Bệnh Đông Máu Nội Mạch Lan Tỏa

Đông máu nội mạch lan tỏa là tình trạng hiếm gặp nhưng lại cực kỳ nghiêm trọng. Bệnh đặc trưng bởi quá trình đông máu bất thường diễn ra trong khắp các mạch máu của cơ thể. Tác nhân liên quan chủ yếu là do chấn thương hoặc nhiễm trùng. Nếu không điều trị kịp thời, DIC có thể dẫn đến tử vong do biến chứng suy hô hấp. nhiễm trùng huyết, đột quỵ, đau tim... 

Tổng quan

Đông máu nội mạch lan tỏa (Disseminated intravascular coagulation - DIC) còn được gọi là tình trạng đông máu rải rác trong lòng mạch. Tình trạng này đặc trưng bởi sự tăng đông máu trên diện rộng, bao gồm cả các vi mạch lẫn mạch máu vĩ mô. Hậu quả gây gián đoạn lưu lượng máu đến các cơ quan nội tạng, tăng nguy cơ suy đa tạng.

Đông máu nội mạch lan tỏa là tình trạng đông máu bất thường trong khắp các mạch máu của cơ thể

Khái niệm đông máu nội mạch lan tỏa được mô tả lần đầu tiên và sử dụng rộng rãi trong giới y học vào năm 1965 bởi 2 tác giả người Mỹ. Họ thấy rằng, ở những người mắc bệnh thường liên quan yếu tố enzyme trong tiêu sợi huyết.

DIC là tình trạng đe dọa đến tính mạng, do các yếu tố đông máu hoạt động bất thường. Tình trạng này thường được kích hoạt bởi một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn như ung thư, nhiễm trùng hoặc chấn thương nặng. Hầu như bệnh nhân mắc DIC đều rất nghiêm trọng, bắt buộc phải nhập viện để điều trị cấp cứu và chăm sóc tích cực trong phòng ICU (phòng chăm sóc đặc biệt).

Phân loại

Thông qua các nghiên cứu chuyên sâu, đông máu nội mạch lan tỏa có 2 dạng chính gồm: cấp tính và mạn tính.

  • Thể cấp tính: Đây là thể nghiêm trọng nhất, tiến triển nhanh và đe dọa đến tính mạng nếu không điều trị cấp cứu kịp thời. Bệnh nhân có tỷ lệ tử vong cao do triệu chứng xuất hiện đột ngột sau chấn thương hoặc bệnh lý.
  • Thể mạn tính: Thể này thường ít nghiêm trọng hơn so với thể cấp tính, thường tiến triển trong thời gian dài mới bộc phát.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Qua nhiều nghiên cứu khoa học, bản chất của đông máu nội mạch lan tỏa là tình trạng cơ thể của bạn hoạt động bất thường và tạo ra các cục máu đông. Gan chính là cơ quan chính giúp tạo ra tiểu cầu và các yếu tố đông máu (protein) để hình thành các cục máu đông trong mạch máu.

Bình thường, chúng tồn tại bên trong gây ngừng hoặc làm chậm quá trình lưu thông máu để chữa lành tổn thương trên cơ thể. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân mắc DIC, số lượng cục máu đông được hình thành nhiều hơn mức bình thường.

Theo cơ chế bệnh sinh, đông máu nội mạch lan tỏa tiến triển qua 2 giai đoạn bao gồm 2 giai đoạn là đông máu quá mức và chảy máu.

  • Giai đoạn 1: Quá trình đông máu trong cơ thể tiến triển quá mức kích hoạt sự hình thành của các cục máu đông trong khắp các mạch máu. Sự hiện diện của chúng gây giảm lưu lượng máu và gây tổn thương đến các cơ quan nội tạng.
  • Giai đoạn 2: Đây là giai đoạn tiến triển nghiêm trọng, quá trình đông máu diễn ra mạnh mẽ gây suy giảm số lượng tiểu cầu và các yếu tố đông máu. Hậu quả của sự thiếu hụt này, bệnh nhân đông máu nội mạch lan tỏa rất dễ bị xuất huyết, thường là dưới da, trong miệng, mũi hoặc từ sâu trong các cơ quan nội tạng của cơ thể.

DIC thường xảy ra do tình trạng viêm do nhiễm trùng, chấn thương hoặc các bệnh lý tiềm ẩn

Đa số trường hợp phát triển đông máu nội mạch lan tỏa được gây ra bởi các yếu tố nguy cơ sau:

  • Nhiễm trùng huyết: Đây là tình trạng sức khỏe cực kỳ nguy hiểm, trạng thái này là sự phản ứng của cơ thể đối với tình trạng nhiễm trùng. Những người bị nhiễm trùng huyết là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra DIC.
  • Rối loạn miễn dịch: Sự phản ứng thái quá của cơ thể đối với chất độc (nọc độc do rắn cắn), truyền máu sai loại hoặc hiện tượng bài xích sau cấy ghép nội tạng... gây ra phản ứng miễn dịch nghiêm trọng, dẫn đến rối loạn đông máu nội mạch lan tỏa.
  • Tổn thương mô nghiêm trọng: Tình trạng tổn thương này có thể xảy ra do các yếu tố bệnh lý tiềm ẩn như viêm tụy, xơ gan, trải qua cuộc phẫu thuật lớn, chấn thương nặng ở não hoặc bỏng.
  • Các biến chứng thai kỳ: Phụ nữ mang thai cũng là đối tượng có nguy cơ cao mắc  phải đông máu nội mạch lan tỏa. Một vài biến chứng thường gặp như nhau thai bóc tách khỏi tử cung trước sinh, nước ối rò rỉ vào máu hoặc chảy máu trong/ sau sinh.
  • Ung thư: Điển hình như ung thư gan, ung thư tuyến tụy và một số dạng ung thư bạch cầu.
  • Phình động mạch chủ: Tình trạng này liên quan mật thiết đến các tổn thương nghiêm trọng ở thành mạch cùng các khu vực bị ứ máu;
  • COVID-19: Trong một số trường hợp, đông máu nội mạch lan tỏa cũng được nhận định là một biến chứng hiếm gặp của bệnh COVID-19.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Trong quá trình tiến triển, các triệu chứng DIC điển hình bệnh nhân có thể gặp phải gồm:

Các triệu chứng bất thường của DIC là chảy máu, lẫn máu trong phân, nước tiểu, có vết bầm tím, đau ngực...

  • Xuất hiện các vết bầm tím trên da, nằm rải rác từng chấm nhỏ hoặc các mảng lớn trên cơ thể;
  • Chảy máu tại chỗ không kiểm soát hoặc từ nướu, miệng, mũi;
  • Đau tức ngực, khó thở;
  • Lẫn máu trong nước tiểu hoặc phân;
  • Lú lẫn, mất ý thức hoặc suy giảm trí nhớ, rối loạn hành vi;
  • Sốt cao > 39 độ C;

Chẩn đoán

Bệnh đông máu nội mạch lan tỏa được chẩn đoán thông qua khám sức khỏe, đánh giá triệu chứng và khai thác tiền sử bệnh cá nhân như nhiễm trùng huyết, ung thư hoặc các bệnh lý tiềm ẩn khác. Quá trình chẩn đoán kết hợp nhiều thủ tục y khoa bao gồm:

Xét nghiệm máu là xét nghiệm tiêu chuẩn đem lại giá trị cao trong việc chẩn đoán đông máu nội mạch lan tỏa

  • Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC): Giúp đo lường nồng độ số lượng các tế bào máu quan trọng của cơ thể, trong đó có tiểu cầu.
  • Xét nghiệm PT và PTT: PT là xét nghiệm protrombin và xét nghiệm thời gian thromboplastin từng phần. Kỹ thuật này giúp đo mức thời gian cần thiết để máu đông lại. Đối với bệnh nhân DIC, xét nghiệm này cho thấy mức thời gian này kéo dài bất thường.
  • Xét nghiệm Fibrinogen: Fibrinogen là loại protein được tìm thấy trong cục máu đông. Bệnh nhân DIC thường có mức fibrinogen giảm thấp vì nó bị cạn kiệt do quá trình đông máu quá mức.
  • Xét nghiệm D-dimer: D-dimer là sản phẩm thoái hóa được hình thành từ quá trình hòa tan cục máu đông. Nồng độ này tăng cao do DIC khiến hình thành quá nhiều cục máu đông trong cơ thể, gây tổn thương nội tạng và nhiều biến chứng nghiêm trọng khác.

Ngoài ra, để hỗ trợ xác nhận chẩn đoán, bác sĩ cũng sẽ đề xuất bệnh nhân thực hiện một số thủ thuật, xét nghiệm khác nhằm tìm kiếm các tình trạng sức khỏe khác. Có thể bao gồm:

  • Xét nghiệm ADAMTS13: Kỹ thuật này giúp kiểm tra nồng độ và chức năng hoạt động của protein này trong máu. Nồng độ này khá thấp và được mô tả có liên quan đến tình trạng phát ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối.
  • Sinh thiết hoặc xét nghiệm kiểm tra chức năng gan: Phương pháp xét nghiệm này giúp phát hiện các bệnh lý nghiêm trọng như xơ gan, suy gan mãn tính. Bởi những bệnh lý này có thể gây ra các triệu chứng liên quan đến DIC.

Việc chẩn đoán đông máu nội mạch lan tỏa cũng cần phân biệt rõ ràng với các bệnh lý khác để xác nhận chẩn đoán cũng như xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.

  • Hội chứng tan máu ure huyết;
  • Rối loạn fibrinogen máu;
  • Giảm tiểu cầu miễn dịch (ITC) khi cấp cứu;
  • Giảm tiểu cầu do heparin;
  • Xuất huyết phát ban giảm tiểu cầu huyết khối (TTP);

Biến chứng và tiên lượng

Sự hình thành của các cục máu đông trong mạch máu có thể gây tắc nghẽn, hạn chế lưu lượng máu đến các cơ quan nội tạng như gan, thận hoặc não. Do đó, biến chứng nghiêm trọng nhất của đông máu nội mạch lan tỏa chính là suy đa tạng. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Ngoài ra, tỷ lệ tử vong cũng rất cao ở bệnh nhân mắc đông máu nội mạch lan tỏa do phát triển hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS), xuất huyết đường tiêu hóa, đột quỵ, đau tim, sốc nhiễm trùng máu hoặc chảy máu quá nhiều.

Tiên lượng về bệnh DIC tốt hay xấu khác nhau ở từng trường hợp cụ thể. Vì quá trình chẩn đoán, điều trị và quản lý phòng ngừa DIC rất phức tạp. Do đó, trước những triệu chứng và biến chứng nguy hiểm của bệnh, bệnh nhân cần phải thận trọng, thăm khám và điều trị chuyên khoa càng sớm càng tốt để bảo vệ sức khỏe, bảo toàn tính mạng.

Mục tiêu điều trị đông máu nội mạch lan tỏa tập trung chủ yếu vào yếu vào việc kiểm soát triệu chứng, xử lý các rối loạn tiềm ẩn và ngăn ngừa biến chứng. Tùy theo nguyên nhân cụ thể gây DIC, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp điều trị phù hợp.

Một số phương pháp điều trị chính bao gồm:

Sử dụng thuốc

Thuốc chống đông máu hay thuốc làm loãng máu là loại thuốc được chỉ định sử dụng phổ biến để kiểm soát quá trình đông máu. Loại thuốc này có thể được điều chế và sử dụng dưới nhiều dạng như thuốc viên uống trực tiếp, thuốc tiêm hoặc truyền qua đường tĩnh mạch (IV).

Thuốc chống đông máu là loại thuốc được sử dụng chính trong điều trị DIC

Loại thuốc thường dùng chủ yếu là nhóm điều trị rối loạn đông máu bao gồm:

  • Dạng viên uống warfarin hoặc aspirin;
  • Dạng tiêm như heparin;

Tuy đem lại hiệu quả tốt trong việc làm giảm đông máu nhưng sử dụng thuốc làm loãng máu có thể gây ra một số tác dụng phụ nhất định. Bao gồm: chảy máu khó cầm, đau đầu dữ dội, hoa mắt, chóng mặt...

Ngoài thuốc chống đông máu, những trường hợp bệnh nhân mắc DIC có liên quan đến tình trạng nhiễm trùng huyết do vi khuẩn. Bác sĩ thường chỉ định sử dụng liệu trình thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn.

Các thủ thuật và liệu pháp y tế

Ngoài dùng thuốc, các triệu chứng và biến chứng đông máu nội mạch lan tỏa cũng có thể được kiểm soát thông qua các thủ tục và liệu pháp y tế. Bao gồm:

Liệu pháp thay thế yếu tố đông máu là lựa chọn điều trị phổ biến đối với bệnh nhân bị đông máu nội mạch lan tỏa

  • Truyền tiểu cầu và huyết tương: Bệnh nhân DIC bị xuất huyết nặng gây chảy máu nặng, suy giảm quá mức lượng tiểu cầu cần thiết cho quá trình đông máu của cơ thể. Đặc biệt phải thực hiện ở những bệnh nhân có nguy cơ cảy máu cao khi cần thực hiện các thủ thuật xâm lấn.
  • Liệu pháp thay thế yếu tố đông máu: Liệu pháp này thường được chỉ định áp dụng trong trường hợp chảy máu nặng. Nhất là khi kết quả chẩn đoán có nồng độ PT và PTT cao, giảm thấp nồng độ fibrinogen.
  • Dùng heparin: Những bệnh nhân mắc DIC không chảy máu nhiều thường được khuyến nghị điều trị chống đông dự phòng bằng heparin hoặc heparin trọng lượng phân tử thấp (LMWH). Đây là một chất làm loãng máu có khả năng ngăn chặn sự kích hoạt thêm của các dòng đông máu.
  • Các liệu pháp hỗ trợ:
    • Tiêm thuốc an thần;
    • Đặt máy thở duy trì hô hấp;

Ngoài các biện pháp điều trị y tế chuyên sâu, bệnh nhận mắc DIC được các chuyên gia khuyến nghị thực hiện một số biện pháp khác để quản lý tiến triển bệnh:

 

  • Tuân thủ phác đồ dùng thuốc do bác sĩ chỉ định, tuyệt đối không nên thay đổi hay bỏ qua liều thuốc mỗi ngày;
  • Tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc sử dụng các loại thuốc hoặc sản phẩm bổ sung không kê đơn như thuốc giảm đau, TPCN vitamin, khoáng chất hoặc thuốc thảo dược;
  • Định kỳ tái khám sức khỏe để theo dõi triệu chứng và làm xét nghiệm máu liên tục để đánh giá tiến triển bệnh;

Phòng ngừa

Bệnh đông máu nội mạch lan tỏa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều cơ quan và hệ thống trong cơ thể. Nên ngoài điều trị, việc chủ động phòng ngừa bệnh ngay từ sớm cũng đem lại rất nhiều lợi ích về sức khỏe.

Điều quan trọng chính là nâng cao ý thức trong việc thay đổi lối sống và sinh hoạt, một sức khỏe tốt, không có các vấn đề tiềm ẩn giúp giảm nguy cơ rủi ro mắc phải DIC. Ngoài ra, cần tích cực thực hiện các biện pháp giúp loại trừ yếu tố rủi ro gây DIC, bao gồm:

  • Bảo vệ bản thân khỏi các tác nhân gây nhiễm trùng và điều trị kịp thời bằng phác đồ thuốc phù hợp để ngăn ngừa biến chứng nhiễm trùng huyết.
  • Hạn chế tối đa các chấn thương nghiêm trọng ở vùng đầu, giảm thiểu các tổn thương não ngoài ý muốn.
  • Phụ nữ mang thai cần thăm khám định kỳ để theo dõi sức khỏe, giảm thiểu các biến chứng nghiêm trọng trong quá trình mang thai hoặc sinh nở.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Bệnh đông máu nội mạch lan tỏa là gì? Có nguy hiểm không?

2. Tại sao tôi lại mắc bệnh đông máu nội mạch lan tỏa?

3. Tiên lượng tình trạng sức khỏe của tôi có nghiêm trọng không?

4. Tôi cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán xác nhận đông máu nội mạch lan tỏa?

5. Tôi nên điều trị DIC bằng phương pháp nào tốt nhất?

6. Tôi cần dùng loại thuốc nào để điều trị DIC? Tác dụng phụ của thuốc là gì?

7. Thời gian dùng thuốc trong bao lâu thì ngừng lại?

8. Thời gian điều trị đông máu nội mạch lan tỏa mất bao lâu?

9. Chi phí điều trị đông máu nội mạch lan tỏa tốn bao nhiêu?

10. Bệnh đông máu nội mạch lan tỏa có tái phát sau điều trị không?

Đông máu nội mạch lan tỏa được cảnh báo là tình trạng bất thường về quá trình đông máu, rối loạn chảy máu trong cơ thể. Vì có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh, nên việc chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa rất phức tạp. Bởi vậy người bệnh cần phải phát hiện bệnh sớm, chẩn đoán và điều trị bằng phác đồ phù hợp để cải thiện sức khỏe, ngăn ngừa biến chứng.