các hội chứng rối loạn chuyển hóa
- Các yếu tố như mang thai, mắc hội chứng đa nang buồng trứng, hội chứng ngưng thở khi ngủ, suy tuyến yên, suy giáp, tuổi tác cao, hút thuốc lá, chế độ ăn nhiều chất béo… cũng góp phần gia tăng nguy cơ bị gan nhiễm mỡ.
Trong nhiều trường hợp, gan nhiễm mỡ không xảy ra do một nguyên nhân cụ thể mà là kết quả của nhiều yếu tố kết hợp. Để được xác định nguyên nhân chính xác, bạn sẽ cần đến sự hỗ trợ của bác sĩ/ chuyên gia y tế.
Triệu chứng và chẩn đoán
Bệnh gan nhiễm mỡ hiếm khi gây ra triệu chứng rõ ràng. Một số trường hợp xuất hiện các biểu hiện nghèo nàn. Các triệu chứng sẽ trở nên rõ ràng hơn khi gan bị viêm do lượng mỡ tích tụ quá nhiều.
Các triệu chứng của bệnh gan nhiễm mỡ bao gồm:
- Khó chịu, đau âm ỉ ở vùng hạ sườn phải
- Ăn uống kém
- Chán ăn
- Đau bụng
- Vàng da
- Mệt mỏi
- Vàng da nhẹ, nước tiểu sẫm màu, vàng mắt
- Ngứa da
- Đỏ lòng bàn tay
Nhìn chung, các triệu chứng của bệnh gan nhiễm mỡ khá nghèo nàn. Đa phần các trường hợp mắc bệnh đều “vô tình” phát hiện khi khám định kỳ. Một số trường hợp bệnh tiến triển gây viêm, thậm chí xơ gan mới phát hiện.
Khi đến khám, bạn cần thông báo với bác sĩ về các triệu chứng gặp phải và trả lời đầy đủ các câu hỏi. Các câu hỏi được đặt ra để giúp bác sĩ sàng lọc các yếu tố nguy cơ như lịch sử dùng thuốc, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, tiền sử mắc các bệnh viêm gan…
Như đã đề cập, triệu chứng lâm sàng của bệnh gan nhiễm mỡ khá nghèo nàn. Vì vậy để chẩn đoán xác định, sẽ cần đến những kỹ thuật cận lâm sàng như:
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu được thực hiện để đo nồng độ men gan. Nếu gan có vấn đề, nồng độ men gan trong máu sẽ có dấu hiệu tăng. Tuy nhiên, kết quả từ xét nghiệm này không đủ để đưa ra chẩn đoán xác định.
- Siêu âm: Siêu âm là xét nghiệm hình ảnh có giá trị trong chẩn đoán gan nhiễm mỡ. Hình ảnh thông qua siêu âm sẽ giúp bác sĩ phát hiện tình trạng tăng lượng mỡ tích tụ ở gan.
- Sinh thiết gan: Sinh thiết gan được thực hiện sau khi xét nghiệm máu và siêu âm. Tế bào gan sẽ được kiểm tra tế bào học để xác định nguyên nhân gây bệnh gan nhiễm mỡ.
- Xét nghiệm virus gây bệnh viêm gan: Trong một số trường hợp, gan nhiễm mỡ có liên quan đến viêm gan B, C mãn tính. Xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ xác định sự hiện diện của virus gây viêm gan để có phác đồ điều trị phù hợp.
Biến chứng và tiên lượng
Nếu phát hiện sớm, gan nhiễm mỡ ít khi ảnh hưởng đến sức khỏe. Gan là cơ quan có thể tự sửa chữa, thay thế các tế bào tổn thương. Vì vậy, đa phần các trường hợp gan nhiễm mỡ đều không phải điều trị mà chỉ cần điều chỉnh lối sống.
Gan nhiễm mỡ không được can thiệp sẽ làm tăng lượng mỡ tích tụ trong gan. Khi lượng mỡ tích tụ quá nhiều sẽ gây ra hiện tượng viêm cấp và mãn tính. Viêm gan sẽ khiến chức năng của cơ quan này suy giảm, cơ thể mệt mỏi, chán ăn, ăn uống kém, vàng da…
Viêm gan không được kiểm soát sẽ gia tăng gây xơ gan. Xơ gan là kết quả của việc gan nỗ lực sửa chữa tổn thương ở tế bào khiến các mô sẹo hình thành. Xơ gan xảy ra trên diện rộng làm cho gan suy giảm chức năng nghiêm trọng, sức khỏe vì thế cũng sẽ tuột dốc nhanh chóng.
Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh gan nhiễm mỡ là ung thư gan. Biến chứng này xảy ra khi viêm gan do gan nhiễm mỡ xảy ra trong một thời gian dài, đặc biệt là những trường hợp mắc đồng thời với viêm gan B và C.
Gan là cơ quan giữ nhiều nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy khi chức năng gan suy giảm, các cơ quan khác cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tình trạng chán ăn, ăn không ngon do bệnh gan nhiễm mỡ cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Gan nhiễm mỡ là tình trạng khá phổ biến và tiến triển tương đối chậm. Vì vậy, nếu can thiệp kịp thời, lượng mỡ trong gan sẽ giảm dần và chức năng gan được phục hồi sau một thời gian.
Điều trị
Gan nhiễm mỡ hoàn toàn có thể cải thiện thông qua điều chỉnh lối sống. Sau khoảng 3 - 6 tháng, bác sĩ sẽ yêu cầu tái khám để theo dõi. Nếu không có tiến triển, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng một số loại thuốc hỗ trợ.
Các biện pháp giúp cải thiện bệnh gan nhiễm mỡ bao gồm:
Kiêng rượu bia
Rượu bia là nguyên nhân hàng đầu gây gan nhiễm mỡ. Vì vậy, cần kiêng đồ uống chứa cồn để giảm tích tụ mỡ trong gan. Bên cạnh đó, kiêng rượu bia còn giúp gan sửa chữa, phục hồi các tế bào hư tổn, qua đó giúp lọc sạch độc tố ra khỏi cơ thể.
Tùy vào mức độ gan nhiễm mỡ, bạn có thể phải kiêng rượu bia hoàn toàn hoặc chỉ cần giảm dung nạp. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn khuyến khích nên tránh tối đa bia rượu, vì ngoài gan thức uống này còn gây hại cho cổ họng, ống tiêu hóa và nhiều cơ quan khác.
Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng
Để cải thiện gan nhiễm mỡ, cần hạn chế lượng chất béo dung nạp mỗi ngày. Điều chỉnh chế độ ăn hợp lý sẽ giúp kiểm soát nồng độ cholesterol, đường huyết. Từ đó giúp gan giảm lượng mỡ tích tụ và phục hồi chức năng một cách tốt nhất. Trường hợp thừa cân - béo phì, cần thay đổi chế độ ăn để kiểm soát cân nặng.
Chế độ dinh dưỡng giúp cải thiện bệnh gan nhiễm mỡ:
- Tăng cường chất xơ trong chế độ ăn, mỗi bữa đều phải có rau xanh, trái cây và các loại củ.
- Người bị tiểu đường type 2, nồng độ cholesterol cao nên ăn gạo lứt, gạo nguyên cám và các loại ngũ cốc nguyên hạt để kiểm soát đường huyết, tránh tăng cân đột ngột.
- Hạn chế đường và chất béo. Có thể dùng đường ăn kiêng hoặc đường từ mật dừa, mật mía… để cơ thể dễ dàng hấp thu.
- Kiêng muối, ăn nhạt, giảm gia vị cũng hỗ trợ đáng kể trong việc thanh lọc gan và loại bỏ mỡ thừa trong gan.
- Không nên ăn quá no, đặc biệt là vào buổi tối. Khẩu phần ăn cần được cân đối dựa vào thể trạng và cường độ vận động.
- Gan nhiễm mỡ có thể gây ra tình trạng chán ăn, ăn uống kém. Trong trường hợp này, nên chia nhỏ bữa ăn, dùng các món ăn mềm, lỏng để dễ tiêu hóa.
- Bổ sung các loại thực phẩm có tác dụng làm mát, hạ men gan như atiso, mướp đắng (khổ qua), rau má… Các món ăn này sẽ giúp gan phục hồi chức năng và giảm lượng mỡ tích tụ.
- Uống trà xanh hoặc cà phê đen pha loãng để hỗ trợ làm hạ men gan.
Trường hợp mắc đồng thời các bệnh mãn tính như tiểu đường type 2, rối loạn lipid máu, suy tuyến giáp… bạn nên trao đổi kỹ với bác sĩ để được tư vấn chế độ ăn phù hợp. Sau khi điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, lượng mỡ tích tụ trong gan sẽ giảm dần. Bên cạnh đó, thói quen ăn uống lành mạnh cũng sẽ giúp cải thiện hệ thống tiêu hóa và giúp cơ thể trở nên khỏe mạnh hơn.
Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục là một trong những cách hữu hiệu giúp cải thiện gan nhiễm mỡ. Hoạt động thể chất sẽ đốt cháy năng lượng dư thừa, giảm lượng mỡ dưới da và mỡ nội tạng. Bên cạnh chế độ ăn, người bị gan nhiễm mỡ cần vận động hằng ngày hoặc tập thể dục ít nhất 3 buổi/ tuần.
Tùy theo thể trạng và độ tuổi, có thể đi bộ, chạy bộ, đạp xe, yoga hay đánh cầu lông. Duy trì thói quen luyện tập sẽ giúp kiểm soát nồng độ cholesterol, đường huyết, cải thiện tình trạng thừa cân - béo phì. Nếu kết hợp tập thể dục và ăn uống hợp lý, các chỉ số ở gan sẽ có chuyển biến tích cực sau 3 - 6 tháng.
Sinh hoạt hợp lý
Để hỗ trợ cải thiện bệnh gan nhiễm mỡ, cần điều chỉnh một số thói quen xấu và thiết lập thêm những thói quen tốt. Chế độ sinh hoạt giúp kiểm soát bệnh gan nhiễm mỡ bao gồm:
- Tránh thức khuya, ngủ ít. Đảm bảo ngủ trước 11:00 và ngủ đủ 7 tiếng để gan đào thải độc tố, phục hồi, sửa chữa các tế bào tổn thương.
- Không làm việc quá sức, hạn chế lao động nặng.
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng. Stress sẽ khiến cho nồng độ cortisol gia tăng, kéo theo đó là tăng đường huyết và tăng dự trữ lipid (chất béo) trong cơ thể.
Phòng ngừa
Gan nhiễm mỡ hoàn toàn có thể phòng ngừa. Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh lý này là xây dựng lối sống lành mạnh, khoa học.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh gan nhiễm mỡ bao gồm:
- Không uống quá nhiều bia rượu. Sau mỗi lần dung nạp đồ uống chứa cồn, cần bổ sung nhiều nước và rau xanh để giúp gan lọc sạch độc tố.
- Xây dựng chế độ ăn cân bằng, đầy đủ dinh dưỡng. Kiêng mỡ động vật, hạn chế thịt đỏ, muối, đường và gia vị.
- Nên ưu tiên chế biến món ăn tại nhà, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh và các loại thực phẩm chế biến sẵn.
- Không hút thuốc lá.
- Không tự ý dùng thuốc dài ngày.
- Kiểm soát tốt các vấn đề sức khỏe có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ bao gồm tiểu đường, máu nhiễm mỡ, rối loạn chuyển hóa…
- Duy trì cân nặng lý tưởng, không để thừa cân - béo phì.
- Tiêm vaccine ngừa viêm gan A và B.
- Tập thể dục thường xuyên là cách hữu hiệu giúp phòng ngừa gan nhiễm mỡ và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán gan nhiễm mỡ?
2. Bị gan nhiễm mỡ có đáng lo ngại?
3. Tình trạng của tôi có cần phải điều trị?
4. Tôi bị gan nhiễm mỡ do nguyên nhân nào?
5. Có thể cải thiện gan nhiễm mỡ bằng cách nào?
6. Bị gan nhiễm mỡ có cần tái khám để theo dõi?
7. Gan nhiễm mỡ dẫn đến viêm gan, xơ gan phải làm sao?
Gan nhiễm mỡ là bệnh lý không quá nghiêm trọng. Thông qua chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, lượng mỡ tích tụ trong gan sẽ giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, nếu có các bệnh nội khoa đi kèm, bạn cần tái khám thường xuyên để được theo dõi và phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường.
Tham khảo thêm:
- Bị Gan Nhiễm Mỡ Nên Ăn Gì Và Kiêng Gì Tốt Nhất?
- Sữa Dành Cho Người Bị Gan Nhiễm Mỡ Nào Tốt Và Lưu Ý