Insulin là gì? Vai trò với cơ thể và cẩn trọng khi dùng

Insulin có vai trò quan trọng trong cơ thể con người, nhất là đối với bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường (tiểu đường). Đây là loại hormone có mối liên hệ mật thiết với cơ chế bệnh sinh và là một trong các biện pháp điều trị phổ biến. Vậy thực chất insulin là gì? Có vai trò như thế nào đối với cơ thể con người? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn đọc làm rõ vấn đề này.

Insulin là gì?

Hormone insulin được sản sinh từ các tế bào trong tuyến tụy. Insulin đảm nhận vai trò chuyển hóa carbohydrate trong cơ thể. Ngoài ra, nó còn hỗ trợ quá trình chuyển hóa năng lượng trong các mô mỡ và gan cung cấp cho hoạt động sống của cơ thể. Trọng lượng phân tử insulin là khoảng 5080 Dalton, cấu thành bởi chuỗi polypeptid A, B.

Insulin là gì? Vai trò với cơ thể và cẩn trọng khi dùng
Insulin là gì? Vai trò với cơ thể và cẩn trọng khi dùng

Loại hormone này được tổng hợp tại tế bào có tên là beta nằm trong đảo tụy, thông qua quá trình tổng hợp protein của tế bào. Insulin đóng vai trò quan trọng và là nhân tố quyết định nồng độ glucose trong huyết tương. Bên cạnh đó, đối với người mắc bệnh tiểu đường, sự sụt giảm insulin cũng là nguyên nhân khiến đường huyết tăng cao. 

Vai trò của insulin đối với cơ thể

Sở dĩ nói insulin có vai trò quan trọng đối với cơ thể vì đây là hormon duy nhất có khả năng tác động đến chỉ số đường huyết. Các tác dụng cụ thể như sau:

Chuyển hóa tinh bột (glucid)

Insulin có tác dụng quan trọng trong việc tăng cường dự trữ glycogen, đồng thời tiêu giảm glucose ở cơ. Thông thường, sau các bữa ăn, hàm lượng glucose trong máu sẽ tăng cao. Lúc này insulin được cơ thể kích thích để tăng sinh nhiều hơn để vận chuyển glucose đi vào bên trong các tế bào. Trường hợp các cơ không có vận động, glucose sẽ được chuyển hóa thành dạng dự trữ (glycogen).

Hiện tượng tăng áp lực thẩm thấu máu được lý giải nguyên nhân có thể là do hàm lượng glucose trong máu tăng cao, trong khi chúng không được insulin tổng hợp và vận chuyển vào bên trong tế bào. Tình trạng thiếu hụt insulin dẫn đến tế bào không đủ năng lượng hoạt động. Vì thế, các tế bào sẽ chuyển hướng sang chuyển hóa lactic, gây toan máu trong cơ thể dễ khiến người bệnh hôn mê, thậm chí là tử vong.

Vai trò của insulin đối với cơ thể
Vai trò của insulin đối với cơ thể

Bên cạnh đó, một công dụng nữa của insulin không thể không nhắc đến đó là chuyển hóa glucose trong gan sang dạng dự trữ. Khi có sự thay đổi đột ngột, vì dụ glucose trong máu bị sụt giảm hoặc insulin bị ức chế hình thành, lúc này số lượng glycogen sẽ được phân ly, sau đó biến thành glucose cung cấp năng lượng máu. Ngoài ra, hormone này còn có khả năng sử dụng axit amin để chuyển hóa sang glucose (hay còn được gọi là quá trình tân tạo đường).

Tham khảo thêm: Uống thuốc tiểu đường có hại không? Cách giảm thiểu

Chuyển hóa chất béo (lipid)

Bên cạnh việc tổng hợp tinh bột hay đường trong cơ thể, insulin còn có tác dụng tổng hợp chất béo, sau đó vận chuyển đến các mô mỡ. Người bị thiếu hụt thành phần này có nguy cơ bị tăng sinh glycerol cùng với axit béo, làm mỡ trong máu tăng cao. Đây là một trong các nguyên nhân gây nên tình trạng xơ vữa động mạch, biến chứng của bệnh đái tháo đường.

Chuyển hóa chất đam (protein)

Ngoài các vai trò nêu trên, hormone insulin còn có một chức năng quan trọng không thể không nhắc đến đối với cơ thể là khả năng tổng hợp, dự trữ protein trong tế bào. Tình trạng thiếu insulin khiến cho quá trình phân giải protein tăng cao, trong khi đó protein ở các mô lại giảm làm cho cơ thể bị sụt cân đột ngột. Đây cũng là yếu tố lý giải vì sao người mắc bệnh tiểu đường thường ăn khá nhiều nhưng vẫn gầy, không thể tăng cân.

Insulin có những loại nào?

Các chuyên gia phân insulin thành các loại cơ bản sau đây:

  • Insulin tác dụng ngắn: Với loại này, khi đi vào cơ thể, insulin sẽ có tác dụng trong khoảng thời gian khoảng 30 phút. Sau 2 – 3 giờ là thời gian đạt đỉnh điểm hiệu quả và kéo dài sau 3 – 6 giờ tiếp theo. Insulin tác dụng ngắn được chỉ định sử dụng trước bữa ăn hoặc trước khi sử dụng loại insulin kéo dài. Ở dạng này, insulin thường được dùng như humulin R, novolin R.
  • Insulin tác dụng nhanh: Loại này sẽ có tác dụng nhanh hơn loại bên trên. Thông thường sau khoảng 15 phút tiêm đã phát huy hiệu quả. Sau 1 giờ sẽ là đỉnh điểm, kéo dài tác dụng thêm 2 – 4 tiếng tiếp theo. Tương tự như insulin tác dụng ngắn, insulin tác dụng nhanh cũng được sử dụng trước mỗi bữa ăn, trước khi tiêm insulin tác dụng kéo dài. Các dạng phổ biến như: Insulin glulisine, insulin aspart.
  • Insulin tác dụng trung bình: Sau khi tiêm khoảng 2 – 4 tiếng thì bắt đầu có hiệu quả. Thời gian đạt đỉnh điểm chậm hơn nhiều so với các loại trên, thường thời gian sẽ rơi vào khoảng 4 – 12 tiếng. Tuy nhiên, thời gian sử dụng sẽ lâu hơn, cụ thể là 12 – 18 giờ. Sử dụng insulin tác dụng trung bình mỗi ngày 2 lần chung với 1 trong 2 loại insulin ngắn hoặc nhanh kể trên. Dạng phổ biến như NPH (humulin N, novolin N).
  • Insulin tác dụng kéo dài: Loại này có thời gian tác dụng dài hơn các loại đã nêu bên trên và đạt đỉnh điểm khoảng 24 tiếng đồng hồ. Bác sĩ sẽ cân nhắc để đưa ra liều lượng và cách dùng phù hợp cho từng người bệnh. Trường hợp cần thiết, loại này sẽ được dùng kết hợp với loại insulin tác dụng nhanh hoặc insulin có tác dụng ngắn. Các dạng phổ biến là insulin detemir, insulin glargine.
  • Insulin hỗn hợp: Dạng này là hỗn hợp của loại insulin tác dụng nhanh và loại insulin tác dụng dài. Được sử dụng trong cùng 1 mũi tiêm. Thuốc sẽ có tác dụng theo 2 hướng như sau: Tác động đến carbohydrate trong bữa ăn và tạo nồng độ insulin nền. 
Insulin có những loại nào?
Có nhiều dạng insulin

Khi nào cần sử dụng insulin

Các chuyên gia cho rằng, sử dụng insulin trong việc điều trị bệnh tiểu đường tuýp 1 là việc cần thiết nên làm. Bởi vì, những bệnh nhân mắc phải căn bệnh này có tuyến tụy không tự sản sinh ra được insulin. Lúc này, người bệnh cần cung cấp chúng từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, trường hợp tiểu đường tuýp 2, các hoạt động của insulin trong cơ và gan không còn hiệu quả như trước. Đồng thời cơ thể không còn tiết insulin như bình thường. Vì thế, đây là thời điểm thích hợp để chủ động bổ sung insulin bằng đường tiêm trực tiếp vào cơ thể người bệnh. Đây là cách hỗ trợ phục hồi chức năng cho các insulin bên trong cơ thể.

Ngoài ra, nếu người bệnh bị tổn thương hoặc gặp các vấn đề khiến tuyến tụy bị suy giảm chức năng tự tổng hợp insulin, thì việc sử dụng insulin từ bên ngoài sẽ được áp dụng. Khi đi vào cơ thể, chúng sẽ phát huy hiệu quả của mình, phục hồi các tổn thương tuyến tụy, ổn định đường huyết trong cơ thể.

Ngoài ra, một số trường hợp người bệnh tiểu đường cần sử dụng insulin để điều trị khi:

  • Cấp cứu biến chứng của bệnh tiểu đường như tiền hôn mê hoặc hôn mê.
  • Người bệnh tiểu đường bị một số vấn đề liên quan đến nhiễm khuẩn, sụt cân nhanh, cơ thể bị suy dinh dưỡng nặng.
  • Một số cơ quan đích như tim, thận, não bị tổn thương. Điển hình là chứng đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, suy thận,…nguy hiểm, đe dọa tính mạng của người bệnh.
  • Cần ổn định đường huyết trước khi tiến hành phẫu thuật hoặc hậu phẫu.
  • Sử dụng cho bà bầu mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.

Tham khảo thêm: Thuốc trị tiểu đường của Pháp loại nào tốt? Giá bán?

Vấn đề trước khi sử dụng insulin

Để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng insulin, các bác sĩ thường thăm hỏi người bệnh một số vấn đề như:

  • Người bệnh có tiền sử dị ứng với insulin hoặc các thành phần nào của thuốc không.
  • Người bệnh cần cung cấp thuốc điều trị đang sử dụng kể cả thuốc được kê toa, thảo dược hoặc thực phẩm chức năng,…
  • Người bệnh có mắc các bệnh lý nào liên quan đến các bộ phận như gan và thận không.
  • Người bệnh có đang mang thai hoặc có dự định mang thai hay đang trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ không.
  • Người bệnh có thực hiện phẫu thuật nào trước đó không, thậm chí là về nha khoa.
  • Người bệnh có gặp căng thẳng, lo lắng hoặc bị ốm không.
    Lưu ý khi sử dụng insulin
    Lưu ý khi sử dụng insulin

Kèm theo đó, người bệnh sẽ phải lưu ý thêm các vấn đề liên quan đến việc sử dụng insulin như:

  • Đây là thuốc có khả năng làm hạ đường huyết cho cơ thể người bệnh, có tác dụng mạnh mẽ nhất.
  • Sử dụng thuốc ở dạng tiêm dưới da, vị trí thường sẽ là các vùng bụng, cánh tay hoặc đùi.
  • Nếu cần thiết, các bác sĩ sẽ kết hợp cho người bệnh sử dụng insulin ở dạng tiêm kết hợp với uống.
  • Với insulin đã được trộn sẵn liều lượng có thể được chỉ định mỗi ngày 2 mũi trước khi ăn sáng và ăn chiều.
  • Liều lượng ở mỗi người sẽ khác nhau, tuân thủ chỉ định của bác sĩ để đạt được kết quả điều trị như mong đợi.

Tác dụng phụ của insulin

Bên cạnh những lợi ích mà insulin mang lại cho cơ thể người bệnh, nó cũng tiềm ẩn một vài nguy cơ khi sử dụng như:

Gây hạ đường huyết

Sử dụng insulin dạng tiêm cho người mắc bệnh tiểu đường có thể khiến nồng độ đường trong máu giảm nhanh, có khi đột ngột khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê. Tình trạng này là một trong các tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng insulin điều trị bệnh. 

Do đó, nếu thấy cơ thể có những dấu hiệu như mệt mỏi, nhức đầu, rối loạn thị giác,….bệnh nhân cần bổ sung dạng đường phân hủy nhanh trong kẹo, viên đường,…để cải thiện triệu chứng nêu trên.

Trường hợp người bệnh bị hôn mê hoặc có các biến chứng nặng hơn. Bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng glucagon dạng tiêm với liều lượng khoảng 0,5 – 1mg. Đồng thời, tiêm truyền glucose theo đường tĩnh mạch để nhanh chóng khắc phục biến chứng cho người bệnh. Khi người bệnh tỉnh lại, nên bổ sung vào cơ thể thực phẩm có chứa carbohydrate để tránh lặp lại tình trạng hôn mê.

Gây phản ứng dị ứng

Người bệnh có thể gặp phải tình trạng phản ứng tại vị trí tiêm insulin như tình trạng nổi vết mẩn đỏ, phù, ngứa,…Tuy nhiên, sau vài ngày hoặc vài tuần, biểu hiện này sẽ tự động biến mất. Ngoài ra, dị ứng cũng có thể hình thành bởi một số yếu tố khác như chất sát khuẩn, tiêm nông hoặc do người bệnh bị dị ứng với các thành phần chất bảo quản.

Tác dụng phụ của insulin
Tiêm insulin có thể gây ra một số tác dụng phụ

Trường hợp phản ứng toàn thân khá hiếm, tuy nhiên nó cũng có thể xảy ra. Đây là tác dụng phụ có mối liên hệ với insulin hoặc metacresol. Người bệnh có thể bị khó thở, tụt huyết áp, tim đập nhanh, ra nhiều mồ hôi,…Khắc phục bằng cách sử dụng thuốc histamin hoặc tiêm adrenalin và glucocorticoid đường tĩnh mạch.

Gây loạn dưỡng lipid

Người bệnh có thể gặp phải tình trạng lõm da vùng tiêm insulin hoặc tổ chức mỡ dưới da bị biến mất trên diện rộng. Đây được gọi là chứng loạn dưỡng lipid, tác dụng phụ có thể xuất hiện sau khi tiêm insulin từ 1 – 6 tháng, thường thấy ở trẻ em hoặc phụ nữ. Chính vì thế, các chuyên gia khuyến cáo người dùng nên thay đổi vị trí tiêm thường xuyên để tránh gặp phải tác dụng phụ này. 

Tham khảo thêm: Bà bầu tiểu đường 3 tháng cuối nên ăn gì để con & mẹ khỏe?

Gây tăng cân

Điều trị tiểu đường bằng cách tiêm insulin có thể khiến cơ thể bị tăng cân hơn so với bình thường. Nguyên nhân là do quá trình đồng hóa bị kích thích. Bên cạnh đó, nếu người bệnh có chế độ dinh dưỡng nhiều calo sẽ làm cho nồng độ glucose bị dư thừa. Từ đó, chúng sẽ tích lũy dưới dạng mỡ khiến người bệnh tăng cân nhanh chóng.

Quá liều insulin

Trường hợp người bệnh sử dụng insulin nhiều hơn mức cho phép có thể gây ra nguy cơ co giật, thậm chí là tử vong. Chính vì thế, người bệnh không nên tự điều chỉnh liều lượng khi không có sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, điều chỉnh chế độ ăn uống cho phù hợp, hạn chế các nguy cơ không mong muốn xảy ra.

Phương pháp bảo quản insulin

Để giữ insulin được tốt nhất, người bệnh nên lưu ý không đặt thuốc ở nơi có ánh sáng và nhiệt độ cao. Nên bảo quản trong tủ lạnh, trường hợp không có tủ lạnh nên để insulin nơi có nhiệt độ từ 13,33 độ C cho đến khoảng 26,67 độ C. Không đông lạnh, trường hợp insulin bị đông thì không thể sử dụng.

Chai insulin chưa sử dụng, hộp đựng và bút tiêm nên bảo quản trong tủ lạnh với nhiệt độ cao hơn 2,22 độ C và thấp hơn 7,78 độ C. Bảo quản tốt sẽ giúp insulin phát huy hiệu quả cho đến thời hạn sử dụng cuối cùng. Bên cạnh đó, đối với hộp đựng và bút tiêm insulin đã và đang dùng có thể để ở ngoài nhiệt độ phòng. Tuy nhiên cũng cần đảm bảo nhiệt độ không cao hơn 26.67 độ C.

Cẩn trọng khi sử dụng insulin

Để việc sử dụng insulin điều trị đạt kết quả tốt nhất, người bệnh nên cẩn trọng một số vấn đề sau:

  • Điều trị bệnh đái tháo đường bằng việc sử dụng insulin nên chú ý đến liều lượng sử dụng. Không nên điều chỉnh liên tục hoặc giữ cố định liều lượng trong thời gian dài. Điều này có thể ảnh hưởng đến đường huyết, gây ra tình trạng nhiễm toan ceton.
  • Các triệu chứng tăng đường huyết sẽ xuất hiện từ từ. Người bệnh có thể gặp phải tình trạng buồn nôn, tiểu nhiều, lơ mơ, khô miệng,…trong thời gian dài.
  • Tình trạng nhiễm toan ceton do tiểu đường tuýp 1 gây ra có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể mắc các bệnh lý khác kèm theo như nhiễm trùng, sốt,…
    Cẩn trọng khi sử dụng insulin
    Thăm khám y tế và tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ, đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng insulin
  • Trường hợp bệnh nhân gặp vấn đề về gan, thận có thể giảm liều lượng insulin theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, những người thường xuyên hoạt động thể lực, các vận động viên, người có chế độ ăn uống không cố định cũng cần linh hoạt thay đổi liều dùng insulin cho phù hợp.
  • Nếu cần chuyển đổi sử dụng insulin hoặc phương pháp điều trị khác nên thực hiện theo sự hướng dẫn của bác sĩ. 
  • Không sử dụng thuốc trong bơm insulin liên tục vì nguy cơ ống thông bị kết tủa.
  • Hạn chế lái xe hoặc vận động máy móc khi cơ thể có dấu hiệu hạ đường huyết.
  • Trường hợp mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, phụ nữ cần theo dõi tình trạng đường huyết hoặc điều trị bằng insulin nhưng phải có sự hướng dẫn của người có chuyên môn. 
  • Nếu nhận thấy cơ thể có dấu hiệu mắc phải các tác dụng phụ nêu trên, bạn nên báo ngay với bác sĩ để có biện pháp điều chỉnh phù hợp. Trường hợp dị ứng nặng, người bệnh bắt buộc phải ngưng sử dụng insulin.
  • Thăm khám y tế theo lịch hẹn của bác sĩ để kiểm tra đường huyết thường xuyên, tránh những nguy cơ không mong muốn có thể xảy ra, đặc biệt là biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường.

Trên đây là thông tin và vai trò của insulin đối với cơ thể con người. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đọc nội dung bổ ích. Để điều trị bệnh tiểu đường hiệu quả, việc chủ động thăm khám bác sĩ là cách tốt nhất giúp người bệnh kiểm soát bệnh. Tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng bất kì loại thuốc nào khi chưa nhận được sự hướng dẫn của người có chuyên môn.

Có thể bạn quan tâm

Chỉ số đường huyết bình thường, lúc đói – sau ăn…?

Chỉ số đường huyết là giá trị của nồng độ đường (glucose) trong máu, thường được sử dụng để chẩn đoán bệnh đái tháo đường. Thông thường chỉ số này...

Bị tiểu đường thai kỳ nên ăn gì, kiêng gì nhanh hết?

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe của sản phụ, đồng thời...

Lên thực đơn ăn sáng cho người tiểu đường thai kỳ

Bữa ăn sáng đóng vai trò rất quan trọng cho mọi đối tượng không riêng gì người bị tiểu đường...

Tiểu đường thai kỳ có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Bệnh tiểu đường thai kỳ thường dễ xảy ra trong quá trình mang thai, nhất là 3 tháng cuối thai...

Thuốc tiểu đường của Nhật Bản loại nào tốt? Giá bán?

Kikuimo Seikatsu, Tokaijyo, Ala Pro, Ala - Bio,... là một trong những sản phẩm nổi bật đến từ các hãng...

chữa tiểu đường tại nhà

9 cách chữa tiểu đường tại nhà hiệu quả, dễ áp dụng

Tiểu đường là bệnh lý chuyển hóa nghiêm trọng cần chú ý kiểm soát tốt. Khi chỉ số đường huyết...

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *