Bệnh bàn chân đái tháo đường

Bàn chân đái tháo đường là một trong những biến chứng mà người bệnh tiểu đường gặp phải. Hai chi dưới bắt đầu có những dấu hiệu lở loét, nhiễm trùng gây ra nhiều hệ lụy đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe. Trường hợp nặng chân bị hoại tử không đi lại được, người bệnh thậm chí phải cắt chân để duy trì tính mạng.

Tổng quan

Bệnh bàn chân đái tháo đường được biết đến là một trong những biến chứng bệnh đái tháo đường người bệnh có thể gặp phải. Các vết lở loét, nhiễm trùng nhỏ ở chân xuất hiện, sau đó nặng nề dần, khó lành hơn những người bình thường khiến bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong đời sống và sức khỏe.

Bệnh bàn chân đái tháo đường
Bàn chân đái tháo đường là biến chứng nguy hiểm người bị tiểu đường có thể gặp phải

Người bệnh có thể bị hoại tử chân, đi lại khó khăn, đôi khi phải chấp nhận cắt cụt chân để bảo toàn tính mạng. Biến chứng bàn chân đái tháo đường thông thường sẽ xuất hiện sau khi xảy ra tình trạng xơ vữa hẹp mạch máu, tổn thương thần kinh, rối loạn dẫn truyền thần kinh,... hoặc từ các vết trầy xước, viêm da, nhiễm trùng da không được xử lý đúng cách.

Bệnh nhân mắc tiểu đường trong thời gian đầu hay người đã bệnh lâu năm đều có thể gặp phải biến chứng này nếu không kiểm soát bệnh hiệu quả. Các bác sĩ vì thế luôn đưa ra những khuyến cáo về việc phát hiện, điều trị bệnh tiểu đường càng sớm càng tốt cho bệnh nhân. Duy trì điều trị và thay đổi thói quen để bệnh mau khỏi, phòng ngừa các biến chứng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Các dây thần kinh ngoại biên bị tổn thương dẫn đến hiện tượng viêm loét, hoại tử da, hoại tử lan rộng đến các mô ở chi dưới là nguyên nhân gây biến chứng bàn chân đái tháo đường. Ngoài ra còn nhiều yếu tố nguy cơ khác gây nên bệnh lý này.

Dựa vào nguyên nhân gây bệnh bác sĩ sẽ chỉ định cách can thiệp điều trị sao cho phù hợp, an toàn nhất. Theo đó, biến chứng mạch máu được xem là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng loét, tổn thương lan rộng. Bên cạnh đó, chỉ số đường huyết, yếu tố xơ vữa động mạch,... cũng liên quan mật thiết gây biến chứng bàn chân đái tháo đường.

Không thể bỏ qua các rủi ro có thể gây tổn thương bàn chân tăng nguy cơ gây hoại tử, biến chứng ở bệnh nhân đái tháo đường, đặc biệt là trường hợp nặng. Một số yếu tố bao gồm: Vệ sinh bàn chân không sạch sẽ; tổn thương da chân do cắt mỏng, cắt da, mang giày dép chật, giẫm phải dị vật;...

Bên cạnh đó, các thói quen sau đây cũng là tác nhân làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, viêm loét vết thương ở chân gây biến chứng bàn chân đái tháo đường, bao gồm: Thói quen hút thuốc, uống rượu bia, dư cân, béo phì, hệ miễn dịch và đề kháng yếu, lượng đường huyết tăng không kiểm soát.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Bệnh nhân gặp phải biến chứng bàn chân đái tháo đường có thể gặp phải các biểu hiện kể đến như:

  • Bàn chân có cảm giác ngứa râm ran khó chịu, kèm theo tình trạng tê bì, mất cảm giác.
  • Một số trường hợp trên chân xuất hiện những vết màu đỏ, da thay đổi sắc tố, nhiệt độ.
  • Chân xuất hiện các dịch tiết bất thường, đôi khi không chảy dịch tiết, cơn đau nhói xuất hiện kèm theo.
  • Tình trạng nhiễm trùng có thể lan rộng hơn, bệnh nhân có những biểu hiện như sốt, ớn lạnh, lượng đường trong máu bất ổn không thể kiểm soát,...
  • Biểu hiện toàn thân như cảm giác mệt mỏi, nhiễm trùng toàn thân, cao huyết áp, đau nhức xương khớp,...

Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ theo dõi, kiểm tra đánh giá mức độ bệnh tiểu đường và biến chứng bàn chân đái tháo đường cho bệnh nhân. Các công việc liên quan đến tầm soát biến chứng cũng sẽ được thực hiện nhằm phát hiện sớm bất thường và can thiệp điều trị.

Triệu chứng và chẩn đoán
Nhận biết sớm các biểu hiện bất thường ở bàn chân, khám và điều trị kịp thời bảo vệ an toàn sức khỏe

Tầm soát biến chứng:

  • Thu thập các biểu hiện người bệnh đang gặp phải.
  • Tiến hành khám, đánh giá, quan sát hiện tượng viêm, có hay không có tình trạng biến dạng bàn chân.
  • Thực hiện các biện pháp khám cận lâm sàng như đo ABI, TcPO2.
  • Đánh giá cảm giác ở bàn chân, áp lực đồ bàn chân, tổn thương xương.

Đánh giá tình trạng tổn thương:

  • Xác định vết thương, vết loét có kích thước, mức độ tổn thương như thế nào và đưa ra hướng khắc phục cho bệnh nhân.
  • Một số xét nghiệm cũng được thực hiện như xét nghiệm vi sinh, cấy tìm vi trùng hoặc nấm,..

Kết quả chẩn đoán mức độ biến chứng bàn chân đái tháo đường giúp bác sĩ nhận diện tình hình sức khỏe của người bệnh và đưa ra phương án điều trị phù hợp.

Biến chứng và tiên lượng

Tổn thương thần kinh ngoại biên dẫn đến biến chứng đái tháo đường là một trong những vấn đề nguy hiểm, có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đời sống, sức khỏe người bệnh. Các tổn thương ở chi dưới đối tượng bị tiểu đường nặng thường khó lành hơn những trường hợp khác, đôi khi phải cắt cụt chi để kiểm soát biến chứng.

Một số trường hợp vết loét ở chân không được xử lý đúng cách, viêm nhiễm dẫn tới tình trạng nhiễm khuẩn nặng hơn. Người bệnh không chỉ bị ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe mà còn có nguy cơ bị đe dọa đến sự an toàn tính mạng. Chính vì thế, bệnh nhân luôn được khuyến cáo nên chủ động thăm khám, kiểm soát bệnh tiểu đường đúng cách để phòng tránh biến chứng.

Điều trị

Tùy vào mức độ nghiêm trọng của hiện tượng bàn chân đái tháo đường bạn đang gặp phải, bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp cho mỗi bệnh nhân. Dưới đây là những cách được áp dụng:

Điều trị không phẫu thuật:

Kiểm soát các triệu chứng tiểu đường cho bệnh nhân bằng các biệt pháp dùng thuốc, sử dụng các thiết bị chuyên khoa. Đặc biệt cần xử lý vị trí tổn thương, vệ sinh vết thương sạch sẽ để giảm nguy cơ nhiễm trùng, viêm nhiễm nặng gây hoại tử hoặc nhiều rủi ro khác đi kèm.

Các thiết bị chuyên khoa được dùng nhằm cố định bàn chân bệnh nhân, hạn chế việc di chuyển gây trật khớp, tăng mức độ tổn thương bàn chân. Biểu hiện bất thường sẽ được quan sát, theo dõi chặt chẽ trong thời gian điều trị để tránh tình trạng bàn chân đái tháo đường trở nên nghiêm trọng hơn.

Điều trị
Trường hợp biến chứng nặng bệnh nhân phải cắt cụt chi để bảo đảm an toàn

Điều trị phẫu thuật:

Trường hợp người bệnh không đáp ứng điều trị bảo tồn, bác sĩ sẽ cân nhắc đưa ra các giải pháp can thiệp ngoại khoa nhằm khắc phục biến chứng, ngăn chặn những nguy cơ viêm nhiễm nặng. Một số biện pháp được áp dụng kể đến như:

  • Loại bỏ những mô chết, thậm chí là đoạn chi khi cần thiết.
  • Phẫu thuật bắt cầu động mạch, khai thông đường lưu thông của máu đến bàn chân.
  • Phẫu thuật dị tật bàn chân Charcot, đặt nội mạch, đặt stent.

Mỗi phương pháp điều trị điều có ưu và nhược điểm riêng. Bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định phương án điều trị phù hợp cho bệnh nhân. Người bệnh tốt nhất cần chủ động đến bệnh viện kiểm tra khi phát hiện các biểu hiện bất thường ở bàn chân, cũng như các bộ phận khác trên cơ thể trong thời gian mắc bệnh tiểu đường.

Phòng ngừa

Chăm sóc người bệnh tiểu đường ngăn ngừa nguy cơ biến chứng bảo vệ an toàn sức khỏe cho người bệnh. Đặc biệt là trường hợp bàn chân đái tháo đường, một số lưu ý trong phòng tránh bệnh nhân cần quan tâm:

  • Điều trị bệnh tiểu đường theo đúng phác đồ của bác sĩ. Duy trì chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, sử dụng thuốc và tập thể dục điều độ, theo dõi hàm lượng đường trong máu theo khuyến cáo của bác sĩ.
  • Sử dụng nước ấm rửa chân mỗi ngày, làm sạch vùng chân để tránh viêm nhiễm. Sau khi rửa dùng khăn khô thấm hết nước, tránh để chân ẩm ướt. Thường xuyên kiểm tra bàn chân, nếu có biểu hiện bất thường nên thông báo với bác sĩ càng sớm càng tốt.
  • Đối với trường hợp bệnh nhân bị khô bàn chân, chai chân nên sử dụng kem dưỡng ẩm theo khuyến cáo của bác sĩ, chà vết chai chân. Lưu ý nên cắt móng chân đúng cách, tránh móng chân dài để giảm nguy cơ gây tổn thương chân.
  • Mang giày dép phù hợp, vừa chân, mềm nhẹ không ảnh hưởng đến da chân, xương khớp. Hạn chế sử dụng những đôi giàu quá cao, chất liệu cứng gây trầy xước,...
  • Người bệnh hạn chế ngồi tư thế khiến mạch máu khó lưu thông đến chân, lựa chọn tư thế ngồi thoải mái nhất.
  • Không sử dụng thuốc lá, chất kích thích, những thực phẩm có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh tiểu đường.
  • Kiểm tra lượng đường huyết mỗi ngày, tái khám theo lịch hẹn để sớm phát hiện các bất thường và xử lý kịp thời.

Có thể bạn quan tâm: Đái tháo đường thứ phát là gì? Nguy hiểm không?

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tình trạng bàn chân đái tháo đường nguy hiểm như thế nào?

2. Nguyên nhân gây bàn chân đái tháo đường là gì?

3. Tôi có thể nhận biết tình trạng biến chứng bàn chân thông qua biểu hiện nào?

4. Trường hợp không điều trị tôi có thể gặp phải các rủi ro gì?

5. Khi nào nên gặp bác sĩ?

6. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm kiểm tra nào?

7. Tôi có phải cắt cụt chân hay không?

8. Những rủi ro khi điều trị biến chứng bàn chân đái tháo đường là gì?

9. Những việc tôi cần làm để phòng tránh bàn chân đái tháo đường?

10. Bao lâu tôi nên tái khám theo dõi bệnh tiểu đường?

Bàn chân đái tháo đường là biến chứng người bệnh gặp phải khi tình trạng bênh nghiêm trọng hơn. Người mắc bệnh tiểu đường cần chăm sóc sức khỏe theo hướng dẫn, dùng thuốc và các thủ thuật khác kiểm soát đường huyết, ngăn ngừa biến chứng. Nếu trường hợp phát hiện bàn chân có các triệu chứng lạ nên đến bệnh viện khám và kịp thời ngăn chặn những rủi ro không mong muốn.