Giãn tĩnh mạch chân

Giãn tĩnh mạch chân diễn biến âm thầm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Cơn đau nhức kèm theo các biểu hiện như sưng phù, chuột rút vào ban đêm, nổi nhiều gân nhỏ li ti. Phát hiện các bất thường ở hai chi dưới, bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm.

Tổng quan

Suy giãn tĩnh mạch là một trong những bệnh lý nhiều người gặp phải, trong đó phổ biến nhất là ở người già, người có sức khỏe kém. Hiện tượng suy giãn tĩnh mạch có thể xảy ra ở tay hoặc chân. Tùy vào mức độ bệnh lý, bệnh nhân sẽ được bác sĩ hướng dẫn cách điều trị phù hợp.

Giãn tĩnh mạch chân
Giãn tĩnh mạch chân là tình trạng tắc nghẽn mạch, ứ đọng máu khiến tĩnh mạch giãn nở

Tình trạng giãn tĩnh mạch chân là dạng suy giãn tĩnh mạch xảy ra do rối loạn chức nạng ở tĩnh mạch. Máu bị dồn ứ không lưu thông qua tĩnh mạch chân dẫn đến tình trạng biến dạng mô quanh tĩnh mạch.

Người bị giãn tĩnh mạch chân giai đoạn đầu thường chủ quan, không điều trị khắc phục. Sau một thời gian, hiện tượng ứ đọng máu huyết trở nên nghiêm trọng hơn, các biến chứng bắt đầu xuất hiện gây ảnh hưởng chất lượng đời sống, sức khỏe của người bệnh.

Phân loại

Phân loại tình trạng giãn tĩnh mạch chân theo 4 nhóm chính bao gồm:

  • Giãn tĩnh mạch nông
  • Giãn tĩnh mạch sâu
  • Giãn tĩnh mạch xuyên
  • Giãn tĩnh mạch không xác định

Trong số các trường hợp bị giãn tĩnh mạch chi dưới, xác định nhiều bệnh nhân gặp phải tình trạng giãn tĩnh mạch nông. Ngoài phân chia bệnh theo vị trí tĩnh mạch bị tổn thương, người ta còn dựa vào mức độ suy giãn tĩnh mạch để phân loại bệnh lý này. Cụ thể:

  • Suy giãn độ 0: Người bệnh chưa có biểu hiện bệnh lý, không thể nhìn hay sờ được.
  • Suy giãn độ 1: Xảy ra hiện tượng giãn mao mạch, lưới tĩnh mạch. Đường kính mạch bị giãn nhỏ hơn 3mm.
  • Suy giãn độ 2: Đường kính tĩnh mạch bị giãn tăng lên, lớn hơn 3mm so với mức độ 1.
  • Suy giãn độ 3: Lúc này người bệnh có những biểu hiện rõ nét hơn, chân bị phù, tuy nhiên da vẫn chưa biến đổi màu sắc.
  • Suy giãn độ 4: Giai đoạn này các tĩnh mạch chân đã bị giãn nặng hơn, xảy ra tình trạng chàm tĩnh mạch, xơ mỡ da. Ngoài ra, màu sắc da cũng đã có những biến đổi rõ, vùng da suy giãn tĩnh mạch màu sắc khác lạ.
  • Suy giãn độ 5: Vết loét da, biến đổi sắc tố da.
  • Suy giãn độ 6: Vết loét tiến triển không lành như giai đoạn 5, sự thay đổi màu sắc da rõ nét hơn.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Giãn tĩnh mạch chân thường xảy ra do hiện tượng suy van tĩnh mạch kéo dài không được kiểm soát. Hậu quả là tĩnh mạch bị tổn thương, ứ đọng máu huyết khiến vùng chi dưới xuất hiện các triệu chứng bất thường. Giai đoạn bệnh khởi phát không có triệu chứng nên bệnh nhân dễ bỏ qua, không điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch chân
Giãn tĩnh mạch chân xảy ra do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố trong và ngoài cơ thể

Số lượng bệnh nhân gặp phải chứng giãn tĩnh mạch chân ngày càng gia tăng. Ngoài yếu tố bệnh lý nền, nguyên nhân gây bệnh còn rất đa dạng, liên quan đến nhiều yếu tố. Một số trường hợp thường gặp kể đến như:

  • Giãn tĩnh mạch chân do tuổi tác: Đây là một trong những yếu tố gây suy giãn tĩnh mạch nhiều người gặp phải. Tuổi tác cao sức khỏe xương khớp suy yếu dần. Các cơ quan trên cơ thể lão hóa trong đó bao gồm cả tĩnh mạch. Số lượng bệnh nhân mắc suy giãn tĩnh mạch khi về già cao hơn so với người trẻ.
  • Giãn tĩnh mạch chân do thừa cân béo phì: Những người có cân nặng quá khổ thường gặp vấn đề xương khớp, nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới cao do chịu áp lực bởi trọng lượng cơ thể.
  • Giãn tĩnh mạch chân do thói quen sinh hoạt: Ngoài các yếu tố kể trên, bệnh có thể xảy ra do ảnh hưởng từ thói quen sinh hoạt. Chẳng hạn như việc lười vận động, ngồi nằm một chỗ thường xuyên, không tập thể dục dẫn đến tình trạng ứ đọng máu huyết, tăng nguy cơ béo phì, dư cân làm suy giãn tĩnh mạch. Bên cạnh đó, bệnh còn có khả năng xảy ra do thói quen ăn uống không khoa học, ăn nhiều đồ ăn béo, quá mặn, nhiều đồ ngọt,... tăng khả năng mắc các bệnh về xương khớp, động - tĩnh mạch.
  • Giãn tĩnh mạch chân do nguyên nhân khác: Tính chất công việc phải đứng ngồi trong thời gian dài, người làm việc quá sức, thay đổi nội tiết tố, tiền mãn kinh, phụ nữ mang thai những tháng cuối thai kỳ cơ thể nặng nề,... là những yếu tố tăng nguy cơ giãn tĩnh mạch chân.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Như đã đề cập bên trên, bệnh suy giãn tĩnh mạch chân tiến triển theo các mức độ từ khởi phát đến nặng nề. Tuy nhiên thông thường ở giai đoạn đầu người bệnh không phát hiện do chưa nhận thấy triệu chứng cụ thể nào.

Đến khi bệnh tiến triển, giãn tĩnh mạch nghiêm trọng hơn các triệu chứng bùng phát nặng nề. Dưới đây là những triệu chứng của bệnh theo giai đoạn đầu đến giai đoạn nặng:

- Triệu chứng giãn tĩnh mạch chân giai đoạn đầu:

  • Người bệnh chưa nhận thấy triệu chứng rõ rệt.
  • Một thời gian xuất hiện hiện tượng hơi tê, nóng rát, nặng nề ở bắp chân.
  • Chuột rút vào ban đêm khiến người bệnh khó chịu.
  • Cơn đau dần xuất hiện, kèm theo tình trạng sưng chân, sưng vùng mắt cá.
  • Khi vận động mạch, đứng quá lâu cơn đau nhức nặng hơn, sưng cứng, nóng rát chân.

- Triệu chứng giãn tĩnh mạch chân giai đoạn nặng:

  • Tĩnh mạch bắt đầu giãn to, phình ra khiến người bệnh đi đứng khó khăn.
  • Khi chạm vào vị trí sưng cảm giác đau nhức khó chịu.
  • Sưng tấy, nhiễm trùng da nếu bệnh nhân bị trầy xước, chấn thương chân.
  • Vết loét xuất hiện có khi không lành lại khiến bệnh nhân gặp nhiều rủi ro khác.

Chẩn đoán

Khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường ở chân, bệnh nhân đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị. Bác sĩ tiến hành thăm hỏi triệu chứng, chẩn đoán lâm sàng biểu hiện bên ngoài vùng da, chức năng chi dưới của người bệnh, khai thác tiền sử bệnh lý, thuốc hoặc các vấn đề liên quan đến di truyền.

Chẩn đoán giãn tĩnh mạch chân
Chẩn đoán tình trạng giãn tĩnh mạch và chỉ định phương pháp điều trị cho người bệnh

Để chẩn đoán chính xác hơn, bệnh nhân sẽ được siêu âm Doppler mạch máu. Phương pháp này giúp phát hiện tình trạng giãn tĩnh mạch, xác định mức độ tổn thương tĩnh mạch để đưa ra giải pháp điều trị phù hợp.

Biến chứng và tiên lượng

Giãn tĩnh mạch chân nếu không được phát hiện, xử lý có thể gây ra các biến chứng về lâu dài. Mặc dù vậy, do bệnh khởi phát và diễn biến âm thầm khiến nhiều bệnh nhân chậm trễ trong việc phát hiện và can thiệp điều trị.

Những rủi ro có thể xảy ra khi bệnh giãn tĩnh mạch chân kéo dài kể đến như:

  • Nguy cơ biến chứng dẫn đến rối loạn huyết động học. Vùng cẳng chân sưng to kèm theo cơn đau buốt khó chịu, chuột rút khi ngủ ảnh hưởng đến chất lượng đời sống, sức khỏe của người bệnh.
  • Tăng khả năng mắc viêm tắc tĩnh mạch, chân bị sưng đỏ, kèm theo tình trạng viêm cứng khiến người bệnh gặp khó khăn khi đi đứng, làm việc.
  • Biến chứng giãn tĩnh mạch toàn bộ khiến quá trình tuần hoàn máu bị ứ trệ, tăng nguy cơ rối loạn dinh dưỡng, viêm loét, nhiễm trùng không phục hồi.
  • Cục máu đông ở tĩnh mạch chi dưới có khả năng tách rời di chuyển về phía tim tăng rủi ro thuyên tắc động mạch, đe dọa tính mạng người bệnh.

Chính những rủi ro kể trên, bệnh nhân nên sớm điều trị kiểm soát tình trạng suy giãn tĩnh mạch chân. Khám và tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Đồng thời người bệnh nên kết hợp vận động, chăm sóc sức khỏe tại nhà để cơ thể khỏe mạnh nhất.

Biến chứng giãn tĩnh mạch chân
Hiện tượng giãn tĩnh mạch chân kéo dài không được khắc phục gây biến chứng nguy hiểm

Điều trị

Sau khi có kết quả chẩn đoán giãn tĩnh mạch chi dưới, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị sao cho phù hợp nhất. Tùy tình trạng sức khỏe của người bệnh, phương pháp được áp dụng có thể là dùng thuốc, chăm sóc tại nhà, nặng hơn cần can thiệp ngoại khoa.

Dưới đây là những hướng điều trị thường được thực hiện nhằm điều trị chứng giãn tĩnh mạch chân cho người bệnh:

Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa đối với trường hợp giãn tĩnh mạch chân chưa quá nặng nề. Mục đích điều trị giúp bệnh nhân giảm thiểu nguy cơ thuyên tắc tĩnh mạch, hỗ trợ chức năng tĩnh mạch. Các loại thuốc được chỉ định sử dụng nhằm cải thiện triệu chứng đau mỏi, khó chịu cho người bệnh.

Mỗi trường hợp sẽ có phác đồ sử dụng thuốc phù hợp, an toàn nhất. Các loại kể đến như:

  • Thuốc kháng sinh
  • Thuốc kháng viêm
  • Thuốc giảm đau
  • Thuốc chống đông máu
  • Thuốc tan máu đông
  • Thuốc làm bền thành mạch
  • Các thuốc khác

Người bệnh nên tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ, không tùy tiện sử dụng thuốc để tránh gặp tác dụng phụ ảnh hưởng sức khỏe. Bên cạnh đó, bệnh nhân nên điều chỉnh thói quen sinh hoạt hàng ngày, xây dựng lối sống lành mạnh để cơ thể sớm phục hồi, ngăn biến chứng giãn tĩnh mạch chân.

Phương pháp chích xơ

Những trường hợp giãn tĩnh mạch chân nặng khó điều trị bằng biện pháp nội khoa thông thường cần kết hợp điều trị chuyên sâu hơn. Biện pháp chích xơ là cách giúp cải thiện tình trạng giãn tĩnh mạch phổ biến nhất.

Phương pháp được thực hiện tại cơ sở y tế. Bác sĩ sẽ làm sạch khu vực chân bị giãn tĩnh mạch, sau đó tiêm dung dịch vào niêm mạc. Tùy vào mức độ giãn tĩnh mạch của từng bệnh nhân mà số lần tiêm sẽ được chỉ định tương ứng.

Phẫu thuật

Trường hợp xuất hiện biến chứng giãn tĩnh mạch, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật điều trị. Phương pháp can thiệp ngoại khoa nhằm loại bỏ tổn thương, ngăn chặn các nguy cơ biến chứng nặng nề hơn ảnh hưởng sức khỏe người bệnh.

Đa số các trường hợp phẫu thuật đều có kết quả tốt, bệnh nhân có tỷ lệ tái phát bệnh thấp. Quy trình phẫu thuật được thực hiện dựa trên mức độ giãn tĩnh mạch của từng người. Các kỹ thuật kể đến như lột tĩnh mạch, sửa van, loại bỏ tĩnh mạch giãn, tổn thương, thực hiện tạo hình tĩnh mạch,...

Mặc dù mang lại hiệu quả cao, tuy nhiên phẫu thuật cũng có các rủi ro tiềm ẩn. Bệnh nhân cần đến bệnh viện uy tín, khám và điều trị đảm bảo an toàn. Ngoài ra, sau điều trị nếu cần thiết người bệnh phải kết hợp dùng thuốc duy trì, tuân thủ theo phác đồ để có kết quả tốt nhất.

Điều trị giãn tĩnh mạch chân
Tùy từng mức độ giãn tĩnh mạch chân bác sĩ chỉ định phác đồ điều trị riêng

Phương pháp laser

Biện pháp điều trị giãn tĩnh mạch bằng sóng cao tần, tia laser được áp dụng nhằm phá hủy các mô tổn thương, loại bỏ tĩnh mạch giãn nhằm ngăn chặn biến chứng cho người bệnh. So với điều trị phẫu thuật, sử dụng laser ít xâm lấn, ít gây đau cho bệnh nhân.

Người bệnh sau khi điều trị laser có thể đi lại bình thường, xuất viện trong ngày mà không cần lưu trú như biện pháp ngoại khoa xâm lấn sâu. Bên cạnh đó, thời gian phục hồi sau điều trị của người bệnh cũng nhanh chóng, đảm bảo không gây sẹo kém thẩm mỹ.

Phòng ngừa

Giãn tĩnh mạch chân diễn biến âm thầm, gây ra các tác hại nặng nề nếu tiến triển không được kiểm soát. Nguyên nhân gây bệnh đa dạng, ảnh hưởng từ các yếu tố trong và ngoài cơ thể. Việc điều trị giúp kiểm soát tốc độ thoái hóa, ngăn chặn biến chứng gây hại sức khỏe, đời sống của người bệnh.

Song song với việc cảnh giác trong điều trị kiểm soát bệnh lý, các chuyên gia còn đưa ra các lời khuyên cho vấn đề phòng ngừa, ngăn nguy cơ tái phát bệnh. Một số lưu ý chính:

  • Điều chỉnh thói quen sinh hoạt hàng ngày, tăng cường vận động cơ thể, hạn chế việc nằm, ngồi quá lâu khiến máu huyết kém lưu thông.
  • Hạn chế đứng một chỗ quá lâu, nên dành thời gian nghỉ ngơi để cơ thể đều hòa lưu thông máu, giảm rủi ro giãn tĩnh mạch và các vấn đề xương khớp khác.
  • Duy trì cân nặng cân đối, không nên ăn uống nhiều chất béo, đồ ngọt,... gây béo phì làm tăng rủi ro bị suy giãn tĩnh mạch và các bệnh lý khác hại sức khỏe.
  • Ăn uống khoa học, xây dựng thói quen sống lành mạnh, tránh xa các thức uống chứa cồn, chất kích thích,... để đảm bảo sức khỏe tốt, phòng tránh nhiều bệnh lý.
  • Khám sức khỏe tổng quát định kỳ, phát hiện các bất thường sớm, can thiệp điều trị bảo đảm an toàn sức khỏe.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Giãn tĩnh mạch chân là gì?

2. Nguyên nhân vì sao tôi bị giãn tĩnh mạch chân?

3. Triệu chứng giãn tĩnh mạch chân là gì?

4. Tôi cần thực hiện xét nghiệm chẩn đoán nào?

5. Tôi không điều trị giãn tĩnh mạch chân có sao không?

6. Sử dụng thuốc nào chữa giãn tĩnh mạch chân?

7. Tôi có gặp tác dụng phụ gì khi dùng thuốc không?

8. Trường hợp nào tôi phải phẫu thuật chữa giãn tĩnh mạch chân?

9. Rủi ro khi phẫu thuật là gì?

10. Khi nào tôi cần quay lại tái khám sau điều trị?

Giãn tĩnh mạch chân có thể gây biến chứng nếu bệnh nhân không phát hiện và điều trị. Dựa trên kết quả chẩn đoán, mỗi trường hợp sẽ có giải pháp can thiệp điều trị riêng. Người bệnh tuân thủ theo phác đồ và chủ động điều chỉnh thói quen, chăm sóc sức khỏe tại nhà để có kết quả tốt, phòng ngừa tái phát.