Bệnh hạ kali máu

Hạ kali máu được xác định khi nồng độ kali máu tụt giảm thấp hơn so với mức ổn định. Người bệnh khi đó gặp phải các triệu chứng bất thường như đột ngột ngất xỉu, xuất hiện ảo giác, rối loạn tâm thần và nhiều vấn đề nghiêm trọng khác. Cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất cấp cứu, phòng tránh các rủi ro đe dọa đến sự an toàn tính mạng.

Tổng quan

Kali là một thành phần không thể thiếu đối với cơ thể, đóng vai trò cung cấp dinh dưỡng duy trì hoạt động thần kinh, cơ, tế bào cơ tim. Kali có khả năng dẫn truyền tín hiệu điện đến các tế bào bên trong cơ thể.

Hạ kali máu
Hạ kali máu gây ra nhiều ảnh hưởng sức khỏe, trường hợp nặng các biến chứng có khả năng đe dọa tính mạng người bệnh

Hạ kali máu là hiện tượng rối loạn điện giải, nếu không xử lý kịp thời, kali tụt thấp có thể gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng của người bệnh. Ở người bình thường, nồng độ kali đo được từ 3.5mmol/l đến 5.2mmol/l.

Các rối loạn bên trong cơ thể kéo theo tình trạng tụt giảm nồng độ kali thấp hơn chỉ số kể trên. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra vấn đề này, bệnh nhân không nên chủ quan. Nếu phát hiện cơ thể có các triệu chứng bất thường, tốt hơn hết người bệnh cần đến gặp bác sĩ để tránh rủi ro tụt kali gây hại sức khỏe.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bệnh hạ kali máu có thể gây ra các biến chứng tại tim, phổi,... ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe bệnh nhân. Trường hợp nặng có nguy cơ đe dọa sự an toàn tính mạng của người bệnh. Do đó, bệnh nhân cần được khám, chẩn đoán nguyên nhân, mức độ tụt kali để có biện pháp can thiệp điều trị kịp thời.

Trong đó, việc xác định nguyên nhân gây hạ kali máu là rất cần thiết. Thông qua nguyên nhân, bác sĩ sẽ định hướng phương pháp điều trị giúp ổn định nồng độ chất này trong máu. Có rất nhiều nguyên nhân liên quan đến bệnh được đề cập đến, một số yếu tố nguy cơ cao như:

  • Hạ kali do tổn thương thận: Những tổn thương tại cơ quan này có thể dẫn đến việc nồng độ kali đột ngột giảm. Chẳng hạn hiện tượng hẹp động mạch thận, bệnh cushing, rối loạn tuyến thượng thận, nhiễm toan ống thận,...
  • Tụt kali do vấn đề dạ dày, ruột: Nhiều bệnh nhân hạ kali sau khi nôn mửa quá nhiều, tiêu chảy liên tục. Một số trường hợp khác kali giảm sau phẫu thuật hay sau thụt tháo đường ruột khi dùng thuốc nhuận tràng.
  • Hạ kali do tác dụng phụ của thuốc: Người bệnh trong thời gian sử dụng thuốc điều trị có khả năng gặp phải tác dụng phụ, trong đó hiện tượng hạ kali có khả năng xảy ra. Đặc biệt là các thuốc chữa bệnh hen suyễn, thuốc kháng sinh aminoglycosides, thuốc chống nấm, lợi tiểu.
  • Hạ kali máu do nguyên nhân khác: Bên cạnh các vấn đề kể trên, kali máu có thể giảm do ảnh hưởng từ việc sử dụng insulin, cơ thể thiếu chất dinh dưỡng, mắc bệnh kiềm máu, thói quen uống rượu quá đà, bệnh bạch cầu,....

Theo thống kê cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân bị hạ kali máu là nữ giới cao hơn so với nam giới. Bên cạnh đó, những đối tượng có nguy cơ cần thận trọng cũng được nhắc đến như người đang ăn kiêng, mắc bệnh nặng, người bị tiểu chảy cấp, bệnh dạ dày cần phải thụt tháo phân, người đang dùng thuốc chữa bệnh,...

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Kali có nhiệm vụ dẫn truyền tín hiệu điện cho các tế bào. Khi cơ thể có sự rối loạn thiếu hụt kali một số vấn đề bất thường xuất hiện. Khi đó, tế bào không duy trì hoạt động giải phóng năng lượng, phân cực, cơ và các dây thần kinh cũng bị ảnh hưởng hoạt động.

Triệu chứng hạ kali máu
Người bị hạ kali máu gặp phải các triệu chứng bất thường ảnh hưởng đời sống, sức khỏe

Người bị thiếu kali máu nặng còn có các dấu hiệu về tim mạch, thần kinh cơ. Do đó, khuyến cáo bệnh nhân nếu có các dấu hiệu sau đây nên chủ động đến bệnh viện để được thăm khám sớm:

  • Người bệnh có biểu hiện yếu cơ, đau cơ, táo bón kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi, thường xuyên bị chuột rút. Đây là các biểu hiện thần kinh thường gặp khi kali máu giảm.
  • Các triệu chứng liên quan đến hệ tim mạch cũng xuất hiện như hồi hộp, huyết áp giảm, nghe âm thanh phổi tâm thu, mạch nảy,...
  • Những biểu hiện khi bệnh diễn biến nặng bao gồm hiện tượng ngất xỉu đột ngột, lú lẫn, mê sảng, rối loạn nhận thức,...

Người bệnh có khả năng đối diện với nhiều biến chứng nguy hiểm nếu bệnh không được kiểm soát. Trường hợp kali máu giảm sâu không phục hồi thậm chí có thể đe dọa đến sự an toàn tính mạng của người bệnh.

Chẩn đoán

Người bệnh được lấy mẫu máu xét nghiệm nồng độ kali máu có tụt giảm hay không. Trường hợp chỉ số thu được từ 3mmol/l đến 3.5mmol/l, nhận định hạ kali máu nhẹ. Nếu chỉ số thu được thấp hơn 3mmol/l chỉ định bệnh nặng hoặc nghiêm trọng.

Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ thực hiện đo điện tâm đồ để kiểm tra nhịp tim cho bệnh nhân. Các xét nghiệm cần thiết khác được cân nhắc thực hiện nhằm phân biệt bệnh lý, kết luận chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị hiệu quả nhất cho người bệnh.

Biến chứng và tiên lượng

Người bị hạ kali máu nếu không được phát hiện có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Bởi kali có vai trò quan trọng đối với hệ thống tim mạch, hệ thần kinh và các cơ. Khi nồng độ kali thấp hơn nhu cầu của cơ thể, nhiều bất thường xuất hiện khiến sức khỏe của người bệnh suy yếu.

Các biến chứng bệnh hạ kali máu nặng gây ra kể đến như:

  • Ảnh hưởng hoạt động hệ thống tim mạch, tim co bóp khó, nhịp tim chậm, một số trường hợp bị nhịp nhanh xoắn đỉnh. Nếu tình trạng rối loạn nhịp tim gia tăng kéo dài có thể khiến bệnh nhân ngưng tim bất cứ lúc nào.
  • Suy hô hấp do hạ kali sâu ảnh hưởng đến chức năng phổi. Người bệnh thở khó, sức khỏe kém.
  • Biến chứng liệt hai chân, hai tay do hạ kali máu cũng có thể xảy ra, điều này dẫn đến nhiều hệ lụy đến đời sống tinh thần và thể chất của người bệnh.
  • Trường hợp rối loạn tuần hoàn, ngưng tuần hoàn cấp cứu không phát hiện hạ kali có thể gây tử vong, điều trị thất bại.

Trước các biến chứng nguy hiểm kể trên, người mắc bệnh hạ kali máu cần đến bệnh viện điều trị sớm. Tránh tình trạng chủ quan khiến bệnh ngày càng trở nên nghiêm trọng, không chỉ gây khó khăn cho việc điều trị mà còn dẫn đến rủi ro cho bệnh nhân, đặc biệt là nguy cơ đe dọa tính mạng.

Điều trị

Phác đồ điều trị bệnh hạ kali máu được chỉ định dựa trên tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Nguyên tắc điều trị giúp bù kali tức thời, giảm tình trạng tụt kali cho người bệnh, điều trị nguyên nhân và dự phòng nguy cơ biến chứng. Dưới đây là phác đồ tham khảo:

Điều trị hạ kali máu
Bệnh nhân cần được điều trị ổn định kali máu để ngăn ngừa các nguy cơ biến chứng nguy hiểm

Điều trị bù kali: Người bệnh được bổ sung kali bằng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Tùy vào sức khỏe và khả năng hấp thu dinh dưỡng của người bệnh mà phương pháp bổ sung kali được bác sĩ lựa chọn cho phù hợp.

  • Đối với đường uống: Sử dụng KCl bù kali nhanh chóng cho người bệnh. Ngoài ra KHCO3- hay Kali Citrat cũng có thể sử dụng trong điều trị tụt kali máu, áp dụng cho bệnh nhân có tiêu chảy mãn tính, trường hợp gặp vấn đề về thận.
  • Đối với dạng tiêm: Chỉ định cho đối tượng bệnh nhân không thể bù kali bằng đường uống, trường hợp hạ kali nặng phải dùng dung dịch tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch. Kalichlorua được sử dụng với liều lượng phù hợp, theo dõi trong thời gian bù kali.

Điều trị nguyên nhân: Áp dụng các biện pháp phù hợp giúp kiểm soát nguyên nhân dẫn đến hạ kali máu. Mỗi trường hợp sẽ được bác sĩ hướng dẫn cách xử lý phù hợp. Đặc biệt là khi bệnh nhân tụt kali liên quan đến các bệnh lý nền, do tác dụng phụ của thuốc.

Dự phòng biến chứng: Các phương pháp phòng tránh biến chứng do hạ kali máu cũng được chỉ định giúp bảo đảm an toàn cho bệnh nhân.

Người bệnh được theo dõi trong suốt quá trình điều trị hạ kali máu, nếu cần thiết phác đồ sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với tình trạng của người bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân còn được tư vấn cách chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng thông qua thức ăn tạo điều kiện cho sức khỏe cải thiện hiệu quả và an toàn nhất.

Phòng ngừa

Hạ kali máu là bệnh lý nguy hiểm có thể gây ra nhiều biến chứng. Chủ động bảo vệ sức khỏe phòng tránh hạ kali máu thông qua một vài lưu ý:

  • Bổ sung cho cơ thể đầy đủ dinh dưỡng, ăn các thực phẩm chứa kali vừa đủ với nhu cầu cơ thể, cân bằng dinh dưỡng hàng ngày.
  • Hạn chế sử dụng các loại đồ uống chứa cồn, chứa ga hoặc chất kích thích không có lợi cho sức khỏe.
  • Tập thể dục nâng cao thể chất, đề kháng, tuy nhiên tránh việc lao động quá nặng.
  • Uống đủ nước mỗi ngày, chủ động bảo vệ sức khỏe của thận, hệ tim mạch.
  • Không tùy tiện sử dụng thuốc tân dược, không lạm dụng thuốc để tránh tác dụng phụ.
  • Tuân thủ hướng dẫn điều trị bệnh, theo dõi các biểu hiện bất thường và thông báo với bác sĩ khi cần thiết.
  • Thăm khám khi phát hiện cơ thể có dấu hiệu nghi ngờ hạ kali máu để được điều trị sớm.

Có thể bạn quan tâm: Tăng kali máu trong bệnh thận và thông tin cần biết

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Bệnh hạ kali máu là bệnh gì?

2. Hạ kali máu gây ra triệu chứng nào?

3. Nguyên nhân vì sao tôi bị hạ kali máu?

4. Tôi cần làm xét nghiệm nào để chẩn đoán hạ kali máu?

5. Hạ kali máu nhẹ không điều trị có được không?

6. Các biến chứng nếu hạ kali máu nặng nề?

7. Cách điều trị hạ kali máu là gì?

8. Tôi có thể bù kali qua thực phẩm không hay phải sử dụng thuốc?

9. Tôi cần làm gì để nồng độ kali được ổn định?

10. Khi nào tôi cần quay lại tái khám?

Bệnh hạ kali máu là tình trạng nguy hiểm, nếu diễn biến nặng sẽ kéo theo nhiều rủi ro không có lợi cho sức khỏe. Người bệnh cần được khám và điều trị ổn định kali máu để bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng. Khi phát hiện cơ thể có dấu hiệu nghi ngờ, bạn nên chủ động đến bệnh viện để được các bác sĩ hỗ trợ điều trị bằng phác đồ phù hợp, hiệu quả nhất.