Bệnh phù bạch huyết

Phù bạch huyết gây ra các triệu chứng như sưng, đau, nhiễm trùng,... Tùy mức độ bệnh lý của mỗi người mà các triệu chứng sẽ khởi phát nặng hay nhẹ. Nếu không phát hiện và kiểm soát, tình trạng phù chi có thể dẫn đến các biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống và sức khỏe người bệnh.

Tổng quan

Phù bạch huyết là hiện tượng tắc nghẽn xảy ra bên trong hệ thống bạch huyết cơ thể người. Do là hệ thống mạch quan trọng đóng vài trò cung cấp dinh dưỡng, vận chuyển nước và chất hòa tan,... nên khi có sự tắc nghẽn tại bộ phận này, người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng bất thường.

Phù bạch huyết
Hiện tượng sưng phù có thể xuất hiện ở tay hoặc chân làm ảnh hưởng đời sống bệnh nhân

Tình trạng phù bạch huyết xảy ra chủ yếu ở hai chi trên và hai chi dưới. Đa số các trường hợp ghi nhận mắc chứng bệnh này thường bị tổn thương ở một bên tay hoặc một bên chân. Số ít trường hợp xuất hiện đối xứng.

Đối tượng mắc chứng phù bạch huyết thông thường là những bệnh nhân đang điều trị ung thư. Các chuyên gia đánh giá bệnh lý này là dạng khó tránh khỏi trong thời gian điều trị ung thư và ngay cả sau điều trị.

Hiện nay, với sự tiến bộ của y học hiện đại, đã có nhiều biện pháp can thiệp hơn để kiểm soát tình trạng phù mạch bạch huyết. Tuy nhiên, những trường hợp chủ quan, không khám chữa sớm có thể gặp phải nhiều biến chứng nguy hại sức khỏe.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Phù bạch huyết được xác định xảy ra khi có sự tắc nghẽn hoặc tổn thương bên trong hệ thống mạch bạch huyết. Tình trạng này khiến cho dịch bạch huyết bị dồn ứ, không lưu thông gây phù ở chân, tay. Những yếu tố nguy cơ gây bệnh kể đến như:

Nguyên nhân nguyên phát:

Không thường gặp, xuất hiện ỏ người dưới 20 tuổi, nữ giới mắc phải nhiều hơn so với nam giới. Theo chuyên gia, các nguyên nhân nguyên phát gây phù bạch huyết có liên quan đến những rối loạn phát triển từ nhỏ. Một số trường hợp như:

  • Rối loạn di truyền ở giai đoạn trứng có thể là nguyên nhân dẫn đến phù bạch huyết bẩm sinh hay còn gọi là bệnh Milroy. Chính sự rối loạn di truyền này làm cho hệ thống bạch huyết ở trẻ bị dị tật, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm tình trạng phù bạch huyết trong giai đoạn phát triển.
  • Trường hợp phù bạch huyết xảy ra ở trẻ em, trẻ trong độ tuổi dậy thì còn được gọi là phù bạch huyết sớm hay bệnh Meige. Ngoài ra, một số trường hợp ghi nhận mắc bệnh ở độ tuổi từ 20-30 tuổi, tuy nhiên tỷ lệ ít gặp hơn. Đối với trường hợp này, cơ thể trẻ không có van giữ dịch bạch huyết, hệ thống bạch huyết vẫn được hình thành tuy nhiên không đầy đủ các bộ phận. Sự thiếu hụt van giữ dịch làm cho dịch vận chuyển không đúng tại các khu vực tay, chân gây ra hiện tượng phù nề bất thường.
  • Ngoài hai yếu tố nguyên phát kể trên, một số trường hợp khác ghi nhận tình trạng phù mạch bạch huyết sau tuổi 35. Mặc dù vậy, so với dạng bẩm sinh và phù bạch huyết sớm, phù bạch huyết muộn khá hiếm gặp.

Nguyên nhân thứ phát:

Những tác động gây tổn thương mạch bạch huyết cũng có khả năng gây ra tình trạng phù nề. Đối với nguyên nhân thứ phát, các yếu tố gây bệnh có thể kể đến như:

Nguyên nhân gây phù bạch huyết
Một số nguyên nhân thứ phát có liên quan đến phù bạch huyết

  • Mạch phù do ảnh hưởng bởi quá trình phẫu thuật. Một số trường hợp cần loại bỏ mạch bạch huyết hoặc các hạch bạch huyết rất dễ gặp phải hiện tượng phù mạch bất thường này. Khi đó, các mạch và hạch được bảo tồn không có khả năng duy trì hoạt động cho một hệ thống, giai đoạn đầu sẽ gây ra một vài triệu chứng nhận biết ở vùng tay, chân.
  • Ảnh hưởng từ bức xạ trong quá trình điều trị ung thư. Vị trí chịu tác động của tia X có thể để lại sẹo, hoặc cũng có khả năng bị viêm. Chính sự việc này làm dòng chảy của dịch trong hệ thống mạch bạch huyết không trơn tru, chúng bị tích tụ lại làm sưng phù tại một số vị trí.
  • Bệnh nhân bị ung thư có tỷ lệ phù bạch huyết cao. Nguyên nhân thứ phát gây bệnh có liên quan đến các khối u bất thường xuất hiện gây tắc mạch, dịch không được vận chuyển dẫn đến sự dồn ứ phù nề.
  • Một số bệnh nhân bị phù bạch huyết ghi nhận có liên quan đến tình trạng nhiễm trùng. Tác nhân gây hại xâm nhập cơ thể, di chuyển vào mạch và hạch bạch huyết gây tổn thương mạch, tắc nghẽn dòng chảy mạch.

Các yếu tố nguy cơ tăng khả năng mắc bệnh phù bạch huyết bao gồm:

  • Những bệnh nhân đã hoặc đang trong giai đoạn điều trị ung thư.
  • Người đã từng can thiệp phẫu thuật, vết mổ lớn.
  • Người làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với tia bức xạ, chất độc hại.
  • Bệnh nhân mắc các bệnh lý về hệ thống miễn dịch.
  • Người sống trong điều kiện môi trường không đảm bảo, ăn uống không vệ sinh, nhiễm ký sinh trùng,...
  • Những đối tượng nguy cơ cao thường có cân nặng quá khổ, người có tuổi cao, sức đề kháng kém.

Bệnh nhân cần được kiểm tra sức khỏe, xác định nguyên nhân gây phù bạch huyết để có biện pháp điều trị phù hợp. Đây là bệnh lý gây ra nhiều ảnh hưởng sức khỏe, nhất là trường hợp bệnh nhân không thăm khám sớm. Chính vì thế bạn đọc tuyệt đối không chủ quan.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Tùy mức độ tổn thương, tắc mạch mà tình trạng phù bạch huyết ở mỗi người bùng phát triệu chứng nặng, nhẹ khác nhau. Trong đó, vùng cánh tay, chân là hai khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi chứng bệnh này. Đến gặp bác sĩ nếu bạn có các biểu hiện kể đến như:

  • Cánh tay, chân có dấu hiệu sưng phù. Tình trạng này xuất hiện ở một vùng nhỏ hoặc sưng hoàn toàn kể cả các ngón tay, chân.
  • Cơn đau xuất hiện kèm theo hiện tượng sưng phù các chi. Đi lại khó khăn, cử động tay gặp nhiều vấn đề, cảm giác nặng nề khó chịu.
  • Tình trạng nhiễm trùng có thể xuất hiện, tuy nhiên rất dai dẳng có thể tái đi tái lại nhiều lần.
  • Da ở chân, tay bị cứng, dày và sưng phù bất thường.

Tùy mức độ bệnh lý biểu hiện sưng sẽ nặng hoặc nhẹ. Bệnh nhân lúc này gặp phải các vấn đề trong việc di chuyển, làm việc. Để tránh các rủi ro không mong muốn, tốt nhất bệnh nhân nên chủ động đến gặp bác sĩ để khám và điều trị sớm, bảo vệ súc khỏe.

Chẩn đoán phù bạch huyết
Bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ khi phát hiện các dấu hiệu bất thường

Chẩn đoán

Chỉ định thực hiện các xét nghiệm, kiểm tra cần thiết nhằm xác định tình trạng sức khỏe, loại bỏ bệnh lý nguy hiểm. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được thăm hỏi, khám lâm sàng trước khi tiến hành các thủ thuật y khoa chuyên sâu.

Những phương pháp xét nghiệm thường được thực hiện bao gồm:

  • Siêu âm Doppler: Tiến hành siêu âm mạch máu để phát hiện có hay không sự tắc mạch, tổn thương gây phù nề các chi.
  • Chụp MRI: Chụp cộng hưởng từ được thực hiện trong chẩn đoán bệnh phù bạch huyết. Thông qua hình ảnh thu được, bác sĩ có thể xác định vị trí tổn thương, tắc nghẽn, xác định đặc điểm phù bạch huyết của bệnh nhân.
  • Chụp CT: Hay còn gọi là chụp cắt lớp, một trong những kỹ thuật chẩn đoán bệnh được thực hiện rộng rãi. Chỉ định cho bệnh nhân có các dấu hiệu nghi ngờ phù bạch huyết do tắc nghẽn.

Ngoài các phương pháp kể trên, người bệnh còn có thể được chỉ định thực hiện kỹ thuật thu thập hình ảnh hạt nhân phóng xạ. Thuốc nhộm phóng xạ được sử dụng nhằm phản ánh rõ nét các vấn đề bên trong hệ thống bạch huyết. Tại nước ta, kỹ thuật này vẫn chưa được áp dụng rộng rãi.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh nhân bị phù bạch huyết nếu không phát hiện và điều trị có thể gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong đó đặc biệt là hiện tượng nhiễm trùng xảy ra ở khu vực sưng phù. Viêm nhiễm kéo dài phát sinh nhiều vấn đề khác làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị cũng như sức khỏe người bệnh.

Các trường hợp nhiễm trùng thường xuất hiện khi bệnh nhân không chăm sóc và điều trị bệnh đúng cách bao gồm:

  • Nhiễm trùng mạch: Đây là một trong những trường hợp viêm nhiễm xảy ra phổ biến. Bất kỳ vị trí nào cũng có thể bị nhiễm trùng khi bệnh nhân mắc phù bạch huyết. Sức đề kháng trong cơ thể giảm dưới ảnh hưởng của tình trạng tắc mạch, điều này khiến biến chứng lan rộng nhanh. Một vài trường hợp đặc biệt nghiêm trọng phù nề kèm nhiễm trùng không thể phục hồi.
  • Viêm mô tế bào: Đây cũng là biến chứng có thể xảy ra ở bệnh nhân mắc chứng phù bạch huyết. Vi khuẩn tấn công vào khu vực da chân, tay bị sưng phù, tổn thương hạch bạch huyết gây ra tình trạng viêm mô tế bào. Những đối tượng chủ quan không kiểm soát tình trạng viêm nhiễm có khả năng bị nhiễm trùng máu. Khi đó sức khỏe, tính mạng của người bệnh bị đe dọa nghiêm trọng.

Chính các nguy cơ biến chứng có thể xảy ra kể trên, các chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cần khám và điều trị phù bạch huyết sớm. Tránh trường hợp chủ quan, điều trị không đúng cách làm ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, đe dọa sự an toàn tính mạng.

Điều trị

Về cơ bản không có biện pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh phù bạch huyết. Bệnh nhân có thể được bác sĩ chỉ định những phương án nhằm kiểm soát tốt nhất triệu chứng và ngăn ngừa rủi ro cho cơ thể. Dưới đây là các cách được áp dụng phổ biến:

Điều trị phù bạch huyết
Chỉ định điều trị phù bạch huyết kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng

  • Tập luyện: Các bài tập cánh tay, chuyển động chân được chỉ định thực hiện nhằm giúp bệnh nhân duy trì hoạt động của chi, ngăn nguy cơ tắc nghẽn nghiêm trọng hơn. Việc vận động và tập luyện phù hợp sẽ giúp dịch bạch huyết có khả năng lưu thông tốt hơn, giảm sưng phù, đau nhức và mệt mỏi cho người bệnh. Không nên tập luyện quá sức, ưu tiên tập các bài tập nhẹ nhàng, co giãn cử động vừa phải.
  • Sử dụng băng quấn: Băng vùng cánh tay, chân bị tổn thương bởi tình trạng phù mạch. Việc này sẽ giúp tạo một áp lực nhất định lên mạch bạch huyết, đẩy dịch ứ động di chuyển ngược ra khắp cơ thể. Kỹ thuật sử dụng băng quấn đúng cách sẽ được bác sĩ hướng dẫn chi tiết khi thăm khám.
  • Kỹ thuật massage: Ngoài biện pháp sử dụng băng quấn giúp dịch di chuyển đến các bộ phận trên cơ thể, người bệnh có thể massage nhẹ nhàng để kích thích máu huyết, tăng tuần hoàn giảm các tác hại của phù bạch huyết. Tuy nhiên nếu trường hợp da bị nhiễm trùng, bệnh nhân ung thư, có cục máu đông hoặc bị suy tim sung huyết không nên tùy tiện áp dụng biện pháp này. Đồng thời tuyệt đối không massage tác động lực lên vùng cơ thể vừa xạ trị.
  • Phương pháp nén khí: Đây cũng là phương án được áp dụng trong hỗ trợ cải thiện tình trạng phù bạch huyết. Khí nén sẽ được trang bị, lắp vào quần áo để tác động lên khu vực bị sưng phù. Máy bơm sẽ đưa hơi lên tay áo, tạo áp lực lên khu vực cần điều tiết dịch bạch huyết. Sau một thời gian sử dụng đúng cách hiện tượng sưng sẽ có những dấu hiệu thuyên giảm tích cực.
  • Phương pháp ngoại khoa: Chỉ định can thiệp phẫu thuật cho bệnh nhân nặng, không đáp ứng điều trị bằng các biện pháp thông thường. Mô dư thừa sẽ được loại bỏ ở vùng chân, tay bị sưng phù, giảm triệu chứng cho bệnh nhân. Tuy nhiên biện pháp phẫu thuật không phải là cách chữa trị dứt điểm chứng phù bạch huyết.

Mỗi phương pháp điều trị có ưu và nhược điểm riêng, bệnh nhân sẽ được bác sĩ hướng dẫn cách điều trị phù hợp nhất. Tuân thủ theo phác đồ y tế, kết hợp chăm sóc sức khỏe tại nhà đúng cách để tăng hiệu quả điều trị, bảo vệ sức khỏe.

Phòng ngừa

Phù bạch huyết có thể xảy ra với bất kỳ ai, do đó bạn cần chủ động phòng tránh từ sớm. Một số lưu ý kể đến như:

  • Ăn uống đủ chất, xây dựng thói quen sống lành mạnh với việc duy trì vận động, có thực đơn dinh dưỡng phù hợp.
  • Bảo vệ khu vực cánh tay, chân tránh các tổn thương, viêm nhiễm xảy ra làm ảnh hưởng sức khỏe, hệ thống hạch bạch huyết của cơ thể. Xử lý các vết thương đúng cách tránh viêm nhiễm nặng nề gây hại cho sức khỏe.
  • Không lạm dụng hoạt động cánh tay, chân. Làm việc vừa sức, tập luyện thể dục phù hợp với thể trạng. Tránh làm việc quá sức, khiêng vác nặng,... gây tổn thương và nhiều vấn đề khác.
  • Điều trị bệnh theo phác đồ của bác sĩ, không lạm dụng thuốc tây hoặc sử dụng thuốc bừa bãi.
  • Giữ vệ sinh cơ thể, bảo vệ sức khỏe đường hô hấp, sử dụng đồ bảo hộ lao động khi làm việc trong điều kiện môi trường không đảm bảo.
  • Khám sức khỏe định kỳ, mỗi năm 1-2 lần để phát hiện sớm các bất thường. Điều trị từ giai đoạn đầu giúp bệnh nhân phòng ngừa được nhiều nguy cơ, đặc biệt là các biến chứng nguy hiểm tính mạng.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Bệnh phù bạch huyết là gì?

2. Phù bạch huyết có nguy hiểm không?

3. Triệu chứng nhận biết phù bạch huyết?

4. Nguyên nhân gây phù bạch huyết là gì?

5. Các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán phù bạch huyết gồm những gì?

6. Trường hợp không điều trị phù bạch huyết sẽ như thế nào?

7. Khi nào cần phẫu thuật điều trị phù bạch huyết?

8. Phù bạch huyết có tái phát không?

9. Các vấn đề cần tránh để ngăn rủi ro biến chứng phù bạch huyết?

10. Thời gian bao lâu cần trở lại tái khám?

Phù bạch huyết là bệnh lý nguy hiểm, có thể gây biến chứng nặng nề cho người bệnh. Chính vì thế, chuyên gia khuyến khích bạn nên chủ động đến gặp bác sĩ khi phát hiện cơ thể có biểu hiện nghi ngờ. Tránh trường hợp chủ quan khiến bệnh trở nên nghiêm trọng khó điều trị.