Bệnh Hodgkin

Bệnh Hodgkin là tình trạng ung thư hạch có nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm. Người bệnh khó nhận biết Hodgkin thông qua những biểu hiện thông thường. Nhiều trường hợp nhầm lẫn, điều trị sai cách khiến bệnh tiến triển nặng khó cứu chữa.

Tổng quan

Bệnh Hodgkin còn được gọi với tên là ung thư hạch Hodgkin, u lympho Hodgkin. Đây là một trong những bệnh lý nguy hiểm, khối u ác tính xuất hiện ở hệ bạch huyết khiến bệnh nhân có khả năng tử vong cao. Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc phải bệnh ung thư Hodgkin.

Bệnh Hodgkin
Bệnh Hodgkin là dạng u hạch ác tính có thể gây ra nhiều biến chứng cho bệnh nhân

Theo thống kê, nhóm người nguy cơ cao nhất ở độ tuổi từ 20-40 hoặc trên 55 tuổi. Các dấu hiệu nhận biết bệnh giai đoạn đầu khá mờ nhạt. Khi tiến triển dần, các tế bào ác tính bắt đầu di căn đến các cơ quan lân cận, cơ quan xa trong cơ thể.

U lympho Hodgkin thuộc nhóm ung thư hạch bạch huyết thường gặp nhất. Nếu bệnh nhân phát hiện kịp thời và áp dụng các biện pháp kiểm soát đúng cách có cơ hội kéo dài tiên lượng sống, cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân chủ quan, nhầm lẫn bệnh lý khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

Phân loại

Ung thư hạch Hodgkin ghi nhận đến 10% trong tổng số các trường hợp bị ung thư hạch. Các trường hợp còn lại thường là dạng ung thư hạch không Hodgkin. Người ta phân chia dạng u lympho này thành 2 loại chính:

  • U lympho Hodgkin cổ điển: 95% bệnh nhân mắc u lympho Hodgkin thuộc dạng này. Trong hạch bạch huyết của bệnh nhân tìm thấy một lượng nhỏ các tế bào Reed Sternberg. Chúng được bao quanh bởi những tế bào miễn dịch. Các chuyên gia tiếp tục phân u lympho Hodgkin cổ điển thành các nhóm nhỏ gồm dạng xơ cứng, tế bào hỗn hợp, dạng giàu tế bào bạch huyết và suy giảm tế bào bạch huyết.
  • U lympho Hodgkin dạng nốt: So với u lympho Hodgkin cổ điển, u lypho Hodgkin dạng nốt có tốc độ phát triển chậm. Dạng này thường có xu hướng ảnh hưởng nam giới nhiều hơn nữ giới. Tế bào bất thường phát triển với kích thước lớn, quan sát dưới kính hiển vi hình dạng tương tự như bắp rang bơ. Phương pháp điều trị u lympho Hodgkin dạng nốt sẽ khác biệt so với dạng u lympho còn lại.

Dựa vào dạng tế bào và hành vi tế bào để phân loại ung thư hạch. Thông qua việc xét nghiệm mô hạch bạch huyết các chuyên gia có thể chỉ ra dạng u mà người bệnh đang gặp phải. Điều này góp phần giúp bác sĩ đưa ra chỉ định điều trị phù hợp nhất cho từng đối tượng bệnh nhân.

Phân loại bệnh Hodgkin
Phân loại bệnh Hodgkinc thành 2 dạng chính

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Các nguyên nhân gây bệnh Hodgkin được đưa ra bao gồm:

  • Ảnh hưởng yếu tố tuổi tác: Bệnh nhân có thể mắc Hodgkin ở bất kỳ độ tuổi nào, trong đó phổ biến nhất là nhóm người trẻ. Đối với những trường hợp bệnh nhân cao tuổi mắc Hodgkin thường có tiên lượng xấu hơn những bệnh nhân trẻ tuổi. Theo nhiều thống kê, số bệnh nhân trẻ tuổi có khả năng sống trên 5 năm khi phát bệnh cao hơn so với người lớn tuổi.
  • Ảnh hưởng bởi yếu tố địa lý, xã hội: Một vài nghiên cứu cho thấy tỷ lệ bệnh nhân mắc Hodgkin ở những khu vực trên thế giới có sự khác nhau. Tình trạng u lympho Hodgkin nhân xơ xuất hiện phổ biến ở nước phát triển hơn các nước khác, trong đó trẻ em là nhóm đối tượng mắc bệnh nhiều nhất. Ngược lại, với dạng tế bào hỗn hợp được ghi nhận tại những nước đang phát triển phổ biến hơn. Độ tuổi mắc bệnh Hodgkin dạng tế bào hỗn hợp thường là nam giới thành niên và nhóm người cao tuổi.
  • Nhiễm virus gây bệnh: Nhiều trường hợp ghi nhận bệnh nhân mắc Hodgkin đồng thời có liên quan đến tình trạng nhiễm virus gây bệnh. Virus là tác nhân tăng kích thích tế bào ác tính phát triển ồ ạt. Mặc dù vậy hiện nay chưa có báo cáo chính xác về loại virus gây bệnh Hodgkin. Một số nghiên cứu cho thấy bệnh có khả năng liên quan đến virus làm xuất hiện bệnh bạch cầu đơn nhân hoặc các nhóm virus, vi trùng khác chưa được nhận biết.
  • Yếu tố di truyền: Ngoài các nguyên nhân kể trên, bệnh Hodgkin còn có thể xuất hiện do liên quan đến yếu tố di truyền. Những trường hợp trẻ sinh ra có cha, mẹ mắc Hodgkin thường nằm trong nhóm nguy cơ cao.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng:

Bệnh Hodgkin xuất hiện với những triệu chứng dễ nhầm lẫn. Nhiều trường hợp ghi nhận bệnh ở giai đoạn nặng do bệnh nhân chủ quan, áp dụng sai cách điều trị trong thời gian dài. Chính vì vậy, các chuyên gia đưa ra cảnh báo về bệnh u ác tính Hodgkin. Bệnh nhân cần thăm khám ngay khi nhận thấy triệu chứng không thuyên giảm, xảy ra một cách bất thường.

Thông qua các yếu tố bệnh sử, thăm khám định kỳ, kết hợp xét nghiệm, sinh thiết giúp bác sĩ phát hiện các bất thường bên trong hạch bạch huyết. Những biểu hiện khởi phát ban đầu gây nhầm lẫn với các vấn đề viêm nhiễm do vi khuẩn. Người bị ung thư có thể nhận thấy các triệu chứng bao gồm:

  • Sưng hạch bạch huyết, xuất hiện các khối u dưới da có thể sờ và quan sát bằng mắt thường. Chúng có thể xuất hiện ở vùng cổ, nách, quanh háng,...
  • Phát sốt, thân nhiệt tăng cao đặc biệt là vào ban đêm tuy nhiên không xác định được nguyên nhân gây sốt.
  • Cơn ho dai dẳng kéo dài, kèm theo tình trạng khó thở, ngực đau tức, mệt mỏi.
  • Cân nặng có sự sụt giảm bất thường.
  • Khi người bệnh uống rượu cơ thể có biểu hiện ngứa ngáy khó chịu kèm theo cơn đau đột ngột xuất hiện.

Bệnh nhân có tiền sử mắc ung thư, xuất hiện khối u ác tính đã qua điều trị hóa trị, xạ trị có khả năng bị u hạch Hodgkin cao. Người bệnh cần được theo dõi để kịp thời can thiệp, kiểm soát sự phát triển của tế bào ác tính.

Chẩn đoán
Chẩn đoán tình trạng sức khỏe, giai đoạn bệnh để có chỉ định điều trị phù hợp nhất

Chẩn đoán:

Chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm cần thiết nhằm chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh để có biện pháp điều trị tương ứng. Bao gồm:

  • Phương pháp sinh thiết hạch: Thực hiện sinh thiết trong trường hợp nghi ngờ bệnh nhân bị u hạch. Bác sĩ sẽ lấy một phần mẫu bệnh phẩm xét nghiệm trong phòng thí nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
  • Phương pháp sinh thiết tủy: Tủy xương được lấy và làm sinh thiết để tìm bệnh và tiên lượng cho người bệnh. Đặc biệt áp dụng cho những trường hợp nặng nghi ngờ bệnh nhân đã có sự di căn tế bào ung thư đến tủy xương. Chỉ định cho người có dấu hiệu nặng như thiếu máu, giảm bạch cầu, tiểu cầu, sụt cân, sốt cao,...
  • Xét nghiệm khác: Ngoài các biện pháp sinh thiết nghi ngờ ung thư, bệnh nhân cần thực hiện xét nghiệm máu, phân tích tốc độ lắng máu, xét nghiệm chức năng gan, thận,... Kết hợp chụp X quang ngực, chụp CT bụng, ngực và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh xác định vị trí tổn thương, vị trí khối u.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh nhân mắc Hodgkin có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng. Bởi đây là một trong những dạng ung thư ác tính tại hạch bạch huyết, có khả năng di căn đến cơ quan khác trong cơ thể.

Tuy nhiên ở giai đoạn khởi phát các triệu chứng rất dễ bị nhầm lẫn. Bệnh nhân không điều trị kịp thời hoặc áp dụng các biện pháp can thiệp không phù hợp có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm. Chính vì thế, khi phát hiện triệu chứng kéo dài bất thường, bạn nên chủ động đến gặp bác sĩ.

Trường hợp nhận diện tế bào bất thường sớm, điều trị bằng biện pháp phù hợp giúp kiểm soát sự phát triển và lây lan tế bào ung thư. Bệnh nhân được chăm sóc tốt có khả năng kéo dài tiên lượng sống trên 5 năm. Mặc dù vậy nhiều trường hợp chủ quan dẫn đến tình huống xấu, điều trị khó khiến tiên lượng hạn hẹp.

Không những gây hại cho hạch bạch huyết, tế bào ác tính có thể di căn rộng ra các cơ quan khác làm việc kiểm soát gặp nhiều trở ngại. Để ngăn những rủi ro không mong muốn, mỗi người dân nên chủ động bảo vệ sức khỏe, kiểm tra y tế định kỳ để kịp thời phát hiện ung thư Hodgkin để có cách điều trị tốt nhất.

Điều trị

Để điều trị bệnh Hodgkin, bác sĩ sẽ chẩn đoán, xác định giai đoạn bệnh, loại bệnh bằng biện pháp tương ứng. Mỗi bệnh nhân sẽ có phác đồ điều trị riêng, đảm bảo kiểm soát tốt nhất tế bào ác tính, ngăn chặn rủi ro di căn. Dưới đây là các giải pháp điều trị bệnh ung thư hạch Hodgkin được áp dụng phổ biến:

Điều trị bệnh Hodgkin
Người mắc bệnh Hodgkin được chỉ định điều trị bằng phương pháp phù hợp nhằm kiểm soát tế bào bất thường

  • Phương pháp xạ trị: Tiến hành xạ trị tiêu diệt tế bào ung thư hạch bạch huyết. Đây là phương pháp được áp dụng trong quá trình điều trị ung thư nói chung, không riêng ung thư hạch Hodgkin. Người bệnh sẽ được chiếu tia xạ trị với bức xạ cao, tác động lên tế bào bất thường tại vị trí được xác định trước đó. Xạ trị có thể gây ra một vài tác dụng phụ lên sức khỏe, bệnh nhân sẽ được thông báo trước khi thực hiện.
  • Phương pháp hóa trị: Hóa trị thường được thực hiện cùng với xạ trị hoặc riêng lẻ. Một loại thuốc hóa trị sẽ được đưa vào cơ thể bệnh nhân nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư. Các loại dùng trong điều trị bệnh Hodgkin có thể kể đến như Adriamycin, Bleomycin, Vinblastine, Dacarbazine,...
  • Sử dụng thuốc: Ngoài các phương pháp kể trên, bệnh nhân mắc Hodgkin hạch bạch huyết có thể được chỉ định dùng thuốc điều trị trong thời gian nhất định. Các nhóm thuốc như thuốc Steroid, thuốc điều trị tấn công, thuốc tăng miễn dịch, Brentuximab Vedotin,...
  • Phương pháp ghép tủy xương: Chỉ định ghép tủy cho trường hợp nặng không đáp ứng hóa trị, xạ trị. Người bệnh sẽ được cấy ghép tế bào tự thân hoặc tế bào dị sinh từ người hiến tặng. Mỗi biện pháp sẽ có ưu và nhược điểm riêng. Bệnh nhân sẽ được thăm khám và chỉ định phương pháp can thiệp phù hợp nhất.
  • Điều trị thay thế: Ngoài các cách điều trị bệnh Hodgkin kể trên, người bệnh có thể được tư vấn áp dụng biện pháp thay thế hỗ trợ cải thiện triệu chứng như châm cứu, xoa bóp, tập luyện,...

Khám và can thiệp điều trị bệnh Hodgkin sớm giúp bệnh nhân có nhiều cơ hội kéo dài tiên lượng sống. Không nên chủ quan khi nhận thấy cơ thể có biểu hiện lạ, nhất là khi chúng kéo dài không thuyên giảm. Đến gặp bác sĩ, thăm khám và tuân thủ theo hướng dẫn điều trị để có kết quả tốt nhất, bảo vệ sức khỏe.

Phòng ngừa

Bệnh Hodgkin có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào. Những nguyên nhân gây bệnh đa dạng khiến việc phòng tránh cũng tương đối khó khăn. Các chuyên gia khuyến khích mỗi người nên chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân phòng bệnh Hodgkin cũng như nhiều bệnh lý khác. Một số lưu ý:

  • Loại bỏ những thói quen không lành mạnh, trong đó có thói quen hút thuốc lá, uống bia rượu, đồ uống chứa cồn hoặc chất kích thích khác.
  • Bổ sung các thực phẩm dinh dưỡng, ăn hoa quả tươi, rau xanh có nguồn gốc đảm bảo. Hạn chế ăn nhiều đồ dầu mỡ, đồ ăn chế biến sẵn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm,...
  • Hạn chế sử dụng các hóa chất như thuốc nhuộm, tẩy tóc, sơn móng tay,... Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người khác, đặc biệt là đồ cắt móng tay, dao cạo râu, khăn mặt,...
  • Sử dụng đồ bảo hộ lao động khi làm việc ở môi trường có nhiều hóa chất độc hại.
  • Thường xuyên kiểm tra sức khỏe, các chỉ số của cơ thể. Thăm khám y tế khi có dấu hiệu bất thường.
  • Tập thể dục vừa sức, vận động giúp cơ thể dẻo dai, tăng cường đề kháng cho cơ thể. Không nên thức quá khuya, hạn chế việc bị stress, căng thẳng trong thời gian dài.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Bệnh Hodgkin là bệnh gì?

2. Tôi có thể phát hiện bệnh Hodgkin thông qua triệu chứng nào?

3. Nguyên nhân tôi mắc bệnh Hodgkin là gì?

4. Tôi cần thực hiện xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh Hodgkin?

5. Trường hợp không điều trị bệnh Hodgkin có được không?

6. Sử dụng thuốc có chữa được bệnh Hodgkin không?

7. Khi nào tôi cần hóa trị - xạ trị chữa bệnh Hodgkin?

8. Tôi cần làm gì trong thời gian điều trị để bệnh Hodgkin cải thiện tốt nhất?

9. Tôi có thể gặp phải tác dụng phụ gì khi điều trị bệnh Hodgkin bằng thuốc hay hóa trị, xạ trị?

10. Tôi có cần quay lại bệnh viện tái khám định kỳ không?

Bệnh Hodgkin có khả năng gây ra biến chứng nguy hiểm nếu bệnh nhân không phát hiện và điều trị sớm. Đặc biệt trường hợp nặng, tế bào ung thư di căn khiến người bệnh có tiên lượng sống ngắn. Vì vậy, khi phát hiện cơ thể có dấu hiệu bất thường, tốt hơn hết bạn nên thăm khám sớm để có biện pháp can thiệp khi cần thiết.