Bệnh cao huyết áp ở trẻ em
Bệnh cao huyết áp ở trẻ em là một trong những bệnh lý tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Mặc dù số lượng bệnh nhân bị cao huyết áp là người lớn tuổi, người trưởng thành cao, tuy nhiên cũng không thể chủ quan đối với đối tượng bệnh nhi. Trẻ có thể gặp các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kiểm soát huyết áp đúng cách.
Tổng quan
Bệnh cao huyết áp là tình trạng tăng chỉ số áp lực máu lên thành động mạch. Đa số trường hợp mắc bệnh xảy ra ở người trưởng thành, nhất là người lớn tuổi. Tuy nhiên, hiện nay các bác sĩ khoa nhi cũng đưa ra lời cảnh báo về nguy cơ gia tăng tình trạng cao huyết áp ở trẻ em.
Bệnh cao huyết áp ở trẻ em có các biểu hiện tương tự như người lớn. Tùy vào độ tuổi, cân nặng và tình trạng sức khỏe của trẻ mà chỉ số huyết áp đo được ở mức ổn định sẽ khác nhau. So với người trưởng thành, việc phát hiện bệnh lý này ở trẻ em có nhiều vấn đề trở ngại.
Bác sĩ sẽ dựa trên các xem xét về tiêu chuẩn chỉ số huyết áp theo độ tuổi để chẩn đoán bệnh cho bệnh nhi. Theo đó, các em bé từ 3-6 tuổi nếu có chỉ số huyết áp cao hơn 126/76mmHg được đánh giá là cao huyết áp. Trẻ từ 7-10 tuổi có huyết áp cao khi chỉ số đo được là trên 122/78mmHg.
Từ độ tuổi 11-16 nếu đo được chỉ số huyết áp tâm thu cao hơn 126-136 và huyết áp tâm trương 82-86mmHg đánh giá trẻ bị cao huyết áp. Tuy nhiên đến độ tuổi từ 16-19, trẻ có chỉ số huyết áp trạng thái ổn định như người trưởng thành, nếu huyết áp vượt 120/81mmHg chẩn đoán cao huyết áp.
Bệnh cao huyết áp ở trẻ em tiềm ẩn nhiều rủi ro. Song song với việc khó phát hiện và chẩn đoán nên phụ huynh cần hết sức thận trọng. Khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu bất thường cần đưa con đến khám bác sĩ, kiểm tra huyết áp và theo dõi điều trị bằng biện pháp phù hợp, an toàn nhất.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Bệnh cao huyết áp ở trẻ em xảy ra do ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố. Theo đó, tương tự như ở người trưởng thành, bệnh sẽ có hai dạng nguyên nhân chính là nguyên nhân thứ phát và nguyên phát gây bệnh. Cụ thể:
Nguyên nhân tăng huyết áp nguyên phát ở trẻ:
- Những em bé từ 6 tuổi được chẩn đoán béo phì, dư cân có khả năng mắc bệnh cao huyết áp.
- Trẻ có người thân là bố hoặc mẹ, hay cả bố mẹ đều bị cao huyết áp có khả năng mắc bệnh cao.
- Chế độ dinh dưỡng của trẻ không đảm bảo, ăn quá nhiều muối hoặc những món ăn quá ngọt, nhiều chất béo.
- Trẻ mắc bệnh tiểu đường bẩm sinh có thể bị tăng huyết áp mãn tính.
- Những yếu tố nguy cơ khác bao gồm thói quen lười vận động, tiếp xúc với khói thuốc lá thường xuyên,...
Nguyên nhân tăng huyết áp thứ phát ở trẻ
- Cao huyết áp ở trẻ em xảy ra do ảnh hưởng từ các vấn đề thần kinh bao gồm chấn thương vùng hố sau, tăng áp lực sọ, viêm tủy,...
- Ảnh hưởng các bệnh lý về đường tiết niệu, tim mạch dẫn đến hiện tượng cao huyết áp ở trẻ.
- Ngoài ra, trẻ có thể mắc bệnh do gặp tác dụng phụ của thuốc, đặc biệt là khi trẻ phải điều trị bệnh với thuốc tân dược trong thời gian dài. Đối với trường hợp này cần theo dõi và thông báo với bác sĩ để được điều chỉnh thuốc sử dụng cho phù hợp.
- Các vấn đề về giấc ngủ, hội chứng ngưng thở khi ngủ, bệnh bạch cầu, ảnh hưởng từ phẫu thuật,... sẽ là những nguyên nhân thứ phát dẫn đến hiện tượng cao huyết áp ở trẻ em.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Trẻ gặp phải các triệu chứng cao huyết áp toàn thân kèm theo chỉ số huyết áp đo được vượt mức ổn định. Người nhà cần đưa bé đến bác sĩ nếu các biểu hiện bất thường không thuyên giảm. Các triệu chứng cảnh báo bệnh lý ở trẻ bao gồm:
- Cơn đau đầu, chóng mặt xuất hiện thường xuyên, kéo dài.
- Trẻ luôn mệt mỏi, không có sức lực, buồn nôn và nôn ói.
- Cơ thể bị phù, co giật khi huyết áp tăng cao.
- Người luôn có cảm giác hồi hộp, tim đập nhanh, đánh trống ngực.
- Thị lực giảm, nhìn kém, ăn không ngon miệng.
- Cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, kiệt sức.
Chẩn đoán
Bác sĩ tiến hành thăm khám, hỏi triệu chứng bệnh lý trẻ gặp phải, kiểm tra các dấu hiệu bất thường trên cơ thể trẻ. Đồng thời, bác sĩ sẽ đo chiều cao, cân nặng, kiểm tra dấu hiệu béo phì, tuyến giáp, soi đáy mắt, khám bụng,...
Một số phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng như xét nghiệm máu, siêu âm bụng, xét nghiệm nước tiểu, chụp X quang ngực. Kết hợp với các xét nghiệm cần thiết tìm nguyên nhân gây cao huyết áp ở trẻ em.
Chẩn đoán mức độ cao huyết áp trẻ đang gặp phải, sau đó bác sĩ sẽ đưa ra các phương án điều trị riêng biệt, phù hợp cho từng người bệnh.
Biến chứng và tiên lượng
Cao huyết áp ở trẻ em có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện và điều trị kiểm soát. Trẻ có thể đối mặt với các rủi ro kể đến như:
- Các biến chứng tim mạch trở nên nghiêm trọng hơn khi áp lực máu lên thành động mạch tăng dần. Trẻ mắc bệnh cao huyết áp có thể bị bệnh động mạch vành, bệnh phì đại cơ tim hoặc thậm chí là suy tim. Vấn đề về mạch máu và hệ thống tim mạch nặng nề là yếu tố nguy cơ gây tử vong ở trẻ nhỏ.
- Ngoài vấn đề tại tim, trẻ có thể gặp phải nhiều biến chứng thần kinh như xuất huyết não, nguy cơ bị nhồi máu não, thiếu máu não. Bệnh nhi có khả năng phát triển tư duy kém, thụt lùi so với bạn bè, bệnh nặng dần gây biến chứng não bộ đe dọa an toàn tính mạng của trẻ.
- Biến chứng ở thận cũng là vấn đề có khả năng xảy ra nếu hiện tượng cao huyết áp ở trẻ em không được kiểm soát đúng cách. Trẻ có nguy cơ bị hư màng lọc thận, hẹp động mạch thận hay suy thận.
- Bệnh nhi có thể gặp các biến chứng về mắt, mạch máu nếu bệnh huyết áp không thuyên giảm.
Trước các rủi ro nguy hiểm kể trên, phụ huynh cần chủ động theo dõi các triệu chứng của trẻ để sớm đưa con đến gặp bác sĩ. Đồng thời, cần tuân thủ theo phác đồ điều trị bệnh cao huyết áp ở trẻ em của bác sĩ chuyên khoa để phòng ngừa các rủi ro cho trẻ nhỏ.
Tham khảo thêm: Cao huyết áp vô căn: Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị
Điều trị
Tùy tình trạng sức khỏe của trẻ khi đến bệnh viện thăm khám, kết hợp với kết quả chẩn đoán các bác sĩ sẽ chỉ định phương án điều trị phù hợp cho từng bệnh nhi.
- Điều trị cấp cứu: Trường hợp trẻ có các triệu chứng cao huyết áp nặng, cần nhanh chóng đưa trẻ đi cấp cứu. Sử dụng máy thở oxy, chống co giật, kết hợp thuốc hạ áp truyền tĩnh mạch hoặc cho bệnh nhân ngậm dưới lưỡi. Thuốc thường sử dụng như Nitroprussid, Furosemid, Hydralazin, Labetalol, Phentolamin,...
- Điều trị duy trì: Sử dụng thuốc hạ huyết áp hoặc không, tùy từng trường hợp. Bác sĩ sẽ dựa vào mức độ huyết áp cao đưa ra phác đồ điều trị duy trì. Ban đầu sử dụng thuốc không thành công điều chỉnh thuốc, kết hợp thuốc cho phù hợp. Theo dõi trong quá trình điều trị bằng thuốc kiểm soát huyết áp.
- Điều trị nguyên nhân: Chỉ định điều trị các nguyên nhân thứ phát gây cao huyết áp ở trẻ em. Người gặp vấn đề về thận sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc lợi tiểu,... Tùy dạng bệnh lý ảnh hưởng sức khỏe của trẻ sẽ có thuốc điều trị tương ứng. Bố mẹ nên cho trẻ sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Trường hợp có u tủy thượng thận, trẻ được kiểm tra và cân nhắc phẫu thuật khi cần thiết.
- Điều trị dự phòng biến chứng: Khuyến cáo bệnh nhân cần duy trì cân nặng ở mức hợp ký, người béo phì phải giảm cân và hạn chế sử dụng nhiều muối. Kết hợp tập thể dục, duy trì lối sống lành mạnh.
Phòng ngừa
Bệnh cao huyết áp ở trẻ em có thể ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Thận trọng với trường hợp biến chứng gây nguy hiểm cho trẻ. Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần đưa con em đến bệnh viện khám và điều trị cao huyết áp sớm.
Ngoài ra, việc chủ động phòng bệnh cho bé cũng cần được đưa lên hàng đầu. Một số lưu ý:
- Cho trẻ ăn nhiều hoa quả tươi, rau xanh, kết hợp các thực phẩm lành mạnh khác. Chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng độ tuổi đảm bảo trẻ ăn đủ chất.
- Tránh việc cho trẻ em ăn quá nhiều muối, đồ ăn nhiều dầu mỡ, chế biến sẵn. Hạn chế cho bé uống nước ngọt có ga, tốt hơn hết nên cho trẻ uống nước lọc, nước ép trái cây nguyên chất để bổ sung nước và dưỡng chất.
- Tập cho trẻ em thói quen tự chăm sóc sức khỏe, ngủ đủ giấc, tham gia các hoạt động ngoài trời, vận động cơ thể để máu huyết lưu thông tốt, tăng đề kháng cho bé.
- Đối với trẻ đang mắc bệnh, bệnh bẩm sinh cần theo dõi, điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Sử dụng thuốc cho trẻ theo phác đồ, không tự ý ngưng sử dụng hoặc thay đổi thuốc bừa bãi.
- Thường xuyên theo dõi huyết áp, kiểm tra khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu bất thường, tốt nhất hãy đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và có biện pháp khắc phục, điều trị bệnh phù hợp.
Có thể bạn quan tâm: Huyết Áp là gì? Các yếu tố ảnh hưởng và Cách kiểm soát
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Bệnh cao huyết áp ở trẻ em là gì?
2. Nguyên nhân gây bệnh cao huyết áp ở trẻ em?
3. Bệnh cao huyết áp ở trẻ em có triệu chứng gì?
4. Chỉ số huyết áp bao nhiêu là cao ở trẻ em?
5. Chẩn đoán cao huyết áp ở trẻ em cần thực hiện xét nghiệm nào?
6. Nếu không điều trị cao huyết áp ở trẻ em gây ra hệ lụy gì?
7. Dùng thuốc trị cao huyết áp cho trẻ em được không?
8. Những tác dụng phụ nếu trẻ sử dụng thuốc huyết áp?
9. Trong thời gian điều trị cần chăm sóc trẻ như thế nào?
10. Khi nào cần đưa trẻ đến tái khám?
Bệnh cao huyết áp ở trẻ em có thể gây ra các biến chứng khi phụ huynh không phát hiện và đưa trẻ đi thăm khám sớm. Những ảnh hưởng từ bệnh huyết áp lên cơ thể rất nặng nề, trường hợp xấu thậm chí có thể gây tử vong ở trẻ. Do đó, bố mẹ cần theo dõi các biểu hiện bất thường, chủ động đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, kịp thời điều trị bảo đảm an toàn cho trẻ.